Thứ Năm, 18 tháng 12, 2008

Seam Reap thoáng qua

Cuối năm, khi mọi người bù đầu với những kế hoạch công việc làm ăn, mua sắm, gia đình, cưới hỏi, tự nhiên tôi muốn đi đâu đó xa Sài Gòn, không biết đi đâu nhưng cứ phải đi.

Lang thang trên Internet một lúc, vào đến trang Elephantguide, tôi đọc say mê rồi không cần suy nghĩ mà quyết định luôn: Bay nhảy khắp nơi rồi mà bạn láng giềng chưa đi thăm thì đáng trách quá, đi du lịch Đông Dương thôi. Thế là ngay sáng hôm sau, cùng với một người bạn tên Quỳnh, chúng tôi bắt xe buýt đi Phnom Penh.

Từ xe đò đến xe tuk tuk

Chuyến xe đò từ Phnom Penh đến Seam Reap để thăm Angkor “thuở hồng hoang đã thấy, đã xanh ngời liêu trai” không khác mấy so với những chuyến xe đò liên tỉnh miền Tây ở Việt Nam nhiều năm trước, do chúng tôi chọn đi xe với dân địa phương chứ không theo tour của mấy văn phòng du lịch. Xe địa phương nên cũ mèm, trên nóc xe có cả vịt kêu quàng quạc còn trong xe có tivi mở cải lương Campuchia (cải lương của diễn viên Campuchia thứ thiệt chứ không phải cải lương Việt Nam lồng tiếng Campuchia).

Những ngôi nhà kiểu Khmer mái nhọn và lan can gỗ lẫn trong hoa giấy và dâm bụt đỏ
Trời tháng 12 nóng bức, những con đường đất đỏ mùa khô bụi cuốn lên mù mịt. Xe dừng lại nghỉ chân ở một nơi bán đầy bọ cạp, rết, dế nhủi chiên giòn... Mấy đứa trẻ da sạm nắng đang bưng những rổ trái cây đi bán cho khách. Để ý một bé gái mắt to và nâu, cầm những hộp mít đã bóc ra vàng ngậy, tôi mua một hộp mà còn nhớ cặp mắt của nó mở to như muốn hỏi khi nào mình mới được đi chơi như những du khách mua mít qua đường.

Xe đến Seam Reap trời đã sập tối. Bến xe vắng vẻ, buồn hiu hắt, lại cách trung tâm rất xa. Chúng tôi lên đại một chiếc tuk tuk vì anh chàng chạy xe khẳng định mình biết rành Seam Reap như trong lòng bàn tay và biết rõ cả đường đến khách sạn chúng tôi đã đặt trước.

Ngôi biệt thự sơn trắng xóa, cửa xanh da trời đậm, nổi bật trên nền sọc đỏ cam của mái che nhà hàng kế bên
Một người đàn ông trung niên người Ireland đi cùng chuyến xe buýt với chúng tôi cũng đang ngồi lên yên sau một chiếc xe máy, vẫy tay: “Các cô, tôi đi đây. Hẹn gặp lại!” (nói giỡn chơi vậy mà thành thiệt, vì hai ngày sau chúng tôi tình cờ gặp nhau ở Angkor). Đường miền quê gồ ghề, còn chiếc xe chạy hết tốc độ, rung xồng xộc, gió thổi vù vù quanh tai, tôi hét át tiếng gió và máy xe “Chạy chậm lại giùm!”, nhưng anh lái xe không nghe thấy hay giả điếc mà mặt lạnh như tiền cứ chạy rầm rầm.

Trước khi tôi đi Campuchia, ai cũng khuyên đặt tour cho chắc, đừng tự đi một mình vì nguy hiểm và còn hù “dân ở đó ghét người Việt lắm”, tôi bỏ ngoài tai, bởi “Người ta đi hà rầm có sao đâu. Ta là dân du lịch chuyên nghiệp mà, khéo lo”. Nhưng lúc đó tôi sợ thật sự. Đường vắng tanh vắng ngắt không bóng người hay bóng điện, cây cối vẽ lên nền trời đêm những nét dọa dẫm. Nhìn quanh, tự nhiên tôi rợn xương sống. Có khi nào gã lái tuk tuk chở mình vào chỗ buôn người hay nhốt lại đòi tiền chuộc?

Seam Reap: Chợ, món ăn địa phương và phố xá

Chỉ khi đến được khách sạn nhận phòng rồi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm rủ Quỳnh ra ngoài phố ăn tối. Không tới khu phố Tây ba lô hội hè, chúng tôi tới một chợ nhỏ đầu đường, thắp đèn hột vịt lù mù. Chợ bàn ghế thấp lè tè trải khăn nhựa in hoa sặc sỡ, bán xôi đậu đen, gà luộc, trứng gà nướng, phá lấu, cơm ống tre, chè, nước mía… Có một xe bán gân, sách bò chấm mắm gừng với nhiều rau ăn kèm thật hấp dẫn.

Cô gái bán hàng rất dễ thương da ngăm và gương mặt đặc trưng của người Khmer lấy chuối chát, khế chua, dưa leo, cà pháo, xắt bằng tay dẻo như múa, rồi sắp vào đĩa gân sách bò kèm thêm ít rau xanh làm thành hai đĩa. Chúng tôi ăn ngon lành vì đói. Mắm gừng có ớt hiểm cay xé lưỡi, gân, sách bò miếng mềm, miếng giòn sần sật mặn mà, cà pháo giòn tan, dưa leo mát rượi, quyện với chuối và khế thật ngon lành.

Seam Reap hoàn toàn có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn ngay cả khi không có Angkor. Khu phố gần chợ Psar Chaa (chợ lớn ở trung tâm) có nhiều ngôi biệt thự kiểu Pháp xưa và những dãy nhà kiến trúc kết hợp Pháp - Khmer lạ mắt xinh đẹp. Nhà cửa ở đây được sơn nhiều màu sặc sỡ nhưng không quá lòe loẹt, hài hòa với khung cảnh xung quanh.

Nhà hàng Terrasse des Élephants với màn cửa mỏng trắng muốt và những chiếc quạt trần sẫm màu kiểu thuộc địa, lười biếng quay
Từ nơi chúng tôi ở bước ra khu phố chính, ngay ngã tư là ngôi biệt thự màu vàng bơ với ban công và mái vòm trắng nép mình dưới tán dừa, cọ xanh um. Đây là quán cà phê và nhà hàng Terrasse des Élephants, với màn cửa mỏng trắng muốt và những chiếc quạt trần sẫm màu kiểu thuộc địa đang lười biếng quay.

Băng qua Terrasse des Élephants khoảng vài chục mét là một dãy những nhà hàng muôn màu, kê bàn ghế mây ra ngoài hè phố, bên những chậu trồng tre cảnh xào xạc. Nhà kiểu Khmer ở Seam Reap rất chuộng những gam màu nóng như đỏ, vàng, cam với nhiều sắc độ, làm nổi bật những chiếc đèn khổng lồ hình ống bằng vải trắng treo trên tường.

Nhà kiểu Khmer ở Seam Reap rất chuộng những gam màu nóng: đỏ, vàng, cam…
Vì nắng nóng quanh năm nên những ngôi nhà ở đây đều che mái vòm phía trước có màu hòa hợp với nước sơn tường và bàn ghế kê xung quanh. Chúng tôi để ý tới một ngôi nhà sơn vàng cửa chớp và thông gió xanh lá cây đậm, mái vòm che cũng cùng màu vàng tỏa rợp khoảng sân xanh um cây lá. Nếu không có những chiếc quạt máy treo trên tường làm ta nghĩ ngay đến một nước nhiệt đới, rất có thể ai đó nhầm đây là một nhà hàng trên phố xá Paris. Cả ngôi biệt thự sơn trắng xóa cửa xanh da trời đậm nổi bật trên nền sọc đỏ cam của mái che nhà hàng cạnh đó cũng vậy.

Nếu không có những chiếc quạt máy treo trên tường, rất có thể nhầm ngôi nhà sơn vàng cửa chớp và thông gió xanh lá cây đậm này là một nhà hàng trên phố xá Paris
Sau một ngày thăm Angkor mỏi rời chân, chúng tôi ăn tối trên căn gác xép của một quán ăn Khmer có cái tên khá ngộ Le Tigre de Papier (Cọp giấy). Nơi chúng tôi ngồi trông sang nhà hàng Temple Club một điển hình của kiến trúc Pháp kết hợp Campuchia với những mái hình tam giác, tay vịn ban công thấp và thuôn thuôn. Những bóng đèn bọc vải trắng treo đầy trên trần thấp tỏa ánh vàng và ban nhạc người địa phương đang chơi những bài hát truyền thống vui nhộn phục vụ thực khách làm không khí vui vẻ hẳn lên.

Sau bữa ăn tối, chúng tôi sang quán bar cách đó vài căn vì bị ấn tượng bởi chùm đèn treo xinh xắn. Chùm đèn lớn tỏa ánh vàng ấm áp xuống quầy bar làm tôi mơ màng nghĩ đến những kỳ nghỉ xa xôi tận xứ Scandinavia vì trông rất giống kiểu trang trí của Phần Lan hay Thụy Điển.

Cái tên Seam Reap theo tiếng địa phương có nghĩa là chiến thắng quân Xiêm nhưng đã có thời gian, từ năm 1794 đến năm 1907, cả Seam Reap và hệ thống đền đài Angkor bị Thái Lan chinh phục và nắm giữ. Khi những người Pháp đầu tiên khám phá ra Angkor hoành tráng, Seam Reap chỉ là một ngôi làng nhỏ “ngái ngủ” không hơn không kém và chỉ thật sự mở mắt (và mở cửa) đón khách du lịch quốc tế từ khi Pháp giành quyền nắm giữ Angkor từ tay Thái Lan vào những năm đầu thế kỷ XX.

Sáng hôm sau, tôi dành thời gian quay trở lại khu phố gần chợ Psar Chaa, ngắm dãy nhà vuông vắn sơn màu pastel (pha sơn trắng với các loại sơn khác nhau cho dịu mắt) như trong những làng chài Địa Trung Hải. Đáng tiếc là những ngôi nhà tầng trệt để làm cửa hiệu, tầng trên để ở ấy hơi lộn xộn, bảng quảng cáo treo cả bên trên lẫn bên dưới.

Dãy nhà vuông vắn sơn màu pastel như trong những làng chài Địa Trung Hải
Thời gian còn lại trong ngày chúng tôi tản bộ trên những con đường dọc theo hồ Tonle Sap, ngắm những ngôi nhà kiểu Khmer mái nhọn và lan can gỗ lẫn trong hoa giấy và dâm bụt đỏ. Đi một đoạn, chúng tôi bắt gặp FCC (Foreign Correspondents’ Club), cụm khách sạn - nhà hàng - quán bar sang trọng và tinh tế, trước là dinh của đại sứ Pháp thời thuộc địa, sơn trắng nổi bật giữa cây cối xào xạc um tùm.

FCC, cụm khách sạn-nhà hàng-quán bar sang trọng và tinh tế, sơn trắng nổi bật giữa cây cối xào xạc um tùm
Đối diện hồ là một chỗ ngồi tĩnh lặng với ghế mây đen và cụm chuối cảnh xanh mướt, hoa nắng vàng lọc qua những tàn lá cây to trên đầu rớt lốm đốm xuống thềm.

Chỗ ngồi tĩnh lặng ở FCC với ghế mây đen và cụm chuối cảnh xanh mướt, hoa nắng vàng lọc qua những tàn lá cây to trên đầu rớt lốm đốm xuống thềm
Ai cũng nói nếu Seam Reap không có Angkor Wat, Angkor Thom sẽ không có gì hấp dẫn và chẳng có lý do gì để ghé thăm. Chúng tôi đến Campuchia với mục đích chính để đi thăm Angkor, vì vậy thật thú vị khi khám phá ra xứ sở nhỏ bé này có nhiều điều cuốn hút khác nữa.

Nếu lỡ sau này Angkor có biến mất khỏi Seam Reap, tôi sẽ vẫn trở lại thăm nước láng giềng này (có khi lúc đó tôi sẽ là triệu phú như lời ông thầy bói Campuchia đã nói như đinh đóng cột với tôi; ông ngồi giữa khu đền cổ đá rêu phong mờ mờ tối khu Bayon, lại có bóng nắng hắt vô nhìn khá “thiêng liêng” nên hy vọng… trúng). Lúc đó, chắc chỉ còn mỗi mình tôi là du khách vì ai cũng nghĩ “Seam Reap không có Angkor, có gì hay đâu?”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét