Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009

Giải mã một tình yêu

TT - Đặt chân đến Anh xem bóng đá mới thấy cổ động viên (CĐV) không chỉ là nguồn sống mà còn là sức mạnh tinh thần thật sự cho mỗi CLB. Dấu kết nối giữa CĐV và CLB là một tình yêu sâu đậm của khách hàng trung thành với thương hiệu!

CĐV nhí của đội Sunderland vui mừng khi đội nhà trụ hạng mùa này. Tình yêu bóng đá của fan Anh được nuôi dưỡng và vun đắp từ nhỏ - Ảnh: Reuters
Bóng đá xứ mình, dù dân ta say mê môn thể thao vua này vô bờ bến, nhưng ở sân nhà khán giả có mặt khi được khi mất. Trên sân khách, nhiều đội bóng thậm chí còn phải bỏ tiền thuê CĐV, may áo cho CĐV mặc, lo cả xe cho CĐV đi…

Hơn một tuần ngắn ngủi trên đất Anh, lang thang nhìn ngắm, có lúc cận cảnh, có lúc từ xa, vòng quanh qua các bảo tàng, sân đấu, cửa hàng của các CLB Manchester United (M.U), Liverpool, Arsenal, Chelsea, Everton, chúng tôi thử làm một việc “phi lý” là tìm cách lý giải cho ra … mối tình sâu đậm giữa đội bóng và CĐV!

Theo cùng năm tháng…

Tôi theo cha đến sân Thống Nhất (TP.HCM) lúc còn niên thiếu từ khi nơi này vẫn còn mang tên sân vận động Cộng Hòa. Thời đó, tôi say sưa với giọng tường thuật phát thanh của ông Huyền Vũ và xem không chán những cuộc trình diễn của các tên tuổi như Ngôn 1, Ngôn 2, Tư Lê, Trung “đầu hói”, Vinh “đầu hói”, Quang Đức Vĩnh, Võ Thành Sơn…, đặc biệt nhất là Tam Lang. Chính hình ảnh người trung vệ đội trưởng áo trắng Tam Lang và không khí cổ động đặc sệt chất Sài Gòn ở khán đài B dù mưa dù nắng đã nuôi dưỡng trong tôi một tình yêu không bao giờ phai nhạt đối với đội bóng Cảng Sài Gòn sau này…

Trẻ em bên Anh theo cha mẹ đến sân cổ vũ cho đội bóng của gia đình là điều ai cũng có thể thấy qua ống kính truyền hình. Ngày 10-5-2009, chúng tôi rất ấn tượng và xúc động khi tận mắt chứng kiến ngay trên sân Emirates một đôi cha con sung sướng hôn nhau dù chỉ được một lần khi Bendtner (26) ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Chelsea trong một trận cầu thảm bại đến 1-4 của Arsenal ngay trên sân nhà tại vòng đấu thứ 36 Giải ngoại hạng Anh mùa bóng này. Khi tan trận, ra cổng lại nhìn thấy một đại gia đình, trong đó có rất nhiều em nhỏ, tất cả đều xanh màu áo Chelsea, đang vui đùa cùng nhau khi nán lại tận hưởng men say chiến thắng của đội nhà ngay trên sân khách, gương mặt ai cũng rạng màu phấn khích của niềm vui bóng đá hòa với hạnh phúc gia đình.

Chúng ta thường thấy trước khi trận đấu mở màn xuất hiện một bạn nhỏ, thường 6-10 tuổi được chọn đế làm mascot (linh vật) của đội bóng. Đó là những em được chọn ngẫu nhiên từ danh sách một “CLB thành viên nhí”, chẳng hạn ở Arsenal được gọi là các Junior Gunner (pháo thủ nhí, vì biểu tượng của đội bóng áo đỏ này là một khẩu thần công, bảo vệ pháo đài). Các em được cha mẹ đăng ký và đóng tiền tham gia. Các em được mua vé giảm giá, được dự tiệc dành cho các fan, được tham gia đặt câu hỏi trực tiếp với cầu thủ yêu thích trên diễn đàn của CLB… Các em cũng có thể trực tiếp gặp gỡ các ngôi sao một thời vang bóng, nhìn ngắm chiếc cúp thành tích, sờ chạm hiện vật hay ký ức về những khoảnh khắc không quên…

Và như thế, tình yêu dành cho CLB cứ lớn dần theo năm tháng qua kỷ niệm từ gia đình, nhà trường… Một chàng trai tên Michael, hiện là kế toán một công ty ở London, chỉ “cố sống cố chết” ủng hộ đội Luton Town, một đội bóng hạng ba mới bị xuống hạng tư mùa bóng năm nay. Mới 29 tuổi nhưng anh đã có thâm niên gần 20 năm có mặt trên sân tất cả những trận có Luton Town thi đấu, cả sân nhà lẫn sân khách. Mỗi lần gặp một đội nào đó ở xa, anh và cha lái xe hay đi tàu có khi cả ngàn cây số cả đi lẫn về để xem.

Ngôi nhà chung

Điều đầu tiên của các CLB là phải biến sân vận động của đội bóng trở thành mái nhà chung, biến mỗi trận đấu thành một ngày hội thật sự của hàng vạn CĐV. Chính ở nơi đó, mỗi CĐV được bày tỏ và thỏa mãn trong sự thể hiện tình yêu với CLB. Dĩ nhiên trong tuyệt đối an ninh. Khán giả vào sân phải qua hàng rào tự động kiểm tra vé từng người. Bia đựng trong chai… nhựa, và tuyệt đối không được mang lên khán đài. Nước uống đóng chai chỉ được mang lên sau khi để lại … nắp chai. Bảo vệ quan sát khán giả như camera ghi hình! Và bên ngoài sân, cảnh sát kỵ binh cưỡi ngựa sẵn sàng hành động. Nhờ thế cuộc vui mới trọn vẹn.

Trước giờ khai cuộc, trên mọi nẻo đường dẫn đến sân vận động, CĐV đi bộ tràn ngập, ca hát, reo hò không dứt, tiếng cười nói vang dội hòa với sắc áo truyền thống nhưng đa dạng kiểu dáng, làm thành một thứ men khai vị rất bốc cho bữa tiệc bóng đá. Trong sân có đủ chỗ cho mọi sinh hoạt của các fan có mặt từ sớm. Có nhà hàng sang trọng cho hội viên hạng VIP, lại có nơi bán thức ăn nhanh, bán bia chai uống tại chỗ. Bạn có thể tổ chức sinh nhật tại đây nếu đăng ký trước. Có cả những buổi giao lưu, chụp ảnh với các ngôi sao, đấu giá, rút thăm trúng thưởng, làm từ thiện …

Những khán giả trung thành thường mua vé suốt mùa bóng (season ticket), nghĩa là vé xem tất cả các trận của CLB trên sân nhà. Dĩ nhiên sẽ rẻ hơn là mua vé lẻ xem từng trận và còn được ưu tiên mua vé xem trận trên sân khách. Lại có loại thẻ thành viên trung thành (loyalty card), mỗi lần mua vé sẽ tích lũy điểm thưởng để hưởng ưu đãi, và được ưu tiên mua vé xem các trận đấu bên ngoài nước Anh. Everton lại có một cách rất độc đáo để mỗi CĐV góp lòng trung thành của mình xây dựng CLB: kêu gọi CĐV gửi tiền tiết kiệm tại Tổ chức tài chính Britannia Building Society (BBS), người gửi sẽ được một tỉ lệ lãi suất hấp dẫn và được dự rút thăm trúng thưởng đặc biệt.

Đồng thời hằng năm, căn cứ vào tổng số dư của khách hàng là CĐV của CLB, BBS sẽ tặng Everton số tiền tương đương 1%. Riêng CLB Manchester City còn bán cả bảo hiểm cho CĐV.

Có một thứ rất đặc biệt ở đây là những cuốn programme, bán hẳn hoi với giá từ 3-5 bảng Anh. Đó là những quyển chương trình, in màu rất đẹp, hình ảnh bắt mắt, khổ giống như cuốn tạp chí nhỏ, chứa đầy đủ thông tin về trận đấu đó, như cầu thủ sẽ ra sân, phát biểu trước trận đấu, ý kiến các chuyên gia… Những fan trung thành coi đó như là một hình thức sưu tập, trận nào cũng mua một quyển. Nếu lỡ sót thì tìm mua lại của người khác, hệt như thiên hạ sưu tầm tem.

Có fan trung thành của CLB West Ham United có tất cả các cuốn chương trình trong vòng 50 năm trở lại đây. Những quyển càng xưa càng có giá trị, có thể đem đấu giá vì hiếm. Kỷ lục thuộc về chương trình chỉ vỏn vẹn một trang cho trận chung kết Cúp FA năm 1888, được mua với giá tương đương 600 triệu đồng VN. Ý tưởng những cuốn chương trình này đã ra đời từ cuối thế kỷ 19 và theo chân các CĐV qua hai cuộc chiến tranh thế giới đầy bom đạn đến ngày hôm nay. Mua những cuốn này cũng là một cách gắn bó với CLB cả về tinh thần (dõi theo những gì đang diễn ra với đội bóng con cưng) lẫn vật chất (ủng hộ đội bóng về mặt tài chính). Những fan của Chelsea từ thuở “hàn vi” chắc vẫn còn nhớ cách đây không lâu mình đã mua từng cuốn programme để ủng hộ đội nhà lúc bấy giờ đang nợ như chúa chổm.

Năm năm liên tiếp gần đây các CLB của Anh đều có mặt trong trận chung kết Champions League châu Âu. Bóng đá Anh xứng đáng có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ, vượt ra ngoài biên giới hòn đảo nhỏ đầy mưa và sương mù để trở thành giải bóng đá có sức quyến rũ nhất và được hâm mộ nhất hành tinh. Điều đó phần nào được “giải mã” khi ta hiểu cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, biết đầu tư đúng chỗ, cùng với châm ngôn không khi nào được làm nản lòng CĐV dù “vật đổi sao dời”.

DUYÊN TRƯỜNG - GIÁNG UYÊN

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Về trước đàn chim nhạn

Có lẽ nếu gặp chị ở Việt Nam, tôi sẽ không ngỡ ngàng vì chị dù nhỏ nhắn nhưng giữa những người Việt khác sẽ bình thường. Nhưng đã lâu tôi đi làm hay ra phố nhìn người phương Tây cao lớn đã quen mắt, tự nhiên nhìn chị nhỏ bé tôi thấy thương thương, như thể tôi cần che chở cho chị trong cuộc sống nhiều bất trắc.

Hoa xuân
Gương mặt chị giãn ra vì mừng rỡ khi mở cửa cho tôi vào: “Vậy là em đi đường không sao! Chị cứ lo…”. Tôi cười: “Em “giang hồ” thứ thiệt mà chị, khéo lo chi không biết. Với lại em tới Thụy Sĩ lần thứ tư rồi”. “Ừ, chị biết em quen đi nhiều, nhưng cũng cứ thấy lo lo sao đó. Chắc tại bản tính chị hay lo xa. Em đi đường có mệt không?”. “Từ Anh qua đây có hai tiếng đồng hồ, không mệt lắm đâu chị”.

Trong lúc chờ tôi rửa mặt mũi, chị sửa soạn bữa tối trong bếp rồi dọn ra bàn ăn. Cơm trắng, rau muống xanh non và một dĩa dồi thơm phức. Trong lúc tôi ngồi vào bàn, chị mở hộp: “Đặc sản nè em! Thịt kho sả ruốc kiểu Huế”. Tôi reo lên sung sướng. Bữa cơm rất ngon miệng, ruốc sả Huế mằn mặn ăn rất bắt cơm, lại thêm rau muống luộc chấm nước mắm chị pha sẵn ngon hết biết. Trong lúc tôi ăn, chị múc nước luộc rau muống bốc khói nghi ngút, vắt chanh rồi để lên bàn “tiếp tế”. Đã hơn một năm tôi mới ăn bữa cơm Việt Nam đầu tiên, lại ngon lành đến vậy nên ăn hết bốn chén cơm, đến khi no căng bụng mới thôi.

Chị nói: “Tết vừa rồi chị về Sài Gòn mua mấy tờ báo có đăng bài em, chị mang qua rồi giữ lại đây, em đọc không?”. Tôi phì cười: “Bài em viết mà chị, đâu có gì lạ đâu mà đọc”. Chị cất mấy tờ báo: “Em giỏi quá, chị lúc nào cũng thấy hãnh diện vì em. Con gái còn trẻ mà một mình đi làm ở châu Âu, làm việc giỏi lại còn viết văn nữa”. Tôi im lặng, đã có nhiều người khen tôi tương tự như vậy nhưng mỗi lần được khen tôi vẫn lúng túng không biết phải nói gì.

Chồng chị mang hai con đi chơi nhà nội đã về tới nhà. Em bé gái hơn một tuổi được ba ẵm ngủ say trên vai ba, còn cậu con trai ba tuổi nhát người lạ chào tôi rồi chạy vào phòng. Tôi trò chuyện với anh khi chị chuẩn bị cho hai em bé ngủ. Anh là quản lý khá cao cấp tại một ngân hàng ở Zurich, lịch sự nhưng không có vẻ xa cách mà rất thân tình. Hai em bé xinh xắn đáng yêu.

Tôi không nói ra nhưng mừng cho chị có cuộc sống bình yên. Chỉ mới gặp chị lần đầu nhưng tôi thấy người phụ nữ gầy gò nhỏ nhắn chỉ lớn hơn tôi bốn tuổi này dường như có điều gì buồn, không phải nỗi buồn của một người không có hạnh phúc, hoặc thiếu thốn tình cảm hay vật chất, mà là nỗi buồn đối với tôi mơ hồ khó định nghĩa được.

Hai chị em nói chuyện đến khuya, những câu chuyện thật vui vẻ, phần lớn là chuyện Việt Nam, chị vừa về nên cập nhật cho tôi vô số thứ, từ những chuyện khá “nhảm” về hậu trường những người nổi tiếng (thật ra muốn nghe những chuyện này chỉ cần lên mạng Internet đầy rẫy, nhưng tôi thích nghe kể hơn), đến những ngày chị đi học ở Đà Lạt, những rừng hoa mimosa đã bị chặt mất và những con sông miền Bắc không còn như xưa.

Tôi kể về những đứa bạn thân trung học, đại học, về công việc của tôi ở Anh, về Sài Gòn đất rộng người đông thiếu cây xanh và hoa, mỗi lần về chỉ muốn đón tàu về quê miền Trung xa ngái có ruộng lúa cây tre mà ở.

Lan man một lúc, chúng tôi nói về hai đứa bé đẹp như thiên thần của chị, về bé trai có nét châu Á còn bé gái tóc xoăn nét giống ba. Tôi bảo: “Được như chị là nhất rồi, em chưa bao giờ nghĩ tới chuyện có con nhưng thấy hai đứa dễ thương quá cũng mê liền”.

Chị uống hết nước trong chiếc ly thủy tinh đặt trên bàn rồi đứng dậy: “Chị đi lấy nước, em uống thêm nước không chị lấy luôn?”. Trong khi chờ chị, tôi sửa lại dáng ngồi cho thoải mái hơn trên ghế sofa, nghĩ về một nỗi buồn khó định nghĩa. Đồng hồ đã chỉ hai giờ khuya nhưng tôi không buồn ngủ, cũng không thấy mệt, tôi mơ hồ nhận ra chính lúc này có thể hiểu được vì sao tôi nhìn nơi chị nỗi buồn kia.

Chị đặt hai ly nước lên bàn. Tôi im lặng. Chị cũng im lặng, rồi nói “Đáng lẽ chị có ba đứa con, em à!”.

Tôi nhận ra mình đã đổi sang dáng ngồi chống cằm, những ngón tay che miệng. Không cần phải là người biết quan sát sắc sảo cũng nhận ra được đó là dáng ngồi của một người không muốn nói, hoặc không biết nói gì. Tôi muốn nói một điều gì đó, chia buồn chẳng hạn, nhưng nghĩ mãi vẫn không biết tìm lời gì cho hợp lẽ.

“Đứa đầu tiên của chị là con trai nhưng không phải bé M. Em bé chết trong bụng mẹ. Trước đó chị vẫn đi khám thai thường xuyên, không có vấn đề gì. Trước khi em bé được bảy tháng, chị đến khám như thường lệ, vui lắm, con đầu lòng mà em. Phòng khám bác sĩ nằm trên đồi, lúc đó đang là mùa xuân, nằm trên ghế khám nhìn ra đồi hoa nở đầy, đẹp lắm. Bác sĩ báo tin cho chị biết lúc chị đang nhìn ra đồi hoa, lúc đó những bông hoa là thứ đầu tiên chị nhìn thấy, ập vào mắt chị”.

Ở châu Âu, tôi thích nhất mùa xuân. Ngày bắt đầu dài ra, mặt trời lặn trễ hơn. Hoa mận, hoa táo, hoa đào nở bung khắp các cành cây trụi lá rồi rắc li ti xuống tóc. Dưới đất có tulip, dạ lan hương, tử đinh hương muôn màu..., và nhất là thủy tiên, loài hoa “về đây trước đàn chim nhạn” như lời một câu thơ của Shakespeare.

“Em biết không, bây giờ mỗi năm cứ tới mùa xuân, nhìn thấy hoa nở nhiều ngoài đường chị lại bị nhức đầu. Bác sĩ nói đây là vấn đề tâm lý, uống thuốc không khỏi được. Tới bây giờ đã có hai con rồi, chị vẫn còn nhức đầu mỗi khi thấy hoa bắt đầu nở mùa xuân”.

“Vậy hả chị?” - Nói xong, tôi chợt thấy lời của mình vô duyên và thừa thãi. Không thấy gương mặt đỏ bừng lúng túng của tôi, chị bình thản: “Em bé chết trong bụng nhưng vẫn sinh ra em à. Sinh ra, đặt tên và làm lễ rửa tội như em bé vẫn còn sống. Em bé chôn trên nghĩa trang trên đồi. Chị cũng hay đem hai em lên thăm mộ anh, ở đây mộ trẻ con họ làm đẹp lắm, có nhiều chong chóng, nhiều hoa”.

Buổi sáng tôi ngủ dậy trễ, trong giấc ngủ vẫn lơ mơ nghe trong phòng khách tiếng chị suỵt hai đứa nhỏ không được nói cười to để tôi ngủ say. Chị và tôi đi ngủ lúc gần bốn giờ sáng, nhưng dường như khi hai đứa bé ngủ dậy lúc bảy giờ chị đã dậy cùng với con.

Người phụ nữ mảnh dẻ tưởng chừng như yếu đuối đó quả có một sức mạnh lớn hơn tôi tưởng, cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi xấu hổ vì ý nghĩ lúc ban đầu gặp chị, rằng trông chị nhỏ bé cần che chở trong cuộc sống đầy bất trắc. Đến lúc này tôi mới nhận ra chị mới là người có thể che chở tôi, nếu có lúc nào đó tôi gặp điều gì phiền muộn.

Như đã định, tôi chỉ ở Zurich có một ngày rồi đón tàu qua Áo thăm người quen. Kỷ niệm với gia đình chị chỉ dừng lại thêm ở bữa trưa món linguine hải sản tươi ngon chị làm và những lúc tôi chơi với hai em bé. Bé gái chỉ vào món Ý kêu “pasta” rồi chỉ tô cơm gọi “cơm”. Chị cười “Nó dễ ăn lắm. Nhìn mũm mĩm vậy chắc là nhờ cơm với nước mắm”. Bé trai đã quen tôi, theo vào phòng khách. Tôi chỉ chậu phong lan trên bàn, nói “bông”, nó nói theo “bong”, rồi sau đó thấy tôi đi đâu lại kéo tay chỉ chậu hoa gọi “bong”.

Nước Anh năm nay trải qua một mùa đông lạnh bất thường, với bão tuyết trắng xóa khắp nơi và những đêm dài đầy sương muối. Qua mùa đông, tôi đọc lại cuốn Đồi gió hú của Emily Bronte, đoạn tả Catherine khi chồng mang những bông hoa crocus* vàng đặt lên gối giường bệnh vào một ngày đầu xuân. “Đây là những bông hoa đầu tiên trên Đồi”, nàng thốt lên. “Chúng làm em nhớ đến những cơn gió mềm mại, những tia nắng ấm và tuyết sắp tan”…

Tháng Tư, tháng Năm nước Anh vào xuân, hoa nở tràn lan trên lối đi, trong những khu vườn cỏ lên xanh mướt, trên những cây táo mới tháng trước còn vươn cành khẳng khiu lên nền trời xám, trên những đồng cỏ trải dài có đàn cừu non mới sinh nhảy loi choi. Những bông hoa vẫn làm tôi vui vì biết mùa xuân tươi đẹp đang chờ, nhưng có những khoảnh khắc mở cửa sổ nhìn ra vườn ngập hoa lại nghĩ đến Zurich cũng sang xuân, không biết chị có nguôi nhớ đứa bé về trước đàn chim nhạn?
____________

(*) Crocus: hoa nghệ tây, cánh dày hao hao giống hoa sứ, thường có màu vàng, trắng hoặc tím, nở vào mùa xuân

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Chuyện mắm ba khía ở London

TTCT - Mỗi lần muốn ăn món Việt Nam tôi phải tới Hackney ở phía bắc London, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Vài tháng một lần, tôi vào mấy quán Việt trên đường Mare mua vội vàng nhiều món rồi về.
Tình cờ đợt đi lần này tôi phát hiện một món đựng trong hộp nhựa vuông nhỏ xíu trong quầy đông lạnh, nhìn không có vẻ gì khởi sắc. Nhưng lướt mắt qua tôi vui mừng khi thấy hàng chữ “mắm ba khía” bên trên.

Bắt ba khía kiếm sống trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long
Tôi mua ngay, không phải vì rẻ quá (mà rẻ thật, một hộp khoảng hai lạng chỉ có 1,5 bảng Anh, khoảng 38.000 đồng) mà vì nghe đồn mắm ba khía ngon lắm nhưng chưa thử lần nào.

Về tới nhà, có thèm đến mấy cũng phải ráng chờ đến cuối tuần hai bạn chung nhà đi chơi tôi mới khui hộp mắm. Sống chung với dân bản xứ, tôi giữ ý không nấu những món mình thấy thơm nức mũi nhưng người ta không chịu được mùi, giống như mình không chịu được mùi phômai lên mốc xanh mốc đen của Tây hoặc đậu phụ Đài Loan.

Tôi múc vài muỗng mắm ba khía vào chén rồi cho vào lò vi ba để rã đông. Ba bốn phút sau mùi mắm bốc lên thơm lừng. Món mắm ngon không phụ lòng chờ đợi, thơm mùi đặc trưng khác với những loại mắm tôi từng ăn, càng ba khía mập mạp đỏ au, cắn vỡ ra để lộ những miếng thịt mằn mặn hơi giống thịt cua muối, ăn kèm khế chua chua, gừng cay nồng và những gia vị, rau thơm khác làm vị giác kích thích dễ sợ.

Đang ăn, chợt tôi liếc thấy miếng giấy lấy ra từ bao bì hộp mắm có ghi “Mangrove crabs” (Cua cây đước). Bất giác tôi nhớ câu ca dao hay dân ca gì đó:

Tháng bảy nước chảy Cà Mau
Tháng mười ba khía hội, kéo nhau đi làm
U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm
Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi.

Rồi cũng tự nhiên tôi nhớ một bài viết về mắm ba khía. Ba khía chỉ hội vào vài ngày tháng 10 âm lịch, thời điểm đó người “làm” ba khía phải chịu thức đêm thức hôm, ngủ bờ ngủ bụi, chịu muỗi chích, vắt cắn để bắt được ba khía, có khi tay sưng lên vì bị càng ba khía kẹp. Người viết cũng nói thêm “đi làm ba khía là nghề hạ bạc của con nhà nghèo”.

Sao có thể mua món mắm ba khía ở Anh với giá rẻ đến vậy? Hầu hết những món đông lạnh xuất qua châu Âu toàn loại ngon nhất ở VN, tôi đoán người mình không ăn để dành xuất khẩu. Người bắt ba khía sau mấy đêm ngủ rừng đước, rừng mắm, rừng tràm có bán trực tiếp được cho công ty xuất khẩu không, hay còn phải qua trung gian nữa. Rồi công đoạn muối, giã tỏi, ớt, tiêu, chờ đủ ngày tháng mắm chín cho vào hộp đông lạnh theo tàu chở qua châu Âu.

Tôi chưa về miền Tây vào ngày hội ba khía để thấy cảnh bắt ba khía cực đến mức nào, nhưng tôi đã thấy những người đàn bà ngâm mình tới thắt lưng dưới nước trong cái lạnh căm căm của miền Bắc vào tháng chạp âm lịch. “Họ riu tôm đấy cháu ạ!” - ông già tóc bạc chèo thuyền chở tôi thăm Tam Cốc ở Ninh Bình nói.

Người ta riu tôm ở những khoảng sông hay khoảng đồng ngập nước đầy rong rêu lau sậy, phải ngâm mình cả ngày mới được mớ tôm mang ra chợ. Tôi cũng thấy những con tôm nhỏ đó ở chợ quê Hoa Lư, nhỏ như con tép bạc búng lóc xóc, không biết bán có đủ mua gạo để ăn!

Tôi cúi xuống món mắm ba khía vẫn còn thơm lừng, nghĩ sao người dân quê VN mình khổ quá. Rồi tặc lưỡi: “Thời buổi kinh tế toàn cầu suy thoái, ai cũng khổ chớ đâu phải chỉ người dân quê VN mình”. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đúng là ai cũng khổ, nhưng Warren Buffett lỗ 25 tỉ USD từ chứng khoán thì tài sản vẫn còn 37 tỉ USD, chỉ phải nhường lại ngôi giàu nhất thế giới cho người khác chứ đâu đến nỗi.

Ai cũng khổ, nhưng dân Anh mất việc thì vẫn có trợ cấp xã hội, tuy cũng “muối mặt” lắm chứ không vui vẻ gì nhưng có còn hơn không. Ai cũng khổ, đồng bảng Anh có xuống giá thê thảm thì vật giá hầu như toàn bộ các nước châu Âu khác vẫn rẻ hơn ở Anh, trước đây rẻ hơn gấp rưỡi, gấp đôi thì bây giờ rẻ hơn ít lại, dân Ănglê buồn vì mùa đông lạnh lẽo vẫn có thể đi tắm biển Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cho nỗi buồn vơi đi mà không sợ tốn kém nhiều.

Có ai đó nói người giàu trở thành nghèo sẽ là người khổ nhất vì đã quen với sự sung sướng, trong khi người nghèo hoài không khổ vì họ đã biết sung sướng, thừa mứa là gì đâu mà so sánh với hoàn cảnh hiện tại. Có lẽ người nói câu đó chưa thấy những chị ngâm mình dưới nước lạnh buốt riu tôm, hay những thanh niên ăn bụi nằm bờ ở rừng mắm, rừng đước chờ bắt ba khía.

Người nông dân nghèo vốn đã “khó từ ngã bảy ngã ba khó về”, bây giờ thời buổi khủng hoảng càng khổ hơn vì vật giá leo thang chóng mặt, ai lỡ có con đi học ở thành phố lại càng điêu đứng. Lần về Việt Nam tháng 10 năm ngoái, tôi ngạc nhiên làm sao với thu nhập bình quân đầu người như vậy lại có thể đáp ứng được vật giá chừng kia.

Nhưng thôi, ăn gỏi mắm ba khía cho hết đi, nghĩ ngợi lẩn thẩn hoài!