Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

Sauna xứ ngàn hồ

TTCT - Nhắc đến Phần Lan, bên cạnh điện thoại Nokia, con tuần lộc, ông già Noel, ánh sáng phương Bắc..., người ta nghĩ ngay đến sauna (xông hơi khô). Với số lượng gần 2 triệu phòng sauna cho dân số chỉ khoảng 5 triệu người, Phần Lan là nước có tỉ lệ sauna trên đầu người cao nhất thế giới.

Trong một phòng sauna ở Helsinki  - Ảnh: lifeinhelsinki.worldpress
Tôi cầm cành bạch dương lên ngắm nghía. Đã vào thu, rừng bạch dương ở ngoại thành thủ đô Helsinki chuyển vàng nhưng cành cây tôi cầm vẫn còn xanh. Thấy vẻ lơ ngơ của tôi, cô gái Phần Lan ngồi chung phòng sauna giải thích: “Cành này được hái vào mùa hè, sau đó cho vào thùng giữa những lớp muối hột để bảo quản. Khi hết hè, lấy ra ngâm vào nước nóng một lúc là có thể dùng được”.

Tôi đưa nhánh lá lên mũi, nhắm mắt hít một hơi dài. Một mùi thơm dễ chịu thoảng nhẹ: mùi của thiên nhiên, của khói, của những rừng bạch dương khắp nơi trên đất nước Bắc Âu còn được gọi là xứ sở ngàn hồ này. Xung quanh tôi, người ta lấy nhánh bạch dương còn nguyên lá quất vào lưng nhau, trông ai cũng có vẻ thư giãn và sảng khoái.

Chúng tôi đang ở trong sauna bên bờ biển của khu cắm trại Rastila. Ở Phần Lan, hầu như những điểm sauna công cộng đều nhận khách vào ba thời điểm khác nhau: giờ khách nam riêng, giờ khách nữ riêng hoặc giờ dành cho cả hai giới (unisex). Chỉ vào giờ unisex người ta mới cho phép mặc đồ tắm.

Trong khi người Phần Lan bình thường mang tiếng rụt rè ít nói nhưng khi vào phòng sauna không mặc bất cứ mảnh quần áo nào vẫn tỉnh bơ như không miễn là cùng giới. Một cô bạn đồng nghiệp người Anh bảo có lần đi công tác Phần Lan, họp xong cả công ty rủ nhau vào sauna, ai cũng cởi hết quần áo ngồi nói chuyện tự nhiên, riêng cô mắc cỡ đỏ mặt (dân Anh ai nghe chuyện cũng trợn tròn mắt: “Vậy à, vậy à?”).

Ngày hôm sau vào họp tiếp, tuy ai cũng quần áo tề chỉnh nhưng cô vẫn cứ nghĩ đến hôm trước ở phòng sauna nên đầu óc lơ mơ, chẳng đóng góp được ý kiến gì hết.

Trong sử thi Phần Lan Kalevala - áng văn chương bất hủ gồm những bài thơ, dân ca, những câu chuyện từ xa xưa - cũng có nhiều đoạn nhắc đến sauna, như đoạn tả Annikki, cô em gái anh thợ rèn Ilamarinen, chuẩn bị sauna cho anh đêm trước khi anh cưới vợ:

Annikki, em gái của ta...
Bây giờ, em chuẩn bị một sauna cho ta
Làm cho phòng thơm ngọt như mật ong
...
Để ta rửa sạch những bồ hóng của mùa thu
Và tro của những ngày làm việc mùa đông”
Annikki, cô gái tốt bụng
Bí mật đốt lửa ấm phòng sauna
Bằng những cành cây bị gió làm gãy
...
Lượm những viên đá từ dòng sông
Đốt nóng chúng cho tới khi sẵn sàng
Bẻ một cành đầy lá từ bụi cây
Để trên viên đá có hơi nước cho mềm cành.

...

Không chỉ sử thi Kalevala, rất nhiều tác phẩm văn học khác của Phần Lan cũng nhắc đến phòng xông hơi gỗ truyền thống này, trong đó có Cô hầu gái Silja của Frans Sillanpaa, tác giả Phần Lan duy nhất đoạt giải Nobel văn chương.

Đã tồn tại khoảng 3.000 năm, sauna là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Phần Lan dù ở nhiều nước loại hình này chịu nhiều tai tiếng vì trá hình. Ở London (Anh) thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những phòng “sauna Thái Lan” tối tăm kéo rèm kín mít, đêm khuya vẫn thấy mấy cô gái người Đông Âu sang Anh làm ăn đứng bên ngoài chờ khách.

Sauna ở Phần Lan còn được nâng lên như một sinh hoạt linh thiêng có thể so sánh với tôn giáo. Vào năm 1776, một nhà kinh tế học Thụy Điển đã sửng sốt nhận xét về những người láng giềng Scandinavia: “Những người cứng đầu này thậm chí còn gắn liền sauna với thần học và xem phòng sauna như một dạng thánh địa”. Có một câu tục ngữ thỉnh thoảng còn được nhắc lại ở Phần Lan ngày nay: “Trong phòng sauna, phải xử sự như trong nhà thờ” (khác chăng là trong nhà thờ có mặc quần áo, tôi trộm nghĩ).

Trong những ngày thu lạnh lẽo chờ xem ánh sáng phương Bắc ở vùng cực bắc Lapland, những trò vui mùa hè đã qua từ lâu, mùa trượt tuyết thì chưa đến, trời lại mưa lâm thâm nên sauna gần như là hình thức giải trí duy nhất. Còn gì bằng một ngày lạnh tê tái cõi lòng, hai cánh tay ôm thu lu trước ngực xuýt xoa vì những cơn gió cực Bắc buốt giá, được bước vào phòng sauna gỗ của khách sạn, dùng gáo múc nước tưới lên lò than kêu xèo xèo để khói nóng bốc lên làm hai má đỏ ran.

Và đặc biệt, sauna đúng phong cách Phần Lan không thể thiếu tiết mục bơi hồ sau khi xông. Khi chúng tôi từ phòng sauna ở Lapland bước ra, tuy trời chưa đổ tuyết nhưng hồ nước trước mặt đã phủ một lớp băng mỏng, trông như lớp đá trên bề mặt ly nước để trong ngăn đá tủ lạnh chưa đông hẳn. Vậy mà dân địa phương ở đây vẫn không chùn bước, tìm chỗ chưa phủ băng nhảy ùm xuống bơi. Máu phiêu lưu của tôi có hạn nên tôi quyết định không thử chiêu này, mặc dù đã sống qua mấy mùa đông nước Anh nhưng nếu không quen bơi trong nước buốt giá thế này có thể bệnh liệt giường như chơi!

Có người nói không nên tắm sau khi xông vì lỗ chân lông nở ra dễ bị nhiễm lạnh, nhưng dân ở đây ai cũng hồng hào cao lớn. “Một cô gái Phần Lan khỏe mạnh bằng hai chàng trai Pháp” - một cuốn sách của Agnes Rothery xuất bản tại New York năm 1937 đã nói vậy. Không biết dân Pháp có phản đối không nhưng trong chuyến đi này tôi thấy coi bộ vậy mà đúng, người Phần Lan trông ai cũng có vẻ thể thao, rắn rỏi, có lẽ nhờ sauna chăng?

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Slovenia, ngon quên đường về

Có tiếng gõ cửa phòng, tôi choàng dậy thấy trời đã sáng rỡ, có mấy con chim đậu ngoài cửa hót nghe vui vui. “Loạng choạng” ra mở cửa, tôi thấy chị chủ khách sạn bưng lên một dĩa bánh nhìn đã thấy thèm.

Chị có vẻ áy náy khi thấy tôi mắt nhắm mắt mở, nhưng tôi xua tay: “Ồ không, giờ này dậy là trễ quá rồi”, rồi đón lấy dĩa bánh: “Chị tử tế quá, cảm ơn chị”.

Tôi tự pha cho mình một ly cà phê rồi ra ban công nhấm nháp bánh. Loại bánh chị đem lên cho tôi là gibanica, bánh truyền thống Slovenia và các nước vùng Balkan, được sắp thành lớp bột mỏng, loại bột nướng cắn vào giòn như bánh sừng trâu của Pháp, ở giữa kẹp phô mai ngọt mềm mại và hạt poppy giống mè đen li ti.

Ban công nơi phòng tôi nhìn xuống thung lũng xanh rờn thích mắt, không khí buổi sáng vùng núi xứ Alps làm người nhẹ tênh, thật là một ngày khởi đầu “có lý” cho một kỳ nghỉ đúng nghĩa.

Cá nướng và vang

Trước khi đến Slovenia (thuộc Nam Tư trước đây), tôi đã có hơn tám tháng không rời khỏi nước Anh ngoại trừ một chuyến đi ngắn ngủi đến miền Bắc xứ Wales, nhưng xứ Wales cũng tính là Anh vì mọi thứ không khác gì mấy.

Bữa trưa hải sản bên bờ biển xanh đầy nắng
Vốn hay đi đó đây, tám tháng đủ làm tôi cuồng chân không chịu nổi, vì vậy tôi rất trông đợi những ngày ở đất nước Đông Âu ít người biết đến này, đất nước nhỏ bé nhưng dường như có tất cả: có những dãy núi xứ Alps trùng điệp quanh năm tuyết phủ, có Địa Trung Hải nóng bỏng, có những con sông chảy xiết đầy cá, có những cánh đồng nho ngút ngàn, và đặc biệt có những món ăn ngon lành nhưng ít ai biết đến.

Đêm đầu tiên ở đây, tôi đã ăn món cá nướng tuyệt ngon trong một nhà hàng nhỏ phong cách Balkan gần hồ Bled. Khi gọi cá nướng, tôi tưởng sẽ được đem ra một miếng philê cá nhỏ nhưng không ngờ đầu bếp cho nguyên một con cá khổng lồ dài gần hai gang tay lên bếp.

Nhà hàng có bếp nướng đặt trực tiếp ở chỗ những nơi khác làm quầy bar, khách có thể nghe tiếng xèo xèo của mỡ cá và mùi thơm dậy lên làm chảy nước miếng. Lớp da cá chín vàng giòn, bên trong thịt trắng muốt và chắc nịch, ăn với khoai tây và món rau spinach địa phương luộc trộn muối hột và dầu ôliu đậm đà, kèm ngụm rượu vang trắng làm đê mê đầu lưỡi.

Nhắc đến rượu vang, có thể nói tôi chưa đến bất cứ nơi đâu rượu rẻ như ở đây. Một ly rượu ở một nhà hàng sang trọng chỉ dưới một euro, mà rượu ngon đàng hoàng, se, ngọt và thanh, không thua kém các loại vang nổi tiếng của Pháp, Ý, Tây Ban Nha…

Những cánh đồng nho xanh rờn ở Slovenia cũng là một trong những điểm du lịch, trong đó có luống tuổi đời trên dưới 400 năm, được cho là luống nho già nhất thế giới còn cho trái. Có lần tôi thắc mắc hỏi sao rượu Slovenia ngon vậy nhưng không thấy bán ở những nước khác, mới được biết rượu ở đây làm ra chỉ đủ cho dân bản xứ dùng.

Pizza “ngon nhất thế giới”!

Ẩm thực Slovenia chịu ảnh hưởng qua lại từ nhiều nước láng giềng. Những năm dưới sự cai trị của đế quốc Áo - Hung mang lại những món xúc xích và bánh strudel của Áo, món xúp goulash và thịt bò hầm của Hungary. Ảnh hưởng của Đức có thể thấy qua việc bắp cải và khoai tây có mặt trong hầu hết những bữa chính. Miền Nam giáp với Ý nên cũng du nhập nhiều món Ý như cơm risotto, mì sợi, và không thể không nhắc đến pizza.

Món pizza “ngon nhất thế giới” trong một chiều mưa xứ Alps
Tôi đã đi Ý hai lần, ăn nhiều pizza chính hiệu Ý nhưng món pizza ngon nhất thế giới tôi từng được ăn lại ở Slovenia, tại một nhà hàng trong con hẻm nhỏ trên đường đi xuống từ lâu đài Bled. Đó là một buổi chiều mưa bất chợt, đang tham quan lâu đài trên cao nhìn xuống hồ thì mưa bắt đầu lắc rắc, làm tôi phải chạy hụt hơi xuống mấy trăm bậc thang vì sợ mưa lớn bị kẹt lại ở trên thì khổ.

Xuống đến hồ ngồi vào chỗ có mái che nhìn mưa dầm, hồ có đẹp, có nhiều vịt nhiều thiên nga đến mấy nhìn hoài cũng chán, tôi đội mưa đi lòng vòng kiếm chỗ ăn. Ngày hôm trước tôi trang bị đầy đủ áo ấm khăn choàng thì nắng nóng, hôm nay chủ quan không mang gì theo thì mưa gió lạnh run cầm cập.

Một trong những quán ăn địa phương giản dị dưới giàn nho đúng phong cách Địa Trung Hải
Đi bộ một lúc, tôi thấy quán pizza có ban công mái che thắp đèn ấm áp, chỗ ngồi nhìn ra tháp nhà thờ và những căn nhà gỗ xinh đẹp treo những giỏ hoa tươi nước mưa nhỏ long tong. Tôi hơ tay trên nến đặt giữa bàn, gọi một pizza cỡ nhỏ nhưng được mang ra một chiếc to như chiếc mâm, lớp bột bên dưới và rìa bánh giòn rụm nhưng bên trong lại dẻo mềm nhờ lớp phô mai vàng nhạt lẫn với cà chua đỏ óng ánh, bề mặt đầy hải sản mực, cá, tôm, cua, sò, vẹm, đúng nghĩa “ngon quên trời đất”, mưa sụt sùi ngoài kia vẫn thấy cuộc đời tươi đẹp biết bao.

Đang ăn, một khách bước vào nhìn tôi kêu lên: “Trời, gặp bạn ở đây!”, tôi nhận ra cô gái người Ailen ngồi cùng chuyến xe buýt từ sân bay thủ đô Ljubljana đến Bled. Cô mở cuốn sách hướng dẫn du lịch trên tay, hỏi: “Bạn cũng biết nhà hàng này qua sách?”, tôi lắc đầu: “Không, tôi tình cờ khám phá ra. Số tôi luôn gặp xui với thời tiết nhưng hay gặp hên chuyện ăn uống”.

Bánh kem và xúp… ngon quên đường về

Sau năm ngày, tôi luyến tiếc chia tay thành phố Bled non xanh nước biếc, dĩ nhiên trước khi đi không quên ăn bằng được món bánh kem (Kremna rezina) nổi tiếng, được sáng chế tại đây sau Thế chiến thứ hai. Người Slovenia ở những vùng khác vẫn thường lặn lội đến tận Bled để ăn món này.

Bánh kem Bled nổi tiếng béo ngậy ngon lành
Tôi chọn quán bánh ngọt Smon có logo hình con gấu liếm kem, chỉ cần nhìn lượng khách dài ngoằng xếp hàng ra tận cửa là thấy yên tâm. Có lẽ quán có tới hàng trăm loại bánh và kem khác nhau, xếp lớp trong tủ kính, ai hảo ngọt vào đây chắc không thể kềm lòng được. Tôi gọi món “quốc hồn” ở đây rồi ngồi trong cái nắng xứ Alps cũng ngọt như bánh, ngắm nghía mãi không dám ăn vì sợ hết.

Bánh thoảng mùi vani, được sắp thành nhiều lớp, dưới cùng là lớp bột giòn mỏng, đến một lớp dày sữa trứng dẻo giống món tráng miệng custard của Anh, rồi một lớp kem dày mềm mịn màng, loại kem tươi phết trên bánh sinh nhật, trên nữa là mấy lớp bột giòn, trên cùng rắc đường trắng li ti như tuyết.

Như đã nhắc tới ở trên, Slovenia tuy nhỏ bé nhưng có vị trí địa lý khiến nhiều nước châu Âu lớn phải lấy làm ghen tị, vì chỉ gần hai giờ đồng hồ trên xe, tôi đã rời xứ Alps núi non chập chùng để đến với Địa Trung Hải ngập nắng và gió mang theo mùi muối biển mặn.

Phố cổ Piran đẹp như tranh với bờ biển chan hòa nắng có những con thuyền trắng giương buồm, những ngôi nhà xưa ở quảng trường mang phong cách Venice, những quán ăn dưới giàn nho chín mọng đầy khách ăn uống nói chuyện rôm rả. Ở đây, tôi như sống trên thiên đường vì món xúp cá. Hôm đầu tiên, xúp nấu với vẹm xanh lẫn những sớ cá nạc thơm ngon mặn mà như tô bánh canh cá dầm miền Trung Việt Nam, cà rốt xắt mỏng, bên dưới là những hạt gạo mềm nở bung, ăn kèm bánh mì nhỏ bằng bàn tay phết bơ và dĩ nhiên, rượu vang.

Xúp cá mặn mà
Món xúp cá ngày hôm sau khác hẳn, nấu với rất nhiều cà chua nghiền đỏ tươi kèm rau thơm nhuyễn, tôm lột vỏ đỏ hồng lặn bên dưới chung với cá trắng phau, ăn với bánh mì nướng xắt khoanh chấm dầu ôliu. Mỗi loại xúp ngon mỗi kiểu, ngọt lừ vì nấu bằng hải sản tươi.

Xúp cá ngày thứ hai này là món khai vị cho một set menu buổi trưa giá chỉ 14 euro của một nhà hàng hạng sang bên biển, thực đơn này ở những thành phố châu Âu khác ở nhà hàng sang như vậy giá gấp ba, bốn lần, vì ngoài xúp cá còn có món chính philê cá nướng than vàng óng, ăn kèm một tô rau trộn khổng lồ đầy dưa leo, cà chua, xà lách, bắp ngọt và hành tây, cuối buổi lại tráng miệng bằng ly cocktail trái cây xắt hạt lựu chua chua ngọt ngọt.

Bàn tôi ngồi hướng ngay ra Địa Trung Hải xanh thẳm lấp loáng nắng trưa, trong những cơn gió lồng lộng thổi từ biển thật thích. Về lại Anh, mỗi lần tôi khoe bữa ăn này, bụng ai cũng sôi lên sùng sục.

Ở Slovenia, tôi thích thú nhận ra ngay cả ở những thành phố du lịch vẫn không thấy bóng dáng các quán ăn nhanh hay các chuỗi cà phê toàn cầu. Đất nước Đông Âu này vẫn tự hào là một trong những nơi khởi nguồn “ăn chậm”, với những buổi họp mặt bạn bè, những bữa ăn ở các nông trang hoặc các nhà hàng theo trào lưu này, mỗi bữa từ tám món trở lên, tất cả đều được nấu theo kiểu cổ, được mang ra lần lượt và mỗi món được uống với mỗi loại rượu khác nhau.

Bữa “ăn chậm” cũng là dịp trò chuyện trong không gian ấm áp thư giãn, để vào tuần lễ mới tiếp tục với công việc bận rộn. Nhưng tôi không tham gia vào bữa “ăn chậm” nào, một phần vì mỗi bữa hơn tám món chắc sẽ lên ký vùn vụt, một phần vì chỉ một tuần ăn uống bình thường ở Slovenia thôi đã ngon quên đường về.