Giáng Uyên (thứ ba từ phải sang) và các bạn cùng khóa học |
Không khí trên núi trong như pha lê, ngọt như giọt sương đọng trên bông hoa dại nở vàng bên dòng suối chảy xiết qua những viên đá cuội trắng muốt. Tôi hít căng lồng ngực không khí sớm mai, kéo tay cô bạn đi cùng: “Nghĩ gì vậy?”. “À, đang nghĩ làm thế nào để thành phố mình cũng được trong lành như thế này, không còn ô nhiễm, khói bụi, ồn ào nữa”. Cả đám nhao nhao: “Sao giống mình quá vậy?”.
Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm nơi làm phó mát từ sữa bò và sữa dê theo cách cổ truyền vùng Glarus. Một đất nước phát triển như Thụy Sĩ, với những nhãn hiệu sôcôla và phó mát sản xuất hàng loạt nổi tiếng thế giới, vẫn còn giữ cách sản xuất thủ công như vậy. Thầy Roger giải thích: “Đây cũng là một khía cạnh nhỏ của phát triển bền vững, giữ lại cho các thế hệ sau những tinh hoa truyền thống”.
Ở túp lều cheo leo trên đỉnh núi, chúng tôi được uống nước lấy từ những mạch nước ngầm tinh khiết trên đỉnh Alps và được chia nhóm để phân tích hoạt động của ba công ty lớn trên thế giới: Nestle, P&G và Sony. Bài giảng về kinh tế và môi trường sau đó của thầy xem ra dễ hiểu hơn lúc nào hết, ngay cả đối với những bạn sinh viên không học ngành kinh tế.
Một trong những bài học đáng nhớ nhất đối với chúng tôi là “Xã hội 2.000 Watt”, do hai giáo sư Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) giảng dạy. Ở thời điểm hiện tại, năng lượng tiêu thụ bình quân toàn cầu là 2.000 Watt mỗi đầu người, nhưng việc tiêu thụ này lại thay đổi từ mức chỉ 290 Watt ở Etiopia đến mức 10.000 Watt ở Mỹ. Vậy làm sao để tạo nên một xã hội 2.000 Watt trên khắp thế giới nhưng không phải từ bỏ những tiện nghi của lối sống phương Tây là một vấn đề khả thi về mặt kỹ thuật nhưng hết sức nan giải khi áp dụng.
Thầy cũng đưa ra phương pháp tính mức tiêu thụ năng lượng của mỗi người, được chia làm năm phần chính: dùng trong hộ gia đình, phương tiện vận chuyển, dinh dưỡng, tiêu thụ cá nhân, tiêu thụ công cộng. Tôi vốn tự cho mình ít tiêu thụ năng lượng nên tá hỏa khi tổng cộng mức tiêu thụ của tôi lên đến gần 10.000 Watt, nằm trong mức cao nhất thế giới, trong khi bình quân châu Âu chỉ gần 5.000. Thấy tôi ngồi thừ ra trước máy tính, Daniel - anh bạn người Áo, sinh viên ngành khoa học môi trường - cầm tờ giấy của tôi lên: “À, tại bạn đi máy bay nhiều quá thôi! Ôi trời, mỗi năm bay gần trăm tiếng đồng hồ, riêng khoản này đã chiếm gần 6.500 Watt rồi còn đâu”.
Trong khi cả lớp vẫn còn bần thần với kết quả tiêu thụ năng lượng của mình, cô Michelle lên giới thiệu về Tổ chức Khí hậu của tôi (My climate), được thành lập với nỗ lực ngăn ngừa thay đổi khí hậu - một trong những vấn đề nan giải nhất của thế giới. My climate giúp tiết kiệm năng lượng và giảm lượng CO2 gây nên hiệu ứng nhà kính bằng cách xây dựng hàng trăm thiết bị làm nóng nước từ năng lượng mặt trời.
Quĩ hỗ trợ dự án này được gây dựng từ những cá nhân, tổ chức và công ty tình nguyện nộp số tiền tương đương với mỗi quãng đường bay để bù đắp cho lượng CO2 thải ra. (Ví dụ, Liên minh Phát triển bền vững toàn cầu đã tình nguyện góp cho My climate 127 USD cho chuyến bay khứ hồi TP.HCM - Zurich của tôi).
Trong khuôn khổ chương trình, chúng tôi được mời xem bộ phim Hollywood Ngày mốt, nói về thảm họa tàn khốc do thiên nhiên gây ra. Hình ảnh những người dân Tokyo hoảng loạn chạy tránh và chết dưới những viên mưa đá to đùng, hay người dân New York bị đóng băng ngay lập tức với nỗi kinh hoàng vẫn còn trên mặt... làm tôi sợ cứng người. Nhưng có lẽ đắt nhất vẫn là chi tiết nhà khoa học trả lời điện thoại với khuôn mặt thất thần: “Tôi biết điều này sẽ xảy ra nhưng không ngờ nhanh đến vậy”.
Hôm sau, tại buổi picnic bên bờ sông Linthal, chúng tôi cùng ngồi bàn luận về bộ phim này. Thầy tôi nói: “Có ai ngờ năm 2003 băng lại tan trên đỉnh Alps của Thụy Sĩ với mức kỷ lục 150m do thay đổi khí hậu? Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tất cả mọi thứ đều có thể. Vậy nên trong tương lai các em phải là những người quyết định việc gì xảy ra và việc gì không được xảy ra”.
Nhưng có lẽ gây ấn tượng mạnh nhất trong tôi vẫn là hình ảnh “ăn trái xanh” của thầy Ludwig trong một buổi học. “Ở một ngôi làng nọ trên nước Mozambique, tất cả cư dân đều được sở hữu bất cứ loại trái cây nào họ hái được. Ban đầu mọi việc đều suôn sẻ và tất cả đều cảm thấy hạnh phúc. Nhưng dần về sau, tất cả mọi người đều ăn trái còn xanh vì sợ đợi đến lúc chín người khác giành hái mất.
Cứ như vậy, trái cây họ hái và ăn ngày một non dần…”. Vài phút trước đó, chúng tôi còn chia làm sáu nhóm “ẩu đả” nhau không thương tiếc trong trò chơi “Cá và ngân hàng” do thầy Jens hướng dẫn, trong đó mỗi nhóm - tượng trưng cho một tập đoàn đánh cá - đều tìm cách mua thật nhiều thuyền và đánh bắt cả gần bờ lẫn thật xa bờ để thu được nhiều lợi nhuận.
Gần như không nhóm nào nghĩ đến nhóm khác, cũng như đến khả năng chịu đựng của đại dương. Nhưng càng ngày lượng cá đánh bắt được càng ít dần đi và gần như bằng 0. Kết luận câu chuyện và cuộc chơi, thầy nói: “Những nhà lãnh đạo tương lai, thông minh, đầy nhiệt tâm và có cái nhìn sâu rộng”.