Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2009

Ánh sáng phương Bắc

“Ai cũng phải từng nhìn thấy ánh sáng phương Bắc một lần trong đời!” - Người Phần Lan vốn ít nói và có phần hơi rụt rè, nhưng cô bạn người Phần Lan bảo tôi, chắc như đinh đóng cột.

Tôi nhún vai:

- Người Ai Cập bảo “Ai cũng phải nhìn thấy kim tự tháp một lần trong đời”, người Nhật thì nói “Ai cũng phải nhìn thấy hoa anh đào nở một lần trong đời”… Vậy biết nghe ai đây?

Không nao núng trước vẻ ngờ vực của tôi, cô tiếp:

- Kinh Cựu ước gọi đó là “cơn mưa lửa từ trời”. Ngay cả sau khi khoa học giải thích được hiện tượng này, nó vẫn ẩn chứa những điều thiêng có thể chuyển đổi cách nhìn cuộc sống về mặt tâm linh. Bạn đi đi rồi sẽ thấy!

Tấm ảnh ánh sáng phương Bắc của nhiếp ảnh gia Jorma Luhta
Tôi vốn vô thần, cũng không ham “chuyển đổi cách nhìn cuộc sống về mặt tâm linh” nhưng cũng tò mò tìm đọc trong kinh Cựu ước phần viết về ánh sáng phương Bắc. Thật khó tin vài ngàn năm trước công nguyên, con người có thể viết nên những miêu tả sâu sắc như nhà tiên tri Ezekiel: “Và tôi nhìn, rồi ngắm, một ngọn cuồng phong đến từ phương Bắc, một đám mây vĩ đại, một ngọn lửa ẩn chứa bên trong đám mây từ từ chiếu sáng, và ở ngay giữa tâm là một màu hổ phách đến từ giữa trời”.

Gần đây hơn, vào thời văn minh Hy Lạp, giả thuyết của Aristotle khẳng định sức nóng từ ánh nắng tạo ra hơi nước (thủy) từ mặt đất (thổ), hơi nước gặp yếu tố lửa (hỏa) tạo thành ánh sáng phương Bắc.

Có vẻ đã hơi xiêu xiêu, tôi đến sứ quán Phần Lan ở London lấy visa du lịch. Mục đích chính của tôi là để đi sauna, dạo rừng bách diệp, xem tuần lộc kéo xe và thăm quê hương ông già Noel, tiện thể nếu được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc càng tốt. Biết tôi viết sách du ký, nhân viên ở đó mang ra tặng cuốn hướng dẫn du lịch Phần Lan.

Sau khi lật xem vài trang, tấm ảnh ánh sáng phương Bắc của nhiếp ảnh gia địa phương Jorma Luhta đã “hạ gục” tôi tại chỗ, và tôi biết mục đích duy nhất của chuyến đi Scandinavia chỉ để xem kỳ quan thiên nhiên này mà thôi.

Tấm ảnh chụp những quầng sáng màu nóng, như một sự kết hợp giữa cầu vồng, ánh trăng, nắng mặt trời và lửa, chảy tràn xuống rừng thông xứ Lapland. Giữa những bông tuyết đang rơi li ti, quầng sáng lớn nhất màu xanh liêu trai, đậm bên ngoài và nhạt dần ở giữa, điểm nối với quầng đỏ tươi tạo thành đường viền tím. Ánh sáng phương Bắc vắt ngang bầu trời đen thẫm như những dải khăn khổng lồ đầy màu sắc trên những ngọn thông tuyết phủ dày trắng mịn như kem.

Tôi nhìn như bị thôi miên, thấy thiên nhiên vừa tươi đẹp gần gũi vừa mông lung đáng sợ và tự nhủ nếu được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc ngoài đời lộng lẫy kiêu hãnh như thế này, có thể ai cũng sẽ choáng ngợp và bật khóc.

Ánh sáng phương Bắc còn có tên gọi Bắc cực quang. Trên thế giới hiện tượng này được biết đến đơn giản với cái tên tiếng Anh Northern Light hoặc tiếng Latin Aurora Borealis, bắt nguồn từ thần thoại: Aurora được đặt theo tên nữ thần bình minh của La Mã, và boreal trong tiếng Latin nghĩa là phương Bắc. Mặc dù ánh sáng phương Bắc đã được biết đến vài ngàn năm trước, tới thế kỷ XVI Galileo mới là người đầu tiên đặt tên nó là Aurora Borealis.

Vào những ngày gần xuân phân và thu phân, sức nóng mặt trời bắn ra những hạt năng lượng plasma vào không trung. Những hạt plasma được hút vào từ trái đất ở hai điểm Bắc cực và Nam cực, trên đường đi xuống mặt đất bị tầng khí quyển giữ lại, va chạm vào những khí khác tạo nên những phân tử photon. Để có thể nhìn thấy ánh sáng phương Bắc bằng mắt thường, trong không trung phải có hàng trăm triệu hạt photon như vậy.

Thú thật những giải thích khoa học đó có rất ít ý nghĩa đối với tôi, trong tôi bây giờ chỉ có duy nhất một quyết tâm được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc. Vì vậy tôi nghỉ phép hẳn mười ngày, mua vé với giá cắt cổ sang Phần Lan.

Sau hai ngày ở thủ đô Helsinki và phố cổ Porvoo, tôi hoảng hồn nhận ra chuyến đi tốn kém hơn mình tưởng nhiều. Và khi ngậm ngùi rút thẻ tín dụng mua vé xe lửa đi từ Helsinki đến Lapland với giá 200 euro, tôi chỉ có cách tự an ủi mình và an ủi anh bạn Alastair bị tôi rủ rê kéo đi, rằng “không tiếc tiền, được thấy ánh sáng phương Bắc là vô giá”.

Bắc cực, vùng đất của những điều tột cùng

Xe lửa xuyên qua màn đêm êm như nhung không một tiếng động. Tôi hơi tiếc vì trời tối đen không thấy được những hồ nước mơ màng với ngàn cây bách diệp thân trắng lá vàng rũ bóng. Phần Lan được mệnh danh “xứ sở ngàn hồ” (land of a thousand lakes), số hồ nước ở đất nước nhỏ bé này đã lên tới 187.888 và còn chưa đếm hết.

Rừng Phần Lan với những vũng nước đóng băng trắng xóa
Tàu đi hết đêm rồi thả chúng tôi xuống Rovaniemi khi trời còn mờ tối, sương chưa tan và cảnh vật trông rầu rĩ ngái ngủ như bản thân những khách đi tàu vội vã kéo hành lý sang bến xe buýt ngay trong ga, chuẩn bị cho hành trình xa xôi tiếp theo đến Bắc cực, vùng đất của những điều tột cùng: Vùng đất của midnight sun nơi nắng chiếu sáng vàng như tơ tằm gần như 24 giờ mỗi ngày vào mùa hè và đêm tối nặng trĩu buồn bã bao trùm mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, vùng đất của tuyết trắng, của rừng thông, của những hồ nước đóng băng có thể bước đi bên trên…

Chúng tôi không có thời gian nhìn quanh quất xung quanh, chỉ kịp nhảy lên chuyến xe buýt đi Saariselka đầu tiên của ngày đang nổ máy chuẩn bị chạy. Tôi ngước cặp mắt cay xè vì buồn ngủ, tự hỏi bao nhiêu người trong số những hành khách là người phương xa có mục đích tìm ánh sáng phương Bắc như tôi, nhưng có lẽ Alastair và tôi là những du khách duy nhất.

Mọi người đều có vẻ thờ ơ, như thể ngồi trên chuyến xe về Bắc Lapland là một trong những điều họ phải làm hàng tháng, có khi hàng tuần hoặc thậm chí hàng ngày không chừng, như thể việc du khách mếu máo trả 70 euro cho mấy tiếng đồng hồ xe buýt thật ra không có gì đáng băn khoăn. Như thể rừng cây bách diệp trút lá ngoài kia và những con tuần lộc hiền lành nhút nhát giương bộ sừng kềnh càng nhìn xe chạy qua đường chỉ là những hình ảnh lướt qua không để lại gì trong tâm trí. Có thể họ cũng là chủ nhân căn nhà gỗ kiểu Scandinavia giống những căn nhà xe chúng tôi đi ngang, có làn khói mỏng bay lên tan vào rừng thông còn đọng đầy sương muối…

Thời con người còn mông muội và mê tín dị đoan, ánh sáng phương Bắc tượng trưng cho điềm gở. Người Eskimo rất sợ hiện tượng này và cho đây là hóa thân của những linh hồn cõi âm. Người da đỏ từng tin rằng mỗi khi Aurora Borealis hiện lên trên trời, họ có thể gọi hồn ma về bằng cách huýt sáo. Hài hước hơn, ở Iceland người ta tin rằng phụ nữ có thai nhìn thẳng vào ánh sáng phương Bắc đứa bé ra đời sẽ bị… lé.

Saariselka là một ngôi làng nhỏ xíu ở Bắc cực, lãng mạn với tuyết phủ trắng xóa suốt từ tháng chín đến tháng năm và là địa điểm nhiều người đến trượt tuyết hoặc hưởng tuần trăng mật, nhưng vì chúng tôi đến vào mùa vắng du khách nên buồn hiu hắt. Đường làng đất đỏ lầy lội, lép nhép mưa, xe cần cẩu rì rầm chuyển đá lắp đường.

Cô gái ở quầy lễ tân khách sạn cười rất tươi khi tôi hỏi về Aurora Borealis: “Đúng mùa rồi, nó bắt đầu xuất hiện trên trời vài tuần nay. Không cần phải đi xa vào rừng đâu, đứng ở bìa rừng cạnh khách sạn cũng nhìn thấy”. Chúng tôi check-in rồi đi, không quên dặn cô có khuya đến mấy cũng gọi dậy nếu thấy ánh sáng phương Bắc.

Chỉ là một giấc mơ thoáng qua…

Ở Saariselka có rất ít thứ giải trí: một quán rượu, vài cửa hàng bán đồ lưu niệm, hai nhà hàng, một siêu thị, một quầy bán hamburger và nước ngọt đã đóng cửa, có lẽ chỉ mở lại vào mùa hè. Tối hôm đó, Alastair và tôi ngồi chờ Aurora Borealis hoài trên thân cây gỗ mục ở bìa rừng.

Nhà gỗ và những cành cây cuối năm trụi lá
Rừng Phần Lan tỏa một mùi man mát nồng nồng của nhựa thông sau cơn mưa, mùi con suối chảy xuyên qua lớp băng mỏng và mùi trái berry chín mọng đỏ au mọc lan dưới đất. Gió xuyên qua mấy lớp áo len và áo măng-tô dày cộm, xuyên qua lớp găng tay da thuộc và mũ len dày, chúng tôi nhìn nhau và đoan chắc người còn lại cũng đang tự hỏi mình bỏ công bỏ việc đến đây làm gì.

Khuya, tôi giật mình dậy mấy lần, lần nào cũng rời giường đứng tì mặt vào cửa sổ kiếng nhìn ra khoảng sân rộng mênh mông dẫn ra rừng khuya bí ẩn, hồi hộp nghĩ thầm biết đâu may mắn được thấy nó. Truyện dân gian Đan Mạch kể đàn chim thiên nga bay về phương Bắc, bay xa đến nỗi bị sa vào băng tuyết, mỗi lần cả đàn vỗ cánh cố tìm cách thoát khỏi băng, cánh chim trắng chiếu với tuyết lên trời tạo nên Aurora Borealis.

Còn trong truyện cổ Phần Lan, những con cáo Bắc cực chạy về núi, đuôi quét tuyết lên trời thành Aurora Borealis phản chiếu ánh trăng. Có một lần, đầu óc mơ màng vì chưa tỉnh hẳn, gà gật ngủ quên lúc ba giờ sáng khi còn đang đứng tì mặt vào cửa kiếng, tôi thấy con cáo Bắc cực chạy vào rừng Saariselka quét tuyết lên trời, để tôi được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc huy hoàng như những giấc mơ. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ thoáng qua…

Aurora Borealis

Những ngày ngắn ngủi ở Saariselka, ban ngày tôi rủ Alastair lang thang vào rừng hái nấm chờ đến tối được nhìn thấy Aurora Borealis. Đêm cuối cùng ở Lapland, chúng tôi ra siêu thị mua một ít thức ăn mang về phòng. Mọi thứ ở đây vì xa xôi nên đắt kinh người, chúng tôi buổi tối ăn ít rồi sáng hôm sau ăn sáng trễ thật nhiều tại buffet ở khách sạn vì tiền phòng bao gồm cả ăn sáng, bù lại buổi trưa nhịn ăn chỉ pha sôcôla nóng có sẵn miễn phí trong phòng để uống.

Cắm trại trong một túp lều gỗ trong rừng ở Phần Lan
Khi mang túi thức ăn về, thấy quầng sáng mờ mờ ở đường chân trời, tôi đưa tay chỉ: “Có khi nào đó là Aurora Borealis?”, Alastair ngước nhìn rồi nói: “Không phải. Ánh sáng phương Bắc là một trong những thứ khi nhìn thấy ta sẽ thốt lên: Chính nó kia kìa! Nếu hỏi có phải là nó không, chắc chắn đó không phải”.

Mưa bắt đầu nặng hạt dần, không phải mưa mà là sleet, điểm giữa của giọt mưa và giọt tuyết, rớt li ti xuống áo dạ khoác ngoài. Trời tối đen nhưng chúng tôi cũng dò dẫm đi được nhờ quầng sáng mờ ở đường chân trời ấy, đến khi có ánh đèn pha xe hơi ngược chiều rọi vào, tôi mất đà giẫm lên vết xe cần cẩu, bùn bắn cả lên áo.

Tôi mang nỗi bực dọc về phòng, nấu nước sôi trút vào ly nấu xúp cá hồi ăn liền kiểu dã chiến mới mua về từ siêu thị. Chúng tôi xì xụp húp xúp cá nóng bỏng, rồi ăn kem trong hộp giấy bằng muỗng nhựa nhỏ xíu, ướt lẹp nhẹp cả tay.

Tôi thở dài: “Bỏ ra ngần này tiền, đáng lẽ giờ này mình đang tắm biển Barbados hay dạo phố ở Canada, tha hồ ăn nhà hàng ngon lành muốn của ngon vật lạ gì cũng có. Sao mình phải ở đây, ăn uống kham khổ chờ đợi một thứ không biết sẽ có hay không?”. Bạn tôi im lặng ăn kem không nói gì. Cũng như tôi, bạn chưa bao giờ thấy ánh sáng phương Bắc…

Hết hy vọng, chúng tôi lên xe buýt về lại Rovaniemi để sáng hôm sau bay sớm. Rovaniemi là thủ phủ vùng Lapland, bản thân thành phố này không có gì khởi sắc và chỉ là trạm dừng để đi tiếp đến những thành phố làng mạc cực Bắc hoặc là điểm nối giữa Lapland với châu Âu lục địa. Chúng tôi ghé quán ăn nhanh địa phương có cái tên rất ngộ Scanburger, vừa ăn khoai tây chiên vừa buồn thiu. Ai cũng phải thấy ánh sáng phương Bắc một lần trong đời. Có khi nào tôi không bao giờ được nhìn thấy nó?

Rồi tự nhiên, trong không gian ấm sực của quán fastfood nhỏ bé, lần đầu tiên tôi chợt nhận ra dù có được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc hay không, tôi cũng sẽ không bao giờ quên những ngày qua nhanh như gió thoảng vùng Bắc cực ấy. Những đàn tuần lộc khờ khạo, hàng bách diệp trút lá bên đường, vũng tuyết trắng xóa trôi dạt bên bờ suối, nhà ghép bằng những súc gỗ tròn kéo rèm cửa carô có làn khói chiều bay lên từ ống khói ấm áp và êm đềm, cảm giác nóng rực hai má khi từ trời lạnh bên ngoài vào phòng sauna gỗ, trái berry chín đỏ vỡ ra trong miệng, tiếng thông reo như mưa…

Tất cả những điều ấy tôi không trông đợi trong chuyến đi này và cũng phần nào hờ hững khi đón nhận, nhưng lúc này đây tôi mới biết nó đã mang lại cho tôi cảm giác dễ chịu tới chừng nào.

Alastair và tôi về đến chỗ nghỉ lúc mười giờ đêm, và vì hôm sau phải dậy từ bốn giờ sáng ra sân bay Rovaniemi nên kế hoạch ban đầu phải đi ngủ sớm. Suy nghĩ một lúc, chúng tôi quyết định vào trong lấy thêm áo khoác và găng tay tiếp tục đi dạo ngắm nhìn Phần Lan lần cuối. Tôi bước ra ngoài trước, và tim như ngừng đập. Lạy trời, ánh sáng phương Bắc, Northern Light, Aurora Borealis, hay bất cứ từ ngữ nào chỉ thứ ánh sáng hư ảo xa xôi mà chúng tôi cất công đi tìm ấy, đang hiển hiện trên nền trời đen sẫm giữa những vì sao li ti.

Tôi đứng như chôn chân trên thềm, gọi bạn lạc cả giọng “Ánh sáng phương Bắc! Ánh sáng phương Bắc kìa!”. Chính là nó, xanh biếc trên trời, tạo thành một vệt dài quét lên không trung những quầng sáng chói, thản nhiên như thể nó vẫn ở đó ngày này qua ngày khác không biết có người chờ mòn mỏi để được thấy một lần trong đời.

Alastair nói đúng, Aurora Borealis là một trong những thứ khi nhìn thấy ta sẽ thốt lên “Chính nó kia kìa” chứ không tự hỏi có phải là nó hay không, vì không có ánh trăng nào kỳ diệu và tạo nên những quầng hào quang rực rỡ như vậy. Nó giống hệt những bức ảnh tôi từng xem, và đến khi được tận mắt nhìn tôi mới biết ánh sáng phương Bắc không đứng nguyên một chỗ mà di chuyển và tạo thành những hình thù khác nhau trên thinh không.

Thật khó tin ở một thành phố lớn với nhiều ánh đèn điện như Rovaniemi, cách xa cực Bắc Lapland vài trăm cây số về phía Nam, lại có thể thấy được điều mầu nhiệm này khi chúng tôi đã hoàn toàn hết hy vọng. Chúng tôi đi như chạy ra hồ nước ngoài xa, nơi có thể dõi theo ánh sáng phương Bắc từ đường chân trời không bị những mái nhà và cây cối che mất.

Tôi nhìn những ngôi nhà địa phương sáng đèn, nhà kia có một phụ nữ trung niên đang ủi quần áo trên gác, nhà nọ một gia đình đang xem tivi trong phòng khách, nhà khác một người trẻ tuổi đang ngồi vào máy vi tính trên bàn… tất cả đều rất bình lặng như thể bên ngoài chỉ cách họ vài bước chân không phải Aurora Borealis, trong khi tôi phải kiềm chế lắm mới thôi ý định gõ cửa từng nhà một và vừa thở hổn hển vì náo nức mừng rỡ vừa nói: “Ra mà xem, ánh sáng phương Bắc kìa”. Rồi tôi chợt nhận ra mình ngớ ngẩn. Cả đời họ sống ở đây, đã thấy nó biết bao nhiêu lần, có thể còn đẹp gấp trăm lần ánh sáng chúng tôi đang nhìn.

Biển lửa xanh liêu trai

Tôi biết mình sắp đến mép nước nhờ tiếng ngỗng trời kêu quàng quạc. Sau lưng là căn hộ nhiều tầng sáng đèn, nghe tiếng động một thanh niên Phần Lan tóc vàng óng bước ra ban công, tay còn cầm một đĩa thức ăn nhìn ánh sáng trên trời một cách hờ hững rồi bước lại vào bếp. Một cô gái tóc cũng vàng không kém đạp xe vụt qua, không buồn nhìn lên. Nhưng chúng tôi dù muốn cũng không thể điềm nhiên như vậy được, cứ đứng dán mắt vào tấm rèm ánh sáng huyền hoặc ấy, chỉ sợ nếu chớp mắt nó sẽ tan biến đi như một giấc mơ.

Ánh sáng vẫn biến đổi không ngừng, lúc đuôi tạo thành vệt dài như sao chổi, lúc tụ lại như một bông hoa xanh biếc đang nở giữa trời, gần đến nỗi có cảm giác chỉ cần vươn tay là với tới nhưng lại xa xôi và phù du. Cảm giác choáng ngợp trước thiên nhiên thật khó tả, vừa vui vừa buồn, vừa thích thú vừa sợ hãi, vừa phiêu lưu vừa e ngại.

Lúc này, Bắc cực quang đã chuyển thành một hình dạng như mặt người, tôi níu tay bạn “nhìn giống mặt người, sợ quá”, bạn bảo “ừ, mình cũng thấy vậy mà không dám nói”, may sao chỉ trong thoáng chốc ánh sáng đã chuyển thành hình dạng khác.

Chúng tôi về lại nơi ở, ngồi trên xích đu nhìn lên trời đến quá nửa đêm, khi gió và sương muối lạnh quá không chịu nổi mới vào trong, tắt hết điện tiếp tục nhìn về phương Bắc. Quầng sáng như biển lửa xanh liêu trai vẫn cứ chuyển đổi liên tục, lúc nhanh như chớp, lúc từ từ như một thước phim quay chậm. Tôi có thể nhìn nó suốt đêm, vì không biết có dịp được nhìn thấy lần nữa hay không, nếu cơn buồn ngủ không về nặng trĩu mắt.

Chúng tôi đã đạt được mục đích chuyến đi, đã tận mắt nhìn thấy ánh sáng phương Bắc khi không còn chút hy vọng. Có bao giờ bạn thấy vậy chưa, đạt được một điều gì đó một cách bất ngờ, sau khi đã buông xuôi? Trong những ngày cuối năm xa xôi và lạnh giá, chúng tôi có một điều để chờ đợi, tự bản thân có gì đó ý nghĩa để mà chờ đợi là tốt rồi, còn quan trọng hơn được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc.