Thứ Ba, 30 tháng 12, 2008

Không để tivi ở chế độ Standby

TTO - Các bạn ở chung nhà với tôi hay nói nửa đùa nửa thật: “Muốn biết Uyên có nhà hay không, chỉ cần nhìn hai tivi ở hai phòng khách là biết”, vì tôi chuyên đi kiểm tra xem tivi đã tắt hẳn chưa hay còn để ở chế độ standby (nghĩa là tắt tivi nhưng còn ánh sáng đỏ).

Phần lớn mọi người để tivi ở chế độ standby vì làm biếng, chỉ cần dùng điều chỉnh từ xa chứ không chịu tắt bằng nút tắt tivi.

Có lần tôi đi công tác và nghỉ đêm ở khách sạn, trước khi ngủ tôi tắt hẳn tivi. Người bạn cùng phòng nói: “Ừ, đúng đó, tivi ở standby có thể tốn tới 80% lượng điện so với để tivi mở đó!”. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Sao biết?” “V. nói cho biết!”. Tôi vui như mở cờ, vì nội dung trên là lúc trước tôi nói cho V biết chứ đâu.

Vậy là thêm được người biết nữa!

Đọc xong rồi, bạn nói cho người khác biết điều này đi nhé.

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

Mang theo chai đựng nước

TTO - Trung bình một chai nhựa đựng nước mất 450 năm để phân hủy. Nghĩa là tới đời con của con của con của con bạn, chai nước bạn mua dọc đường, uống xong rồi ném đi vẫn còn đâu đó trên một bãi rác, ngấm những chất độc hại vào môi trường.

Thật ra đâu cần phải uống nước đóng chai? Nguồn nước ở Việt Nam không tốt và phần lớn không thể uống trực tiếp, nhưng nếu nấu sôi rồi để nguội có thể uống được bình thường. (Đó là tôi chưa kể đến việc kiểm tra độ an toàn vệ sinh tại các cơ sở nước đóng chai Việt Nam chưa được nghiêm nhặt cho lắm!). Nhưng dù là sản phẩm chính hãng của những nhãn hiệu lớn hay không chính hãng, bạn cũng không cần thiết phải uống nước đóng chai. Đi đâu bạn nhớ mang theo chai nước của chính mình, cố hạn chế mua chai nước mới. Vào quán ăn, bạn yêu cầu nước sôi để nguội chứ đừng hỏi mua nước đóng chai.

Nếu công ty bạn sử dụng ly tách nhựa cho nhân viên (loại dùng xong rồi bỏ), bạn góp ý để công ty đưa những loại ly tách bằng sành sứ thủy tinh dùng lâu được, tốt cho môi trường hơn nhiều.

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2008

Không có lối sống “GATO”!

TTO - Ban đầu, nghe nói người này người kia “GATO”, tôi tưởng họ đề cập tới một loại bánh, sau mới biết nó là viết tắt của “Ghen Ăn Tức Ở”.

Có thể nói, trong xã hội đang tồn tại rất nhiều người như thế này. Bất cứ chuyện gì hay bất cứ người nào, dù tốt đẹp mấy, qua con mắt của những người có lối sống GATO thế nào cũng mắc sai trái. Điểm chung của họ là luôn hằn học, nhìn đâu đều thấy toàn tiêu cực và phủ nhận những mặt tích cực cũng như thành công của người khác.

Tôi tin các bạn độc giả của mình không có lối sống như vậy và hi vọng các bạn đừng để những ai có lối sống đó ảnh hưởng đến cách nhìn của mình.

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2008

“Bước qua lằn ranh”

TTO - Trong một khóa huấn luyện của công ty, người huấn luyện kể về Tiger Woods, tay đánh gôn lừng danh thế giới.

Ông nói: “Tiger Woods trả cho người huấn luyện của mình một triệu đô mỗi năm, không phải để huấn luyện kỹ năng chơi gôn, vì cái này anh có thừa. Cũng không phải huấn luyện ước mơ chiến thắng, vì khả năng này anh cũng không thiếu. Điều ông huấn luyện cho Tiger là biết “bước qua lằn ranh”.

Nếu xem Tiger Woods thi đấu trên tivi, sẽ thấy mỗi lần đánh trật (trái banh không vào đúng lỗ), anh lại vung tay lên, nói “Damn!” với thái độ rất bực dọc, đầu cúi gằm xuống. Nhưng rất nhanh, anh bước đi mấy bước và trở thành một người khác hẳn. Vẻ bực dọc chỉ cách đó tích tắc đã biến mất, đầu anh ngẩng cao, trên gương mặt chỉ thấy nét tự tin và quyết đoán. Có thể nói Tiger Woods đã trả 1 triệu đô mỗi năm để học cách bước qua một lằn ranh vô hình, quên đi thất bại trước đó và biết tập trung vào việc sắp sửa diễn ra.

Hôm nay bạn bị sếp la, khách hàng phàn nàn, vợ bỏ, bạn bè chơi xấu (thêm phần “bị báo lá cải bêu riếu” - nếu bạn là người nổi tiếng) làm tâm trạng bạn rối bời, thấy cuộc sống sao mà khốn khổ khốn nạn! Lúc đó hãy tập “bước qua lằn ranh” như Tiger Woods, bỏ lại những phiền hà đằng sau để tập trung vào việc phía trước.

Tiger Woods trả 1 triệu đô mỗi năm để học bí quyết này, công ty tôi trả mấy chục ngàn bảng Anh để người huấn luyện đến dạy tôi bắt chước Tiger Woods. Bạn chỉ tốn mấy chục ngàn đồng để mua cuốn sách cũng học được “bí kíp”, vậy phải áp dụng liền nghe!

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008

Đạp xe đạp

TTO - Tôi là một người ủng hộ rất nhiệt tình chủ trương đi xe đạp - phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhất (có lẽ chỉ thua đi bộ), không tốn lít xăng nào, không gây ồn ào khói bụi.

Ở Anh, đồng nghiệp thấy tôi đi xe đạp lấy làm ghen tị lắm, vì họ ý thức được đi xe đạp tốt cho sức khỏe và không gây ô nhiễm. Họ bảo ai đi xe đạp nhìn cũng rất “quý phái” (noble). Ở Việt Nam, đồng nghiệp thấy tôi đi xe đạp thì kêu “Làm sao ra nông nỗi này?”.

Nếu bạn có vài trăm ngàn đồng, theo tôi, bạn nên mua một chiếc xe đạp ngay. Chỉ cần đạp một tháng là đảm bảo lại vốn tiền xăng, giảm cân, tốt cho tim mạch, tốt cho thành phố, nói tóm lại chỉ có tốt mà thôi.

À, sẵn đây kể bạn nghe về chiến dịch “World Naked Bike Ride” (tạm dịch: Diễu hành xe đạp khỏa thân toàn thế giới), được tổ chức hàng năm và có hơn 70 thành phố trên 20 quốc gia như Canada, Hi Lạp, Nhật, Tây Ban Nha, Anh, Nga… tham dự, trong đó người tham gia diễu hành bằng xe đạp có thể mặc quần áo hoặc hoàn toàn khỏa thân, như một dạng biểu tình chống khói bụi ô nhiễm và việc lệ thuộc vào dầu lửa.

Dù thích ý tưởng này cách mấy, ở Việt Nam hiện giờ tôi khuyên bạn nên mặc quần áo khi đạp xe đạp ngoài đường, nếu không bị công an bắt ráng chịu!

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2008

Lời giới thiệu - Sống xanh

TTO - Đến hôm nay, Ngô Thị Giáng Uyên đã là một tên tuổi quen thuộc với giới trẻ Việt Nam. Sau tập du ký châu Âu mang phong vị lãng mạn Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, khá đông độc giả hay nhắc nhở Uyên phải viết thêm điều gì mới chứ!

Thật sự, ý tưởng về một “môi trường xanh - thái độ sống thân thiện giữa con người với nhau” là đề tài Uyên hằng ấp ủ. Trong mail gửi cho nhóm thực hiện tập sách, Uyên luôn đau đáu một nỗi niềm trăn trở lớn: môi trường sống của Việt Nam đang xuống cấp ở mức đáng báo động. Chỉ vì lợi ích trước mắt, con người đã hủy hoại ghê gớm các tài sản vô giá do thiên nhiên ban tặng. Hạn hán, bão lũ… ngày càng xuất hiện dồn dập theo cấp số nhân, nào phải ngẫu nhiên! Bởi lẽ, rừng đầu nguồn đã bị đốn chặt không thương tiếc, đất đai xói mòn nghiêm trọng, còn đâu lá chắn phòng vệ hữu hiệu… Chỉ vì lợi nhuận béo bở, không ít người sẵn sàng làm hàng gian, hàng dỏm; sẵn sàng “đạp” lên nhau mà sống…

Lướt qua dòng đầu tiên của mỗi mẩu chuyện nho nhỏ, cảm nhận bao trùm là sự nhẹ nhõm và thú vị - những gì Uyên viết chẳng khác nào lời chia sẻ giữa những người bạn tâm giao. Này nhé, ở phần đầu Uyên đã mời gọi mọi người “Làm đám cưới nhỏ, thân mật” thôi, “thỉnh thoảng nên ăn chay”, “làm một món quà bằng tay” tặng bạn bè, lâu lâu chịu khó “đi thang bộ” - “đi xe đạp”, rồi thỉnh thoảng nhớ “đọc truyện cổ tích” hoặc “tìm đọc lại những kiệt tác văn học”… Ở đoạn khác, Uyên nhẹ nhàng nhắc nhở bạn “nói không với bọc nilông”, “hạn chế tối đa trò chơi vi tính ở trẻ con”, “đừng đua theo mốt”, “không để tivi ở chế độ standby”, “không ăn động thực vật quí hiếm”, “tận dụng nước mưa”… Lúc khác, Uyên lại động viên “không học đại học cũng không sao hết”, dặn dò bạn đừng quên “mua hàng ở những cửa hàng vì cộng đồng” và thường xuyên “tạo điều kiện cho người khuyết tật”…

Như vậy, không khó lắm để nhận ra thông điệp Uyên muốn gửi gắm đến mọi người. Đấy là lối sống giản dị, chừng mực, hài hòa với thiên nhiên, trân trọng những giá trị tinh thần, bớt lệ thuộc vào vật chất, hư danh; tẩy chay kiểu sống chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ.

Những lời chia sẻ của Uyên không mới mẻ, cao xa gì, nhưng ít ra sau khi chia tay với dòng chữ cuối cùng, chắc chắn lòng bạn sẽ vui hơn, trí sẽ sáng hơn và trên hết là bạn có dịp nhìn lại chính mình, thấu đáo được hành động dù nhỏ nhất của từng cá nhân đều ảnh hưởng đến tương lai “ngôi nhà chung - Trái đất của chúng ta”!

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2008

Seam Reap thoáng qua

Cuối năm, khi mọi người bù đầu với những kế hoạch công việc làm ăn, mua sắm, gia đình, cưới hỏi, tự nhiên tôi muốn đi đâu đó xa Sài Gòn, không biết đi đâu nhưng cứ phải đi.

Lang thang trên Internet một lúc, vào đến trang Elephantguide, tôi đọc say mê rồi không cần suy nghĩ mà quyết định luôn: Bay nhảy khắp nơi rồi mà bạn láng giềng chưa đi thăm thì đáng trách quá, đi du lịch Đông Dương thôi. Thế là ngay sáng hôm sau, cùng với một người bạn tên Quỳnh, chúng tôi bắt xe buýt đi Phnom Penh.

Từ xe đò đến xe tuk tuk

Chuyến xe đò từ Phnom Penh đến Seam Reap để thăm Angkor “thuở hồng hoang đã thấy, đã xanh ngời liêu trai” không khác mấy so với những chuyến xe đò liên tỉnh miền Tây ở Việt Nam nhiều năm trước, do chúng tôi chọn đi xe với dân địa phương chứ không theo tour của mấy văn phòng du lịch. Xe địa phương nên cũ mèm, trên nóc xe có cả vịt kêu quàng quạc còn trong xe có tivi mở cải lương Campuchia (cải lương của diễn viên Campuchia thứ thiệt chứ không phải cải lương Việt Nam lồng tiếng Campuchia).

Những ngôi nhà kiểu Khmer mái nhọn và lan can gỗ lẫn trong hoa giấy và dâm bụt đỏ
Trời tháng 12 nóng bức, những con đường đất đỏ mùa khô bụi cuốn lên mù mịt. Xe dừng lại nghỉ chân ở một nơi bán đầy bọ cạp, rết, dế nhủi chiên giòn... Mấy đứa trẻ da sạm nắng đang bưng những rổ trái cây đi bán cho khách. Để ý một bé gái mắt to và nâu, cầm những hộp mít đã bóc ra vàng ngậy, tôi mua một hộp mà còn nhớ cặp mắt của nó mở to như muốn hỏi khi nào mình mới được đi chơi như những du khách mua mít qua đường.

Xe đến Seam Reap trời đã sập tối. Bến xe vắng vẻ, buồn hiu hắt, lại cách trung tâm rất xa. Chúng tôi lên đại một chiếc tuk tuk vì anh chàng chạy xe khẳng định mình biết rành Seam Reap như trong lòng bàn tay và biết rõ cả đường đến khách sạn chúng tôi đã đặt trước.

Ngôi biệt thự sơn trắng xóa, cửa xanh da trời đậm, nổi bật trên nền sọc đỏ cam của mái che nhà hàng kế bên
Một người đàn ông trung niên người Ireland đi cùng chuyến xe buýt với chúng tôi cũng đang ngồi lên yên sau một chiếc xe máy, vẫy tay: “Các cô, tôi đi đây. Hẹn gặp lại!” (nói giỡn chơi vậy mà thành thiệt, vì hai ngày sau chúng tôi tình cờ gặp nhau ở Angkor). Đường miền quê gồ ghề, còn chiếc xe chạy hết tốc độ, rung xồng xộc, gió thổi vù vù quanh tai, tôi hét át tiếng gió và máy xe “Chạy chậm lại giùm!”, nhưng anh lái xe không nghe thấy hay giả điếc mà mặt lạnh như tiền cứ chạy rầm rầm.

Trước khi tôi đi Campuchia, ai cũng khuyên đặt tour cho chắc, đừng tự đi một mình vì nguy hiểm và còn hù “dân ở đó ghét người Việt lắm”, tôi bỏ ngoài tai, bởi “Người ta đi hà rầm có sao đâu. Ta là dân du lịch chuyên nghiệp mà, khéo lo”. Nhưng lúc đó tôi sợ thật sự. Đường vắng tanh vắng ngắt không bóng người hay bóng điện, cây cối vẽ lên nền trời đêm những nét dọa dẫm. Nhìn quanh, tự nhiên tôi rợn xương sống. Có khi nào gã lái tuk tuk chở mình vào chỗ buôn người hay nhốt lại đòi tiền chuộc?

Seam Reap: Chợ, món ăn địa phương và phố xá

Chỉ khi đến được khách sạn nhận phòng rồi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm rủ Quỳnh ra ngoài phố ăn tối. Không tới khu phố Tây ba lô hội hè, chúng tôi tới một chợ nhỏ đầu đường, thắp đèn hột vịt lù mù. Chợ bàn ghế thấp lè tè trải khăn nhựa in hoa sặc sỡ, bán xôi đậu đen, gà luộc, trứng gà nướng, phá lấu, cơm ống tre, chè, nước mía… Có một xe bán gân, sách bò chấm mắm gừng với nhiều rau ăn kèm thật hấp dẫn.

Cô gái bán hàng rất dễ thương da ngăm và gương mặt đặc trưng của người Khmer lấy chuối chát, khế chua, dưa leo, cà pháo, xắt bằng tay dẻo như múa, rồi sắp vào đĩa gân sách bò kèm thêm ít rau xanh làm thành hai đĩa. Chúng tôi ăn ngon lành vì đói. Mắm gừng có ớt hiểm cay xé lưỡi, gân, sách bò miếng mềm, miếng giòn sần sật mặn mà, cà pháo giòn tan, dưa leo mát rượi, quyện với chuối và khế thật ngon lành.

Seam Reap hoàn toàn có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn ngay cả khi không có Angkor. Khu phố gần chợ Psar Chaa (chợ lớn ở trung tâm) có nhiều ngôi biệt thự kiểu Pháp xưa và những dãy nhà kiến trúc kết hợp Pháp - Khmer lạ mắt xinh đẹp. Nhà cửa ở đây được sơn nhiều màu sặc sỡ nhưng không quá lòe loẹt, hài hòa với khung cảnh xung quanh.

Nhà hàng Terrasse des Élephants với màn cửa mỏng trắng muốt và những chiếc quạt trần sẫm màu kiểu thuộc địa, lười biếng quay
Từ nơi chúng tôi ở bước ra khu phố chính, ngay ngã tư là ngôi biệt thự màu vàng bơ với ban công và mái vòm trắng nép mình dưới tán dừa, cọ xanh um. Đây là quán cà phê và nhà hàng Terrasse des Élephants, với màn cửa mỏng trắng muốt và những chiếc quạt trần sẫm màu kiểu thuộc địa đang lười biếng quay.

Băng qua Terrasse des Élephants khoảng vài chục mét là một dãy những nhà hàng muôn màu, kê bàn ghế mây ra ngoài hè phố, bên những chậu trồng tre cảnh xào xạc. Nhà kiểu Khmer ở Seam Reap rất chuộng những gam màu nóng như đỏ, vàng, cam với nhiều sắc độ, làm nổi bật những chiếc đèn khổng lồ hình ống bằng vải trắng treo trên tường.

Nhà kiểu Khmer ở Seam Reap rất chuộng những gam màu nóng: đỏ, vàng, cam…
Vì nắng nóng quanh năm nên những ngôi nhà ở đây đều che mái vòm phía trước có màu hòa hợp với nước sơn tường và bàn ghế kê xung quanh. Chúng tôi để ý tới một ngôi nhà sơn vàng cửa chớp và thông gió xanh lá cây đậm, mái vòm che cũng cùng màu vàng tỏa rợp khoảng sân xanh um cây lá. Nếu không có những chiếc quạt máy treo trên tường làm ta nghĩ ngay đến một nước nhiệt đới, rất có thể ai đó nhầm đây là một nhà hàng trên phố xá Paris. Cả ngôi biệt thự sơn trắng xóa cửa xanh da trời đậm nổi bật trên nền sọc đỏ cam của mái che nhà hàng cạnh đó cũng vậy.

Nếu không có những chiếc quạt máy treo trên tường, rất có thể nhầm ngôi nhà sơn vàng cửa chớp và thông gió xanh lá cây đậm này là một nhà hàng trên phố xá Paris
Sau một ngày thăm Angkor mỏi rời chân, chúng tôi ăn tối trên căn gác xép của một quán ăn Khmer có cái tên khá ngộ Le Tigre de Papier (Cọp giấy). Nơi chúng tôi ngồi trông sang nhà hàng Temple Club một điển hình của kiến trúc Pháp kết hợp Campuchia với những mái hình tam giác, tay vịn ban công thấp và thuôn thuôn. Những bóng đèn bọc vải trắng treo đầy trên trần thấp tỏa ánh vàng và ban nhạc người địa phương đang chơi những bài hát truyền thống vui nhộn phục vụ thực khách làm không khí vui vẻ hẳn lên.

Sau bữa ăn tối, chúng tôi sang quán bar cách đó vài căn vì bị ấn tượng bởi chùm đèn treo xinh xắn. Chùm đèn lớn tỏa ánh vàng ấm áp xuống quầy bar làm tôi mơ màng nghĩ đến những kỳ nghỉ xa xôi tận xứ Scandinavia vì trông rất giống kiểu trang trí của Phần Lan hay Thụy Điển.

Cái tên Seam Reap theo tiếng địa phương có nghĩa là chiến thắng quân Xiêm nhưng đã có thời gian, từ năm 1794 đến năm 1907, cả Seam Reap và hệ thống đền đài Angkor bị Thái Lan chinh phục và nắm giữ. Khi những người Pháp đầu tiên khám phá ra Angkor hoành tráng, Seam Reap chỉ là một ngôi làng nhỏ “ngái ngủ” không hơn không kém và chỉ thật sự mở mắt (và mở cửa) đón khách du lịch quốc tế từ khi Pháp giành quyền nắm giữ Angkor từ tay Thái Lan vào những năm đầu thế kỷ XX.

Sáng hôm sau, tôi dành thời gian quay trở lại khu phố gần chợ Psar Chaa, ngắm dãy nhà vuông vắn sơn màu pastel (pha sơn trắng với các loại sơn khác nhau cho dịu mắt) như trong những làng chài Địa Trung Hải. Đáng tiếc là những ngôi nhà tầng trệt để làm cửa hiệu, tầng trên để ở ấy hơi lộn xộn, bảng quảng cáo treo cả bên trên lẫn bên dưới.

Dãy nhà vuông vắn sơn màu pastel như trong những làng chài Địa Trung Hải
Thời gian còn lại trong ngày chúng tôi tản bộ trên những con đường dọc theo hồ Tonle Sap, ngắm những ngôi nhà kiểu Khmer mái nhọn và lan can gỗ lẫn trong hoa giấy và dâm bụt đỏ. Đi một đoạn, chúng tôi bắt gặp FCC (Foreign Correspondents’ Club), cụm khách sạn - nhà hàng - quán bar sang trọng và tinh tế, trước là dinh của đại sứ Pháp thời thuộc địa, sơn trắng nổi bật giữa cây cối xào xạc um tùm.

FCC, cụm khách sạn-nhà hàng-quán bar sang trọng và tinh tế, sơn trắng nổi bật giữa cây cối xào xạc um tùm
Đối diện hồ là một chỗ ngồi tĩnh lặng với ghế mây đen và cụm chuối cảnh xanh mướt, hoa nắng vàng lọc qua những tàn lá cây to trên đầu rớt lốm đốm xuống thềm.

Chỗ ngồi tĩnh lặng ở FCC với ghế mây đen và cụm chuối cảnh xanh mướt, hoa nắng vàng lọc qua những tàn lá cây to trên đầu rớt lốm đốm xuống thềm
Ai cũng nói nếu Seam Reap không có Angkor Wat, Angkor Thom sẽ không có gì hấp dẫn và chẳng có lý do gì để ghé thăm. Chúng tôi đến Campuchia với mục đích chính để đi thăm Angkor, vì vậy thật thú vị khi khám phá ra xứ sở nhỏ bé này có nhiều điều cuốn hút khác nữa.

Nếu lỡ sau này Angkor có biến mất khỏi Seam Reap, tôi sẽ vẫn trở lại thăm nước láng giềng này (có khi lúc đó tôi sẽ là triệu phú như lời ông thầy bói Campuchia đã nói như đinh đóng cột với tôi; ông ngồi giữa khu đền cổ đá rêu phong mờ mờ tối khu Bayon, lại có bóng nắng hắt vô nhìn khá “thiêng liêng” nên hy vọng… trúng). Lúc đó, chắc chỉ còn mỗi mình tôi là du khách vì ai cũng nghĩ “Seam Reap không có Angkor, có gì hay đâu?”.

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2008

Hãy cùng sống “xanh”

TT - Sống xanh (Tủ sách Tuổi Trẻ và NXB Trẻ) không bay bổng, lãng mạn, mượt mà và giàu màu sắc như Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, nhưng vẫn rất đậm một phong cách sẽ khiến người đọc nhận ra Ngô Thị Giáng Uyên: chi chút, dí dỏm, sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm, háo hức với các sắc thái văn hóa, ngập lòng một tình yêu thiên nhiên và đau đáu những biện pháp bảo vệ môi trường.


Nhẹ nhàng, tự nhiên như đang tiếp tục một cuộc nói chuyện với bạn bè, Uyên nhắc “tivi ở chế độ stand-by tốn 80% điện so với tivi đang mở đó”, “tắt vòi nước khi đánh răng sẽ tiết kiệm được 9 lít nước trong một phút”, “in giấy hai mặt, bạn sẽ giúp một cái cây không bị chặt”, “để máy giặt - sấy ở 30oC, bạn sẽ đốt được một lượng CO2 đáng kể”… Và tha thiết hơn: “Hãy nhớ những gì bạn tiết kiệm là cho universe, cho cả vũ trụ, thế giới này”.

Và không chỉ chăm chăm đến môi trường, Uyên còn dùng tất cả những kinh nghiệm mình đã tích lũy được để chỉ cho người đọc những cơ hội tận hưởng cuộc sống dễ bị bỏ qua: những khoảnh khắc tuyệt vời được đắm mình trong sắc trời, hương cỏ thay vì chăm chắm nhìn qua ống kính máy ảnh trên đường du lịch, một món quà nhỏ bất ngờ không chờ một dịp lễ nào, một vài giờ thảnh thơi thỉnh thoảng tự thưởng cho mình, không làm gì để tái tạo khả năng nhận biết hạnh phúc…

Lướt qua những câu chuyện nhỏ dễ nhớ, những hình ảnh hài hước trong Sống xanh sẽ thấy đời xanh thêm một chút. Và sẽ còn xanh thêm nữa khi bạn mang những nhắn gửi của Giáng Uyên vào cuộc sống của mình.