Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Chuyện của Theo Walcott

Walcott (trái) hứa hẹn tỏa sáng trong trận Arsenalgặp West Ham ở vòng 10 Premier League hôm nay - Ảnh: AFP
“Bữa nay biết ai tới cửa hàng của mình mua đồ không? Theo Walcott đó!” - Alastair về nhà sau ca làm việc, khoe.

Tôi thờ ơ: “Walcott là ai?”. “Trời, không biết Walcott hả? 16 tuổi, đội trẻ của Southampton, đá trong trận chung kết Cúp FA gặp Ipswich Town! Ta đoán Walcott sẽ là một ngôi sao mới đó, có khi Arsenal, Manchester United, Chelsea sẽ đua nhau hỏi mua không biết chừng”.

Mẩu hội thoại trên diễn ra cách đây gần sáu năm, khi Alastair và tôi đang theo học cao học ở Southampton, sau giờ học anh đi làm thêm trong một quán bán tạp hóa gần nhà.

Mới đó mà bao nhiêu “nước chảy qua cầu”, Alastair giờ làm việc cho Bộ Ngoại giao Anh ở London, còn Walcott đúng như tiên đoán của anh - chỉ vài tháng sau đã được ông Wenger gọi vào Arsenal, và ngay mùa hè năm sau theo ông Eriksson đến Đức dự World Cup 2006 khi vừa bước sang tuổi 17.

Thành công từ khi còn trẻ nhưng Theo Walcott lại rất trầm tĩnh, chững chạc và biết người biết ta. Khác với những đồng đội người Anh luôn dính vào đủ loại xìcăngđan, Walcott làm người ta nhớ tới một cầu thủ Arsenal khác là Dennis Bergkamp, tiền đạo người Hà Lan nổi tiếng với lối sống khép kín và chừng mực.

Khi bị thất sủng không được ông Capello gọi vào đội tuyển đi Nam Phi World Cup vừa rồi, cứ tưởng anh sẽ làm mình làm mẩy, giận dỗi hoặc cho kết quả tệ hại của đội Anh là “đáng đời”, nhưng Walcott vẫn vui vẻ vào lại đội tuyển trong trận giao hữu gặp Hungary và dốc hết sức mình.

Được phỏng vấn về cảm xúc khi không được đi Nam Phi, anh cười trả lời: “I’m a winger, not a whinger”. (Tôi là một tiền vệ chạy cánh, không phải một người hay than vãn”, chơi chữ: winger và whinger viết và đọc gần như nhau).

Tôi đã xem Walcott đá trực tiếp trên sân khoảng mười lần cho cả Arsenal và tuyển Anh. Vấn đề nan giải của Walcott mà những ai xem trên sân mới thấy là anh chạy quá nhanh, chân chạy nhanh hơn đầu anh kịp suy nghĩ, điều này khó nhận biết trên truyền hình.

Do vậy nhiều khi anh vượt qua hết các hậu vệ đối phương nhưng thay vì tự sút lại chuyền bóng cho đồng đội và ngược lại. Gần đây có vẻ vấn đề đó đã được khắc phục vì Walcott nhiều khi chậm lại, giữ bóng và nhìn quanh xác định trước khi sút hoặc chuyền.

Hat-trick đầu mùa bóng vào lưới Blackpool giúp Arsenal thắng 6-0, cũng như những đóng góp cho ba trận đầu tiên của tuyển Anh sau World Cup trước khi bị cáng ra sân do chấn thương mắt cá trên sân Thụy Sĩ (sau khi chuyền bóng thành công cho Johnson trả lại cho Rooney mở tỉ số ngay từ phút thứ 8), đủ làm người hâm mộ nhận thấy bóng dáng một nhân tài bóng đá dần rõ nét.

Vắng mặt trên sân gần hai tháng, “winger” Walcott đã trở lại với Arsenal. Chỉ vào sân vài phút cuối thay đội trưởng Fabregas trong trận thắng Man City 3-0 trên sân khách ở giải ngoại hạng, anh đã được tin tưởng cho vào đội hình khởi đầu gặp Newcastle trên sân khách ở Carling Cup và được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu với hai bàn giúp Arsenal thắng đậm 4-0.

Walcott không chỉ là một tiền vệ chạy cánh, anh là một biểu tượng của tương lai bóng đá Anh, cùng các đồng đội Wilshere và Gibbs làm nên diện mạo thế hệ mới của tuyển Anh và Arsenal.

Với hiệu số bàn thắng bại 12-1 trong ba trận gần đây ở cả ba mặt trận Champions League, ngoại hạng và Carling Cup, Arsenal được cho sẽ giành thắng lợi dễ dàng trước đội cuối bảng West Ham trên sân Emirates hôm nay, và Walcott sau chấn thương có lẽ là cầu thủ được chờ đợi tỏa sáng nhất.

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

Khi những “cái tôi” đụng độ

Chúng tôi nhớ ngày kết thúc mùa bóng 2004-2005, khi West Bromwich Albion (WBA) trụ hạng, Đài truyền hình Anh có phỏng vấn các CĐV, trong đó có một người trên 80 tuổi, xem WBA trên sân từ khi mới vài tuổi và liên tục hơn 60 năm gần đây chưa bỏ sót trận nào của WBA.

HLV Ferguson đã xếp Rooney ngồi dự bị trong trận M.U hòa West Brom 2-2 - Ảnh: Reuters
Ông kể: “Năm 1937 cha tôi với tôi đạp xe đạp gần 70km từ West Brom đi Stoke, đến nơi vào sân xem thì đội mình thua với tỉ số 3-10. Xong rồi đạp xe về 70km nữa”. Sau khi WBA hòa 2-2 đầy kịch tính với Manchester United (M.U) ngay trên sân Old Trafford hôm thứ bảy, tự nhiên tôi nghĩ tới ông và hi vọng ông rất vui với kết quả đó, trong khi đối thủ M.U đã trải qua những cung bậc tình cảm khác hẳn.

Sau khi hiệp một kết thúc với kết quả 2-0 cho đội chủ nhà, hiệp hai tiếp tục chứng kiến những cú tấn công dồn dập của “những con quỷ đỏ” trước khung thành WBA, ai cũng tưởng M.U sẽ giành chiến thắng dễ dàng trước đội đàn em với tỉ số 4-0, 5-0.

Nhưng ngược lại, trong một ngày được HLV Di Mateo gọi là “buổi chiều của những món quà”, “món” thứ nhất là bàn đá phản lưới nhà của Evra năm phút sau hiệp hai và món quà thứ hai: “tay củ gừng” của thủ môn kỳ cựu Van der Sar đã tặng không cho Tchoyi cơ hội gỡ hòa.

Thế nhưng HLV Alex Ferguson, sau khi gọi kết quả hòa thứ ba liên tiếp là “không thể chấp nhận được”, lại lên tiếng bênh vực cầu thủ chơi nhiều trận nhất trong lịch sử đội tuyển quốc gia Hà Lan sắp bước vào tuổi tứ tuần này: “Lần cuối cùng anh ấy phạm lỗi tương tự có lẽ là khi học cấp I. Nên xóa lỗi đó!”.

Ngược lại hoàn toàn với sự ưu ái cho cựu binh Van der Sar, HLV Ferguson làm dấy lên một làn sóng những đồn thổi vì mối quan hệ “cơm không lành canh không ngọt” với Rooney và việc tiền đạo này sẽ rời Old Trafford vào mùa chuyển nhượng mùa đông sắp tới rất dễ xảy ra. Nhiều người đoán ông Ferguson đã không còn tin tưởng vào Rooney nên không cho anh chơi nhiều trận quan trọng như gặp Sunderland tại Giải ngoại hạng và Valencia tại Champions League, lấy chấn thương mắt cá của tiền đạo 24 tuổi này làm cớ giải thích cho việc anh bị thất sủng.

Rooney đã chính thức lên tiếng phủ nhận chấn thương đó. Trong trận đấu nhàm chán tuyển Anh gặp Montenegro thứ ba tuần trước, phong độ của Rooney xuống hẳn và bị thẻ vàng vì đốn người trên phần sân của mình.

Từ khán đài Wembley, tôi thấy có những lúc anh “lang thang” trên sân, lạc lõng như người lạ trong chính đội tuyển mình từng thi đấu từ năm 17 tuổi. Khi được báo chí hỏi anh giải thích thế nào về phong độ trận đấu đó của mình, Rooney chỉ nói: “Tôi không biết”, nhưng khẳng định anh không bị chấn thương mắt cá như ông Ferguson đã nói.

Thú nhận trái ý thầy của Rooney được truyền thông Anh nhận xét: “Rooney đang cố ý khẳng định sự độc lập của mình để phục vụ một phần ý đồ rời Old Trafford đến Real Madrid”.

Trong lịch sử gần 25 năm làm HLV M.U, ông Ferguson, với cái tôi lớn hơn ai hết, đã cho thấy sức mạnh của HLV trên sân Old Trafford là trên hết. Cụ thể những năm gần đây là “gương tày liếp” của Roy Keane, Van Nistelrooy hoặc Beckham - những cầu thủ có cái tôi lớn dám làm ngược lại những gì ông cho phép trong và ngoài sân cỏ - đã phải tự thay đổi hoặc rời CLB ngay lập tức.

“Cái tôi” lớn của Rooney không bằng “cái tôi” của người có quyền cao hơn. Và chuyện anh rời Old Trafford chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

“Uống Seduxen” ở sân Wembley

Tôi đã xem không ít trận trên các sân vận động ở Anh, từ đội tuyển quốc gia đến Champions League, từ giải ngoại hạng đến giải hạng tư, chưa trận nào có hiệp đấu nhàm chán như hiệp một trận Anh - Montenegro ở Wembley hôm 12-10.

Xem hiệp đấu mà mắt muốn sụp mí chẳng khác gì mình uống phải thuốc ngủ Seduxen. Sang hiệp hai có khá hơn, nhưng các cầu thủ đắt giá của đội chủ nhà Anh vẫn không chọc thủng nổi được lưới đội bóng tí hon Montenegro. Trận đấu khép lại với kết quả “không thể buồn hơn” là 0-0.

Trước trận đấu và ở những phút đầu, các khán giả xung quanh tôi hát hò inh ỏi bài “Tôi là CĐV Anh đến khi tôi chết”, rất khí thế. Nhưng trong suốt trận đấu, có những lúc sân Wembley im phăng phắc như một buổi lễ nhà thờ, điều rất khó thấy ở các trận đấu đỉnh cao. Tôi nói với mấy người bạn đi cùng: “Xem hai CLB nhỏ ở Anh là Scunthorpe đá với Luton Town còn hay hơn gấp trăm lần”.

Anh bạn Roland đi cùng - 30 năm qua là CĐV của đội Arsenal - nhận xét một câu rất chí lý: “Từng cầu thủ đội Anh đều là cá nhân xuất sắc nhưng chỉ xuất sắc khi thi đấu với những cầu thủ người nước khác, còn khi đá chung với nhau họ không giống ai”.

Phải xem những trận như thế này mới thấy nhớ tốc độ và sự lanh lẹ của hai cầu thủ Walcott và Defoe, hiện nằm trong danh sách chấn thương dài ngày của Anh. Rooney cuối tháng này mới bước vào tuổi 25 nhưng đã mệt mỏi như một tiền đạo 35, 36 tuổi. “Sếu vườn” Crouch dù có thành tích đáng nể ghi được 20 bàn trong 40 trận ra sân cho Anh cũng không làm được gì trước hàng phòng ngự dày đặc.

Về phần đối thủ Montenegro cũng không khá gì. Thủ môn Hart của Anh gần như suốt trận làm khán giả vì Montenegro khi có cơ hội tấn công cũng không tấn công do... sợ bị Anh phản công. Như vậy đủ để thấy họ không có đẳng cấp cao. Gần hết trận đấu, họ lại câu giờ đến sốt ruột, kể cả giả vờ lăn lộn chấn thương, nhưng chiến thuật ru ngủ đó xem ra đã thành công khi Montenegro giành được 1 điểm ngay trên sân đội hạt giống số 1 của bảng, giúp củng cố thêm mục tiêu trở thành quốc gia nhỏ nhất giành quyền tham gia vòng chung kết Euro.

Trên đường về, Roland nói trận đầu tiên như vậy đã làm anh mất hứng không muốn đến Wembley xem đội Anh nữa. Tôi an ủi: “May mà mình chỉ mất hơn nửa giờ để về nhà, ai lái xe hay đi tàu mấy trăm cây số từ Newcastle hay từ Carlisle tới London trên đường về còn chán gấp bội”.

Tôi dự định tháng 11 tiếp tục đến Wembley xem trận giao hữu Anh - Pháp, nhưng sau trận gặp Montenegro này có lẽ phải suy nghĩ lại.

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

“Montenegro không đến Anh đi shopping”

Sau kết quả “không giống con giáp nào” của Anh tại World Cup, vé xem đội tuyển quốc gia dễ mua hơn vé xem các CLB ở Giải ngoại hạng, không phải đăng ký bốc thăm qua mạng, xếp hàng ngoài trời hoặc “chụp giật” nên tháng trước chúng tôi mua được vé xem trận chủ nhà tiếp Montenegro tại Wembley đêm nay.

Khi mua, tôi không ngờ đây trở thành trận đấu hấp dẫn nhất bảng vì “ngựa ô” Montenegro đã bất ngờ giành trọn 9 điểm sau ba trận đầu tiên và tạm dẫn đầu bảng G (đá hơn Anh một trận).

Rooney (trái) sẽ ghi bàn vào lưới Montenegro? - Ảnh: Reuters
Khi bốc thăm, Montenegro nằm ở nhóm hạt giống thứ năm, cuối cùng. Trận đầu tiên, họ thắng hạt giống thứ tư đội Xứ Wales, sau đó thắng hạt giống thứ ba Bulgaria và mới đây thắng hạt giống thứ hai Thụy Sĩ đều cùng tỉ số 1-0. Vì vậy, đội tuyển của đất nước nhỏ bé có dân số xấp xỉ tỉnh Lào Cai của Việt Nam (625.000 người) đã hạ quyết tâm “đến London kỳ này không chỉ để đi shopping” - theo lời HLV Kranjcar.

Về phần “tam sư”, sau kết quả tưng bừng thắng Bulgaria 4-0 trên sân nhà và Thụy Sĩ 3-1 trên sân khách tháng trước với sự tham gia của nhiều gương mặt trẻ, các chuyên gia phân tích bóng đá của báo chí Anh đều lo ngại việc ông Capello sẽ lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan sau khi các trụ cột hết chấn thương trở lại đội tuyển.

Màn trình diễn của các cầu thủ trẻ bị “thất sủng” không được đến Nam Phi mùa hè qua như Walcott, Bent, Jagielka, Adam Johnson... quá khởi sắc, vì vậy HLV sẽ phải đau đầu trong việc quyết định chọn ai cho trận gặp Montenegro.

Ví dụ nếu chọn bộ đôi Ferdinand - Terry, vốn là trục phòng ngự tuyến giữa của tuyển Anh trong vòng bảy năm nay, Jagielka sẽ không thể ra sân vì anh đá cùng vị trí. Hoặc khi Lampard trở lại sẽ khó có chỗ “nhét” anh vào hàng tiền vệ vì cặp Gerrard - Barry quá tuyệt vời trong hai trận qua.

Nhưng ông Capello đã thoát khỏi tình trạng khó xử vì sau khi Jagielka gặp chấn thương, Lampard chưa hồi phục, đến lượt John Terry cũng không thể ra sân do chấn thương lưng. Một quyết định khó khăn khác đã được HLV Capello giải quyết trước trận đấu là ông trao lại băng thủ quân cho trung vệ Rio Ferdinand vừa trở lại sau chấn thương.

Quyết định của Capello gây chút ít tranh cãi vì khi Ferdinand bị chấn thương, tiền vệ đội Liverpool Steven Gerrard đã hoàn thành xuất sắc vai trò thủ quân ở World Cup 2010 và trong hai trận vòng loại Euro 2012 gặp Bulgaria và Thụy Sĩ. Hơn thế nữa, phong độ lúc này của Ferdinand vẫn là dấu chấm hỏi. Nhưng có lẽ ông Capello không muốn gây thêm thất vọng cho Ferdinand trong hoàn cảnh hàng phòng ngự sứt mẻ của tuyển Anh rất cần anh chứng minh phong độ.

Đêm nay tôi sẽ đến sân Wembley cổ vũ sư tử Anh. Cũng như nhiều CĐV Anh khác, tôi hi vọng tuyển Anh sẽ thắng để kết thúc hiện tượng “ngựa ô” Montenegro. Tôi cũng chờ đợi Wayne Rooney sẽ “nổ súng” ở trận thứ 68 xuất hiện trong màu áo tuyển Anh để anh tìm lại chút niềm vui sau những câu chuyện buồn ngoài sân bóng.

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

“Những người về hưu” hay sức trẻ?

Mọi chú ý ở vòng 7 Giải ngoại hạng Anh cuối tuần này sẽ được hướng đến sân Stamford Bridge - nơi diễn ra trận cầu rất “máu lửa” giữa Chelsea và Arsenal (22g chủ nhật 3-10, giờ VN).

Ashley Cole (phải) - cựu cầu thủ Arsenal - sẽ là một trong
những tâm điểm trong trận đấu tại Stamford Bridge - Ảnh: Reuters
Trận cầu này sẽ là một hình ảnh kinh điển của nhiệt huyết tuổi trẻ với Gibbs, Wilshere, Denilson, Nasri... tuổi từ vị thành niên đến đầu 20 của những pháo thủ phía bắc London, đối đầu với kinh nghiệm từ những ngôi sao Anelka, Drogba, Terry, Malouda... độ tuổi “băm” của đội bóng áo xanh phía tây London.

Từ khi đội bóng thành lập năm 1905 đến nay, Chelsea còn có biệt danh “những người về hưu” vì sân Stamford Bridge gần Bệnh viện hoàng gia Chelsea, nơi có nhà dưỡng lão dành cho các cựu chiến binh. Với tình hình cầu thủ Chelsea những năm gần đây, tên gọi này xem ra khá phù hợp.

Tháng 5-2009, tôi may mắn được xem trực tiếp trận Arsenal gặp Chelsea trên sân Emirates. Đó là thời điểm cuối mùa và cả hai đội đều hết hi vọng giành một trong hai vị trí đầu bảng, nhưng không vì thế mà trận derby thành London kém phần quyết liệt. Arsenal đã có một trận đấu rất hay, tấn công dồn dập. Chỉ tiếc ở những thời điểm quyết định họ thiếu may mắn và xử lý bóng thiếu kinh nghiệm hơn đối phương. Tôi là người hâm mộ của Arsenal nên khi chứng kiến đội nhà bị bể trận thua tan nát 1-4, lòng buồn thảm não.

Trong trận đó cũng như nhiều trận khác, hai cựu cầu thủ Arsenal hiện đang đá cho Chelsea là Ashley Cole và Anelka mỗi lần có bóng đều bị CĐV Arsenal la lối do cả hai rời Arsenal vì tiền. Được các chuyên gia cho là hậu vệ cánh trái tốt nhất tuyển Anh và thế giới hiện nay, Ashley Cole trưởng thành từ cái nôi huấn luyện cầu thủ trẻ của HLV Arsene Wenger.

Ra sân dưới màu áo Arsenal từ năm 18 tuổi, năm 2006 anh chuyển sang Chelsea trong khi vẫn còn hai năm hợp đồng với Arsenal và từ đó bị báo chí Anh gọi là “Cashley Cole” (chơi chữ, cash: tiền mặt). Trong khi Anelka xuất hiện trong màu áo Arsenal năm 17 tuổi, là một phần trong đội hình giành chức vô địch Premier League mùa bóng 1997 -1998 nhưng một năm sau lại đi theo tiếng gọi của anh “nhà giàu” Real Madrid.

Hai ví dụ trên tóm lược những gì Chelsea và Arsenal hướng tới. Chelsea chỉ mua cầu thủ ở đỉnh cao phong độ và gần như không có giá trị bán lại (resale value), khi rời đội bóng phía tây London họ chủ yếu vào độ tuổi trên 30 và những vụ chuyển nhượng toàn lỗ nặng. Vì vậy, dù vài năm trở lại đây Chelsea đạt được nhiều thành tích nhất định nhưng luôn đứng đầu danh sách lỗ và nợ của giải.

Nhiều chuyên gia bóng đá đánh giá Arsenal sẽ gặp nhiều khó khăn trong trận cầu đêm mai vì họ phải chơi trên sân khách và vắng nhiều trụ cột như Van Persie, Fabregas, Walcott, Bendtner..., trong khi Chelsea chỉ có mỗi Frank Lampard không thể ra sân. Nhưng tôi lại có linh cảm đêm mai Arsenal sẽ tạo nên phép mầu kỳ diệu trên sân khách. Không biết có phải mình mê Arsenal quá không, nhưng mỗi khi Arsenal xung trận tôi đều có niềm tin lớn ở đội bóng trẻ trung này.

Thủ đô London đêm mai sẽ ngập tràn không khí bóng đá. Nhưng khi mình có cơ hội được xem trận đấu đỉnh cao này, nghĩ mà thương cho nhiều CĐV bóng đá VN không được xem bóng đá Anh đêm chủ nhật...