Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Lời thề được hóa giải

Trận đầu tiên và duy nhất giữa Arsenal và Chelsea chúng tôi từng xem trên sân cách đây không lâu, vào cuối mùa bóng 2008-2009. Trận đó Arsenal thua trên sân nhà với tỉ số 1-4 nên tan trận chúng tôi cùng các CĐV Arsenal kéo nhau ra về, đúng nghĩa “lủi thủi”. Từ đó tôi và vài người bạn thề không xem Arsenal - Chelsea trên sân nữa, tới khi nào Arsenal thắng được Chelsea mới tính sau.

Fabregas (bìa trái) và đồng đội Arsenal ăn mừng chiến thắng tưng bừng trước Chelsea - Ảnh: Reuters
Mùa bóng tiếp theo, Arsenal thua đội áo xanh phía tây London cả hai trận sân nhà và sân khách, đến đầu mùa năm nay lại tiếp tục thua 2-0 ở Stamford Bridge nên chúng tôi cứ tưởng lời thề của mình có huông. Nhưng rạng sáng qua, trận cuối cùng của thập kỷ trên sân Emirates đã hóa giải “huông” đó với chiến thắng 3-1 xứng đáng cho các chàng trai trẻ chủ nhà.

Cả hai đội khởi đầu hết sức dè dặt. Bàn mở tỉ số của Song cho Arsenal hai phút trước khi kết thúc hiệp 1 đã tạo nên một hiệp 2 tưng bừng nghẹt thở với ba bàn thắng liên tiếp chỉ trong sáu phút. Cứ tưởng tượng ai đó vô bếp pha trà (dân Anh nếu không uống bia thường uống trà khi xem bóng đá), chờ nước sôi, bỏ túi trà vô ấm hoặc ly, rót sữa, thêm đường, bưng vô phòng khách trở lại chắc chắn sẽ “tá hỏa” khi thấy tỉ số vừa 1-0 mà bây giờ đã 3-1.

Tuy ba bàn thắng của Arsenal chia đều cho ba tiền vệ nhưng đội trưởng Cesc Fabregas chính là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời mùa đông London trong trận derby thủ đô nước Anh. Dù được Barcelona, CLB sáng giá nhất thế giới hiện nay, chào mời săn đón, anh vẫn ở lại Arsenal và được các CĐV sân Emirates đáp lại sự trung thành bằng nhiều tình cảm yêu quý.
Băng trên tay anh nói anh là đội áo đỏ, Cesc! Cesc!
Đeo băng đội trưởng của Arsene Wenger, Cesc! Cesc!
Chúng ta có chàng trai từ Tây Ban Nha đầy nắng, anh ấy có bóng để chúng ta ghi bàn.
Francesc Fabregas, số 4 của Arsenal.
Đó là bài hát thường được CĐV Arsenal hát hò cổ vũ những trận Fabregas ra sân, và dù ở nhà xem tivi chúng tôi vẫn nghe bài hát đó như thể đang ngồi trong sân vận động. Sau đường chuyền cho đồng đội Iniesta ghi bàn duy nhất giúp Tây Ban Nha hạ Hà Lan giành ngôi vô địch World Cup mùa hè vừa qua, Fabregas trở lại London không lấy làm thuyết phục vì chấn thương và thường xuyên vắng mặt. Vừa trở lại, Fabregas đã ghi dấu ấn cho cả ba bàn thắng của các pháo thủ: là tác giả bàn thắng nâng tỉ số lên 2-0 cũng như tạo hai đường chuyền trực tiếp giúp Song và Walcott ghi hai bàn còn lại.

Vậy là lời thề không đi xem Arsenal đá với Chelsea tạm thời được giải, mùa bóng sau tôi và những người bạn sẽ kiếm vé đi xem trận derby này (hoặc trong năm nay nếu hai đội gặp nhau ở Cúp FA). Nhưng trước mắt, tôi đã quyết định mua vé đến sân Upton Park xem các pháo thủ làm khách West Ham vào cuối tháng 1 này.

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Điềm rủi mùa Giáng sinh của Chelsea

Từ kinh nghiệm hàng trăm năm của xứ sở sáng chế môn bóng đá, ở Anh có câu: “Chỉ nên bắt đầu nhìn bảng xếp hạng vào ngày trước Giáng sinh”.

Drogba và Chelsea đang trải qua giai đoạn đầy thất vọng về phong độ - Ảnh: Reuters
Quả vậy, trong lịch sử, thời điểm ngay trước Noel chính là thời điểm mang ý nghĩa quyết định sống còn đối với những đội có tham vọng giành ngôi vô địch (hoặc “tham vọng” trụ hạng đối với đội yếu). Đó cũng là lúc giải ngoại hạng đã đi được gần nửa đường, chân dung nhà vô địch bắt đầu “le lói”, những điểm mạnh yếu của cả 20 đội đã được các chuyên gia phân tích cặn kẽ.

Để kiểm chứng câu truyền miệng trong “giang hồ” nói trên, chúng tôi bỏ thời gian ngồi thống kê bảng xếp hạng ngay trước Noel so với cuối mùa ở mười mùa bóng gần nhất, và đã phát hiện nhiều điều thú vị. Nếu chỉ dựa vào những con số thống kê này, có thể rút ra những dự đoán cho mùa bóng năm nay:

1. Chelsea sẽ trở thành cựu vô địch

Có lẽ các CĐV đội bóng nhà giàu phía tây London sẽ lấy làm thất vọng vì lịch sử chống lại họ. Chelsea giành ngôi vô địch ba lần trong thập niên (2004-2005, 2005-2006 và mùa bóng năm ngoái), cả ba lần họ đều đứng đầu bảng xếp hạng ngay trước Noel. Như vậy nếu Chelsea có khả năng chiếm ngôi quán quân thì phong độ đã chín vào thời điểm cuối tháng 12, nếu không xem như mùa đó nhường cho đội khác.

2. Arsenal và Manchester United chia nhau 50% khả năng nâng cúp

Hai lần Arsenal vô địch trong thập niên (2001-2002 và 2003-2004) đều là hai mùa họ xếp nhì bảng xếp hạng trước Noel. Hiện các học trò ông Wenger cũng đang xếp thứ nhì. Bởi vậy lực lượng CĐV trung thành của đội bóng bắc London ắt hẳn đang đan chéo ngón tay cầu nguyện lịch sử lặp lại, và các pháo thủ sẽ bứt phá vào nửa sau mùa bóng để giành ngôi vị được chờ đợi suốt hơn sáu năm nay.

Thống kê cũng đứng về phía M.U, trong số năm mùa bóng “những con quỷ đỏ” thành Manchester giành ngôi vô địch, có hai lần họ đứng đầu bảng trước Noel (2000-2001 và 2006-2007). Hiện đội tuyển thành công nhất nước Anh thập niên này đang có phong độ rất ổn định và vẫn chưa thua trận nào, tuy vẫn không tránh được tình trạng để hòa quá nhiều và mất điểm không đáng trước các đối thủ dưới cơ.

3. Sẽ không có bất ngờ cho “ngựa ô”?

Trong suốt thập niên, lần duy nhất một đội nằm ngoài “Big four” (tên gọi nhóm Arsenal, Chelsea, Liverpool và M.U) có được vị trí nhất hoặc nhì trước Noel đã cách đây gần 10 năm, khi Newcastle United dẫn đầu bảng xếp hạng. Đó cũng là khởi đầu một trong những thời kỳ hoàng kim nhất của “chích chòe”, kết thúc ba mùa bóng liên tiếp với những vị trí lần lượt thứ tư, ba và năm.

Và nhiều khả năng đó là lần cuối cùng một đội bóng ngoài “Big four” giành vị trí danh giá. Ngay cả thời điểm gần đây khi Man City tiêu tiền như nước nhưng vẫn không mua nổi vị trí nhất nhì trước Noel.

Dĩ nhiên trong bóng đá mọi thống kê đều chỉ mang tính tương đối, “người tính không bằng trời tính”. Thành tích của đội bóng còn phụ thuộc nhiều vào chấn thương, phong độ cầu thủ, chiến lược của HLV, tài năng của những cầu thủ sắp đầu quân sau đợt chuyển nhượng tháng 1 tới...

Vì vậy, hãy chờ xem Giải ngoại hạng Anh mùa này có khép lại với những bất ngờ lật đổ các con số thống kê hay không.

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Giáng sinh ở xứ thần tiên

Những thành phố, làng mạc tôi từng đi qua dù đẹp đến mấy, nổi tiếng chừng nào vẫn có những góc... xấu. Ngoại trừ Bruges, xứ thần tiên tôi từng đến vào dịp Giáng sinh.

Trong cuốn tiểu thuyết trinh thám Chuyến tàu Stambul (1932), văn hào Anh Graham Greene, tác giả tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng, viết: “Và tia nắng cuối cùng hiện ra khi tàu đi ngang Bruges... Ở một nơi giữa những tăm tối lại có một thành phố cổ, giống như một viên ngọc khét tiếng, được nhiều kẻ ngắm nhìn, bàn tán và đến thăm”.

Những nhân vật của Greene đi ngang qua Bruges (Brugge trong tiếng vùng Flanders, Bỉ) trên chuyến tàu xa hoa Orient Express từ London. Chúng tôi cũng đi từ London nhưng trên tàu Eurostar, đoạn đường gần 400km từ thủ đô nước Anh đến thủ đô Brussels của Bỉ chỉ mất một giờ rưỡi, thêm một giờ trên tàu địa phương để đến Bruges - một thế giới hoàn toàn khác.

Những con đường lát đá cuội hẹp với những ngôi nhà xưa dẫn chúng tôi đến nơi trú ngụ những ngày cuối năm trong một con hẻm quanh co. Phố cổ Bruges nổi tiếng với nhiều nhà nghỉ nhỏ kiểu gia đình thế này. Sau bữa tối gọn nhẹ, chúng tôi đến một quán bia. Quốc gia nhỏ bé chỉ hơn 10 triệu dân này lại là nơi sản xuất nhiều loại bia nhất thế giới, có cả những cách pha chế đặc biệt từ thời Trung cổ.

Xe đạp - phương tiện giao thông ưa thích của người dân Bruges
Sáng sớm, chúng tôi đến quảng trường Markt, một trong những khu phố cổ được bảo tồn tốt nhất châu Âu. Xe ngựa chở du khách lọc cọc đi ngang những ngôi nhà có mái đầu hồi cong cong duyên dáng được sơn nhiều màu vui mắt, không khác nhà trong truyện thần tiên của Grimms hoặc Andersen trong trí tưởng tượng trẻ con.

Nổi bật trên những ngôi nhà thấp ba tầng có đầu hồi nhọn ấy là tháp chuông Belfort được xây từ thế kỷ 13, thời hoàng kim của Bruges nhờ buôn vải và len từ Anh, đồng thời là đầu mối giao thương của cả khu vực với vùng Địa Trung Hải. Bên dưới là những sạp gỗ lúp xúp của khu chợ nhóm họp trước Giáng sinh giăng đèn đón khách đến thăm không chỉ bằng quà lưu niệm mà còn bằng những quầy xúp ốc, philê cá nướng, xúc xích nướng kẹp bánh mì và những món ngon lành khác. Quầy thức uống mùa đông có lẽ đắt hàng nhất với trà đen, sôcôla nóng, rượu mulled wine: vang đỏ hâm nóng với cam, quế, đậu khấu và đường, cà phê pha whisky và kem.

Rời Markt, chúng tôi vòng qua đường Vlamingstraat, nơi vào thế kỷ 13 nhiều người tụ tập đến nhà một người Bỉ tên Van de Burse để buôn bán chứng khoán. Vì vậy Bruges là thành phố đầu tiên chính thức có hoạt động này trên thế giới, cũng vì vậy mà ngày nay trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, chữ “bourse” có nghĩa là thị trường chứng khoán. Nổi bật trên phố Vlamingstraat là nhà thờ Máu thánh được xây từ thế kỷ 12, nơi lưu giữ một trong những thánh tích thiêng liêng nhất của châu Âu cổ đại: chiếc lọ nhỏ đựng vài giọt máu, được cho là máu của Chúa và được mang đến đây sau cuộc Thập tự chinh.

Khu chợ Giáng sinh đầy màu sắc dưới chân tháp chuông Belfort

Bên cạnh nhà thờ, tòa thị chính cũng là một công trình tuyệt mỹ, được xây từ thế kỷ 14 với mặt ngoài bằng đá sa thạch, chạm khắc nhiều tượng của các bá tước xứ Flanders, dù phần lớn được làm lại cách đây hơn 300 năm sau khi tượng nguyên bản bị quân đội Pháp phá hủy. Những ngày cuối năm ở đây có thêm nhiều đèn trang trí lung linh, còn sân trượt băng phía trước đầy người chơi trong tiếng nhạc hội hè. Tây Âu đã dùng hệ thống sưởi bằng gas từ rất lâu, nhưng ở Bruges hầu như tất cả quán cà phê, nhà hàng, cửa hiệu... đều còn giữ lại lò sưởi kiểu xưa làm ấm lòng những khách phương xa đến thành phố. Những khám phá như vậy đã làm nên một kỳ Giáng sinh ý nghĩa.

Như khi lang thang trong những góc phố xa quảng trường, tình cờ phát hiện ngôi nhà ở đường Vette Poort được xây từ năm 1434 và từng là một trong rất nhiều nhà tế bần ở Bruges những thế kỷ trước, làm tôi nhớ đến câu chuyện thần tiên Bên cửa sổ nhà tế bần của Andersen: “Những đứa trẻ đáng thương ấy, chúng mới vui làm sao, chúng chơi và chạy nhảy cùng nhau vui thích! Những đôi má đỏ và những cặp mắt thiên thần! Nhưng chúng không có giày lẫn bít tất”.

Nên trong đêm Giáng sinh, khi nhấm nháp món sò hấp rượu vang ngon tuyệt trong một nhà hàng khuất sau quảng trường Markt bên lò sưởi ấm áp của xứ sở đẹp như chuyện thần tiên, bên ngoài gió đông vẫn thổi lạnh se sắt và chuông nhà thờ sắp đổ nửa đêm, tôi mong ông già Noel có thật.

Một trong những nhà thờ rải rác khắp Bruges

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Giáng sinh buồn của nước Anh

Trong truyện Bài thánh ca Giáng sinh (A Christmas carol), văn hào Anh Charles Dickens có viết “Dường như có một điều kỳ diệu trong bản thân cái tên Giáng sinh”.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter (bìa trái) trao cúp vàng cho Phó thủ tướng Nga
Igor Shuvalov sau khi Nga được công bố thắng cuộc - Ảnh: Reuters
Những ngày đầu tháng 12 này, quê hương Dickens chìm trong tuyết lạnh tê tái, đi bộ ra đường tuyết đóng băng trơn té ê mông, giao thông ngưng trệ, tay chân buốt giá, nhưng lòng ai cũng nóng như lửa đốt, hồi hộp chờ “điều kỳ diệu” trước Giáng sinh, nhưng cuối cùng không có khoảnh khắc thần kỳ nào cho đảo quốc: Anh không được chọn làm nước chủ nhà World Cup 2018 sắp tới này.

Với chủ đề “Nước Anh hòa hợp. Đón mời thế giới” (England united. The world invited), gói thầu của Anh được xem là ấn tượng nhất với sự tham gia của một lực lượng hùng hậu những HLV hàng đầu giải ngoại hạng, Thủ tướng Cameron, ngôi sao David Beckham, và đặc biệt có cả hoàng tử Williams. Đó là về khía cạnh chuyên nghiệp, còn về mặt “tâm linh”, Anh còn có sự hậu thuẫn của Paul, bạch tuộc “quốc tịch” Anh và sống tại Đức, khi tháng 8 vừa qua, không lâu trước khi chết, nhà tiên tri nhuyễn thể này dự đoán Anh sẽ là nước chủ nhà 2018.

Tuy nhiên, Anh đã thất bại. Cựu ngôi sao của tuyển Anh Alan Shearer thừa nhận thất bại là đau đớn. “Tôi vẫn hi vọng trong cuộc đời mình nước Anh sẽ tổ chức lại World Cup. Nhưng điều đó đã không xảy ra” - Shearer nói với BBC.

Trên thế giới, phần lớn mọi người đều nghĩ Anh là ứng cử viên sáng giá, nhưng ở chính hòn đảo này các CĐV lại dè dặt hơn. Trước khi có kết quả, không ít CĐV đã có nhiều lý do để nghĩ Anh sẽ không được chọn. Roland - một CĐV - nói với chúng tôi: “Sau khi những đội bóng Anh bị cấm chơi ở châu Âu vào thập niên 1980, nhiều nước ở lục địa vẫn xem Anh là “người anh em họ hàng hư hỏng”, mặc dù cho đến nay vấn đề bạo lực bóng đá ở nhiều nơi khác tệ hơn Anh rất nhiều. Còn một vấn đề nữa: một số người cho rằng Anh đã kiếm được rất nhiều tiền từ giải ngoại hạng, vì vậy nên để nơi khác tổ chức World Cup.

Lý do cuối cùng: FIFA muốn World Cup có một di sản bền vững, Anh đã có hệ thống hạ tầng vững mạnh cho bóng đá ở nhiều cấp độ và môn thể thao này đã nằm trong tinh thần quốc gia từ vài trăm năm nay, vì vậy FIFA muốn di sản này đến một nơi khác, như từng là trường hợp của Mỹ 1994 và Nam Phi 2010”.

Xem truyền hình trực tiếp trên tivi, nhìn đám đông chịu cái lạnh buốt giá ngồi bên cầu Tower chờ kết quả, tôi mong họ về nhà tìm niềm vui từ bữa tiệc có gà tây quay và rượu vang cho quên đi nỗi buồn “đất mẹ của bóng đá” không được làm chủ nhà. Dù sao đi nữa, Anh vẫn có thể tiếp tục đấu thầu cho năm 2030.