Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Redknapp hứng cái tát đau

TT - Sau khi đá bại đại diện Thụy Sĩ Young Boys 4-0 ở trận lượt về vòng đấu play-off để lần đầu tiên giành quyền tham gia Champions League và biến Anh thành quốc gia duy nhất có bốn CLB ở giải đấu năm nay, Tottenham đã bất ngờ trượt chân trước đối thủ chót bảng Wigan ở vòng 3 Giải ngoại hạng Anh.

Tiền đạo Pavlyuchenko của Tottenham thất vọng với trận thua 0-1 trước Wigan - Ảnh: Reuters
Kết quả này đúng là một cú sốc đối với cổ động viên Tottenham vì đội bóng con cưng của họ được chơi trên sân nhà, lại đang phấn khích tột độ. Hơn thế nữa, Wigan đang ỉu xìu sau hai trận thảm bại trước Blackpool và Chelsea, hứng chịu đến 10 bàn thua. Vậy mà Tottenham lại thua - một trận thua toàn diện khiến HLV Harry Redknapp chỉ có thể nói là “không còn gì để bào chữa”.

Nhiều người càng thêm bất ngờ với trận thua này vì HLV Redknapp nổi tiếng mẫu mực, kỷ luật và được xem là một tấm gương cho việc không ngủ quên trên chiến thắng. Chính HLV Redknapp sau trận đè bẹp Young Boys đã nói rằng “sẽ không có champagne chảy như suối” và ông muốn “ăn một cái bánh sandwich kẹp thịt heo muối, uống một tách trà”.

Đây là hai món rất giản dị ở Anh, tương tự như khi một HLV đội bóng ở VN vừa giành một trận thắng quan trọng lại đi mua một gói... xôi bắp và một ly cà phê đen để ăn mừng. Nhưng Tottenham đã thua và không ít người cho rằng họ đã ngủ quên trên chiến thắng!

Nhắc tới Redknapp, tôi nhớ lại vào tháng 2-2008 đi sinh nhật một người bạn, gặp lại một người bạn cũ là Spencer - một cổ động viên cuồng nhiệt của Tottenham.

Ở Anh nói chuyện quanh quẩn lại quay về chủ đề bóng đá, tôi nói: “Đội của anh dạo này nan giải quá hả?”, anh buồn bã: “Tôi sợ xuống hạng lắm, xuống hạng thì chết mất, hi vọng Redknapp cải thiện được tình hình” (đó là thời điểm Tottenham ngấp nghé bờ vực rớt hạng và vừa thuê HLV này về từ Portsmouth).

Tôi định nói: “Ồ, Redknapp hả? Hồi tôi học Đại học Southampton cách đây mấy năm, CLB thành phố tôi cũng thuê ổng về từ Portsmouth. Năm đó đội Southampton rớt hạng luôn, mà không chỉ rớt hạng đâu nhé, còn đứng chót giải”. Cũng may vài ly vang trắng chưa đủ làm tôi say để nói câu đó, nếu không chắc Spencer rầu rĩ suốt buổi tiệc.

Dù uy tín của HLV Redknapp không hề sút giảm nhờ chuyện cổ động viên Tottenham vẫn còn sướng với sự kiện đội nhà lần đầu tiên có mặt ở vòng bảng giải đấu danh giá Champions League, nhưng trận thua Wigan là một cái tát đau vào mặt ông. Nhưng bóng đá Anh vẫn thường xuất hiện những cái tát bất ngờ như thế bởi kết quả đội đầu bảng thua đội cuối bảng được xem rất bình thường.

Chính những cái tát đó mới là “hương vị đặc sản” của bóng đá Anh.

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

“Kịch tính” cuộc đua đến sân Villa Park

TT - Sven Goran Eriksson, Ronald Koeman, Jurgen Klinsmann, Bob Bradley, Kevin MacDonald, Maradona, “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Các CĐV đội Aston Villa có lẽ không ngờ đội của mình lại được quan tâm đến vậy.

HLV Bob Bradley (trái) - một trong những ứng viên chiếc ghế HLV của Aston Villa - Ảnh: AFP
Năm ngày trước khi giải ngoại hạng bắt đầu, Martin O’ Neill “vùng vằng” rời CLB ở thành phố miền Trung nước Anh do bất đồng quan điểm về việc chuyển nhượng cầu thủ, mà giọt nước làm tràn ly là việc ông chủ Aston Villa bán tiền vệ James Milner cho Manchester City và nhiều khả năng sẽ bán Ashley Young và Brad Friedel, mà không hứa hẹn sẽ chi tiền mua cầu thủ khác. Trong bốn năm làm HLV, O’Neill đã mang lại nhiều thành công cho Villa với ba lần xếp hạng 6 ở giải ngoại hạng, vì vậy việc ông bỏ đi đã được kênh truyền hình Sky Sports cho là “một cái tát vào mặt”.

Bắt đầu mùa bóng, phong độ không ổn định của đội bóng thành phố Birmingham này làm các CĐV đau tim. Sau trận đầu thắng West Ham 3-0, chỉ trong tuần sau Aston Villa thảm bại nặng nề 0-6 trước Newcastle United. Tuy vậy, HLV tạm thời Kevin MacDonald vẫn là ứng cử viên nặng ký nhất cho chiếc ghế này vì hiểu tường tận Aston Villa do đã huấn luyện thành công đội tuyển dự bị của CLB này suốt bảy năm, nhưng trả lời phỏng vấn của BBC bản thân ông lại không chắc chắn mình có muốn làm HLV chính thức hay không.

Trong khi đó, Maradona cũng ngỏ ý muốn đến sân Villa Park vì “thích miền quê nước Anh và cách các bạn tôn trọng sự riêng tư”. Câu nói “trật vuột” này cùng với việc ông nổi tiếng lập dị đã khiến trang web goal.com nghĩ ra viễn cảnh sau khi Maradona được chọn làm HLV, trong buổi họp báo đầu tiên tổ chức tại Birmingham ông sẽ thú nhận mình lầm tưởng đây là ghế HLV cho đội tuyển... Ricky Villa ở thành phố Birmingham, tiểu bang Alabama miền Nam nước Mỹ, nhưng thôi lỡ rồi!

Thật ra, các công ty cá độ ở Anh đặt khả năng Maradona giữ chức này rất thấp. Xếp thứ nhì sau MacDonald là Bob Bradley, người đã huấn luyện đội Mỹ đứng đầu vòng bảng World Cup vừa qua. Sở dĩ tỉ lệ cá cược cho ông cao vì chủ Aston Villa cũng là người Mỹ như Bradley.

Cùng tỉ lệ là Sven Goran Eriksson, HLV người nước ngoài đầu tiên của đội Anh, người đã dẫn dắt tuyển Anh qua hai kỳ World Cup và một kỳ Euro. Khi ông ra đi, rất nhiều CĐV đã phản kháng kịch liệt và tổ chức nhiều cuộc vận động “Save our Sven” (Giữ lấy Sven của chúng ta), được giới truyền thông ủng hộ. Mặc dù trước và sau đó ông đã huấn luyện Lazio vô địch giải Seria A (giải vô địch Ý), hoặc Manchester City rồi đến hai đội tuyển quốc gia Mexico và Bờ Biển Ngà, các CĐV vẫn nhớ ông như người thầy đã phát hiện nhiều cầu thủ Anh trẻ.

Trong số các ứng viên cho chiếc ghế “nóng” này còn có cả Jurgen Klinsmann, người đã giúp bóng đá Đức lột xác năm 2006. Ông cũng là một trong những cầu thủ tôi yêu thích và mong được thấy tại Anh nhất, dù thời đá cho Tottenham những năm 1990 có vẻ là sai lầm nghề nghiệp lớn nhất của ông.

Cùng thời với Klinsmann, cựu cầu thủ Hà Lan Ronald Koeman được biết đến với những cú sút phạt vũ bão cho cơn lốc màu da cam năm nào và từng huấn luyện Ajax Amsterdam, Benfica và Valencia, cũng chính thức ngỏ ý muốn làm HLV Aston Villa.

Cuộc đua về sân Villa Park xem ra khá kịch tính. Không chỉ các CĐV Aston Villa mà cả nước Anh đang chờ đợi kết quả cuối cùng.

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

666, con số của... thú hoang

TT - Đó là tựa đề bài hát của nhóm nhạc rock Iron Maiden mà kênh truyền hình BBC2 đã sử dụng trước khi khép lại mục bình luận bóng đá tuần qua, trước kết quả tưng bừng với ba trận cùng tỉ số 6-0 chỉ trong hai ngày.

Newcastle ăn mừng chiến thắng tưng bừng 6-0 trước Aston Villa - Ảnh: Reuters
“Tôi đã thấy gì, tôi có thể tin được những gì tôi thấy đêm đó là sự thật và không chỉ là giấc mơ”...

“666, con số của thú hoang. Sự hi sinh đã diễn ra đêm nay. Tôi đang trở lại, tôi sẽ trở lại...”.

Thật vậy, điểm lại lịch sử giải ngoại hạng Anh từ khi thành lập năm 1992 (trước đó giải được gọi là giải hạng nhất, First division), sẽ thấy trong vòng 18 năm chỉ có vỏn vẹn 20 trận kết thúc với tỉ số 6-0, vậy mà mới hai tuần bóng đá Anh đã “máu lửa” có đến bốn trận kết thúc với tỉ số này. Phóng viên Phil Shaw của nhật báo uy tín Independent (Anh) trong bài “6-0, 6-0, 6-0: tại sao giải ngoại hạng lại điên cuồng với bàn thắng?” đã so sánh kết quả ba trận bóng đá này như kết quả một trận tennis giữa Nadal với... một tay chơi tennis nghiệp dư bụng phệ chỉ có một tay!

Nếu như kết quả của Arsenal không gây ngạc nhiên mấy (quả vậy, những người xem trực tiếp trên sân Emirates và các chuyên gia phát biểu lẽ ra Arsenal phải thắng 12-0, 13-0 vì Blackpool để mất bóng quá dễ dàng), thì trận đội bóng mới lên hạng Newcastle United “giã” Aston Villa 6-0 đã gây ngạc nhiên cho không ít người.

Trong khi các CĐV của Blackpool dù mất 12 giờ đi về trên xe buýt đến London cổ vũ đội nhà vẫn tươi tỉnh khi trả lời phỏng vấn cho rằng “trước đây chỉ xem Arsenal trên TV, giờ được xem đội mình đá với các pháo thủ trên sân nhà, vậy là vui lắm rồi”, thì CĐV của Villa khóc bù lu bù loa, kêu gọi có chọn HLV nào thì chọn cho rồi để ổn định đội bóng.

Còn người vui nhất có lẽ là cựu cầu thủ Alan Shearer, khi đội bóng quê nhà Newcastle của anh ghi bàn thứ sáu, truyền hình chiếu cảnh Shearer trên khu vực khán đài đang hớn hở nhận tiền thắng độ từ một người bạn ngồi gần. Nhìn vào mấy tờ tiền có lẽ anh thắng 30 bảng (khoảng 900.000 đồng VN) nhưng trông Shearer vui còn hơn bắt được vàng. Sau đó ai theo dõi chương trình bình luận của kênh BBC2 mới được người dẫn chương trình cho biết: “Có người vui chưa kìa? Tôi xem bóng đá suốt mùa World Cup với Shearer, tin tôi đi, đây là lần đầu tiên anh ấy thắng độ kể từ đầu tháng 6 tới giờ”.

Một lần nữa, Chelsea lại càn quét bằng cơn mưa bàn thắng mới vào lưới Wigan (đội thua cả hai trận trên sân nhà với tỉ số gộp chung 10-0). Ngoài những CĐV trung thành của Chelsea, toàn bộ những CĐV đối thủ hay trung lập đều ngại việc đội bóng áo xanh chiếm lĩnh giải ngoại hạng, khiến cuộc chạy đua không còn hấp dẫn nữa. Nhất là sau trận Manchester United mất điểm vào phút cuối trước Fulham do sai lầm ở hàng phòng ngự, mà Sir Alex gọi là “ngớ ngẩn”, hiện chỉ mới có Chelsea thắng cả hai trận vòng đầu.

Tuy nhiên cũng chỉ sau hai vòng đấu đã có đến ba cầu thủ lập hat-trick là Drogba (Chelsea), Walcott (Arsenal) và Carroll (Newcastle). Với ba trận tiếp theo gặp toàn đối thủ yếu Stoke, West Ham và Blackpool, nhiều khả năng đương kim vô địch sẽ giành trọn thêm chín điểm nữa.

Nhưng đường đi đến chức vô địch cho bất cứ ai vẫn còn rất dài.

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Sir Ferguson và bạch tuộc Paul hâm nóng bóng đá Anh!

TT - Vòng 2 Giải ngoại hạng Anh bắt đầu vào thứ bảy 21-8, nhưng không khí bóng đá đã được hâm nóng với nhiều chuyện đáng quan tâm. HLV Ferguson và... bạch tuộc Paul là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất.

Bạch tuộc Paul dự đoán nước Anh sẽ giành quyền đăng cai World Cup 2018 - Ảnh: AFP
Trong một bài phỏng vấn báo Anh mới đây, HLV đội Manchester United (M.U) Alex Ferguson đã lên án việc vung tiền mua cầu thủ, so sánh việc đó với “kamikaze”, nghĩa là việc đánh bom tự sát của các chiến binh Nhật trong Thế chiến thứ hai, khi họ đeo bom vào người và lái máy bay tấn công tàu chiến của quân đội đồng minh. Câu nói đó đã gây bất bình không những đối với các CĐV Manchester City, CLB được ám chỉ trong bài phỏng vấn đó của ông, mà còn với CĐV những đội khác cũng như các chuyên gia bóng đá.

Tục ngữ Anh có câu “Người sống trong nhà bằng kính không nên ném đá”, tương tự với ca dao tiếng Việt “Chân mình những lấm mê mê/Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Có thể năm nay Ferguson không bỏ nhiều tiền mua cầu thủ, nhưng những năm trước ông luôn nằm trong số những nhà cầm quân mua cầu thủ đắt tiền nhất.

Điểm lại danh sách những cuộc chuyển nhượng mười cầu thủ Anh đắt giá nhất lịch sử, có đến năm người M.U mua dưới thời ông (Ferdinand, Rooney, Beckham, Carrick, Hargreaves), trong đó Rio Ferdinand được Ferguson mua từ Leeds United với giá 62 triệu USD năm 2002, đã tám năm nay con số chuyển nhượng này vẫn là kỷ lục cho các cầu thủ người Anh. Đó là chưa kể đến những cầu thủ nước ngoài như Berbatov và Veron.

Ba trận đấu được đón chờ nhất tại vòng 2 của Giải ngoại hạng là Wigan - Chelsea, Arsenal - Blackpool và Manchester City - Liverpool. Những ai theo dõi bóng đá kỹ chắc còn nhớ trận Wigan thắng Chelsea 3-1 vào tháng 9-2009, kết thúc chuỗi chín trận thắng liên tiếp tại các đấu trường từ đầu mùa của đội bóng áo xanh phía tây London.

Đó cũng là trận thua đầu tiên của Carlos Ancelotti trong thời gian cầm quân Chelsea nên hẳn ông còn nhớ rõ. Còn trận Arsenal - Blackpool hứa hẹn hấp dẫn vì tân binh phố biển miền Bắc nước Anh giống như một ẩn số, trong khi Arsenal cần một trận thắng để lên tinh thần. Manchester City - Liverpool cũng được chờ đợi rất nhiều.

Chuyện bên lề Giải ngoại hạng nhưng cũng liên quan đến bóng đá Anh là việc bạch tuộc Paul dự đoán Anh sẽ đăng cai World Cup 2018. Những ứng cử viên khác như Tây Ban Nha + Bồ Đào Nha (xin đồng tổ chức), Nga, Mỹ, Úc, Hà Lan + Bỉ (đồng tổ chức), chắc cũng hơi xuống tinh thần vì Paul có thành tích dự đoán đúng 100% các trận đấu có tuyển Đức tại World Cup vừa qua. Dân Anh tuy giả bộ không tin vì sợ mang tiếng mê tín nhưng cũng khấp khởi trong lòng.

Phóng viên Matt Scott của tờ Guardian, trong bài báo về việc Liverpool sắp có chủ nhân mới, cũng phải thêm một đoạn vào cuối bài về dự đoán này của Paul và kết thúc bằng câu: “Bạch tuộc Paul ủng hộ việc đăng cai của chúng ta. Thành thật mà nói, tôi không thể tin được là tôi vừa viết câu này”.

Vốn vô thần, tôi cũng không thể tin được tôi vừa viết câu này.

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Từ Blackpool đến Maradona...

TT - Có lẽ nên bắt đầu những câu chuyện ở vòng mở màn Giải ngoại hạng Anh bằng chiến thắng 4-0 của tân binh Blackpool trên sân Wigan.

CĐV nhí của tân binh Blackpool ngây ngất với chiến thắng 4-0 của đội nhà ngay trên sân Wigan - Ảnh: Reuters
Nhắc đến Blackpool người ta thường nghĩ đến một thành phố biển với một trong những bãi biển... xấu nhất nước Anh, nhưng lại thu hút hơn 6 triệu khách tham quan mỗi năm vì một lý do nào đó không ai hiểu được!

Khi đội này được lên hạng, nhiều CĐV các đội khác vui mừng vì trận nào đá trên sân Blackpool vào cuối tuần sẽ tranh thủ kết hợp đi chơi biển luôn, nhưng không ai nghĩ Blackpool sẽ tạo nên bất ngờ vì đây được xem là đội lót đường, cách đây chín năm còn chơi cho giải hạng tư. Bởi vậy, trận thắng 4-0 trước Wigan đã khiến cựu danh thủ anh Gary Lineker khen ngợi “Blackpool rocked!” (Blackpool giỏi quá!).

Những trận đầu tiên còn có nhiều điều thú vị khác. Khán giả truyền hình cả thế giới chắc hẳn phải bật cười khi thấy các cầu thủ Everton ra sân với màu áo... hồng cánh sen. Tôi nói đùa trông cả đội giống những cây son môi di động. Trang web chính thức của Everton xem ra rất tự hào về màu áo này, gọi đây là màu “bắt mắt”.

Trong khi đó, Chelsea mở đầu cuộc “càn quét” bằng cơn mưa bàn thắng vào lưới một đội mới lên hạng khác West Bromwich. Hầu hết cầu thủ Chelsea đều trải qua một kỳ World Cup thê thảm nhưng khi họ tái hợp lại đá hết sức ăn ý, cứ như World Cup vừa rồi chỉ là một cơn ác mộng không có thật.

Cũng vào thứ bảy vừa rồi, Arsenal vui mừng trước việc HLV Arsene Wenger ký gia hạn hợp đồng đến năm 2014. Mặc dù vài năm trở lại đây những pháo thủ London không giành được chức vô địch nào nhưng phong cách Arsenal được xem là bóng đá đúng nghĩa, không vung tiền mua cầu thủ mà chú trọng đào tạo thế hệ trẻ đi lên.

Arsenal đã mở màn giải đấu bằng kết quả hòa 1-1 không đến nỗi làm cổ động viên nhà thất vọng trên sân Anfield của Liverpool. Xem lại bàn gỡ vào phút chót của Arsenal nhờ “tay củ gừng” của thủ thành Reina, các VĐV không thể nhịn được cười.

Nhưng “giật gân” hơn hết vẫn là sự kiện Maradona ngỏ ý muốn làm HLV đội Aston Villa. Người phát ngôn của Maradona cho biết ông “thích miền quê nước Anh và việc các bạn tôn trọng sự riêng tư”. Tờ nhật báo Telegraph viết: “Ai lắng tai kỹ sẽ nghe những tiếng cười khúc khích từ sân Villa Park”.

Tôi đọc tin này cũng không khỏi bật cười, vì thành phố Birmingham, nơi có đội bóng Aston Villa, là thành phố lớn thứ nhì ở Anh ồn ào và... xấu (thành thật xin lỗi những ai từng sống ở Birmingham), không có vẻ gì là miền quê yên tĩnh, và Maradona hình như không biết báo lá cải Ănglê soi mói đời tư giới bóng đá đến mức độ nào.

Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Giải ngoại hạng Anh đã chứng kiến nhiều điều kỳ thú, hứa hẹn một mùa bóng hấp dẫn đầy bất ngờ.

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Ngóng ngoại hạng Anh

TT - Gần ba tháng không được xem các CLB Anh tranh tài chính thức, phần lớn cổ động viên (CĐV) bóng đá Anh đang có những “withdrawal symptoms”, nghĩa là những triệu chứng mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần khi phải bỏ một thứ gì mình quá phụ thuộc vào, gọi nôm na là “vã”. Vì thế ai cũng đang trong tâm trạng trông ngóng Giải ngoại hạng Anh mùa bóng mới khai mạc vào thứ bảy 14-8.

Chelsea - một trong những đội được yêu thích nhất tại Giải ngoại hạng Anh - Ảnh: Reuters
Tôi cũng bị “vã” như nhiều CĐV Anh khác. Biết được điều này nên sinh nhật vừa rồi, người bạn thân đã tặng tôi tám vé đi xem những trận tranh Cúp Emirates trên sân Emirates của Arsenal, với sự tham gia của đội chủ nhà cùng AC Milan, Celtic và Lyon. Gọi là cúp nhưng thực chất giải này chỉ mang tính giao hữu để các đội tham dự rà soát lực lượng trước khi bước vào mùa giải mới.

Hai ngày cuối tuần xem bốn trận liên tiếp, trận này cách trận kia chỉ 15 phút, đủ cho những CĐV cuồng nhiệt nhất giảm bớt “cơn vã” Giải ngoại hạng Anh. Dù các đội tham gia đều là những tên tuổi lớn, nhưng phần lớn trong số hơn 60.000 khán giả trên sân Emirates đến đây không phải để xem những thần tượng bóng đá Ý, đội bóng xếp thứ nhì ở Giải vô địch Scotland Celtic hay CLB Pháp Lyon. Mục đích chính của chúng tôi là xem chân cẳng những cầu thủ mới ký hợp đồng với Arsenal đều của Pháp là tiền đạo Chamakh và hậu vệ Koscielny, xem họ đá với đồng đội mới ra sao.

Giải ngoại hạng Anh mùa bóng mới có quá nhiều câu chuyện hấp dẫn. Việc ông Roy Hodgson sang làm HLV của Liverpool sau thành công với Fulham hoặc HLV Martin O’Neill đột ngột rời Aston Villa vào phút cuối là những đề tài nóng hổi của truyền thông. Nước Anh cũng thật sự “sốt” khi chứng kiến Manchester City xài tiền như nước, mua về hàng loạt cầu thủ đắt tiền. Ai cũng chờ xem liệu tiền bạc có mua được thành công như những gì Chelsea đã làm từ thời nợ như chúa chổm sang thời hoàng kim của tỉ phú Nga Avramovich những năm nửa cuối thập niên này.

Nhưng lý do lớn nhất khiến mọi người hồi hộp chờ đợi là chuyện Giải ngoại hạng Anh bị sức ép từ nhiều phía buộc phải thay đổi. Kết quả bết bát của đội tuyển quốc gia tại World Cup làm báo chí kêu gọi phải thay đổi kết cấu thi đấu và tổ chức của Giải ngoại hạng Anh để các cầu thủ Anh không bị “tơi tả” về thể lực trong và sau mùa. Khó khăn sắp tới là làm sao đội tuyển quốc gia có được phong độ tốt trong khi vẫn duy trì tính hấp dẫn của giải được yêu thích nhất hành tinh này.

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Bánh mì thơm, cà phê đắng

TT - Quyển sách tập hợp những tản văn "Lan man ẩm thực châu Âu" như tác giả Ngô Thị Giáng Uyên tự gọi. Tập sách thứ ba (sau Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương và Sống xanh) này tiếp tục cho thấy Giáng Uyên có năng lực ghi chép và truyền đạt một cách giản dị nhiều vẻ đẹp và mùi vị sinh động từ đời sống riêng nhiều trải nghiệm du lịch thú vị.

Sách do Tủ sách Tuổi Trẻ và NXB Trẻ ấn hành
"Bánh mì thơm" của cô liên tục kích thích vị giác cũng như niềm đam mê khám phá văn hóa ẩm thực của người đọc, dắt người đọc đi vào những ngõ ngách quán xá trời Âu, để người đọc nếm cùng cô những món ngon, thức lạ từ Anh, Slovenia, Phần Lan đến Pháp, Ý, Thụy Ðiển, Hi Lạp...

Ðọc "Lan man ẩm thực châu Âu", nhưng khép sách tác giả lại khiến người đọc bồi hồi nghĩ đến cảm giác nhớ nhung món ăn Việt khi phải xa quê hương - từ món ba khía mặn mòi vị cực nhọc đến vị nước mắm "thấm vào tận xương tủy"...

KHẢ LINH

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Về đâu 4-4-2?

TT - Giới chuyên môn Anh không chỉ bàn luận về cuộc cải tổ tuyển Anh của HLV Capello mà còn tranh cãi sôi nổi về chiến thuật 4-4-2 được ông áp dụng cho đội tuyển tại World Cup 2010.

Chiến thuật bóng đá 4-4-2 ra đời tại Anh và đem lại nhiều vinh quang cho các đội tuyển quốc gia, CLB. Đội hình 4-4-2 của Anh vô địch World Cup 1966, để rồi sau đó chiến thuật này với điểm mạnh dựa vào các cầu thủ chạy cánh chuyền bóng vào cho tiền đạo được áp dụng rộng rãi.

Trong số những đội bóng thành công với 4-4-2 có Brazil với chức vô địch World Cup 1970, AC Milan dưới thời Arrigo Sacchi cuối thập niên 1980 và hai đội bóng lớn nhất Giải ngoại hạng Anh là Arsenal và Manchester United cuối thập niên 1990 trở đi.

Ngay cả lối bóng đá tấn công tổng lực (total football) của Hà Lan trước đây cũng được xây dựng trên nền móng chiến thuật này.

Nhưng World Cup 2010 đã cho thấy sự thoái trào của chiến thuật này. Quả thật nếu theo dõi báo chí Anh thường xuyên sẽ thấy hầu hết đều bất đồng với quyết định dùng chiến thuật 4-4-2 của HLV Capello, khi Rooney đá cặp với Defoe hoặc Heskey, hai cầu thủ có phong độ không ổn định (bản thân Rooney trải qua một kỳ World Cup tệ hại hơn ai hết). Trong khi với 4-3-2-1 hoặc 4-2-3-1, Rooney sẽ có được hỗ trợ đáng kể từ Gerrard.

Đúng như lo lắng của nhiều người, tuyển Anh đã “nát như tương” trước đội hình 4-2-3-1 của Đức, khi khoảng trống trước và sau bốn trung vệ Anh đã bị tiền vệ Mesut Ozil tận dụng triệt để.

Phóng viên thể thao kỳ cựu Jonathan Wilson của nhật báo Guardian (Anh) mới đây đã có một bài viết mang tựa “Tương lai 4-4-2 sẽ ra sao?”, cho rằng Hà Lan vào đến trận chung kết cũng nhờ 4-2-3-1 khi hai trung vệ và ba tiền vệ sắp thành hình chữ W, tạo nên những tam giác đan vào nhau khó xuyên qua.

Còn Tây Ban Nha có được chức vô địch nhờ các cầu thủ trong đội đã chơi chung với nhau trong cùng CLB nhiều năm, áp dụng thành công chiến thuật 4-3-3 của Barcelona trước khi chuyển qua 4-2-3-1 ở trận gặp Đức tại bán kết.

Thật ra 4-4-2 cũng có nhiều ưu điểm. Sự vượt trội của Arsenal cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000 phần lớn nhờ HLV Arsene Wenger áp dụng chiến thuật này một cách xuất sắc, phát huy thế mạnh của tiền đạo Hà Lan Dennis Bergkamp, người được giới chuyên môn đánh giá là cầu thủ kinh điển cho 4-4-2.

Khoảng một nửa các CLB ở Giải ngoại hạng Anh vẫn áp dụng đội hình này. Ở Anh cũng có một tờ báo chuyên về bóng đá tên Four Four Two (Bốn Bốn Hai). Vì vậy, trước khi bắt đầu những trận vòng loại Euro 2012, người Anh cũng hồi hộp chờ xem HLV Capello sẽ có những thay đổi gì về chiến thuật.

Người ta dự đoán đội Anh có thể sẽ chuyển sang sơ đồ 4-3-2-1 nhưng tất cả vẫn còn tùy thuộc phong độ các cầu thủ được ông Capello chọn.

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

Hoa dại ở Polperro

TTCT - Polperro nằm ở phía đông Cornwall, vùng biển đẹp nổi tiếng ở miền tây nước Anh với những cánh đồng sau vài cơn mưa rào mùa xuân lên xanh như ngọc, những vách đá gồ ghề sóng biển vỗ tung bọt trắng, những bãi biển cát trắng mịn và nước trong veo.

Ngôi nhà chờ có mái che dành cho khách trú mưa trên núi nhìn xuống biển cũng chìm lấp trong hoa
Với bến cảng nhỏ xíu, những con đường lát đá cuội hẹp tưởng như chỉ cần dang hai tay ra là đụng vào nhà lúp xúp hai bên, Polperro nổi tiếng quanh co như ma trận, hệ thống vệ tinh SatNav vẫn lẫn lộn lung tung. Thỉnh thoảng một chiếc xe loạng choạng lên dốc, đi lòng vòng rồi người trong xe kéo cửa kính xuống, hỏi dân địa phương nơi mình cần tới. Tuy phát triển du lịch nhưng Polperro vẫn là một làng chài cổ kính có từ thế kỷ 13.

Ở đây, ngoài những con thuyền nhỏ có 13 thuyền đánh cá lớn với kích thước và cấu tạo khác nhau để đánh bắt một loại hải sản chuyên biệt: thuyền bắt sò điệp, thuyền bắt cua, thuyền đánh cá với nhiều loại lưới tùy theo loại cá từng mùa - cá tuyết từ tháng 11 đến tháng 2, bống mú vào cuối hè, cá thu vào mùa thu và mùa đông... Toàn bộ thuyền đều dùng kỹ thuật đánh bắt có từ xưa, không gây hại đến môi trường.

Những ngôi nhà sơn trắng nhỏ như hộp diêm trên núi, nhìn xuống vịnh nước trong vắt với những con thuyền trôi và hoa kim tước mọc tràn xuống chân đồi
Những con đường ở Polperro có nhiều con suối róc rách chảy, hai bên bờ mọc đầy hoa. Suốt dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp nhiều ngôi nhà nhỏ sơn trắng với những đường trang trí sặc sỡ, ở Anh gọi là màu ice cream pastel - những màu tươi giống như màu kem ăn. Có mấy quầy bán hải sản nấu sẵn đựng trong cốc nhựa. Tôi mua một cốc ốc whelks có chan nước giấm, ăn dai dai sần sật giống ốc nhảy ở Việt Nam.

Sau nửa giờ leo dốc, chúng tôi đứng trên đỉnh cao gió lồng lộng, hoàn toàn yên tĩnh, chỉ có tiếng ong bay vo ve và thỉnh thoảng có tiếng rít của chim hải âu vút qua. Hoa dại mọc đầy sườn núi: hoa mao địa hoàng màu hồng, hoa thạch nam và thạch thung dung tím, hoa cúc trắng...

Ngôi nhà chờ có mái che dành cho khách trú mưa trên núi nhìn xuống biển cũng như chìm lấp trong hoa. Cảnh vật miền quê êm đềm, không khác mấy so với bức tranh Polperro được họa sĩ William Penn Morgan vẽ từ hơn trăm năm trước. Nên thật khó tin cách đây không lâu, dân làng Polperro đánh cá mòi vào ban ngày và... buôn lậu vào ban đêm.

Điều ấy khiến tôi bật cười khi nhớ lại mấy câu thơ: Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông/ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng/ Dân trai tráng bơi thuyền đi... buôn lậu (thật ra, nguyên văn câu cuối trong bài thơ dài của Tế Hanh là Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá, nhưng báo Tuổi Trẻ Cười đã cải biên khi viết về một vùng biển buôn lậu ở miền Trung cách đây gần 20 năm).

Quả vậy, nhiều thế hệ dân đánh cá ở Polperro đã buôn lậu, nhất là vào thế kỷ 18 do chiến tranh với Mỹ và Pháp, khiến nước Anh buộc phải đánh thuế cao nhiều mặt hàng, khi đó Polperro là một trong những “đại bản doanh” của tệ nạn buôn lậu. Thuyền ngư dân ngoài tôm cá còn chở thêm những thùng rượu brandy, rượu gin, trà và thuốc lá nhập lậu, khi cập bến được mang giấu ở những hốc đảo và khe núi hẻo lánh rồi chở đi London hoặc sang cả Ý. Ở Polperro ngày nay có cả bảo tàng buôn lậu, trưng bày những “di sản” của thời khét tiếng xưa.

Patrick từ trên núi đi xuống, máy ảnh nặng trĩu trên cổ. Anh chàng người Pháp này làm việc cho một công ty ở Anh hai năm và sắp chuyển sang Đức nên tranh thủ thời gian còn lại đi khắp nơi ở Anh. Trong vòng một tháng, anh rong ruổi nhiều hơn tôi đi sáu tháng. Tôi bảo: “Từ từ chớ, Anh với Đức cũng gần mà, lâu lâu qua thăm rồi đi tiếp” nhưng anh lắc đầu: “Không, phải tranh thủ trời nắng mà đi. Sang Anh không biết đâu mà lần”.

Như để minh họa cho lời Patrick, bầu trời vừa xanh biếc đã vần vũ mây đen, ngoài khơi xa cảnh vật như chìm vào mây mù. Chúng tôi chạy trối chết xuống chân đồi, qua những con đường đá cuội quanh co đến chỗ đậu xe nhưng vẫn bị ướt.

Sau đó, tôi mới tình cờ biết được loài hoa vàng trên những sườn đồi Polperro là hoa kim tước nhờ đọc những truyện của Mary Wesley, nhà văn từng gắn bó nhiều năm với miền tây nước Anh và với Cornwall.

Nhiều đoạn văn trong những câu chuyện của bà làm sống dậy trong tôi những kỷ niệm Cornwall với những cánh rừng thưa, hoa dại bên suối và con đường mòn một bên biển, một bên núi từ Polperro đến những miền lân cận: “Tôi sẽ trồng những cánh rừng thưa đầy cây sồi, cây dẻ và xen lẫn trong đó những cây anh đào nở hoa. Tôi sẽ trồng những cây anh đào theo vòng tròn và uốn lượn, để nếu sau này có ai đó bay ngang sẽ thấy tên Calypso đánh vần bằng những bông hoa” (Bãi cỏ hoa cúc trắng).

Một góc làng chài

Một ngôi nhà nhỏ sơn trắng với những đường trang trí sặc sỡ