TT - Giới chuyên môn Anh không chỉ bàn luận về cuộc cải tổ tuyển Anh của HLV Capello mà còn tranh cãi sôi nổi về chiến thuật 4-4-2 được ông áp dụng cho đội tuyển tại World Cup 2010.
Chiến thuật bóng đá 4-4-2 ra đời tại Anh và đem lại nhiều vinh quang cho các đội tuyển quốc gia, CLB. Đội hình 4-4-2 của Anh vô địch World Cup 1966, để rồi sau đó chiến thuật này với điểm mạnh dựa vào các cầu thủ chạy cánh chuyền bóng vào cho tiền đạo được áp dụng rộng rãi.
Trong số những đội bóng thành công với 4-4-2 có Brazil với chức vô địch World Cup 1970, AC Milan dưới thời Arrigo Sacchi cuối thập niên 1980 và hai đội bóng lớn nhất Giải ngoại hạng Anh là Arsenal và Manchester United cuối thập niên 1990 trở đi.
Ngay cả lối bóng đá tấn công tổng lực (total football) của Hà Lan trước đây cũng được xây dựng trên nền móng chiến thuật này.
Nhưng World Cup 2010 đã cho thấy sự thoái trào của chiến thuật này. Quả thật nếu theo dõi báo chí Anh thường xuyên sẽ thấy hầu hết đều bất đồng với quyết định dùng chiến thuật 4-4-2 của HLV Capello, khi Rooney đá cặp với Defoe hoặc Heskey, hai cầu thủ có phong độ không ổn định (bản thân Rooney trải qua một kỳ World Cup tệ hại hơn ai hết). Trong khi với 4-3-2-1 hoặc 4-2-3-1, Rooney sẽ có được hỗ trợ đáng kể từ Gerrard.
Đúng như lo lắng của nhiều người, tuyển Anh đã “nát như tương” trước đội hình 4-2-3-1 của Đức, khi khoảng trống trước và sau bốn trung vệ Anh đã bị tiền vệ Mesut Ozil tận dụng triệt để.
Phóng viên thể thao kỳ cựu Jonathan Wilson của nhật báo Guardian (Anh) mới đây đã có một bài viết mang tựa “Tương lai 4-4-2 sẽ ra sao?”, cho rằng Hà Lan vào đến trận chung kết cũng nhờ 4-2-3-1 khi hai trung vệ và ba tiền vệ sắp thành hình chữ W, tạo nên những tam giác đan vào nhau khó xuyên qua.
Còn Tây Ban Nha có được chức vô địch nhờ các cầu thủ trong đội đã chơi chung với nhau trong cùng CLB nhiều năm, áp dụng thành công chiến thuật 4-3-3 của Barcelona trước khi chuyển qua 4-2-3-1 ở trận gặp Đức tại bán kết.
Thật ra 4-4-2 cũng có nhiều ưu điểm. Sự vượt trội của Arsenal cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000 phần lớn nhờ HLV Arsene Wenger áp dụng chiến thuật này một cách xuất sắc, phát huy thế mạnh của tiền đạo Hà Lan Dennis Bergkamp, người được giới chuyên môn đánh giá là cầu thủ kinh điển cho 4-4-2.
Khoảng một nửa các CLB ở Giải ngoại hạng Anh vẫn áp dụng đội hình này. Ở Anh cũng có một tờ báo chuyên về bóng đá tên Four Four Two (Bốn Bốn Hai). Vì vậy, trước khi bắt đầu những trận vòng loại Euro 2012, người Anh cũng hồi hộp chờ xem HLV Capello sẽ có những thay đổi gì về chiến thuật.
Người ta dự đoán đội Anh có thể sẽ chuyển sang sơ đồ 4-3-2-1 nhưng tất cả vẫn còn tùy thuộc phong độ các cầu thủ được ông Capello chọn.
Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét