Ảnh: Gia Tiến |
Giữ lời hứa, tôi mở máy tính tìm hình. Thư mục hình ảnh tôi sắp xếp theo thứ tự nơi chốn và thời gian, sau vài giây lục lọi đã tìm ra “Việt Nam 2008”, chợt nhận ra không biết từ bao giờ Việt Nam đã thành một địa danh du lịch của chính tôi. Những hình ảnh của chuyến đi lướt qua: trâu trên đồng, chuyến tàu ngoài đảo, những chiếc vó đánh cá trên biển, bánh bột lọc, nước mía, con gà mái với đàn gà con gần bụi chuối...
Tôi dừng lại ở bức hình một ông già ngồi chờ khách trên xuồng nhỏ hình chiếc lá tre trên sông Hoài, Hội An. Tôi nhớ lại lúc đó tôi đứng trên bờ nói vọng xuống sông: “Cho con chụp một tấm nghen ông!”. Ông ngước nhìn, cười rất hồ hởi. Lúc đó tôi không nhận ra đó không phải nụ cười dành cho du khách, cho người lạ qua đường. Đó là nụ cười dành cho con cháu, như thể có đứa nào trong nhà nói: “Ông ẵm cháu ngoại đi, con chụp một tấm”.
Ông già quá, chắc phải hơn tám mươi, răng rụng gần hết, người gầy gò liêu xiêu, đội nón lá rách tơi tả. Úp trên xuồng là một nón lá mới tinh, chắc để dành cho khách. Và vì thế nụ cười hồ hởi của ông bây giờ nhìn lại tấm hình tôi thấy buồn, nghĩ không biết ông ngồi đò chờ cả ngày có ai đi không. Đã có cây cầu bắc ngang, dân địa phương ai bỏ tiền đi đò làm gì nữa. Khách du lịch thấy ông già lụm cụm, có muốn giúp ông kiếm thêm tiền cũng không ai nỡ ngồi cho ông chèo.
Hồi nhỏ tôi rất làm biếng, mẹ hay nói: “Mỗi lần nhắc nó làm gì giống như nhắc đò”. Có lần tôi hỏi: “Nhắc như nhắc đò là sao mẹ?”, bà nói đại cho qua chuyện: “Là giống như người qua sông dặn “Chút nữa đò nhớ chờ tui nghen đò”, phải nhắc đi nhắc lại không thì đò quên, đi mất không có đò về nhà”. Chị tôi nói: “Sao nghe buồn thiu vậy, giống như tưởng tượng một bà quê mùa lam lũ gồng gánh qua sông bán hàng”. Tự nhiên lúc này nhìn tấm hình ông lão trên sông Hoài tôi lại nhớ tới chuyện “nhắc đò” đó.
Và nhớ lời một bài hát của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi...”.
Đâu phải chỉ phương Nam, về nhà mình ngắm sông ở đâu cũng thấy ngậm ngùi. Cách đây gần ba năm tôi đi Ninh Bình một mình, ngồi thuyền đi Tam Cốc. Chèo thuyền cho tôi cũng là một ông tuy không già như ông lão ở Hội An nhưng cũng hơn sáu mươi. Mỗi thuyền, chèo bằng tay, đi hai giờ đồng hồ hình như có giá bốn chục ngàn đồng hay bao nhiêu tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ là một con số thấp đến nực cười. Ông bảo có khi một tháng mới đến lượt mình chèo một chuyến, vì dân ở đây hầu như nhà nào cũng mua thuyền trong đợt phát triển du lịch cách đây vài năm, không có tiền cũng bán ruộng mua, vay nợ mua. Nhưng thời điểm nở rộ du khách rất ngắn ngủi, thị xã Hoa Lư trở lại đìu hiu, thuyền bán đổ bán tháo không ai lấy.
Tôi vào máy tính trở lại, lưu hình Việt Nam vào một mục riêng. Tôi hiểu vì sao A. muốn quay lại, dù lần nào qua cũng bị muỗi cắn sưng khắp mình mẩy, ngộ độc thức ăn nằm liệt giường mấy ngày, vào nhầm quán matxa trá hình bị dụ dỗ phải bỏ của chạy lấy người, mua hàng bị chặt chém.
A. không phải người hời hợt nhưng anh là người ngoài, một người ngoài đúng nghĩa. Về Việt Nam có gặp những điều khó chịu cũng chỉ là một phần của một chuyến đi xa, là những điều ở xứ sở lạ lẫm thay đổi cho cuộc sống yên ổn anh sống, có mất vui lúc đó nhưng không vì vậy mà hết hứng thú quay trở lại. Còn tôi, là người trong cuộc tôi cảm nhận những điều khó chịu đó chỉ là phần nổi của tảng băng xã hội còn những nỗi bất an.
Và vì vậy lần nào về ngắm sông cũng thấy ngậm ngùi...