Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2003

Annabel Jackon: Khi tôi viết Café Việt Nam

Bìa cuốn sách Café Việt Nam
TTCN - Chị Anh đã yêu cầu tiếp tân khách sạn Anna Mandara (Nha Trang) gọi đánh thức tôi vì, như chị nói với tôi đêm trước, “nếu bạn muốn thấy những món ăn sáng VN được chuẩn bị như thế nào, bạn phải ra chợ lúc 6 giờ”.

Điểm đến đầu tiên của khu ăn uống ở chợ là quầy bún bò, một món ăn mà tôi được biết trước đây trong chuyến thăm Huế. Nhưng bây giờ tôi mới biết hột màu - những hột đỏ nho nhỏ từ một loại cây nào đó mà chúng tôi không biết tên tiếng Anh - được cho vào nồi sau khi xương bò đã được hầm ba tiếng đồng hồ trên bếp gas.

Người bán cũng nói thêm nồi xương được nấu bốn tiếng nữa trên bếp than và lá sả chỉ cho vào khi nước đang sôi. Tiếp đó là món bánh ram, nhưng tôi lập tức quyết định không cho vào sách vì quá phức tạp; vì vậy chúng tôi đến sạp bún riêu, một món ăn khêu gợi sự chú ý của tôi ngay lập tức. Tôi cũng thích thú xem hột màu được nêm vào nồi nước lèo và thêm hột màu vào list đi mua sắm ngay.

Nhưng món độc đáo nhất của buổi sáng là bánh căn (còn được gọi là bánh khọt). Không lâu sau tôi được Diệu Hồ (một Việt kiều sinh ra gần biên giới Campuchia hiện là đầu bếp khách sạn New World) cho biết bánh căn là món anh ưa thích nhất nhưng rất khó tìm ở TP.HCM.

Một đĩa mười chiếc bánh như vậy giá 1.000 đồng, nếu muốn thêm trứng vào bột thì thêm 1.000 đồng nữa. Tôi gọi cả hai cũng vậy, và rõ ràng cô bé thích vị chua chua của xoài xanh bằm ăn chung với nước mắm giống tôi. Nhưng món này, tôi nghĩ bụng, cũng không cho vào sách được. Có thể tìm ở đâu những cái khuôn xinh xắn bằng đất nung như vậy, ngoại trừ VN?

Aline Hồ bạn tôi, một trong những người sáng lập Anna Mandara, nhờ tôi mua về ít xôi, món ăn sáng từ nếp mà chúng tôi cùng khoái. Tôi mua hai phần, một phần nấu với đậu đen và một phần với đậu phộng nguyên hạt, được gói trong những gói bằng lá chuối mà cô bé 14 tuổi đưa cho tôi.

Trong lúc nhấm nháp tách expresso ở khách sạn, Aline đồng ý món xôi tôi mua rất ngon và chúng tôi bảo nhau tại sao bây giờ người ta lại chuyển sang bán xôi trong những hộp nhựa xấu xí; tại sao cũng như bánh khọt, món xôi không còn bán nhiều trên đường phố nữa.

Tôi ăn trưa trong một nhà hàng dọc bãi biển, rõ ràng tất cả những món ăn ở đây đều được chế biến từ mẻ lưới ban sáng. Tôi gọi cá ngừ nướng sả ớt, hành tươi và rau mùi thật ngon lành. Hình như có cả gừng nữa thì phải.

Cả buổi chiều tôi ở phòng viết lại những món ăn ban sáng đến tận năm giờ rưỡi, và tiếp tục làm “hành khách” của chị Anh. Món đầu tiên của bữa tối là nem nướng - thịt heo nướng xiên, sau đó là bánh canh tôi thấy lúc sáng. Chúng tôi cũng trò chuyện rất lâu với bà già làm mì Quảng, món mì vàng như cà ri ăn với nước lèo và nhiều nguyên liệu khác, gồm cả trứng cút.

Trở về khách sạn ba mươi phút để tiếp tục công việc viết lách, tôi tự thưởng mình một chai Muscadet ướp lạnh và một bữa ăn tối không quá hoàn hảo nhưng rất có ích về mặt thông tin thức ăn, bao gồm canh cá chua ngọt và gỏi bắp chuối. Cả hai món sẽ vào sách, tôi quyết định. Hoa chuối rất ngon: làm sao tôi có thể sống thiếu nó được?

Khi viết cuốn sách này, tôi nhìn lại sổ tay để tìm ra chính xác mình đã thử món gì vào ngày 2-5-1997, ngày đầu tiên tôi nghiên cứu viết Café Việt Nam. Trong những cuốn sổ ấy, mọi nguyên liệu của tất cả các món ăn tôi thấy hay nếm thử đều được chịu khó viết lại bằng con số xấp xỉ mà người bán hàng trên đường phố chỉ cho tôi: “một ít”, “không nhiều lắm”, hay “một vốc tay”. Rất có ích!

Những ngày cặm cụi viết công thức món ăn đường phố ấy - được tôi chú thích bên dưới những câu hỏi của chính mình “quá nhiều giá?”, “không đủ me”, hay “loại thịt heo nào?”- cũng là những ngày tôi nhận ra ẩm thực VN sẽ trú ngụ lại tâm hồn tôi như thể tôi đã được sinh ra cùng nó. Tôi hăm hở hi vọng không lâu sau đó tôi sẽ “biết” những món ăn ở đây như chính người bản xứ, và đặc biệt nước lèo của món phở bò tôi nấu sẽ có vị như quán phở ưa thích nhất của tôi ở TP.HCM.

Rất nhiều lần tôi phải tự hỏi chính mình: không kiếm được nấm rơm tươi ở Luân Đôn, vậy nấm đóng hộp được không? Nếu món gỏi gà với hành tây phải làm với da gà, vậy dùng thịt gà nạc có đúng điệu không? Một chén ăn cơm là định lượng bao nhiêu trên đơn vị ounce? Tôi thấy mình viết những thứ thật ngớ ngẩn trong sách, thay nguyên liệu lá chuối bằng giấy nhôm bạc để nướng thức ăn - tự an ủi giấy bạc là sự thay thế mang tính hiện đại. Hoặc viết “tùy chọn” sau chữ rau om, món rau mang tính quyết định trong món canh chua cá vì tôi không thể loại bỏ một trong những món canh truyền thống ngon nhất VN chỉ vì ngại người nước ngoài không kiếm ra rau om.

Âm thực VN gắn liền một cách duyên dáng và hài hòa với những món ăn dân dã vì chúng vẫn giữ nguyên nét giản dị, không cầu kỳ, đa số những món ăn này vẫn được thưởng thức trên đường phố hay trong những quán khá bình dân. Viết về ẩm thực VN, hay thậm chí chỉ đơn giản viết về cách chế biến món ăn VN, đối với tôi cuối cùng cũng là viết về văn hóa VN.

Tôi không phải là một du khách quá say mê với phong cảnh đẹp, nhưng cứ cho tôi cơ hội được mua rau ở một sạp có cô bán rau mặc áo chấm hoa, hay đến thăm nhà một người bạn để thay phiên nhau cuốn gỏi cuốn trong khi bố cô ngồi xem tivi, là tôi sẵn sàng lên chuyến bay sớm nhất sang VN ngay lập tức.
 ____________________

 Chuyên gia ẩm thực người Anh Annabel Jackson đã sống ở Hông Kông từ năm 1989, là phóng viên tờ South China Morning Post trước khi trở thành phóng viên tự do của nhiều tạp chí quốc tế và giám đốc PR của khách sạn Mandarin Oriental Hong Kong.

Đã từng đến VN nhiều lần, trong số những cuốn sách về ẩm thực của Annabel Jackson có đến ba cuốn viết về VN: Việt Nam trên một chiếc đĩa (NXB Roundhouse, 1996), Món ăn Việt Nam (NXB Periplus, 1997) và gần đây nhất là Café Việt Nam (NXB Conran Octopus, 2000).

Bài viết trên trích từ một trang web nổi tiếng về du lịch châu Á, kể về một trong những chuyến đi tìm hiểu món ăn VN để nghiên cứu viết Café Việt Nam (từ café để chỉ những quán ăn và món ăn).

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN lược dịch

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2003

Dự án gấu bông

TT - Tại hội nghị về giáo dục và công nghệ thông tin lần 10 của iEARN (mạng lưới quốc tế về giáo dục và nguồn lực) vừa diễn ra tại Nhật Bản (20 đến 25-7-2003), “Dự án gấu bông” là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong các bài diễn văn và trong cả lúc nhấm nháp trà, bánh ngọt vào giờ nghỉ giải lao.

Năm 1996, cô Muriel Wells - giáo viên cấp I ở Melbourne, Úc, đồng thời là thành viên của iEARN - đã sáng lập dự án này nhằm khuyến khích học sinh khắp thế giới làm bạn với nhau.

Cô gấu tên Mật Ong và các bạn
Trong dự án, một chú gấu bông sẽ “đến thăm” lớp học ở một nước khác. Các em học sinh sẽ thay phiên nhau mang gấu về nhà, sau đó thay mặt chú gấu viết nhật ký về chuyến “phiêu lưu” của chú, những nơi chú được đến, những gì chú làm trong thời gian chú đến thăm mình.

Nhật ký sẽ được email đến lớp học cũ của chú mỗi ngày để các bạn trong lớp biết được những gì chú đang làm và hiểu thêm về văn hóa, sinh hoạt nơi chú đến. Chú gấu bông có thể được thay thế bằng những loại thú nhồi bông khác, chẳng hạn như thỏ bông, đại bàng bông, kangaroo bông, có những chú còn được mặc trang phục truyền thống nước mình.

Chú Kaola, đến từ Úc, khi đến thăm Trường tiểu học Spokane ở Mỹ một học kỳ đã viết thư về cho các bạn: “Bây giờ tớ mới biết ở Mỹ có lễ Tạ ơn. Hôm nay tớ được ăn gà tây quay, bánh bí phết kem và uống sữa ca cao. Cô Sutherlands kể rằng có 130 người hành hương đã đi từ Anh đến Mỹ trên một con thuyền tên là Hoa Tháng Năm. Khi đến Mỹ, họ được người da đỏ giúp đỡ xây nhà, dạy cách trồng bắp và săn nai. Lễ Tạ ơn ra đời nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với những thổ dân da đỏ này. Mẹ của Austin, bạn mà tớ đang ở cùng nhà hôm nay, bảo người Mỹ mừng lễ Tạ ơn để biết ơn gia đình, bạn bè, thức ăn và trường học”.

Dự án gấu bông ban đầu chỉ dự định dành cho học sinh tiểu học, nhưng sau đó đã thu hút học sinh từ lớp 1 - 9 trên khắp thế giới. Cho tới thời điểm này đã có hàng ngàn trường học tham gia dự án tại Argentina, Canada, Anh, Iran, Đức, Nga, Mỹ, Đan Mạch, Đài Loan, Nam Phi, Úc, New Zealand...

Qua những câu chuyện gấu bông email về, các em học sinh hiểu thêm về các bạn cùng độ tuổi ở các nơi trên thế giới. Ở những nước không nói tiếng Anh, đây cũng là cơ hội tốt để các em luyện thêm ngoại ngữ khi thay gấu bông viết email và đọc email gấu bông gửi về.

Hiện nay Tổ chức iEARN vẫn chưa có mặt tại VN (iEARN Việt Nam sẽ được thành lập trong tương lai gần), do vậy dự án này chưa được biết đến ở nước ta.

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ các lớp học ở VN vẫn có thể tham gia bằng cách đăng ký tại trang web http://www.iearn.org.au/tbear/(chỉ giáo viên mới được đăng ký). Sau khi điền tên trường, lớp, địa chỉ trường, địa chỉ email, lớp học của bạn sẽ được lưu vào danh sách của dự án.

Tuy nhiên, bạn không thể tự mình liên lạc ngay từ đầu với lớp học bạn muốn trao đổi gấu bông, mà cô Muriel Wells - điều phối viên dự án - sẽ thu xếp cho bạn bước đầu.

Thông thường việc lựa chọn dựa trên độ tuổi và châu lục, ví dụ các học sinh lớp 7 ở VN sẽ được sắp xếp với học sinh lớp 7 ở một nước không phải châu Á, chẳng hạn như Ý hoặc Canada, để tăng thêm sự đa dạng văn hóa.

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN

(nhân viên Tập đoàn Unilever VN, đại biểu của Diễn đàn giáo dục và công nghệ thông tin của thế giới năm 2003, diễn ra tại Nhật)