Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Môn thể thao “đổ thừa”

TT - Hôm diễn ra trận Anh - Đức, chúng tôi tụ tập ở nhà người bạn Jason phía bắc London ăn barbecue, uống rượu Pimms. Kế hoạch là ăn trưa, xem trận Anh - Đức, sau đó ở lại xem Argentina - Mexico lúc 7g30 tối giờ địa phương, nhưng sau trận đấu ai cũng “xụi lơ” kéo nhau về hết.

CĐV Anh xem bóng đá tại quê nhà thất vọng vì trận thảm bại của Anh - Ảnh: AFP
Ở nhà xem còn vậy, ai bỏ gần 10.000 bảng Anh (gần 300 triệu đồng) đi Nam Phi cổ vũ “tam sư” đều khóc ròng vì tiếc của. Trong buổi xem bóng đá, anh bạn Jonathan nói một câu đúng với tinh thần hài hước kiểu Ănglê: “Thật bực bội nhưng phải công nhận đội Đức... ngoại hình đẹp hơn, trang phục cũng đẹp hơn”. Ý anh nói rằng đội Anh vì đá dở về nhì vòng bảng nên phải mặc màu áo dự bị, trong khi Đức được mặc màu áo chính thức.

Tôi nhớ trận đầu tiên Capello làm HLV tuyển Anh ngày 6-2-2008, trước giao thừa ở VN, cũng là trận duy nhất của đội tuyển mà tôi có cơ hội xem trực tiếp trên sân Wembley. Sau bàn thắng 2-1 của Anh, anh bạn Alastair dang hai tay ra giả bộ kiểu cách như trong kịch quý tộc châu Âu cổ: “This is the dawning of a new era” (Đây là khởi nguồn cho một kỷ nguyên mới). Tôi giả bộ nghe không rõ, hỏi lại: “What? This is the dawning of a new error?” (Cái gì? Đây là khởi nguồn cho một sai lầm mới hả?) làm anh chàng trợn mắt tức tối, còn mọi người xung quanh bật cười. Nói giỡn vậy mà hơn hai năm sau thành sự thật.

Tờ Independent, một trong những tờ báo giá trị và nghiêm túc nhất ở Anh, sau khi đội Anh về nước đã có bài báo: “Nước Anh thức dậy với một môn thể thao mới, môn “đổ thừa”, trong đó liệt kê Capello đổ thừa trọng tài không công nhận bàn thắng của Lampard, còn cầu thủ đổ thừa HLV, báo chí và fan đổ thừa cả HLV lẫn cầu thủ...".

Riêng tôi, dù công nhận kỳ này đội Anh đá quá tệ vẫn hi vọng môn thể thao “đổ thừa” sẽ không còn đất sống, để ngày kia thức dậy thấy nước Anh đã phát minh môn thể thao vua sang trang mới, đẹp hơn và hay hơn. Những ngày còn lại tôi ủng hộ Đức và Hà Lan vậy.

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

World Cup bây giờ mới bắt đầu

TT - “Trận đầu tiên thất vọng. Trận thứ hai bị sốc. Trận thứ ba thở phào”. Roland - làm việc cho một công ty phần mềm ở khu Liverpool Street, trung tâm thành phố London - đã tóm tắt cảm xúc của mình qua ba trận vòng bảng vừa rồi của đội tuyển Anh một cách ngắn gọn nhưng phản ánh tâm trạng của hầu hết người Anh trong hai tuần qua.

CĐV Anh xem trận Anh - Slovenia tại một quán bar ở London vui mừng sau khi chứng kiến đội nhà vượt qua vòng bảng - Ảnh: Reuters
Cũng phải thôi, kết quả “huy hoàng” ở vòng đấu loại làm dân Anh lòng vui như mở hội, cứ như thể cầm chắc cúp vô địch World Cup trong tay.

Dù khủng hoảng kinh tế chưa qua hẳn, dù đất nước có chính phủ mới chưa biết sắp tới khá hơn hay tệ hơn, người hâm mộ môn thể thao vua ở quốc đảo vẫn hào hứng khuân về nhà tivi màn hình phẳng, bia rượu, quần áo thể thao... Hãng cung cấp điện thoại di động O2 còn cho ra loại sim dành riêng cho World Cup, chỉ cần nạp 15 bảng Anh, mỗi bàn thắng của đội Anh trong suốt giải bạn sẽ được tặng 5 bảng. Tôi cũng hồ hởi đăng ký, hi vọng đội Anh ở bảng yếu chí ít gì cũng ghi được ít nhất năm bàn, vào vòng trong tệ lắm cũng hai bàn nữa, nhưng tới giờ hết vòng bảng vẫn chưa lại vốn mà còn phải theo O2 luôn vì lỡ đặt sim.

Trận đầu tiên gặp Mỹ làm dân địa phương giật mình vì lối đá đẹp, có phong cách của tuyển Anh ở vòng loại khu vực không thấy đâu, chỉ thấy rời rạc và kém hiệu quả. Đến trận gặp Algeria thì chỉ còn thiếu nước ôm mặt khóc hu hu, vì các cầu thủ con cưng toàn chơi bóng dài, chuyền trật lên trật xuống và trông như chưa bao giờ đá chung với nhau.

Trận đấu thứ ba quan trọng đến nỗi gần như tất cả các văn phòng ở Anh đều đóng cửa vào lúc 14g45.

15 phút trước khi trận đấu bắt đầu, nhiều công ty còn đặt riêng phòng ở quán bar hoặc pub (quán rượu) cho nhân viên đến xem, cho uống bia hết cỡ, công ty trả tiền. Báo chí, truyền hình trước trận đấu hối thúc HLV Capello thay đổi chiến thuật, trong khi “bố già” vẫn làm ngơ trước búa rìu dư luận.

Tôi có một cuộc họp vào đúng lúc trận đấu diễn ra. Bạn thân của tôi tên Jeremy, người luôn cập nhật thông tin từng giây một và gọi Capello là “bố già mafia”, bảo: “Trời, trận quan trọng này mà phải làm việc, sao nghiệt ngã quá vậy?”. Đến khi họp xong, trận đấu đã được 20 phút, trạm xe điện vắng tanh khác hẳn ngày thường trong khi những quán pub đông nghẹt người, ai cũng hướng về màn hình, căng thẳng. Cuối cùng dân Anh cũng thở phào nhẹ nhõm...

Trước trận gặp Đức, nhiều người hâm mộ Anh không tránh khỏi cảm giác lo âu vì những trận gần đây Anh thường thua Đức ở lượt đá luân lưu. Sau khi biết Đức nhất bảng D và sẽ gặp Anh, trang web của BBC đăng tin: “Một thống kê không có lợi cho chúng ta, Đức luôn vào đến vòng tứ kết World Cup kể từ năm 1938”. Tôi đem điều này nói với Roland, anh nhún vai: “Không sao, nếu thua thì thôi, còn nếu mình thắng Đức thì đội nào mình cũng thắng được, về mặt tâm lý sẽ rất có lợi”.

Quả vậy, hai tuần đầu tiên trời London thường se lạnh và âm u, không mang không khí World Cup của những mùa hè nóng bỏng như trước. Ngày đội Anh giành quyền vào vòng trong, trời nắng chói chang và bắt đầu nóng đổ mồ hôi. Chủ nhật này tôi cùng nhiều người bạn tổ chức tiệc barbeque ngoài trời, vừa ăn thịt nướng, bánh mì với rượu Pimms ngâm dâu tây và lá bạc hà vừa xem trận đỉnh cao Anh - Đức trong khi ngoài trời còn nắng rực rỡ.

Với nhiều người Anh, World Cup bây giờ mới bắt đầu.