Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Về trước đàn chim nhạn

Có lẽ nếu gặp chị ở Việt Nam, tôi sẽ không ngỡ ngàng vì chị dù nhỏ nhắn nhưng giữa những người Việt khác sẽ bình thường. Nhưng đã lâu tôi đi làm hay ra phố nhìn người phương Tây cao lớn đã quen mắt, tự nhiên nhìn chị nhỏ bé tôi thấy thương thương, như thể tôi cần che chở cho chị trong cuộc sống nhiều bất trắc.

Hoa xuân
Gương mặt chị giãn ra vì mừng rỡ khi mở cửa cho tôi vào: “Vậy là em đi đường không sao! Chị cứ lo…”. Tôi cười: “Em “giang hồ” thứ thiệt mà chị, khéo lo chi không biết. Với lại em tới Thụy Sĩ lần thứ tư rồi”. “Ừ, chị biết em quen đi nhiều, nhưng cũng cứ thấy lo lo sao đó. Chắc tại bản tính chị hay lo xa. Em đi đường có mệt không?”. “Từ Anh qua đây có hai tiếng đồng hồ, không mệt lắm đâu chị”.

Trong lúc chờ tôi rửa mặt mũi, chị sửa soạn bữa tối trong bếp rồi dọn ra bàn ăn. Cơm trắng, rau muống xanh non và một dĩa dồi thơm phức. Trong lúc tôi ngồi vào bàn, chị mở hộp: “Đặc sản nè em! Thịt kho sả ruốc kiểu Huế”. Tôi reo lên sung sướng. Bữa cơm rất ngon miệng, ruốc sả Huế mằn mặn ăn rất bắt cơm, lại thêm rau muống luộc chấm nước mắm chị pha sẵn ngon hết biết. Trong lúc tôi ăn, chị múc nước luộc rau muống bốc khói nghi ngút, vắt chanh rồi để lên bàn “tiếp tế”. Đã hơn một năm tôi mới ăn bữa cơm Việt Nam đầu tiên, lại ngon lành đến vậy nên ăn hết bốn chén cơm, đến khi no căng bụng mới thôi.

Chị nói: “Tết vừa rồi chị về Sài Gòn mua mấy tờ báo có đăng bài em, chị mang qua rồi giữ lại đây, em đọc không?”. Tôi phì cười: “Bài em viết mà chị, đâu có gì lạ đâu mà đọc”. Chị cất mấy tờ báo: “Em giỏi quá, chị lúc nào cũng thấy hãnh diện vì em. Con gái còn trẻ mà một mình đi làm ở châu Âu, làm việc giỏi lại còn viết văn nữa”. Tôi im lặng, đã có nhiều người khen tôi tương tự như vậy nhưng mỗi lần được khen tôi vẫn lúng túng không biết phải nói gì.

Chồng chị mang hai con đi chơi nhà nội đã về tới nhà. Em bé gái hơn một tuổi được ba ẵm ngủ say trên vai ba, còn cậu con trai ba tuổi nhát người lạ chào tôi rồi chạy vào phòng. Tôi trò chuyện với anh khi chị chuẩn bị cho hai em bé ngủ. Anh là quản lý khá cao cấp tại một ngân hàng ở Zurich, lịch sự nhưng không có vẻ xa cách mà rất thân tình. Hai em bé xinh xắn đáng yêu.

Tôi không nói ra nhưng mừng cho chị có cuộc sống bình yên. Chỉ mới gặp chị lần đầu nhưng tôi thấy người phụ nữ gầy gò nhỏ nhắn chỉ lớn hơn tôi bốn tuổi này dường như có điều gì buồn, không phải nỗi buồn của một người không có hạnh phúc, hoặc thiếu thốn tình cảm hay vật chất, mà là nỗi buồn đối với tôi mơ hồ khó định nghĩa được.

Hai chị em nói chuyện đến khuya, những câu chuyện thật vui vẻ, phần lớn là chuyện Việt Nam, chị vừa về nên cập nhật cho tôi vô số thứ, từ những chuyện khá “nhảm” về hậu trường những người nổi tiếng (thật ra muốn nghe những chuyện này chỉ cần lên mạng Internet đầy rẫy, nhưng tôi thích nghe kể hơn), đến những ngày chị đi học ở Đà Lạt, những rừng hoa mimosa đã bị chặt mất và những con sông miền Bắc không còn như xưa.

Tôi kể về những đứa bạn thân trung học, đại học, về công việc của tôi ở Anh, về Sài Gòn đất rộng người đông thiếu cây xanh và hoa, mỗi lần về chỉ muốn đón tàu về quê miền Trung xa ngái có ruộng lúa cây tre mà ở.

Lan man một lúc, chúng tôi nói về hai đứa bé đẹp như thiên thần của chị, về bé trai có nét châu Á còn bé gái tóc xoăn nét giống ba. Tôi bảo: “Được như chị là nhất rồi, em chưa bao giờ nghĩ tới chuyện có con nhưng thấy hai đứa dễ thương quá cũng mê liền”.

Chị uống hết nước trong chiếc ly thủy tinh đặt trên bàn rồi đứng dậy: “Chị đi lấy nước, em uống thêm nước không chị lấy luôn?”. Trong khi chờ chị, tôi sửa lại dáng ngồi cho thoải mái hơn trên ghế sofa, nghĩ về một nỗi buồn khó định nghĩa. Đồng hồ đã chỉ hai giờ khuya nhưng tôi không buồn ngủ, cũng không thấy mệt, tôi mơ hồ nhận ra chính lúc này có thể hiểu được vì sao tôi nhìn nơi chị nỗi buồn kia.

Chị đặt hai ly nước lên bàn. Tôi im lặng. Chị cũng im lặng, rồi nói “Đáng lẽ chị có ba đứa con, em à!”.

Tôi nhận ra mình đã đổi sang dáng ngồi chống cằm, những ngón tay che miệng. Không cần phải là người biết quan sát sắc sảo cũng nhận ra được đó là dáng ngồi của một người không muốn nói, hoặc không biết nói gì. Tôi muốn nói một điều gì đó, chia buồn chẳng hạn, nhưng nghĩ mãi vẫn không biết tìm lời gì cho hợp lẽ.

“Đứa đầu tiên của chị là con trai nhưng không phải bé M. Em bé chết trong bụng mẹ. Trước đó chị vẫn đi khám thai thường xuyên, không có vấn đề gì. Trước khi em bé được bảy tháng, chị đến khám như thường lệ, vui lắm, con đầu lòng mà em. Phòng khám bác sĩ nằm trên đồi, lúc đó đang là mùa xuân, nằm trên ghế khám nhìn ra đồi hoa nở đầy, đẹp lắm. Bác sĩ báo tin cho chị biết lúc chị đang nhìn ra đồi hoa, lúc đó những bông hoa là thứ đầu tiên chị nhìn thấy, ập vào mắt chị”.

Ở châu Âu, tôi thích nhất mùa xuân. Ngày bắt đầu dài ra, mặt trời lặn trễ hơn. Hoa mận, hoa táo, hoa đào nở bung khắp các cành cây trụi lá rồi rắc li ti xuống tóc. Dưới đất có tulip, dạ lan hương, tử đinh hương muôn màu..., và nhất là thủy tiên, loài hoa “về đây trước đàn chim nhạn” như lời một câu thơ của Shakespeare.

“Em biết không, bây giờ mỗi năm cứ tới mùa xuân, nhìn thấy hoa nở nhiều ngoài đường chị lại bị nhức đầu. Bác sĩ nói đây là vấn đề tâm lý, uống thuốc không khỏi được. Tới bây giờ đã có hai con rồi, chị vẫn còn nhức đầu mỗi khi thấy hoa bắt đầu nở mùa xuân”.

“Vậy hả chị?” - Nói xong, tôi chợt thấy lời của mình vô duyên và thừa thãi. Không thấy gương mặt đỏ bừng lúng túng của tôi, chị bình thản: “Em bé chết trong bụng nhưng vẫn sinh ra em à. Sinh ra, đặt tên và làm lễ rửa tội như em bé vẫn còn sống. Em bé chôn trên nghĩa trang trên đồi. Chị cũng hay đem hai em lên thăm mộ anh, ở đây mộ trẻ con họ làm đẹp lắm, có nhiều chong chóng, nhiều hoa”.

Buổi sáng tôi ngủ dậy trễ, trong giấc ngủ vẫn lơ mơ nghe trong phòng khách tiếng chị suỵt hai đứa nhỏ không được nói cười to để tôi ngủ say. Chị và tôi đi ngủ lúc gần bốn giờ sáng, nhưng dường như khi hai đứa bé ngủ dậy lúc bảy giờ chị đã dậy cùng với con.

Người phụ nữ mảnh dẻ tưởng chừng như yếu đuối đó quả có một sức mạnh lớn hơn tôi tưởng, cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi xấu hổ vì ý nghĩ lúc ban đầu gặp chị, rằng trông chị nhỏ bé cần che chở trong cuộc sống đầy bất trắc. Đến lúc này tôi mới nhận ra chị mới là người có thể che chở tôi, nếu có lúc nào đó tôi gặp điều gì phiền muộn.

Như đã định, tôi chỉ ở Zurich có một ngày rồi đón tàu qua Áo thăm người quen. Kỷ niệm với gia đình chị chỉ dừng lại thêm ở bữa trưa món linguine hải sản tươi ngon chị làm và những lúc tôi chơi với hai em bé. Bé gái chỉ vào món Ý kêu “pasta” rồi chỉ tô cơm gọi “cơm”. Chị cười “Nó dễ ăn lắm. Nhìn mũm mĩm vậy chắc là nhờ cơm với nước mắm”. Bé trai đã quen tôi, theo vào phòng khách. Tôi chỉ chậu phong lan trên bàn, nói “bông”, nó nói theo “bong”, rồi sau đó thấy tôi đi đâu lại kéo tay chỉ chậu hoa gọi “bong”.

Nước Anh năm nay trải qua một mùa đông lạnh bất thường, với bão tuyết trắng xóa khắp nơi và những đêm dài đầy sương muối. Qua mùa đông, tôi đọc lại cuốn Đồi gió hú của Emily Bronte, đoạn tả Catherine khi chồng mang những bông hoa crocus* vàng đặt lên gối giường bệnh vào một ngày đầu xuân. “Đây là những bông hoa đầu tiên trên Đồi”, nàng thốt lên. “Chúng làm em nhớ đến những cơn gió mềm mại, những tia nắng ấm và tuyết sắp tan”…

Tháng Tư, tháng Năm nước Anh vào xuân, hoa nở tràn lan trên lối đi, trong những khu vườn cỏ lên xanh mướt, trên những cây táo mới tháng trước còn vươn cành khẳng khiu lên nền trời xám, trên những đồng cỏ trải dài có đàn cừu non mới sinh nhảy loi choi. Những bông hoa vẫn làm tôi vui vì biết mùa xuân tươi đẹp đang chờ, nhưng có những khoảnh khắc mở cửa sổ nhìn ra vườn ngập hoa lại nghĩ đến Zurich cũng sang xuân, không biết chị có nguôi nhớ đứa bé về trước đàn chim nhạn?
____________

(*) Crocus: hoa nghệ tây, cánh dày hao hao giống hoa sứ, thường có màu vàng, trắng hoặc tím, nở vào mùa xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét