Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2007

“Sóng bạc đầu và núi chìm sâu”...

Tôi không biết mình bị ám ảnh bởi những công trình bằng đá từ khi nào, có lẽ từ năm 21 tuổi, sống một tuần lễ trong tòa lâu đài bằng đá từ thế kỷ 14 ở một nơi xa xôi.

Với tôi, đá là một vật thể vừa xa lạ vừa gần gũi, vừa nóng bỏng vừa lạnh lẽo, vừa liêu trai vừa hiện thực.

Mây phớt nhẹ một lớp mượt mà như thể những con sóng bạc đầu đã phủ cả lên trời, để lại một lớp mỏng bọt sóng màu mây
Đá cũng là tiền thân của nền văn minh nhân loại, vì thế mà có tên “thời kỳ đồ đá”, và những nền văn minh trên thế giới cũng đã tạo nên những công trình kỳ vĩ từ đá để lại cho loài người. Cũng từ đó tôi bắt đầu hành trình khám phá những công trình ấy và đã từng tận mắt nhìn thấy Stonehenge ở Anh, Angkor ở Campuchia, đấu trường La Mã ở Ý, Acropolis ở Hi Lạp... Tất cả đều mang lại cảm giác vừa thích thú vừa sợ hãi, thấy con người nhỏ bé và mong manh.

Cảm giác vừa thích thú vừa sợ hãi đó mạnh mẽ nhất khi tôi đến Giant's Causeway trong chuyến đi Bắc Ireland mới đây. Giant's Causeway, dịch nôm na “lối cao của người khổng lồ”, là hệ thống đá kỳ bí xếp chồng bên biển thành những bậc thang đều đặn đến nỗi ai cũng tưởng do con người xếp đặt nên. Tuy nhiên, khoa học đã khẳng định hiện tượng thiên nhiên này bắt nguồn hơn 60 triệu năm trước từ những chấn động mạnh mẽ của núi lửa. Khi núi lửa phun trào, những dòng nham thạch nóng bỏng chảy tràn, đốt cháy rồi lấp đầy phần núi bên cạnh cũng như những cánh rừng và thung lũng trên núi. Để rồi một triệu năm sau lớp nham thạch đá bazan này mới nguội lại, thu nhỏ thành những khối đá hình lục giác đều đặn bằng nhau. Hai triệu năm sau đó, núi lửa lại phun, lần này lớp nham thạch là một chất hơi khác nên những cột đá tạo thành không đều đặn như lần trước.

Gần đây nhất, khi kết thúc kỷ Băng hà 15.000 năm trước, những tảng băng biển chầm chậm trôi qua những vách đá bazan, xói mòn bờ đá và tạo nên Giant's Causeway của ngày nay.

Từ trên cao nhìn xuống, thật khó tin thiên nhiên có thể tạo ra những bậc đá đều đặn như thế này
Lối đi xuống Giant's Causeway không gian nan khó khăn như tôi nghĩ và chỉ cách đường xe chạy hơn một cây số. Với những ai lười đi bộ, đã có một chuyến xe buýt chuyên phục vụ chở du khách từ trạm dừng xuống dưới rồi lên trên trở lại sau khi tham quan xong. Nhưng vì không muốn chung đoàn với những du khách có ngoại hình như thể cả đời không tập thể dục và luôn ăn ba bữa tại McDonald's hay Burger King, chúng tôi chọn hướng tản bộ. Quả là một lựa chọn đúng đắn vì mặt trời ấm áp chiếu sáng trên đầu, đường đi quanh co một bên vách đá hùng vĩ một bên biển xanh phẳng lặng.

Chỉ sau hơn 15 phút, Giant's Causeway đã hiện ra trước mắt. “Sóng bạc đầu và núi chìm sâu”... Có lẽ không nơi nào câu hát này mang ý nghĩa như nơi đây. Đó là một buổi chiều cuối hè đầu thu, khi đại dương mạnh mẽ dâng trào phủ chồng lên những bờ đá thấp đã từng là núi thuở hồng hoang, bây giờ chìm sâu dưới sóng. Và sóng tung dữ dội trắng xóa. Trời xanh thẳm, mây phớt nhẹ một lớp mỏng mượt mà như thể những con sóng bạc đầu đã phủ cả lên trời, để lại một lớp mỏng bọt sóng màu mây...

Du khách đứng lô nhô trên bờ đá, nắng hắt những bóng người in trên những bậc thang đều chằn chặn. Tôi vơ vẩn nghĩ có thể vài năm nữa, biết đâu Hollywood sẽ chọn nơi này làm bối cảnh cho một bộ phim đầy kịch tính về một đoàn thám hiểm (trong đó có một cô gái xinh đẹp và một chàng trai trẻ lạnh lùng, đúng theo phong cách Hollywood) đi thăm Giant's Causeway vào thế kỷ 21 đúng lúc núi lửa bất thình lình phun trở lại chẳng hạn. Ý nghĩ đó làm trong tôi dấy lên một nỗi lo sợ mơ hồ, thấy con người quả bất lực trước thiên nhiên kỳ ảo và mạnh mẽ. Hải âu bay trên đầu, tiếng kêu chìm khuất trong tiếng sóng ập vào bờ đá.

Tôi đứng trên một trong số bốn vạn cột đá bazan hình thành nên Giant's Causeway, hầu như tất cả đều có bề ngang khoảng 30cm, phần lớn hình lục giác nhưng cũng có một số có năm, bảy, tám hay mười cạnh. Đá ở đây chứa nhiều hàm lượng sắt nên có màu xám xanh rất liêu trai. Phía bên dưới tôi, một cô bé khoảng bốn tuổi đang vừa ôm chặt lưng mẹ vừa nhìn ra biển, em còn quá nhỏ để cảm nhận hết những gì xung quanh mình, em thấy gì ở những bậc thang đá và đại dương mênh mông bên dưới? Tôi hi vọng mẹ em kể cho em nghe huyền thoại về Giant's Causeway, về người khổng lồ Ireland tên Finn MacCool đặt những tảng đá này xuống biển để người yêu sống trên đảo Staffa ở Scotland có thể bước sang thăm. Xem ra huyền thoại đó vui và lãng mạn hơn những giải thích khoa học kia rất nhiều.

Chúng tôi ngồi nghỉ chân giữa một vòm đá cao khuất gió. Khu vực này được gọi là Honeycomb vì những cột đá cao thấp hình dáng như tổ ong, bây giờ tôi mới hiểu vì sao những cửa hàng ở khu vực này đều bán một loại kẹo đặc sản được làm từ mật ong nguyên chất, bột và đường, được nắn giống y khu Honeycomb ở lối cao. Nhớ tới đây, tôi lấy gói kẹo tổ ong vừa mua ra nhấm nháp, nỗi lo sợ mơ hồ ban nãy biến đâu mất, thay vào đó là cảm giác dễ chịu trước đá và biển. Tôi nghiệm ra con người không nên sợ hãi mà nên tôn trọng thiên nhiên.

Nếu biết tôn trọng và không làm hại đến thiên nhiên, không có lý do gì để thiên nhiên chống lại và làm tổn thương con người. Lúc đó tôi mới nhận ra giữa những tảng đá xám cỏ vẫn mọc xanh rờn, và dưới chân tôi hoa cúc dại nở vàng xen lẫn trong cỏ giữa mênh mông đại dương và đá trầm tích. Có khi hoa vẫn nở như thế này từ sau kỷ Băng hà, khi tôi và tất cả du khách ở đây còn chưa là những hạt bụi bay trong trời đất. Và biết đâu Thackeray(*) cũng cảm thấy như tôi khi ông đến thăm Giant's Causeway và để lại câu nói bất hủ: “Khi thế giới được nắn lại và tạo hình từ khối hỗn mang, đây hẳn là phần còn sót lại - những tàn tích của thuở hồng hoang”...

(*) Tác giả cuốn tiểu thuyết Hội chợ phù hoa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét