Trang báo Anh giới thiệu ẩm thực và nụ cười VN |
Hôm nào không ai rảnh đi ăn chung, tôi đi một mình. Không hẳn vì thức ăn ở đây ngon hơn nơi khác, thực đơn cũng chẳng đa dạng phong phú gì, cũng không hẳn vì nhà hàng cách công ty tôi một quãng đi bộ ngắn qua ngã tư nhộn nhịp xe cộ. Đơn giản chỉ vì tôi “cảm” tinh thần của người chủ nhà hàng xa lạ chưa gặp mặt lần nào và vì quí mến những em phục vụ ở đây.
Tôi rời VN vội vã không kịp ghé quán chào mọi người, và bẵng đi một thời gian bận bịu không nhớ đến căn gác nơi tôi hay ngồi có cửa sổ nhìn xuống đường ấy nữa. Rồi gần nửa năm sau ngày tôi sang Anh, trang Du lịch của tờ Times - nhật báo phổ biến và rất uy tín ở xứ sương mù - mời độc giả bản xứ tham gia viết bài dưới 500 chữ cho chủ đề của tháng mười: ẩm thực.
Tôi dè dặt gửi một bài viết ngắn về quán nhỏ ấy, cứ tưởng sẽ chìm lấp trong những ẩm thực Pháp, Ý, Địa Trung Hải, Ấn Độ, Trung Hoa... Không ngờ bài viết được đăng trên tờ Times ra ngày thứ bảy, lại được ưu ái cho vị trí đầu tiên trong loạt bài ít ỏi được đăng báo in. Và còn ưu ái hơn nữa khi tấm hình minh họa duy nhất của nguyên trang Du lịch này có lời chú thích “Bữa tiệc của món ngon: người bán trái cây tại một chợ TP.HCM”, được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Ken Gillham chụp một người được bao quanh là bưởi, sầu riêng, nhãn lồng...
Tôi tự dịch bản gốc bài viết tiếng Anh của mình sang tiếng Việt dưới đây như một lời cảm ơn đối với những người đã lặng lẽ làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn.
______________"Tôi khám phá nhà hàng thú vị này một cách tình cờ. Chúng tôi đi bộ lòng vòng tìm một nơi ăn trưa ở trung tâm quận 1, Sài Gòn (tên chính thức: TP.HCM) và bắt gặp tấm bảng hiệu nhỏ xíu "Hương Lài - 38 Lý Tự Trọng - quận 1".
Mặt tiền của nhà hàng Hương Lài
Nhìn từ bên ngoài, trông nó không giống nhà hàng chút nào, có lẽ vì quá hẹp và quá đơn giản. Nhưng sau khi bước lên cầu thang gỗ, căn gác mở ra thành một phòng ăn rất có gu với tường gạch đỏ nâu không quét vôi, ghế mây và những bức thổ cẩm - một loại vải nhiều màu sắc của người dân tộc thiểu số phía Bắc VN - làm duyên trên tường. Không gian thoảng mùi thơm mát dìu dịu của hoa lài tươi nổi trên những chén nước nhỏ đặt ở mỗi bàn ăn. (Tên "Hương Lài" có nghĩa là "scent of jasmine" trong tiếng Việt).
Chúng tôi ăn cơm trắng với tôm rang me, gồm tôm rim nhỏ lửa trong nước mắm và nước cốt trái me nhiệt đới, cà tím nướng mỡ hành thoảng mùi khói, làm từ một loại cà giống aubergine nướng với hành lá và dầu hướng dương. Bữa ăn ngon miệng kết thúc bằng canh gà lá giang, món súp gà kiểu địa phương nấu chung với một loại lá chua thanh mọc hoang trong những bụi rậm ở miền quê. Hóa đơn thanh toán chỉ khoảng năm bảng Anh cho ba người, ngay cả đối với vật giá rất rẻ ở VN, giá cả như thế này cũng rất phải chăng.
Và tôi mến nhà hàng đáng yêu này hơn nữa khi tình cờ biết được đội ngũ phục vụ tươi cười nhã nhặn, mặc quần áo kiểu nông dân của quán đều xuất thân từ trẻ mồ côi hoặc trẻ em đường phố. Bắt đầu từ năm 2001, Hương Lài là dự án của Jin Shirai - một người Nhật đến Sài Gòn học ngôn ngữ và văn hóa Việt. Sau khi về Nhật, ông nhận ra mình gắn bó với đất nước xa lạ đến mức nào và quyết định trở lại làm một điều gì đó có ý nghĩa, bằng cách mở nhà hàng nhỏ để tạo cơ hội việc làm cho những người trẻ địa phương có hoàn cảnh khó khăn.
Các em được học tiếng Anh, được đào tạo về ngành dịch vụ và những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để trở thành đầu bếp hoặc phục vụ bàn, rất nhiều em trong số đó hiện đang làm việc cho những nhà hàng lớn ở thành phố. Nhà hàng cũng rất mang tính địa phương: rượu vang từ một vùng cao nguyên miền Trung VN, ghế mây, bia Sài Gòn, tranh treo tường của các họa sĩ Việt, chén đĩa được làm bằng tay từ gốm...
Vậy là tôi có thêm lý do để đến đây ăn trưa thường xuyên hơn, để được ngồi trên căn gác ấm áp nhìn thế giới trôi qua dưới những tán cây me lớn trên đường Lý Tự Trọng. Mùi hương hoa lài trên bàn làm tôi tươi tỉnh, thấy lòng nhẹ nhàng và lạc quan hơn. Cho đến lúc đó, tôi mới tin lời các chuyên gia về hương liệu: "Khi nói đến những công dụng về tinh thần, hoa lài thật sự tỏa sáng".
Có lẽ Shirai không biết, và cũng không cần biết "ngôn ngữ hương hoa". Đơn giản ông chỉ muốn tạo ra một điều tốt đẹp giản dị cho Sài Gòn, nơi ông yêu quí và muốn đóng góp một phần nhỏ. Nhưng nhà hàng Hương Lài của ông có ý nghĩa hơn nhiều so với "giá trị làm tăng cảm xúc giác quan" mà bản thân loài hoa này mang lại".
Chú thích: Những chữ in nghiêng trong bài được giữ nguyên bản tiếng Việt trong bài viết trên The Saturday Times, để độc giả bản xứ biết thêm tên những món VN khác ngoài phở và chả giò.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét