Người dân Anh tụ họp chật kín trên quảng trường trung tâm Trafalgar ở London xem lễ khai mạc vòng đua xe đạp Tour de France ngày 6-7. Ảnh: Reuters |
Mấy ngày vừa qua tôi nhận không biết bao nhiêu email của người nhà, bạn bè lo lắng hỏi thăm tình hình London “tên bay, đạn lạc” và nhắc nhở phải cẩn thận khi ra đường, tránh dùng phương tiện công cộng, nếu ở nhà được thì ở nhà luôn đi...
Trời đất, tránh dùng phương tiện công cộng thì đi lại bằng gì? Đi taxi là chuyện không tưởng vì đâu phải ai cũng đi làm gần nhà. Tự lái xe thì mỗi ngày London bắt mỗi chủ ôtô phải trả 8 bảng, tương đương 250.000 đồng, tiền gọi nôm na là “phí kẹt xe” nhằm hạn chế số lượng xe lưu thông trong thành phố giờ cao điểm. Đó là chưa kể phí đậu xe và tiền xăng đắt gần như nhất thế giới. Vậy là dù có sợ khủng bố cách mấy, người người cũng phải bắt xe điện ngầm hay xe buýt mà đi làm.
Trong thuật ngữ marketing có cụm từ “khách hàng mục tiêu”. Nếu bọn khủng bố cũng có khách hàng mục tiêu (sản phẩm tiêu thụ là... bom) thì tôi và lượng hành khách dùng phương tiện công cộng mỗi ngày ắt hẳn là tâm điểm. Hằng ngày tôi phải bắt một chuyến tàu tới King's Cross St. Pancras, bến tàu điện ngầm nhộn nhịp nhất London, nơi rất nhiều người bị đánh bom chết cách đây hai năm, rồi tiếp tục chạy tất tả bắt chuyến khác đến một trạm xe lửa khác để đi về hướng tây. Nhưng mọi việc rồi cũng đâu vào đấy, riết rồi tôi cũng giống dân Anh, có nghe báo động mặt cũng lạnh như tiền.
Bạn đừng nghe nói vậy mà nghĩ dân Anh quả cảm gan dạ, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Không đâu, dân Anh cũng sợ chết không kém ai. Có điều một phần vì tính cách vốn ít biểu lộ cảm xúc, một phần vì đã quá quen thuộc với những gì đang diễn ra nên trông ai cũng tỉnh như không.
Cách đây gần một tháng, tôi đang đi xe điện ngầm thì loa thông báo gì đó rồi đèn trong toa tắt ngúm. Do đang nghe nhạc từ headphone nên tôi phải hỏi người ngồi cạnh. Ông này nhún vai: “Loa thông báo có nghi ngờ sự cố, biểu mình xuống”. Tôi lật đật bước ra, thấy ông vẫn ngồi yên, mới quay đầu lại hỏi: “Sao ông không xuống?”, ông nhún vai thêm cái nữa: “Tôi sắp trễ rồi, phải tranh thủ đi”. May mà tuyến đó không việc gì, nếu không sau này tôi sẽ phải ân hận sao không can ngăn ông ấy đừng đi.
Còn buổi sáng 30-6, tôi đi từ King's Cross (lại King's Cross) tới Knightbridges, loa thông báo có sự cố nên tàu sẽ không dừng tại Piccadilly Circuss mà đi thẳng; mọi người vẫn tỉnh bơ dừng lại trạm gần nhất để bắt xe buýt đi Piccadilly. Mãi khi về nhà tôi mới biết đêm hôm trước có hai chiếc xe đặt bom tại Piccadilly. Lạy trời!
Một người bạn của tôi mới về từ sân bay Heathrow cho biết ở đó vẫn hoạt động bình thường. Tôi tưởng tượng ngay những màn hình lớn nhấp nháy thông tin những chuyến bay:
Tokyo, New York, Sydney, Zurich, Amsterdam, Dubai, Singapore, Johannesburg... Những màn hình lớn thu gọn cả thế giới trong sân bay. Sau những phập phồng cảnh giác cao độ, mọi thứ đã trở lại quĩ đạo bình thường.
_______________
Viện Công tố hoàng gia Anh xác nhận đã có bằng chứng đầy đủ để buộc tội tên Bilal Abdullah, một trong tám nghi can bị bắt sau các vụ tấn công bất thành tại London và sân bay Glasgow vào các ngày 29 và 30-6.
Với lời buộc tội này, tên Bilal phải ra tòa tại London trong ngày 7-7 với tội danh “âm mưu gây nổ”. Bilal Abdullah là bác sĩ làm việc ở Bệnh viện hoàng gia Alexandra ở Paisley (Scotland), bị cảnh sát bắt ngày 30-6 tại sân bay Glasgow sau khi lái một chiếc xe jeep bốc cháy lao vào sân bay. Tất cả tám nghi can bị bắt cho đến nay đều từng làm việc hoặc đang làm việc tại các bệnh viện trong hệ thống y tế quốc gia Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét