Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Tottenham làm nên chuyện lớn

Cách đây vài tuần, khi trận derby Bắc London giữa Arsenal và Tottenham trong khuôn khổ vòng 14 Giải ngoại hạng trên sân Emirates đang đến lúc gay cấn và Arsenal dẫn trước 2-0, cô bạn Jennifer, giáo viên ở khu Tottenham, Bắc London, bảo tôi: “Sao cổ vũ Arsenal, phải cổ vũ đội yếu chớ”. Tôi nói: “Trời, Tottenham có phải đội yếu đâu?”, cô trả lời: “Nhưng so với Arsenal, Tottenham vẫn là đội yếu”.

Tiền vệ Modric của Tottenham mừng chiến thắng trước Liverpool
Ảnh: Reuters
Khả năng bình luận bóng đá của Jennifer tương đương... mẹ tôi, nghĩa là dừng lại ở những câu đại loại “thấy ông thủ môn vô lưới lượm banh tội nghiệp quá!”. Có lẽ vì vậy mà cô vẫn tưởng Tottenham ngắc ngoải ở Giải ngoại hạng và đá với Arsenal sẽ cầm chắc thua.

Cô không biết cách đó không lâu “đội yếu” vừa thắng đương kim vô địch Champions League 3-1, sau đó thắng luôn kình địch Arsenal 3-2 và cuối tuần này cũng giành trọn 3 điểm sau khi bị Liverpool dẫn trước.

Pha đá phản lưới nhà của hậu vệ Skrtel giúp Tottenham gỡ hòa 1-1 phút 65 trận Tottenham thắng Liverpool 2-1 đêm 28-11 đã làm nên kỷ lục cho lịch sử Giải ngoại hạng, biến vòng đấu thứ 15 năm nay cả 20 đội đều ghi bàn. Tổng cộng có 41 bàn thắng được ghi. Dù “phượng hoàng vẫn còn trong tro tàn” Liverpool chỉ là cái bóng của chính mình, cũng phải công nhận Spurs đã có một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Đó là lần thứ năm trong mùa bóng các học trò ông Redknapp bị dẫn trước nhưng kết thúc trận đấu thắng lợi.

Đội yếu Tottenham năm nay đang làm nên những bất ngờ chấn động. Tại giải đấu danh giá Champions League, họ đang đứng nhất bảng A trong bảng có “đại gia” Inter Milan và Werder Bremen. Còn tại Giải ngoại hạng, Spurs đang đứng ở vị trí thứ 5, chỉ kém đội dẫn đầu M.U (31 điểm) 6 điểm.

Không có những cầu thủ đắt giá như Chelsea hay M.U nhưng hiện giờ hàng công của Tottenham lại là nỗi khiếp sợ của hậu vệ bất cứ đối thủ nào, với tốc độ và sự linh hoạt của Defoe, Lennon và Modric. Ngoài ra, ngôi sao 21 tuổi Bale và tân binh người Hà Lan Van der Vaart cũng mang đến luồng sinh khí mới cho Spurs.

Trong khi Manchester City với “túi ba gang” không bao giờ cạn tiền chỉ nhắm đến một trong bốn vị trí đầu đủ để tham gia Champions League mùa sau, HLV Redknapp lại tuyên bố Spurs là ứng cử viên chức vô địch Giải ngoại hạng.

Phép thử lớn cho Spurs là trận đấu thứ bảy sắp tới làm khách trên sân Birmingham. St Andrews, sân nhà Birmingham, vốn khét tiếng về việc chèn ép đối phương và bạo lực đám đông, chưa kể đội này vừa thắng Chelsea 1-0 vòng đấu trước.

Nhưng tới thời điểm này, có lẽ chỉ mỗi mình cô bạn Jen của tôi xem Tottenham là đội yếu mà thôi.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Hiện tượng “mèo đen”

Ở nhiều nơi trên thế giới, mèo đen là điềm báo xui xẻo. Trong lịch sử nhiều nước phương Tây, mèo đen còn làm liên tưởng đến hình ảnh của những mụ phù thủy. Tuy nhiên ở Anh, mèo đen lại tượng trưng cho sự may mắn, cũng giống như việc hứng lá mùa thu, đụng vào gỗ hoặc treo hình... vành móng ngựa trước nhà.

Các cầu thủ Chelsea cay đắng với thất bại
trước “mèo đen” Sunderland - Ảnh: Reuters
Không biết có phải nhờ vậy mà Sunderland - CLB có biệt danh “những con mèo đen” - đã làm nên lịch sử khi là đội đầu tiên của giải kể từ đầu mùa sút tung lưới Chelsea trên sân Stamford Bridge và thắng đậm 3-0.

Trước vòng đấu thứ 13 Giải ngoại hạng Anh diễn ra cuối tuần qua, Chelsea dù đã thua hai trận sân khách nhưng là đội duy nhất có kết quả sân nhà toàn thắng, riêng Cech là thủ môn duy nhất tại giải vẫn giữ sạch mành lưới ở các trận chơi trên sân nhà.

Thêm vào đó, đúng mười năm nay Sunderland không thắng được Chelsea ngay cả trên sân nhà lẫn sân khách, vì vậy các công ty cá cược tại Anh đã đặt tỉ lệ 1 ăn đến 165 cho những ai đặt niềm tin vào “mèo đen” khoác áo trắng - đỏ.

Khi Welbeck ghi bàn ấn định tỉ số 3-0 từ một sai lầm ngớ ngẩn của hậu vệ kỳ cựu Ashley Cole ở phút 86, tôi nghĩ tới một đồng nghiệp cũ của mình, Frank. Thời điểm năm 2007, tôi làm việc cho một công ty dược phẩm ở Berkshire, một hạt (county) cách London nửa giờ xe lửa.

Trong công ty có Frank - quản lý phòng kinh doanh, khoảng 55 tuổi và là một CĐV trung thành của Sunderland - tất cả các trận trên sân Ánh Sáng (sân nhà của Sunderland), ông đều lái xe từ nơi ở cách Sunderland tận miền bắc gần 1.000km cả đi lẫn về để xem.

Năm đó “mèo đen” dưới sự dẫn dắt của HLV Roy Keane vừa được lên Giải ngoại hạng nhờ vô địch Giải Championship bên dưới.

Trong một buổi ăn trưa ngồi chung với Frank và nhiều người khác, khi mọi người bàn chuyện bóng đá, tôi nói: “Tôi nhớ mùa bóng 1999-2000 Sunderland khởi đầu hay quá, Kevin Philips gần như trận nào cũng ghi bàn, được giải Chiếc giày vàng châu Âu nữa”.

Chỉ vậy mà Frank sáng mắt lên, cười hớn hở vì CĐV các đội lớn quen với việc nhiều người biết đội mình, còn CĐV đội nhỏ thường rất phấn khởi khi được ai đó nhắc tới và nhớ chi tiết.

Vì vậy sau đó những đồng nghiệp khác lâu lâu gặp tôi lại “méc”: “Frank mỗi lần nói chuyện bóng đá hay nhắc tới bạn đó. Ông khoe cô ấy còn biết cả Kevin Philips mùa bóng 1999-2000 nữa”. Đúng là sức hấp dẫn của bóng đá làm bất cứ ai, dù ở vị trí nào, độ tuổi nào, cũng giống như con nít.

Cuối tuần vừa qua tại tất cả mười trận ở Giải ngoại hạng, nếu bạn để ý sẽ thấy trên ngực áo của tất cả cầu thủ và HLV trên sân đều cài một bông hoa vải màu đỏ nhụy đen. Đó là hoa anh túc, biểu tượng để tưởng nhớ binh lính Anh tại Chiến tranh thế giới.

Hằng năm vào ngày chủ nhật thứ nhì của tháng 11, trên toàn nước Anh diễn ra ngày tưởng niệm (Remembrance Day) nên trước trận đấu cuối tuần đó cầu thủ và khán giả đều dành một phút mặc niệm.

Trở lại trận Chelsea thua 0-3 trên sân nhà chủ nhật vừa rồi, khi truyền hình chiếu cảnh khán giả trên sân bỏ về giữa chừng, bình luận viên truyền hình nói: “Kết quả trận này không những làm “mèo đen” đến từ vùng Tyne và Wear vui mừng mà cả những CĐV đến từ bắc London cũng vậy”.

Quả thật, việc Chelsea đột ngột sẩy chân đã giúp Arsenal với chiến thắng 2-1 trên sân Everton rút ngắn cách biệt chỉ còn 2 điểm khiến vòng đấu tiếp theo trở nên hấp dẫn hơn nhiều.

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Dặm đường thức ăn

Anh Đức, một người bạn thân ở Sài Gòn, có việc đi công tác London nên mẹ tôi nhờ gửi giùm một mớ sách và đồ ăn, trong đó có gói chà bông cá thu mẹ tự làm.

Trông đứng trông ngồi ngày anh qua, khi nhận đồ tôi không khui ra xem cuốn sách mình xuất bản cách đây ba tháng chưa thấy mặt mũi, chỉ lăm le mở gói chà bông bốc nhai ngon lành. Chà bông cá nên không thành sợi dài như chà bông thịt mà nhỏ mịn và dai, ăn không cần nhắm mắt cũng tưởng tượng ra giống đang ăn cá thu mới mua về ở chợ quê còn tươi rói đem chiên muối sư kiểu miền Trung.


Một cửa hàng ở nông trại miền quê, nơi thức ăn được sản xuất ngay tại chỗ
và từ những nhà cung cấp địa phương (Kent, Anh) - Ảnh: Giáng Uyên


Ở Anh những ngày cuối tuần hay có chợ nông dân, đồ ăn mắc hơn nhiều so với siêu thị nhưng người ta vẫn hay đi mua, một phần vì muốn ủng hộ những cơ sở nhỏ lẻ, một phần vì đồ ăn ở chợ tươi ngon hơn. Chợ nông dân là một phần di sản văn hóa Anh, nơi dân địa phương đến để bán nông sản do chính mình trồng, nuôi, bắt, hái, lượm, ướp, nấu, muối, xông khói...

Ở châu Âu sống thân thiện với môi trường nên rất để ý “dặm đường thức ăn” (food miles), tránh những món phải chuyên chở xa, trong khi siêu thị bán nho Nam Phi, xúc xích Tây Ban Nha thả giàn thì chợ nông dân chỉ được phép có những món chuyên chở từ cách nơi bán không đầy trăm dặm (150km).

Ồ, vậy thì kém xa chợ quê tôi. Gần như tất cả những món ngày đó đều có “dặm đường thức ăn” lòng vòng trong làng, vì quê mùa mới vậy nhưng bây giờ thành ra phù hợp với xu hướng văn minh quốc tế.

Hành, ngò, bầu, bí, mướp, ớt, tỏi mấy bà già trồng trong vườn, sáng sớm ra hái một mớ bỏ vô rổ mây mang thẳng ra chợ. Thịt heo, bò, gà, vịt cũng mua của mấy người nuôi trong xóm. Nước mắm tự làm bán, đong bằng lít. Trứng gà nhà mới đẻ mang ra chợ, nhỏ và trắng hồng trong rổ lót rơm, không to khủng bố và nhợt nhạt như trứng công nghiệp bây giờ.

Mãng cầu, ổi, mít, sabôchê... chín cây thơm lừng, không có bóng dáng lê táo Trung Quốc lạt lẽo. Chỉ có đồ biển phải mua xa một chút rồi mang về chợ bán, nhưng xa cũng chỉ là Nha Trang cách gần 15 cây số, về tới còn giãy đành đạch như thường. Đó là chưa kể những ngày mưa lụt người ta bắt được cá tràu, cá rô ăn không hết cũng mang ra chợ, tươi ngon gì đâu!
Ẵm em lên võng mà đưa
Để mẹ đi chợ mua dừa về ăn
Tôi không có em để ẵm lên võng mà đưa chờ mẹ đi chợ về, tôi chờ mẹ đi chợ về một mình, đói bụng lấy tô cơm chiên tóp mỡ ra ngồi hàng hiên vừa ăn vừa chờ. Mẹ về không chỉ mua dừa như trong câu ca dao kia, mẹ còn mua chè đậu ván, chè chuối, mua cua, cá thu, cá ngừ, bánh ít lá gai.

Vật giá hồi xưa rẻ nên ở quê dù không khá giả cũng ăn ngon. Lâu lâu tôi đòi chở đi chợ Thành cách nhà bốn cây số, vào ăn đúng hai món bún thịt nướng và chè trái cây thập cẩm, suốt hơn mười năm. Có lần mẹ tôi ngán quá dắt tôi qua hàng khác ăn bún bò, nhưng chỉ đúng một lần đó thôi rồi tôi đòi quay lại với hai món tủ.

Mẹ thỉnh thoảng đi mua hàng ở Sài Gòn mấy ngày mới về, chị Ba tôi đảm nhận việc nấu ăn. Tôi lên lớp 8, chị Ba học đại học xa nên tôi bắt đầu biết đi chợ nấu ăn. Gần nhà có chợ nhỏ gọi là chợ “cây giáng hương” vì nhóm gần một cây giáng hương cổ thụ nhiều người đồn có ma, tan học về tôi đạp xe đi mua đồ ăn về nấu.

Một trong những món đầu tiên là canh thịt heo bằm nêm mắm và vắt chanh, ngoài ra không còn gì trong canh nữa hết, anh Hai tôi kêu “trời, canh gì canh chanh?” nhưng cũng ăn hết. Sau đó, tôi biết mua rau nấu canh tôm tươi, mua xương hầm canh bí đỏ, mua cá cơm, hành, ngò, ớt, bạc hà và giá nấu canh chua.

Lần vừa rồi về lại quê ăn canh chua và phở tôi mới nhớ giá ở Khánh Hòa ngon quá. Hồi học cấp III tôi có đứa bạn tên Sáng, nhà làm giá nên còn được biết với tên “Sáng giá”, nói tuy cọng giá ở quê ốm chứ không mập như giá Sài Gòn nhưng giòn ngon hơn nhiều.

Bốc chà bông cá thu ăn không, tự nhủ ngày mai sẽ gọi điện cho mẹ khoe đã gặp anh Đức rồi, ăn chà bông dù băng qua bao nhiêu dặm vẫn ngon giống y cá thu mới mua về chiên muối sư. Và sẽ dặn mẹ chừng nào con về Việt Nam, nhớ dắt con đi chợ quê ăn hàng “đã điếu” nghen.

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Bữa tiệc hỏng vì... cúm!

“Đúng là trong bóng đá không biết đâu mà lần” - đó là câu nói của nhiều CĐV giải ngoại hạng sau khi vòng đấu thứ 12 kết thúc rạng sáng qua (giờ VN). Những ai chọn xem trận Man đỏ gặp Man xanh đều thất vọng não nề, vì một trận derby đáng ra phải tưng bừng lại nhàm chán và thiếu kịch tính bởi cả hai đội quá thận trọng.

Trận M.C gặp M.U đọng lại với những hình ảnh căng thẳng
giữa cầu thủ hai đội - Ảnh: Reuters
HLV đội Manchester United (M.U) Alex Ferguson bào chữa đội nhà chơi thiếu sắc sảo do cầu thủ bị nhiễm cúm, còn HLV Mancini phát biểu sau trận: “Tôi có bị chỉ trích cũng không quan trọng, 1 điểm lấy được hôm nay là tốt đối với tôi”.

Mùa bóng năm ngoái, hai đội ghi tổng cộng 15 bàn trong bốn trận derby gặp nhau: hai trận ở giải ngoại hạng và hai trận bán kết Cúp FA, nhưng năm nay “cúm”, hay nói đúng hơn là sự thiếu nhiệt huyết tấn công, đã làm trận đấu hòa không bàn thắng và cũng không có pha nào hấp dẫn.

Do hay theo dõi những trận của Arsenal nên dạo này dù các pháo thủ có hơi “xuống sắc” và trận đấu với Wolves không được nhiều người quan tâm như trận derby thành Manchester, tôi vẫn kiên trì xem.

Quả trời không phụ lòng người khi chỉ ở giây thứ 37, trong pha tấn công đầu tiên, tiền đạo Chamakh của Arsenal đã ghi bàn mở tỉ số, bàn thắng sớm nhất kể từ đầu mùa đến giờ. Dù sau đó Wolves tấn công liên tục quyết tìm bàn gỡ, nhưng bàn ấn định ở phút 90+4 của Chamakh đã dập tắt mọi nỗ lực của đội chủ nhà.

Chiến thắng 2-0 giúp HLV Wenger tạm quên nỗi lo đang bị báo lá cải dòm ngó chuyện đời tư.

Tuy Chamakh ghi hai bàn nhưng Fabianski của Arsenal mới là người hùng của trận đấu với không ít pha cứu nguy xuất sắc. Thủ môn này hay bị CĐV Arsenal gọi là Flabby-hand-ski (chơi chữ: Flabby hand: tay mềm nhũn, vì anh thường xuyên bắt bóng trật để lọt lưới nhiều bàn ngớ ngẩn), nhưng với phong độ gần đây, nhiều khả năng anh sẽ tiếp tục được chọn bắt chính ngay cả khi Almunia hết chấn thương.

Một trận derby đáng chú ý khác, Chelsea gặp Fulham, kết thúc với chiến thắng cho đương kim vô địch. Trên thế giới ai cũng tưởng CĐV Chelsea ghét M.U hoặc Arsenal nhất, nhưng thực tế Fulham mới là kình địch, vì láng giềng lúc nào cũng ghét nhau hơn bình thường.

Sau khi sảy chân thua Liverpool tâm phục khẩu phục chủ nhật trước, Chelsea đã lấy lại phong độ ứng cử viên số một cho chức vô địch năm nay, dù cầu thủ trụ cột Frank Lampard (hay bị gọi là “Fat Frank”: Frank mập hoặc Frank ù trong tiếng Việt) vẫn tiếp tục làm khán giả do chấn thương dài ngày.

Liverpool sau chiến thắng vẻ vang trước Chelsea lại không tiếp tục tận dụng được đà thắng lợi khi để hòa Wigan dù Torres ghi bàn thắng sớm. Nếu thắng trận này, Liverpool đã lên hạng 5 của giải ngoại hạng. Nhưng những kết quả bất ngờ vậy mới là bóng đá, đúng như các CĐV nói: “trong bóng đá không biết đâu mà lần”.

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

“Đừng quay nhìn trong giận dữ...”

Đó là lời từ bài hát cùng tên Đừng quay nhìn trong giận dữ (Don’t look back in anger) của ban nhạc nổi tiếng thế giới Oasis đến từ Manchester, với hai anh em Noel và Liam Gallager, những CĐV trung thành của Manchester City (M.C) từ hơn 40 năm khi đội bóng áo xanh còn hàn vi ít ai biết đến.

Lão tướng Paul Scholes (18) - người có nhiều “ân oán” nhất
với gã hàng xóm Manchester City- Ảnh: Reuters

Cách đây gần một năm, HLV Mancini của M.C đã sử dụng lại câu này trước trận lượt về bán kết Carling Cup trên sân khách Old Trafford của Manchester United (M.U) vì lúc đó “nhiệt độ” giữa hai đội đã tăng lên quá cao, đỉnh điểm là việc cựu cầu thủ M.U khoác áo M.C Carlos Tevez đụng độ nảy lửa với Gary Neville ở trận lượt đi.

Rạng sáng mai, M.U sẽ tái ngộ M.C trong khuôn khổ vòng 12 Giải ngoại hạng Anh và người ta tiếp tục dự báo cầu thủ hai đội sẽ lại “ăn thua đủ”! Thật ra mối quan hệ giữa hai đội xanh - đỏ này ít căng thẳng như giữa M.U với Liverpool, lý do vì M.C trong lịch sử là đội dưới cơ, thậm chí có lúc HLV Alex Ferguson còn khinh thường gọi đối thủ là “những người hàng xóm ồn ào”.

Điển hình như ở những năm 1990, M.C không thắng nổi M.U trong suốt thập niên. M.U mở đầu thập kỷ hơn hẳn người láng giềng M.C bằng trận thắng 1-0 vào đầu mùa bóng 1990-1991 với bàn thắng duy nhất của chàng trai 16 tuổi Ryan Giggs, cũng là bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp tiền vệ người Xứ Wales này.

Chiến binh trung thành Ryan Giggs hiện vẫn còn chơi cho M.U dù thể lực anh đã sút giảm nhiều. Bên cạnh anh vẫn còn lão tướng Paul Scholes - cầu thủ duy nhất nằm trong danh sách các cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở những trận derby thành Manchester với tổng cộng bảy bàn vào lưới Man xanh.

Trong sự nghiệp của mình, Scholes đã đấu tổng cộng 21 trận với Man xanh nên hiểu quá rõ đối thủ này. Tuy nhiên trước trận đấu này, Scholes chỉ nói đơn giản là trận derby rạng sáng mai cũng giống những trận khác mà anh từng chơi: “Mục tiêu quan trọng nhất là 3 điểm cho đội nhà”.

M.C tiếp tục sống trong cái bóng của người hàng xóm nổi tiếng cho đến thời điểm cách đây hai năm được tỉ phú dầu hỏa Ả Rập mua lại. Với nguồn tiền dồi dào nhất giải ngoại hạng và có lẽ cả thế giới, việc mua cầu thủ của họ hiện không có điểm dừng.

Đầu mùa bóng năm nay, dường như những ngôi sao đó đã góp phần làm nên thành tích ấn tượng cho Man xanh, điển hình là trận thắng đương kim vô địch Chelsea. Tuy nhiên phong độ của M.C rất không ổn định, vài tuần sau đã thua hai trận 0-3 trước Arsenal ngay trên sân nhà và 1-2 trên sân khách đội đàn em Wolves.

Phong độ của M.U cũng bất ổn không kém. Tuy chưa thua trận nào từ đầu mùa nhưng M.U hòa quá nhiều, trong đó có không ít trận hòa “lãng nhách”. Ông Ferguson càng thêm đau đầu vì hiện tại lực lượng của M.U quá mỏng do nhiều trụ cột dính chấn thương.

Thật khó đoán “mèo nào sẽ cắn mỉu nào”, chỉ có thể nói người thắng trận sẽ rất hả dạ xét trên mọi phương diện!

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Khi quả bóng chuyển màu

Nước Anh bắt đầu vào giữa thu, trời trở lạnh, lá đã chuyển màu vàng trên cây và rụng đầy dưới đất. Vòng đấu thứ 10 của giải ngoại hạng chứng kiến việc quả bóng màu trắng cũng chuyển sang màu vàng như lá cho tất cả các trận đấu, kèm theo khá nhiều điều thú vị.

Thủ thành Gomes (phải) của Tottenham phản ứng quyết liệt
trong khi Nani ăn mừng bàn thắng - Ảnh: Reuters
Đây là một “tập quán” chỉ mới bắt đầu kể từ năm 2004 để các cầu thủ và CĐV thấy rõ quả bóng hơn vì từ cuối tháng 10 trở đi trời sụp tối sớm, bóng màu vàng dễ nhìn. Thêm nữa, mùa thu đông ở Anh mưa nhiều, ngoài mưa còn có sleet (một dạng mưa nằm giữa lưng chừng mưa bình thường và tuyết, thường có khi trời “ráng” đổ tuyết nhưng không được nên nước mưa bị đông lại), và nhiều ngày còn tuyết đổ đầy trời, sân cỏ đầy tuyết khó nhìn thấy quả bóng trắng. Đầu tháng ba, quả bóng vàng lại trở về màu trắng nguyên thủy.

Bóng vừa chuyển màu, vòng đấu đã chứng kiến một bàn thắng có lẽ lạ đời nhất lịch sử giải ngoại hạng. Cựu cầu thủ Anh Gary Lineker, vua phá lưới World Cup 1986, nói đùa bàn thắng gây tranh cãi của Nani là “bà ngoại của tất cả các bàn thắng”.

Trong một pha tấn công, tiền vệ tấn công này ngã xuống trong khu vực 16,50m của Tottenham nhưng trọng tài không cho quả phạt đền nên anh nằm ôm đầu lăn lộn và tỏ thái độ rất tức giận. Khi thủ môn Gomes đặt bóng xuống sân chuẩn bị phát lên trên, Nani bất ngờ từ dưới chạy lên cướp bóng rồi tung cú sút ghi bàn ấn định tỉ số 2-0 cho Manchester United, được trọng tài công nhận trong sự tuyệt vọng của Tottenham.

Việc quả bóng chuyển màu dường như có “huông” làm các đội lớn vất vả hơn trong vòng đấu. “Nhà giàu” Manchester City thua trận thứ hai liên tiếp, lần này không phải trước Arsenal mà là Wolves xếp thứ nhì từ dưới lên. Mancini gọi đây là màn trình diễn tồi tệ nhất của các học trò kể từ đầu mùa nhưng nói thêm “mùa vẫn còn dài, chúng tôi đã bắt đầu rất tốt và vẫn còn thời gian để hồi phục”.

Trộm nghĩ ông phải hồi phục nhanh nhanh vì số phận của ông cũng “chỉ mành treo chuông” không khác người tiền nhiệm Mark Hughes đã bị sa thải một cách khá bất nhẫn vào mùa trước.

Ngay cả Arsenal đang thắng tới tấp trên các mặt trận đột nhiên không thể nào ghi bàn vào lưới đội cuối bảng West Ham dù chơi trên sân nhà Emirates. Những cú sút của Nasri, Fabregas, Walcott... nếu không dội xà ngang, đập cột dọc cũng bị Green xuất sắc bắt gọn, may nhờ bàn thắng vào cuối trận của Song nên các pháo thủ giành được 3 điểm tiếp tục bám đuổi Chelsea.

Ngay cả đội đầu bảng cũng chật vật mới thắng được Blackburn 2-1 trên sân khách nhờ pha ghi bàn những phút cuối không phải của những chân sút Drogba hay Malouda mà của... Ivanovic. Cả sự nghiệp hậu vệ này tại Chelsea ở giải ngoại hạng chỉ mới có được đúng một bàn thắng trước đó.

Quả bóng chuyển màu cũng đi kèm việc đồng hồ nước Anh bắt đầu lùi lại một giờ mỗi chủ nhật cuối tháng 10 hằng năm. Vì vậy những trận đấu 5g30 chiều giờ Anh, trước đây là 11g30 tối giờ VN nay sẽ thành 0g30. Nhưng việc thức khuya thêm một tiếng nữa chắc chắn cũng không làm nao núng các CĐV VN, cũng như việc chuyển màu trái bóng dù có “huông” hay không cũng sẽ không ảnh hưởng đến cái đẹp của bóng đá, miễn sao những bàn thắng kiểu Nani đừng có nhiều.

Tuần tới chúng tôi tạm chia tay London đi Tunisia ở Bắc Phi kiếm chút nắng ấm, hi vọng sẽ được xem bóng đá Anh trên sa mạc Sahara. Độ bao phủ của giải khá lớn, những làng mạc đìu hiu chúng tôi tới ở Marocco năm ngoái cũng đều có truyền hình trực tiếp ngoại hạng Anh, có lẽ vì ở đó không có K+ chăng?