Thứ Hai, 24 tháng 1, 2005

Ngày cuối năm ở Vienna...

TTCN - Daniel và tôi đi Vienna vào những ngày cuối năm, khi tuyết rơi trắng xóa khắp miền Tây nước Áo nhưng ở thủ đô không có một giọt tuyết nào, chỉ có gió thổi lùa vào sáu, bảy lớp áo đủ làm lạnh run cầm cập.

Bạn trai tôi Daniel là người Áo nhưng học ở Thụy Sĩ, lần cuối cùng anh đến Vienna cũng đã cách đây mấy năm, còn tôi chưa từng đến đây lần nào. Vậy nên sau bữa ăn sáng kiểu Viennese với cà phê nóng hổi, bánh mì và thịt nguội ở nhà Thomas - chú ruột của anh, chúng tôi lấy lại sức sau hơn bảy tiếng đồng hồ trên xe lửa và háo hức muốn đi thăm thành phố ngay.

Cuốn Rough guide trong phần giới thiệu về Vienna đã viết: “Những du khách lần đầu đến Vienna đều vẽ sẵn trong đầu hình ảnh một nơi lãng mạn với những hoài cổ Habsburg và những âm hưởng nhạc”.

Thật vậy, khi chú Thomas chở hai đứa tôi đi vòng quanh thành phố, qua những công trình kiến trúc kiểu Baroque từ thế kỷ 18 đẹp như mơ bên những cây mùa đông trụi lá, tôi thốt lên: “Trời, giống như đang xem chương trình vòng quanh thế giới trên TV vậy”. Daniel cười: “Chừng nào tới TP.HCM chắc tôi cũng nói vậy”. Đúng là người ta chỉ quí những gì mình không có.

Ở Ringstrasse, nơi tập trung hầu hết những địa danh nổi tiếng của thành phố, tôi đặc biệt thích lâu đài Hoàng gia (Hofburg), một khu phức hợp tượng trưng cho văn hóa và di sản Vienna được xây từ năm 1275 với 19 sân, 18 cánh rộng mênh mông. Gia đình hoàng gia Áo đã ở đây suốt sáu thế kỷ: từ thời Rudolf đệ nhất năm 1279 đến Charles đệ nhất năm 1918. Những cỗ xe ngựa chở khách du lịch đi vòng quanh thành phố nằm chờ ở đây, gợi nhớ đến những bộ phim về châu Âu thời xa xưa.

Những cỗ xe ngựa chở du khách trong sân lâu đài Hoàng gia
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler về Vienna và tuyên bố “mối liên hệ giữa nước Áo và nước Đức phát xít” tại Hofburg. (Hitler là người gốc Áo nhưng bạn chớ dại dột đề cập chuyện ấy với người địa phương vì người Áo rất xấu hổ về điều này. Vả lại, Áo là quê hương của rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới khác để nhắc đến như nhà phân tâm học Sigmund Freud hay các thiên tài âm nhạc Mozart, Strauss, Beethoven...).

Mùa hè, những quán cà phê còn kê bàn ghế ra ngoài đường - đúng kiểu cà phê al fresco châu Âu, nhưng với cái lạnh 2OC có lẽ không ai thích ngồi uống cà phê ngoài phố. Ở khu phố đi bộ Karntner Strasse với những nghệ sĩ lang thang chơi guitar, violon và kèn trumpet, tôi bật cười khi bắt gặp một quán bar tên Loos (trong tiếng lóng của người Anh, loo có nghĩa là… toilet).

Sau tôi mới biết đây là một quán bar nổi tiếng được kiến trúc sư người Mỹ Adolf Loos, một trong những nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật mới (Art-Nouveau), vẽ kiểu vào năm 1908.

Quán Loos
Khu phố đi bộ Kohlmarkt - có nghĩa là Chợ Than vì ở đây trước là nơi bán than (cách đặt tên khác nào phố Hàng Than của 36 phố phường Hà Nội) - chẳng hề đen đúa như tên gọi, ngược lại những con đường ở đây sạch sẽ và sang trọng hơn đâu hết!

Ở cuối Kohlmarkt là quảng trường Michaelerplatz, nơi có tòa nhà Looshaus xây dựng vào năm 1911 cũng của KTS Adolf Loos, bây giờ là trụ sở ngân hàng. Cựu hoàng đế Áo Frank Joseph rất ghét tòa nhà này và gọi những cửa sổ ở đây là “cửa sổ không có lông mày” (vì những cửa sổ kiểu Loos không có những hình chạm khắc trang trí bên ngoài như ở những kiến trúc Vienna khác).

Ở các quảng trường lớn của Vienna có những anh chàng trẻ măng, có lẽ là sinh viên đi làm bán thời gian, mặc quần áo hoàng gia đứng cầm những tấm brochure thu hút khách du lịch đi xem hòa nhạc, uống cà phê hay đi tour vòng quanh phố cổ
Một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Vienna là Hundertwasserhaus, khu chung cư được nghệ sĩ người Áo Friedensreich Hundertwasser thiết kế. Ông chuyển đổi những căn hộ bình thường thành một khu đầy màu sắc, trông như đồ chơi của trẻ con, biến nó thành một địa danh nổi tiếng
Trong cửa hiệu nữ trang Swarovsky nổi tiếng của thành Vienna
Phía đông Stephansdom là những con hẻm còn giữ lại dấu ấn nguyên thủy của thành phố, đặc biệt tòa nhà số 8 đường Raubensteingasse là nơi Mozart qua đời khi đang sáng tác bản Lễ cầu hồn (Requiem). Vienna là cái nôi âm nhạc cổ điển, xuất xứ của điệu valse dìu dặt, và người dân ở đây rất tự hào với những dấu ấn âm nhạc như tòa nhà Opera nổi tiếng thế giới, bộ sưu tập nhạc cụ cổ, nhà hát lớn...

Bên cạnh đó còn có những ngôi nhà nơi các thiên tài âm nhạc như Beethoven, Haydn, Mozart, Schubert... sống và sáng tác những bản nhạc bất hủ, trong đó không thể không nhắc tới Johan Strauss với khúc luân vũ bất tử An der schưnen, blauen Donau, được biết đến ở VN với cái tên Dòng sông xanh hay Sóng sông Danube.

Tôi đến sông Danube (sông Donau theo tiếng địa phương) vào buổi trưa ngày cuối năm 2004. Gió thổi hắt từ nước sông lạnh buốt và con sông mùa đông không xanh màu da trời như trong bài hát. Sông Danube dài 2.840km uốn lượn qua nhiều nước châu Âu, nhưng với bản nhạc của Strauss, trong trí nhớ nhiều người đó là con sông xanh của thủ đô nước Áo mà thôi.

Đêm cuối năm, chúng tôi đi dạo từ Spiegelgasse, khu phố yên tĩnh treo đầy đèn hình sao và bông tuyết về lại Stephansplatz, nơi hàng trăm ngàn người dân Vienna và khách du lịch chen chúc xem pháo hoa bắn lên nền trời những đường lượn rực rỡ mừng năm mới.

Đêm giao thừa ở Vienna
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ phải lên chuyến bay đầu tiên từ Vienna về London vào sáng sớm ngày đầu năm 2005, nhưng hình ảnh pháo hoa lúc nửa đêm, những ngôi nhà cổ, thánh đường uy nghiêm, xe ngựa, sông Danube và những hoài cổ Habsburg sẽ còn theo tôi cho đến khi tôi quay lại nơi đây lần nữa. 

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
Vienna, Southampton 1-2005

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2005

Tạp bút: Quê quán tôi xưa

TTCN - Tôi hiếm khi nhớ nhà trong những chuyến đi xa, nhưng tự nhiên những ngày cuối năm tôi thường hay nghĩ về quê cũ. Không phải Sài Gòn, nơi gia đình tôi đang ở mà là quê cũ ở thôn Thanh Minh, cách thành phố Nha Trang 15km kia.

Ảnh: Lâm Viên

Có lẽ vì khi nói đến “quê”, người ta thường nhớ đến những nơi xa lắc quê mùa mà mình sống những ngày còn nhỏ.

Mùa đông ở Anh thường mưa. Tôi nằm trùm chăn đọc sách, thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ, nơi những cành cây khẳng khiu trụi lá vẽ lên nền trời xám những đường ngoằn ngoèo. Hồi tôi học đại học, mẹ thường nói sao mẹ hay mơ thấy nhà cũ quá Biên ơi! (Biên là tên ở nhà của tôi), tôi hay nhăn mặt: “Nhớ gì không biết nữa, ở Sài Gòn có con không vui sao?”.

Nhưng càng gần đến cuối năm, tôi càng nhớ ngôi nhà cũ nền đất lợp ngói âm dương, có cây sabôchê tôi hay trèo lên trốn mỗi lần làm biếng đi tắm hay đi ăn cơm. Hồi còn ba, trước nhà còn có cây mai lớn quanh năm đầy sâu, nhưng tết đến sâu đi đâu mất, chỉ có hoa mai nở vàng rực.

Tôi mê chơi búp bê tóc vàng mắt xanh nhưng mẹ nói “để tiền mẹ mua đồ ăn với sách vở chớ, tiền đâu mua búp bê chơi” nên tôi phải nghĩ ra trò khác. Buổi chiều tôi thường ra khoảng sân đất trước nhà lấy que ngồi vẽ công chúa. Trên sân có nhiều con cúc, giống con bọ nhưng nhỏ bằng móng tay út em bé, mềm mềm, sống dưới những lỗ nhỏ xíu đào dưới đất rất khó thấy. Mỗi lần bắt gặp một lỗ như vậy tôi lại bứt tóc xe lại cho vào lỗ câu cúc lên, bỏ lên tay cho bò qua bò lại nhồn nhột.

Chơi một mình chán, tôi chạy qua nhà dì Tư (dì Tư nấu chè trôi nước ngon tuyệt, bây giờ nghĩ lại tôi còn thèm) rủ con Trâm qua chơi chung. Tôi bày nó đào đất, lấy đất nhào nước chơi đúc bánh, thường sau mỗi lần chơi những cái bánh đất tròn tròn vương vãi đầy sân. Dì Tư rất ghét trò này nên mỗi lần qua rủ nó chơi tôi phải lén lút như ăn trộm. Con Trâm lớn lên rất xinh đẹp và cũng như đám bạn cũ của tôi đã có chồng, còn tôi cứ đi hoài hết công tác đến hội nghị và bây giờ lang thang cách quê mười mấy tiếng đồng hồ bay.

Tôi về thăm quê, hàng xóm cũ cứ hỏi: “Bé Uyên đi được mấy nước rồi con? Chừng nào mày có chồng?” (Lúc đầu tôi ngạc nhiên thấy người làng gọi mình là “bé”, nhưng sau tôi đoán có lẽ vì đối với người ở quê tôi vẫn là con nhỏ buổi trưa hay vác cây sào dài ngoằng đi hái trứng cá hết nhà này đến nhà khác).

Bốn tháng nay tôi không có một hột cơm vô bụng. Mẹ gọi điện nói: “Hay con mua nồi cơm điện nấu cơm ăn chung với bạn, gì thì gì cơm cũng tốt hơn chớ!”. Tôi cười bảo con ở chung với hai đứa người Anh, một đứa Ailen, bị tụi nó ảnh hưởng rồi con không ăn cơm đâu. Nói vậy cho mẹ khỏi lo nhưng tôi biết mình nhớ cơm nguội với cá cơm kho khô cong cho nhiều tiêu thật cay, hay cơm nóng mới nấu với canh chua nóng hổi.

Gần đây, mỗi lần vừa coi Tony Blair đọc diễn văn trên BBC hay Cold Play chơi rock trên Channel 4, vừa gặm sandwich hay nhai spaghetti, tôi lại nhớ những bữa ăn ngon lành ở quê. Tôi thích ăn bánh căn (mà ở miền Nam gọi là bánh khọt) nên mỗi sáng thường đem một cái trứng vịt ra chỗ bán bánh bảo thêm trứng vào bột. Bánh căn giòn tan, phủ một lớp trứng vàng rộm ăn với nước cá và mỡ hành béo ngậy ngon lành.

Bánh căn thịt bằm là một món xa xỉ mà tôi hiếm khi được ăn, nhưng gần đây nghĩ lại thấy vậy mà hay vì ăn bánh căn không thịt có cái thú nhấm nháp riêng. Chán bánh căn tôi đổi qua tiệm bánh ướt cô Luyến, không phải bánh ướt phủ trên đĩa rắc đậu xanh mà phải là bánh ướt mới vớt ra từ khuôn nghi ngút khói, tuốt trực tiếp từ đũa cả vớt bánh, ăn với mắm ớt và chả lụa mỏng như lưỡi mèo gói lá chuốt dày cộm. Tôi cũng nhớ tô bánh canh nấu cá dầm, thả những lát chả cá mỏng gió thổi cũng bay, rắc hành tiêu thơm nức mũi tôi thường xì xụp húp…

Mới đây tôi nằm mơ thấy mình sắp chết. Mà lạ tôi nằm mơ thấy nhà cũ ở quê chứ không phải nhà ở Sài Gòn. Đi báo cho mọi người biết nhưng không ai tin, tôi nằm nhà khóc hu hu. Tỉnh dậy, tôi nhớ đến một bài hát của Trịnh Công Sơn “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời, dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy, giật mình tỉnh ra, ồ nắng lên rồi...”.

Tôi rờ tay lên má, không có giọt nước mắt nào, ngoài cửa nắng cũng chẳng lên mặc dù đã hơn mười một giờ trưa. Sương mù dày đặc bên ngoài, ống khói nhà gần bên chỉ thấy mờ mờ trong sương. Mấy con chim hay đứng hót trước cửa sổ phòng tôi sáng nay cũng không thấy đâu, chắc đã bay qua trú đông ở những nơi ấm áp hơn như Ý hay Tây Ban Nha mất rồi.

Đứa bạn chung nhà gõ cửa đưa tôi tách trà, bảo “TV mới nói tuyết rơi ở Scotland với Xứ Wales rồi đó, vài bữa nữa thế nào nước mình cũng có tuyết thôi”. Nước mình? Tôi uống trà, bảo: “Vậy hả? Chắc vài bữa còn lạnh nữa, phải mua thêm áo ấm thôi”.

Tôi viết bài này khi ngồi trên xe anh bạn thân trên đường từ Southampton đến Bristol xem bóng đá, và khi nhìn ra cửa sổ xe thấy làng quê nước Anh với những cánh đồng trải dài có đàn cừu trắng toát gặm cỏ, tôi lại nhớ quê quán tôi xưa... Mà lạ, ở quê tôi có bao giờ thấy con cừu nào đâu, sao tự nhiên nhớ kỳ cục?…

(Harpenden, những ngày cuối năm)