Thứ Hai, 29 tháng 10, 2007

Những hi vọng và sợ hãi của Keane

Keane là tên của một ban nhạc Anh, có phong cách chơi nhạc giống các nhóm Coldplay hoặc Travis, song với một khác biệt rõ nét là dựa vào đàn piano hơn là guitar. Keane từng đoạt hai giải Brit Awards của làng nhạc Anh năm 2005 cùng một giải Ivor Novello năm 2005 dành cho các nhà sáng tác.
Ban nhạc Keane
Tôi hòa vào đám đông gần hai vạn người đứng ngồi kín cả khán phòng O2 Arena ở London để xem buổi biểu diễn của Keane trên sân khấu. Các fan của Keane hầu hết từ 25 đến khoảng 50 tuổi, tầng lớp trung lưu đến thượng lưu.

Nếu các fan của những boyband đều trong độ tuổi vị thành niên tóc nhuộm xanh đỏ ăn mặc đúng mốt tuổi teen, còn các fan của Linkin Park hay Red Hot Chili Peppers rất “giang hồ” xăm trổ đầy mình, thì fan của Keane chững chạc và trầm hơn, không trầm như khán giả nhạc giao hưởng hoặc cổ điển mà trầm kiểu đương đại, cũng giống như thể loại nhạc của Keane. Khán giả của Keane có đời sống sung túc nhưng không theo chủ nghĩa tiêu thụ mà luôn trong hành trình tìm kiếm chính bản thân mình và luôn tự vấn mình là ai trong cuộc đời, như trong bài hát đầu tiên Keane ra mắt trong đĩa đơn và cũng là bài bắt đầu buổi biểu diễn: Everybody's changing (Ai cũng đang thay đổi)

You say you wander your own land

But when I think about it

I don't see how you can

You're aching, you're breaking

And I can see the pain in your eyes

Says everybody's changing

And I don't know why

...

I try to stay awake and remember my name

But everybody's changing

And I don't feel the same

(Bạn nói bạn lang thang trong thế giới của riêng mình

Nhưng khi suy nghĩ về điều đó tôi không hiểu nổi tại sao

Bạn đau đớn, bạn đổ vỡ

Và tôi có thể thấy nỗi đau trong mắt bạn

Như muốn nói ai cũng đang thay đổi

Và tôi không hiểu nổi tại sao.

...

Tôi cố tỉnh táo và cố nhớ tên mình

Nhưng ai cũng đang thay đổi

Còn tôi lại không cùng cảm giác)

Keane gồm ba chàng trai trẻ: Tom Chaplin (28 tuổi, giọng ca chính kiêm đàn piano và guitar), Richard Huges (33 tuổi, trống) và Tim Rice-Oxley (32 tuổi, piano). Lớn lên ở một thị xã nhỏ bé miền nam ít thú tiêu khiển, những thành viên của Keane chập chững bước vào thế giới âm nhạc với công cụ hỗ trợ là chiếc máy nghe nhạc Walkman và cuốn bài hát Beatles. Năm 1999, cả ba và một cựu thành viên là tay guitar Dominic rời miền quê lên London với tham vọng chinh phục thế giới. Sau hai năm không có lấy một hợp đồng thu âm nào, Dominic rời ban nhạc, ba người còn lại vỡ mộng dắt nhau về quê. Không nản chí, Keane đến một nông trại đổ nát ở Pháp tiếp tục thu âm để đầu năm 2003 trở lại London thử thời vận thêm lần nữa.

Các chàng trai trẻ nhớ lại những ngày đó: “Chúng tôi mua thức ăn và xăng cho ngày hôm nay bằng số tiền ít ỏi kiếm được từ buổi biểu diễn đêm hôm trước. Còn lại bao nhiêu tiền cho vào một hộp nhựa đậy kín”. Thời “hàn vi” kéo dài hơn một năm cho đến khi ra đời album đầu tiên Hopes and fears (Những hi vọng và sợ hãi) giữa năm 2004, bán được 5 triệu bản trên toàn thế giới.

Trong buổi biểu diễn tôi đi xem, sau vài bài hát đầu tiên trước đám đông “cuồng nhiệt một cách chững chạc”, ca sĩ chính “cảm ơn London” và tâm sự với khán giả rằng Keane gắn bó với thủ đô nước Anh đến mức nào, từ thời còn hát trước vỏn vẹn vài khán giả đến lúc lên đỉnh cao được ngưỡng mộ khắp nơi. Có một thời sau album đầu tiên, ban nhạc tưởng chừng như tan rã nhưng niềm tin của người hâm mộ đã vực họ dậy. Album thứ hai Under the iron sea (Dưới biển sắt) ra đời năm 2006 được sáng tác để “đối mặt với những nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi, để phân tích mối quan hệ giữa các thành viên với nhau, với những người khác và với cả thế giới, cũng như để bắt đầu một cuộc hành trình vào những nơi đen tối nhất chúng tôi tìm thấy được”.

Cũng vì vậy mà Under the iron sea khác cách nhìn thế giới hơi ngây thơ trong Hopes and fears. Những bài hát trong album mới được tạo ra như những câu chuyện “trong thế giới thần tiên bị biến dạng, với cảm giác mơ hồ lẫn lộn của một nơi đen tối dưới một biển sắt khó xuyên qua” như lời tự sự của các thành viên.

Và có lẽ Keane thu hút những khán giả tinh tế nhờ những bài hát không chỉ đơn thuần nói về tình yêu mà còn về thân phận, về chiến tranh và sự đổ vỡ. Trong buổi biểu diễn, trước bài A bad dream (Một giấc mơ buồn), Tom giải thích cho khán giả bài hát này dựa trên bài thơ của William B.Yeats Một phi công người Ailen thấy trước cái chết của mình: “Chúng tôi muốn tạo ra sự cân bằng giữa một chuỗi sự kiện như giấc mơ, bắt đầu một cách lặng lẽ. Cảm giác giống như trên máy bay chiến tranh bay cao trên trời, cao đến nỗi bạn không thể nghe được tiếng súng bên dưới. Và nó gần như một sự im lặng thanh thản mà bài thơ này của Yeats lột tả...”.

Bài hát cũng bắt đầu một cách lặng lẽ:

Why do I have to fly

over every town up and down the line?

I'll die in the clouds above

(Tại sao tôi phải bay cao

Trên đầu những thành phố làng mạc bên dưới?

Tôi sẽ chết giữa những đám mây trên trời)

... nhưng càng về sau càng lớn tiếng và càng giận dữ. “Tiếng piano chói tai ở giữa bài như một cố gắng bộc lộ hết tất cả những giận dữ bùng nổ...” như lời tay piano Rice-Oxley.

I wake up, it's a bad dream,

No one on my side,

I was fighting

But I just feel too tired

to be fighting,

guess I'm not the fighting kind.

Wouldn't mind it

if you were by my side

But you're long gone,

yeah you're long gone now.

(Tôi thức dậy, đó là một giấc mơ buồn

Không ai bên cạnh tôi

Tôi chiến đấu

Nhưng tôi chỉ cảm thấy mệt mỏi

Tôi đoán có lẽ tôi không phải người được sinh ra để chiến đấu.

Có lẽ tôi sẽ không phiền

Nếu bạn bên cạnh tôi.

Nhưng bạn đã ra đi từ lâu

Ừ, bạn đã ra đi từ lâu...)

Buổi biểu diễn kết thúc, cả ba thành viên đã bước vào bên trong nhưng tôi cũng hòa vào tiếng vỗ tay liên hồi kéo dài nhiều phút liền khiến họ phải trở lại sân khấu hát thêm vài bài nữa chiều lòng khán giả. Và bài hát kết thúc Somewhere only we know như làm trái tim mọi người đập rộn rã trong lồng ngực:

And if you have a minute why don't we go

Talk about it somewhere only we know?

This could be the end of everything

So why don't we go

Somewhere only we know?

(Nếu bạn có ít thời gian, tại sao ta không đi đến một nơi

Một nơi chỉ có mình ta biết, để nói về điều ấy

Đây có thể là kết thúc của tất cả mọi thứ

Vậy tại sao ta không đi

Đi đến một nơi chỉ có mình ta biết)

Dù nơi ấy có “những hi vọng và sợ hãi” hay ở “dưới biển sắt” mênh mông, đó là “một nơi chỉ có mình ta biết”. Chỉ có Keane và những người đồng cảm với Keane biết nơi ấy mà thôi.

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2007

“Sóng bạc đầu và núi chìm sâu”...

Tôi không biết mình bị ám ảnh bởi những công trình bằng đá từ khi nào, có lẽ từ năm 21 tuổi, sống một tuần lễ trong tòa lâu đài bằng đá từ thế kỷ 14 ở một nơi xa xôi.

Với tôi, đá là một vật thể vừa xa lạ vừa gần gũi, vừa nóng bỏng vừa lạnh lẽo, vừa liêu trai vừa hiện thực.

Mây phớt nhẹ một lớp mượt mà như thể những con sóng bạc đầu đã phủ cả lên trời, để lại một lớp mỏng bọt sóng màu mây
Đá cũng là tiền thân của nền văn minh nhân loại, vì thế mà có tên “thời kỳ đồ đá”, và những nền văn minh trên thế giới cũng đã tạo nên những công trình kỳ vĩ từ đá để lại cho loài người. Cũng từ đó tôi bắt đầu hành trình khám phá những công trình ấy và đã từng tận mắt nhìn thấy Stonehenge ở Anh, Angkor ở Campuchia, đấu trường La Mã ở Ý, Acropolis ở Hi Lạp... Tất cả đều mang lại cảm giác vừa thích thú vừa sợ hãi, thấy con người nhỏ bé và mong manh.

Cảm giác vừa thích thú vừa sợ hãi đó mạnh mẽ nhất khi tôi đến Giant's Causeway trong chuyến đi Bắc Ireland mới đây. Giant's Causeway, dịch nôm na “lối cao của người khổng lồ”, là hệ thống đá kỳ bí xếp chồng bên biển thành những bậc thang đều đặn đến nỗi ai cũng tưởng do con người xếp đặt nên. Tuy nhiên, khoa học đã khẳng định hiện tượng thiên nhiên này bắt nguồn hơn 60 triệu năm trước từ những chấn động mạnh mẽ của núi lửa. Khi núi lửa phun trào, những dòng nham thạch nóng bỏng chảy tràn, đốt cháy rồi lấp đầy phần núi bên cạnh cũng như những cánh rừng và thung lũng trên núi. Để rồi một triệu năm sau lớp nham thạch đá bazan này mới nguội lại, thu nhỏ thành những khối đá hình lục giác đều đặn bằng nhau. Hai triệu năm sau đó, núi lửa lại phun, lần này lớp nham thạch là một chất hơi khác nên những cột đá tạo thành không đều đặn như lần trước.

Gần đây nhất, khi kết thúc kỷ Băng hà 15.000 năm trước, những tảng băng biển chầm chậm trôi qua những vách đá bazan, xói mòn bờ đá và tạo nên Giant's Causeway của ngày nay.

Từ trên cao nhìn xuống, thật khó tin thiên nhiên có thể tạo ra những bậc đá đều đặn như thế này
Lối đi xuống Giant's Causeway không gian nan khó khăn như tôi nghĩ và chỉ cách đường xe chạy hơn một cây số. Với những ai lười đi bộ, đã có một chuyến xe buýt chuyên phục vụ chở du khách từ trạm dừng xuống dưới rồi lên trên trở lại sau khi tham quan xong. Nhưng vì không muốn chung đoàn với những du khách có ngoại hình như thể cả đời không tập thể dục và luôn ăn ba bữa tại McDonald's hay Burger King, chúng tôi chọn hướng tản bộ. Quả là một lựa chọn đúng đắn vì mặt trời ấm áp chiếu sáng trên đầu, đường đi quanh co một bên vách đá hùng vĩ một bên biển xanh phẳng lặng.

Chỉ sau hơn 15 phút, Giant's Causeway đã hiện ra trước mắt. “Sóng bạc đầu và núi chìm sâu”... Có lẽ không nơi nào câu hát này mang ý nghĩa như nơi đây. Đó là một buổi chiều cuối hè đầu thu, khi đại dương mạnh mẽ dâng trào phủ chồng lên những bờ đá thấp đã từng là núi thuở hồng hoang, bây giờ chìm sâu dưới sóng. Và sóng tung dữ dội trắng xóa. Trời xanh thẳm, mây phớt nhẹ một lớp mỏng mượt mà như thể những con sóng bạc đầu đã phủ cả lên trời, để lại một lớp mỏng bọt sóng màu mây...

Du khách đứng lô nhô trên bờ đá, nắng hắt những bóng người in trên những bậc thang đều chằn chặn. Tôi vơ vẩn nghĩ có thể vài năm nữa, biết đâu Hollywood sẽ chọn nơi này làm bối cảnh cho một bộ phim đầy kịch tính về một đoàn thám hiểm (trong đó có một cô gái xinh đẹp và một chàng trai trẻ lạnh lùng, đúng theo phong cách Hollywood) đi thăm Giant's Causeway vào thế kỷ 21 đúng lúc núi lửa bất thình lình phun trở lại chẳng hạn. Ý nghĩ đó làm trong tôi dấy lên một nỗi lo sợ mơ hồ, thấy con người quả bất lực trước thiên nhiên kỳ ảo và mạnh mẽ. Hải âu bay trên đầu, tiếng kêu chìm khuất trong tiếng sóng ập vào bờ đá.

Tôi đứng trên một trong số bốn vạn cột đá bazan hình thành nên Giant's Causeway, hầu như tất cả đều có bề ngang khoảng 30cm, phần lớn hình lục giác nhưng cũng có một số có năm, bảy, tám hay mười cạnh. Đá ở đây chứa nhiều hàm lượng sắt nên có màu xám xanh rất liêu trai. Phía bên dưới tôi, một cô bé khoảng bốn tuổi đang vừa ôm chặt lưng mẹ vừa nhìn ra biển, em còn quá nhỏ để cảm nhận hết những gì xung quanh mình, em thấy gì ở những bậc thang đá và đại dương mênh mông bên dưới? Tôi hi vọng mẹ em kể cho em nghe huyền thoại về Giant's Causeway, về người khổng lồ Ireland tên Finn MacCool đặt những tảng đá này xuống biển để người yêu sống trên đảo Staffa ở Scotland có thể bước sang thăm. Xem ra huyền thoại đó vui và lãng mạn hơn những giải thích khoa học kia rất nhiều.

Chúng tôi ngồi nghỉ chân giữa một vòm đá cao khuất gió. Khu vực này được gọi là Honeycomb vì những cột đá cao thấp hình dáng như tổ ong, bây giờ tôi mới hiểu vì sao những cửa hàng ở khu vực này đều bán một loại kẹo đặc sản được làm từ mật ong nguyên chất, bột và đường, được nắn giống y khu Honeycomb ở lối cao. Nhớ tới đây, tôi lấy gói kẹo tổ ong vừa mua ra nhấm nháp, nỗi lo sợ mơ hồ ban nãy biến đâu mất, thay vào đó là cảm giác dễ chịu trước đá và biển. Tôi nghiệm ra con người không nên sợ hãi mà nên tôn trọng thiên nhiên.

Nếu biết tôn trọng và không làm hại đến thiên nhiên, không có lý do gì để thiên nhiên chống lại và làm tổn thương con người. Lúc đó tôi mới nhận ra giữa những tảng đá xám cỏ vẫn mọc xanh rờn, và dưới chân tôi hoa cúc dại nở vàng xen lẫn trong cỏ giữa mênh mông đại dương và đá trầm tích. Có khi hoa vẫn nở như thế này từ sau kỷ Băng hà, khi tôi và tất cả du khách ở đây còn chưa là những hạt bụi bay trong trời đất. Và biết đâu Thackeray(*) cũng cảm thấy như tôi khi ông đến thăm Giant's Causeway và để lại câu nói bất hủ: “Khi thế giới được nắn lại và tạo hình từ khối hỗn mang, đây hẳn là phần còn sót lại - những tàn tích của thuở hồng hoang”...

(*) Tác giả cuốn tiểu thuyết Hội chợ phù hoa.