Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Không còn Lochaber nữa

TTCT - Khi bước ra từ một hiệu bán đồ nội thất ở khu Muswell Hill, tôi nghe tiếng J. gọi. Tôi đến hẹn sớm, cứ tưởng còn thời gian dạo quanh trước khi vào quán cà phê, không ngờ anh cũng tới sớm như tôi.

Bức tranh Lochaber no more (1883) của John Watson Nicol, vẽ một gia đình người chăn cừu rời Lochaber di dân đến Tân thế giới
Chúng tôi gọi nước cam và trà. Cái hôn xã giao trên má ban nãy làm tôi nhận ra J. đã lâu không cạo râu, anh chẳng buồn giữ kẽ, ngáp chảy nước mắt rồi xoa cằm: “Thông cảm, hai tuần nay có ngủ nghê gì được đâu, đi mệt lại trái múi giờ”.

Tôi hỏi: “LA (*) vui không?”. “Vui nhưng mệt quá. Tôi và đứa bạn làm một việc điên khùng là lái xe từ LA tới San Francisco, chỉ ở lại đó một đêm rồi ngày hôm sau lái tiếp tới Las Vegas. Lần trước tôi cũng làm vậy, nhưng tôi quên là chuyến đó tôi 21 tuổi và có ba tháng ở Mỹ, còn chuyến này tôi 36 tuổi và chỉ có hai tuần”.

Câu nói của J. làm tôi nhớ tới buổi chiều mùa hè năm trước, mùa hè thứ hai liên tiếp ở Anh trời ít nắng, lúc nào cũng ui ui và lạnh như mùa thu. Mưa sụt sùi bên ngoài, chúng tôi ngồi trong khoang tàu về London sau một tuần làm việc. J. và tôi cùng làm marketing cho bộ phận nhi khoa của công ty nên thường xuyên đi công tác chung.

Anh nói, vẻ chậm rãi thản nhiên đặc trưng của dân Anh: “Người ta đang sưởi nắng ở bãi biển, còn ta làm quái gì trong khoang tàu lạnh cóng. Cả tuần làm việc như điên, chủ nhật này có khi tôi phải làm cho xong báo cáo nữa!”.

Tôi rầu rĩ nhắm mắt lại ráng ngủ, cũng vật vờ mươi phút. Lúc tôi mở mắt, J. đang nhìn ra cửa sổ tàu, nơi những cánh đồng mờ trong mưa. Anh nói: “Tôi muốn bỏ hết, không làm công ty nào nữa, Uyên thấy đó, tôi luôn muốn làm giáo viên dạy trẻ em tự kỷ, bị khó khăn về ngôn ngữ. Tôi sắp 36 tuổi rồi nhưng tới giờ vẫn chưa làm được điều mình muốn”.

Quán nước chúng tôi đang ngồi ở bắc London, gần lớp học kèm tiếng Đan Mạch của J.. Anh đã nghỉ hẳn ở nơi chúng tôi cùng làm, chuyển sang trụ sở toàn cầu tại Copenhagen của một công ty nói tên ra ai cũng biết. Tôi bảo: “Copenhagen nhiều cái hay lắm, hi vọng anh sẽ thích. Đồ ăn cũng ngon, chỉ phải giá cả đắt đỏ”. Rồi dường như sợ chưa đủ, tôi thêm: “Con gái ở đó xinh đẹp lắm!”. J. nói: “Vậy à, ai cũng bảo tôi vậy!”. Tôi ngạc nhiên: “Anh chưa tới đó lần nào sao?”. “Có tới một lần, phỏng vấn xong bay về luôn”.

Tôi không hỏi anh tại sao chán nước Anh lạnh lẽo lại quyết định đến một nước khác còn lạnh hơn, một nước mình không biết bất cứ điều gì về nó. Tôi không chúc mừng anh, cũng không nhắc lại mơ ước được làm giáo viên dạy trẻ em khuyết tật về ngôn ngữ. Tôi hiểu sự chán chường ở anh mà nhiều người khác không hiểu. Ai gặp J. cũng nghĩ: “Còn muốn gì nữa, bằng MBA tại một trong năm trường hàng đầu thế giới. Căn hộ ở trung tâm London trả góp sắp xong. Sống nhiều năm ở Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Pháp, sắp tới là Đan Mạch. Nói được nhiều thứ tiếng. Quản lý marketing toàn cầu của công ty lớn. Còn muốn gì nữa”.

Còn chứ. Có những thứ mà người ngoài không bao giờ biết được. Tháp Maslow cho thấy thứ tự “bậc thang” những nhu cầu của con người, thấp nhất là những nhu cầu sinh lý học: không khí, thức ăn, nước uống..., và cao nhất là nhu cầu được là chính mình. Đúng vậy, không phải mong muốn giàu có vượt bậc, càng không phải mong muốn được nổi tiếng, được quyền uy và sự kính trọng từ bên ngoài, mà chỉ là nhu cầu được làm điều mình luôn mong mỏi, điều đó người ngoài cuộc có khi cho rằng kỳ quặc, lạ đời và lên tiếng chê bai.

J. chở tôi ra trạm xe điện ngầm. Chúng tôi gần như không nói gì trên suốt quãng đường. Xe không mở radio nhưng tôi như nghe vọng lại từ đâu lời bài Lochaber no more, bài hát truyền thống Scotland buồn ray rứt.

Tạm biệt Lochaber, tạm biệt Jean của tôi
Nơi tôi đã có những ngày tươi đẹp với em
Bởi vì không còn Lochaber nữa, không còn Lochaber nữa
Ta có thể sẽ không còn về Lochaber nữa

Lochaber là một vùng hoang vu núi cao và đầm lầy phía tây bắc Scotland, bài hát như lời tạm biệt của những người rời bỏ quê hương Lochaber để đi đến những miền đất hứa.

Bên ngoài, thủ đô nước Anh giờ tan tầm đầy người xe vội vã trong nắng cuối ngày. Đường phố đông đúc không chỗ dừng, tôi tranh thủ đèn đỏ xuống đi bộ đến trạm xe điện. Trước khi đặt chân lên bậc thang dẫn xuống tầng ngầm, tôi quay lại nhìn thấy xe anh còn dừng trước đèn.

Tôi gật đầu chào J., tự nhủ một ngày nào đó khi anh thông báo đã quyết định làm thầy giáo dạy trẻ em tự kỷ, tôi sẽ chúc mừng và nói chuyện nhiều hơn, và nhất định sẽ không nghĩ tới giai điệu bài hát Lochaber no more nữa.
______________

(*) LA: Los Angeles (Mỹ)