Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Hoa hồng và giẻ lau xe

TTCT - 1. Cô gái Đông Âu trạc tuổi chúng tôi gõ vào cửa kính xe, nói như van vỉ: “Làm ơn đi, làm ơn...”. A. lắc đầu: “Không, cảm ơn cô”. Cố tình không để ý đến lời từ chối, cô múc nước trong xô cầm trên tay, xối lên kính xe rồi nhanh nhẹn lấy giẻ lau tới lui. A. hạ cửa xe xuống, thò đầu ra ngoài cương quyết: “Tôi đã nói là không!”. Cô gái mang xô nước và mớ giẻ bước lên lề đường.

A. vẫn còn bực, chỉ lắc đầu ngán ngẩm. Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi thấy anh bực bội với người nhập cư, anh vốn nghiêng về cánh tả và luôn bỏ phiếu cho Công đảng, vả lại bản thân tôi cũng là người nhập cư. Nhưng chuyện gì cũng có giới hạn của nó, những người Đông Âu chuyên đứng gần ngã tư rửa xe kiếm tiền gây khá nhiều phiền toái về mặt giao thông, và hay quấy rầy ép chủ xe phải bất đắc dĩ trả tiền cho những lần rửa xe không trông đợi.


2. Hình ảnh những người nhập cư đó được thấy lần đầu tiên vào năm 2004, khi tám nước Đông Âu mới gia nhập EU có thể đến Anh làm việc hợp pháp. Chỉ gần hai năm đầu đã có trên dưới nửa triệu người, chưa kể những người không đăng ký chính thức. Họ làm đủ thứ nghề, đóng gói trong nhà máy, cắt cỏ, hái dâu, phụ hồ, lau dọn..., và vì hơn 60% trong số đó là người Ba Lan nên tất cả những người Đông Âu đều mặc nhiên được gọi là người Ba Lan, cái tên đối với người bản xứ cực đoan hàm chứa một sự coi thường.

Người có học, có việc làm tốt thường không lấy việc người Ba Lan nhập cư làm phiền, một phần vì tư tưởng thoáng muốn mở rộng hòa nhập, phần nữa do họ không bị ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo. Nhưng ở những khu lao động có thể thấy một sự miệt thị chống đối rõ ràng, vì dân Đông Âu sang “phá giá”, đồng ý chịu làm việc chân tay với số tiền thấp hơn dân Anh nhiều lần.

Tôi vẫn thấy những người Đông Âu đó đứng ở những quãng đường đông người và các ngã tư trong thành phố, có khi với xô nước và giẻ lau, có khi với những bó hoa hồng để giá bó nhỏ 3 bảng Anh, bó lớn 5 bảng. Hoa hồng bó rực rỡ xanh đỏ tím vàng chen nhau, thỉnh thoảng họ đến tận cửa xe mời mua. Có lẽ không ai nói cho họ biết người Anh không thích màu sặc sỡ, nếu có cũng phải một bó cùng màu, ít ai thích đủ màu “chim cò loạn xạ”. Và ai mua hoa khi vừa ngừng đèn đỏ vừa nhìn đồng hồ sốt ruột vì trễ cuộc hẹn, hay mong mỏi về tới nhà được duỗi chân trên ghế với một ly bia trên tay? Nhất là hoa đó đã trải qua cả ngày bụi bặm ngoài đường?

Có lần tôi ngồi trên xe của một anh bạn, tự nhiên anh thở dài “Cô ấy đang có bầu” làm tôi giật nảy lên “Cô nào?” vì anh chia tay bạn gái đã mấy năm nay, có vài mối quan hệ chẳng đâu vào đâu. Anh nói: “Cô gái Ba Lan ở ngã tư ban nãy”. Tôi nhớ lại, cũng những người nhập cư cầm mớ giẻ lau cửa kính mời khách giữa dòng xe hối hả ngược xuôi cuối ngày. Anh lắc đầu: “Thật là một cuộc sống khốn khổ”. Tôi nói như an ủi: “Nhưng cô ấy kiếm được nhiều tiền hơn thu nhập giáo viên ở nước cô ấy”. Anh ngưng một lúc rồi bảo: “Có khi còn nhiều hơn thu nhập bác sĩ không chừng. Nhưng chúng ta không chịu trách nhiệm cho cái nghèo trên thế giới, phải không?”.

3. Tôi nhớ lại những câu chuyện đó khi đang lái xe một mình, đoạn đường chỉ sáu cây số mà đi hơn tiếng đồng hồ chưa tới, xe cứ nhích được vài phân lại phải dừng. Đang vội vã, gặp kẹt xe ở London chỉ có thể ngửa mặt kêu trời, nhưng trời về chiều lại mưa lâm thâm làm kẹt xe càng tồi tệ. Một anh chàng Ba Lan len lỏi giữa những làn xe đông nghẹt, xách xô nước lại xe tôi, lấy giẻ lau bất chấp gạt nước đang gạt trên cửa kính. Tôi chưa kịp từ chối, dòng xe trước mặt bắt đầu lăn bánh, tôi chỉ về phía trước: “Tôi phải đi rồi, cảm ơn anh”. Anh xách xô đi về hướng những đồng nghiệp khác đang ôm hoa hồng sặc sỡ, để lại cho tôi một nụ cười làm tôi nghĩ bâng quơ không biết cuộc sống buồn bã của anh có gì để cười tươi như vậy.

Trời chiều mưa lắc rắc xong đã hửng nắng trở lại, tôi nhận ra ngày bắt đầu dài hơn, đã vào xuân, có lẽ ở quê nhà Ba Lan của anh chàng nọ tuyết bắt đầu tan...