Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Tạp bút: Ngắm sông ngậm ngùi

TTCT - A. bảo: “Mình đi Việt Nam về được hơn một năm rồi đó!”. Tôi nói: “Ừ, được một năm”. Không để ý tới vẻ thờ ơ của tôi, anh hào hứng: “Tết sang năm về nghen!”, tôi nhún vai không nói không rằng.

Ảnh: Gia Tiến
Có vẻ mất hứng, anh dợm bước đi nhưng nghĩ sao lại nói tiếp: “Mà hình mình chụp ở Việt Nam hồi năm ngoái đâu mất hết rồi? Máy kỹ thuật số là vậy, chụp cho nhiều vô mà có bao giờ thấy hình đâu”. Tôi nói cho qua chuyện, mục đích để ông bạn trai “biến” giùm: “Để chút nữa em tìm cho”.

Giữ lời hứa, tôi mở máy tính tìm hình. Thư mục hình ảnh tôi sắp xếp theo thứ tự nơi chốn và thời gian, sau vài giây lục lọi đã tìm ra “Việt Nam 2008”, chợt nhận ra không biết từ bao giờ Việt Nam đã thành một địa danh du lịch của chính tôi. Những hình ảnh của chuyến đi lướt qua: trâu trên đồng, chuyến tàu ngoài đảo, những chiếc vó đánh cá trên biển, bánh bột lọc, nước mía, con gà mái với đàn gà con gần bụi chuối...

Tôi dừng lại ở bức hình một ông già ngồi chờ khách trên xuồng nhỏ hình chiếc lá tre trên sông Hoài, Hội An. Tôi nhớ lại lúc đó tôi đứng trên bờ nói vọng xuống sông: “Cho con chụp một tấm nghen ông!”. Ông ngước nhìn, cười rất hồ hởi. Lúc đó tôi không nhận ra đó không phải nụ cười dành cho du khách, cho người lạ qua đường. Đó là nụ cười dành cho con cháu, như thể có đứa nào trong nhà nói: “Ông ẵm cháu ngoại đi, con chụp một tấm”.

Ông già quá, chắc phải hơn tám mươi, răng rụng gần hết, người gầy gò liêu xiêu, đội nón lá rách tơi tả. Úp trên xuồng là một nón lá mới tinh, chắc để dành cho khách. Và vì thế nụ cười hồ hởi của ông bây giờ nhìn lại tấm hình tôi thấy buồn, nghĩ không biết ông ngồi đò chờ cả ngày có ai đi không. Đã có cây cầu bắc ngang, dân địa phương ai bỏ tiền đi đò làm gì nữa. Khách du lịch thấy ông già lụm cụm, có muốn giúp ông kiếm thêm tiền cũng không ai nỡ ngồi cho ông chèo.

Hồi nhỏ tôi rất làm biếng, mẹ hay nói: “Mỗi lần nhắc nó làm gì giống như nhắc đò”. Có lần tôi hỏi: “Nhắc như nhắc đò là sao mẹ?”, bà nói đại cho qua chuyện: “Là giống như người qua sông dặn “Chút nữa đò nhớ chờ tui nghen đò”, phải nhắc đi nhắc lại không thì đò quên, đi mất không có đò về nhà”. Chị tôi nói: “Sao nghe buồn thiu vậy, giống như tưởng tượng một bà quê mùa lam lũ gồng gánh qua sông bán hàng”. Tự nhiên lúc này nhìn tấm hình ông lão trên sông Hoài tôi lại nhớ tới chuyện “nhắc đò” đó.

Và nhớ lời một bài hát của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi...”.

Đâu phải chỉ phương Nam, về nhà mình ngắm sông ở đâu cũng thấy ngậm ngùi. Cách đây gần ba năm tôi đi Ninh Bình một mình, ngồi thuyền đi Tam Cốc. Chèo thuyền cho tôi cũng là một ông tuy không già như ông lão ở Hội An nhưng cũng hơn sáu mươi. Mỗi thuyền, chèo bằng tay, đi hai giờ đồng hồ hình như có giá bốn chục ngàn đồng hay bao nhiêu tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ là một con số thấp đến nực cười. Ông bảo có khi một tháng mới đến lượt mình chèo một chuyến, vì dân ở đây hầu như nhà nào cũng mua thuyền trong đợt phát triển du lịch cách đây vài năm, không có tiền cũng bán ruộng mua, vay nợ mua. Nhưng thời điểm nở rộ du khách rất ngắn ngủi, thị xã Hoa Lư trở lại đìu hiu, thuyền bán đổ bán tháo không ai lấy.

Tôi vào máy tính trở lại, lưu hình Việt Nam vào một mục riêng. Tôi hiểu vì sao A. muốn quay lại, dù lần nào qua cũng bị muỗi cắn sưng khắp mình mẩy, ngộ độc thức ăn nằm liệt giường mấy ngày, vào nhầm quán matxa trá hình bị dụ dỗ phải bỏ của chạy lấy người, mua hàng bị chặt chém.

A. không phải người hời hợt nhưng anh là người ngoài, một người ngoài đúng nghĩa. Về Việt Nam có gặp những điều khó chịu cũng chỉ là một phần của một chuyến đi xa, là những điều ở xứ sở lạ lẫm thay đổi cho cuộc sống yên ổn anh sống, có mất vui lúc đó nhưng không vì vậy mà hết hứng thú quay trở lại. Còn tôi, là người trong cuộc tôi cảm nhận những điều khó chịu đó chỉ là phần nổi của tảng băng xã hội còn những nỗi bất an.

Và vì vậy lần nào về ngắm sông cũng thấy ngậm ngùi...

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Ghent của những tia sáng thiên đường

Tôi nhìn ra cửa sổ tàu, nói: “Cảnh vật vùng Flanders của nước Bỉ đúng là dẹp lép như cái bánh xèo”. Đây là vùng không có đồi núi cao chập chùng mà rất bằng phẳng giống Hà Lan và một phần vùng England ở Anh, cho thấy giả thuyết ngày xưa khi đại dương chưa ngăn nước Anh với châu Âu lục địa, đây có thể là một phần dính liền nhau.

Đó là một ngày mùa đông trời âm u, chúng tôi đang trên đường tới Ghent (Gent trong tiếng địa phương) từ Bruges ở miền Bắc nước Bỉ, cả hai nơi đều nằm ở vùng Flanders, được biết đến nhiều vì là nơi diễn ra những trận chiến đẫm máu của Chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng là bối cảnh câu thơ của John McCrae: “Nếu bạn quên chúng tôi, những người đã chết/ Chúng tôi sẽ không ngủ được, dù hoa anh túc vẫn cứ nở/ Trên những cánh đồng xứ Flanders”.

Ở vùng này còn có tour du lịch tên “Phía Tây không có gì lạ” (lấy theo tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn E. Remarque) dẫn khách đến những nơi nhiều bom đạn trong chiến tranh. A., bạn đồng hành của tôi, tốt nghiệp khoa chính trị nên rất thích tìm hiểu về những vấn đề tương tự thế này, nhưng tôi sau những tháng làm việc căng thẳng không muốn đi chơi lại phải suy nghĩ nhiều. Cuối cùng chúng tôi quyết định chỉ đi những nơi có cảnh đẹp để nghỉ ngơi.

Biệt thự cổ, bản đồ xưa…

Căn phòng ở Ghent nằm trên tầng áp mái của một biệt thự kiểu xưa ở trung tâm thành phố, cửa sổ đầu hồi dốc ngược lên trên, có thể nhìn thấy bầu trời xanh chuyển dần sang thẫm của buổi chiều chạng vạng. A. nhìn quanh phòng với vẻ rất hài lòng: “Phòng mình có thể được gọi là atmospheric”*.

Một trong những ngôi nhà có mái đầu hồi hình bậc thang ở Graslei (nghĩa là Phố Rau, giống như cách đặt tên đường ở Hà Nội xưa)
Quả vậy, một khoảng lớn trên tường gần đầu giường còn một bức tranh mural vẽ Đức mẹ đồng trinh đã phai màu, như đã có mặt trên đời từ cách đây mấy trăm năm (Gần hai năm sau buổi chiều đó, lúc tìm lại tư liệu để viết bài, tôi mới phát hiện ra nơi chúng tôi ở được xây vào thế kỷ XIX bao quanh những hàng hiên của một tu viện cổ đã đổ nát, vì vậy vẫn còn giữ lại những bức tranh mural từ thế kỷ XV).

Sau hai ngày ở phố cổ Bruges đẹp như chuyện thần tiên, chúng tôi không trông đợi nhiều ở Ghent và vì vậy thấy thật thoải mái, thư thả. Để đi bộ tìm chỗ ăn tối phải băng qua những con kênh đào phản chiếu ánh đèn từ những ngôi nhà có mái đầu hồi chỗ nhọn chỗ uốn lượn làm tôi nhớ đến Amsterdam, chỉ thiếu dân hippy xộc xệch đến hỏi có muốn mua cần sa không.

Ghent yên tĩnh và dễ chịu hơn thủ đô Hà Lan rất nhiều, tôi đứng một lúc trên cầu mang tên cầu Thánh Michael (St Michelsbrug), phóng tầm mắt nhìn ra xa trên con sông Leie cho đến khi đói bụng mới tiếp tục đi. Chúng tôi chọn một quán ăn có nến, ngồi gần lò sưởi ăn sò hấp trong khung cảnh êm đềm, sẵn sàng cho một giấc ngủ ngon và một ngày khám phá thành phố vào sáng sớm.

Nhưng giấc ngủ không ngon như tôi tưởng. Cửa những căn phòng trong biệt thự rất nặng, mỗi lần mở ra đóng vào gây ra tiếng động rất lớn, trong không gian vắng lặng càng dễ giật mình. Tôi ngủ chập chờn, sáng ra còn lờ mờ nhớ tới giấc mơ thấy Đức mẹ bước xuống từ trên tường, thật dễ ớn xương sống. Bởi vậy buổi sáng tôi ngủ mê mệt, bỏ ăn sáng. A. đem lên phòng ly nước cam, khoe: “Ở đây cho ăn sáng ngon lắm, nhưng trễ hết giờ ăn rồi. Thôi dậy uống nước đỡ rồi còn đi chơi”.

Buổi sáng bước xuống cầu thang, tôi khám phá ra chỗ ở của mình thêm một điểm mới: Trên bức tường cầu thang có treo một bản đồ thế giới rất lớn. Bản đồ này có lẽ đã có từ rất lâu vì có nhiều chỗ ố vàng và cách viết địa danh kiểu xưa, tôi dò tìm Việt Nam thì thấy tên trên bản đồ còn là An-Nam. Bản đồ được đánh dấu rất nhiều nơi, có lẽ là những nơi chủ nhân biệt thự đã từng đặt chân tới.

Bản đồ xưa chỉ là một trong những điều thú vị chúng tôi khám phá ra trong suốt thời gian ở thành phố nhỏ bé này. Điều thú vị đầu tiên là Ghent không “nhỏ bé” như tôi tưởng. Thật vậy, suốt từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV, đây là thành phố lớn thứ hai châu Âu lục địa, chỉ sau Paris của Pháp. Đó cũng là thời hoàng kim của phố cổ này, với ngành giao thương về vải vóc tầm cỡ lớn nhất nhì thế giới. Dấu ấn thời giàu có vẫn còn lưu lại trên những ngôi nhà xưa, trên những công trình kiến trúc từ thời cổ đại và sau này như kiểu Roman, Gothic và Baroque.

Lâu đài của Bá tước

Có lẽ xưa hơn cả là Gravensteen (Lâu đài của Bá tước), chỉ nghe tên đã thấy không khí liêu trai. Lâu đài được xây từ thế kỷ IX như một thành lũy chống lại cướp biển Viking, với những bức tường đá vững chãi.

Một góc lâu đài của Bá tước (Gravensteen) được xây từ thế kỷ IX để chống lại cướp biển Viking
Cánh cổng vào bên trong lâu đài Gravensteen
Lâu đài là nơi ở cho bá tước, những người hầu, và có cả một ngục tối dùng làm nơi tra tấn tù nhân với đủ các cực hình kiểu trung cổ, trên đỉnh lâu đài còn là nơi từng để treo cổ tội phạm. Tôi vốn không mấy quan tâm tới những biến cố lịch sử ghê rợn đó nên đưa máy ảnh cho A. vào tham quan bên trong, còn mình thì thả bộ trên những con đường lát đá cuội, ngắm thành phố.

Điểm thú vị tiếp theo là Ghent có rất nhiều tiệm tạp hóa mang phong cách hoài cổ, cửa kính bày những chai dầu gội đầu, pin máy chụp hình, rượu mùi, bia, những túi hạt dẻ và đậu phộng, như trong một cuốn phim về châu Âu thập niên 1950. Những quán cà phê, nhà hàng, quán bia, tiệm bánh ngọt… ở đây giá cả rất phải chăng vì hướng tới dân địa phương hơn là du khách.

Một trong số những tiệm tạp hóa kiểu xưa
Trong một khu chợ mái vòm tôi ghé, trên trần nhà còn có treo những đùi heo to tướng xông khói, chỉ nhìn đã thấy béo ngậy ngon lành. Trời lạnh và đầy mây, tôi đi ngang một cửa sổ sơn xanh lá cây mở vào trong, bên ngoài là một nhóm trẻ con xếp hàng chờ.

Những đứa trẻ xếp hàng mua bánh waffle mới ra lò
Ban đầu tôi tưởng không có ai bên trong cửa sổ, nhưng như thể có phép lạ, một người đàn ông trung niên hiện ra, tay cầm những chiếc bánh waffle đặc sản Bỉ to tướng còn bốc khói nghi ngút, giao cho từng em. Chúng thích thú thổi vào bánh phù phù, cắn vào bánh nghe giòn rụm, làm tôi cầm lòng không đậu cũng xếp hàng mua một chiếc.

Kiệt tác Sự tôn thờ Cừu Thánh

Ngày cuối cùng ở Ghent, chúng tôi đến nhà thờ Thánh Bavo, St Baafskathedraal, để xem kiệt tác Sự tôn thờ Cừu Thánh của danh họa Jan Van Eyck, người theo trường phái Phục hưng Phương Bắc và được cho rằng đã sáng tạo ra nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu. Hội họa vùng Flanders (Flemish Painting) được biết đến nhờ những đường nét tự nhiên và sinh động, được trưng bày trên rất nhiều bảo tàng lớn khắp thế giới như những tác phẩm kiệt xuất của nhân loại.

Nến đựng trong ly thủy tinh đỏ bên trong nhà thờ Thánh Bavo (St Baafskathedraal)
Bức tranh mà chúng tôi sắp được xem là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới, còn được gọi là một trong bảy kỳ quan của nước Bỉ, được thực hiện vào nửa đầu thế kỷ XV. Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa ngã ngũ việc tranh này có phải hoàn toàn của Jan, hay một phần được vẽ bởi Hubert Van Eyck, người anh ruột lớn hơn Jan gần hai mươi tuổi.

Trước khi xuống xem kiệt tác này dưới tầng hầm, chúng tôi dạo vòng quanh bên trong. Những nhà thờ châu Âu thường có bàn đặt nhiều nến trắng để khách thập phương thắp nến và cho tiền xu vào hộp gỗ tặng nhà thờ. Riêng nhà thờ này lại để nến trong những ly thủy tinh đỏ, tạo cảm giác ấm áp cho một ngày đông nhiều mây khi hai bàn tay đeo găng vẫn lạnh cóng.

Đám đông xếp hàng trước cửa mua vé vào xem tranh khá dài, tôi đã có ý định bỏ cuộc (xếp hàng mua bánh waffle thì lâu mấy cũng được, nhưng xếp hàng vào xem kiệt tác thì dễ mỏi gối chồn chân, điều này cho thấy tôi ham ăn hơn là “trí tuệ”). Nhưng cuối cùng tôi cũng kiên nhẫn chờ đến lượt mình.

Kiệt tác Sự tôn thờ Cừu Thánh của Jan Van Eyck (nguồn: Internet)
Sự tôn thờ Cừu Thánh (De Aanbidding van het Lams God) là bức tranh sơn dầu trên gỗ vẽ trên hai mươi tấm khác nhau, tấm chính diện bên dưới vẽ con cừu thánh bị giết trên bàn thờ để tế thần, những thiên thần quỳ bên cạnh. Từ bốn phía là những người cầu nguyện đến từ khắp nơi trên trái đất: những hiệp sĩ, người hành hương, trinh nữ, đức giáo hoàng, Adam và Eva, nhà tiên tri, người tu khổ hạnh, thánh tử vì đạo…

Qua gần sáu thế kỷ, kiệt tác đã trải qua nhiều thăng trầm. Vào thế kỷ XVIII, khi nước Bỉ bị chia làm hai phần: phần Hà Lan của Áo và phần Hoàng tử - giám mục Liège, hoàng đế Joseph đệ nhị của Áo cho hình ảnh Adam và Eva là thô tục và ra lệnh thay bằng bức vẽ hai người này mặc quần áo (đến nay, hình ảnh cũ đã được khôi phục trở lại đúng chỗ).

Vào thời điểm Cách mạng Pháp, quân của Napoleon lấy toàn bộ bức tranh này mang về Paris, để rồi sau đó bị quân Đức quốc xã lấy mất vào Chiến tranh thế giới thứ hai. May thay, sau những biến cố “lừng lẫy” đó, kiệt tác đã trở về chỗ cũ của nó: Nhà thờ Thánh Bavo ở Ghent, nơi chúng tôi đến thăm.

Tượng trưng cho cái chết của chúa Giê-su, bức vẽ với những đường nét tinh tế dễ làm người chiêm ngưỡng rơi vào trạng thái trầm ngâm. Những nhà nghiên cứu hội họa cho rằng cách sử dụng ánh sáng trong tranh này làm người xem có cảm giác như ánh nắng từ cửa sổ nhà thờ mãi mãi rọi vào 284 hình người trong tranh, dù đó là trưa hè đầy nắng hay một đêm đông.

Khi đứng trước tranh, tất cả những gì diễn ra trong thời gian ngắn ngủi ở Ghent dần hiện ra trong tôi: những cánh đồng xứ Flanders đã chứng kiến chiến tranh đẫm máu và những người lính quân Đồng minh đã ngã xuống, căn phòng với bức mural hình Đức mẹ đồng trinh, bản đồ thế giới xưa trên tường cầu thang, lâu đài của bá tước với những biến cố lịch sử đầy sợ hãi.

Trước khi đến Ghent, tôi là một người vô thần. Sau khi rời Ghent, tôi… vẫn vô thần, nhưng dường như đã có cái nhìn khác về mọi thứ, có phải vì ở Ghent có “tia sáng thiên đường cao, rọi vào ngục tim nhau”? **
____________

* atmospheric: tính từ chỉ những nơi có “không khí”, có hồn, cá tính
** Lời bài hát Chỉ chừng đó thôi của nhạc sĩ Phạm Duy

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Không còn Lochaber nữa

TTCT - Khi bước ra từ một hiệu bán đồ nội thất ở khu Muswell Hill, tôi nghe tiếng J. gọi. Tôi đến hẹn sớm, cứ tưởng còn thời gian dạo quanh trước khi vào quán cà phê, không ngờ anh cũng tới sớm như tôi.

Bức tranh Lochaber no more (1883) của John Watson Nicol, vẽ một gia đình người chăn cừu rời Lochaber di dân đến Tân thế giới
Chúng tôi gọi nước cam và trà. Cái hôn xã giao trên má ban nãy làm tôi nhận ra J. đã lâu không cạo râu, anh chẳng buồn giữ kẽ, ngáp chảy nước mắt rồi xoa cằm: “Thông cảm, hai tuần nay có ngủ nghê gì được đâu, đi mệt lại trái múi giờ”.

Tôi hỏi: “LA (*) vui không?”. “Vui nhưng mệt quá. Tôi và đứa bạn làm một việc điên khùng là lái xe từ LA tới San Francisco, chỉ ở lại đó một đêm rồi ngày hôm sau lái tiếp tới Las Vegas. Lần trước tôi cũng làm vậy, nhưng tôi quên là chuyến đó tôi 21 tuổi và có ba tháng ở Mỹ, còn chuyến này tôi 36 tuổi và chỉ có hai tuần”.

Câu nói của J. làm tôi nhớ tới buổi chiều mùa hè năm trước, mùa hè thứ hai liên tiếp ở Anh trời ít nắng, lúc nào cũng ui ui và lạnh như mùa thu. Mưa sụt sùi bên ngoài, chúng tôi ngồi trong khoang tàu về London sau một tuần làm việc. J. và tôi cùng làm marketing cho bộ phận nhi khoa của công ty nên thường xuyên đi công tác chung.

Anh nói, vẻ chậm rãi thản nhiên đặc trưng của dân Anh: “Người ta đang sưởi nắng ở bãi biển, còn ta làm quái gì trong khoang tàu lạnh cóng. Cả tuần làm việc như điên, chủ nhật này có khi tôi phải làm cho xong báo cáo nữa!”.

Tôi rầu rĩ nhắm mắt lại ráng ngủ, cũng vật vờ mươi phút. Lúc tôi mở mắt, J. đang nhìn ra cửa sổ tàu, nơi những cánh đồng mờ trong mưa. Anh nói: “Tôi muốn bỏ hết, không làm công ty nào nữa, Uyên thấy đó, tôi luôn muốn làm giáo viên dạy trẻ em tự kỷ, bị khó khăn về ngôn ngữ. Tôi sắp 36 tuổi rồi nhưng tới giờ vẫn chưa làm được điều mình muốn”.

Quán nước chúng tôi đang ngồi ở bắc London, gần lớp học kèm tiếng Đan Mạch của J.. Anh đã nghỉ hẳn ở nơi chúng tôi cùng làm, chuyển sang trụ sở toàn cầu tại Copenhagen của một công ty nói tên ra ai cũng biết. Tôi bảo: “Copenhagen nhiều cái hay lắm, hi vọng anh sẽ thích. Đồ ăn cũng ngon, chỉ phải giá cả đắt đỏ”. Rồi dường như sợ chưa đủ, tôi thêm: “Con gái ở đó xinh đẹp lắm!”. J. nói: “Vậy à, ai cũng bảo tôi vậy!”. Tôi ngạc nhiên: “Anh chưa tới đó lần nào sao?”. “Có tới một lần, phỏng vấn xong bay về luôn”.

Tôi không hỏi anh tại sao chán nước Anh lạnh lẽo lại quyết định đến một nước khác còn lạnh hơn, một nước mình không biết bất cứ điều gì về nó. Tôi không chúc mừng anh, cũng không nhắc lại mơ ước được làm giáo viên dạy trẻ em khuyết tật về ngôn ngữ. Tôi hiểu sự chán chường ở anh mà nhiều người khác không hiểu. Ai gặp J. cũng nghĩ: “Còn muốn gì nữa, bằng MBA tại một trong năm trường hàng đầu thế giới. Căn hộ ở trung tâm London trả góp sắp xong. Sống nhiều năm ở Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Pháp, sắp tới là Đan Mạch. Nói được nhiều thứ tiếng. Quản lý marketing toàn cầu của công ty lớn. Còn muốn gì nữa”.

Còn chứ. Có những thứ mà người ngoài không bao giờ biết được. Tháp Maslow cho thấy thứ tự “bậc thang” những nhu cầu của con người, thấp nhất là những nhu cầu sinh lý học: không khí, thức ăn, nước uống..., và cao nhất là nhu cầu được là chính mình. Đúng vậy, không phải mong muốn giàu có vượt bậc, càng không phải mong muốn được nổi tiếng, được quyền uy và sự kính trọng từ bên ngoài, mà chỉ là nhu cầu được làm điều mình luôn mong mỏi, điều đó người ngoài cuộc có khi cho rằng kỳ quặc, lạ đời và lên tiếng chê bai.

J. chở tôi ra trạm xe điện ngầm. Chúng tôi gần như không nói gì trên suốt quãng đường. Xe không mở radio nhưng tôi như nghe vọng lại từ đâu lời bài Lochaber no more, bài hát truyền thống Scotland buồn ray rứt.

Tạm biệt Lochaber, tạm biệt Jean của tôi
Nơi tôi đã có những ngày tươi đẹp với em
Bởi vì không còn Lochaber nữa, không còn Lochaber nữa
Ta có thể sẽ không còn về Lochaber nữa

Lochaber là một vùng hoang vu núi cao và đầm lầy phía tây bắc Scotland, bài hát như lời tạm biệt của những người rời bỏ quê hương Lochaber để đi đến những miền đất hứa.

Bên ngoài, thủ đô nước Anh giờ tan tầm đầy người xe vội vã trong nắng cuối ngày. Đường phố đông đúc không chỗ dừng, tôi tranh thủ đèn đỏ xuống đi bộ đến trạm xe điện. Trước khi đặt chân lên bậc thang dẫn xuống tầng ngầm, tôi quay lại nhìn thấy xe anh còn dừng trước đèn.

Tôi gật đầu chào J., tự nhủ một ngày nào đó khi anh thông báo đã quyết định làm thầy giáo dạy trẻ em tự kỷ, tôi sẽ chúc mừng và nói chuyện nhiều hơn, và nhất định sẽ không nghĩ tới giai điệu bài hát Lochaber no more nữa.
______________

(*) LA: Los Angeles (Mỹ)

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

Vách đá biển xanh Gozo

TTCT - Lý do duy nhất để chúng tôi quyết định đến Malta là vì đã quá ngán ngẩm những cơn mưa nước Anh lạnh lẽo dai dẳng, sau khi tình cờ biết được Malta là nước ấm áp nhất châu Âu với hơn 3.000 giờ nắng mỗi năm.

Có những nơi vách đá che biển lại thành một lạch nhỏ như hồ bơi
Ngày đầu tiên đến Gozo, một trong ba hòn đảo của Malta, tôi ngồi co chân lên ghế trong bếp căn hộ thuê trên đồi nhìn xuống vịnh Xlendi, ăn bánh mì “chờ thời” bởi ngoài trời mưa như trút nước.

Vịnh Xlendi trước đây là một làng chài ngái ngủ, ngày nay đã trở thành một trong những khu du lịch nổi tiếng của Malta nhưng vẫn giữ được những nét duyên dáng, mộc mạc địa phương.

Nhưng có lẽ trời không phụ lòng người, hôm sau mở mắt dậy đã thấy mặt trời lên cao. Nắng vàng óng, đúng là cái nắng Địa Trung Hải mà chúng tôi cất công đi tìm. Một trong hai bancông căn hộ chúng tôi ở mở ra biển xanh, cắt ngang bởi vách núi đá xanh rêu, sau cơn mưa hôm trước cảnh vật sáng sủa và tươi mới, không khí thoảng mùi gió biển mặn mà.

Chúng tôi bước xuống đồi, vào một quán ăn kề biển uống cà phê, ăn sáng với bánh bruschetta và thịt nguội kiểu Ý. Malta chịu ảnh hưởng đáng kể từ Ý, một phần do vị trí địa lý rất gần (chỉ cách “đảo mafia” Sicily của Ý hơn một giờ đi phà), một phần do lịch sử từng nằm dưới sự cai trị của đế chế La Mã từ trước Công nguyên. Tôn giáo chính ở đây là đạo Thiên Chúa, được thánh Paul mang đến khi ông bị đắm tàu dạt vào Malta năm 60 sau Công nguyên.

Kiến trúc và khí hậu ở đây giống miền nam nước Ý, cũng nắng gió Địa Trung Hải và đại dương xanh thẳm trải dài ngút mắt, cũng những ngõ hẻm hẹp vắng người với nhà bằng đá quét vôi vàng kem và bancông uốn lượn. Ảnh hưởng của Anh với đất nước nhỏ bé này chỉ bắt đầu vào năm 1800 khi người dân Malta nhờ đế chế Anh giúp đuổi quân Pháp của Napoleon khỏi đảo.

Tuy trở thành nước độc lập vào năm 1974 song đất nước này vẫn giữ nhiều di sản của Anh để lại, từ hiến pháp, pháp luật, những pháo đài; ngôn ngữ tiếng Anh được nói rộng rãi bên cạnh tiếng mẹ đẻ đến những thùng thư và buồng điện thoại sơn đỏ kiểu Anh, hay món xúc xích ăn với khoai tây nghiền tại các quán rượu.

Malta gồm ba đảo là Gozo, Comino và Malta. Nói đến Gozo, nơi chúng tôi đến, là nói đến những bức tường đá đầy hoa giấy, những con đường hai bên nhiều cây xương rồng mọc cạnh những thung lũng trồng bắp xanh rờn, cà chua đỏ au dưới nắng. Là lối sống chậm rãi, yên bình, hòa mình vào thiên nhiên của người địa phương. Là những vách đá cao nhìn xuống biển xanh như trong tranh vẽ của Edward Lear, nhà thơ và họa sĩ người Anh đã sững sờ khi đến Gozo vào năm 1866 và nói: “Không từ ngữ nào nói lên hết được vẻ đẹp ở đây”.

Thành lũy ở Victoria, thủ phủ đảo Gozo
Chúng tôi đã đi qua vô số vách đá sóng xô tung bọt trắng ở những ngôi làng trên đảo Gozo yên tĩnh và trầm lắng. Trên núi chạy ngang vịnh có những bậc thang lên cao, lên đó có thể nhìn toàn cảnh biển xanh màu mực rồi chuyển sang xanh ngọc lục bảo, tùy theo hướng ánh nắng và vùng nước có núi che hay không. Đi xa hơn nữa là một vịnh nhỏ như một hồ bơi, khi những bậc thang này chưa có, đây là nơi vắng vẻ đến nỗi các xơ nhà dòng hay đến tắm biển.

Chúng tôi lên xe buýt đến Victoria, thủ phủ đảo Gozo, thăm thành lũy và vào quán bên đường mua rau củ, hải sản, trái cây, rượu về nhà tự nấu. Thức ăn ở đây rất ngon và tươi, chanh vàng lớn bằng nắm tay, còn nguyên cuống lá xanh như thể vừa được hái ngoài vườn vào, vỏ sần sùi chứ không láng lẩy như chanh trồng công nghiệp, cà chua má đỏ hây hây, chia thành từng múi trông chỉ muốn ăn, bánh mì Gozo ăn giòn tan nhưng vỏ bánh không rơi lả tả khắp người. Đặc biệt rượu vang ở đây ngon và rẻ không ngờ, còn rẻ hơn rượu đế bán ở VN!

Ở Gozo có những nhà trang trại xưa cũ, lúc trước là nhà của nông dân, sau tân trang thành nơi ở cho du khách thích tìm về những giá trị truyền thống. Những nhà này đều có tường xây bằng đá tảng rất lớn, quét nhiều lớp vôi dày nhưng vẫn cảm nhận được bên dưới là lớp đá sần sùi, mái vòm cong cong mở ra khoảng sân dẫn ra biển lấp loáng nắng đến nhức mắt.

Bên ngoài một căn nhà đặc trưng Gozo
Những cánh cửa không quét dầu hay vẹcni bóng loáng mà để nguyên dạng xù xì, lúc nào cũng được mở hết cỡ để nắng gió ùa vào nhà. Nhịp sống ở Gozo không chỉ chậm hơn những nước phương Bắc mà còn chậm hơn cả đảo Malta cạnh bên. Thỉnh thoảng trên đường chúng tôi vẫn thấy những bà già ngồi dệt ren trước cửa trông chừng mấy đứa cháu chơi bi bên cạnh.

Gozo không nhộn nhịp hội hè nên được cho là nơi chỉ phù hợp với khách du lịch lớn tuổi, nhưng chúng tôi đã trải qua những ngày thật thơ thới trên hòn đảo nhỏ này. Ở đó, chúng tôi leo núi ngắm đại dương mênh mông trải dài vô tận rồi xuống tắm biển phơi nắng cả ngày...

Tranh vẽ Gozo vách đá biển xanh của Edward Lear
Rau củ quả tươi rói với bánh mì và rượu Gozo làm nên bữa ăn ngon lành
Kỳ nghỉ ở Gozo đã làm người xứ nóng ở xứ lạnh là tôi vui vẻ trở lại, ngay cả khi về lại Anh với những cơn mưa dầm dề và đồ phơi trong nhà không biết bao giờ mới khô. Những lúc đó tôi lại nhớ về vách đá biển xanh, khoảng sân đá cuội có những chiếc bình đất nung trồng đầy hoa đỏ, những cây chanh hoa trắng xóa mùa xuân và lúc lỉu trái vàng mùa hè, những buổi chiều ngồi trên bancông đợi hoàng hôn xuống...

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009

Giải mã một tình yêu

TT - Đặt chân đến Anh xem bóng đá mới thấy cổ động viên (CĐV) không chỉ là nguồn sống mà còn là sức mạnh tinh thần thật sự cho mỗi CLB. Dấu kết nối giữa CĐV và CLB là một tình yêu sâu đậm của khách hàng trung thành với thương hiệu!

CĐV nhí của đội Sunderland vui mừng khi đội nhà trụ hạng mùa này. Tình yêu bóng đá của fan Anh được nuôi dưỡng và vun đắp từ nhỏ - Ảnh: Reuters
Bóng đá xứ mình, dù dân ta say mê môn thể thao vua này vô bờ bến, nhưng ở sân nhà khán giả có mặt khi được khi mất. Trên sân khách, nhiều đội bóng thậm chí còn phải bỏ tiền thuê CĐV, may áo cho CĐV mặc, lo cả xe cho CĐV đi…

Hơn một tuần ngắn ngủi trên đất Anh, lang thang nhìn ngắm, có lúc cận cảnh, có lúc từ xa, vòng quanh qua các bảo tàng, sân đấu, cửa hàng của các CLB Manchester United (M.U), Liverpool, Arsenal, Chelsea, Everton, chúng tôi thử làm một việc “phi lý” là tìm cách lý giải cho ra … mối tình sâu đậm giữa đội bóng và CĐV!

Theo cùng năm tháng…

Tôi theo cha đến sân Thống Nhất (TP.HCM) lúc còn niên thiếu từ khi nơi này vẫn còn mang tên sân vận động Cộng Hòa. Thời đó, tôi say sưa với giọng tường thuật phát thanh của ông Huyền Vũ và xem không chán những cuộc trình diễn của các tên tuổi như Ngôn 1, Ngôn 2, Tư Lê, Trung “đầu hói”, Vinh “đầu hói”, Quang Đức Vĩnh, Võ Thành Sơn…, đặc biệt nhất là Tam Lang. Chính hình ảnh người trung vệ đội trưởng áo trắng Tam Lang và không khí cổ động đặc sệt chất Sài Gòn ở khán đài B dù mưa dù nắng đã nuôi dưỡng trong tôi một tình yêu không bao giờ phai nhạt đối với đội bóng Cảng Sài Gòn sau này…

Trẻ em bên Anh theo cha mẹ đến sân cổ vũ cho đội bóng của gia đình là điều ai cũng có thể thấy qua ống kính truyền hình. Ngày 10-5-2009, chúng tôi rất ấn tượng và xúc động khi tận mắt chứng kiến ngay trên sân Emirates một đôi cha con sung sướng hôn nhau dù chỉ được một lần khi Bendtner (26) ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Chelsea trong một trận cầu thảm bại đến 1-4 của Arsenal ngay trên sân nhà tại vòng đấu thứ 36 Giải ngoại hạng Anh mùa bóng này. Khi tan trận, ra cổng lại nhìn thấy một đại gia đình, trong đó có rất nhiều em nhỏ, tất cả đều xanh màu áo Chelsea, đang vui đùa cùng nhau khi nán lại tận hưởng men say chiến thắng của đội nhà ngay trên sân khách, gương mặt ai cũng rạng màu phấn khích của niềm vui bóng đá hòa với hạnh phúc gia đình.

Chúng ta thường thấy trước khi trận đấu mở màn xuất hiện một bạn nhỏ, thường 6-10 tuổi được chọn đế làm mascot (linh vật) của đội bóng. Đó là những em được chọn ngẫu nhiên từ danh sách một “CLB thành viên nhí”, chẳng hạn ở Arsenal được gọi là các Junior Gunner (pháo thủ nhí, vì biểu tượng của đội bóng áo đỏ này là một khẩu thần công, bảo vệ pháo đài). Các em được cha mẹ đăng ký và đóng tiền tham gia. Các em được mua vé giảm giá, được dự tiệc dành cho các fan, được tham gia đặt câu hỏi trực tiếp với cầu thủ yêu thích trên diễn đàn của CLB… Các em cũng có thể trực tiếp gặp gỡ các ngôi sao một thời vang bóng, nhìn ngắm chiếc cúp thành tích, sờ chạm hiện vật hay ký ức về những khoảnh khắc không quên…

Và như thế, tình yêu dành cho CLB cứ lớn dần theo năm tháng qua kỷ niệm từ gia đình, nhà trường… Một chàng trai tên Michael, hiện là kế toán một công ty ở London, chỉ “cố sống cố chết” ủng hộ đội Luton Town, một đội bóng hạng ba mới bị xuống hạng tư mùa bóng năm nay. Mới 29 tuổi nhưng anh đã có thâm niên gần 20 năm có mặt trên sân tất cả những trận có Luton Town thi đấu, cả sân nhà lẫn sân khách. Mỗi lần gặp một đội nào đó ở xa, anh và cha lái xe hay đi tàu có khi cả ngàn cây số cả đi lẫn về để xem.

Ngôi nhà chung

Điều đầu tiên của các CLB là phải biến sân vận động của đội bóng trở thành mái nhà chung, biến mỗi trận đấu thành một ngày hội thật sự của hàng vạn CĐV. Chính ở nơi đó, mỗi CĐV được bày tỏ và thỏa mãn trong sự thể hiện tình yêu với CLB. Dĩ nhiên trong tuyệt đối an ninh. Khán giả vào sân phải qua hàng rào tự động kiểm tra vé từng người. Bia đựng trong chai… nhựa, và tuyệt đối không được mang lên khán đài. Nước uống đóng chai chỉ được mang lên sau khi để lại … nắp chai. Bảo vệ quan sát khán giả như camera ghi hình! Và bên ngoài sân, cảnh sát kỵ binh cưỡi ngựa sẵn sàng hành động. Nhờ thế cuộc vui mới trọn vẹn.

Trước giờ khai cuộc, trên mọi nẻo đường dẫn đến sân vận động, CĐV đi bộ tràn ngập, ca hát, reo hò không dứt, tiếng cười nói vang dội hòa với sắc áo truyền thống nhưng đa dạng kiểu dáng, làm thành một thứ men khai vị rất bốc cho bữa tiệc bóng đá. Trong sân có đủ chỗ cho mọi sinh hoạt của các fan có mặt từ sớm. Có nhà hàng sang trọng cho hội viên hạng VIP, lại có nơi bán thức ăn nhanh, bán bia chai uống tại chỗ. Bạn có thể tổ chức sinh nhật tại đây nếu đăng ký trước. Có cả những buổi giao lưu, chụp ảnh với các ngôi sao, đấu giá, rút thăm trúng thưởng, làm từ thiện …

Những khán giả trung thành thường mua vé suốt mùa bóng (season ticket), nghĩa là vé xem tất cả các trận của CLB trên sân nhà. Dĩ nhiên sẽ rẻ hơn là mua vé lẻ xem từng trận và còn được ưu tiên mua vé xem trận trên sân khách. Lại có loại thẻ thành viên trung thành (loyalty card), mỗi lần mua vé sẽ tích lũy điểm thưởng để hưởng ưu đãi, và được ưu tiên mua vé xem các trận đấu bên ngoài nước Anh. Everton lại có một cách rất độc đáo để mỗi CĐV góp lòng trung thành của mình xây dựng CLB: kêu gọi CĐV gửi tiền tiết kiệm tại Tổ chức tài chính Britannia Building Society (BBS), người gửi sẽ được một tỉ lệ lãi suất hấp dẫn và được dự rút thăm trúng thưởng đặc biệt.

Đồng thời hằng năm, căn cứ vào tổng số dư của khách hàng là CĐV của CLB, BBS sẽ tặng Everton số tiền tương đương 1%. Riêng CLB Manchester City còn bán cả bảo hiểm cho CĐV.

Có một thứ rất đặc biệt ở đây là những cuốn programme, bán hẳn hoi với giá từ 3-5 bảng Anh. Đó là những quyển chương trình, in màu rất đẹp, hình ảnh bắt mắt, khổ giống như cuốn tạp chí nhỏ, chứa đầy đủ thông tin về trận đấu đó, như cầu thủ sẽ ra sân, phát biểu trước trận đấu, ý kiến các chuyên gia… Những fan trung thành coi đó như là một hình thức sưu tập, trận nào cũng mua một quyển. Nếu lỡ sót thì tìm mua lại của người khác, hệt như thiên hạ sưu tầm tem.

Có fan trung thành của CLB West Ham United có tất cả các cuốn chương trình trong vòng 50 năm trở lại đây. Những quyển càng xưa càng có giá trị, có thể đem đấu giá vì hiếm. Kỷ lục thuộc về chương trình chỉ vỏn vẹn một trang cho trận chung kết Cúp FA năm 1888, được mua với giá tương đương 600 triệu đồng VN. Ý tưởng những cuốn chương trình này đã ra đời từ cuối thế kỷ 19 và theo chân các CĐV qua hai cuộc chiến tranh thế giới đầy bom đạn đến ngày hôm nay. Mua những cuốn này cũng là một cách gắn bó với CLB cả về tinh thần (dõi theo những gì đang diễn ra với đội bóng con cưng) lẫn vật chất (ủng hộ đội bóng về mặt tài chính). Những fan của Chelsea từ thuở “hàn vi” chắc vẫn còn nhớ cách đây không lâu mình đã mua từng cuốn programme để ủng hộ đội nhà lúc bấy giờ đang nợ như chúa chổm.

Năm năm liên tiếp gần đây các CLB của Anh đều có mặt trong trận chung kết Champions League châu Âu. Bóng đá Anh xứng đáng có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ, vượt ra ngoài biên giới hòn đảo nhỏ đầy mưa và sương mù để trở thành giải bóng đá có sức quyến rũ nhất và được hâm mộ nhất hành tinh. Điều đó phần nào được “giải mã” khi ta hiểu cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, biết đầu tư đúng chỗ, cùng với châm ngôn không khi nào được làm nản lòng CĐV dù “vật đổi sao dời”.

DUYÊN TRƯỜNG - GIÁNG UYÊN

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Về trước đàn chim nhạn

Có lẽ nếu gặp chị ở Việt Nam, tôi sẽ không ngỡ ngàng vì chị dù nhỏ nhắn nhưng giữa những người Việt khác sẽ bình thường. Nhưng đã lâu tôi đi làm hay ra phố nhìn người phương Tây cao lớn đã quen mắt, tự nhiên nhìn chị nhỏ bé tôi thấy thương thương, như thể tôi cần che chở cho chị trong cuộc sống nhiều bất trắc.

Hoa xuân
Gương mặt chị giãn ra vì mừng rỡ khi mở cửa cho tôi vào: “Vậy là em đi đường không sao! Chị cứ lo…”. Tôi cười: “Em “giang hồ” thứ thiệt mà chị, khéo lo chi không biết. Với lại em tới Thụy Sĩ lần thứ tư rồi”. “Ừ, chị biết em quen đi nhiều, nhưng cũng cứ thấy lo lo sao đó. Chắc tại bản tính chị hay lo xa. Em đi đường có mệt không?”. “Từ Anh qua đây có hai tiếng đồng hồ, không mệt lắm đâu chị”.

Trong lúc chờ tôi rửa mặt mũi, chị sửa soạn bữa tối trong bếp rồi dọn ra bàn ăn. Cơm trắng, rau muống xanh non và một dĩa dồi thơm phức. Trong lúc tôi ngồi vào bàn, chị mở hộp: “Đặc sản nè em! Thịt kho sả ruốc kiểu Huế”. Tôi reo lên sung sướng. Bữa cơm rất ngon miệng, ruốc sả Huế mằn mặn ăn rất bắt cơm, lại thêm rau muống luộc chấm nước mắm chị pha sẵn ngon hết biết. Trong lúc tôi ăn, chị múc nước luộc rau muống bốc khói nghi ngút, vắt chanh rồi để lên bàn “tiếp tế”. Đã hơn một năm tôi mới ăn bữa cơm Việt Nam đầu tiên, lại ngon lành đến vậy nên ăn hết bốn chén cơm, đến khi no căng bụng mới thôi.

Chị nói: “Tết vừa rồi chị về Sài Gòn mua mấy tờ báo có đăng bài em, chị mang qua rồi giữ lại đây, em đọc không?”. Tôi phì cười: “Bài em viết mà chị, đâu có gì lạ đâu mà đọc”. Chị cất mấy tờ báo: “Em giỏi quá, chị lúc nào cũng thấy hãnh diện vì em. Con gái còn trẻ mà một mình đi làm ở châu Âu, làm việc giỏi lại còn viết văn nữa”. Tôi im lặng, đã có nhiều người khen tôi tương tự như vậy nhưng mỗi lần được khen tôi vẫn lúng túng không biết phải nói gì.

Chồng chị mang hai con đi chơi nhà nội đã về tới nhà. Em bé gái hơn một tuổi được ba ẵm ngủ say trên vai ba, còn cậu con trai ba tuổi nhát người lạ chào tôi rồi chạy vào phòng. Tôi trò chuyện với anh khi chị chuẩn bị cho hai em bé ngủ. Anh là quản lý khá cao cấp tại một ngân hàng ở Zurich, lịch sự nhưng không có vẻ xa cách mà rất thân tình. Hai em bé xinh xắn đáng yêu.

Tôi không nói ra nhưng mừng cho chị có cuộc sống bình yên. Chỉ mới gặp chị lần đầu nhưng tôi thấy người phụ nữ gầy gò nhỏ nhắn chỉ lớn hơn tôi bốn tuổi này dường như có điều gì buồn, không phải nỗi buồn của một người không có hạnh phúc, hoặc thiếu thốn tình cảm hay vật chất, mà là nỗi buồn đối với tôi mơ hồ khó định nghĩa được.

Hai chị em nói chuyện đến khuya, những câu chuyện thật vui vẻ, phần lớn là chuyện Việt Nam, chị vừa về nên cập nhật cho tôi vô số thứ, từ những chuyện khá “nhảm” về hậu trường những người nổi tiếng (thật ra muốn nghe những chuyện này chỉ cần lên mạng Internet đầy rẫy, nhưng tôi thích nghe kể hơn), đến những ngày chị đi học ở Đà Lạt, những rừng hoa mimosa đã bị chặt mất và những con sông miền Bắc không còn như xưa.

Tôi kể về những đứa bạn thân trung học, đại học, về công việc của tôi ở Anh, về Sài Gòn đất rộng người đông thiếu cây xanh và hoa, mỗi lần về chỉ muốn đón tàu về quê miền Trung xa ngái có ruộng lúa cây tre mà ở.

Lan man một lúc, chúng tôi nói về hai đứa bé đẹp như thiên thần của chị, về bé trai có nét châu Á còn bé gái tóc xoăn nét giống ba. Tôi bảo: “Được như chị là nhất rồi, em chưa bao giờ nghĩ tới chuyện có con nhưng thấy hai đứa dễ thương quá cũng mê liền”.

Chị uống hết nước trong chiếc ly thủy tinh đặt trên bàn rồi đứng dậy: “Chị đi lấy nước, em uống thêm nước không chị lấy luôn?”. Trong khi chờ chị, tôi sửa lại dáng ngồi cho thoải mái hơn trên ghế sofa, nghĩ về một nỗi buồn khó định nghĩa. Đồng hồ đã chỉ hai giờ khuya nhưng tôi không buồn ngủ, cũng không thấy mệt, tôi mơ hồ nhận ra chính lúc này có thể hiểu được vì sao tôi nhìn nơi chị nỗi buồn kia.

Chị đặt hai ly nước lên bàn. Tôi im lặng. Chị cũng im lặng, rồi nói “Đáng lẽ chị có ba đứa con, em à!”.

Tôi nhận ra mình đã đổi sang dáng ngồi chống cằm, những ngón tay che miệng. Không cần phải là người biết quan sát sắc sảo cũng nhận ra được đó là dáng ngồi của một người không muốn nói, hoặc không biết nói gì. Tôi muốn nói một điều gì đó, chia buồn chẳng hạn, nhưng nghĩ mãi vẫn không biết tìm lời gì cho hợp lẽ.

“Đứa đầu tiên của chị là con trai nhưng không phải bé M. Em bé chết trong bụng mẹ. Trước đó chị vẫn đi khám thai thường xuyên, không có vấn đề gì. Trước khi em bé được bảy tháng, chị đến khám như thường lệ, vui lắm, con đầu lòng mà em. Phòng khám bác sĩ nằm trên đồi, lúc đó đang là mùa xuân, nằm trên ghế khám nhìn ra đồi hoa nở đầy, đẹp lắm. Bác sĩ báo tin cho chị biết lúc chị đang nhìn ra đồi hoa, lúc đó những bông hoa là thứ đầu tiên chị nhìn thấy, ập vào mắt chị”.

Ở châu Âu, tôi thích nhất mùa xuân. Ngày bắt đầu dài ra, mặt trời lặn trễ hơn. Hoa mận, hoa táo, hoa đào nở bung khắp các cành cây trụi lá rồi rắc li ti xuống tóc. Dưới đất có tulip, dạ lan hương, tử đinh hương muôn màu..., và nhất là thủy tiên, loài hoa “về đây trước đàn chim nhạn” như lời một câu thơ của Shakespeare.

“Em biết không, bây giờ mỗi năm cứ tới mùa xuân, nhìn thấy hoa nở nhiều ngoài đường chị lại bị nhức đầu. Bác sĩ nói đây là vấn đề tâm lý, uống thuốc không khỏi được. Tới bây giờ đã có hai con rồi, chị vẫn còn nhức đầu mỗi khi thấy hoa bắt đầu nở mùa xuân”.

“Vậy hả chị?” - Nói xong, tôi chợt thấy lời của mình vô duyên và thừa thãi. Không thấy gương mặt đỏ bừng lúng túng của tôi, chị bình thản: “Em bé chết trong bụng nhưng vẫn sinh ra em à. Sinh ra, đặt tên và làm lễ rửa tội như em bé vẫn còn sống. Em bé chôn trên nghĩa trang trên đồi. Chị cũng hay đem hai em lên thăm mộ anh, ở đây mộ trẻ con họ làm đẹp lắm, có nhiều chong chóng, nhiều hoa”.

Buổi sáng tôi ngủ dậy trễ, trong giấc ngủ vẫn lơ mơ nghe trong phòng khách tiếng chị suỵt hai đứa nhỏ không được nói cười to để tôi ngủ say. Chị và tôi đi ngủ lúc gần bốn giờ sáng, nhưng dường như khi hai đứa bé ngủ dậy lúc bảy giờ chị đã dậy cùng với con.

Người phụ nữ mảnh dẻ tưởng chừng như yếu đuối đó quả có một sức mạnh lớn hơn tôi tưởng, cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi xấu hổ vì ý nghĩ lúc ban đầu gặp chị, rằng trông chị nhỏ bé cần che chở trong cuộc sống đầy bất trắc. Đến lúc này tôi mới nhận ra chị mới là người có thể che chở tôi, nếu có lúc nào đó tôi gặp điều gì phiền muộn.

Như đã định, tôi chỉ ở Zurich có một ngày rồi đón tàu qua Áo thăm người quen. Kỷ niệm với gia đình chị chỉ dừng lại thêm ở bữa trưa món linguine hải sản tươi ngon chị làm và những lúc tôi chơi với hai em bé. Bé gái chỉ vào món Ý kêu “pasta” rồi chỉ tô cơm gọi “cơm”. Chị cười “Nó dễ ăn lắm. Nhìn mũm mĩm vậy chắc là nhờ cơm với nước mắm”. Bé trai đã quen tôi, theo vào phòng khách. Tôi chỉ chậu phong lan trên bàn, nói “bông”, nó nói theo “bong”, rồi sau đó thấy tôi đi đâu lại kéo tay chỉ chậu hoa gọi “bong”.

Nước Anh năm nay trải qua một mùa đông lạnh bất thường, với bão tuyết trắng xóa khắp nơi và những đêm dài đầy sương muối. Qua mùa đông, tôi đọc lại cuốn Đồi gió hú của Emily Bronte, đoạn tả Catherine khi chồng mang những bông hoa crocus* vàng đặt lên gối giường bệnh vào một ngày đầu xuân. “Đây là những bông hoa đầu tiên trên Đồi”, nàng thốt lên. “Chúng làm em nhớ đến những cơn gió mềm mại, những tia nắng ấm và tuyết sắp tan”…

Tháng Tư, tháng Năm nước Anh vào xuân, hoa nở tràn lan trên lối đi, trong những khu vườn cỏ lên xanh mướt, trên những cây táo mới tháng trước còn vươn cành khẳng khiu lên nền trời xám, trên những đồng cỏ trải dài có đàn cừu non mới sinh nhảy loi choi. Những bông hoa vẫn làm tôi vui vì biết mùa xuân tươi đẹp đang chờ, nhưng có những khoảnh khắc mở cửa sổ nhìn ra vườn ngập hoa lại nghĩ đến Zurich cũng sang xuân, không biết chị có nguôi nhớ đứa bé về trước đàn chim nhạn?
____________

(*) Crocus: hoa nghệ tây, cánh dày hao hao giống hoa sứ, thường có màu vàng, trắng hoặc tím, nở vào mùa xuân

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Chuyện mắm ba khía ở London

TTCT - Mỗi lần muốn ăn món Việt Nam tôi phải tới Hackney ở phía bắc London, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Vài tháng một lần, tôi vào mấy quán Việt trên đường Mare mua vội vàng nhiều món rồi về.
Tình cờ đợt đi lần này tôi phát hiện một món đựng trong hộp nhựa vuông nhỏ xíu trong quầy đông lạnh, nhìn không có vẻ gì khởi sắc. Nhưng lướt mắt qua tôi vui mừng khi thấy hàng chữ “mắm ba khía” bên trên.

Bắt ba khía kiếm sống trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long
Tôi mua ngay, không phải vì rẻ quá (mà rẻ thật, một hộp khoảng hai lạng chỉ có 1,5 bảng Anh, khoảng 38.000 đồng) mà vì nghe đồn mắm ba khía ngon lắm nhưng chưa thử lần nào.

Về tới nhà, có thèm đến mấy cũng phải ráng chờ đến cuối tuần hai bạn chung nhà đi chơi tôi mới khui hộp mắm. Sống chung với dân bản xứ, tôi giữ ý không nấu những món mình thấy thơm nức mũi nhưng người ta không chịu được mùi, giống như mình không chịu được mùi phômai lên mốc xanh mốc đen của Tây hoặc đậu phụ Đài Loan.

Tôi múc vài muỗng mắm ba khía vào chén rồi cho vào lò vi ba để rã đông. Ba bốn phút sau mùi mắm bốc lên thơm lừng. Món mắm ngon không phụ lòng chờ đợi, thơm mùi đặc trưng khác với những loại mắm tôi từng ăn, càng ba khía mập mạp đỏ au, cắn vỡ ra để lộ những miếng thịt mằn mặn hơi giống thịt cua muối, ăn kèm khế chua chua, gừng cay nồng và những gia vị, rau thơm khác làm vị giác kích thích dễ sợ.

Đang ăn, chợt tôi liếc thấy miếng giấy lấy ra từ bao bì hộp mắm có ghi “Mangrove crabs” (Cua cây đước). Bất giác tôi nhớ câu ca dao hay dân ca gì đó:

Tháng bảy nước chảy Cà Mau
Tháng mười ba khía hội, kéo nhau đi làm
U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm
Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi.

Rồi cũng tự nhiên tôi nhớ một bài viết về mắm ba khía. Ba khía chỉ hội vào vài ngày tháng 10 âm lịch, thời điểm đó người “làm” ba khía phải chịu thức đêm thức hôm, ngủ bờ ngủ bụi, chịu muỗi chích, vắt cắn để bắt được ba khía, có khi tay sưng lên vì bị càng ba khía kẹp. Người viết cũng nói thêm “đi làm ba khía là nghề hạ bạc của con nhà nghèo”.

Sao có thể mua món mắm ba khía ở Anh với giá rẻ đến vậy? Hầu hết những món đông lạnh xuất qua châu Âu toàn loại ngon nhất ở VN, tôi đoán người mình không ăn để dành xuất khẩu. Người bắt ba khía sau mấy đêm ngủ rừng đước, rừng mắm, rừng tràm có bán trực tiếp được cho công ty xuất khẩu không, hay còn phải qua trung gian nữa. Rồi công đoạn muối, giã tỏi, ớt, tiêu, chờ đủ ngày tháng mắm chín cho vào hộp đông lạnh theo tàu chở qua châu Âu.

Tôi chưa về miền Tây vào ngày hội ba khía để thấy cảnh bắt ba khía cực đến mức nào, nhưng tôi đã thấy những người đàn bà ngâm mình tới thắt lưng dưới nước trong cái lạnh căm căm của miền Bắc vào tháng chạp âm lịch. “Họ riu tôm đấy cháu ạ!” - ông già tóc bạc chèo thuyền chở tôi thăm Tam Cốc ở Ninh Bình nói.

Người ta riu tôm ở những khoảng sông hay khoảng đồng ngập nước đầy rong rêu lau sậy, phải ngâm mình cả ngày mới được mớ tôm mang ra chợ. Tôi cũng thấy những con tôm nhỏ đó ở chợ quê Hoa Lư, nhỏ như con tép bạc búng lóc xóc, không biết bán có đủ mua gạo để ăn!

Tôi cúi xuống món mắm ba khía vẫn còn thơm lừng, nghĩ sao người dân quê VN mình khổ quá. Rồi tặc lưỡi: “Thời buổi kinh tế toàn cầu suy thoái, ai cũng khổ chớ đâu phải chỉ người dân quê VN mình”. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đúng là ai cũng khổ, nhưng Warren Buffett lỗ 25 tỉ USD từ chứng khoán thì tài sản vẫn còn 37 tỉ USD, chỉ phải nhường lại ngôi giàu nhất thế giới cho người khác chứ đâu đến nỗi.

Ai cũng khổ, nhưng dân Anh mất việc thì vẫn có trợ cấp xã hội, tuy cũng “muối mặt” lắm chứ không vui vẻ gì nhưng có còn hơn không. Ai cũng khổ, đồng bảng Anh có xuống giá thê thảm thì vật giá hầu như toàn bộ các nước châu Âu khác vẫn rẻ hơn ở Anh, trước đây rẻ hơn gấp rưỡi, gấp đôi thì bây giờ rẻ hơn ít lại, dân Ănglê buồn vì mùa đông lạnh lẽo vẫn có thể đi tắm biển Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cho nỗi buồn vơi đi mà không sợ tốn kém nhiều.

Có ai đó nói người giàu trở thành nghèo sẽ là người khổ nhất vì đã quen với sự sung sướng, trong khi người nghèo hoài không khổ vì họ đã biết sung sướng, thừa mứa là gì đâu mà so sánh với hoàn cảnh hiện tại. Có lẽ người nói câu đó chưa thấy những chị ngâm mình dưới nước lạnh buốt riu tôm, hay những thanh niên ăn bụi nằm bờ ở rừng mắm, rừng đước chờ bắt ba khía.

Người nông dân nghèo vốn đã “khó từ ngã bảy ngã ba khó về”, bây giờ thời buổi khủng hoảng càng khổ hơn vì vật giá leo thang chóng mặt, ai lỡ có con đi học ở thành phố lại càng điêu đứng. Lần về Việt Nam tháng 10 năm ngoái, tôi ngạc nhiên làm sao với thu nhập bình quân đầu người như vậy lại có thể đáp ứng được vật giá chừng kia.

Nhưng thôi, ăn gỏi mắm ba khía cho hết đi, nghĩ ngợi lẩn thẩn hoài!

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Hồn Lisbon

TTCT - 1. Tình cờ tôi đọc bài thơ N'importe où hors du monde (tạm dịch Bất cứ nơi nào bên ngoài thế giới) của nhà thơ Pháp Charles Baudelaire nói về trái tim phiền muộn của ông muốn thoát khỏi thế giới chật hẹp.

Khu phố xưa mái nhà Địa Trung Hải lô nhô trên đồi cao
  Có vẻ như tôi lúc nào cũng vui hơn ở nơi khác nơi tôi sống
Và câu hỏi này lúc nào cũng được tôi mang ra trò chuyện với tâm hồn tôi
“Hãy nói cho ta biết đi, tâm hồn của ta, tâm hồn băng giá tội nghiệp của ta, mi muốn đến sống ở Lisbon không?
Ở đó ắt hẳn ấm áp và mi sẽ vui như con thằn lằn được sưởi nắng
Ở đó gần biển, họ nói thành phố được xây bằng cẩm thạch”

...

Trong bài thơ, tâm hồn của Baudelaire không trả lời và ông phải tiếp tục đưa ra những thành phố khác. Nhưng tôi đã bị chinh phục hoàn toàn bởi Lisbon, một trong những nơi ấm áp nhất châu Âu với bầu trời xanh không chút mây, hải sản ngon lành, xe điện gỗ cọc cạch phong cách retro và những con đường hẹp với bancông phơi quần áo bay lất phất trong gió. Vì vậy tôi nghỉ phép, trốn những cơn mưa nước Anh lẹp nhẹp để một mình đến Lisbon.

2. Thủ đô Bồ Đào Nha nắng vàng trải khắp nơi làm da tôi ấm râm ran dễ chịu. Hồi còn ở VN gặp nắng là tôi trốn biệt, nhưng có sống ở những nước phương Bắc lâu ngày mới biết ánh nắng quý chừng nào. Xe buýt từ sân bay Lisbon thả tôi xuống quảng trường Placa do Comércio rộng lớn với những đại lộ mọc đầy cây cọ xanh.

Tôi băng qua con đường bên sông để đến khách sạn ở quận Alfama, khu phố xưa mái nhà Địa Trung Hải lô nhô trên đồi cao. Alfama là một hệ thống hẻm nhỏ ngoằn ngoèo như ma trận, nhà hẹp nghiêng vào nhau và những nhà hàng địa phương bên ngoài kê bàn ghế dưới bóng giàn nho, nắng lọc lốm đốm xuống đất, có em bé má đỏ au đi chập chững theo con chó lông xù. Tôi lạc ở đó hơn tiếng đồng hồ mới tìm ra nơi ở, nhưng đến nơi để hành lý vào phòng là hăm hở đi tiếp không biết mệt, có vẻ vì nắng Lisbon vàng kem quá, trời Lisbon xanh biếc quá và gió Lisbon mát mơn man quá...

Ánh sáng Lisbon là ánh sáng của nắng hắt xuống nước phản chiếu trở lại, ánh sáng của trời
Chơi cờ với người địa phương: những cư dân thành phố thật thư giãn và vô tư lự
Lisbon ấn tượng nhất với những du khách lần đầu đến nhờ ánh sáng: ánh sáng nơi đây là ánh sáng trắng, ánh sáng của nắng hắt xuống nước biển phản chiếu trở lại, ánh sáng của trời. Lisbon nằm trên bờ nơi con sông Tagus chảy ra Đại Tây Dương, và giống như lời câu thơ Baudelaire: Ở đó phong cảnh chỉ toàn ánh sáng và khoáng, phản chiếu dưới nước, cả thành phố sáng bừng dù không phải ngôi nhà nào cũng xây bằng cẩm thạch như lời thơ.

Kiến trúc thành phố rất đa dạng: kiểu La Mã, baroque, gothic, truyền thống Bồ Đào Nha và có vẻ rất ít nhà hiện đại. Đi bộ mỏi chân, tôi tạt vào một quán ăn địa phương bên đường ăn một tô xúp đậu đỏ nóng bỏng, tráng miệng bằng bánh ngọt lừ kèm tách nhỏ cà phê đen gọi là “bica” đắng thơm thoang thoảng.

3. Không biết có phải vì say nắng mà đêm đó tôi bị nhức đầu. Khi thuốc giảm đau từ từ ngấm vào làm cơn nhức dịu bớt và đầu hết ong ong, chợt nghe buồn da diết tiếng hát và đàn guitar bập bùng.

Tôi nhỏm dậy, mở cửa bước ra bancông, có lẽ tiếng đàn hát vọng vào từ một trong những nhà hàng quận Alfama có nhạc fado, một loại nhạc đặc trưng Lisbon được sinh ra từ tình cảm lạ thường, từ một tâm hồn không thể giải thích mà chỉ có thể cảm nhận. Đó là âm nhạc từ tâm hồn Bồ Đào Nha. Nhạc fado thường được chơi bằng nhạc sống bởi ca sĩ chỉ chuyên hát loại nhạc này trong những nhà hàng địa phương và “được nghe trong im lặng, khi bạn ăn món xúp bắp cải xanh và nhấm một lát xúc xích chorico trên miếng bánh bột bắp” như lời trang web chính thức của thành phố đã viết.

4. Ngày hôm sau tôi thử khám phá hệ thống xe điện Lisbon. Ấn tượng đầu tiên: xe điện số 28 đẹp quá, cũ kỹ, sàn và ghế đều bằng gỗ, với những xà xe cũng bằng gỗ trơn nhẵn qua thời gian do hành khách vịn tay lên. Ngồi trên xe nếu lâu lâu không qua khúc ngoặt nảy lên một cái như thể xe đột ngột sổ mũi hắt hơi, sẽ có cảm giác không phải ngồi trên phương tiện giao thông mà là trong quán rượu ở làng quê châu Âu. Xe lọc cọc chạy trên những con đường quanh co qua hầu hết những điểm du khách thường đi, chẳng hạn như Miradouro de Santa Luzia, nơi tôi thích nhất.

Xe điện số 28 lọc cọc chạy trên những con đường quanh co
Tôi gọi đó là “lầu vọng nguyệt Lisbon”, những bức tường của nhà thờ được lát bằng đá trơn mosaic tróc từng mảng lớn. Đây là những viên đá được lấy từ quảng trường Comércio sau trận động đất năm 1755 phá hủy gần như toàn bộ thành phố. Từ chỗ tôi ngồi trên bậc thềm, dựa vào bức tường vôi tróc lở vết thời gian, sông Tagus xanh trải dài phẳng lặng và những ngôi nhà cổ xưa nhỏ bé mái đỏ nhấp nhô, nổi bật lên tháp chuông trắng xóa. Du khách đến đây dễ đắm chìm vào lịch sử, nhất là khi những âm thanh của đời sống lắng xuống, chỉ có tiếng chim hót rớt vào không trung và tan ra trong làn nước xanh bên dưới sân giáo đường.

5. Tôi không vào ăn tối nhà hàng có chơi nhạc fado nào trong suốt chuyến đi, kỷ niệm đêm tiếng nhạc buồn thiu vọng vào phòng từ nhà hàng cùng khu phố và ngủ mơ màng trong mệt mỏi của một ngày phải bay và di chuyển nhiều trở thành kỷ niệm duy nhất. Chỉ có một điều tôi thắc mắc, không hiểu sao tôi chỉ nghe nhạc fado đúng một đêm đầu tiên ở Lisbon ấy, hay vì mệt mỏi mà tôi tưởng tượng hay nằm mơ thấy nó? Chắc chắn là không, vì tiếng hát và những âm hưởng nhạc không giống bất cứ loại nhạc nào tôi từng nghe qua.

Sau này tình cờ đọc được lời đầu tiên về Lisbon của sách du lịch Footprint, tôi được biết đây là thành phố “quay lưng lại với châu Âu và hồn còn vương vấn thế kỷ 15”. Quả vậy, thế kỷ 15 là thời hoàng kim của Bồ Đào Nha, khởi nguồn kỷ nguyên khám phá thế giới của đất nước này, từ hoàng tử Henrique vượt qua mũi Bojardo ở Tây Phi đến Vasco de Gama khám phá đường biển đi Ấn Độ và hệ thống thuộc địa của nước này rộng khắp Nam Mỹ.

Một góc quảng trường Placa do Comércio
Nhà thờ Sé Cathedral kiến trúc kiểu Anh
Những năm đế chế Bồ Đào Nha hùng mạnh nhất thế giới tồn tại không lâu và xuống dốc rất nhanh, cộng thêm hậu quả trận động đất được nhắc đến ở trên, Lisbon mất hẳn vai trò quan trọng ở châu Âu. Chỉ đến 50 năm trở lại đây, nhờ quỹ của EU Lisbon mới dần hồi phục, nhưng vẫn còn bị những thủ đô láng giềng bỏ xa về tầm phát triển. Có phải vì vậy mà người ta nói sau vẻ bề ngoài vui nhộn hội hè, phố ẩn giấu một nỗi buồn u hoài mà người từ xa đến chỉ thấy trong những ngày Lisbon mưa.

Và có phải vì những ngày tôi đến trời tràn ngập nắng vàng, tôi đã ngẫu nhiên được nghe nhạc fado để cảm nhận một phần hồn Lisbon mà tôi không biết?

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2009

Ánh sáng phương Bắc

“Ai cũng phải từng nhìn thấy ánh sáng phương Bắc một lần trong đời!” - Người Phần Lan vốn ít nói và có phần hơi rụt rè, nhưng cô bạn người Phần Lan bảo tôi, chắc như đinh đóng cột.

Tôi nhún vai:

- Người Ai Cập bảo “Ai cũng phải nhìn thấy kim tự tháp một lần trong đời”, người Nhật thì nói “Ai cũng phải nhìn thấy hoa anh đào nở một lần trong đời”… Vậy biết nghe ai đây?

Không nao núng trước vẻ ngờ vực của tôi, cô tiếp:

- Kinh Cựu ước gọi đó là “cơn mưa lửa từ trời”. Ngay cả sau khi khoa học giải thích được hiện tượng này, nó vẫn ẩn chứa những điều thiêng có thể chuyển đổi cách nhìn cuộc sống về mặt tâm linh. Bạn đi đi rồi sẽ thấy!

Tấm ảnh ánh sáng phương Bắc của nhiếp ảnh gia Jorma Luhta
Tôi vốn vô thần, cũng không ham “chuyển đổi cách nhìn cuộc sống về mặt tâm linh” nhưng cũng tò mò tìm đọc trong kinh Cựu ước phần viết về ánh sáng phương Bắc. Thật khó tin vài ngàn năm trước công nguyên, con người có thể viết nên những miêu tả sâu sắc như nhà tiên tri Ezekiel: “Và tôi nhìn, rồi ngắm, một ngọn cuồng phong đến từ phương Bắc, một đám mây vĩ đại, một ngọn lửa ẩn chứa bên trong đám mây từ từ chiếu sáng, và ở ngay giữa tâm là một màu hổ phách đến từ giữa trời”.

Gần đây hơn, vào thời văn minh Hy Lạp, giả thuyết của Aristotle khẳng định sức nóng từ ánh nắng tạo ra hơi nước (thủy) từ mặt đất (thổ), hơi nước gặp yếu tố lửa (hỏa) tạo thành ánh sáng phương Bắc.

Có vẻ đã hơi xiêu xiêu, tôi đến sứ quán Phần Lan ở London lấy visa du lịch. Mục đích chính của tôi là để đi sauna, dạo rừng bách diệp, xem tuần lộc kéo xe và thăm quê hương ông già Noel, tiện thể nếu được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc càng tốt. Biết tôi viết sách du ký, nhân viên ở đó mang ra tặng cuốn hướng dẫn du lịch Phần Lan.

Sau khi lật xem vài trang, tấm ảnh ánh sáng phương Bắc của nhiếp ảnh gia địa phương Jorma Luhta đã “hạ gục” tôi tại chỗ, và tôi biết mục đích duy nhất của chuyến đi Scandinavia chỉ để xem kỳ quan thiên nhiên này mà thôi.

Tấm ảnh chụp những quầng sáng màu nóng, như một sự kết hợp giữa cầu vồng, ánh trăng, nắng mặt trời và lửa, chảy tràn xuống rừng thông xứ Lapland. Giữa những bông tuyết đang rơi li ti, quầng sáng lớn nhất màu xanh liêu trai, đậm bên ngoài và nhạt dần ở giữa, điểm nối với quầng đỏ tươi tạo thành đường viền tím. Ánh sáng phương Bắc vắt ngang bầu trời đen thẫm như những dải khăn khổng lồ đầy màu sắc trên những ngọn thông tuyết phủ dày trắng mịn như kem.

Tôi nhìn như bị thôi miên, thấy thiên nhiên vừa tươi đẹp gần gũi vừa mông lung đáng sợ và tự nhủ nếu được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc ngoài đời lộng lẫy kiêu hãnh như thế này, có thể ai cũng sẽ choáng ngợp và bật khóc.

Ánh sáng phương Bắc còn có tên gọi Bắc cực quang. Trên thế giới hiện tượng này được biết đến đơn giản với cái tên tiếng Anh Northern Light hoặc tiếng Latin Aurora Borealis, bắt nguồn từ thần thoại: Aurora được đặt theo tên nữ thần bình minh của La Mã, và boreal trong tiếng Latin nghĩa là phương Bắc. Mặc dù ánh sáng phương Bắc đã được biết đến vài ngàn năm trước, tới thế kỷ XVI Galileo mới là người đầu tiên đặt tên nó là Aurora Borealis.

Vào những ngày gần xuân phân và thu phân, sức nóng mặt trời bắn ra những hạt năng lượng plasma vào không trung. Những hạt plasma được hút vào từ trái đất ở hai điểm Bắc cực và Nam cực, trên đường đi xuống mặt đất bị tầng khí quyển giữ lại, va chạm vào những khí khác tạo nên những phân tử photon. Để có thể nhìn thấy ánh sáng phương Bắc bằng mắt thường, trong không trung phải có hàng trăm triệu hạt photon như vậy.

Thú thật những giải thích khoa học đó có rất ít ý nghĩa đối với tôi, trong tôi bây giờ chỉ có duy nhất một quyết tâm được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc. Vì vậy tôi nghỉ phép hẳn mười ngày, mua vé với giá cắt cổ sang Phần Lan.

Sau hai ngày ở thủ đô Helsinki và phố cổ Porvoo, tôi hoảng hồn nhận ra chuyến đi tốn kém hơn mình tưởng nhiều. Và khi ngậm ngùi rút thẻ tín dụng mua vé xe lửa đi từ Helsinki đến Lapland với giá 200 euro, tôi chỉ có cách tự an ủi mình và an ủi anh bạn Alastair bị tôi rủ rê kéo đi, rằng “không tiếc tiền, được thấy ánh sáng phương Bắc là vô giá”.

Bắc cực, vùng đất của những điều tột cùng

Xe lửa xuyên qua màn đêm êm như nhung không một tiếng động. Tôi hơi tiếc vì trời tối đen không thấy được những hồ nước mơ màng với ngàn cây bách diệp thân trắng lá vàng rũ bóng. Phần Lan được mệnh danh “xứ sở ngàn hồ” (land of a thousand lakes), số hồ nước ở đất nước nhỏ bé này đã lên tới 187.888 và còn chưa đếm hết.

Rừng Phần Lan với những vũng nước đóng băng trắng xóa
Tàu đi hết đêm rồi thả chúng tôi xuống Rovaniemi khi trời còn mờ tối, sương chưa tan và cảnh vật trông rầu rĩ ngái ngủ như bản thân những khách đi tàu vội vã kéo hành lý sang bến xe buýt ngay trong ga, chuẩn bị cho hành trình xa xôi tiếp theo đến Bắc cực, vùng đất của những điều tột cùng: Vùng đất của midnight sun nơi nắng chiếu sáng vàng như tơ tằm gần như 24 giờ mỗi ngày vào mùa hè và đêm tối nặng trĩu buồn bã bao trùm mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, vùng đất của tuyết trắng, của rừng thông, của những hồ nước đóng băng có thể bước đi bên trên…

Chúng tôi không có thời gian nhìn quanh quất xung quanh, chỉ kịp nhảy lên chuyến xe buýt đi Saariselka đầu tiên của ngày đang nổ máy chuẩn bị chạy. Tôi ngước cặp mắt cay xè vì buồn ngủ, tự hỏi bao nhiêu người trong số những hành khách là người phương xa có mục đích tìm ánh sáng phương Bắc như tôi, nhưng có lẽ Alastair và tôi là những du khách duy nhất.

Mọi người đều có vẻ thờ ơ, như thể ngồi trên chuyến xe về Bắc Lapland là một trong những điều họ phải làm hàng tháng, có khi hàng tuần hoặc thậm chí hàng ngày không chừng, như thể việc du khách mếu máo trả 70 euro cho mấy tiếng đồng hồ xe buýt thật ra không có gì đáng băn khoăn. Như thể rừng cây bách diệp trút lá ngoài kia và những con tuần lộc hiền lành nhút nhát giương bộ sừng kềnh càng nhìn xe chạy qua đường chỉ là những hình ảnh lướt qua không để lại gì trong tâm trí. Có thể họ cũng là chủ nhân căn nhà gỗ kiểu Scandinavia giống những căn nhà xe chúng tôi đi ngang, có làn khói mỏng bay lên tan vào rừng thông còn đọng đầy sương muối…

Thời con người còn mông muội và mê tín dị đoan, ánh sáng phương Bắc tượng trưng cho điềm gở. Người Eskimo rất sợ hiện tượng này và cho đây là hóa thân của những linh hồn cõi âm. Người da đỏ từng tin rằng mỗi khi Aurora Borealis hiện lên trên trời, họ có thể gọi hồn ma về bằng cách huýt sáo. Hài hước hơn, ở Iceland người ta tin rằng phụ nữ có thai nhìn thẳng vào ánh sáng phương Bắc đứa bé ra đời sẽ bị… lé.

Saariselka là một ngôi làng nhỏ xíu ở Bắc cực, lãng mạn với tuyết phủ trắng xóa suốt từ tháng chín đến tháng năm và là địa điểm nhiều người đến trượt tuyết hoặc hưởng tuần trăng mật, nhưng vì chúng tôi đến vào mùa vắng du khách nên buồn hiu hắt. Đường làng đất đỏ lầy lội, lép nhép mưa, xe cần cẩu rì rầm chuyển đá lắp đường.

Cô gái ở quầy lễ tân khách sạn cười rất tươi khi tôi hỏi về Aurora Borealis: “Đúng mùa rồi, nó bắt đầu xuất hiện trên trời vài tuần nay. Không cần phải đi xa vào rừng đâu, đứng ở bìa rừng cạnh khách sạn cũng nhìn thấy”. Chúng tôi check-in rồi đi, không quên dặn cô có khuya đến mấy cũng gọi dậy nếu thấy ánh sáng phương Bắc.

Chỉ là một giấc mơ thoáng qua…

Ở Saariselka có rất ít thứ giải trí: một quán rượu, vài cửa hàng bán đồ lưu niệm, hai nhà hàng, một siêu thị, một quầy bán hamburger và nước ngọt đã đóng cửa, có lẽ chỉ mở lại vào mùa hè. Tối hôm đó, Alastair và tôi ngồi chờ Aurora Borealis hoài trên thân cây gỗ mục ở bìa rừng.

Nhà gỗ và những cành cây cuối năm trụi lá
Rừng Phần Lan tỏa một mùi man mát nồng nồng của nhựa thông sau cơn mưa, mùi con suối chảy xuyên qua lớp băng mỏng và mùi trái berry chín mọng đỏ au mọc lan dưới đất. Gió xuyên qua mấy lớp áo len và áo măng-tô dày cộm, xuyên qua lớp găng tay da thuộc và mũ len dày, chúng tôi nhìn nhau và đoan chắc người còn lại cũng đang tự hỏi mình bỏ công bỏ việc đến đây làm gì.

Khuya, tôi giật mình dậy mấy lần, lần nào cũng rời giường đứng tì mặt vào cửa sổ kiếng nhìn ra khoảng sân rộng mênh mông dẫn ra rừng khuya bí ẩn, hồi hộp nghĩ thầm biết đâu may mắn được thấy nó. Truyện dân gian Đan Mạch kể đàn chim thiên nga bay về phương Bắc, bay xa đến nỗi bị sa vào băng tuyết, mỗi lần cả đàn vỗ cánh cố tìm cách thoát khỏi băng, cánh chim trắng chiếu với tuyết lên trời tạo nên Aurora Borealis.

Còn trong truyện cổ Phần Lan, những con cáo Bắc cực chạy về núi, đuôi quét tuyết lên trời thành Aurora Borealis phản chiếu ánh trăng. Có một lần, đầu óc mơ màng vì chưa tỉnh hẳn, gà gật ngủ quên lúc ba giờ sáng khi còn đang đứng tì mặt vào cửa kiếng, tôi thấy con cáo Bắc cực chạy vào rừng Saariselka quét tuyết lên trời, để tôi được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc huy hoàng như những giấc mơ. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ thoáng qua…

Aurora Borealis

Những ngày ngắn ngủi ở Saariselka, ban ngày tôi rủ Alastair lang thang vào rừng hái nấm chờ đến tối được nhìn thấy Aurora Borealis. Đêm cuối cùng ở Lapland, chúng tôi ra siêu thị mua một ít thức ăn mang về phòng. Mọi thứ ở đây vì xa xôi nên đắt kinh người, chúng tôi buổi tối ăn ít rồi sáng hôm sau ăn sáng trễ thật nhiều tại buffet ở khách sạn vì tiền phòng bao gồm cả ăn sáng, bù lại buổi trưa nhịn ăn chỉ pha sôcôla nóng có sẵn miễn phí trong phòng để uống.

Cắm trại trong một túp lều gỗ trong rừng ở Phần Lan
Khi mang túi thức ăn về, thấy quầng sáng mờ mờ ở đường chân trời, tôi đưa tay chỉ: “Có khi nào đó là Aurora Borealis?”, Alastair ngước nhìn rồi nói: “Không phải. Ánh sáng phương Bắc là một trong những thứ khi nhìn thấy ta sẽ thốt lên: Chính nó kia kìa! Nếu hỏi có phải là nó không, chắc chắn đó không phải”.

Mưa bắt đầu nặng hạt dần, không phải mưa mà là sleet, điểm giữa của giọt mưa và giọt tuyết, rớt li ti xuống áo dạ khoác ngoài. Trời tối đen nhưng chúng tôi cũng dò dẫm đi được nhờ quầng sáng mờ ở đường chân trời ấy, đến khi có ánh đèn pha xe hơi ngược chiều rọi vào, tôi mất đà giẫm lên vết xe cần cẩu, bùn bắn cả lên áo.

Tôi mang nỗi bực dọc về phòng, nấu nước sôi trút vào ly nấu xúp cá hồi ăn liền kiểu dã chiến mới mua về từ siêu thị. Chúng tôi xì xụp húp xúp cá nóng bỏng, rồi ăn kem trong hộp giấy bằng muỗng nhựa nhỏ xíu, ướt lẹp nhẹp cả tay.

Tôi thở dài: “Bỏ ra ngần này tiền, đáng lẽ giờ này mình đang tắm biển Barbados hay dạo phố ở Canada, tha hồ ăn nhà hàng ngon lành muốn của ngon vật lạ gì cũng có. Sao mình phải ở đây, ăn uống kham khổ chờ đợi một thứ không biết sẽ có hay không?”. Bạn tôi im lặng ăn kem không nói gì. Cũng như tôi, bạn chưa bao giờ thấy ánh sáng phương Bắc…

Hết hy vọng, chúng tôi lên xe buýt về lại Rovaniemi để sáng hôm sau bay sớm. Rovaniemi là thủ phủ vùng Lapland, bản thân thành phố này không có gì khởi sắc và chỉ là trạm dừng để đi tiếp đến những thành phố làng mạc cực Bắc hoặc là điểm nối giữa Lapland với châu Âu lục địa. Chúng tôi ghé quán ăn nhanh địa phương có cái tên rất ngộ Scanburger, vừa ăn khoai tây chiên vừa buồn thiu. Ai cũng phải thấy ánh sáng phương Bắc một lần trong đời. Có khi nào tôi không bao giờ được nhìn thấy nó?

Rồi tự nhiên, trong không gian ấm sực của quán fastfood nhỏ bé, lần đầu tiên tôi chợt nhận ra dù có được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc hay không, tôi cũng sẽ không bao giờ quên những ngày qua nhanh như gió thoảng vùng Bắc cực ấy. Những đàn tuần lộc khờ khạo, hàng bách diệp trút lá bên đường, vũng tuyết trắng xóa trôi dạt bên bờ suối, nhà ghép bằng những súc gỗ tròn kéo rèm cửa carô có làn khói chiều bay lên từ ống khói ấm áp và êm đềm, cảm giác nóng rực hai má khi từ trời lạnh bên ngoài vào phòng sauna gỗ, trái berry chín đỏ vỡ ra trong miệng, tiếng thông reo như mưa…

Tất cả những điều ấy tôi không trông đợi trong chuyến đi này và cũng phần nào hờ hững khi đón nhận, nhưng lúc này đây tôi mới biết nó đã mang lại cho tôi cảm giác dễ chịu tới chừng nào.

Alastair và tôi về đến chỗ nghỉ lúc mười giờ đêm, và vì hôm sau phải dậy từ bốn giờ sáng ra sân bay Rovaniemi nên kế hoạch ban đầu phải đi ngủ sớm. Suy nghĩ một lúc, chúng tôi quyết định vào trong lấy thêm áo khoác và găng tay tiếp tục đi dạo ngắm nhìn Phần Lan lần cuối. Tôi bước ra ngoài trước, và tim như ngừng đập. Lạy trời, ánh sáng phương Bắc, Northern Light, Aurora Borealis, hay bất cứ từ ngữ nào chỉ thứ ánh sáng hư ảo xa xôi mà chúng tôi cất công đi tìm ấy, đang hiển hiện trên nền trời đen sẫm giữa những vì sao li ti.

Tôi đứng như chôn chân trên thềm, gọi bạn lạc cả giọng “Ánh sáng phương Bắc! Ánh sáng phương Bắc kìa!”. Chính là nó, xanh biếc trên trời, tạo thành một vệt dài quét lên không trung những quầng sáng chói, thản nhiên như thể nó vẫn ở đó ngày này qua ngày khác không biết có người chờ mòn mỏi để được thấy một lần trong đời.

Alastair nói đúng, Aurora Borealis là một trong những thứ khi nhìn thấy ta sẽ thốt lên “Chính nó kia kìa” chứ không tự hỏi có phải là nó hay không, vì không có ánh trăng nào kỳ diệu và tạo nên những quầng hào quang rực rỡ như vậy. Nó giống hệt những bức ảnh tôi từng xem, và đến khi được tận mắt nhìn tôi mới biết ánh sáng phương Bắc không đứng nguyên một chỗ mà di chuyển và tạo thành những hình thù khác nhau trên thinh không.

Thật khó tin ở một thành phố lớn với nhiều ánh đèn điện như Rovaniemi, cách xa cực Bắc Lapland vài trăm cây số về phía Nam, lại có thể thấy được điều mầu nhiệm này khi chúng tôi đã hoàn toàn hết hy vọng. Chúng tôi đi như chạy ra hồ nước ngoài xa, nơi có thể dõi theo ánh sáng phương Bắc từ đường chân trời không bị những mái nhà và cây cối che mất.

Tôi nhìn những ngôi nhà địa phương sáng đèn, nhà kia có một phụ nữ trung niên đang ủi quần áo trên gác, nhà nọ một gia đình đang xem tivi trong phòng khách, nhà khác một người trẻ tuổi đang ngồi vào máy vi tính trên bàn… tất cả đều rất bình lặng như thể bên ngoài chỉ cách họ vài bước chân không phải Aurora Borealis, trong khi tôi phải kiềm chế lắm mới thôi ý định gõ cửa từng nhà một và vừa thở hổn hển vì náo nức mừng rỡ vừa nói: “Ra mà xem, ánh sáng phương Bắc kìa”. Rồi tôi chợt nhận ra mình ngớ ngẩn. Cả đời họ sống ở đây, đã thấy nó biết bao nhiêu lần, có thể còn đẹp gấp trăm lần ánh sáng chúng tôi đang nhìn.

Biển lửa xanh liêu trai

Tôi biết mình sắp đến mép nước nhờ tiếng ngỗng trời kêu quàng quạc. Sau lưng là căn hộ nhiều tầng sáng đèn, nghe tiếng động một thanh niên Phần Lan tóc vàng óng bước ra ban công, tay còn cầm một đĩa thức ăn nhìn ánh sáng trên trời một cách hờ hững rồi bước lại vào bếp. Một cô gái tóc cũng vàng không kém đạp xe vụt qua, không buồn nhìn lên. Nhưng chúng tôi dù muốn cũng không thể điềm nhiên như vậy được, cứ đứng dán mắt vào tấm rèm ánh sáng huyền hoặc ấy, chỉ sợ nếu chớp mắt nó sẽ tan biến đi như một giấc mơ.

Ánh sáng vẫn biến đổi không ngừng, lúc đuôi tạo thành vệt dài như sao chổi, lúc tụ lại như một bông hoa xanh biếc đang nở giữa trời, gần đến nỗi có cảm giác chỉ cần vươn tay là với tới nhưng lại xa xôi và phù du. Cảm giác choáng ngợp trước thiên nhiên thật khó tả, vừa vui vừa buồn, vừa thích thú vừa sợ hãi, vừa phiêu lưu vừa e ngại.

Lúc này, Bắc cực quang đã chuyển thành một hình dạng như mặt người, tôi níu tay bạn “nhìn giống mặt người, sợ quá”, bạn bảo “ừ, mình cũng thấy vậy mà không dám nói”, may sao chỉ trong thoáng chốc ánh sáng đã chuyển thành hình dạng khác.

Chúng tôi về lại nơi ở, ngồi trên xích đu nhìn lên trời đến quá nửa đêm, khi gió và sương muối lạnh quá không chịu nổi mới vào trong, tắt hết điện tiếp tục nhìn về phương Bắc. Quầng sáng như biển lửa xanh liêu trai vẫn cứ chuyển đổi liên tục, lúc nhanh như chớp, lúc từ từ như một thước phim quay chậm. Tôi có thể nhìn nó suốt đêm, vì không biết có dịp được nhìn thấy lần nữa hay không, nếu cơn buồn ngủ không về nặng trĩu mắt.

Chúng tôi đã đạt được mục đích chuyến đi, đã tận mắt nhìn thấy ánh sáng phương Bắc khi không còn chút hy vọng. Có bao giờ bạn thấy vậy chưa, đạt được một điều gì đó một cách bất ngờ, sau khi đã buông xuôi? Trong những ngày cuối năm xa xôi và lạnh giá, chúng tôi có một điều để chờ đợi, tự bản thân có gì đó ý nghĩa để mà chờ đợi là tốt rồi, còn quan trọng hơn được nhìn thấy ánh sáng phương Bắc.