Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2006

Giáng sinh trắng...

Bước ra khỏi ga xe lửa Innsbruck, trước mắt tôi ngập tràn những tuyết là tuyết, phủ trắng rặng núi Alps hùng vĩ nước Áo phía xa và nhỏ giọt xuống những cây dẻ trụi lá vươn cành khẳng khiu lên nền trời xám nhạt như câu hát “ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ, và câu hát về ru mình trong giấc ngủ vừa…” ( ).

Sáng nay, khi Alastair chở tôi ra sân bay London Stansted, mưa quất rát rạt vào cửa kính xe, anh bảo “Vậy là năm nay ở miền Nam không có tuyết rồi, Uyên thấy chưa, trời đang ‘ráng’ đổ tuyết mà có được đâu, chỉ toàn nước mưa!”.

Radio lúc đó chuyển sang bài “Wake up! It’s a beautiful morning!” (Dậy đi! Thật là một buổi sáng đẹp biết bao!) làm cả hai chúng tôi cùng bật cười vì cảnh vật ngoài trời trái ngược hẳn. Bầu trời nặng trĩu, giận dữ trút hàng vạn xô nước xuống những chiếc xe đang chạy vùn vụt trên đường. Alastair lại chậc lưỡi tiếc rẻ “Uyên sướng quá, nghỉ Noel ở Áo tha hồ trượt tuyết nhé! Lại còn được gặp bạn trai”.

Chỉ còn hai ngày nữa đến giáng sinh, không khí lễ hội ở Áo đã tràn ngập. Mới bốn giờ chiều nhưng trời mùa đông châu Âu sập tối nhanh, đã không nhìn thấy rõ mặt người, đèn trang trí trên cây thông trước cửa những ngôi nhà gỗ xinh xắn bật sáng nhấp nháy. Trên ống khói những quán rượu còn có cả ông già Noel bằng bông to bằng người thật đang lồm cồm tìm đường chui xuống, miệng cười vui vẻ và giỏ quà nặng trĩu trên vai.

Đâu đó từ một cửa sổ bên kia đường vẳng ra một bản nhạc thánh thót của Mozart, nhạc sĩ thiên tài người “địa phương” (Mozart sinh ra ở Salzburg chỉ cách Innsbruck hai tiếng đồng hồ xe lửa), ngân vang trong buổi chiều như những giọt tuyết rơi lên ngón tay tinh khiết. Tôi vốn không biết nghe nhạc cổ điển, nhưng vào buổi tối chập choạng ở thành phố xinh đẹp vùng Tirol ( ) này, tiếng nhạc làm tôi ngẩn ngơ mãi cho đến khi một chiếc xe buýt ngừng lại nơi trạm tôi đang đứng chờ. Tôi hăm hở kéo vali và ba lô lên xe, tôi sẽ ở Innsbruck một mình tối nay trước khi sang Feldkirch nghỉ lễ giáng sinh cùng gia đình Daniel.

Tôi không muốn kể lại vì sao tôi đã bị mất cắp trên chuyến xe buýt ấy, toàn bộ ba lô trong có hộ chiếu, hai máy ảnh, thẻ sinh viên, 150 euro và rất nhiều quà Noel cho gia đình anh. Cảm giác bàng hoàng khi khám phá ra điều ấy làm tôi giận đến nghẹt thở. (Sau này xem phim “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” bản mới của Disney, đoạn nhà khoa học khờ khạo người Anh Phileas Fogg bị lừa lấy cắp hết hành lý ở San Francisco ai cũng cười rộ lên trong khi tôi buồn thiu vì nhớ lại hoàn cảnh tệ hại tương tự của tôi ở Innsbruck).

Tôi không còn một mẩu giấy tờ tùy thân; thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng mang theo để rút tiền cũng mất nốt và trong túi chỉ còn lại vài euro tiền xu đủ để ra buồng điện thoại công cộng gọi về ngân hàng ở Anh báo hủy thẻ.

Anh chàng cảnh sát trẻ ở đồn cảnh sát thành phố có khuôn mặt hiền lành, hai má bầu bầu phúc hậu. Anh chăm chú nghe những câu nói rời rạc vô nghĩa của tôi, ân cần “Trông cô không được khỏe. Chúng tôi đã ghi lại những gì cô nói và sẽ cố gắng, nhưng có lẽ cô nên về nghỉ, sáng mai quay lại đây sẽ bình tĩnh hơn”. Rồi thấy vẻ hoảng loạn của tôi, anh từ tốn: “Ngày mai khi cô trình bày rõ hơn, chúng tôi sẽ cấp một biên bản cảnh sát, có nó cô sẽ làm lại được hộ chiếu”, ngưng một chút, anh bảo “Tôi có Internet ở đây, cô có muốn email cho công ty bảo hiểm du lịch hay ai đó không?”

Tôi mở hộp thư, thấy có một email của Daniel. Anh vẫn còn đang ở Zurich, dặn dò tôi giữ ấm và vẽ ra thật nhiều dự định trang trí cây thông, đắp người tuyết trong khoảng sân sau nhà. Email của anh làm tôi tủi thân, lại nhớ ban sáng ở sân bay, tôi quay lại còn thấy Alastair đứng nhìn theo tôi khuất sau màn mưa nước Anh mịt mù.

Tôi muốn khóc nhưng không khóc được, tim thắt lại cảm giác tê buốt khó tả khi thấy mình quả “khôn nhà dại chợ”, chỉ giỏi ăn hiếp bạn bè người thân trong khi ra đường bị người ta lừa quá dễ dàng. Tôi cúi xuống, gõ mail trả lời anh "Bị mất cắp ở Innsbruck. Gọi điện cho em ở nhà nghỉ, số điện thoại... " rồi buồn bã chào anh cảnh sát, kéo chiếc vali còn lại trên tuyết lạo xạo dưới chân.

Bây giờ tôi mới thấy lạnh, cái lạnh xuyên qua mấy lớp áo dày thấm vào da thịt làm tôi run rẩy, những ngón tay tê cóng. Tiếc rẻ những ngày cuối năm ở Sài Gòn mát mẻ 27-28 độ đã xa, tôi quấn thêm một lớp khăn lông, lẩn thẩn vừa đi vừa nghĩ có khi nào vì không còn hộ chiếu nữa sẽ không về được VN, không về được cả Anh nữa, phải ở lại đây rửa chén chẳng hạn?

Viễn cảnh đó làm tôi nhìn mùa đông nước Áo không còn thấy xinh đẹp nữa, tuyết ban nãy nhìn trắng muốt mịn màng là thế, bây giờ dưới ánh đèn đường vàng trông rõ vết bánh xe hơi, vết giày để lại những đường xám đen. Con bạn thân đanh đá của tôi, biết chuyện này thế nào cũng sưng sỉa "Dập mặt chưa em? Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ đoán trước như kết quả quốc gia nào nhiều huy chương vàng nhất mỗi kỳ SEA Games đâu!". Tôi ngẫm nghĩ, có lẽ tôi đã "dập mặt" thật.

oOo

Tôi ngủ một giấc rời rạc. Giật mình dậy chỉ mới hơn ba giờ, nhưng nhớ lại những gì xảy ra hôm qua tôi buồn quá không ngủ lại được nữa, nằm chong mắt đến sáng. Tối hôm trước về đến chỗ ở, tôi không còn một xu dính túi theo đúng nghĩa đen. Bà chủ nhà nghỉ nhìn tôi ái ngại, hỏi bằng tiếng Đức ( ) mà vốn liếng ít ỏi của tôi hiểu bà hỏi đã ăn gì chưa.

Lúc đó tôi mới nhớ mình chưa có gì vào bụng từ sáng: chuyến bay bị trễ, mấy tiếng đồng hồ trên xe lửa cộng với sự việc vừa xảy ra làm tôi mệt mỏi, như thể vừa mới xong một chuyến đi dài, rất dài, về nhà thấy cửa khóa trái im ỉm mà mình lại quên không mang theo chìa khóa.

Tôi gọi món súp trứng và được mang lại một chén súp thật to có nguyên quả trứng gà nóng sốt, rắc rau mùi xắt nhuyễn, bà xua tay nhất định không lấy tiền. Tôi cảm ơn bà, vừa ăn vừa quan sát xung quanh bằng cặp mắt buồn rầu. Ở bàn bên cạnh hình như có tiệc sinh nhật, mọi người có vẻ là dân ở đây, đang cười nói vui vẻ không chú ý đến tôi lôi thôi lếch thếch. Phía sau lưng tôi, những du khách người Bắc Âu đang trò chuyện với nhau ríu rít như chim hót. Tự nhiên tôi thèm được như họ quá chừng.

Bà chủ bước đến, nhìn tôi bằng cặp mắt xanh thẳm, nói gì đó tôi không hiểu rồi quay sang nói to với bàn đang có tiệc sinh nhật. Không biết bà nói gì mà một cô gái tóc vàng khoảng 28, 29 tuổi quay qua tôi nói bằng tiếng Anh: "Bà đây nói cô bị mất cắp, nhờ chúng tôi xem có giúp được gì cho cô không. Tôi biết tiếng Anh, nếu cần gì tôi sẵn sàng giúp".

Tôi mừng rỡ, buông muỗng súp đang ăn xuống "Vậy hả? Chỉ dùm em văn phòng Lost & Found ( ) đi". Cô gái tên Sylvia bước hẳn sang bàn tôi hỏi han tường tận rồi hứa sẽ dẫn đến văn phòng Lost & Found và cả đồn cảnh sát ngày mai.

Daniel gọi điện đến cho ông chủ nhà nghỉ, dặn ông đưa trước cho tôi hai trăm euro dùng tạm để anh chuyển tiền về trả ông sau, rồi an ủi tôi đang mếu máo "Mọi việc sẽ ổn thôi mà! Ngày mai gặp lại sẽ đền, chịu chưa?".

oOo

Tôi hy vọng kẻ cắp sau khi lấy hết tiền bạc và đồ quí giá sẽ ném ba lô có giấy tờ và hộ chiếu của tôi đâu đó, có người nhặt được mang đến văn phòng Lost & Found. Nhưng ở đó người ta tìm mãi không thấy ba lô tôi đâu nên tôi buồn bã để lại địa chỉ email và số điện thoại rồi đến đồn cảnh sát.

Anh cảnh sát trẻ có khuôn mặt bầu bầu tôi gặp hôm qua không thấy đâu, người trực không nói tiếng Anh lưu loát và tôi thật biết ơn Sylvia đã sốt sắng phiên dịch cho tôi trong suốt hơn một tiếng đồng hồ ở đó, nơi ông cảnh sát già cắm cúi gõ máy vi tính lạch cạch, hỏi đi hỏi lại những chi tiết rời rạc trong câu chuyện chiều hôm qua trên chuyến xe.

Hai đầu gối tôi như muốn khuỵu xuống vì mệt và thiếu ngủ, lại phải cố gắng nhớ lại những điều chỉ muốn quên đi. Khuôn mặt Sylvia những khi quay sang tôi thỉnh thoảng lại mờ nhạt như từ một nơi nào đó rất xa, tiếng nói của tôi nghe cũng xa xăm như của ai khác. Tôi cầm tờ biên bản ông cảnh sát vừa in ra đưa, gấp lại giữ khư khư như bùa hộ mệnh. Sylvia cảm ơn ông rồi kéo tay áo tôi "Có biên bản rồi, hy vọng lấy được tiền bồi thường từ công ty bảo hiểm, em có mua bảo hiểm du lịch chứ? Chỉ tiếc nhất hộ chiếu, chắc là nhiều kỷ niệm hả?".

Để cảm ơn, tôi mời cô vào một quán nước ven đường. Innsbruck rất đẹp, những ngôi nhà cổ hẹp sơn màu pastel tươi tắn trong tuyết trắng phau. Bây giờ là mùa đông, mấy tháng trước đây những ô cửa sổ và bao lơn bằng gỗ vùng Tirol này hẳn nở đầy hoa tươi như trong những tấm postcard của Innsbruck tôi từng xem, và vỉa hè hẳn cũng tràn ngập những bộ bàn ghế kê san sát với những người dân địa phương thong thả uống trà, nhấm nháp bánh ngọt và đọc báo.

Chúng tôi ngồi xuống một bàn gần lò sưởi kiểu xưa, những trái thông khô nổ lép bép bắn những tia lửa li ti và thanh củi gộc lớn đang cháy đỏ rực tỏa hơi ấm khắp gian phòng. Tôi nhìn quanh, nghĩ bụng nếu có khoai lang bỏ vào than nướng thì ngon biết mấy.

Chúng tôi uống cà phê khói bốc nghi ngút kèm những chiếc bánh còn nóng hổi thơm phức mùi bơ. Bên ngoài cửa sổ, dòng người đi mua sắm vẫn tấp nập. Một chú bé chừng hai tuổi, má tròn đỏ au như hai trái táo chín, được mẹ đẩy trên xe cứ nhất định đòi xuống đi bộ trên tuyết rồi khóc lè nhè. Mấy cô gái trẻ xem chừng là học sinh cấp ba tay xách nách mang những giỏ giấy lớn đựng đầy quả châu, dây kim tuyến và những ngôi sao vàng sao bạc.

Tôi không buồn không vui, nhìn thành phố một cách hờ hững. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ lên tàu về với Feldkirch, một thị xã nhỏ ngái ngủ ở miền Tây nước Áo gần biên giới Thụy Sĩ, bỏ những kỷ niệm buồn ở đây lại đằng sau. Sau những ngày dài dằng dặc chờ đợi, ở nhà Daniel, tôi sẽ có một giáng sinh trắng (white Christmas) đúng nghĩa với tuyết trắng xóa đồi núi cánh đồng, sẽ buộc những dải lụa đủ màu lên cây thông, ăn gà tây quay nhồi nấm hương và cá tươi mới bắt được ở hồ Constance nấu súp.

Chuyến tàu OBB trước đêm giáng sinh chật như nêm. Tôi lên tàu trễ phải đứng chen chúc ngay lối đi giữa các khoang cùng những sinh viên trẻ về nhà nghỉ đông và những người đi làm mặt đồ vét xách laptop lịch sự.

Đứng mỏi chân, tôi ngồi thu lu lên vali, thỉnh thoảng phải đứng dậy nép qua một bên cho người soát vé đi ngang, ông chẳng buồn kiểm tra vé chúng tôi mà đi thẳng qua các khoang xe lửa, có lẽ vì thấy mọi người không có chỗ ngồi tội nghiệp. Tôi ngồi gặm bánh mì mới mua được với giăm bông xắt mỏng cho nhiều ớt cay xè, vừa ăn vừa buồn thiu (mãi sau này tôi có mua loại bánh mì tương tự về mới được Daniel cho biết loại này còn sống, phải đem nướng trong lò trước khi ăn).

Trời xanh biếc. Những ngôi nhà gỗ xinh xắn như hộp diêm tuyết phủ dày, xôm xốp mịn màng trắng muốt trên mái trông như những ngôi nhà trang trí trên bánh Buche de Noel. Rặng núi Alps nổi tiếng thế giới chập chùng và những cánh đồng cũng ngập tràn tuyết phủ, trông đẹp như những tấm thiệp giáng sinh, đẹp hư hư thực thực. Cảnh đẹp làm “trái tim phiền muộn đã vui lại một giờ” tôi đứng dậy tì mặt vào khung kính cửa sổ tàu, nhìn làng mạc miền quê êm đềm như tranh vẽ vút qua.

Tuyết bắt đầu rơi trở lại, ban đầu còn lất phất, sau nặng hạt dần. Những bông tuyết li ti bay xiên như những giọt nước mắt bị gió thổi bạt đi. Chỉ còn vài tiếng nữa đến giáng sinh, khi tàu ghé vào một ga xép nhỏ dọc đường, cửa tàu mở ra và không gian tràn ngập bản “Silent night” bằng tiếng địa phương da diết. Bản nhạc này đến nay đã nổi tiếng thế giới, cứ mỗi độ Noel lại vang lên từ những khu phố Manhattan hào nhoáng trong lòng New York nhộn nhịp sôi nổi tới những nhà thờ trong một ngôi làng Việt Nam xa xôi hẻo lánh, nhưng mấy ai biết được nó ra đời mấy trăm năm trước từ nước Áo yên ả thanh bình đẹp như tranh vẽ mùa đông?

Khi Daniel đón tôi ở sân ga chở về nhà ba mẹ anh, trên con phố xa xôi dẫn lên đèo phủ đầy tuyết của đất nước mơ màng ấy, tôi lại nghe lại bài hát này lần nữa. Những câu hát giáng sinh tôi không hiểu hết lời từ radio trên xe bỗng ngân lên trong tôi như những giọt nước mắt hạnh phúc rơi trên tuyết rồi tan đi, tan đi...
Tôi muốn gửi những lời cảm ơn chân thành nhất của tôi đến Sylvia ở Innsbruck đã dẫn tôi đi lấy chứng nhận của cảnh sát; Đại sứ quán Anh và Hội đồng Anh tại Vienna, đặc biệt là cô Ruth-Sinclair Giám đốc Hội đồng Anh ở Áo ngay cả khi đang đi nghỉ cũng dành nhiều thời gian giúp đỡ tôi tận tình trong việc lấy lại giấy thông hành về lại Anh; cũng như chú Thomas và Daniel đã chở tôi đi suốt mấy ngày liền để làm lại giấy tờ.

Cũng xin nhắc nhở các bạn độc giả khi đi du lịch ở đâu cũng phải mua bảo hiểm du lịch, nhưng quan trọng nhất phải giữ hộ chiếu kỹ “như giữ con ngươi trong mắt mình”, phải mất hộ chiếu một lần ở nước ngoài mới biết được khổ sở đến chừng nào bạn ạ!

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2006

Đi uống cà phê

Những ngày học cấp hai, tôi thường rất khoái được mẹ chở đi chợ cách nhà bốn cây số để hí hửng cầm tờ tiền mới được cho, chạy một mạch tới quầy nước đối diện hàng vải, gọi một ly cà phê sữa mịn màng.

Rồi tôi thích thú dùng muỗng khuấy đá bào (thường chiếm tỉ lệ áp đảo trong ly) cho cà phê trộn sữa Ông Thọ sủi bọt lên, nhấm nháp thứ thức uống vừa đắng, vừa ngọt, vừa béo ngậy thơm lừng.

Ai thấy cũng bảo mẹ tôi “Sao nó còn nhỏ mà cho nó uống cà phê dữ vậy?”, nhưng mẹ tôi cười “Kệ, nó thích cứ để nó uống”

Có lẽ cũng vì những ngày “nó thích cứ để nó uống” đó mà bây giờ đi đâu tôi cũng lân la muốn biết cà phê xứ đó ra sao, có khi sợ mất ngủ không dám uống cà phê cũng vào quán gọi món khác, nhìn không khí quán và người qua lại.

Khi còn đi học ở Anh, nhà tôi ở có một anh bạn người Ailen tên Paddy. Anh chàng này khá luộm thuộm và hay làm hai đứa con gái trong nhà là Janette và tôi cằn nhằn, nhưng thỉnh thoảng anh lại chịu khó làm cà phê kiểu Ailen (Irish coffee) cho cả nhà uống nên chúng tôi ít khi giận anh được lâu, nhất là từ khi biết được Irish coffee là món cà phê rất mắc tiền mà chỉ những quán tương đối sang mới có.

Tờ Telegraph gọi đây là “thức uống mịn như nhung và dễ chịu, làm ta hồi phục cả sức khỏe lẫn tinh thần”. Làm Irish coffee rất công phu, phải dùng nước nóng rửa ly thủy tinh có chân, lau khô, rót rượu whiskey vào, phải là những loại whiskey “chân chính” của Ailen như Bushmills hay Tyrconnell, thêm một muỗng đường nâu, khuấy đều cho tan đường, lấy diêm châm lửa đốt rượu vài giây để giảm độ cồn trong rượu và cân bằng hương vị giữa cồn và caffeine, đúng là “nghề chơi cũng lắm công phu”.

Rót đầy cà phê thật nóng và đậm đặc cách miệng ly đúng 1cm, chờ một lúc để hỗn hợp rượu và cà phê hòa lẫn vào nhau mới cho kem tươi (whipped cream) trắng muốt lên trên, không khuấy nữa vì bí quyết uống Irish coffee là nhấm nháp cà phê nóng xuyên qua lớp kem lạnh.

Tuyệt vời nhất là chui vào chăn vừa đọc báo vừa uống món cà phê làm ta chếnh choáng này vào những ngày mưa lạnh và sương mù giăng kín khắp nơi. Bởi vậy lâu lâu tìm hoài không thấy cái dĩa yêu thích nhất trong bếp và biết ngay “thủ phạm” Paddy ăn xong chưa rửa, Jannette và tôi cũng vui vẻ đi kiếm dĩa khác, không càu nhàu chút nào.

Mê tìm hiểu về cà phê nên sang Pháp, tôi như cá gặp nước. Trong một cuốn sách tôi đọc, dù không phải dân tộc đầu tiên uống cà phê nhưng người Pháp đã có không ít cải tiến cho thứ nước uống đã được nâng lên tầm văn hóa này, như việc cho thêm đường vào cà phê vào đời vua Louis XIV.

Cuối thế kỷ 17, việc uống cà phê pha sữa trở nên phổ biến khi một bác sĩ người Pháp khuyên nên dùng café au lait (cà phê sữa) để cải thiện sức khỏe. Có đến Pháp mới thấy dân tình uống cà phê “dữ dội” đến mức nào.

Sáng sớm, trong những quán cà phê hè phố hay những tiệm ăn Paris, dân văn phòng ai nấy cũng nâng tách cà phê, có thể là café au lait to tướng như chén ăn cơm, gồm một nửa cà phê một nửa sữa tươi nóng bốc khói nghi ngút, mờ cả mắt kiếng, café serré đậm đặc vì chỉ có một nửa lượng nước so với cà phê đen thông thường, hay café crème màu nâu có kem thơm và béo, uống một hơi rồi tất tả đứng dậy xách cặp chạy ra bến tàu điện ngầm.

Nhưng phần lớn thời gian, người Pháp thích ngồi rề rà trong quán nhâm nhi cà phê với mấy viên sôcôla đen hay kẹo truffle mềm, thư giãn và tán dóc, y như ở Việt Nam. Những lần rề rà “nhập gia tùy tục” ở những quán cà phê Paris, tôi thích gọi un noisette, món cà phê giống espresso nhưng có pha ít kem hay sữa, đơn giản chỉ vì thích được nghe người phục vụ hỏi lại “Un noisette?” bằng thứ giọng mũi rất đáng yêu của người địa phương.

2g khuya một ngày Paris cuối tuần đẹp trời, sau một bữa ăn no nê, trong khi chúng tôi nhấm nháp tráng miệng, anh bạn người Pháp tên Ben gọi một tách cà phê. Thấy tôi tròn mắt nhìn, anh khoát tay: “Không có cà phê tôi… không ngủ được”.

Khi được hỏi sao lạ đời quá vậy, Ben cười “Ở đây ai cũng vậy hết mà!”. Quán đông, mãi nửa tiếng sau, anh chàng phục vụ mới mang cà phê lại, bị cằn nhằn, anh này chỉ nhún vai, cái nhún vai đặc trưng kiểu Gôloa, với hai vai kéo lên tận mang tai và hai bàn tay ngửa ra, ý nói “Tôi không biết. Không phải tại tôi”. (Nếu bạn muốn thấy cái nhún vai tương tự, hãy để ý Thiery Henry lúc bị trọng tài thổi phạt khi đá cho Arsenal).

Nhưng tách cà phê sóng sánh thơm phức kia chắc ngon lắm nên Ben không nhăn nhó nữa, vả lại những anh chàng và cô nàng phục vụ người Paris vẫn nổi tiếng thế giới vì sự đỏng đảnh.

Tôi trải qua ba tháng uống trà thay cà phê ở xứ sương mù trước khi đến Ý, “kỳ phùng địch thủ” của Pháp trong việc chiếm trái tim dân ghiền cà phê. Quả thật, ở quốc gia xinh đẹp này việc uống cà phê được xem như một môn nghệ thuật. Espresso bạn uống ở khách sạn năm sao nơi khác có thể được người pha chế lừng danh pha từ máy espresso loại xịn, nhưng tôi mạo muội nói không thể sánh bằng espresso đậm đặc, đắng và thơm trong tách nhỏ xíu uống tại một trong những torrefazione bên một cây cầu gỗ với những ngôi nhà kiểu Phục hưng, do một cô nàng người địa phương tóc đen, mắt cũng đen láy, pha rồi bưng ra kèm một câu chúc uống ngon miệng bằng tiếng Ý du dương. (Đặc biệt nữa, nếu không muốn bị dân địa phương cười thầm, bạn đừng gọi espresso thành expresso, có nghĩa là tàu tốc hành)

Nhưng tôi thấy cappuccino ngon và dễ uống hơn, có lẽ vì loại thức uống này có 1/3 espresso, 1/3 sữa tươi nóng để làm “mềm” bớt vị đắng của cà phê, và 1/3 bọt sữa mịn màng có rắc bột quế hay bột sôcôla xay li ti lên trên. Thức uống này đã chiếm lĩnh thực đơn từ những quán bar rất “hip” ở trung tâm Manhattan của New York ồn ào náo nhiệt đến những thị trấn xa xôi quê mùa ở Marốc, nơi người phục vụ cả đời chưa gặp khách du lịch nước ngoài. Tôi đo lường sự lịch lãm nổi tiếng thế giới của người Ý bằng khả năng uống cappuccino rất nhanh nhưng khi uống xong bọt không trắng cả mép như những “người trần mắt thịt” khác. Du khách đến đây, đặc biệt là người Mỹ, dù có sang trọng cách mấy cũng hay bị cho là “nhà quê” vì quen gọi cappuccino sau bữa trưa hoặc bữa tối, mà theo dân địa phương là không đúng điệu chút nào. Người Ý chỉ uống món này trong bữa sáng hoặc dành thời gian riêng trong ngày để thưởng thức cappuccino như một món riêng biệt, và đặc biệt rất chăm chút bọt sữa, không bao giờ hớt bỏ hay khuấy bọt hòa lẫn vào cà phê vì làm như vậy mất hết “tinh túy” của thức uống này mất rồi.

Nếu quá nhiều caffeine trong cơ thể làm bạn “tim đập chân run” không còn sức lang thang qua những con phố cổ nhỏ xíu đáng yêu ở Ý, hãy chuyển sang dùng caffè hag, tức cà phê không có caffeine, hoặc granita di caffè con panna, tức cà phê nóng pha ít đường, đổ vào khay đá tủ lạnh qua đêm cho đông lại, khi uống mới bỏ vào máy xay nhuyễn với ít nước rồi rồi đổ đầy vào ly, phía trên cho thật nhiều kem tươi ngon béo. Những ngày hè nóng nực, du khách và dân địa phương ngồi lười biếng trong cái nắng tháng bảy đổ lửa của mặt trời phương Nam, vừa uống món cà phê có cái tên dài ngoằng này vừa nhìn thế giới chậm chạp trôi qua.

Nhưng “đi uống cà phê” ở Amsterdam lại là chuyện khác. Trước khi sang Hà Lan, tôi vẫn biết Amsterdam là một trong những thành phố “quậy” nhất châu Âu nhưng không ngờ lại tự do đến mức này. Thủ đô nhỏ bé này có cả một hệ thống hơn 300 quán cà phê được cấp giấy phép cho khách mua và hút các loại thuốc phiện nhẹ, cần sa (marijuana, weed, grass, hash, cannabis). Việc hút những loại ma túy nhẹ đã được chính phủ hợp pháp hóa từ năm 1976, dĩ nhiên chỉ dành cho người trên 18 tuổi và với liều lượng dưới 5gr mỗi lần, đặc biệt những quán này không được bán bia rượu hay bất cứ thức uống có cồn nào khác. Lý lẽ đưa ra nghe chừng cũng khá hợp lý: nếu được phép hút những loại thuốc phiện nhẹ tại một nơi được quản lý đàng hoàng, sẽ không ai ra đường mua những loại ma túy gây nghiện nặng như heroin hay cocaine của những kẻ buôn bán bất hợp pháp, bằng chứng là tỉ lệ người nghiện ma túy ở Hà Lan luôn ít hơn gấp nhiều lần so với Mỹ và nhiều nước khác. Nhưng trộm nghĩ những điều luật tương tự chỉ có thể được áp dụng ở những nơi ý thức thật sự cao mà thôi, nếu không rất dễ biến thành con dao hai lưỡi.

Những ngày ngắn ngủi ở Amsterdam, vì hết phòng chúng tôi phải ở ngay khu phố dành cho khách du lịch gần ga xe lửa trung tâm thành phố, nơi tập trung rất nhiều quán cà phê kiểu này. Mỗi lần đi ngang qua quán đúng lúc có người mở cửa bước ra, mùi cà phê đâu không thấy, chỉ thấy mùi cần sa thoang thoảng trong gió. (Mỗi lần tôi kể tới đây, đám bạn tôi lại rụt đầu, le lưỡi: “Ghê quá, ngửi mùi vậy có ghiền không?”) Đối diện chỗ tôi ở là một quán cà phê tên Grasshopper cao đến mấy tầng, buổi tối đèn màu xanh châu chấu thắp sáng rực soi bóng xuống con kênh nước chảy loang loáng. Khi gặp cô bạn người Hà Lan lái xe tận Ultrech lên Amsterdam dẫn chúng tôi đi chơi, tôi đòi qua đó uống cà phê, cô cười: “Gan quá ha? Biết trong đó tụi nó làm gì không?” rồi đưa hai ngón tay trước miệng làm hiệu như đang “phê” thuốc. Khi được hỏi có hút không, cô bảo: “Hồi trẻ ở đây ai chẳng thử, phần lớn thấy chẳng có gì hay ho nên thôi. Thông thường cái gì cấm đoán người ta mới thích, với lại còn tùy ý thức mỗi người mà”, rất thản nhiên như được hỏi có thích chơi bóng bàn không vậy.

Bởi không có gì hay ho nên cô quyết định đưa chúng tôi đến một bruine kroeg (tiếng Hà Lan nghĩa là quán cà phê nâu, ban đầu tôi cứ tưởng đây mới là loại hình cà phê như đã đề cập ở trên, vì tên gọi dễ liên tưởng đến… nàng tiên nâu, nhưng không phải). Đó là một trưa hè nóng gần 38 độ C, dân tình khoái chí đổ hết ra đường phơi nắng tận hưởng cái nóng phương Bắc hiếm hoi. Những chiếc bàn kê bên ngoài, dọc theo bờ kênh của quán cà phê nâu chúng tôi đến đã chật ních, nhưng để thật sự hiểu được hết chữ “gezellig” mà người địa phương rất thích dùng, nghĩa đại loại là ấm áp, thân mật, vui vẻ…, bạn nên ngồi bên trong. Những bruine kroeg ở Amsterdam đã có tuổi đời vài trăm năm, với cách trang trí như trong những chiếc tàu thủy xưa, xà nhà nặng trĩu, ván lót sàn và bàn ghế gỗ sẫm màu, tên gọi của nó có lẽ bắt nguồn từ những bức tường ám khói thuốc lá nâu qua thời gian, dưới sàn có cả cát biển và trải thảm Ba Tư để lau cà phê hay bia bị tràn. Trong quán chúng tôi đến có cả một cây kèn khổng lồ kiểu xưa để trong góc. Cà phê Hà Lan không đặc sắc lắm nên chúng tôi, cũng như hầu hết những người vào bruine kroeg, mặc dù gọi là “đi uống cà phê” nhưng lại chọn bia, vốn là đặc sản ở đây.

Mãi đến khi tới Stockholm, tôi mới tự nghiệm ra một chân lý là quốc gia nào uống nhiều bia như Anh, Scotland, Đức, Bỉ, Hà Lan… sẽ không uống nhiều cà phê và ngược lại. Bởi vậy, không ngạc nhiên chút nào khi biết ở Thụy Điển, nơi bia bị đánh thuế rất nặng và đắt gấp bốn, năm lần những nước châu Âu khác, cà phê là một phần không thể tách rời cuộc sống. Ở Thụy Điển có một từ rất phổ biến, fika, nghĩa là đi uống cà phê, thoát khỏi những bận rộn thường ngày của cuộc sống, gặp gỡ bạn bè cũ, làm quen bạn mới, tán gẫu… Fika gần như một thứ tôn giáo ở đây, người ta có thể fika sáng, trưa, chiều, tối, trong những Kafekoppen ấm cúng. Sau một ngày quanh quẩn trong thành phố Bắc Âu này, qua khu phố cổ muôn màu Gamla Stan với những con đường đá cuội nhỏ bé chỉ dành cho khách bộ hành, chúng tôi nghỉ chân nơi Stortorget, quảng trường chính của thành phố có đặt nhiều ghế dài và những chậu hoa tươi thơm dìu dịu, có trong rất nhiều tấm ảnh của ban nhạc người Thụy Điển ABBA, nghe mùi hạt cà phê rang từ những quán cà phê dọc quảng trường ngào ngạt trong không gian.

Thụy Điển đắt đỏ nhất trong số những nước tôi từng đi, mỗi lần qua những nước EU khác đều có thể ăn uống thoải mái vì vật giá rẻ hơn ở Anh, nhưng qua Thụy Điển, ông bạn Alastair và tôi phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Song mùi cà phê mới pha thơm lừng như níu bước chân làm tôi tự thưởng cho cả hai một chầu trong Sundbergs Konditori, tiệm cà phê và bánh ngọt xưa nhất Stockholm, có từ năm 1785, nhỏ xíu và ấm áp với những ấm samovar bằng đồng đựng đầy cà phê mới pha sóng sánh nóng bỏng, đặt trên bàn thấp cạnh quầy để khách tự rót lấy. Bánh ngọt ở đây quả tuyệt vời. Tôi ăn một chiếc bánh không biết tên, mềm và dẻo như tan trong miệng, chính giữa có một lớp mứt mỏng vị thanh thanh dễ chịu, trên trải kem mềm và dày làm từ một thứ trái cây ngòn ngọt màu vàng mướt. Cà phê ở đây hơi giống caffè Americano, đựng trong những tách dày và nặng bốc khói nghi ngút, không đậm đặc nhưng đủ độ mịn và đắng để đi kèm với các loại bánh ngọt thơm phức cô phục vụ đang bê ra trên những khay gỗ từ lò nướng bên trong.

Bán đảo Scandinavia vào thu sớm hơn những nơi khác, lá vàng xào xạc rụng đầy những công viên và trời đã lạnh hơn nhiều. Mặc dù vậy, những quán cà phê Stockholm vẫn kê bàn ghế ra vỉa hè cho dân tình ngồi “fika”, và vì trời lạnh nên quán nào cũng để sẵn… mền cho khách quấn nếu chọn ngồi ngoài. Những chiếc mền cũng là một phần trang trí của quán, được mua thành bộ có màu sắc hợp với bàn ghế và màu sơn tường, đặt cạnh ghế ngồi. Thật buồn cười khi thấy mọi người uống cà phê kiểu alfresco, nhưng không đeo kiếng đen trong cái nắng chói chang mà vừa ngồi quấn mình thu lu trong mền vừa nhấm nháp cà phê nóng hổi, thỉnh thoảng lại xuýt xoa co ro vì cơn gió buốt giá từ mặt hồ Malaren thổi tới.

Chỉ cách Thụy Điển vài tiếng đồng hồ bay nhưng Hy Lạp là một thế giới khác hẳn, với nắng vàng biển xanh và cái nóng Địa Trung Hải làm người ta uể oải, chỉ muốn… đi uống cà phê. (Quả vậy, dù trời nóng hay lạnh dân châu Âu cũng kiếm cớ uống thứ thức uống dễ ghiền này). Để phù hợp với khí hậu ở đây, đã có frappe, món cà phê đá đặc trưng Hy Lạp không kém bánh pita kẹp thịt nướng hay yaourt ăn với mật ong. Trên khắp đất nước khi xưa đầy ắp những chuyện thần thoại này, ngày nay đâu đâu cũng thấy những quán cà phê (kafeneio) đầy khách uống frappe: Từ thủ đô Athens đông đúc ồn ào không kém Sài Gòn, nơi khi đi bộ trên vỉa hè chật hẹp bạn phải vừa trông chừng luồng xe cộ đi loạn xạ trên lòng đường sát bên và xe hơi đậu không theo trật tự, vừa tránh những bộ bàn ghế kê bên ngoài quán; đến những hòn đảo vắng vẻ với những tòa nhà sơn trắng mát mắt và gió biển mang theo vị muối mằn mặn. Cách làm frappe khá đơn giản, chỉ cần Nescafe, nước lọc, đá, đường, cho vào đồ trộn cocktail xốc mạnh trong vòng nửa phút, rót vào ly để đá kèm uống hút là bạn đã có thứ thức uống dễ chịu đầy bọt li ti thơm và mát lạnh làm dịu đi cái nóng mùa hè Địa Trung Hải. Nói về khoản ngồi dầm dề ở quán cà phê, người Pháp hay người Việt ắt hẳn thua xa người ở đây. Bất cứ lúc nào trong ngày, bạn cũng có thể thấy người địa phương ngồi quán, từ những quán cà phê lớn sang trọng thắp đèn thủy tinh vàng lóng lánh đến những quán tạm bợ với vài bộ bàn ghế lỏng chỏng, nhiều nhất vẫn là những ông già vừa uống nước vừa đánh cờ. Sách du lịch Fodor nói: Ngôi nhà là nơi trú ngụ của trái tim, nhưng với phần lớn người Hy Lạp, quán cà phê mới là nơi trú ngụ của trái tim, nhà chỉ là nơi… về ngủ.

Phần lớn thời gian hai tuần ở Hy Lạp, tôi ở với gia đình bạn tôi trên đảo Evia, hòn đảo vắng vẻ không có khách du lịch cách Athens hai giờ vừa đi phà vừa lái xe. Ngày cuối cùng trước khi về, chúng tôi sang chào gia đình hàng xóm và được thưởng thức món cà phê Hy Lạp (Greek coffee) tuyệt vời. Trong bất cứ một ngôi làng nào trên đất nước hiếu khách đầy nắng và gió biển, đây cũng là thức uống “làm đầu câu chuyện” mang ra mời bạn đến nhà. Nhưng nếu cà phê phin Việt Nam làm bạn “xây xẩm” thì nên dè dặt khi thử thứ cà phê đậm đặc gấp nhiều lần này, được nấu sôi trong ấm bằng đồng có tay cầm dài và miệng rộng, gọi là ấm ibrik. Bà chủ nhà đứng tuổi rắc vào bột cà phê xay nhuyễn mịn một ít hạt gia vị có mùi hơi giống hoa hồi, rồi cho nước vào nấu sôi trong ấm ibrik đến ba dạo trước khi rót vào tách. Những chiếc bánh quy giòn bà mới nướng làm cân bằng vị đắng và tăng lên vị thơm có hậu ngọt của Greek coffee làm chúng tôi nhấm nháp hoài không chán, khi bên ngoài mặt trời đỏ rực bắt đầu lặn xuống biển và gió đại dương thổi lao xao những cây ôliu xanh rờn ngoài sân.

Và đến buổi trưa nọ tình cờ theo chị đi bộ trên con đường giày dép gần chợ Bến Thành, quầy cà phê bên hông chợ với những chiếc ghế nhựa thấp lè tè có lẽ sẽ khuất trong những tấp nập đường phố không để lại chút ấn tượng gì nếu người bán không dùng muỗng khuấy đá, cà phê và sữa đặc trong ly lên với một âm thanh rồn rột vui tai. Và nhất là cái mùi quen thuộc ấy, mùi cà phê phin nhỏ từng giọt mới pha, nóng và thơm, sực nức không gian bụi bặm ồn ào làm tôi đứng nhìn sững, vừa nhìn vừa nuốt nước miếng. Mùi thơm quyến rũ ấy làm tôi nhớ những ngày học cấp hai theo mẹ đi chợ uống cà phê sữa đá, hay khi lang thang ở châu Âu, bên ngoài tuyết rơi lạnh cóng nhưng vừa bước vào quán hai má đã nóng rực lên… Những ngày đi uống cà phê ấy, “ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang…”

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2006

Những câu chuyện kể của Uyên


Có một cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, kính trắng trông vừa thông minh vừa nghịch ngợm trên khuôn mặt có đôi chút trẻ thơ. Cô gái trông chỉ ngoài tuổi đôi mươi ấy có cái duyên may mà bao người ao ước: được rong ruổi đó đây ở nhiều xứ sở xa xôi.

Trên những chặng đường đi qua, cô khám phá không chỉ vẻ đẹp mê đắm của thiên nhiên, sự quyến rũ của những công trình kiến trúc cổ xưa, mà còn khám phá cả những món ăn thức uống ngon lành và hấp dẫn.

Nhưng cô không thụ hưởng riêng mình mà kể lại cho nhiều người những ngọt ngào đã nếm, những xúc cảm đã trải bằng những bài viết cùng hình ảnh. Độ đôi ba năm trở lại đây, tên cô xuất hiện khá đều trên nhiều báo và tạp chí . Một cái tên cũng khiến người ta dễ nhớ khi từng biết đến.

Khi đọc một vài bài đầu tiên của Ngô Thị Giáng Uyên (*) gửi về từ châu Âu hơn hai năm trước, lúc cô đang du học bên Anh, thật tình tôi không nghĩ đó là của một người trẻ như vậy. Uyên viết gần như hoàn chỉnh, những hình ảnh và màu sắc được cô diễn đạt giống như một đoạn phim tư liệu quay khéo, với cái tôi - cảm xúc thật rung động.

Trong số những câu chuyện kể của Uyên mà tôi rất thích có Ăn Ý. Một cái tựa báo thật khéo, ngắn gọn mà súc tích, hàm chứa cả sự khoái khẩu của người viết với các món ăn đặc trưng của xứ Ý.

Không riêng những bài chỉ viết về ẩm thực, trong nhiều bài viết của Giáng Uyên cô thường kể chuyện ăn uống ở xứ người. Dường như khi nói đến các món ăn thì tác giả trở nên thật hào hứng. Mà đâu chỉ trong các bài du ký châu Âu. Trong tạp bút Quê quán tôi xưa gửi về từ Anh (đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật), những hồi nhớ của Uyên về chén cơm nguội với cá cơm kho tiêu thật cay, rồi món bánh căn và tô bánh canh cá dầm sao mà ý nhị, sao mà da diết!

Ngô Thị Giáng Uyên là hình ảnh khá tiêu biểu của một lớp trẻ có học vấn, có tri thức, biết nắm lấy những cơ hội. Cô cựu sinh viên Đại học Ngoại thương ấy từng làm việc cho một công ty lớn của nước ngoài, và là người miền Nam duy nhất nhận được học bổng Chevening năm học 2004 -2005 để sang Anh học MBA tại Đại học Southampton.

Thời gian sống và học tập ở Anh cũng là lúc Giáng Uyên có những chuyến đi đến nhiều đất nước ở châu Âu. Có lẽ đó cũng là thời gian cô viết được nhiều nhất. Tập sách này chỉ mới là một phần trong những câu chuyện kể thật sống động của Uyên.

NGUYỄN TRỌNG CHỨC
(Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2006

Vương vấn mùi oải hương


Ngô Thị Giáng Uyên - cái tên khá quen thuộc, thường xuất hiện trên các trang du lịch của báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Phụ Nữ TP.HCM, Sài Gòn Giải Phóng, Nhà Đẹp, Doanh Nhân Sài Gòn... Học ngoại thương, du học và nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Anh, rồi làm việc ở tập đoàn đa quốc gia..., vậy mà chuyện viết lách lại là niềm đam mê lớn lao, như một “duyên nợ” đeo đẳng đối với cô gái trẻ này.

Tập sách Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (*) là một kết nối sinh động với rất nhiều câu chuyện kể thật thú vị, hấp dẫn về từng quốc gia ở châu Âu mà Uyên đã đi qua. Câu chữ mượt mà, bay bổng, giàu màu sắc biểu cảm như một lời mời gọi, cuốn hút người đọc tiếp tục chặng đường khám phá đầy bất ngờ và tinh tế qua từng trang viết... Đọc - để biết hoa oải hương tím ngát là loài hoa đặc trưng của châu Âu. Đọc - để hiểu hơn thói quen cũng như cách thức uống cà phê của dân Ý khác Pháp, khác Hà Lan và Thụy Điển ra sao. Đọc - để biết mỗi lần sang Thụy Sĩ khi hôn xã giao phải chìa má ra cho người khác hôn đủ ba “miếng” mới phải phép. Đọc - để thu thập thêm kinh nghiệm chọn trường, học hành... nơi xứ người ra sao...

Và rồi khi gấp lại trang cuối cùng, người đọc vẫn cứ ngỡ chuyến du lịch châu Âu chưa có điểm dừng. Tưởng chừng như hãy còn vương vấn đâu đây mùi hoa oải hương thoang thoảng, ngan ngát.

PHƯƠNG KHANH

(*) Sách do Tủ sách Tuổi Trẻ & NXB Trẻ liên kết ấn hành tháng 11-2006. Phát hành trên mạng bán sách trực tuyến saharavn.com.

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2006

Ngô Thị Giáng Uyên: Không thích được gọi là thế hệ 8X hay @

Số quốc gia mà Uyên đã đi qua bằng với số tuổi của cô; số hội nghị quốc tế mà Uyên đã tham dự bằng nửa số tuổi của cô...

Đoạt giải quốc gia môn tiếng Anh, được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại Thương TP.HCM, ra trường đầu quân cho Unilever, với một năm kinh nghiệm nhưng lại lấy được học bổng danh giá Chevening của Vương quốc Anh (được chọn học ở bất kỳ một trường ĐH nào miễn trường đó nhận), sau khi hoàn thành khóa học, Uyên trở về nước làm việc ở GSK VN.

Giáng Uyên trong thời gian du học ở Anh
25 tuổi, Uyên hiện là Giám đốc nhãn hiệu trẻ nhất của tập đoàn đa quốc gia này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trẻ trung và tài năng, dĩ nhiên, xinh đẹp và mạnh mẽ, đi nhiều, biết nhiều nhưng ở Uyên vẫn còn nét gì đó rất hồn nhiên. Ngay cả trong những trang viết của Uyên vẫn thể hiện rất rõ hai mảnh đối lập này - điều gì đó rất trẻ thơ và cái trăn trở nghĩ suy của người lớn.

Thành công nhờ 60% thông minh và 40% nỗ lực

* Sự thành công của chị ngày hôm nay có bao nhiêu phần trăm của thông minh và bao nhiêu phần trăm của nỗ lực cá nhân?

- 60% thông minh và 40% nỗ lực cá nhân. Tôi may mắn được là người khá thông minh, làm gì cũng xuôi chèo mát mái. Duy chỉ có một chuyện không suôn sẻ là hồi thi vào chuyên Anh trường THPT Lê Quý Đôn, Khánh Hòa, tôi rớt và chuyển sang học ở Lý Tự Trọng. Cũng vì lý do này mà tôi nỗ lực học Anh văn và kết quả tôi là người duy nhất đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển học sinh giỏi của tỉnh không phải là học sinh trường Lê Quý Đôn.

Thành công không phải tự đến mà do nỗ lực của từng cá nhân, nhiều khi xuất phát từ nguyên nhân muốn chứng tỏ mình. Thi thì có khi đậu, khi rớt nhưng từ trước đến giờ tôi đều thành công trong các cuộc phỏng vấn làm việc.

Người ta nói tôi có khiếu giao tiếp. Nhưng khéo quá cũng không tốt, mà khiêm tốn quá cũng không nên. Quan trọng là phải tìm ra được điểm nhấn, thế mạnh của mình để phát huy và biết mình muốn gì. Có người rất giỏi nhưng không biết phát huy thế mạnh, tất cả trải đều, rất khó nhận ra.

* Vậy thế mạnh của chị là gì?

- Tôi là người giỏi tiếng Anh. Đó là thế mạnh rất quan trọng trong công việc kinh doanh. Tôi là người lanh lợi, nhận biết được cơ hội trước mắt và tập trung nắm bắt cơ hội đó. Như trong thời gian xin học bổng Chevening năm 2004 do Hội đồng Anh tại VN tổ chức, tôi chỉ nộp hồ sơ đến một nơi và tập trung làm tốt để có được học bổng này. Và tôi tự hào đã đạt được mục đích.

Năm đó, tôi là người duy nhất ở miền Nam nhận được học bổng Chevening. Khả năng hài hước cũng là thế mạnh của tôi đấy. Tôi nhớ, lúc trả lời phỏng vấn của hai ông giám đốc marketing ở Unilever trong vòng cuối, họ hỏi tôi nếu tuyển vào không làm marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Tôi trả lời có.

Hai ông ngạc nhiên bởi hầu hết những người trước đó, khi trả lời câu hỏi này họ đều nói không vì đang ngồi trước hai sếp marketing. "Tại sao phỏng vấn marketing mà làm sales?", một ông hỏi. Tôi nói: "Tại vì tôi biết nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing cũng sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng sẽ quá muộn vì sales không đồng ý cho đi".

Còn lúc phỏng vấn học bổng Chevening, khi biết tôi làm marketing ở Unilever, họ đã hỏi: "Tại sao các công ty nước ngoài thường lấy người nước ngoài làm quảng cáo ở VN? Chúng tôi không thích mấy cái quảng cáo đó". Tôi trả lời: "Tôi thích những quảng cáo ấy. Vì nhà sản xuất đang nhắm tới đối tượng khách hàng là 2 triệu người VN trẻ tuổi, thích văn hóa mới và hiện đại chứ không phải là 10 ông khó tính ở Hội đồng Anh hay ở Đại sứ quán".

* Chị khuyên những bạn xin học bổng rằng: "Xác định rõ mình muốn gì ngay từ đầu, trước khi điền vào hồ sơ. Và khi trả lời phỏng vấn, hãy tự tin mình sẽ đạt được điều đó". Điều này chỉ phù hợp với những người có năng lực thật sự, chứ những người năng lực trung bình thì có tự tin gấp 10 lần chị cũng không thể đạt được. Vì sao chị lại có được sự tự tin cao đến như thế?

- Tự tin là cái hiếm gặp ở người Việt, vì nhiều khi cách giáo dục làm cho người ta trở nên nhát hơn, không dám nói ra những điều mình suy nghĩ. Như thời đi học, chúng tôi có bao giờ dám nói thầy cô sai dù biết rõ cái sai đó.

Tuy nhiên, tất cả sự tự tin đều phải dựa vào cơ sở thực lực của mình. Nếu nói tự tin là cho mình không đủ, tự tin còn cho người khác. Chẳng hạn, tôi tự tin sẽ đạt điểm cao trong một kỳ thi, vì điều đó sẽ cho mẹ tôi niềm vui.

Ra đi không có nghĩa là "rũ áo"

* Từ những nguyên nhân nào khiến chị cho ra đời cuốn sách, tập hợp những ký sự ghi lại những chuyến đi khắp châu Âu của mình?

- Đó như là một kỷ niệm của thời đi học, như là cảm xúc của một người trẻ khi quan sát những quốc gia, những nơi mình đặt chân đến. Tôi là người có đời sống tinh thần khá phong phú, tôi thấy được cái đẹp mà những người làm kinh doanh khác thấy bình thường. Như bữa trưa ngủ dậy, quang cảnh sau cơn mưa trở nên khác lạ, tôi có thể ngồi viết về những điều đó.

Nhờ tính hài hước mà tôi không bị khó khăn làm cho căng thẳng, biết tìm niềm vui ngay trong những gì gian khổ nhất. Trước đây, tôi lấy tựa cho sách là Những mùa xứ lạ, sau đó đổi thành Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương. Oải hương là loài hoa rất châu Âu, có mùi thơm lưu luyến, một cái gì đó như còn vương vấn mãi.

Câu chuyện xuất phát từ Zurich, thành phố cuối cùng trong chuyến vòng quanh châu Âu của tôi. Hôm đó ra khu phố cổ, thấy người ta bán hoa oải hương tươi được cắm trong những chiếc xô nhôm. Tôi kê mũi vào ngửi nhưng chẳng thấy mùi hương, bác bán hoa bảo tôi chà cánh hoa lên ngón tay, mùi hương sẽ xuất hiện.

Khi lên tàu, đi một khoảng cách rất xa Zurich, tôi thấy cảnh vật xung quanh quen quen, rồi như một phản xạ, tôi đưa ngón tay lên ngửi, thì mùi hương của loài hoa ấy vẫn còn.

* Chị viết văn rất dạt dào tình cảm, còn ngoài cuộc sống, chị có thể hiện rõ cảm xúc của mình?

- Tôi rất thích câu danh ngôn của Italia, nhưng được người Anh sử dụng phổ biến, "La dolce vita", hàm ý mình làm điều gì đó mà mình cảm thấy vui và hạnh phúc. Còn ngược lại, có người điều hành tập đoàn lớn nhưng trong lòng lúc nào cũng không thấy vui, đó không phải là "La dolce vita".

Có những điều bình thường khiến tôi cảm thấy hạnh phúc như viết một bức thư tay rồi gửi cho bạn bè qua đường bưu điện... Tôi là người lãng mạn vì đã trải qua một thời gian dài học văn nhưng "tố chất" kinh doanh vẫn nổi trội hơn. Tất cả những vui buồn, giận dữ... tôi đều biểu lộ ra bên ngoài nhưng sự lo lắng thì không. Lo lắng chỉ có mình tôi biết hoặc một số người thân thuộc nhất.

* Trước khi du học, chị nói lúc trở về sẽ thành lập công ty riêng. Thế nhưng, vì lý do gì kế hoạch này bị đổ vỡ?

- Lúc còn học ở Anh, tôi đã có công việc ổn định nhưng vẫn quyết định về nước mở công ty. Ban đầu tôi rất "hăng", tuy nhiên, về mới thấy thời điểm chưa chín muồi. Sắp tới, tôi sẽ thôi việc và nghỉ ngơi một thời gian, như là cách dừng lại để nhìn lại mình.

Ở Anh có những shop từ thiện bán những món hàng do người khác mang tới tặng, lấy tiền giúp đỡ người khó khăn. Tôi muốn làm một cái gì đó giống như thế ở VN nhưng chưa có vốn. Và tôi đã quyết định quay trở lại Anh làm việc, gom góp vốn để thực hiện kế hoạch đó của mình.

* Nhiều người trở về, chị lại ra đi. Nếu chị yêu đất nước này thì không khó để bỏ qua những chuyện khó chịu thường gặp trong đời sống?

- Ra đi không có nghĩa là "rũ áo" mà đi. Trong chừng mực nào đó, làm việc ở nước ngoài tôi vẫn có thể đóng góp cho đất nước, nhất là làm việc trong lĩnh vực kinh tế. Như đã nói, đi Anh cũng là cách để tôi thể hiện kế hoạch mở chuỗi cửa hàng từ thiện. Đi nước ngoài không phải là từ bỏ đất nước. Đóng góp cho đất nước không nhất thiết là phải ở đất nước đó.

* Chị đã viết nhiều bài báo "quảng bá" các nước châu Âu, còn VN, tại sao chị không viết để bạn bè thế giới biết?

- Đó là câu hỏi đã từng đặt ra cho chính mình. Tôi dự định sẽ có 3 tháng đi du lịch khắp VN và sẽ viết báo bằng tiếng Anh. Bài đầu tiên tôi sẽ viết là bài giới thiệu về tính cộng đồng ở Sài Gòn, như quán ăn Hương Lài - nơi các đầu bếp là trẻ em lang thang đường phố, quán Hoa Anh Đào của các em bị bệnh down hay địa điểm massage của Hội người mù TP.HCM...

* Chị thấy mình và các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X của VN có gì khác nhau?

- Tôi khác đa số các bạn trẻ VN ngày nay ở chỗ không tự hài lòng với bản thân mình. Nhiều bạn trẻ ngày nay có chồng, có vợ, có công việc là bằng lòng. Có thể họ có khả năng nhiều hơn, đạt được mục đích xa hơn nhưng họ lại không muốn làm hoặc không muốn nghĩ đến.

Tôi không thích được gọi là thế hệ 8X hay thế hệ @. Nó có gì đó gây ảo tưởng cho những người được gọi như vậy, dễ khiến họ nghĩ mình có ưu thế hơn, có thế mạnh hơn nhưng thực ra là chưa chắc. Tôi rất nể những người đi trước, họ không có điều kiện làm những gì mà bây giờ thế hệ chúng tôi làm được.
__________
- Phim yêu thích nhất: Forrest Gump.
- Truyện yêu thích nhất: Những người khốn khổ.
- Bài hát yêu thích nhất: Nhạc của Trịnh Công Sơn (bài hát yêu thích thay đổi ở từng thời điểm).
- Món ăn yêu thích nhất: Tất cả những món mẹ nấu.
- Điểm du lịch yêu thích nhất: Miền quê nước Áo mùa Đông.
- Ghét nhất: Phim Hàn Quốc và xe buýt Sài Gòn.
[Theo Thể thao và văn hóa]

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2006

Barcelona, Barcelona...

TTCT - Năm qua, trong một chương trình truyền hình, dân châu Âu xếp Barcelona đứng đầu 10 thành phố đẹp và dễ sống nhất thế giới, trên cả Paris lãng mạn, London kiêu hãnh, Amsterdam thoải mái, New York của dân tứ xứ, Venice đẹp như tranh...

Barcelona với bờ biển trải dài và nắng ấm gần như quanh năm quả là một thiên đường ở châu Âu lạnh lẽo. Nhưng thủ phủ xứ Catalan chỉ bắt đầu nổi lên như một “hiện tượng” từ năm 1987, khi được Ủy ban Olympic quốc tế chọn là thành phố chủ nhà của Thế vận hội 1992. Từ đó Barcelona đã vượt qua cái bóng của thủ đô Madrid và 40 năm đế chế Franco để trở thành một trong những thành phố năng động nhất châu Âu.

Du khách đến Barcelona ngày đầu tiên thường tìm ngay đến Sagrada Familia, kiến trúc bằng đá kiểu Gothic ngay ở trung tâm thành phố, tác phẩm bất hủ của kiến trúc sư tài danh Antonio Gaudi, hơn một thế kỷ nay vẫn chưa xây xong (*). Dù dở dang, Sagrada Familia trông vẫn tuyệt đẹp, với những ngọn tháp nhọn vươn lên cao vút trên nền trời xanh nhiệt đới, đứng cạnh bên có thể chiêm ngưỡng được những đường nét chạm khắc cực kỳ tinh xảo.

Sagrada Familia mãi mãi dở dang
Từ công trình thế kỷ ấy, tôi đến La Rambla, phố đi bộ dài rộng thênh thang với hàng dãy các cửa hàng bán khăn, áo, mũ nón và đồ lưu niệm làm bằng tay trông rất tinh xảo của dân địa phương và nhiều nơi khác trên thế giới, bên cạnh những gánh hoa tươi muôn màu.

Tuy sinh hoạt đắt đỏ nhất Tây Ban Nha, vật giá ở Barcelona vẫn rất rẻ so với những nước láng giềng Anh, Pháp, Đức, Ý... nên dân châu Âu qua đây mua sắm nườm nượp, nhất là vào dịp cuối tuần. La Rambla rất xanh với những hàng cây rợp bóng, và dù khách bộ hành luôn qua lại nhưng vẫn sạch sẽ tinh tươm.

Thỉnh thoảng bên đường lại bắt gặp tiếng nhạc rộn rã phát ra từ những cây đàn guitar của những nghệ sĩ lang thang (Tây Ban Nha vốn là cái nôi của đàn guitar). Trên khu La Rambla, chợ Boqueria là một bữa tiệc cho tất cả các giác quan: mắt thấy trái cây tươi rói, hải sản, thức ăn làm sẵn... màu sắc thật hấp dẫn; mũi ngửi mùi thơm nhè nhẹ của trái cây quyện mùi paella (món cơm truyền thống Tây Ban Nha trộn tôm, mực, sò, thịt gà...) thơm phức; tay sờ những trái dâu chín mọng, đào và mơ mịn màng còn nguyên những giọt sương buổi sớm; tai nghe tiếng rao hàng lẫn tiếng người cười nói lao xao; và miệng nếm thử những món mứt kẹo ngọt ngào mà người bán hào phóng đưa cho.

Barri Gotic với chiếc cầu treo bắc ngang hai tòa nhà cổ
Nhưng thích nhất vẫn là những con đường nhỏ dọc theo La Rambla với nhiều shop đồ lưu niệm mà những cô bán hàng đáng yêu luôn tươi cười vui vẻ. Đường nhỏ vắng người nên yên tĩnh, có thể hít thở không gian buổi chiều ấm áp và hương hoa thơm ngát từ những gánh hàng hoa tràn cả ra ngoài.

Không có nhiều thời gian ở Barri Gotic, khu phố cổ từ thế kỷ 14 còn nguyên những dấu vết xưa, nhưng tôi sẽ không quên những dây leo quấn xanh rờn trên tường đá lối vào khu phố và những tia nắng cuối ngày dát vàng thành cổ. Nhớ cả chiếc cầu treo bắc ngang hai tòa nhà với mái vòm và lan can uốn lượn như chờ cô công chúa Tây Ban Nha đến ném quả cầu chọn chồng trong truyện cổ tích ngày nào. Nhớ cả tiếng sáo huyền hoặc ngân vang trong tĩnh lặng, chỉ có tiếng bước chân du khách nhón gót và trò chuyện thật khẽ khàng.

Những nơi còn lại ở Barcelona không yên tĩnh. Trong những quán bia, quán rượu khắp nơi, dân địa phương, du khách cũng như người nước ngoài đang làm việc tại đây đua nhau nốc sangria (rượu đặc trưng Tây Ban Nha có độ cồn rất cao, ngâm trái cây tươi như dâu, cam, đào, mơ...) như nước lã. Khu Barceloneta mà Francesco, anh bạn người Tây Ban Nha gốc Việt, dẫn chúng tôi tới ở gần bãi biển, trước đây là làng chài, sau nữa là khu phố của ngư dân và ngày nay tràn ngập những nhà hàng hải sản kiểu alfresco với khách ăn uống nhộn nhịp trên những bộ bàn ghế kiểu Địa Trung Hải kê dọc vỉa hè.

Trong một quán bên đường, chúng tôi ăn no nê những đặc sản địa phương như mực nhỏ bằng ba ngón tay nướng vỉ nguyên con, rắc rau mùi xắt nhuyễn và vắt chanh tươi, hay tôm bỏ lò với nấm mọng nước vỡ ra trong miệng khi cắn. Fran chỉ cho tôi một món ăn gồm thứ rau xanh rờn là lạ trên đĩa ông khách ngồi bàn bên cạnh, cười bảo: “Ớt xào đấy, có dám thử không?”.

Ông khách vui vẻ đưa nguyên đĩa cho chúng tôi sớt ra gần phân nửa, nói: “Ăn thử đi cho biết”. Sự thân thiện và hiếu khách đó phải chăng cũng là một yếu tố để Barcelona đứng đầu bảng những thành phố được ưa thích trên thế giới qua cuộc thăm dò nói trên? Cũng phải thôi, bởi những nhân vật lỗi lạc Salvador Dali, Joan Miro hay Paolo Picasso đã gắn bó với Barcelona đến thế, ắt hẳn thành phố này phải có thật nhiều điều níu chân bất cứ ai.

Kiến trúc độc đáo trong công viên Parc Guell
Cho tới bây giờ, mỗi lần nhìn lại cây nến màu xanh nước biển đắp vỏ sò ốc thiên nhiên và hộp đựng bút bằng đá có khắc chữ Barcelona mua ở khu Barri Gotic, tôi lại nhớ đến buổi sáng thức dậy sớm, leo hàng ngàn bậc thang dẫn lên công viên Parc Guell ở Gracia, thấy sương sớm giăng mờ khắp những mái nhà ngái ngủ và những ngọn tháp của nhà thờ Sagrada Familia kiêu hãnh vươn cao.

Nhớ những trạm xe điện ngầm độc đáo với những tác phẩm Nghệ thuật mới (Art Nouveau) và những bức tranh lớn thật sống động bằng đá mosaic khảm trên tường. Nhớ những chiếc ghế dài bằng gốm nhiều màu nơi chúng tôi nghỉ chân ăn bánh mì trong tiếng chim hót ríu rít. Nhớ Nhà thờ lớn với những cây ngọc lan hoa trắng ngát thơm.

Nhớ buổi tối nằm dài trên cát trắng trong gió biển lồng lộng và tiếng đại dương rì rầm cạnh bên, nghe mấy anh chàng địa phương ngồi gần đua nhau hát ầm ĩ những bài hát tiếng Tây Ban Nha thật hội hè... Và tôi lại hát nho nhỏ bài hát ở Olympic năm nào “Barcelona, Barcelona...”.

(*) Dân Tây Ban Nha vẫn nổi tiếng “làm biếng”, điển hình ngày làm việc thường bắt đầu từ 10g - 13g, rồi 15g - 16g mới bắt đầu làm việc lại!

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2006

Nào cùng đi “gap year” tình nguyện

TT - Trên thế giới rất thịnh hành chương trình “gap year”: các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp những chương trình tương đương trung học ở VN thường không vào đại học ngay mà dành một năm liền đi du lịch balô, đi làm thêm kiếm tiền để trau dồi thêm hiểu biết về xã hội và thế giới.


Năm 2005, ở Anh có hơn 50.000 bạn trẻ vào độ tuổi 18, 19 đi “gap year”. Pauline đến từ London, dành một phần “gap year” của mình dạy tiếng Anh ở Costa Rica trước khi về nước theo học chương trình dược tại Đại học Bath.

Cô chuẩn bị cho chuyến đi từ trước đó một năm, làm việc toàn thời gian trong nước trong vòng sáu tháng dành dụm tiền theo học một lớp đào tạo dạy tiếng Anh và mua vé máy bay sang Nam Mỹ. Số tiền đó cũng đủ cho cô học thêm lớp căn bản tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính ở Costa Rica, để dễ dàng hòa hợp với người địa phương hơn.

Lucy, 19 tuổi, từ Windsor, đi Honduras làm việc cho một tờ báo tiếng Anh tại đây. “Chỉ sau tháng đầu tiên, biên tập tờ báo rời tòa soạn, còn mỗi mình tôi với một bạn phóng viên trẻ người địa phương cũng chỉ mới 18 tuổi phải cáng đáng tất cả dù không có chút kinh nghiệm nào. Công việc rất đa dạng: từ viết bài về các khách sạn cho đến phỏng vấn những băng nhóm gangster. Tôi học được mọi thứ: viết bài, gặp gỡ nhiều người thú vị, nhìn thấy sự vật từ một góc nhìn khác...

Cách nhìn thế giới của tôi cũng thay đổi rất nhiều. Tôi tự đặt cho mình kế hoạch làm việc rất đàng hoàng. Tôi cũng được tiếp xúc với rất nhiều người dân địa phương. Về định hướng nghề nghiệp, tôi hi vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích tôi nhiều trong tương lai khi tôi chọn nghề làm báo. Chương trình ở đây không chỉ là một năm du lịch “gap year” bình thường mà đã thay đổi đời tôi. Nghe có vẻ hơi sáo nhưng thật đấy!”.

Theo tờ The Observer, mục đích lớn nhất của chính sách này vẫn là giúp làm thấm nhuần ý nghĩ làm tình nguyện cho cộng đồng không chỉ trong “gap year” mà cho cả cuộc đời.

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2006

Bánh xèo mời gọi

TTO - Vừa nóng vừa nguội, vừa giòn vừa dai, vừa sống vừa chín, vừa ngọt vừa cay, thơm phưng phức với hành xanh, rau thơm tươi rói và nghệ.

Tất cả nằm trong một món ăn ngon tuyệt, một bản giao hưởng của mùi vị trong mỗi miếng bánh giòn tan.

Bánh xèo là một trong những món ăn tôi yêu nhất trong ẩm thực thế giới. Chiếc bánh giòn ở rìa như viền ren này nhồi căng những tôm, thịt heo, nấm, đậu xanh hấp dẻo mịn như kem và giá giòn. Xé một miếng bánh nóng hổi màu vàng cam vừa vớt ra từ chảo, cuốn trong lá rau cải lớn cùng với vài nhánh rau thơm tươi, rồi chấm đẫm tất cả vào nước mắm pha chanh, tỏi, ớt. Giòn rụm, ngon quá chừng.

Bạn chảy nước miếng chưa? Bánh xèo là tất cả những gì tôi muốn nằm gọn trên một chiếc đĩa. Đó là một món ăn rất "vui" và mời gọi bạn dùng tay bốc ăn, dù phải tốn rất nhiều khăn giấy sau đó.

Nhiều năm qua, mỗi lần bạn tôi và tôi ăn trưa ở nhà hàng Việt Nam chúng tôi thường lui tới, bánh xèo là món chúng tôi bắt buộc phải ăn cho bằng được. Phiền một nỗi, nhà hàng không phải lúc nào cũng sẵn bột gạo pha nước dừa để đúc bánh. Mỗi lần như vậy, chúng tôi vừa cặm cụi ăn tô phở bốc khói nghi ngút vừa tiếc hùi hụi.

Nhưng hồi đầu xuân này, tôi quyết định lấy hết can đảm tự làm bánh xèo lấy ở nhà, và vui như mở cờ khi nhận ra nó không khó như mình tưởng. Nếu bạn làm món trứng chiên được, bạn cũng làm bánh xèo được. Thậm chí với bánh xèo bạn còn không phải đập trứng nữa kia. Những chiếc bánh giòn ấy có vị ấm nóng không phải từ trứng mà từ nghệ-rễ một loại cây nhiệt đới có họ gừng.

Ở VN, những người bán bánh xèo rong ở mọi góc đường không chuẩn bị bánh sẵn mà chỉ đúc khi bạn dừng lại ăn. Cái tên đáng yêu của món bánh này có nguồn gốc từ bánh, chỉ chung loại thức ăn làm từ bột (như Andrea Nguyễn, nhà báo ẩm thực sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Santa Cruz, Mỹ, giải thích với tôi), và xèo là tiếng bột reo khi đổ vào chảo thoa dầu.

Vì ẩm thực VN thường pha trộn ảnh hưởng của cả châu Âu và châu Á, một số người cho rằng bánh xèo có nguồn gốc từ bánh crepe của Pháp. Tuy vậy, số đông những người khác bảo đó là món ăn chính gốc Việt Nam vì tất cả những gia vị làm bánh đều là những loại gia vị người Việt thường dùng.

Món bánh nổi tiếng này bắt nguồn từ miền Nam VN, và càng về phía Nam kích cỡ bánh càng lớn, Nguyễn vừa nói vừa cười. Huế ở miền Trung, nổi tiếng với ẩm thực nhẹ nhõm và tinh tế, làm một loại bánh hơi khác một chút, gọi là bánh khoái (happy pancake), dày hơn, đường kính chỉ nhỏ bằng một nửa bánh xèo miền Nam, chiên ngập dầu và bày mở ra trên đĩa chứ không gấp lại làm đôi.

Nguyễn thích món bánh miền Nam có hình nửa mặt trăng hơn do món ăn đó lớn lên cùng cô trong mỗi bữa trưa cuối tuần với gia đình. "Mỗi lần làm bánh mẹ dùng hai, ba chảo. Bánh phải ăn ngay khi vừa vớt ra nếu không sẽ mềm mất ngon. Ba ăn chiếc đầu tiên, rồi tới anh chị em mình. Mẹ lúc nào cũng là người ăn cuối cùng".

Đã quen ăn bánh xèo rồi, phải làm sao đây nếu tự nhiên thèm? Có hai lựa chọn cho bạn: Tới một nhà hàng Việt Nam gọi ngay một phần. Hoặc tới một chợ châu Á như 99 Ranch hay Lion Foods, cúi nhìn ở kệ cuối cùng trong dãy bán bột, lôi ra một bịch bột khô chế biến sẵn. Đó là cách người Mỹ gốc Việt ở đây thường dùng khi muốn tự làm lấy bánh xèo ở nhà.

Túi bột bao gồm bột gạo, nghệ và một số gia vị khác, tất cả đã được đo lường đong đếm sẵn, bạn chỉ cần trộn nước dừa và nước lọc theo như hướng dẫn ở mặt sau túi. Trong túi có một túi nhỏ xíu đựng nghệ, hơi ít nên tôi thường thêm vào chút nghệ có sẵn ở nhà.

Nhớ phải chuẩn bị nguyên liệu đầy đủ trước khi bắt đầu đúc bánh vì bánh chín rất nhanh và phải ăn ngay khi vừa chín vớt ra khỏi chảo. Đầu tiên ngâm nước rồi hấp đậu xanh, ướp thịt gà hoặc thịt heo với nước mắm, xắt mỏng hành làm nhân, lặt rửa sắp rau cải, dưa leo, rau thơm ra cả trên đĩa, pha nước chấm sẵn sàng. Rồi pha bột và để nguyên liệu làm nhân bánh ngay tầm tay cạnh bên.

Bắc chảo không dính với ít dầu ăn lên bếp lửa vừa. Cho hành, tôm và thịt đủ một phần bánh rồi xào sơ. Chế vào một vá bột bằng khoảng 1/2 cốc, cẩn thận đừng cho nhiều bột quá bánh sẽ dày và phần nhân bên trong mất nhiều thời gian nấu. Nghiêng chảo cho bột trải đều. Vốc ít đậu xanh hấp, giá sống còn tươi và nhúm nấm thái sợi vào một bên bánh, đậy nắp rồi để bánh tự chín đến khi đủ giòn. Mở nắp chảo và gấp bánh lại làm đôi như khi bạn làm món trứng chiên. Vớt ra đĩa, ăn kèm rau sống tươi ngon và nước chấm.

Giống như món trứng chiên, bánh xèo có thể dùng cho bữa sáng, bữa trưa và bữa tối, còn nhân bánh có thể thay đổi tùy sở thích của bạn. Người Việt thích dùng tôm tươi không lột vỏ vì khi nấu, vỏ tôm mỏng sẽ tăng thêm độ giòn của bánh. Nguyễn thêm thịt heo xay để thêm vị, bạn có thể thay bằng đậu phụ xông khói, nấm dại hay nấm linh chi cũng được. Gà rôti, gà tây xông khói hay thịt heo quay còn dư sau bữa tiệc ở nhà cũng là vài ý tưởng cho nhân bánh xèo, thế nào tôi cũng thử xem sao.

Bây giờ mỗi lần đến nhà hàng VN, tôi vẫn cố ý tìm món bánh ngon tuyệt này trên thực đơn. Nhưng do đã biết cách làm dễ dàng và ngon lành không kém, tôi không lấy làm phiền như trước nếu nhà hàng không may hết bột đổ bánh xèo.

Carolyn Jung

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN (dịch)