Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2004

Đi tìm dấu vết The Beatles

TTCN - Trong cuốn sổ tay du lịch tôi được tặng trước khi sang Anh du học, phần viết về Liverpool chỉ có hai hình minh họa, trong đó một vẽ bốn chàng trai trong ban nhạc huyền thoại The Beatles. Chừng đó đủ biết Fab Four - tên gọi thân mật của The Beatles - có ý nghĩa như thế nào đối với thành phố cảng miền Bắc nước Anh này.

Tứ quái nhìn bởi họa sĩ David O’Keeffe
Đó là một ngày đầu thu. Mùa thu ở Anh, đặc biệt là ở miền bắc, rất lạnh nhưng tôi hăm hở dậy thật sớm đón một trong những chuyến xe sớm nhất trong ngày để khám phá Liverpool và cảm nhận không khí Beatles trọn vẹn. Quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi vặn Đài Virgin Radio, sau những bản nhạc rock quen thuộc trong tháng (một anh bạn bảo mới nghe Virgin Radio rất thích vì nhạc hay, nhưng sau vài ngày rất dễ... nổi điên vì cứ nghe đi nghe lại những bài hát y chang vậy), tôi tỉnh ngủ hẳn khi nghe giọng John Lennon: “Tất cả những nơi ấy đều có những khoảnh khắc riêng với những người yêu và bạn bè tôi vẫn còn nhớ... Nhưng tất cả những bạn bè và người yêu ấy đều không thể so sánh với em” (In my life). Virgin Radio rất hiếm khi chơi The Beatles, thế mới lạ.

Biểu tượng Liverpool với tứ quái The Beatles
Đến Liverpool vào tháng chín quả không đúng lúc vì Hội nghị quốc tế về The Beatles đã diễn ra một tháng trước đó, còn Liverpool Mow - lễ hội âm nhạc hằng năm với những ban nhạc địa phương có triển vọng - lại được tổ chức vào tháng mười. Nhưng không khí âm nhạc vẫn tràn ngập thành phố rộn rã này, trong dòng người tấp nập đi mua sắm ngày cuối tuần, trong những cửa hiệu bán nhạc cụ bên đường, và ngay cả trong những góc phố khuất nẻo ít ai để ý đến.

Giọng Liverpool rất khó nghe, ngay cả đối với người Anh đến từ những vùng khác. (Giống như người Sài Gòn lần đầu đi Huế rất dễ kêu trời vì không hiểu người Huế nói gì). Được một người địa phương nhiệt tình chỉ cặn kẽ đường đến quảng trường thành phố, và với tấm bản đồ trong tay tôi hoang mang với một mớ rối rắm những từ địa phương và cách phát âm đặc trưng Liverpool nghe câu được câu mất.

Cuối cùng tôi cũng đến được quảng trường thành phố, quả không uổng công lặn lội. Quảng trường đầy nắng và tràn ngập những nốt nhạc réo rắt của những nghệ sĩ lang thang. Ở đó tôi nghe lại những ca khúc The Beatles quen thuộc And I love her, Hey Jude... và bản nhạc tôi rất thích mà đã nhiều năm không nghe lại “Tôi yêu em tám ngày mỗi tuần... Tám ngày mỗi tuần cũng không đủ chứng tỏ tôi quan tâm đến chừng nào...” (Eight days a week). Bài hát làm tôi mỉm cười.

Bức tượng Dooley với câu “Bốn gã trai làm rung chuyển thế giới”
Mặc dù rất muốn ngồi nán lại nghe thêm các giai điệu của Fab Four, tôi quyết định đi thăm những nơi khác ở Liverpool. Trên bản đồ một địa điểm được đánh dấu với cái tên “Câu chuyện The Beatles” ở cảng Albert. Tôi hỏi người đàn ông trung niên có khuôn mặt vui vẻ ngồi nghe nhạc cùng bậc thềm. Thật may mắn, ông không nói giọng Liverpool, và may hơn nữa ông cũng muốn đến cảng Albert thăm bảo tàng nghệ thuật thành phố ở gần đó.

Trên đường đi, tôi hỏi: “Sao giọng Liverpool khó nghe nhưng giọng The Beatles lại dễ nghe vậy!”. Ông cười xòa: “Phải đổi chút ít chứ, ai lại mang giọng địa phương đặc sệt vào âm nhạc hiện đại. Nhưng đời thường Fab Four vẫn nói giọng Liverpool đấy. À, đường này rẽ vào Cavern Club, cô có muốn vào cho biết không?”.

Trong cuốn guidebook có viết về Cavern Club, nơi tứ quái từng chơi nhạc từ khi còn “hàn vi” đến lúc lên đỉnh cao âm nhạc. Rẽ vào đường Mathew, một con đường khá nhỏ so với mức độ nổi tiếng của nó, là đến Cavern Pub, một quán rượu bên ngoài có dựng tượng John Lennon cầm đàn guitar to bằng người thật. Trên khắp bức tường bên ngoài quán có khắc tên tất cả những nghệ sĩ từng biểu diễn ở Cavern Club từ 1957 - 1973, trong đó có không ít tên tuổi dữ dằn không kém như Eric Clapton, The Rolling Stones, Status Quo, The Who, Rod Stewart, Queen, Stevie Wonder, Elton John, Jimi Hendrix. Đối diện Cavern Pub là Cavern Club, nhưng thật đáng tiếc Cavern Club thật đã bị đập bỏ vào thập niên 1970, nơi chúng tôi đến chỉ là một phiên bản giống hệt trên nền ngôi nhà cũ và dùng lại những viên gạch cũ của Cavern Club ngày xưa. Tôi thắc mắc sao đập đi rồi xây lại y vậy làm gì mất hết ý nghĩa, ông bạn đồng hành nhún vai: “Nhiều khi dân Liverpool điên điên vậy đó. À, mà tôi không phải dân Liverpool đâu nghe!”.

Cavern Club
Bức tường khắc tên các tên tuổi lớn của làng nhạc đã từng chơi tại quán Cavern
Dù vậy tôi vẫn có cảm giác bồi hồi khi đi bộ xuống cầu thang đá mờ mờ ánh điện vàng, xuống sảnh chính lung linh ánh nến với sân khấu cũng bằng đá, những cây đàn guitar điện và chiếc trống của Ringo Starr có chữ Ludwig The Beatles. Người đàn ông tốt bụng bảo tôi: “Trên đường Slater có quán bar tên Jacaranda, Beatles cũng từng chơi ở đó. Nếu còn thời gian cuối ngày cô đến đó cho biết, quán bar này chính hiệu, hi vọng họ không có ý định đập nó như Cavern Club”.

Đường Mathew có một cửa hiệu tên Beatles Shop rất nổi tiếng, với bộ sưu tập lớn nhất những đồ lưu niệm và đĩa nhạc Beatles. Song trên đường đi, bắt gặp bảng hiệu “Tặng bản đồ âm nhạc Beatles” và mũi tên chỉ đến một shop có tên From Me To You, chúng tôi quyết định đến đó.

Cách thức marketing này quả hiệu nghiệm: rất nhiều du khách đến From Me To You, sau khi được chủ tiệm vui vẻ tặng tấm bản đồ in màu, hầu như ai cũng nán lại mua một món gì đó: áo thun The Beatles, đĩa nhạc, hay vài tấm postcard... Theo bản đồ, không lâu sau sẽ đến một khách sạn ở khu này mang tên Hard Day’s Night hotel. Những ai yêu nhạc ắt nhận ra đó là tên một bài hát của Fab Four - A hard day’s night (Đêm sau một ngày mệt nhọc).

Tôi tạm biệt người dẫn đường vui tính ở cảng Albert, nơi chiếc tàu neo gần bờ đang phát ra bài Yellow Submarine, và mua vé đi tour “Câu chuyện The Beatles” để làm một chuyến lữ hành hoài cổ ngược về lịch sử “bốn gã trai làm rung chuyển thế giới”, câu được khắc trên bức tượng Dooley trên đường Mathew.

Chiếc tàu ngầm vàng nổi tiếng của bài hát bất hủ Yellow submarine
Trời ngả về chiều, tôi rời cảng lên xe buýt đến giao lộ Penny Lane. Giữa giao lộ có một căn chòi nhỏ (shelter), gợi nhớ ngay đến lời bài Penny Lane do Paul McCartney sáng tác về thời thơ ấu của mình: “Phía sau căn chòi nhỏ ở chính giữa giao lộ, cô y tá xinh đẹp đang bán hoa thuốc phiện trên một cái khay”.

Một thời nhạc The Beatles bị chỉ trích rằng có những bài hát của họ cổ súy lối sống buông thả với ma túy (trong đó “khét tiếng” nhất là Lucy in the Sky with Diamond với tên viết tắt LSD, một loại ma túy cực mạnh. Các nhà phê bình cho rằng bài hát này nói về cảm giác lâng lâng khi “phê”, nhưng The Beatles lại khăng khăng cho rằng đó không phải ý của họ).

Penny Lane chỉ là một con đường rất bình thường như mọi con đường khác, với những ngôi nhà gạch đỏ rèm cửa viền ren trắng trải dài dưới ánh nắng cuối ngày. Đầu đường có một quán rượu cùng tên, trên tường khắc trọn vẹn lời bài hát của Paul. Cạnh đó là một panô quảng cáo dự án biến Penny Lane thành một địa danh nổi tiếng hơn nữa với cách chơi chữ rất khéo “Penny Lane not just any lane” (Penny Lane chứ không phải một con đường bình thường).

Lang thang cuối ngày, tôi còn muốn đến Strawberry Fields (Những Cánh Đồng Dâu), địa danh trong bài Strawberry Fields forever, nhưng đường đến đó còn xa quá nên đành luyến tiếc hẹn dịp khác. Cũng cần phải nói thêm, đây chỉ là tên địa danh, nếu muốn đến để... hái dâu bạn sẽ rất thất vọng vì ở đó chẳng có trái dâu nào! Và suốt một tiếng đồng hồ trên xe buýt về chỗ trọ, trong đầu tôi cứ luẩn quẩn mãi những bài hát của The Beatles: “Con đường dài quanh co dẫn đến nhà em sẽ không bao giờ biến mất, tôi đã thấy con đường ấy trước đây”... “Penny vang trong tai tôi, đọng trong mắt tôi. Ở đó, dưới bầu trời ngoại thành xanh thẳm, tôi ngồi...”.

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
(Southampton, 10-2004)

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2004

Xã hội 2.000 Watt

TTCN - Từ 8 đến 28-7 tôi bay sang Thụy Sĩ để tham gia khóa đào tạo “Gặp gỡ thanh niên về phát triển bền vững”. Khóa học được tổ chức dưới chủ đề “Cuộc sống cho 10 tỉ người”.

Giáng Uyên (thứ ba từ phải sang) và các bạn cùng khóa học
Một trong những hoạt động được 37 học viên, phần lớn là sinh viên cao học các khoa kỹ thuật, công nghệ và môi trường, hưởng ứng nhiệt tình nhất là buổi chinh phục dãy núi Alps của Thụy Sĩ. Dọc đường đi, bên những phiến đá mấp mô, hoa đủ màu sắc đua nhau nở mặc thời tiết buốt giá. Thỉnh thoảng bắt gặp những vũng tuyết trắng xóa trên triền núi ngay giữa mùa hè, cả đám lại ùa tới vốc tuyết ném nhau.

Không khí trên núi trong như pha lê, ngọt như giọt sương đọng trên bông hoa dại nở vàng bên dòng suối chảy xiết qua những viên đá cuội trắng muốt. Tôi hít căng lồng ngực không khí sớm mai, kéo tay cô bạn đi cùng: “Nghĩ gì vậy?”. “À, đang nghĩ làm thế nào để thành phố mình cũng được trong lành như thế này, không còn ô nhiễm, khói bụi, ồn ào nữa”. Cả đám nhao nhao: “Sao giống mình quá vậy?”.

Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm nơi làm phó mát từ sữa bò và sữa dê theo cách cổ truyền vùng Glarus. Một đất nước phát triển như Thụy Sĩ, với những nhãn hiệu sôcôla và phó mát sản xuất hàng loạt nổi tiếng thế giới, vẫn còn giữ cách sản xuất thủ công như vậy. Thầy Roger giải thích: “Đây cũng là một khía cạnh nhỏ của phát triển bền vững, giữ lại cho các thế hệ sau những tinh hoa truyền thống”.

Ở túp lều cheo leo trên đỉnh núi, chúng tôi được uống nước lấy từ những mạch nước ngầm tinh khiết trên đỉnh Alps và được chia nhóm để phân tích hoạt động của ba công ty lớn trên thế giới: Nestle, P&G và Sony. Bài giảng về kinh tế và môi trường sau đó của thầy xem ra dễ hiểu hơn lúc nào hết, ngay cả đối với những bạn sinh viên không học ngành kinh tế.

Một trong những bài học đáng nhớ nhất đối với chúng tôi là “Xã hội 2.000 Watt”, do hai giáo sư Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) giảng dạy. Ở thời điểm hiện tại, năng lượng tiêu thụ bình quân toàn cầu là 2.000 Watt mỗi đầu người, nhưng việc tiêu thụ này lại thay đổi từ mức chỉ 290 Watt ở Etiopia đến mức 10.000 Watt ở Mỹ. Vậy làm sao để tạo nên một xã hội 2.000 Watt trên khắp thế giới nhưng không phải từ bỏ những tiện nghi của lối sống phương Tây là một vấn đề khả thi về mặt kỹ thuật nhưng hết sức nan giải khi áp dụng.

Thầy cũng đưa ra phương pháp tính mức tiêu thụ năng lượng của mỗi người, được chia làm năm phần chính: dùng trong hộ gia đình, phương tiện vận chuyển, dinh dưỡng, tiêu thụ cá nhân, tiêu thụ công cộng. Tôi vốn tự cho mình ít tiêu thụ năng lượng nên tá hỏa khi tổng cộng mức tiêu thụ của tôi lên đến gần 10.000 Watt, nằm trong mức cao nhất thế giới, trong khi bình quân châu Âu chỉ gần 5.000. Thấy tôi ngồi thừ ra trước máy tính, Daniel - anh bạn người Áo, sinh viên ngành khoa học môi trường - cầm tờ giấy của tôi lên: “À, tại bạn đi máy bay nhiều quá thôi! Ôi trời, mỗi năm bay gần trăm tiếng đồng hồ, riêng khoản này đã chiếm gần 6.500 Watt rồi còn đâu”.

Trong khi cả lớp vẫn còn bần thần với kết quả tiêu thụ năng lượng của mình, cô Michelle lên giới thiệu về Tổ chức Khí hậu của tôi (My climate), được thành lập với nỗ lực ngăn ngừa thay đổi khí hậu - một trong những vấn đề nan giải nhất của thế giới. My climate giúp tiết kiệm năng lượng và giảm lượng CO2 gây nên hiệu ứng nhà kính bằng cách xây dựng hàng trăm thiết bị làm nóng nước từ năng lượng mặt trời.

Quĩ hỗ trợ dự án này được gây dựng từ những cá nhân, tổ chức và công ty tình nguyện nộp số tiền tương đương với mỗi quãng đường bay để bù đắp cho lượng CO2 thải ra. (Ví dụ, Liên minh Phát triển bền vững toàn cầu đã tình nguyện góp cho My climate 127 USD cho chuyến bay khứ hồi TP.HCM - Zurich của tôi).

Trong khuôn khổ chương trình, chúng tôi được mời xem bộ phim Hollywood Ngày mốt, nói về thảm họa tàn khốc do thiên nhiên gây ra. Hình ảnh những người dân Tokyo hoảng loạn chạy tránh và chết dưới những viên mưa đá to đùng, hay người dân New York bị đóng băng ngay lập tức với nỗi kinh hoàng vẫn còn trên mặt... làm tôi sợ cứng người. Nhưng có lẽ đắt nhất vẫn là chi tiết nhà khoa học trả lời điện thoại với khuôn mặt thất thần: “Tôi biết điều này sẽ xảy ra nhưng không ngờ nhanh đến vậy”.

Hôm sau, tại buổi picnic bên bờ sông Linthal, chúng tôi cùng ngồi bàn luận về bộ phim này. Thầy tôi nói: “Có ai ngờ năm 2003 băng lại tan trên đỉnh Alps của Thụy Sĩ với mức kỷ lục 150m do thay đổi khí hậu? Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tất cả mọi thứ đều có thể. Vậy nên trong tương lai các em phải là những người quyết định việc gì xảy ra và việc gì không được xảy ra”.

Nhưng có lẽ gây ấn tượng mạnh nhất trong tôi vẫn là hình ảnh “ăn trái xanh” của thầy Ludwig trong một buổi học. “Ở một ngôi làng nọ trên nước Mozambique, tất cả cư dân đều được sở hữu bất cứ loại trái cây nào họ hái được. Ban đầu mọi việc đều suôn sẻ và tất cả đều cảm thấy hạnh phúc. Nhưng dần về sau, tất cả mọi người đều ăn trái còn xanh vì sợ đợi đến lúc chín người khác giành hái mất.

Cứ như vậy, trái cây họ hái và ăn ngày một non dần…”. Vài phút trước đó, chúng tôi còn chia làm sáu nhóm “ẩu đả” nhau không thương tiếc trong trò chơi “Cá và ngân hàng” do thầy Jens hướng dẫn, trong đó mỗi nhóm - tượng trưng cho một tập đoàn đánh cá - đều tìm cách mua thật nhiều thuyền và đánh bắt cả gần bờ lẫn thật xa bờ để thu được nhiều lợi nhuận.

Gần như không nhóm nào nghĩ đến nhóm khác, cũng như đến khả năng chịu đựng của đại dương. Nhưng càng ngày lượng cá đánh bắt được càng ít dần đi và gần như bằng 0. Kết luận câu chuyện và cuộc chơi, thầy nói: “Những nhà lãnh đạo tương lai, thông minh, đầy nhiệt tâm và có cái nhìn sâu rộng”.

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2004

Khoảng xanh Bangkok

Ảnh 1
TTCN - Chuyến đi Bangkok lần thứ tư, tôi không còn hào hứng xếp hàng mua vé vào chùa vàng, chùa bạc, cũng không chen lấn xuống thuyền đi trên sông Chao Phraya, hay tần ngần đứng trước khu Patpong nửa muốn vào nửa không dám.

Tôi cũng không nhăn nhó chê đường phố Bangkok tối tăm vì hệ thống skytrain chạy trên không trung, hay nạn kẹt xe kinh khủng giờ cao điểm. Đơn giản vì trong chuyến đi này tôi đã khám phá ra một nét đặc biệt mà không phải du khách người Việt nào cũng phát hiện được: giữa lòng thủ đô rộng lớn của Thái Lan cũng có những khoảng xanh riêng, lặng lẽ nép mình trong ồn ào, náo nhiệt đô thị.

Ảnh 2
Lumpini là công viên lâu đời và lớn nhất Bangkok, từng được website du lịch nổi tiếng Wguide.com gọi là ốc đảo xanh giữa rừng bêtông. Thật vậy, tọa lạc trên 58 hecta phủ đầy cây xanh, những cây đa già cao vút tỏa bóng mát rượi, những thảm cỏ xanh mượt và hồ nước trong, đây là nơi cư dân địa phương đến tập thể dục, chạy bộ, đạp xe vào sáng sớm, đánh cờ vào chiều tà, hoặc tổ chức những buổi picnic gia đình, thư giãn dưới tán cây, nghe chim hót và hít thở không khí trong lành.

Một góc hồ nước xanh với những cành cây gầy guộc và những tòa nhà cao tầng in bóng gợi nhớ đến hồ Gươm giữa lòng Hà Nội (ảnh 1), trong khi những con thuyền thong thả bơi dưới tán lá xanh rì làm người ta dễ liên tưởng đến hồ Xuân Hương, Đà Lạt những ngày đầu năm (ảnh 2). Lối vào công viên, hoa mọc đầy trên những ô vuông được cắt tỉa gọn ghẽ bên những chiếc ghế gỗ dài (ảnh 3). Công viên nằm gần Trường đại học Chulalongkorn nên cũng là địa điểm lý tưởng để sinh viên đến ôn bài mỗi mùa thi.

Ảnh 3
Không chỉ ở Lumpini hay những công viên khác trong thành phố, thật ngạc nhiên khi bắt gặp giữa tấp nập cuộc sống của thủ đô Bangkok đầy khói bụi những chiếc lá súng và búi cây không tên bập bềnh trên mặt nước trong veo. Nếu không có những kiến trúc hiện đại xung quanh, rất dễ lầm tưởng nơi đây là một miền quê Thái xa xôi, đìu hiu, nơi có những người dân địa phương da ngăm đen luôn cười tươi và vẫy chào mỗi khi bạn đạp xe ngang.

Ở Sukhumvit, khu phố sang trọng, hiện đại nhất Bangkok, những soi (đường) nhỏ có rất nhiều nhà hàng Thái nổi tiếng vì chất lượng món ăn và cung cách phục vụ. Chỉ hơn 10 phút

Ảnh 4
đi bộ từ soi Sukhumvit 21, không xa những khu shopping lớn Times Square và Robinson, bên cạnh hệ thống khách sạn bốn, năm sao dày đặc Mariot, Landmark, Sheraton Grande, Windsor Suites…, bạn sẽ như lạc vào một thế giới khác với những ngôi nhà nho nhỏ nép mình trong những khu vườn um tùm hoa lá. Có những nhà hàng với hai hàng cây mọc um tùm hai bên lối vào tạo cảm giác thanh thản như ta được mời ăn chiều với gia đình người bạn thân, không phải nhà hàng ở một thành phố xa lạ (ảnh 4).

Và tôi cũng có cảm giác như chia tay một người bạn thân khi lên máy bay rời Bangkok. Với tôi, Bangkok không chỉ có ồn ào, kẹt xe, ô nhiễm… mà còn những ngóc ngách xanh và bình yên, một chốn êm đềm.