Thứ Ba, 19 tháng 12, 2006

Những câu chuyện kể của Uyên


Có một cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, kính trắng trông vừa thông minh vừa nghịch ngợm trên khuôn mặt có đôi chút trẻ thơ. Cô gái trông chỉ ngoài tuổi đôi mươi ấy có cái duyên may mà bao người ao ước: được rong ruổi đó đây ở nhiều xứ sở xa xôi.

Trên những chặng đường đi qua, cô khám phá không chỉ vẻ đẹp mê đắm của thiên nhiên, sự quyến rũ của những công trình kiến trúc cổ xưa, mà còn khám phá cả những món ăn thức uống ngon lành và hấp dẫn.

Nhưng cô không thụ hưởng riêng mình mà kể lại cho nhiều người những ngọt ngào đã nếm, những xúc cảm đã trải bằng những bài viết cùng hình ảnh. Độ đôi ba năm trở lại đây, tên cô xuất hiện khá đều trên nhiều báo và tạp chí . Một cái tên cũng khiến người ta dễ nhớ khi từng biết đến.

Khi đọc một vài bài đầu tiên của Ngô Thị Giáng Uyên (*) gửi về từ châu Âu hơn hai năm trước, lúc cô đang du học bên Anh, thật tình tôi không nghĩ đó là của một người trẻ như vậy. Uyên viết gần như hoàn chỉnh, những hình ảnh và màu sắc được cô diễn đạt giống như một đoạn phim tư liệu quay khéo, với cái tôi - cảm xúc thật rung động.

Trong số những câu chuyện kể của Uyên mà tôi rất thích có Ăn Ý. Một cái tựa báo thật khéo, ngắn gọn mà súc tích, hàm chứa cả sự khoái khẩu của người viết với các món ăn đặc trưng của xứ Ý.

Không riêng những bài chỉ viết về ẩm thực, trong nhiều bài viết của Giáng Uyên cô thường kể chuyện ăn uống ở xứ người. Dường như khi nói đến các món ăn thì tác giả trở nên thật hào hứng. Mà đâu chỉ trong các bài du ký châu Âu. Trong tạp bút Quê quán tôi xưa gửi về từ Anh (đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật), những hồi nhớ của Uyên về chén cơm nguội với cá cơm kho tiêu thật cay, rồi món bánh căn và tô bánh canh cá dầm sao mà ý nhị, sao mà da diết!

Ngô Thị Giáng Uyên là hình ảnh khá tiêu biểu của một lớp trẻ có học vấn, có tri thức, biết nắm lấy những cơ hội. Cô cựu sinh viên Đại học Ngoại thương ấy từng làm việc cho một công ty lớn của nước ngoài, và là người miền Nam duy nhất nhận được học bổng Chevening năm học 2004 -2005 để sang Anh học MBA tại Đại học Southampton.

Thời gian sống và học tập ở Anh cũng là lúc Giáng Uyên có những chuyến đi đến nhiều đất nước ở châu Âu. Có lẽ đó cũng là thời gian cô viết được nhiều nhất. Tập sách này chỉ mới là một phần trong những câu chuyện kể thật sống động của Uyên.

NGUYỄN TRỌNG CHỨC
(Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét