Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2005

Hội chợ phù hoa

TTCN - Bài viết này không nhằm mục đích bàn đến tiểu thuyết nổi tiếng Hội chợ phù hoa (Vanity fair) của William Makepeace Thackeray, chỉ mượn tựa để nêu lên một vấn đề đáng suy nghĩ trong giới trẻ Việt Nam hôm nay: sở thích tiêu xài để chứng tỏ mình “bằng chị bằng em”.


Cách đây vài tuần, anh chàng giữ xe trong một quán cà phê nọ ở Sài Gòn vừa dắt xe cho tôi vừa hỏi: “Chừng nào chị về “bển” lại?”. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Bển nào? Người Việt mà”, anh chàng khăng khăng: “Chị ơi, chị là Việt kiều em cũng không lấy tiền thêm đâu, giấu làm gì! Người Việt bây giờ ai mà đi chiếc Cub 81 như chị” (?).

Kể chuyện cho mấy đứa bạn cũ, tụi nó cười ngặt nghẽo: “Thì đúng rồi, thời buổi này mấy ông chạy xe ôm còn đi xe xịn hơn”.

Quả thật, mới xa nhà có mười mấy tháng (chứ không phải mười mấy năm đâu nhé) mà tôi thấy mình quê mùa hết sức. Ngoài đường phố Sài Gòn bây giờ chạy toàn xe tay ga @, Dylan, Spacy, hay chí ít cũng Attila. Vậy là tôi trở thành Việt kiều trong mắt anh chàng nọ - và có lẽ của nhiều người khác không biết chừng - nhờ đi chiếc Honda cũ kỹ.

Có điều chiếc xe “bôi bác” như nguyên văn lời đám bạn tôi mô tả này rất có ích trong những quãng đường ngập nước, ngay cả khi những chiếc xe máy đắt tiền chủ xe phải khổ sở xuống dắt bộ. Cô bạn thân lương mỗi tháng chỉ 1,5 triệu đồng, mỗi lần gặp là than thở những khoản đám cưới, sinh nhật... ngốn hết số tiền còm cõi, nhưng vẫn tậu cho mình một chiếc xe tay ga xịn đàng hoàng. “Rồi xe hư tiền đâu mà sửa?”.

Cô nàng cười: “Thì tới lúc đó tính, chứ bây giờ ai cũng đi xe này, mình đi mấy chiếc cũ quê thấy mồ! Ở Sài Gòn còn đỡ, ra Hà Nội mà coi. Xe Dream, Wave đã lạc hậu sáu, bảy năm nay rồi đó”.

Tôi có đọc một bài về tình hình xe máy ở VN, những con số đáng giật mình. Bộ Công nghiệp đã dự đoán đến năm 2010 số lượng xe máy được sử dụng ở VN sẽ lên đến 16,6 triệu chiếc. Việc người người đua nhau mua xe “xịn” làm tôi nghĩ ngay đến tâm lý “sức ép từ những người đồng trang lứa” (tạm dịch từ tiếng Anh: peer pressure), khi ta tự nhiên cảm thấy phải làm một điều gì đó vì xung quanh ta ai cũng làm, hay phải sở hữu một món đồ cho bằng được vì món đồ ấy xung quanh ta ai cũng có.

Đánh vào tâm lý này, các nhà sản xuất tha hồ hốt bạc ở VN vì nói theo ngôn ngữ bình dân, “người Việt nghèo mà ham xài sang”. Có lần tôi sang Thụy Sĩ, thấy ngoài đường chạy xe đời cũ của Toyota hay Ford, có cả xe Hàn Quốc nữa, mới bảo anh bạn người địa phương: “Cứ tưởng dân Thụy Sĩ giàu ai cũng chạy Audi với BMW” thì được biết: “Có xe gì chạy xe nấy chớ, miễn là còn tốt, không hao xăng, không chết máy thì thôi”.

Mới đây tình cờ đọc cuốn Mười vạn câu hỏi vì sao có đề cập đến sức ép tâm lý này (mà sách gọi là “hiệu ứng theo đàn”), tôi thấy câu trả lời khép lại với: “Nói chung, người có trí thông minh càng cao, tinh thần càng vững và quan điểm riêng càng mạnh, càng khó hành động mù quáng theo đàn”.

Mà phải đâu giới trẻ VN mình không thông minh? Những giải thưởng quốc tế về giáo dục cũng như việc sinh viên ta ở nước ngoài lúc nào cũng học tập xuất sắc hơn người chứng tỏ trí thông minh chúng ta có thừa. Vậy phải chăng tinh thần giới trẻ chúng ta không vững và quan điểm riêng không mạnh, nên nếu hình thức bề ngoài không “sang trọng”, đắt tiền bằng người khác lại cảm thấy bất an?

Tuần trước, tôi đang đi dạo quanh Diamond Plaza tìm mua một ít đồ dùng (mỏi cả chân cuối cùng cũng chỉ mua được... một cái gối vì đồ trong này mắc quá) thì có tin nhắn trong điện thoại cầm tay. Sau khi tôi đọc xong tin nhắn và gửi trả lời, định cất máy vào túi, có một đôi bạn trẻ khoảng chừng 19, 20 tuổi bước lại hỏi: “Chị mua cái Motorola này ở nước ngoài phải không chị?”.

Đúng là chiếc điện thoại này khá hiện đại, tôi được tặng và đã dùng hơn một năm ở Anh, nay đem về VN dùng luôn, nhưng bề ngoài rất bình thường không có vẻ gì “lộng lẫy” như trong những quảng cáo điện thoại di động nhan nhản trên các phương tiện thông tin ở đây hết. Tôi gật đầu xác nhận nhưng vẫn không giấu vẻ ngạc nhiên: “Bộ hai đứa em bán cửa hàng điện thoại hay sao mà rành quá vậy?”.

Cô gái nọ liếc anh bạn trai đi cùng: “Thấy chưa?” rồi trả lời tôi: “Thì mua xài, rồi đổi điện thoại mới riết rành luôn. Cái điện thoại của chị ở VN không có đâu”. Khi tôi hỏi còn trẻ lấy tiền đâu đổi điện thoại mới hoài thì anh chàng nhún vai: “Ông già bà già cho chớ đâu”.

Báo Tuổi Trẻ cho biết theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường GFK Asia Pte, trong sáu tháng đầu năm 2005, 1,6 triệu chiếc điện thoại mới đã được bán hết trên thị trường VN, gấp đôi dự đoán ban đầu, và con số này còn có thể cao hơn nữa vào sáu tháng cuối năm nay. Quả là một mảnh đất màu mỡ cho các đại gia trong ngành sản xuất điện thoại di động.

Khi ngồi dự một đám cưới, điện thoại anh bạn từ thời đại học ngồi cùng bàn tôi réo inh ỏi. Anh đang nghe chiếc này thì từ trong túi một chiếc điện thoại nữa réo lên, lại phải lập cập xin lỗi người ở đầu dây bên kia để ngừng nói chuyện. Anh xong hai câu chuyện ở hai máy, tôi tính hỏi “Sao phải làm khổ mình vậy trời!” nhưng thôi. Mà đây không phải trường hợp hiếm hoi, rất nhiều người bạn của tôi có hai điện thoại cùng lúc, toàn loại không mới nhất cũng mới nhì trên thị trường.

Mà cơ khổ, sở hữu nhiều điện thoại nên có lúc nào được yên đâu. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy những tác hại của điện thoại di động đến não bộ và cơ thể nếu dùng trong thời gian dài, và còn cảnh báo đến việc dùng điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe trẻ em. Nhưng dường như người tiêu dùng VN, đặc biệt là giới trẻ, vẫn bỏ ngoài tai.

Chuyện “hội chợ phù hoa” của VN không chỉ dừng lại ở đó. Tôi theo bà chị ruột đang là giám đốc marketing và PR cho một khách sạn năm sao ở Sài Gòn đến khu Parkson của Saigontourist, mà theo lời bà chị, “dẫn em đi cho biết chứ mỗi lần tới đây chị không mua được gì hết á!”.

Quả thật những nhãn hiệu như Dolce & Gabbana hay Versace, ngay cả người nước ngoài cũng phải dân thật giàu mới mua nổi, lại được bày bán trong này và vẫn có khách hàng. Lúc chúng tôi còn đứng ngoài cửa, một chiếc Mercedes Kompressor bóng lộn dừng lại cho một cô nàng trẻ măng đỏng đảnh bước xuống đi vào. Bà chị tôi bảo: “Mấy con nhỏ đang trong thời kỳ cố gắng “hôi của” từ mấy ông bồ đó mà!”.

Chuyện này làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi nhớ thời ở Anh, anh bạn thân học cao học cùng trường chở tôi về nhà chơi. Ngang qua một ngôi nhà nọ cách nhà anh khoảng 1km, anh chỉ: “Hồi học cấp II, tôi đi giữ em cho nhà này nè”.

Ba mẹ anh khá sung túc và ở một khu rất giàu có gần London, chỉ riêng ngôi nhà đã được định giá với số tiền bảng Anh tương đương hàng triệu USD. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Đi giữ em bao lâu? Rồi anh có làm gì nữa không?”. “Giữ em khoảng một năm. Hồi nhỏ hơn có đi giao báo, rồi lúc học đại học nghỉ hè đi làm thu ngân siêu thị nữa”.

Giọng anh rất thản nhiên, không tự hào cũng không xấu hổ, như thể đó là một điều rất bình thường. Mà quả đó là một điều rất bình thường, chỉ có điều khi nghĩ về những cô nàng trẻ đẹp trong thời kỳ đi “hôi của”, hay những bạn trẻ thỏa sức lấy tiền cha mẹ đổi điện thoại di động và mua xe đời mới ở VN, tôi lại thấy nao nao trong lòng.

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2005

Ăn Ý

TTCN - Ẩm thực những vùng khác nhau ở Ý rất dễ phân biệt. Ở miền bắc (Milan, Venice, Bologna, Turin...) thức ăn có xu hướng dẻo như kem và béo hơn, trong khi dân địa phương miền trung (Florence, Perugia, Siena...) dùng rất nhiều dầu ôliu và rau thơm, thức ăn cũng đơn giản, thanh đạm và tươi hơn. Càng về phía nam (Rome, Naples, Catanzaro...), những món ăn Ý càng nóng và cay hơn...

Ai cũng thích uống cappuccino ăn kèm bánh tiramisu ở một quán cà phê trên cầu gỗ
Còn cà phê Ý? Caffè latte là một phiên bản rất giống café au lait của Pháp, cũng sữa nóng đầy ắp những tách lớn, pha ít cà phê đen. Nâng tách lên, khói nghi ngút phả lên mặt khiến tỉnh cả người, rất hợp để trị “hangover” (chứng nhức đầu sau khi uống nhiều thức uống có cồn). Còn espresso là một thức uống tao nhã, trong một tách nhỏ xíu như chung uống trà của những cụ già VN hay Trung Hoa.

Trong tách sóng sánh cà phê đen với lớp bọt mỏng li ti nâu vàng, thơm ngào ngạt, uống muỗng đầu tiên những ai không quen dễ nhăn mặt vì vị đắng đọng lại trong cổ họng, nhưng đến khi hết tách, mùi cà phê thơm lừng còn thoảng qua rất dễ ghiền.

Nhưng có lẽ “quốc hồn quốc túy” của nước Ý vẫn là cà phê cappuccino có mặt ở hàng trăm nước trên thế giới. Khó ai từ chối lời mời đi uống cappuccino ở một trong những quán cà phê vỉa hè ở Ý, có hoa tươi mọc trên cửa sổ, bên một trong những con kênh êm đềm với những ngôi nhà xưa nghiêng mình.

Ở đó, thật “đã” khi nhấm nháp tách cappuccino sủi bọt dày, rắc quế xay li ti màu nâu trên mặt, hớp lớp bọt nhuyễn mịn và béo như kem kèm nước cà phê nóng thơm và hơi đắng bên dưới, ăn kèm bánh tiramisu màu nâu sôcôla kẹp những lớp kem mỏng trắng muốt mịn màng.

Trên đây chỉ là ba loại cà phê nổi tiếng nhất của Ý, nhưng nếu đã cất công đến nơi này, bạn nên thử những loại khác cũng không kém phần thú vị như caffè corretto có kèm vài giọt rượu cognac, caffè freddo bỏ đá lạnh gợi nhớ cà phê đá Sài Gòn, hay caffè d’orzo có ít cacao mà tôi có dịp uống trong một quán cà phê khuất gần quảng trường lớn ở Verona.

Trên đảo Murano cách trung tâm thành phố Venice nửa giờ đi phà, tôi được thưởng thức món bánh pizza vừa ra lò nóng bỏng tay. Rìa bánh giòn tan nhưng chính giữa lại mềm và dẻo nhờ lớp phó mát tươi, trên phủ những miếng thịt pepperoni đỏ au và mấy trái ôliu xắt lát mỏng.

Ăn món này đúng kiểu Ý không phải trong một nhà hàng sang trọng mà phải ngồi bệt xuống chân một trong những cây cầu giữa trời nắng chang chang, gặm pizza gói trong một lớp giấy nâu. Cũng như ăn ốc luộc chấm mắm gừng đúng điệu ở Hà Nội phải ngồi vỉa hè trong con hẻm đầy gió thổi hun hút lạnh lẽo vậy.

Nhưng bữa hải sản ở một nhà hàng gần ga Santa Lucia ở Venice thì chỉ có thể miêu tả bằng một từ: hoàn hảo. Hai bên cầu đầy những nhà hàng Ý (ristorante hoặc trattoria) với bàn ghế kê sát con kênh nước chảy loang loáng trong ráng chiều, đầy dân địa phương tóc xoăn tít và ngoại hình rất Ý đang cười nói ồn ào.

Một nhà hàng Ý (trattoria) ở Venice với những ô cửa đầy hoa

Quảng cáo bánh mì xứ Verona bằng poster... cô gái Sài Gòn
Nhà hàng không hề có thực đơn, khách vào không có chọn lựa nào hết vì ai cũng được dọn lên những món như nhau, món nào cũng ngon chết mê chết mệt. Nào sò tươi rói trộn thịt heo băm nhuyễn và rau thơm, nhồi trong vỏ sò xanh to bằng ba ngón tay. Nào bạch tuộc kho đẫm cà chua tươi đỏ. Nào tôm và mực nang bọc bột chiên giòn.

Tôi thích nhất món gỏi cá nướng than thoảng mùi khói, xé nhỏ trộn thứ nước xốt từ chanh, cà chua và kem. Tất cả được ăn kèm với món bánh polenta vàng ruộm làm từ bắp tươi xay nhuyễn trộn bơ và những thứ gia vị chỉ người Ý mới biết, vừa thơm vừa dẻo, nhấm nháp với rượu vang trắng thật ngon lành. Bữa ăn hết 50 euro cho hai người, có lẽ là phần “xa xỉ” nhất trong suốt chuyến đi đối với túi tiền sinh viên hạn hẹp của chúng tôi, nhưng thật đáng và “có lý” hơn nhiều so với những menu turistico (thực đơn cho khách du lịch) của những nhà hàng gần quảng trường Thánh Marco.

Đến Verona cổ kính, nổi tiếng với chuyện tình Romeo và Juliet, buổi tối đầu tiên tôi và ba người bạn sinh viên mới quen ở cùng nhà trọ thanh niên rủ nhau ra quảng trường thành phố, vào một quán ăn đông kín người. Cả ba bạn mới đến Ý ngày đầu tiên nên chọn ngay món pizza, riêng tôi gọi món linguine trộn tôm.

Hải sản tươi trong những nhà hàng dọc cầu Rialto ở Venice
Ngồi chờ dài cổ, uống hết mấy ly nước đĩa linguine mới được dọn ra, nhưng khi ăn miếng đầu tiên, tôi tha thứ cho sự chậm trễ ấy ngay lập tức! Đĩa linguine rải những cọng mì vàng nhạt, tươi rói, sần sật trong miệng, thoảng nhẹ mùi trứng, ăn kèm tôm bóc vỏ hồng nhạt trộn xốt và rắc zucchini xanh xắt sợi. Có lẽ đó là món mì Ý ngon nhất tôi từng được ăn trong đời.

Có lẽ sẽ là thiếu sót rất lớn nếu viết về ẩm thực Ý mà quên nhắc đến gelato - món kem Ý béo ngậy, lạnh buốt răng có mặt khắp năm châu. Khách du lịch đến đây ăn kem que nhiều đến nỗi một số cửa hàng bán đồ lưu niệm phải treo biển bên ngoài “Vui lòng không ăn kem khi vào đây”.

Một tuần ở Ý, tôi ăn không biết bao nhiêu cây kem ốc quế trên những xe kem có mặt khắp nơi với hàng dãy kem đủ mùi vị: crema fiorentina, pistachio, vanilla... Cắn miếng ốc quế giòn tan kèm với lớp kem dày, béo ngậy, vị ngọt thanh còn đọng lại trong cổ lành lạnh thật hợp với những ngày tháng bảy ở Ý nóng bức.

Ở các nhà ga xe lửa Ý, bạn rất dễ thấy bảng thông báo những tuyến đường xuyên quốc gia với những cái tên tiếng Ý du dương và êm đềm: Torino - Milano - Vicenza - Venezia, Alessandria - Piacenza - Parma - Firenze, Genova - Pisa - Roma - Napoli...

Những cái tên ấy dễ gợi nhớ đến giải Series A với những ai mê bóng đá ngoại hạng Ý; riêng với những ai lỡ có “tâm hồn ăn uống”, những cái tên ấy lại dậy lên trong lòng ý muốn được thưởng thức những món ngon địa phương trong một trattoria hay ristorante có hoa tươi nở trên đầu vào một buổi chiều mùa hè nước Ý đầy nắng và gió.

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2005

SVHS Anh với môi trường

TT - Trong một bài nói chuyện, một giáo sư đại học đốc thúc SV Anh tận dụng cơ hội của những sự kiện quan trọng diễn ra ở Vương quốc Anh năm 2005 như Hội nghị thượng đỉnh G8; bầu cử quốc hội mới... để lên tiếng với các chính khách về những vấn đề về môi trường như trái đất đang nóng dần lên (global warming).
Thoạt nghe, bài phát biểu nọ có vẻ quá lo xa bởi những bạn trẻ Anh, từ khi đi nhà trẻ, đã được giáo dục rất kỹ mình không chỉ là một công dân Anh mà còn là một công dân thế giới. Khi vào đại học, họ đã ý thức những gì diễn ra ở những quốc gia khác cũng ảnh hưởng đến nước mình và được trang bị các kiến thức sống thân thiện với môi trường (environmentally friendly).

Bạn trẻ Anh đã được học cách xử lý giấy vụn, kim loại... từ bé - Ảnh tư liệu
Tôi ấn tượng nhất hệ thống tái chế (recycling) ở đây. Những SV ở chung nhà với tôi mỗi lần dùng xong chai lọ (nước ngọt, sữa, đồ hộp...) hay bìa cactông của thức ăn đông lạnh... đều rửa sạch sẽ, để ráo và cho vào thùng recycling trước nhà chờ xe đến chở đi. Alastair, SV khoa cao học giáo dục Đại học Southampton, bảo: “Thói quen rồi, nhiều khi không để ý là mình đang recycling nữa kia”.

Từ năm 1994, hệ thống trường sinh thái (eco-school) ở Anh được thành lập nhằm mục đích giáo dục học sinh ý thức bảo vệ thế giới thông qua việc trồng và chăm sóc vườn trường, sử dụng điện nước hiệu quả và đưa những vấn đề về môi trường vào nhiều môn học.

Chẳng hạn, giờ học văn ở một lớp cấp I nọ, học sinh làm thơ về những chủ đề cây xanh, nước, rau quả; giờ toán được đưa bài toán phân loại rác thành từng loại khác nhau: pha lê, kim loại, giấy... Đến nay đã có hơn 5.000 trường học ở Anh tham gia hệ thống trường sinh thái này.

Dưới đây là một vài kinh nghiệm có lẽ phù hợp ở VN mình mà tôi tự tổng hợp được khi sống ở đây:
  • Để dành chai lọ, giấy, báo... cho người mua ve chai.
  • Mang túi lớn khi đi mua sắm (không sử dụng túi nhựa của cửa hàng).
  • Thay vì tắm bồn thường xuyên, nên tắm vòi sen để tiết kiệm nước.
  • Với những quãng đường ngắn, hạn chế sử dụng xe máy mà đi bộ hoặc xe đạp.
  • Tắt điện, quạt máy... khi ra khỏi phòng. TV, đầu DVD... phải được tắt hẳn, vì nếu để chế độ stand-by vẫn có thể tốn không ít điện so với lúc mở.
  • Nhắc nhở nhẹ nhàng khi thấy ai vứt rác lung tung.
  • Hạn chế du lịch bằng máy bay vì lượng carbon dioxide do máy bay thải ra rất lớn.
(Southampton, Anh)

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2005

Paris ẩm thực

Những nhà hàng trên phố rất đặc trưng Paris
TCN - Có một câu nói vui truyền miệng của dân châu Âu: thế giới là thiên đường nếu tất cả cảnh sát là người Anh, đầu bếp là người Pháp, thợ máy là người Đức, người tình là người Ý và tất cả mọi thứ được sắp đặt bởi người Thụy Sĩ.

Ngược lại, thế giới là địa ngục khi tất cả cảnh sát là người Đức, thợ máy là người Pháp, người tình là người Thụy Sĩ, đầu bếp là người Anh và tất cả mọi thứ được sắp đặt bởi người Ý.

Đang sống và học tập ở Anh, tuy không đến nỗi phải than vãn về những món ăn của các đầu bếp Ănglê nhưng vốn có “tâm hồn ăn uống” và vốn mê đồ ăn Pháp, nhân nghỉ lễ Phục sinh tôi làm một chuyến qua Paris ngay để ăn uống thỏa chí một tuần.

Văn hóa ẩm thực VN ảnh hưởng rất nhiều từ người Pháp, dễ thấy nhất qua thói quen uống cà phê buổi sáng (trong những tấm postcard Paris bán cho du khách trên đường phố, bên cạnh những tấm ảnh chụp tháp Eiffel, Khải Hoàn môn, sông Seine… có những tấm ảnh chỉ chụp những tách cà phê bốc khói nghi ngút).

Dân Paris trước khi đi làm thường uống cafe express - cà phê đen có hoặc không có đường trong tách nhỏ, cafe au lait - cà phê pha thật nhiều sữa nóng uống trong những tách lớn, có khi to bằng chén ăn cơm, và cafe crème - thức uống đặc trưng Pháp với cà phê pha kem sủi bọt nâu thơm lừng.

Trong khi người Anh ăn rất nhiều vào buổi sáng với thịt heo muối, trứng ốpla, xúc xích, bánh sandwich nướng..., người Pháp ăn sáng nhẹ, thường là bánh mì baguette, giống y bánh mì VN nhưng nhỏ và dài, kẹp xà lách, thịt jambon và bơ. Khác với những gì ta thường nghĩ, dân Paris không ăn bánh sừng trâu (croissant) mỗi sáng mà chỉ dành cho những ngày cuối tuần.

Buổi sáng trên hai đường phố Rue de Seine và Rue de Guci ở khu phố Latinh phía nam Paris vốn nổi tiếng với những hàng ăn rất ngon, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là hàng bánh mì lề đường mà tôi chưa thấy ở đâu ngoài VN. Người bán thoăn thoắt xẻ bánh mì, kẹp thịt, nhồi rau, nhưng thay vì có chút nước tương hoặc muối tiêu thì bánh mì thịt kiểu Pháp có sốt mayonaise béo ngậy.

Rất dễ bắt gặp những cửa hiệu bánh mì như thế này trên đường phố Paris
Khi phát hiện xe gà quay với hàng dãy gà béo núc, quay đều, tươm mỡ vàng ươm, tỏa mùi thơm phưng phức; tôi chọn mua bánh mì kẹp gà quay rồi cùng Daniel đi bộ đến vườn Luxembourg gần đó làm một buổi picnic nho nhỏ. Những miếng bánh giòn tan, đậm đà làm tôi nhớ quá VN.

Hôm sau tôi gọi điện cho Benjamin. Khi Ben còn vác balô du lịch Sài Gòn hồi năm ngoái, anh được tôi dẫn đi ăn phở tái nạm gầu gân ở quận 1. Ben làm một mạch hết tô phở to đùng rồi uống một hơi hết ly sinh tố xoài, khen hết lời “Ngon quá! Ngon quá!”. Để đáp lễ, Ben hẹn buổi tối sẽ dẫn chúng tôi tới một quán ăn Pháp chính gốc mà theo lời anh “khách du lịch không biết được đâu nhe”.

Quán ăn Ben dẫn chúng tôi đến mãi 12g khuya mới có bàn trống. Đó là nhà hàng nằm trên một góc phố nhỏ, chật hẹp với những bộ bàn ghế gỗ trải khăn nhựa carô (lại một điểm giống VN nữa). Thực đơn viết bằng phấn trắng trên bảng đen cũ kỹ, treo trên những bức tường ám khói và không có bản tiếng Anh như khu khách du lịch dọc sông Seine.

Chúng tôi chọn món khoai tây chiên sơ trên trải những lát jambon cru- thịt heo không nấu chín mà xông khói đỏ au thơm lừng, béo ngậy và thơm mùi phó mát Pháp lẫn nấm tươi. Sau bữa ăn no căng bụng, tôi vẫn chọn món tráng miệng bánh gatô kiểu xứ Basque vàng ruộm, thơm mùi hạnh nhân.

Khi bánh xèo VN được biết đến nhiều trên thế giới, rất nhiều người cho là bánh xèo bắt nguồn từ bánh crêpe. Bánh crêpe Pháp cũng làm bằng bột pha nước, tráng mỏng trên khuôn cho tới khi ngả vàng, kẹp nhân ngọt (đường, bơ, kem, bơ đậu phộng) hoặc nhân mặn (trứng, jambon, hải sản). Bánh crêpe nhân bơ mặn ở Pháp thành thật mà nói không thể ngon bằng bánh xèo nhân tôm kẹp rau sống chấm nước mắm chua ngọt mẹ tôi làm.

Paris còn nổi tiếng về những món ăn từ hải sản tươi từ Brittany và Provence chở về. Chợ hải sản Paris là một bữa tiệc về hình ảnh, màu sắc, mùi vị của đủ chủng loại cá tươi, tôm hùm béo núc, cua lớn bằng hai bàn tay, sò điệp đỏ au, hàu xù xì gai xám, mực nang trắng phau... Chúng tôi đến đây đúng tuần lễ ẩm thực sò, những quán ăn Paris đua nhau đưa sò làm món ăn trong ngày (plat du jour).

Chợ hải sản với đủ loại tôm cá từ những vùng biển miền Nam nước Pháp chở về
Trong khi hải sản ở Anh mắc như vàng theo đúng nghĩa đen thì một thố sò đầy ngồn ngộn trong một quán ăn gần nhà thờ Đức Bà giá chỉ 8 euro (khoảng 160.000 đồng), rất rẻ so với vật giá châu Âu. Những con sò Địa Trung Hải tươi rói, đầy ắp thịt, được hấp rượu vang trắng, hành tây và rau mùi xắt nhuyễn, thơm lừng, nhấm nháp với rượu Bordeaux trắng thật đúng điệu.

Không chỉ ẩm thực VN chịu ảnh hưởng của Pháp mà ngược lại ẩm thực Pháp cũng du nhập rất nhiều món ăn Việt. Sách du lịch Lonely planet viết về VN nhiều nhất trong phần viết về ẩm thực nước ngoài ở Paris. Người Pháp đưa món chả giò và phở bò vào thực đơn nhiều nhà hàng truyền thống Pháp với cái tên le nem và le pho, cũng như người Anh lấy càri Ân Độ làm một trong những món truyền thống Anh vậy.

Còn món bánh tráng cuốn tôm luộc, bún tươi và rau thơm ăn kèm nước chấm tương tự những quán lề đường gần hồ Con Rùa trước đây cũng nằm trong những quán ăn sang trọng Paris với cái tên rất “kêu” rouleux du printemps (nem cuốn mùa xuân).

Đến lúc tạm biệt thủ đô Pháp, tôi đã thật sự tiếc nuối vì không đủ thời gian để nếm thử tất cả những món ăn Pháp nổi tiếng thế giới như foie gras, pâté du tête (món patê rất giống giò thủ VN), phó mát camembert (rất nặng mùi nhưng khi đã ăn được rồi rất dễ ghiền như người Việt mê ăn sầu riêng vậy), súp hành mà một phóng viên người Mỹ từng so với phở VN, và tất nhiên, rượu vang Pháp đủ mùi vị chủng loại từng làm say đắm không biết bao nhiêu người.

Đến Paris với hành lý nhẹ hẫng, tôi về lại Anh với một vali nặng trĩu những rượu vang, phó mát, bơ, jambon, xúc xích, hải sản đóng hộp, dầu ôliu nguyên chất, viên súp... làm quà cho bạn và cho mình.

Và trong khi gà gật ngủ chờ chuyến bay, tôi mơ thấy hai giáo sư ở trường đổi đề tài hai bài luận sắp đến hạn tôi phải nộp: không phải về nghiên cứu thị trường và quản lý nhân sự nữa mà về ẩm thực Paris!

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2005

Ngày cuối năm ở Vienna...

TTCN - Daniel và tôi đi Vienna vào những ngày cuối năm, khi tuyết rơi trắng xóa khắp miền Tây nước Áo nhưng ở thủ đô không có một giọt tuyết nào, chỉ có gió thổi lùa vào sáu, bảy lớp áo đủ làm lạnh run cầm cập.

Bạn trai tôi Daniel là người Áo nhưng học ở Thụy Sĩ, lần cuối cùng anh đến Vienna cũng đã cách đây mấy năm, còn tôi chưa từng đến đây lần nào. Vậy nên sau bữa ăn sáng kiểu Viennese với cà phê nóng hổi, bánh mì và thịt nguội ở nhà Thomas - chú ruột của anh, chúng tôi lấy lại sức sau hơn bảy tiếng đồng hồ trên xe lửa và háo hức muốn đi thăm thành phố ngay.

Cuốn Rough guide trong phần giới thiệu về Vienna đã viết: “Những du khách lần đầu đến Vienna đều vẽ sẵn trong đầu hình ảnh một nơi lãng mạn với những hoài cổ Habsburg và những âm hưởng nhạc”.

Thật vậy, khi chú Thomas chở hai đứa tôi đi vòng quanh thành phố, qua những công trình kiến trúc kiểu Baroque từ thế kỷ 18 đẹp như mơ bên những cây mùa đông trụi lá, tôi thốt lên: “Trời, giống như đang xem chương trình vòng quanh thế giới trên TV vậy”. Daniel cười: “Chừng nào tới TP.HCM chắc tôi cũng nói vậy”. Đúng là người ta chỉ quí những gì mình không có.

Ở Ringstrasse, nơi tập trung hầu hết những địa danh nổi tiếng của thành phố, tôi đặc biệt thích lâu đài Hoàng gia (Hofburg), một khu phức hợp tượng trưng cho văn hóa và di sản Vienna được xây từ năm 1275 với 19 sân, 18 cánh rộng mênh mông. Gia đình hoàng gia Áo đã ở đây suốt sáu thế kỷ: từ thời Rudolf đệ nhất năm 1279 đến Charles đệ nhất năm 1918. Những cỗ xe ngựa chở khách du lịch đi vòng quanh thành phố nằm chờ ở đây, gợi nhớ đến những bộ phim về châu Âu thời xa xưa.

Những cỗ xe ngựa chở du khách trong sân lâu đài Hoàng gia
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler về Vienna và tuyên bố “mối liên hệ giữa nước Áo và nước Đức phát xít” tại Hofburg. (Hitler là người gốc Áo nhưng bạn chớ dại dột đề cập chuyện ấy với người địa phương vì người Áo rất xấu hổ về điều này. Vả lại, Áo là quê hương của rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới khác để nhắc đến như nhà phân tâm học Sigmund Freud hay các thiên tài âm nhạc Mozart, Strauss, Beethoven...).

Mùa hè, những quán cà phê còn kê bàn ghế ra ngoài đường - đúng kiểu cà phê al fresco châu Âu, nhưng với cái lạnh 2OC có lẽ không ai thích ngồi uống cà phê ngoài phố. Ở khu phố đi bộ Karntner Strasse với những nghệ sĩ lang thang chơi guitar, violon và kèn trumpet, tôi bật cười khi bắt gặp một quán bar tên Loos (trong tiếng lóng của người Anh, loo có nghĩa là… toilet).

Sau tôi mới biết đây là một quán bar nổi tiếng được kiến trúc sư người Mỹ Adolf Loos, một trong những nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật mới (Art-Nouveau), vẽ kiểu vào năm 1908.

Quán Loos
Khu phố đi bộ Kohlmarkt - có nghĩa là Chợ Than vì ở đây trước là nơi bán than (cách đặt tên khác nào phố Hàng Than của 36 phố phường Hà Nội) - chẳng hề đen đúa như tên gọi, ngược lại những con đường ở đây sạch sẽ và sang trọng hơn đâu hết!

Ở cuối Kohlmarkt là quảng trường Michaelerplatz, nơi có tòa nhà Looshaus xây dựng vào năm 1911 cũng của KTS Adolf Loos, bây giờ là trụ sở ngân hàng. Cựu hoàng đế Áo Frank Joseph rất ghét tòa nhà này và gọi những cửa sổ ở đây là “cửa sổ không có lông mày” (vì những cửa sổ kiểu Loos không có những hình chạm khắc trang trí bên ngoài như ở những kiến trúc Vienna khác).

Ở các quảng trường lớn của Vienna có những anh chàng trẻ măng, có lẽ là sinh viên đi làm bán thời gian, mặc quần áo hoàng gia đứng cầm những tấm brochure thu hút khách du lịch đi xem hòa nhạc, uống cà phê hay đi tour vòng quanh phố cổ
Một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Vienna là Hundertwasserhaus, khu chung cư được nghệ sĩ người Áo Friedensreich Hundertwasser thiết kế. Ông chuyển đổi những căn hộ bình thường thành một khu đầy màu sắc, trông như đồ chơi của trẻ con, biến nó thành một địa danh nổi tiếng
Trong cửa hiệu nữ trang Swarovsky nổi tiếng của thành Vienna
Phía đông Stephansdom là những con hẻm còn giữ lại dấu ấn nguyên thủy của thành phố, đặc biệt tòa nhà số 8 đường Raubensteingasse là nơi Mozart qua đời khi đang sáng tác bản Lễ cầu hồn (Requiem). Vienna là cái nôi âm nhạc cổ điển, xuất xứ của điệu valse dìu dặt, và người dân ở đây rất tự hào với những dấu ấn âm nhạc như tòa nhà Opera nổi tiếng thế giới, bộ sưu tập nhạc cụ cổ, nhà hát lớn...

Bên cạnh đó còn có những ngôi nhà nơi các thiên tài âm nhạc như Beethoven, Haydn, Mozart, Schubert... sống và sáng tác những bản nhạc bất hủ, trong đó không thể không nhắc tới Johan Strauss với khúc luân vũ bất tử An der schưnen, blauen Donau, được biết đến ở VN với cái tên Dòng sông xanh hay Sóng sông Danube.

Tôi đến sông Danube (sông Donau theo tiếng địa phương) vào buổi trưa ngày cuối năm 2004. Gió thổi hắt từ nước sông lạnh buốt và con sông mùa đông không xanh màu da trời như trong bài hát. Sông Danube dài 2.840km uốn lượn qua nhiều nước châu Âu, nhưng với bản nhạc của Strauss, trong trí nhớ nhiều người đó là con sông xanh của thủ đô nước Áo mà thôi.

Đêm cuối năm, chúng tôi đi dạo từ Spiegelgasse, khu phố yên tĩnh treo đầy đèn hình sao và bông tuyết về lại Stephansplatz, nơi hàng trăm ngàn người dân Vienna và khách du lịch chen chúc xem pháo hoa bắn lên nền trời những đường lượn rực rỡ mừng năm mới.

Đêm giao thừa ở Vienna
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ phải lên chuyến bay đầu tiên từ Vienna về London vào sáng sớm ngày đầu năm 2005, nhưng hình ảnh pháo hoa lúc nửa đêm, những ngôi nhà cổ, thánh đường uy nghiêm, xe ngựa, sông Danube và những hoài cổ Habsburg sẽ còn theo tôi cho đến khi tôi quay lại nơi đây lần nữa. 

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
Vienna, Southampton 1-2005

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2005

Tạp bút: Quê quán tôi xưa

TTCN - Tôi hiếm khi nhớ nhà trong những chuyến đi xa, nhưng tự nhiên những ngày cuối năm tôi thường hay nghĩ về quê cũ. Không phải Sài Gòn, nơi gia đình tôi đang ở mà là quê cũ ở thôn Thanh Minh, cách thành phố Nha Trang 15km kia.

Ảnh: Lâm Viên

Có lẽ vì khi nói đến “quê”, người ta thường nhớ đến những nơi xa lắc quê mùa mà mình sống những ngày còn nhỏ.

Mùa đông ở Anh thường mưa. Tôi nằm trùm chăn đọc sách, thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ, nơi những cành cây khẳng khiu trụi lá vẽ lên nền trời xám những đường ngoằn ngoèo. Hồi tôi học đại học, mẹ thường nói sao mẹ hay mơ thấy nhà cũ quá Biên ơi! (Biên là tên ở nhà của tôi), tôi hay nhăn mặt: “Nhớ gì không biết nữa, ở Sài Gòn có con không vui sao?”.

Nhưng càng gần đến cuối năm, tôi càng nhớ ngôi nhà cũ nền đất lợp ngói âm dương, có cây sabôchê tôi hay trèo lên trốn mỗi lần làm biếng đi tắm hay đi ăn cơm. Hồi còn ba, trước nhà còn có cây mai lớn quanh năm đầy sâu, nhưng tết đến sâu đi đâu mất, chỉ có hoa mai nở vàng rực.

Tôi mê chơi búp bê tóc vàng mắt xanh nhưng mẹ nói “để tiền mẹ mua đồ ăn với sách vở chớ, tiền đâu mua búp bê chơi” nên tôi phải nghĩ ra trò khác. Buổi chiều tôi thường ra khoảng sân đất trước nhà lấy que ngồi vẽ công chúa. Trên sân có nhiều con cúc, giống con bọ nhưng nhỏ bằng móng tay út em bé, mềm mềm, sống dưới những lỗ nhỏ xíu đào dưới đất rất khó thấy. Mỗi lần bắt gặp một lỗ như vậy tôi lại bứt tóc xe lại cho vào lỗ câu cúc lên, bỏ lên tay cho bò qua bò lại nhồn nhột.

Chơi một mình chán, tôi chạy qua nhà dì Tư (dì Tư nấu chè trôi nước ngon tuyệt, bây giờ nghĩ lại tôi còn thèm) rủ con Trâm qua chơi chung. Tôi bày nó đào đất, lấy đất nhào nước chơi đúc bánh, thường sau mỗi lần chơi những cái bánh đất tròn tròn vương vãi đầy sân. Dì Tư rất ghét trò này nên mỗi lần qua rủ nó chơi tôi phải lén lút như ăn trộm. Con Trâm lớn lên rất xinh đẹp và cũng như đám bạn cũ của tôi đã có chồng, còn tôi cứ đi hoài hết công tác đến hội nghị và bây giờ lang thang cách quê mười mấy tiếng đồng hồ bay.

Tôi về thăm quê, hàng xóm cũ cứ hỏi: “Bé Uyên đi được mấy nước rồi con? Chừng nào mày có chồng?” (Lúc đầu tôi ngạc nhiên thấy người làng gọi mình là “bé”, nhưng sau tôi đoán có lẽ vì đối với người ở quê tôi vẫn là con nhỏ buổi trưa hay vác cây sào dài ngoằng đi hái trứng cá hết nhà này đến nhà khác).

Bốn tháng nay tôi không có một hột cơm vô bụng. Mẹ gọi điện nói: “Hay con mua nồi cơm điện nấu cơm ăn chung với bạn, gì thì gì cơm cũng tốt hơn chớ!”. Tôi cười bảo con ở chung với hai đứa người Anh, một đứa Ailen, bị tụi nó ảnh hưởng rồi con không ăn cơm đâu. Nói vậy cho mẹ khỏi lo nhưng tôi biết mình nhớ cơm nguội với cá cơm kho khô cong cho nhiều tiêu thật cay, hay cơm nóng mới nấu với canh chua nóng hổi.

Gần đây, mỗi lần vừa coi Tony Blair đọc diễn văn trên BBC hay Cold Play chơi rock trên Channel 4, vừa gặm sandwich hay nhai spaghetti, tôi lại nhớ những bữa ăn ngon lành ở quê. Tôi thích ăn bánh căn (mà ở miền Nam gọi là bánh khọt) nên mỗi sáng thường đem một cái trứng vịt ra chỗ bán bánh bảo thêm trứng vào bột. Bánh căn giòn tan, phủ một lớp trứng vàng rộm ăn với nước cá và mỡ hành béo ngậy ngon lành.

Bánh căn thịt bằm là một món xa xỉ mà tôi hiếm khi được ăn, nhưng gần đây nghĩ lại thấy vậy mà hay vì ăn bánh căn không thịt có cái thú nhấm nháp riêng. Chán bánh căn tôi đổi qua tiệm bánh ướt cô Luyến, không phải bánh ướt phủ trên đĩa rắc đậu xanh mà phải là bánh ướt mới vớt ra từ khuôn nghi ngút khói, tuốt trực tiếp từ đũa cả vớt bánh, ăn với mắm ớt và chả lụa mỏng như lưỡi mèo gói lá chuốt dày cộm. Tôi cũng nhớ tô bánh canh nấu cá dầm, thả những lát chả cá mỏng gió thổi cũng bay, rắc hành tiêu thơm nức mũi tôi thường xì xụp húp…

Mới đây tôi nằm mơ thấy mình sắp chết. Mà lạ tôi nằm mơ thấy nhà cũ ở quê chứ không phải nhà ở Sài Gòn. Đi báo cho mọi người biết nhưng không ai tin, tôi nằm nhà khóc hu hu. Tỉnh dậy, tôi nhớ đến một bài hát của Trịnh Công Sơn “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời, dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy, giật mình tỉnh ra, ồ nắng lên rồi...”.

Tôi rờ tay lên má, không có giọt nước mắt nào, ngoài cửa nắng cũng chẳng lên mặc dù đã hơn mười một giờ trưa. Sương mù dày đặc bên ngoài, ống khói nhà gần bên chỉ thấy mờ mờ trong sương. Mấy con chim hay đứng hót trước cửa sổ phòng tôi sáng nay cũng không thấy đâu, chắc đã bay qua trú đông ở những nơi ấm áp hơn như Ý hay Tây Ban Nha mất rồi.

Đứa bạn chung nhà gõ cửa đưa tôi tách trà, bảo “TV mới nói tuyết rơi ở Scotland với Xứ Wales rồi đó, vài bữa nữa thế nào nước mình cũng có tuyết thôi”. Nước mình? Tôi uống trà, bảo: “Vậy hả? Chắc vài bữa còn lạnh nữa, phải mua thêm áo ấm thôi”.

Tôi viết bài này khi ngồi trên xe anh bạn thân trên đường từ Southampton đến Bristol xem bóng đá, và khi nhìn ra cửa sổ xe thấy làng quê nước Anh với những cánh đồng trải dài có đàn cừu trắng toát gặm cỏ, tôi lại nhớ quê quán tôi xưa... Mà lạ, ở quê tôi có bao giờ thấy con cừu nào đâu, sao tự nhiên nhớ kỳ cục?…

(Harpenden, những ngày cuối năm)