Trông đứng trông ngồi ngày anh qua, khi nhận đồ tôi không khui ra xem cuốn sách mình xuất bản cách đây ba tháng chưa thấy mặt mũi, chỉ lăm le mở gói chà bông bốc nhai ngon lành. Chà bông cá nên không thành sợi dài như chà bông thịt mà nhỏ mịn và dai, ăn không cần nhắm mắt cũng tưởng tượng ra giống đang ăn cá thu mới mua về ở chợ quê còn tươi rói đem chiên muối sư kiểu miền Trung.
Một cửa hàng ở nông trại miền quê, nơi thức ăn được sản xuất ngay tại chỗ và từ những nhà cung cấp địa phương (Kent, Anh) - Ảnh: Giáng Uyên |
Ở Anh những ngày cuối tuần hay có chợ nông dân, đồ ăn mắc hơn nhiều so với siêu thị nhưng người ta vẫn hay đi mua, một phần vì muốn ủng hộ những cơ sở nhỏ lẻ, một phần vì đồ ăn ở chợ tươi ngon hơn. Chợ nông dân là một phần di sản văn hóa Anh, nơi dân địa phương đến để bán nông sản do chính mình trồng, nuôi, bắt, hái, lượm, ướp, nấu, muối, xông khói...
Ở châu Âu sống thân thiện với môi trường nên rất để ý “dặm đường thức ăn” (food miles), tránh những món phải chuyên chở xa, trong khi siêu thị bán nho Nam Phi, xúc xích Tây Ban Nha thả giàn thì chợ nông dân chỉ được phép có những món chuyên chở từ cách nơi bán không đầy trăm dặm (150km).
Ồ, vậy thì kém xa chợ quê tôi. Gần như tất cả những món ngày đó đều có “dặm đường thức ăn” lòng vòng trong làng, vì quê mùa mới vậy nhưng bây giờ thành ra phù hợp với xu hướng văn minh quốc tế.
Hành, ngò, bầu, bí, mướp, ớt, tỏi mấy bà già trồng trong vườn, sáng sớm ra hái một mớ bỏ vô rổ mây mang thẳng ra chợ. Thịt heo, bò, gà, vịt cũng mua của mấy người nuôi trong xóm. Nước mắm tự làm bán, đong bằng lít. Trứng gà nhà mới đẻ mang ra chợ, nhỏ và trắng hồng trong rổ lót rơm, không to khủng bố và nhợt nhạt như trứng công nghiệp bây giờ.
Mãng cầu, ổi, mít, sabôchê... chín cây thơm lừng, không có bóng dáng lê táo Trung Quốc lạt lẽo. Chỉ có đồ biển phải mua xa một chút rồi mang về chợ bán, nhưng xa cũng chỉ là Nha Trang cách gần 15 cây số, về tới còn giãy đành đạch như thường. Đó là chưa kể những ngày mưa lụt người ta bắt được cá tràu, cá rô ăn không hết cũng mang ra chợ, tươi ngon gì đâu!
Ẵm em lên võng mà đưaTôi không có em để ẵm lên võng mà đưa chờ mẹ đi chợ về, tôi chờ mẹ đi chợ về một mình, đói bụng lấy tô cơm chiên tóp mỡ ra ngồi hàng hiên vừa ăn vừa chờ. Mẹ về không chỉ mua dừa như trong câu ca dao kia, mẹ còn mua chè đậu ván, chè chuối, mua cua, cá thu, cá ngừ, bánh ít lá gai.
Để mẹ đi chợ mua dừa về ăn
Vật giá hồi xưa rẻ nên ở quê dù không khá giả cũng ăn ngon. Lâu lâu tôi đòi chở đi chợ Thành cách nhà bốn cây số, vào ăn đúng hai món bún thịt nướng và chè trái cây thập cẩm, suốt hơn mười năm. Có lần mẹ tôi ngán quá dắt tôi qua hàng khác ăn bún bò, nhưng chỉ đúng một lần đó thôi rồi tôi đòi quay lại với hai món tủ.
Mẹ thỉnh thoảng đi mua hàng ở Sài Gòn mấy ngày mới về, chị Ba tôi đảm nhận việc nấu ăn. Tôi lên lớp 8, chị Ba học đại học xa nên tôi bắt đầu biết đi chợ nấu ăn. Gần nhà có chợ nhỏ gọi là chợ “cây giáng hương” vì nhóm gần một cây giáng hương cổ thụ nhiều người đồn có ma, tan học về tôi đạp xe đi mua đồ ăn về nấu.
Một trong những món đầu tiên là canh thịt heo bằm nêm mắm và vắt chanh, ngoài ra không còn gì trong canh nữa hết, anh Hai tôi kêu “trời, canh gì canh chanh?” nhưng cũng ăn hết. Sau đó, tôi biết mua rau nấu canh tôm tươi, mua xương hầm canh bí đỏ, mua cá cơm, hành, ngò, ớt, bạc hà và giá nấu canh chua.
Lần vừa rồi về lại quê ăn canh chua và phở tôi mới nhớ giá ở Khánh Hòa ngon quá. Hồi học cấp III tôi có đứa bạn tên Sáng, nhà làm giá nên còn được biết với tên “Sáng giá”, nói tuy cọng giá ở quê ốm chứ không mập như giá Sài Gòn nhưng giòn ngon hơn nhiều.
Bốc chà bông cá thu ăn không, tự nhủ ngày mai sẽ gọi điện cho mẹ khoe đã gặp anh Đức rồi, ăn chà bông dù băng qua bao nhiêu dặm vẫn ngon giống y cá thu mới mua về chiên muối sư. Và sẽ dặn mẹ chừng nào con về Việt Nam, nhớ dắt con đi chợ quê ăn hàng “đã điếu” nghen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét