Thứ Tư, 10 tháng 1, 2007

Verona, phố xá mơ màng...

Tôi không dự định đến Verona trong chuyến đi Ý của mình, nhưng Venice dù yêu kiều xinh đẹp mấy cũng làm tôi chán. Ở đây quá phát triển du lịch và một nơi có lực lượng du khách “hùng hậu” cùng những dịch vụ kéo theo dễ làm bạn cảm thấy mệt mỏi.

Vì vậy, sau ba ngày không gặp được bóng dáng người địa phương nào ở phố cổ có những con kênh xanh với thuyền gondola xuôi dòng, tôi quyết định gửi vali lại chỗ cô lễ tân vui tính ở khách sạn tôi ở, chỉ đem theo ít đồ cần thiết trong ba lô rồi leo lên tàu đi Verona.

Thật không may cho tôi khi đến Verona vào chiều chủ nhật, văn phòng dịch vụ du lịch ở nhà ga đã đóng cửa trong khi tôi không có lấy một cuốn sách hướng dẫn trong tay để tìm chỗ ở qua đêm. Bên ngoài văn phòng có một máy vi tính để truy cập thông tin những khách sạn địa phương (Intranet, không phải Internet), nhưng những khách sạn này giá thấp nhất cũng đã bảy tám chục euro, vượt quá ngân sách của tôi nên tôi đi loanh quanh nhà ga một lúc rồi quay trở lại văn phòng, dí mắt vào sát tấm gương và tình cờ đọc được bảng chỉ dẫn về nhà trọ thanh niên tên Biệt thự Francescatti dán bên trong. Vui mừng, tôi quay ra trạm xe buýt ngồi chờ.

Một gã trẻ tuổi ốm nhom ốm nhách trông bộ dạng không mấy lương thiện đang lảng vảng xung quanh khách chờ xe buýt. Tôi không lạ gì những chuyện như thế này nữa, kinh nghiệm xương máu ở Áo trước giáng sinh đã khiến tôi tâm niệm “Ở đâu cũng có anh hùng. Ở đâu cũng có… thằng khùng thằng điên”, và trở thành chuyên nghiệp trong việc cảnh giác mất cắp, đến nỗi đạo chích Paris hay Venice (những nơi vốn khét tiếng về nạn móc túi du khách) cũng không “làm ăn” được gì với tôi huống chi giang hồ tỉnh lẻ. Tôi liếc xéo gã một cái, ra điều “ta biết rồi, đừng hòng giở trò móc túi ở đây” rồi đeo ba lô ra trước ngực, ôm khư khư vào lòng. Nhắm thấy con mồi không phải tay vừa, gã bỏ đi.

Anh chàng lái xe buýt từ nhà ga trung tâm Verona đến nơi tôi ở cũng như hầu hết những người Ý ở đây, tóc xoăn tít và mặc quần tây áo sơ mi thật lịch lãm, đeo kiếng đen hiệu Gucci trông đẹp trai hơn cả Ben Affleck. Nhưng anh chàng không biết tiếng Anh nên sau một hồi giải thích nơi muốn đến trong vô vọng, tôi bước xuống ngồi ở giữa xe. Thật may mắn, đôi bạn trẻ lên xe cùng lúc với tôi đang đứng với mớ ba lô túi xách to tướng cũng đến cùng nhà trọ nên tôi thở phào nhẹ nhõm. Qua trò chuyện, tôi được biết hai bạn người Hà Lan, vừa đến sân bay Milan Ý vào buổi trưa và đã quyết định không vào thành phố mà đáp xe lửa thẳng đến Verona. Quả là một quyết định đúng đắn vì Milan là một trong những thành phố xấu nhất nước Ý, trừ khi bạn là phóng viên muốn dự tuần lễ thời trang hoặc là cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt của Inter hoặc AC Milan, có rất ít lý do để bạn đến nơi này.

Nhà trọ thanh niên Villa Francescatti là một biệt thự cổ duyên dáng nằm trên đồi, trong khu vườn rộng xanh um cây lá và đài phun nước mát rượi bên thảm cỏ tươi tốt mượt mà. Những căn phòng rộng của biệt thự xưa đã được biến thành một dạng ký túc xá sinh viên với những chiếc giường tầng và cửa sổ hướng ra vườn chim hót ríu rít. Bạn phải ở chung với bảy người khác và nhà trọ có lock-out period bắt buộc bạn ra khỏi phòng từ 9g sáng đến 5g chiều, nhưng bù lại phòng ốc ở đây rất sạch sẽ yên tĩnh, không gian trong lành và giá chỉ 13.5 euro mỗi người có cả ăn sáng nên chúng tôi không lấy đó làm phiền.

Buổi sáng đầu tiên bước ra khỏi biệt thự, thấy ban mai trong suốt như một giọt sương. Con đường hẹp quanh co từ ngọn đồi chúng tôi ở vẫn còn ngái ngủ, thưa thớt người, những cửa sổ cạnh bao lơn nở hoa đỏ hoa tím li ti khép hờ. Có tiếng chim hót (không biết có phải từ “bụi mận gai” nào quanh đây) làm lòng tôi thật thư thái nhẹ nhàng, vừa tản bộ vừa ngắm những ngôi nhà Verona tư lự, tường gạch tróc lở vết thời gian và những mái ngói nâu hồng mang vẻ đẹp hài hòa và mơ màng. Biệt thự Francescatti đã có mặt hơn năm trăm năm trước nhưng tuổi đời so với những nhà hàng xóm vẫn còn thua xa. Verona ra đời từ thế kỷ thứ 1 trước công nguyên, và đã được công nhận là di sản UNESCO do những phát triển đô thị trải qua hơn hai thiên niên kỷ vẫn còn giữ lại rất nhiều thành trì, pháo đài thời La Mã cùng những kiến trúc Trung cổ và Phục hưng.

Chúng tôi băng qua cây cầu bắc ngang sông Adige trong xanh bên sườn đồi trồng đầy cây bách reo trong gió sớm. Thành phố sáng đầu tuần vắng lặng, ngay cả ở khu trung tâm. Những ngôi nhà tinh khiết ở đây giống như vừa bước ra từ một bức tranh sơn dầu với những gam màu hồng đậm nhạt pha trắng và ban công bằng sắt uốn lượn như dải lụa. Một tờ báo ở Anh đã gọi Verona là thành phố sắc hồng, quả thật đúng. Màu hồng là chủ đạo trên những ngôi nhà xưa duyên dáng nơi đây. Ngay cả những ngôi nhà sơn màu vàng nhạt hay nâu vẫn điểm những giàn hoa tươi ửng hồng đẫm sương đêm và chiếc xe đạp dựa hờ hững lên tường đá cũng được sơn hồng cánh sen. Cô gái Hà Lan đi cùng thốt lên: “Thích thành phố này quá đi!” và chúng tôi cùng gật đầu đồng ý.

Tôi quyết định chia tay hai bạn để làm một chuyến shopping. Ở Venice gì cũng đắt đỏ và toàn đồ cho du khách nên tôi không mấy hứng thú mua, nhưng ở đây có những shop giản dị và “điền viên” hơn nhiều, bán đồ ăn địa phương: mì vàng ươm, cà phê bột thơm lừng, xí muội kiểu Ý là lạ, hạt sôcôla trắng nhỏ li ti đựng trong túi lưới màu kem cột nơ xinh xắn…, quần áo ở Ý cũng rất đẹp và giá vừa phải (trừ khi bạn muốn mua đồ Armani, Gucci, Versace hay D&G…) nên tôi thích thú rảo một vòng ngó nghiêng những cửa hàng nhỏ nhắn trên đường tĩnh lặng. Sau khi ghé mua một số đồ làm quà cho mình và cho mẹ, cho chị ở nhà, tôi ra lại khu phố chính, đứng tần ngần nhìn những nghệ sĩ lang thang chơi guitar và thổi sáo bên cạnh một shop bán trái cây tươi ngoài vỉa hè.

Đã sang trưa, du khách bắt đầu túa ra từ những khách sạn, nhà nghỉ trong thành phố, Verona đã mất vẻ ngái ngủ ban sáng. Tôi băng qua những con đường hẹp, tình cờ thấy trên ban công căn nhà nhỏ nhắn trong hẻm nhỏ, một bà cụ đang đập bụi hai trăng lưỡi liềm vàng nhồi bông, có lẽ là đồ chơi các cháu nhỏ của bà. Thấy tôi vừa tủm tỉm cười vừa ngước nhìn từ bên ngoài đầu hẻm, bà dừng tay đập, cũng cười với tôi.

Trong lòng vui và nhẹ nhõm, tôi rảo bước đến thăm một trong những sức hút lớn nhất của Verona: nhà nàng Juliet. Nhà soạn kịch lỗi lạc người Anh Shakespeare viết lại “Romeo và Juliet” vào thế kỷ 17, nhưng huyền thoại về tình yêu ngây thơ và mơ mộng của hai người trẻ tuổi đã bắt nguồn ở Verona từ hơn ngàn năm trước đó và đã có mặt trên những truyện ngắn, kịch, thơ của nhiều tác giả khác trên thế giới trước khi Shakespeare ra đời. Bức tường gần cổng vào nhà đầy những dòng chữ nguệch ngoạc của những kẻ đang yêu đến thăm nhà cô gái xinh đẹp, tưởng nhớ một trong những chuyện tình lãng mạn nhất lịch sử nhân loại với kết thúc bi thương do thù hận gia đình. Tôi thích thú đọc chữ “Nhà Juliet” bằng nhiều thứ tiếng trong bảng đá đặt trước nhà, ngộ ra “Juliet’s house” trong tiếng Anh nghe rất “chuyên nghiệp” như đang trong một phi vụ làm ăn, “Juliethaus” tiếng Đức nghe đanh thép làm mất hết vẻ lãng mạn, “Maison de Juliette” tiếng Pháp nghe cũng khá êm đềm, nhưng chỉ tiếng Ý “Casa di Giulietta” mới du dương và thi vị nhất, chỉ bản thân chữ đó cũng đủ làm ta mơ màng hơn cả một bài thơ.

Nhà Juliet lớn nhưng không đồ sộ mà rất xinh xắn, xây bằng gạch nâu xưa đã tróc vôi, những vòm cửa cong cong như trong truyện cổ và ban công nhỏ xíu giản dị. Tôi trả ba euro để được vào trong, trèo lên ban công nhỏ đáng yêu nhìn xuống bức tường dây leo rậm rạp xanh um, tưởng tượng chàng Romeo đẹp trai vẫy tay bên dưới sân. Tôi dụi mắt, không tin vào mắt mình vì có ai đang vẫy tay với tôi bên dưới thật, hay là duyên nợ chăng? Nhưng tôi thất vọng ngay khi nhận ra người vẫy tay là anh chàng Hà Lan đang đi cùng cô bạn gái tôi gặp trên xe buýt hôm qua. Tôi trèo xuống, Romeo rủ: “Ăn trưa ít nên đói bụng quá. Đi ăn thêm không?”

Như đã viết trong bài “Ăn Ý”, đồ ăn ở đây chỗ nào cũng ngon và đầy hương vị. Chúng tôi chỉ ăn đồ ăn nguội mua trong một quầy thức ăn giản dị, nhưng món bánh mì tròn kẹp giăm bông và củ cải chua làm ai cũng tấm tắc khen. Tôi ra ngoài quảng trường Roman Arena nhấm nháp món tráng miệng bánh gừng, làm tôi nhớ lại Alastair ở nhà hay kể chuyện thiếu nhi về anh chàng người bánh gừng (Gingerbread man) chạy từ lò nướng trốn bà cụ nướng bánh: “Run, run as fast as you can. You can’t catch me, I’m a gingerbread man”. “Chạy, chạy nhanh hết sức đi. Cũng không bắt được tôi đâu, tôi là người bánh gừng”.

Roman Arena, một trong những công trình vĩ đại nhất châu Âu, là đấu trường La Mã được xây dựng từ thế kỷ thứ một sau Công nguyên, vào năm cuối cùng của triều đại Augustus, kỳ công đến nỗi trận động đất dữ dội vào thế kỷ 12 tại đây chỉ phá hỏng được một phần bên ngoài. Khi xưa nơi này đã diễn ra nhiều cuộc chiến của các dũng sĩ giác đấu tương tự những cảnh hoành tráng mà ai từng xem bộ phim Gladiator khó có thể quên. Đến thế kỷ 18, đấu trường xây hình elip bằng đá cẩm thạch hồng dài gần 150m ấy được chuyển thành một nơi nhẹ nhàng hơn nhiều: thay vì những cuộc cưỡi ngựa đấu thương là những vở nhạc kịch êm đềm du dương rất Ý. Ngày nay, Roman Arena là nơi tổ chức hòa nhạc và opera thu hút hàng chục ngàn khán giả mỗi đêm; nhưng khi đến, tôi chẳng thấy áp phích giới thiệu chương trình nào, chỉ có một poster quảng cáo lớn bằng một tòa nhà của hãng Lycra có ảnh một cô gái mặc bikini thật hấp dẫn, quả là một ví dụ sống động cho cổ xưa chen lẫn hiện đại. Tôi ngồi nhâm nhi bánh gừng, chợt nghe tiếng nhạc trong vắt đâu đây; quay lại, thấy một nghệ sĩ đường phố trong trang phục quí tộc xưa đang biểu diễn nhạc nước pha lê: Khi ông huơ tay trên những chiếc ly cốc thủy tinh đủ kích cỡ hình thù đựng nước lọc, những âm thanh tinh khiết vang lên như một bản nhạc êm đềm.

Tôi còn lang thang nữa qua phố G Mazzini mua bức tranh khắc nổi hình cô gái múa balê của một người đàn ông Nam Tư, những bánh xà bông thơm nức từ các cửa hiệu nhỏ xinh, rồi đi lạc trong những con phố có mái vòm arcade, những tu viện, giáo đường, nhà thờ trầm mặc, những pháo đài cổ có đôi chim bồ câu đứng gù, rồi trở lại quảng trường Piazza Brà ngắm du khách và người địa phương lười biếng ăn cioccolato (sôcôla) và crostata (bánh trái cây nướng) mới mua được từ những pasticceria xung quanh, trước khi tạt vào một quán cà phê khuất nẻo, nghe cô chủ và những khách người địa phương trong quán nhiệt tình chỉ tôi caffè lungo và caffè Americano gần như là một loại, còn cappuccino phải được uống ấm chứ không quá nóng bỏng sẽ làm mất đi độ ngọt tự nhiên của sữa và độ mịn của bọt (Lạy trời, cả đời tôi không tưởng tượng được một ngày nào đó mình sẽ tinh tế đến mức này).

Tôi đi bộ một mình về chỗ trọ sau một ngày lang thang mỏi chân, băng qua cây cầu cong cong đỏm dáng ban sáng với những ngôi nhà xưa mái ngói ửng hồng có những ô cửa sổ hình chữ nhật soi bóng xuống sông Adige trong xanh. Xung quanh vắng lặng đến khó tin, có lẽ tất cả du khách đã ở hết khu trung tâm thành phố. Những cây tùng cây bách vẫn reo trên mái nhà và những sườn đồi thoai thoải, nhưng cảnh hoàng hôn buông xuống đẹp huy hoàng hơn ban sáng gấp nhiều lần. Ánh mặt trời miền Bắc nước Ý nhuộm cảnh vật một màu óng ả như tơ tằm, như mật, như dầu ô liu nguyên chất, như vàng ròng, hắt xuống mặt nước lăn tăn lấp loáng. Tôi nhìn buổi chiều Verona mơ màng, quên mình đang ở một xứ sở có thực.

Song tiếng xe Vespa rồ ga của cô nàng có gương mặt thanh thoát như thiên thần đang đội nón bảo hiểm phóng vù vù làm tôi giật nảy mình, nhận ra đã đến con hẻm nhỏ dẫn vào nhà trọ Biệt thự Francescatti và mình không phải đang ở trong chuyện cổ tích mà đang ở Ý, “thủ phủ” của những quái xế chạy xe ẩu nhất thế giới. Nhưng có hề chi, đối với tôi Verona vẫn mãi là phố xá mơ màng với những ngôi nhà mái ngói tường vôi in vết thời gian, ban công xinh xinh nhà Juliet và cảnh hoàng hôn nhuộm dòng sông Adige vàng óng ả làm “có người lòng như nắng qua đèo” (*)…

(*) Lời một bài hát của Trịnh Công Sơn

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2007

Đảo Evia và mùa thu Địa Trung Hải

Ngay từ đầu hè, Daniel và tôi đã bàn việc sẽ đi đâu trong tháng bảy, phải là một nơi thật đặc biệt vì đó là tháng sinh nhật của cả hai. Sau nhiều giờ bàn tán, chúng tôi quyết định đi đảo Evia vì tôi luôn ao ước được đi Hi Lạp từ lâu.

Quyết định xong xuôi, do nhiều lý do khác nhau chúng tôi không đến Evia được đành khăn gói đi Tây Ban Nha đúng khu Lloret de Mar, đến nơi mới nhận ra mình quả sai lầm vì đây đúng là một ví dụ kinh điển của việc phát triển du lịch rất “chụp giật”, với những tòa nhà bêtông xấu xí và du khách đông như kiến, ồn ào nốc sangria như nước lã. Ngày cuối cùng, tôi thở dài, than vãn, bây giờ chỉ muốn đi ẩn dật ở một miền quê hẻo lánh không có cảnh đẹp gì đặc biệt, chỉ nằm cả ngày trên võng nghe gà gáy chim hót dưới bóng cây, không đi thăm thú chỗ nào, không viết bài, không chụp ảnh, không gì hết. Daniel bảo: “Vậy tới đảo Evia chắc Uyên thích lắm đó, ở đó không có gì hết trơn, muốn chụp hình hay viết bài cũng không có gì để chụp hay viết. Thôi tháng mười mình đi vậy”.

Vậy là tôi đếm từng ngày tới tháng mười để đi đảo Evia, tiếng Hi Lạp là Euboea, hòn đảo lớn thứ hai ở đất nước mấy mươi ngàn năm lịch sử này. Vì không nổi tiếng với khách du lịch nên Evia rất vắng vẻ và còn giữ lại rất nhiều nét nguyên sơ địa phương dù chỉ cách thủ đô Athens rộn ràng nhộn nhịp hơn một giờ đi phà. Mùa thu Địa Trung Hải, trời còn ấm áp hơn hẳn nơi khác. Những ngôi nhà trắng đứng yên trên đồi, soi bóng xuống biển xanh tĩnh lặng. Ba mẹ Daniel có ngôi nhà nghỉ ở Stira, ngôi làng nhỏ xinh xắn đã từng có mặt trong thiên anh hùng ca Iliad do Homer viết về cuộc bao vây thành Troy của người Hi Lạp. Xe băng qua những dòng suối róc rách chảy qua những cây tiêu huyền gió biển thổi lao xao, qua ngôi nhà bằng đá ong đã đổ nát có lẽ có từ thời cổ đại nằm trơ vơ rồi leo lên đồi cao có mấy cụm xương rồng mọc hoang, đá sỏi lọc cọc. Tôi reo lên thích thú khi thấy nhà ba mẹ anh là một ngôi nhà giản dị quét vôi trắng xóa với cửa sổ màu xanh dương, hàng rào hoa giấy nở đỏ. Tôi mê mẩn những ngôi nhà trắng Hi Lạp, mà theo cô Gerlinde - mẹ anh cho biết, ở Evia chỉ có nông dân nghèo người địa phương và người nước ngoài sang chuộng cái đẹp kiến trúc truyền thống mới xây mà thôi, người Hi Lạp trung lưu và thượng lưu ít ai còn xây những ngôi nhà “quê mùa” này nữa.

Chúng tôi ăn tối trong một tarvena truyền thống đối diện bãi biển, bán toàn những món địa phương nổi tiếng thế giới: salad kiểu Hi Lạp với cà chua xắt múi dày, hành tây tím xắt khoanh, dưa leo giòn tan, trộn phô mai feta làm bằng sữa cừu beo béo, rưới dầu ôliu, giấm cùng những gia vị không tài nào đoán ra; lá nho nhồi cơm cuộn lại hấp; souvlaki: thịt heo hoặc gà tẩm bia và gia vị địa phương, nướng xiên trên than hồng (mỗi miếng nạc xen với một miếng mỡ để khi nướng mỡ chảy xèo xèo thơm phức khắp không gian), uống rượu ouzo thoảng mùi hoa hồi và tráng miệng bằng yaourt không đường, đặc và dẻo quánh, rưới mật ong ngọt ngào tê cả lưỡi. Bữa ăn ngon làm mới ngày đầu tiên tôi đã mê Evia như điếu đổ và hồ hởi trông đợi những ngày thật thư giãn trên hòn đảo êm đềm này.

Quả thật, tôi không mong đợi gì hơn ở một kỳ nghỉ mát đúng nghĩa. Ánh nắng đầu thu không quá gay gắt, tôi nằm cả ngày ngoài sân, hướng ra đại dương mênh mông phẳng lặng dưới đồi. Những cây ôliu trong sân đã đậu trái thon thon xanh ngắt, lá rì rào khi gió biển thổi thoảng qua. Bờ biển trải dài ngút mắt, xanh và êm đềm. Lúc mới đến, tôi ngạc nhiên hỏi tại sao xung quanh ngôi nhà lại rào lưới thưa thấp ngang ngực, làm chắn mất một phần cảnh biển thật đẹp bên dưới, nhưng ai cũng cười tủm tỉm vẻ bí mật. Một buổi chiều, khi tiếng lục lạc ở đâu leng keng vọng lại, mọi người mới bảo: “Thủ phạm làm mình phải dựng rào lưới đây”. A, thì ra tại những chú cừu khờ khạo kia, cứ len vào sân gặm những cây non mới trồng, mục đồng theo không xuể. Các chú nghếch cổ lên nhìn qua hàng rào thưa, chắc tiếc rẻ những búi cỏ bên trong nhà người ta. Người mục đồng già vẫy tay chào cô Gerlinde và chú Peter bằng tiếng địa phương, rồi lùa đàn cừu đi xuống đồi, tiếng lục lạc còn leng keng mãi trong chiều yên ả. Những ngày nắng, không gì bằng ngồi với cả nhà trên bộ ghế đá ngoài sân đợi hoàng hôn. Mặt trời Địa Trung Hải đỏ ối, tròn vành vạnh, loang ra những mảng màu vàng cam trông giống một quả trứng ốp la, hắt xuống nước biển mảng vàng sóng sánh. Tôi có cảm giác chỉ cần một cơn gió mạnh, khối trứng ốp la ấy sẽ rớt xuống nước rồi sôi sùng sục lên như vàng khối đun chảy. Nhưng cuối cùng, mặt trời không rớt mà lặn xuống đường chân trời thênh thang, rất nhanh, làm lần nào tôi cũng ngẩn ngơ.

Những tour du lịch quả không ngoa khi gọi đảo Evia là viên ngọc ẩn. Ở đây có lẽ không đẹp bằng những đảo Hi Lạp khác như Santorini, Rhodes hay Corfu nơi du khách châu Âu và cả thế giới nườm nượp đổ về mỗi mùa hè, nhưng có một nét duyên mà bạn phải mất một thời gian mới cảm nhận được. Nét duyên từ làn nước xanh biếc và trong suốt của biển Aegean, mỏm đá hoang sơ, những vịnh nhỏ hẻo lánh vắng người. Nét duyên từ thung lũng màu mỡ trong mù sương buổi sớm, từ con đường vắng trên đồi băng qua những mái nhà nhỏ ngói đỏ cam thấp thoáng trong khóm cây bách xanh rờn, bên dưới là đại dương mượt mà như dải lụa và bầu trời trong trẻo không một gợn mây, trời và nước chỉ cách nhau một đường phối màu xanh nhạt mà bức tranh thiên nhiên vẽ nên, bình yên biết mấy.

Chúng tôi băng qua những ngôi làng ven biển trên những con đường thung lũng-đồi-đại dương ấy, lòng nhẹ nhàng phơi phới như gió biển mang theo vị hơi mằn mặn rất đặc trưng. Thỉnh thoảng, thấy một tu viện bỏ hoang quét vôi trắng xóa chóp tròn màu xanh có chữ thập, chúng tôi lại dừng xe, bước vào để cảm nhận “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, những bức tường đá đổ nát xung quanh và cây tùng già nua đứng trước cổng sơn trắng như chứng nhân lịch sử. Đói bụng, chúng tôi lại ghé một ngôi làng bất kỳ, rảo qua nhà thờ bằng đá ong trầm mặc, ngó nghiêng những sạp cá tươi rói bày trước nhà, có cá giãy đành đạch, tôm búng lách tách và cua vươn càng dọa dẫm, rồi tạt vào một taverna nhỏ xíu, nơi thức ăn tươi mới nấu được bày ra bên ngoài để khách tự chỉ vào gọi món rồi ngồi nhấm nháp trong gian nhà tường đá sần sùi mát rượi. Những người làng đang ngồi đánh cờ nơi mấy quán sữa nhỏ bé bảng hiệu toàn những mẫu tự Hi Lạp Σ Ω Λ α không lẫn vào đâu được, kê vài bộ bàn ghế xiêu vẹo bên ngoài để khách ngồi ăn yaourt, uống sữa hay cà phê đá, ai cũng dừng tay nhìn tôi. Có lẽ họ ít khi thấy du khách đến đây, huống gì lại là một người châu Á. (Cũng như du khách Tây về những miền quê hẻo lánh Việt Nam trẻ con sẽ kéo nhau đi xem). Điều này làm tôi thích thú vì biết chắc chắn mình đang được cảm nhận những gì rất địa phương mà những điểm du lịch không thể nào có được.

Chúng tôi đến Kymi, ngôi làng dễ thương như tên gọi, nằm phía đông bắc đảo Evia. Những con thuyền đánh cá không hổ danh là thuyền Hy Lạp, cũng sơn trắng thật xinh xắn neo dưới búi lau sậy um tùm hay thả bồng bềnh trên mặt nước trong xanh cạnh lưới cá vàng óng vắt lên bờ. Chúng tôi đi dạo ven biển, thỉnh thoảng lại bắt gặp lẫn trong thuyền đánh cá là rải rác những du thuyền đến từ Anh, trông lộng lẫy xa hoa đến nỗi trong một thoáng tôi tưởng tượng sẽ thấy các cầu thủ đội Chelsea rời thuyền bước xuống bờ bất cứ lúc nào. Tôi băng xuống mép nước, nơi đàn ngỗng trời đang nối đuôi nhau bơi thật êm ả trên mặt nước xanh phẳng lặng lấp loáng nắng, cúi nhặt một hòn sỏi lớn ném xuống nước. Thấy động đàn ngỗng tưởng thức ăn bơi lại. Nhận ra kẻ lạ ném sỏi chứ không phải thức ăn, con ngỗng đầu đàn quạt nước bơi về phía tôi, trông “giang hồ” khác hẳn vẻ hiền lành êm ả ban nãy, rồi lên bờ rượt tôi chạy tóe khói, vừa rượt vừa kêu rầm rĩ, như muốn nói cho chừa tật phá phách nha!

Tôi mệt đứt hơi sau cú rượt của ngỗng trời nên không buồn đến bảo tàng dân gian, chỉ lang thang qua con phố ven biển với những ban công xinh xinh leo đầy dây nho. Xe cộ đậu nghỉ trưa dưới bóng thông xanh, không gian thoảng mùi nhựa thông và tĩnh lặng đến nỗi có thể nghe xao xác tiếng gà gáy trưa. Chúng tôi băng qua đường lớn, vào những con hẻm lát đá có những ngôi nhà vuông vắn trồng hoa phong lữ đỏ hay tường vi phớt hồng, phơi quần áo bên ngoài thơm thơm mùi nắng. Băng lên chút nữa là căn nhà bằng đá có gác suốt lợp ngói tươi tắn nép bên những cây cam lúc lỉu quả, có quả vừa chớm xanh ngả vàng, có quả đã chín mọng vàng ối, chỉ cần tưởng tượng cắn ngập răng vào đấy nước cam ngòn ngọt chua chua sẽ làm dịu ngay cơn khát buổi trưa. Cây cam thấp lè tè mà lá xum xuê quả trĩu cành xòa cả ra đường, chỉ cần với tay là hái bao nhiêu cũng được. Những con hẻm nhỏ hẹp với dây điện mảnh giăng từ nhà này sang nhà khác ấy đều dẫn ra biển xanh óng trong nắng mặt trời. Cảnh mùa thu Địa Trung Hải giản dị mà tươi đẹp biết bao!

Tôi sẽ nhớ mãi những ngày nghỉ thanh thản vô tư lự trên hòn đảo lặng lẽ này, những ngày nằm dài lười biếng hát nghêu ngao nhạc của Red Hot Chili Peppers, đọc sách, chơi ô số Sudoku hay chỉ nhìn trời nước trải dài trước mặt, không nghĩ ngợi gì. Có khi tôi phụ ba mẹ Daniel ướp bia vào thịt xiên que nướng barbecue trên lò than, hay xắt rau củ xếp bên dưới cá trước khi bỏ lò cho những chất ngon ngọt trong cá tươi thấm vào rau củ. Có khi tôi cùng cả nhà đi chợ, mua đồ linh tinh lặt vặt của những người bán hàng rong. Có khi chúng tôi lại đi đến những bãi biển vắng người đẹp như tranh với vách núi dốc đứng và hang biển, ngồi nhâm nhi cá trích nướng trong một quán ăn sát bờ hoa giấy nở đỏ rồi xuống bơi trong làn nước mát lạnh. Nhà chỉ dùng năng lượng mặt trời nên những ngày trời không nắng buổi tối cũng không có điện nốt. Tôi rất thích những buổi tối không điện ấy, được thắp lên những cây nến làm bằng sáp ong vàng thơm ngọt dìu dịu lan tỏa không gian. Ánh nến loang trong nhà làm tôi nhớ lại những năm 80 ở Việt Nam, khi khu nhà chúng tôi ở quê chưa có điện, buổi tối ba tôi thường lấy hai bàn tay đan lại thành hình con thỏ, con sói in bóng trên vách tường trò chuyện với nhau như một vở múa rối cho tôi vui.

Tôi đã không giữ được lời hứa chỉ ăn và ngủ, không viết bài, không chụp hình, không làm gì hết trong những ngày qua thật nhanh ở đảo Evia. Đơn giản chỉ tương tự như khi xem được cuốn phim thật hay bạn khó có thể không muốn giới thiệu cho bạn thân mình, và nếu người kia nhất định không xem bạn sẽ thấy bứt rứt khó yên. Bởi vậy, làm sao tôi không viết về mùi thơm dễ chịu của những lùm cây ôliu, cỏ xạ hương, búi cây dẻ và những luống mạch nha rì rào, về tiếng gà gáy trưa trên phố biển êm đềm với những chậu hoa phong lữ đỏ, hay về ngôi nhà bạn tôi quét vôi trắng xóa trên đồi nhìn xuống Địa Trung Hải biếc xanh?

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2007

Những mái nhà cổ tích, vườn bia và Sauerkraut

Trước khi đến Munich, tôi không ngờ thủ phủ vùng Bavaria lại đáng yêu như vậy. Trong tưởng tượng của tôi, đó là một thành phố công nghiệp hiện đại chỉ toàn những tòa nhà chọc trời và những làn xe BMW, Mercedes bóng lộn lao vun vút.

Nhưng đó chỉ là một phần của thành phố giàu có nhất nước Đức này, phần còn lại là những khu phố cổ mơ màng và những vườn bia (biergarten) nơi dân địa phương và du khách ngồi thưởng thức bia tươi nổi tiếng thế giới trong cái nắng châu Âu dìu dịu, rất đúng “tinh thần” chữ tiếng Đức Gemutlichkeit, nghĩa là vui vẻ, dễ chịu, thoải mái.

Chuyến đi Đức của tôi phẳng lặng và êm đềm như những thành phố, thị trấn xứ Alps với nhà gỗ nâu xinh xắn, tĩnh lặng và ngái ngủ nép mình bên rặng núi hùng vĩ chập chùng lướt qua xe lửa. Munich, Munchen trong tiếng Đức, là nơi cuối cùng tôi đến sau gần một tháng rong ruổi xuôi ngược Châu Âu, và quả là một trạm cuối đầy ấn tượng, đặc biệt nhất vẫn là sức quyến rũ kỳ lạ của quảng trường Marienplatz, trái tim của phố cổ Munich và đã hiện hữu trong không biết bao nhiêu tấm postcard nơi đây.

Tôi leo lên nhà thờ Alter Peter để ngắm trọn vẹn hình ảnh quảng trường trong nắng sớm mai. Phía trước tôi, bọn trẻ con người địa phương chừng tám, chín tuổi, reo hò nhộn nhạo và tranh nhau bước trên cầu thang bằng gỗ nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi, trong khi cô giáo thở không ra hơi vì những bậc thang cao hun hút, không còn sức bảo học trò. Đến nơi ai cũng mệt bở hơi tai, nhưng toàn cảnh Neues Rathaus, tòa tháp kiểu neo-Gothic được xây dựng từ thế kỷ 19 kiêu hãnh vươn lên nền trời và những cửa sổ nhà thờ hoa tươi rực rỡ làm mọi người quên đi mệt mỏi. Phía đông quảng trường, tòa thị chính xưa Altes Rathaus được xây dựng từ thế kỷ 15, bị đánh bom chỉ còn là tàn tích và ngày nay dường như đã chìm vào lãng quên. Nhưng phần còn lại của quảng trường được bảo trì rất tốt: Từ trong những vòm sắt uốn lượn của nhà thờ Alter Peter nơi tôi đứng có thể nhìn thấy những mái nhà màu cam nhấp nhô đẹp như cổ tích, đến nỗi trong một giây tôi tưởng như có thể bắt gặp cô bé Lọ Lem, nàng Bạch Tuyết hay hoàng tử ếch trong truyện cổ Grimm bước ra từ những ngôi nhà xinh xắn nọ. Anh em Jacob và Wilhelm Grimm là niềm tự hào của nước Đức do đã có công gìn giữ những truyện dân gian cổ tích xưa, để ngày nay không chỉ quê hương họ mà cả thế giới biết ơn hai người đã làm sống lại những bức tranh sinh động và giàu lòng nhân ái, làm phong phú thêm tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh.

Vốn không thích viện bảo tàng và gallery nghệ thuật nhưng tôi vẫn quyết định đến Alte Pinakothek, một trong những bảo tàng nghệ thuật xưa nhất và quan trọng nhất thế giới, dành nguyên một ngày lang thang qua khắp những căn phòng rộng treo hơn 800 kiệt tác của các danh họa Châu Âu, đại diện cho những chặng đường nghệ thuật từ thời Trung cổ đến cuối giai đoạn Rococo vào thế kỷ 18. Vào chủ nhật hàng tuần, chỉ với 1 euro (5.5 euro vào ngày thường) bạn có thể đắm mình trong lịch sử hội họa và chiêm ngưỡng những tác phẩm vĩ đại của nhân loại đến khi nào mỏi chân, mỏi mắt thì thôi.

Xưa nhất trong những bộ sưu tập là hội họa Ý, với tác phẩm nổi tiếng thế giới đại diện cho trường phái Gothic “Bữa ăn tối cuối cùng” của Giotto và những kiệt tác khác từ các trường phái Baroque và Phục hưng, trong đó có Leonardo da Vinci với “Đức mẹ đồng trinh và con”. Bộ sưu tập hội họa Đức nổi bật nhất vẫn là “Bốn vị tông đồ” của Durer, với những nét vẽ sắc sảo lột tả bốn nét mặt khác nhau thật sống động. Hội họa Hà Lan và vùng Flemish ở bảo tàng này có được bộ sưu tập lớn nhất thế giới của Rubens, người đã “hoàn thiện sự pha trộn giữa truyền thống duy thực của hội họa Flemish với sự tự do tưởng tượng và đề tài cổ điển của hội họa Phục hưng Ý”. Tôi thích sự trong trẻo và thánh thiện của bức “Đức mẹ và con trong vòng hoa”, với những thiên thần tóc xoăn bụ bẫm đáng yêu vờn xung quanh, hơn những bức khác mô tả cuộc chiến đẫm máu hay chúa Giê-su trên thánh giá của ông.

Ngoài ra không thể không kể đến những kiệt tác của các danh họa lỗi lạc khác như Rembrandt, Altdorfer, Boucher, Tizian, Murillo… Chỉ có điều hội họa cổ đại Châu Âu có không ít bức ảnh miêu tả người tự tử, bị treo cổ, bị đóng đinh… y như thật làm tôi sợ toát mồ hôi, tay chân run lẩy bẩy. Từ viện bảo tàng bước ra đường phố, đầu tôi choáng váng, mắt hoa lên, những cảm xúc đan xen lẫn lộn làm tôi ngơ ngẩn đến hàng giờ sau.

Nhưng những vườn bia nhộn nhịp ven đường với dân địa phương lười biếng ngồi nhấm nháp những ly bia lớn cỡ một lít từ những thùng bia tươi bằng gỗ nâu làm tôi trở về lại với Munich sống động và vui nhộn của hôm nay. Munich là tâm điểm của lễ hội bia Oktoberfest lớn nhất thế giới với bia chảy như suối, được tổ chức vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Song không cần Oktoberfest, quanh năm suốt tháng bia vẫn là “quốc hồn quốc túy” của xứ sở này. Ngày xưa, không biết làm cách nào giữ bia lạnh trong mùa hè, thợ cất bia Munich đặt những thùng gỗ đựng bia mới ủ xuống hầm và trồng những cây dẻ lên trên, để những cành vươn dài xum xuê lá của cây dẻ tạo thành bóng râm mát giữ bia lúc nào cũng mát lạnh ngon lành. Ngày nay, tập tục đó đã giúp hình thành những vườn bia rất lớn, thường chứa được vài ngàn chỗ ngồi dưới bóng những cây dẻ xanh um. Ly bia ở Munich không dành cho người yếu tim, ly nhỏ nhất cũng đựng được cả lít và bạn đừng ngạc nhiên khi thấy dân địa phương uống mỗi người vài lít bia trong một buổi tối, đó chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện”. Thường những vườn bia “chân chính” lúc nào cũng để trên bàn một rổ mây đựng đầy có ngọn bánh mì mới ra lò, dưa leo, xúc xích, thịt xông khói và những món truyền thống như phô mai Obatzda. Trang web chính thức của thành phố muenchen.de gọi những vườn bia là “nơi trú ngụ của lối sống Bavaria với sự thư giãn bất chấp cuộc sống hiện đại xô bồ và náo nhiệt”.

Nổi tiếng nhất trong những vườn bia vẫn là Hofbrauhaus, nơi bạn có thể nhận biết được từ xa nhờ những tiếng “Prost” (tương tự như “dzô dzô” trong tiếng Việt) ồn ào của dân nhậu tứ xứ và tiếng nhạc oompah đặc trưng vùng Bavaria của những ban nhạc địa phương mặc quần da có dây đeo Lederhosen. Tòa nhà xưa đắm mình trong ánh nắng vàng như mật; những vại bia vàng óng mát lạnh sủi bọt trắng phau; những cô gái phục vụ mặc áo đầm truyền thống tay phồng bằng vải thô, tay cầm khay đựng những chiếc pretzel- bánh nướng xoắn hình nút dây thừng to “vật vã” đặc sản Munich; logo chữ HB lồng vào nhau bên dưới vương miện; những chiếc bàn nhỏ trải khăn sọc carô đỏ trắng kê dưới tán cây dẻ… là những hình ảnh đặc trưng của vườn bia lớn nhất thế giới có mặt từ năm 1592 này.

Tôi muốn vào Hofbrauhaus cho biết nhưng uống bia một mình kể cũng hơi buồn nên đành hẹn dịp khác, rảo bước đến chợ Virtualienmarkt mua xuất chiều từ một quầy nhỏ hẹp có rất nhiều người địa phương đứng xếp hàng chờ. Tôi bắt chước người trước mặt, mua một miếng thịt heo quay lớn bằng nửa bàn tay, da giòn tan óng ánh vàng ngậy nhưng không ngán, kẹp trong bánh mì mềm, vừa ăn vừa rảo bước quanh khu chợ nổi tiếng Châu Âu với mùi thức ăn thơm lừng khắp nơi. Đi bộ nhiều đói bụng, tôi ra một trong những cửa hiệu quanh chợ bán thức ăn tươi ở nhà mới làm, mua thêm một phần xúc xích nướng ăn với sauerkraut- món bắp cải trắng bào sợi muối chua nấu với rượu vang đỏ, lá nguyệt quế và nước cốt quả bách xù đặc trưng Đức, đặc trưng đến nỗi “kraut” là tiếng lóng dân Anh vẫn châm chọc gọi dân Đức (cũng như người Pháp bị gọi là “frog” vì Pháp là nước Châu Âu duy nhất ăn thịt ếch vậy).

Ngày cuối cùng ở Munich, tôi lại ra Marienplatz, lần này với ba người bạn mới quen ở chung nhà nghỉ với tôi. Quảng trường buổi tối đã thưa người, chúng tôi dừng lại đài phun nước Fischbrunnen phía tay phải Neues Rathaus, phía trên có chú cá tròn trĩnh bằng đá và quanh bệ là tượng những người thời xưa đang nghiêng xô có dòng nước trong vắt chảy róc rách xuống hồ nước màu xanh ngọc lục bảo emerald. Xưa ở đây là chợ cá nên vòi phun nước này được xây để gợi nhớ những ngày đó, khi người bán thả cá xuống cho bơi lội trước khi bán để giữ cá luôn tươi. Cô gái người Phần Lan đi cùng bảo: “Trong sách nói Fishbrunnen này thiêng lắm nha, nếu nhúng ví xuống nước, ví của bạn sẽ luôn đầy tiền” làm chúng tôi, kể cả anh chàng người Đức ở vùng khác mới đến Munich lần đầu, hí hửng lấy hết giấy tờ tiền bạc ra khỏi ví, nhúng ngay ví rỗng xuống nước. Cô cười ha hả: “Nếu tin điều đó, ví của bạn bị ướt cũng đáng đời” làm cả đám tiu nghỉu. Sau tôi mới khám phá ra cô học được “chiêu” này từ sách du lịch Lonely Planet.

Những ngôi nhà mái màu cam nhấp nhô đẹp như cổ tích đã dần tắt đèn. Khi đi bộ về lại nhà nghỉ trong những cơn gió Bavaria hiu hiu cuối ngày, người còn lâng lâng vì ly bia tươi mới uống, tôi quyết định sẽ trở lại Munich vào dịp Oktoberfest, không chỉ để áp dụng “chiêu” nhúng ví xuống nước với những bạn đồng hành mà còn để có dịp nhìn cả thế giới uống bia với sauerkraut chua chua và xúc xích trắng Weisswurst vừa mềm vừa giòn, trong những vườn bia trải khăn trắng vẽ những hình thoi xanh da trời dưới bóng cây dẻ râm mát. Để có dịp xem những Philipp Lahm, Oliver Kahn, Bastian Schweinsteiger, Lukas Podolski… thi đấu cho đội bóng con cưng Bayern Munich. Để có dịp ngắm những mái nhà cổ tích êm đềm ở quảng trường Marienplatz, nhấm nháp Black Forest cake- bánh sôcôla có phủ trái dâu chín mọng và kem tươi béo ngậy đặc trưng Munich- trong những quán cà phê đông đúc ở khu phố cổ…

Và còn những điều mới mẻ nào nữa sẽ chờ tôi ở thủ phủ xứ Bavaria?