Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

M.U - Arsenal: “Nửa hồn thương đau”

CĐV hai đội Arsenal và Manchester United (M.U) đang nghĩ cả thế giới chống lại mình. Những trận gần đây, cả hai đều bị trọng tài xử ép và vì vậy có kết quả rất bất lợi. Trước trận tứ kết Cúp FA trên sân Old Trafford giữa M.U và Arsenal đêm nay, cả hai đều phải bỏ lại phía sau những cú “nhảy dựng” vì trọng tài để tập trung quyết đấu.

HLV Alex Ferguson

HLV Arsene Wenger

M.U hiện đang có phong độ thấp nhất mùa, thua ba trong tổng số năm trận mới đây, trong đó có hai trận thua liên tiếp trước hai đối thủ truyền kiếp Chelsea và Liverpool. Ai không phải CĐV M.U cũng công nhận họ bị trọng tài xử ép khi trong trận thua Chelsea 1-2, trung vệ Luiz của Chelsea đáng ra phải bị thẻ vàng thứ hai và rời sân, cộng thêm một quả penalty M.U đáng được hưởng trên sân Stamford Bridge. Đến trận M.U thua Liverpool 1-3, không ít người phàn nàn cú vào bóng rất hiểm của Carragher làm rách chân Nani đến tận xương nhưng trung vệ Liverpool chỉ bị phạt thẻ vàng ở Anfield.

Nhiều người nói M.U bị xử ép cũng đáng vì họ đã được ưu ái quá nhiều. Trước đây, hễ M.U đang bị dẫn trước là trọng tài cho đá bù giờ rất nhiều, họ cũng được hưởng nhiều quả phạt không xứng đáng và mới đây vụ Rooney đánh nguội đối phương được dễ dàng cho qua. Thêm vào đó, HLV Ferguson vốn khét tiếng hay chỉ trích trọng tài và gần đây có hành động rất trẻ con là không nói chuyện với giới báo chí để gây sức ép.

Riêng Arsenal gần đây cũng nhiều phiền muộn. Trận gặp Sunderland trên sân Emirates, Arshavin bị đối phương xô chúi nhủi trong vòng cấm nhưng Arsenal không được hưởng quả phạt đền. Cũng chính tiền vệ người Nga sau đó sút tung lưới đội khách nhưng bàn thắng không được công nhận vì trọng tài biên căng cờ việt vị.

Sân Emirates là một trong số những sân có màn hình lớn bên trong, sau những tình huống nguy hiểm hoặc bàn thắng đều có những pha quay chậm để khán giả ngồi trên khán đài có thể xem lại. Tuy nhiên, những tình huống có khả năng gây tranh cãi không bao giờ được chiếu lại để tránh khán giả bức xúc gây hấn. Vì vậy CĐV Arsenal trên sân và cả ông Wenger vẫn ngây thơ không biết mình bị xử ép tới khi về đến nhà.

“Con giun xéo lắm cũng quằn”, sau một thời gian nín nhịn, HLV người Pháp đã tức tối lời qua tiếng lại với trọng tài bắt chính trận Arsenal gặp Barcelona trên sân Nou Camp giữa tuần qua, sau khi Van Persie bị thẻ vàng thứ hai phải rời sân vì đá bóng trong khi trọng tài đã thổi còi việt vị. Tôi trộm nghĩ nếu ai như vậy cũng bị thẻ vàng thì Filippo Inzaghi của AC Milan và tuyển Ý mỗi trận chỉ ra sân năm phút sẽ bị đuổi ngay.

Trở lại với sân Old Trafford đêm nay, Arsenal đang gặp khủng hoảng thủ môn trầm trọng. Fabianski và Szczesny chấn thương, thủ môn dự bị Shea đang cho CLB Southampton mượn. Nếu Almunia có “mệnh hệ” gì trong trận gặp M.U, một trong số thủ môn vị thành niên trong đội hình trẻ chưa có kinh nghiệm trận mạc sẽ phải thay.

Một trong những lần gặp gỡ gần đây nhất giữa hai đội ở Cúp FA, các pháo thủ thắng M.U trong trận chung kết 2005 sau lượt đá luân lưu, bình luận viên John Motson kênh truyền hình BBC có câu nói bất hủ trong khi các cầu thủ đang làm thủ tục xếp hàng bắt tay nhau trước khi bóng lăn: “Tôi dám cá Roy Keane và Patrick Viera sẽ không nhìn vào mắt nhau” (trong một trận trước đó hai đội trưởng này đã xô xát trong đường hầm khiến các cầu thủ khác phải can, một chuyện khá hi hữu vì đội trưởng đúng ra phải là người can).

Trước trận tứ kết FA Cup này, không biết hai đội trưởng thế nào chứ tôi dám cá hai ông Wenger và Ferguson sẽ không nhìn vào mắt nhau. Và họ có lẽ cũng không nhìn vào mắt trọng tài. Vì vậy chắc hai ông chỉ “nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau” trước tình hình đột nhiên bi đát của mình.

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Giấc mơ hoàn hảo trên sân Nou Camp

Vé xem trận lượt về vòng 1/16 Champions League giữa Arsenal và Barcelona (*) gần như hết ngay sau khi có kết quả bốc thăm hai đội gặp nhau. Một phần vì trận này luôn hứa hẹn hấp dẫn với lối đá tấn công, phần khác dân Anh thích đi Barcelona chơi.

Thành phố với kiến trúc đẹp, bãi biển dài và thức ăn ngon này luôn nằm trong nhóm dẫn đầu những điểm đến được yêu thích kể từ sau năm 1992.

Tiền vệ đội Arsenal Alex Song (trái) và Messi trong trận lượt đi trên sân Emirates - Ảnh: Reuters
Nếu Barcelona chuyển mình từ vị thế một thành phố công nghiệp không có gì khởi sắc thành điểm du lịch nổi tiếng sau khi làm chủ nhà Thế vận hội Olympic 1992, thì đội bóng Barcelona cũng chuyển mình thoát khỏi cái bóng khổng lồ của Real Madrid để đến đầu thế kỷ 21 trở thành CLB vào bậc nhất thế giới.

Trở lại với trận Arsenal đến làm khách trên sân Tây Ban Nha rạng sáng mai, tuy không ai muốn chạm trán Barcelona quá sớm như vậy nhưng cũng rất vui vì sắp được chứng kiến một trận cầu đẹp. Trận lượt đi trên sân Emirates đã cống hiến cho các tín đồ bóng đá một bữa tiệc với những pha bóng chính xác, những đường tấn công dồn dập của cả hai bên trong 90 phút thi đấu nghẹt thở với tỉ số 2-1 nghiêng về Arsenal.

Trận đấu làm tôi nhớ đến bài hát Barcelona của Olympic 1992, do ca sĩ opera Tây Ban Nha Montserrat Caballé song ca cùng Freddie Mercury, thành viên hát chính trong nhóm nhạc Queen của Anh (ở VN được biết đến nhiều với bài Chúng ta là những nhà vô địch).
Barcelona...
Tôi đã có một giấc mơ hoàn hảo
Giấc mơ ấy là bạn và tôi
Tôi muốn cả thế giới nhìn thấy
Một cảm giác huyền diệu
Dẫn lối và tạo nguồn cảm hứng.
Chữ “you” trong bài có thể hiểu là “bạn”, chỉ thành phố Barcelona, hoặc “em” vì lời bài hát được sáng tác như một bản tình ca bằng hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha.

Đêm nay bài hát sẽ được viết tiếp bằng 22 chàng trai trên sân Nou Camp dù cả hai đội đều vắng những cầu thủ trụ cột. Arsenal mất nhiều hơn với Van Persie và Walcott chắc chắn không ra sân vì chấn thương, còn Song và Fabregas chỉ đến trước trận đấu mới biết có đá được hay không.

Barcelona tuy không đến nỗi “tơi tả” như các đồng nghiệp bắc London nhưng cũng mất hai trung vệ chính: đội trưởng Puyol bị chấn thương còn Pique bị treo giò sau trận lượt đi. Đội bóng đang dẫn đầu La Liga sẽ phải cho Mascherano (cầu thủ bị các CĐV Liverpool ghét ngon ghét ngọt vì rời đội bóng một cách tệ bạc vào đầu mùa) đá chính trong trận này, còn tiền vệ Busquets lùi về thi đấu vị trí trung vệ.

Những trận gần đây Arsenal không được khởi sắc cho lắm, ngoài trận thắng 5-0 trước đội đàn em Leyton Orient ở Cúp FA, các pháo thủ chỉ ghi được hai bàn trong số ba trận còn lại, đủ thắng Stoke 1-0 và hòa thất vọng trước Sunderland đều trên sân nhà. Cú sốc lớn nhất đến từ việc thua đội dưới cơ Birmingham 1-2 ở chung kết Carling Cup, làm người ta càng nghi ngờ khả năng giành bất cứ cúp nào của Arsenal.

Trong khi đó ở La Liga, Barcelona hơn đội đứng nhì Read Madrid đến 7 điểm sau hai kết quả thắng nhẹ nhàng cùng tỉ số 1-0 để dưỡng sức cho trận sinh tử với Arsenal.

Bài hát Barcelona đề cập ở trên có đoạn:
Bây giờ giấc mơ của tôi đã dần biến thành hiện thực
---
Ước sao giấc mơ ấy đừng bao giờ biến mất
Barcelona
Đó là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau
Barcelona
Làm sao tôi có thể quên
Khoảnh khắc em bước vào phòng
Em làm tôi ngừng thở
Nếu theo ý Thượng đế, chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau
Barcelona
Barcelona.
GIÁNG UYÊN

(*) Trận Barcelona - Arsenal (lượt đi Arsenal thắng 2-1) trong khuôn khổ lượt về vòng 1/16 Champions League sẽ được THTT trên kênh VTV3 và K+1 lúc 2g45 ngày 9-3.

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

“Frank ù” trở lại

Khi Frank Lampard đứng trước chấm phạt đền phút 79 chuẩn bị đá, tôi nghĩ đến những ồn ào gần đây xảy ra với Chelsea. Khoản tiền khổng lồ bỏ ra cho Torres; tranh luận về việc hàng tiền đạo vướng chân nhau; Drogba vùng vằng đòi phải được chơi trận gặp Manchester United này, nếu không sẽ rời CLB; Anelka - vua phá lưới Giải ngoại hạng hai năm trước - có khả năng phải ra đi trong chiến dịch cải tổ CLB...

Frank Lampard - Ảnh: Getty Images
Trong những tranh luận đó không nhắc đến Frank Lampard, vị trí của anh ở Chelsea từ khi là cầu thủ trẻ 22 tuổi đến từ West Ham gần như không thể bàn cãi.

Lampard thường bị gọi là “Fat Frank” (“Frank ù”) vì ngoại hình khá tròn trịa của mình. Lần đầu tiên tôi đến sân xem anh thi đấu, CĐV đối thủ xung quanh hay trêu chọc anh và hát bài “Ai ăn hết bánh vậy?”, ý nói Lampard suốt ngày ăn bánh nên mới mập. Tôi hỏi: “Sao chọc người ta tội vậy?”, anh bạn người Anh đi chung với tôi nói: “Tội gì? Ổng... giàu thấy mồ!”.

Câu trả lời của anh bạn dù không ăn nhập gì nhưng lại là điều CĐV đối phương không thích về Lampard. Trong khi các cầu thủ phần lớn phải bươn chải, “vươn lên từ tuổi thơ khốn khó” thì Lampard là con nhà giàu đúng nghĩa, được học một trong những trường tư đắt giá nhất ở Anh.

Cha anh (cũng tên Frank Lampard) là cựu cầu thủ tuyển quốc gia Anh và West Ham, cũng là trợ lý HLV West Ham thời Lampard đá cho CLB phía đông London này những năm cuối thập niên 1990, vì vậy ai cũng cho rằng Lampard nhờ cha mới được đá chính.

Phong độ ổn định của tiền vệ này từ khi sang Chelsea cũng như cho tuyển Anh đã làm những người dù nghi ngờ khả năng của anh đến mấy cũng phải công nhận anh là một nhân tố không thể thiếu. Riêng với tôi, những gì liên quan đến Lampard trên sân cỏ luôn gắn liền với những bi kịch.

Một lần, anh đá thành công quả penalty trước Croatia cho tuyển Anh trong trận cuối cùng của vòng loại Euro 2008 nhưng sau đó Anh vẫn thua 2-3 và bị loại khỏi Euro. Lần khác vào mùa hè năm ngoái, pha ghi bàn rõ mồn một của anh vào lưới Đức cả thế giới công nhận đã vượt qua vạch vôi ngoại trừ trọng tài, tuyển Anh sau đó thua tan tác rời World Cup.

Mới tuần trước, bàn thắng đẹp trong hiệp phụ của “Frank ù” cho Chelsea làm CĐV áo xanh tưởng chắc mẩm một suất vào vòng trong Cúp FA, nhưng Everton đã gỡ hòa vào phút cuối rồi thắng ở lượt đá luân lưu.

“Bi kịch” hay không những quả penalty của Chelsea và tuyển Anh vẫn dành cho Lampard, dù đội hình cả hai nơi đều không thiếu ngôi sao chuyên đá phạt thành công. Sự điềm tĩnh và khả năng dứt điểm mạnh mẽ, chính xác của anh luôn tạo niềm tin và sẽ là những điều người hâm mộ nhớ về Lampard khi anh không còn thi đấu.

Khi “Frank ù” Lampard cất tiếng trở lại, CĐV Chelsea lại nhen nhóm những tia hi vọng trong cuộc đua giành ngôi vô địch.
HLV Ferguson nổi cáu với trọng tài
Chiến thắng 2-1 trước Manchester United (M.U) đã giúp Chelsea thu ngắn khoảng cách với M.U còn 12 điểm (Chelsea 48 điểm, M.U 60 điểm).
HLV Alex Ferguson đã chỉ trích trọng tài điều khiển trận đấu Martin Atkinson dữ dội, nhất là tình huống ông Atkinson cho đội Chelsea được hưởng quả phạt đền phút 79.
Trước đó, Rooney mở tỉ số cho đội khách M.U phút 29 và D.Luiz thực hiện bàn gỡ 1-1 cho Chelsea phút 54.

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Khúc hát thiên nga của Chelsea

Nếu chỉ nhìn vào bảng xếp hạng hiện tại, nhiều người đồng ý với ông Ferguson khi cho rằng Chelsea đã hết hi vọng giành chức vô địch năm nay khi đang xếp thứ năm, ít hơn đội dẫn đầu Manchester United (M.U) đến 15 điểm.

Anelka (trái) và Torres được kỳ vọng sẽ giúp Chelsea có điểm - Ảnh: AFP

Dù Chelsea đá ít hơn một trận, đây cũng là một khoảng cách quá lớn khi mùa bóng đã bước vào giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, trận đấu rạng sáng mai giữa Chelsea và M.U trên sân Stamford Bridge có thể cho người hâm mộ bóng đá thấy một “khúc hát thiên nga” của đội đương kim vô địch trước đối thủ M.U.

Chelsea hiện đang bị dồn vào đường cùng. Những cầu thủ thuộc thế hệ vàng của Chelsea với bộ tứ Terry, Lampard, Ashley Cole và Drogba đều ở độ tuổi “băm” và chững lại thấy rõ, chấn thương cũng lâu lành hơn thời trai trẻ. Nội bộ gần đây lại hơi lủng củng vì Torres mới về được trả lương quá cao (ngoại trừ Terry vào thời hoàng kim đã ký được hợp đồng với Chelsea, trong đó có điều khoản trung vệ người Anh này luôn được đảm bảo mức lương ít nhất bằng cầu thủ được trả lương cao nhất của Chelsea).

Trong khi đó, M.U đang hưng phấn sau chiến thắng tưng bừng 4-0 trước Wigan. Tiền đạo trẻ người Mexico Hernandez hiện đang muốn chứng tỏ mình để có được vị trí trong đội hình chính và có phong độ rất tốt, với 9 bàn thắng chỉ trong 17 trận mùa này. Nani rất khởi sắc, gần như tuần nào cũng ghi bàn đều đặn và xứng đáng là nhạc trưởng của “quỷ đỏ”. Berbatov tuy không chơi nhiều nhưng vẫn tạm dẫn đầu danh sách vua phá lưới của giải.

Dấu hỏi duy nhất đến thời điểm này là việc Rooney có khả năng bị cấm thi đấu ba trận do lỗi thúc khuỷu tay vào McCarthy cuối tuần qua. Trước trận đấu, số phận của Rooney sẽ được định đoạt bởi bản báo cáo của trọng tài và Liên đoàn Bóng đá Anh. Nếu anh bị cấm, M.U sẽ khá lận đận vì sau chuyến đi đến Stamford Bridge còn nhiều trận quan trọng nữa.

Quay trở lại Chelsea, hiện các CĐV đội bóng áo xanh đang nhìn về sân Reebok nơi Bolton thi đấu với ánh mắt tiếc nuối. Tiền đạo 21 tuổi người Anh Sturridge chưa được vào đội hình ra quân của Chelsea trong suốt mùa, hiện đang được cho Bolton mượn tạm và thi đấu rất khởi sắc cho đội bóng miền bắc với bốn bàn ghi được chia đều cho bốn trận tại giải ngoại hạng. Nhiều người nói đùa đáng lẽ ông Ancelotti nên cho Bolton mượn... Drogba và giữ Sturridge đá chính mới đúng.

Hiện Drogba đang phục hồi từ cữ sốt rét sau chuyến đi châu Phi cuối năm qua, nhưng ngay cả khi không bệnh bộ đôi Drogba - Torres vẫn thi đấu khá lập cập và không ăn ý. Phân tích cho thấy cả hai dù đá hai vị trí khác nhau nhưng xuống bóng và giành bóng trong khu vực cấm địa của đối phương với vị thế như nhau, vì vậy sẽ tự đụng độ và làm rối những pha tấn công của Chelsea. Khi một trong hai người đá với Anelka thì có kết quả tốt.

Ngụ ngôn Aesop kể về việc ông nông dân vào chuồng bắt ngỗng làm thịt đãi khách, đêm tối bắt nhầm thiên nga. Biết mình sắp chết, thiên nga chưa bao giờ hát trước đây lúc đó mới vươn cổ cất tiếng hát ai oán và kiêu hùng, nhờ vậy ông mới biết đó là thiên nga và thiên nga thoát chết.

Trước trận đấu, trang web chính thức của Chelsea đã đưa ra những thông tin như để trấn an tinh thần đội bóng và các CĐV, chẳng hạn như: “M.U chưa thắng trận nào ở Stamford Bridge dưới thời Abramovich”. Hơn lúc nào hết, Chelsea cần một trận thắng để giành ba điểm quý giá từ đối phương. Để giữ hi vọng giành ngôi vô địch và cho thế giới thấy mình là thiên nga, không phải gà vịt ngỗng, Chelsea chỉ có cách duy nhất là chiến thắng.

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Mãn nhãn “Barsenal”

Trong một phút hưng phấn khi theo dõi và bình luận trận đấu Arsenal-Barcelona lượt đi vòng 1/16 Champions League, bình luận viên Đài BBC đã “líu lưỡi” khi gọi các cầu thủ trên sân là... Barsenal. Sau đó anh tự bào chữa cho đỡ quê: “Ha ha, tôi nói lộn thành Barsenal. Mà cũng có lý đó chứ. Barsenal”.

Arshavin ăn mừng bàn ấn định 2-1 vào lưới Barca - Ảnh: AFP
Quả thật, trận đấu giữa hai đội được giới hâm mộ châu Âu xem như trận chung kết sớm, vì tuy Barca những năm gần đây có nhiều thành tích vang dội hơn Arsenal nhưng phong cách bóng đá của hai đội rất giống nhau, có chung lý tưởng đào tạo cầu thủ trẻ. Vì vậy các CĐV gọi đây là trận đấu Arsenal đá với Arsenal, hoặc Barca đá với Barca.

Chính HLV Guardiola của Barca, hiện là đội bóng ai cũng muốn “né”, cũng nói: “Tôi thích xem Arsenal chơi nhưng không thích là đối thủ đá với Arsenal. Họ không có lối đá nhường bóng như các đội khác”.

Cả hai đều có chung phong cách kỹ thuật, dồn vào nửa sân của đối phương, không cho đối phương có bóng mà tận dụng những đường chuyền bóng chính xác, sau khi ghi bàn vẫn tiếp tục tấn công dồn dập chứ không lùi lại. Lối đá đó được Barca áp dụng rất thành công trong hiệp một, khi các “pháo thủ” bắc London “tả tơi hoa lá” trước đẳng cấp đội khách.

Tiền vệ đội Arsenal Cesc Fabregas chính là tâm điểm của trận đấu vì anh đang được Barca săn lùng dữ dội. Nhưng xem hiệp một, tôi tự hỏi không biết Barcelona muốn Fabregas làm gì. Hàng tiền vệ của họ chính xác và điêu luyện như một trò chơi điện tử, nếu Fabregas về đội Barca sẽ thay ai? Không chỉ hàng tiền vệ, cả 11 cầu thủ đội bóng xứ Catalan đều là những hình ảnh kinh điển của bóng đá đẹp.

Trước trận đấu, trả lời phát biểu báo chí Pháp, tiền vệ Nasri của Arsenal nói: “Messi là một thần đồng nhưng tôi không sợ anh ấy. Chúng tôi không nên chỉ tập trung vào Messi. Barca là một tập thể: Xavi, Iniesta, Villa, Pedro... Nếu có kế hoạch kèm mỗi Messi thì chỉ vô ích”, và nói “pháo thủ” sẽ “không phải là một Arsenal ngây thơ của mùa bóng năm trước nữa”.

Tiếc thay trong hiệp một Arsenal vẫn là một Arsenal “ngây thơ”. Việc Villa ghi bàn vào phút 26 là một kết quả tất yếu, CĐV Arsenal thở phào nhẹ nhõm khi tiếng còi kết thúc hiệp đấu đầu tiên cất lên và tỉ số chỉ là 1-0 nghiêng về đội khách chứ không phải 3-0, 4-0.

Đến tận bây giờ không ai biết có phải ông Wenger cố ý để hiệp một diễn ra như vậy không, vì sau giờ giải lao Barca đã chậm đi thấy rõ và không giữ được sức thi đấu dồn dập suốt 90 phút.

Trong một hiệp hai khởi sắc, Van Persie đã tận dụng sai lầm của thủ môn Valdes sút vào góc hẹp gỡ hòa 1-1, trước khi Arshavin, gần đây bị chỉ trích vì phong độ xuống thấp, nhận đường chuyền của Nasri bắt nguồn từ pha tấn công của Fabregas sút tung lưới nâng tỉ số lên 2-1 chỉ năm phút sau.

Sau chiến thắng bất ngờ, ông Wenger cũng rất dè dặt và nói Arsenal là đội yếu hơn, nhưng “điều quan trọng là niềm tin chúng tôi có một cơ hội. Barcelona vẫn là kèo trên trong việc giành quyền vào tứ kết, nhưng bây giờ chúng tôi biết mình có khả năng thắng họ”.

Dù đội nào đi tiếp sau trận lượt về ở thủ phủ xứ Catalan đầu tháng 3, các CĐV khắp thế giới cũng sẽ được mãn nhãn một trận “Barsenal” nữa tại Nou Camp.
Bên lề
* Tiền vệ Samir Nasri (Arsenal) được báo điện tử Goal.com bình chọn là “Cầu thủ xuất sắc nhất” ở trận Arsenal thắng Barcelona 2-1. Hãng tin BBC nhận định chiến thắng của Arsenal trước Barcelona là một “cú sốc”.
BBC
* HLV Arsene Wenger (Arsenal) nói rằng đêm qua là “đêm đặc biệt” của Arsenal và ông hứa Arsenal tiếp tục trình diễn thứ bóng đá tấn công đẹp mắt ở trận lượt về làm khách tại sân Nou Camp của Barcelona.
Goal.com
* HLV Pep Guardiola (Barcelona) rất tiếc nuối sau khi Barcelona để thua Arsenal 1-2 dù đã dẫn bàn trước. Trả lời phỏng vấn của ITV, ông Guardiola cho biết: “Đó là một kết quả đáng tiếc, nhưng chúng tôi vẫn còn trận lượt về và rất nhiều cơ hội đi tiếp”.
Marca
GIÁNG UYÊN (London)

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Duyên nợ Arsenal - Barca

Thủ thành Lehmann bị thẻ đỏ nhưng Arsenal đang dẫn trước 1-0”. Anh bạn Edward từ đâu chạy lại hớt hải thì thào với tôi đang đứng ở cửa ngóng “tin nhạn” vào giờ giải lao. Hai đứa tôi nhìn quanh, rồi lén kéo sáu người còn lại chuồn khỏi hội nghị một cách êm thấm, ra ngoài kiếm quán có trực tiếp xem trận chung kết Champions League.

Robin van Persie (trái) và Fabregas sẽ là hai nhân vật đáng chú ý trong đội hình Arsenal - Ảnh: AFP
Mùa hè năm 2006 tôi ở trong đoàn đại biểu đến từ Anh tham gia hội nghị tại Thụy Sĩ, đất nước cảnh vật dễ hớp hồn người, đẹp đến nỗi “làm người ta mất tự chủ” (như nhà văn Anh Somerset Maugham đã viết về Thụy Sĩ vào Thế chiến thứ hai), lại hiếu khách và chu đáo nhưng phiền một nỗi không mê bóng đá cho lắm. Vì vậy đêm chung kết Champions League phía chủ nhà lại bắt đoàn ngồi nghe phát biểu rồi sau đó ăn tiệc, làm đoàn Anh ruột nóng như lửa đốt.

Cả tám người trong số chúng tôi tuy là CĐV nhiều CLB khác nhau nhưng đêm đó cùng quyết tâm sẽ cổ vũ Arsenal là đại diện cuối cùng của giải ngoại hạng. Sau khi Edward lén ra ngoài nghe ngóng rồi thông báo tình hình, chúng tôi chạy hụt hơi kiếm nơi xem.

Mới đây mà đã gần năm năm. Đêm đó Barcelona lội ngược dòng thắng Arsenal 2-1, tội nghiệp nhất là chàng tiền vệ người Pháp R. Pires: trận đấu cuối cùng tạm biệt Arsenal của anh kết thúc sớm vì anh bị thay ra từ phút thứ 20 bằng thủ môn dự bị Almunia do Lehmann bị đuổi.

Từ đó đến nay, hai đội như có duyên nợ gặp nhau thêm hai lần vào lượt trận tứ kết năm ngoái, khi họ hòa 2-2 trận lượt đi trên sân Emirates. Sau khi Barcelona dẫn trước 2-0, tiền vệ Theo Walcott vào sân thay người trong vòng hai phút với tốc độ nhanh nhẹn thường thấy đã ghi bàn rút ngắn tỉ số, trước khi Fabregas sút thành công quả phạt đền gỡ hòa vào những phút cuối trong trận đấu mà HLV Guardiola của Barcelona nói đây là hiệp đấu hay nhất ông từng xem trong đời.

Đến trận lượt về trên sân Nou Camp, cách biệt về đẳng cấp của hai đội mới lộ rõ, khi Barcelona thắng 4-1 với cả bốn bàn của Messi. Những CĐV Arsenal dù thiên vị đội nhà đến mấy cũng phải phục Barcelona thắng xứng đáng, vì đội bóng bắc London so với đối thủ xứ Catalan trong trận đó giống như những cậu bé so với những người đàn ông trưởng thành.

Khi Messi đoạt danh hiệu quả bóng vàng thế giới, HLV Wenger đã khen ngợi: “Messi giống như Play Station”, ý nói tiền đạo người Argentina chơi hay đến nỗi giống như một trò chơi điện tử được lập trình tinh tế chứ không phải người bình thường.

Trong trận chung kết Champions League năm 2006, tiền đạo Robin van Persie ngồi ghế dự bị không được vào sân phút nào, và cả hai trận năm ngoái “Robin trùm mền” chấn thương cũng không được thi đấu. Tuy nhiên phong độ hiện nay của tiền đạo Hà Lan đang rất khởi sắc, anh là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất Giải ngoại hạng từ đầu năm đến nay với 10 bàn chỉ trong sáu tuần.

Chamakh vốn đang bị thất sủng từ khi Van Persie trở lại (ban đầu Chamakh được nghỉ ngơi vì đá quá nhiều vào nửa đầu mùa bóng nhưng ngay cả khi đã “lại sức” vẫn chỉ là cầu thủ dự bị do Van Persie đá quá tốt) cũng nói: “Van Persie đang đi trên nước. Tôi hoàn toàn ý thức được vị trí dự bị của mình”, và dự đoán Van Persie sẽ làm nên chuyện trước Barcelona.

Trận cầu “duyên nợ” Arsenal - Barcelona(*) rạng sáng mai hứa hẹn lối chơi bóng ngoạn mục làm mãn nhãn các CĐV yêu bóng đá trên khắp hành tinh.

GIÁNG UYÊN (London)
__________

(*) Trận Arsenal - Barcelona trong khuôn khổ lượt đi vòng 1/16 Champions League sẽ được kênh VTV3 và K+ THTT 2g45 ngày 17-2.

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Yêu không oán trách

Trước trận derby thành Manchester đêm nay, các CĐV Man United (M.U) và Man City (M.C) dành riêng “nỗi niềm” cho Rooney và Tevez: “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi” sau khi hai cầu thủ này viện đủ lý do để rời CLB và chỉ ở lại khi được đáp ứng yêu cầu tăng mức lương dội trần vào cuối năm qua.

Tevez (trái) sẽ là tâm điểm của trận đấu - Ảnh: AFP
Nếu là người hâm mộ bóng đá Anh, chắc hẳn bạn đã biết vụ Rooney đòi rời M.U với lý do anh thấy đội bóng áo đỏ “không đủ tham vọng”. Ngay cả HLV Alex Ferguson vốn cứng rắn cũng phải “xuống nước” với Rooney, rồi tăng lương cho tiền đạo này. Sau khi được tăng lương (được cho vào khoảng 200.000-250.000 bảng Anh/tuần), không thấy Rooney nói năng gì nữa.

Tevez có lẽ “nóng mặt” với đồng nghiệp phía nam thành phố Manchester nên gần như ngay sau đó anh cũng đệ đơn đòi rời khỏi M.C. Lý do đội bóng “không đủ tham vọng” đã được Rooney xài nên anh viện lý do khác nghe rất “hoàn cảnh” là muốn được sống gần hai con gái nhỏ ở Argentina (vợ chồng Tevez ly thân và vợ giành được quyền nuôi con). Sau khi Tevez được tăng lương, trở thành cầu thủ cao giá nhất giải ngoại hạng với mức 286.000 bảng Anh/tuần, hai con gái nhỏ của anh vẫn sống ở Argentina nhưng không thấy anh nhắc tới, cũng có thể vẫn nhớ nhưng để trong lòng chăng?

Đây có lẽ là năm cuộc đua giành chức vô địch hấp dẫn nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi từ đầu mùa tới giờ có đến năm đội đua tranh dữ dội và mới đây có thêm phượng hoàng Liverpool hồi sinh từ tro tàn. Bởi vậy cả hai đội bóng lớn ở Manchester đều muốn giữ lại những cầu thủ giỏi để nuôi tham vọng nâng cúp vào tháng 5. Nhưng điều làm người hâm mộ ngạc nhiên là việc các CĐV không xem chuyện cầu thủ làm mình làm mẩy là một điều đáng trách, mà vẫn tiếp tục ủng hộ những người đã gần như phản lại mình.

Tình yêu bóng đá là một thứ tình “không than van và không trách oán”, như lời bài hát Kiếp đam mê của Duy Quang. Thật khó hiểu một đất nước như Anh, chính khách phạm một lỗi lầm dù nhỏ đến mấy cũng bị nói không ra gì, tỉ lệ ly dị của các cặp vợ chồng nằm trong số cao nhất thế giới, thỉnh thoảng không hài lòng với công việc lại tổ chức đình công. Thế nhưng tình yêu dành cho các CLB bóng đá lại gần như mù quáng và nghiệt ngã.

Trở lại với trận derby cuối tuần này, lần cuối cùng hai đội Manchester gặp nhau trong cuộc đua giành chức vô địch giải diễn ra đã rất lâu, từ năm 1968 (vì sau đó M.C chỉ là một đội hạng trung, không bao giờ là đối thủ đáng gờm của “quỷ đỏ”). Năm đó M.C thắng 3-1 và giành luôn chức vô địch lần thứ hai, cũng là lần cuối cùng cho đội bóng áo xanh nên họ cần một trận thắng tương tự để nuôi hi vọng giành cúp lần ba.

Tevez hiện đang đá lên chân với hat-trick cuối tuần qua vào lưới West Brom và vừa phát biểu cách đây vài ngày: “Tôi không nghĩ có ai khác yêu chiếc áo này hơn tôi”, như thể sợ tình cảm của mình với màu áo xanh bị nghi ngờ. Trong khi đó, chủ nhà M.U có thành tích sân nhà tốt nhất giải, thắng toàn bộ các trận trên sân Old Trafford và chỉ phải chia điểm với duy nhất West Brom. Tinh thần “quỷ đỏ” đang chao đảo do vừa thua đội đàn em Wolves ở vòng 26 nên họ cũng cần một trận thắng để lấy lại tinh thần.

Đêm nay hàng triệu CĐV hai đội sẽ hướng về Manchester, cầu mong Rooney và Tevez “tôi xin người cứ gian dối nhưng xin người đừng lìa xa tôi” và hãy ghi bàn, còn bản thân tôi lại không hứng thú xem trận đấu mà sẽ đắp mền đọc truyện Jane Austen, chờ hai tiếng sau theo dõi những trận khác vui hơn.