Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Ghent của những tia sáng thiên đường

Tôi nhìn ra cửa sổ tàu, nói: “Cảnh vật vùng Flanders của nước Bỉ đúng là dẹp lép như cái bánh xèo”. Đây là vùng không có đồi núi cao chập chùng mà rất bằng phẳng giống Hà Lan và một phần vùng England ở Anh, cho thấy giả thuyết ngày xưa khi đại dương chưa ngăn nước Anh với châu Âu lục địa, đây có thể là một phần dính liền nhau.

Đó là một ngày mùa đông trời âm u, chúng tôi đang trên đường tới Ghent (Gent trong tiếng địa phương) từ Bruges ở miền Bắc nước Bỉ, cả hai nơi đều nằm ở vùng Flanders, được biết đến nhiều vì là nơi diễn ra những trận chiến đẫm máu của Chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng là bối cảnh câu thơ của John McCrae: “Nếu bạn quên chúng tôi, những người đã chết/ Chúng tôi sẽ không ngủ được, dù hoa anh túc vẫn cứ nở/ Trên những cánh đồng xứ Flanders”.

Ở vùng này còn có tour du lịch tên “Phía Tây không có gì lạ” (lấy theo tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn E. Remarque) dẫn khách đến những nơi nhiều bom đạn trong chiến tranh. A., bạn đồng hành của tôi, tốt nghiệp khoa chính trị nên rất thích tìm hiểu về những vấn đề tương tự thế này, nhưng tôi sau những tháng làm việc căng thẳng không muốn đi chơi lại phải suy nghĩ nhiều. Cuối cùng chúng tôi quyết định chỉ đi những nơi có cảnh đẹp để nghỉ ngơi.

Biệt thự cổ, bản đồ xưa…

Căn phòng ở Ghent nằm trên tầng áp mái của một biệt thự kiểu xưa ở trung tâm thành phố, cửa sổ đầu hồi dốc ngược lên trên, có thể nhìn thấy bầu trời xanh chuyển dần sang thẫm của buổi chiều chạng vạng. A. nhìn quanh phòng với vẻ rất hài lòng: “Phòng mình có thể được gọi là atmospheric”*.

Một trong những ngôi nhà có mái đầu hồi hình bậc thang ở Graslei (nghĩa là Phố Rau, giống như cách đặt tên đường ở Hà Nội xưa)
Quả vậy, một khoảng lớn trên tường gần đầu giường còn một bức tranh mural vẽ Đức mẹ đồng trinh đã phai màu, như đã có mặt trên đời từ cách đây mấy trăm năm (Gần hai năm sau buổi chiều đó, lúc tìm lại tư liệu để viết bài, tôi mới phát hiện ra nơi chúng tôi ở được xây vào thế kỷ XIX bao quanh những hàng hiên của một tu viện cổ đã đổ nát, vì vậy vẫn còn giữ lại những bức tranh mural từ thế kỷ XV).

Sau hai ngày ở phố cổ Bruges đẹp như chuyện thần tiên, chúng tôi không trông đợi nhiều ở Ghent và vì vậy thấy thật thoải mái, thư thả. Để đi bộ tìm chỗ ăn tối phải băng qua những con kênh đào phản chiếu ánh đèn từ những ngôi nhà có mái đầu hồi chỗ nhọn chỗ uốn lượn làm tôi nhớ đến Amsterdam, chỉ thiếu dân hippy xộc xệch đến hỏi có muốn mua cần sa không.

Ghent yên tĩnh và dễ chịu hơn thủ đô Hà Lan rất nhiều, tôi đứng một lúc trên cầu mang tên cầu Thánh Michael (St Michelsbrug), phóng tầm mắt nhìn ra xa trên con sông Leie cho đến khi đói bụng mới tiếp tục đi. Chúng tôi chọn một quán ăn có nến, ngồi gần lò sưởi ăn sò hấp trong khung cảnh êm đềm, sẵn sàng cho một giấc ngủ ngon và một ngày khám phá thành phố vào sáng sớm.

Nhưng giấc ngủ không ngon như tôi tưởng. Cửa những căn phòng trong biệt thự rất nặng, mỗi lần mở ra đóng vào gây ra tiếng động rất lớn, trong không gian vắng lặng càng dễ giật mình. Tôi ngủ chập chờn, sáng ra còn lờ mờ nhớ tới giấc mơ thấy Đức mẹ bước xuống từ trên tường, thật dễ ớn xương sống. Bởi vậy buổi sáng tôi ngủ mê mệt, bỏ ăn sáng. A. đem lên phòng ly nước cam, khoe: “Ở đây cho ăn sáng ngon lắm, nhưng trễ hết giờ ăn rồi. Thôi dậy uống nước đỡ rồi còn đi chơi”.

Buổi sáng bước xuống cầu thang, tôi khám phá ra chỗ ở của mình thêm một điểm mới: Trên bức tường cầu thang có treo một bản đồ thế giới rất lớn. Bản đồ này có lẽ đã có từ rất lâu vì có nhiều chỗ ố vàng và cách viết địa danh kiểu xưa, tôi dò tìm Việt Nam thì thấy tên trên bản đồ còn là An-Nam. Bản đồ được đánh dấu rất nhiều nơi, có lẽ là những nơi chủ nhân biệt thự đã từng đặt chân tới.

Bản đồ xưa chỉ là một trong những điều thú vị chúng tôi khám phá ra trong suốt thời gian ở thành phố nhỏ bé này. Điều thú vị đầu tiên là Ghent không “nhỏ bé” như tôi tưởng. Thật vậy, suốt từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV, đây là thành phố lớn thứ hai châu Âu lục địa, chỉ sau Paris của Pháp. Đó cũng là thời hoàng kim của phố cổ này, với ngành giao thương về vải vóc tầm cỡ lớn nhất nhì thế giới. Dấu ấn thời giàu có vẫn còn lưu lại trên những ngôi nhà xưa, trên những công trình kiến trúc từ thời cổ đại và sau này như kiểu Roman, Gothic và Baroque.

Lâu đài của Bá tước

Có lẽ xưa hơn cả là Gravensteen (Lâu đài của Bá tước), chỉ nghe tên đã thấy không khí liêu trai. Lâu đài được xây từ thế kỷ IX như một thành lũy chống lại cướp biển Viking, với những bức tường đá vững chãi.

Một góc lâu đài của Bá tước (Gravensteen) được xây từ thế kỷ IX để chống lại cướp biển Viking
Cánh cổng vào bên trong lâu đài Gravensteen
Lâu đài là nơi ở cho bá tước, những người hầu, và có cả một ngục tối dùng làm nơi tra tấn tù nhân với đủ các cực hình kiểu trung cổ, trên đỉnh lâu đài còn là nơi từng để treo cổ tội phạm. Tôi vốn không mấy quan tâm tới những biến cố lịch sử ghê rợn đó nên đưa máy ảnh cho A. vào tham quan bên trong, còn mình thì thả bộ trên những con đường lát đá cuội, ngắm thành phố.

Điểm thú vị tiếp theo là Ghent có rất nhiều tiệm tạp hóa mang phong cách hoài cổ, cửa kính bày những chai dầu gội đầu, pin máy chụp hình, rượu mùi, bia, những túi hạt dẻ và đậu phộng, như trong một cuốn phim về châu Âu thập niên 1950. Những quán cà phê, nhà hàng, quán bia, tiệm bánh ngọt… ở đây giá cả rất phải chăng vì hướng tới dân địa phương hơn là du khách.

Một trong số những tiệm tạp hóa kiểu xưa
Trong một khu chợ mái vòm tôi ghé, trên trần nhà còn có treo những đùi heo to tướng xông khói, chỉ nhìn đã thấy béo ngậy ngon lành. Trời lạnh và đầy mây, tôi đi ngang một cửa sổ sơn xanh lá cây mở vào trong, bên ngoài là một nhóm trẻ con xếp hàng chờ.

Những đứa trẻ xếp hàng mua bánh waffle mới ra lò
Ban đầu tôi tưởng không có ai bên trong cửa sổ, nhưng như thể có phép lạ, một người đàn ông trung niên hiện ra, tay cầm những chiếc bánh waffle đặc sản Bỉ to tướng còn bốc khói nghi ngút, giao cho từng em. Chúng thích thú thổi vào bánh phù phù, cắn vào bánh nghe giòn rụm, làm tôi cầm lòng không đậu cũng xếp hàng mua một chiếc.

Kiệt tác Sự tôn thờ Cừu Thánh

Ngày cuối cùng ở Ghent, chúng tôi đến nhà thờ Thánh Bavo, St Baafskathedraal, để xem kiệt tác Sự tôn thờ Cừu Thánh của danh họa Jan Van Eyck, người theo trường phái Phục hưng Phương Bắc và được cho rằng đã sáng tạo ra nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu. Hội họa vùng Flanders (Flemish Painting) được biết đến nhờ những đường nét tự nhiên và sinh động, được trưng bày trên rất nhiều bảo tàng lớn khắp thế giới như những tác phẩm kiệt xuất của nhân loại.

Nến đựng trong ly thủy tinh đỏ bên trong nhà thờ Thánh Bavo (St Baafskathedraal)
Bức tranh mà chúng tôi sắp được xem là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới, còn được gọi là một trong bảy kỳ quan của nước Bỉ, được thực hiện vào nửa đầu thế kỷ XV. Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa ngã ngũ việc tranh này có phải hoàn toàn của Jan, hay một phần được vẽ bởi Hubert Van Eyck, người anh ruột lớn hơn Jan gần hai mươi tuổi.

Trước khi xuống xem kiệt tác này dưới tầng hầm, chúng tôi dạo vòng quanh bên trong. Những nhà thờ châu Âu thường có bàn đặt nhiều nến trắng để khách thập phương thắp nến và cho tiền xu vào hộp gỗ tặng nhà thờ. Riêng nhà thờ này lại để nến trong những ly thủy tinh đỏ, tạo cảm giác ấm áp cho một ngày đông nhiều mây khi hai bàn tay đeo găng vẫn lạnh cóng.

Đám đông xếp hàng trước cửa mua vé vào xem tranh khá dài, tôi đã có ý định bỏ cuộc (xếp hàng mua bánh waffle thì lâu mấy cũng được, nhưng xếp hàng vào xem kiệt tác thì dễ mỏi gối chồn chân, điều này cho thấy tôi ham ăn hơn là “trí tuệ”). Nhưng cuối cùng tôi cũng kiên nhẫn chờ đến lượt mình.

Kiệt tác Sự tôn thờ Cừu Thánh của Jan Van Eyck (nguồn: Internet)
Sự tôn thờ Cừu Thánh (De Aanbidding van het Lams God) là bức tranh sơn dầu trên gỗ vẽ trên hai mươi tấm khác nhau, tấm chính diện bên dưới vẽ con cừu thánh bị giết trên bàn thờ để tế thần, những thiên thần quỳ bên cạnh. Từ bốn phía là những người cầu nguyện đến từ khắp nơi trên trái đất: những hiệp sĩ, người hành hương, trinh nữ, đức giáo hoàng, Adam và Eva, nhà tiên tri, người tu khổ hạnh, thánh tử vì đạo…

Qua gần sáu thế kỷ, kiệt tác đã trải qua nhiều thăng trầm. Vào thế kỷ XVIII, khi nước Bỉ bị chia làm hai phần: phần Hà Lan của Áo và phần Hoàng tử - giám mục Liège, hoàng đế Joseph đệ nhị của Áo cho hình ảnh Adam và Eva là thô tục và ra lệnh thay bằng bức vẽ hai người này mặc quần áo (đến nay, hình ảnh cũ đã được khôi phục trở lại đúng chỗ).

Vào thời điểm Cách mạng Pháp, quân của Napoleon lấy toàn bộ bức tranh này mang về Paris, để rồi sau đó bị quân Đức quốc xã lấy mất vào Chiến tranh thế giới thứ hai. May thay, sau những biến cố “lừng lẫy” đó, kiệt tác đã trở về chỗ cũ của nó: Nhà thờ Thánh Bavo ở Ghent, nơi chúng tôi đến thăm.

Tượng trưng cho cái chết của chúa Giê-su, bức vẽ với những đường nét tinh tế dễ làm người chiêm ngưỡng rơi vào trạng thái trầm ngâm. Những nhà nghiên cứu hội họa cho rằng cách sử dụng ánh sáng trong tranh này làm người xem có cảm giác như ánh nắng từ cửa sổ nhà thờ mãi mãi rọi vào 284 hình người trong tranh, dù đó là trưa hè đầy nắng hay một đêm đông.

Khi đứng trước tranh, tất cả những gì diễn ra trong thời gian ngắn ngủi ở Ghent dần hiện ra trong tôi: những cánh đồng xứ Flanders đã chứng kiến chiến tranh đẫm máu và những người lính quân Đồng minh đã ngã xuống, căn phòng với bức mural hình Đức mẹ đồng trinh, bản đồ thế giới xưa trên tường cầu thang, lâu đài của bá tước với những biến cố lịch sử đầy sợ hãi.

Trước khi đến Ghent, tôi là một người vô thần. Sau khi rời Ghent, tôi… vẫn vô thần, nhưng dường như đã có cái nhìn khác về mọi thứ, có phải vì ở Ghent có “tia sáng thiên đường cao, rọi vào ngục tim nhau”? **
____________

* atmospheric: tính từ chỉ những nơi có “không khí”, có hồn, cá tính
** Lời bài hát Chỉ chừng đó thôi của nhạc sĩ Phạm Duy