Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

“Điếc không sợ súng”

Cách đây vài năm, ở Anh có dự án “Chân dung nước Anh”. Trong số 12 biểu tượng đầu tiên được chọn có xe buýt hai tầng, văn hóa uống trà, Stonehenge và FA Cup, cũng là biểu tượng thể thao duy nhất trong danh sách. Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn và tầm quan trọng của cúp đấu knockout có lịch sử lâu đời nhất thế giới này.

Các cầu thủ Stevenage - đội đang chơi ở giải League Two - ăn mừng chiến thắng bất ngờ trước Newcastle ở vòng 3 Cúp FA. Stevenage sẽ gặp Reading ở vòng 4 đêm nay - Ảnh: Reuters
FA Cup ra đời cách đây đúng 140 năm với mục đích tạo ra một giải đấu, trong đó tất cả CLB không kể lớn nhỏ ở Anh đều được mời, từ giải ngoại hạng đến những đội nghiệp dư không nằm trong hạng nào. Bởi vậy mới có những cầu thủ “suốt tuần làm thợ mộc, thứ bảy thi đấu với Chelsea”. Mỗi cuối tuần có FA Cup là cả nước như ngày hội, vui hơn những trận ở giải ngoại hạng nhiều.

Sức quyến rũ lớn nhất của FA Cup đối với nhiều người hâm mộ là việc các đội nhỏ trình diễn lối đá theo phong cách “điếc không sợ súng”. Nếu xem giải ngoại hạng, dù giữa đội đầu bảng với đội cuối bảng, sẽ thấy sự thận trọng nhất định ở cả hai bên. Trong khi đó ở FA Cup, các đội nhỏ đều thi đấu “thí xác” và vì vậy tạo ra một vẻ đẹp riêng cho bóng đá, không phải cái đẹp chuyên nghiệp hay đẳng cấp quốc tế, mà là cái đẹp của sự hồn nhiên.

Nhìn vào những kết quả bắt thăm, nếu thấy những trường hợp đội lớn gặp đội nhỏ, chúng ta cứ tưởng đội nhỏ sẽ vì sợ thua mà tiếc rẻ không được đá với đội ngang cơ để có cơ hội vào vòng trong. Thật ra họ vui lắm, cơ hội được đá với các đội huyền thoại đâu dễ có, nếu thắng thì không còn gì để nói nhưng nếu thua cũng không đến nỗi quê độ, giống như chơi quần vợt nếu thua Federer sẽ oai hơn nhiều so với thua đối thủ tên “Tèo” hay “Tí”.

Phong cách “điếc không sợ súng” thể hiện qua lối đá gần như theo trường phái bóng đá tổng lực, tất cả đều lăn xả hết mình. Nếu bị đội lớn dẫn bàn là HLV tung thêm tiền đạo vào, không sợ gì hết. Hậu vệ chạy khắp sân, tham gia tấn công liên tục. Còn CĐV nhảy múa hò reo lớn gấp trăm lần CĐV các đội ở giải ngoại hạng, đội càng nhỏ la càng lớn. Đặc biệt, họ hay chế lời bài hát bôi bác đối phương khá buồn cười, ví dụ hát theo bài This old man: “Ông già tôi bảo tôi rằng Bryan Robson bị... giang mai” (Bryan Robson là huyền thoại bóng đá Anh thập niên 1980, từng nhiều năm là đội trưởng Manchester United và tuyển quốc gia Anh). Cầu thủ hay CĐV đội lớn bị bôi bác cũng mặc kệ vì sẽ không có dịp thi đấu chung nữa.

Trong lịch sử hơn trăm năm của FA Cup, đã có rất nhiều trường hợp đội yếu làm nên chuyện lớn khi bất ngờ lật đổ đội đẳng cấp cao hơn gấp nhiều lần. FA Cup rất quan trọng nên đội nào dù lớn mấy cũng tung ra đội hình mạnh nhất, không sử dụng cầu thủ dự bị như Carling Cup nên không thể đổ thừa. Năm nay, bất ngờ duy nhất tới thời điểm này là việc Stevenage, đội đang nằm giữa bảng xếp hạng của League Two - dưới Giải ngoại hạng ba bậc, loại Newcastle United. Năm ngoái có Leeds United loại M.U và Stoke loại Arsenal.

Chủ nhật này, chúng tôi sẽ đến sân Emirates xem trận FA Cup giữa Arsenal và Huddersfield Town, đội đang thi đấu ở League One. Một trận đấu hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn giữa “pháo thủ” với một điển hình phong cách “điếc không sợ súng”.

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Robin báo mùa xuân

Ở Anh, trên thiệp mùa đông thường có hình những con chim robin ức đỏ nổi bật giữa cây trụi lá hoặc sân tuyết phủ. Đây là loài chim được yêu thích nhất đảo quốc này nhờ ngoại hình mập mạp dễ thương, hay nhảy trên chân nhỏ xíu trong vườn hoặc đứng hót dưới đèn đường làm vui những đêm mùa đông lạnh giá.

Van Persie ăn mừng bàn thắng trong trận gặp Wigan - Ảnh: Reuters
Tháng 1 thường là tháng lạnh nhất trong năm ở Anh, nhưng CĐV của Arsenal năm nay lại thấy ấm áp và vui như mở hội nhờ một “Robin ức đỏ” đến từ Hà Lan. Anh hay bị gọi là Robin Van Injured (Robin Van chấn thương) vì từ đầu mùa tới giờ gặp chấn thương triền miên. Cách đây vài tháng, tiền đạo này có thêm tên mới “Robin trùm mền” (Robin Van Duvet. Sở dĩ có tên này vì anh chấn thương hoài, chắc chỉ ở nhà đắp mền ngủ hoặc coi tivi, không làm gì được cho CLB).

Tuy nhiên, Van Persie đã trở lại đầy ngoạn mục vào năm mới. Trong ba trận thắng 3-0 từ đầu tháng tới giờ của Arsenal tại Giải ngoại hạng, mình anh ghi được sáu bàn, chưa kể một bàn vào lưới Leeds United trong khuôn khổ Cúp FA.

Trả lời phỏng vấn truyền hình sau khi lập hat-trick trước Wigan dù sút hỏng quả penalty thứ 7, anh nói: “Đây là hat-trick đầu tiên trên đất Anh của tôi, lúc trước có nhiều lần suýt được nhưng toàn bật xà ngang, cột dọc hoặc bị thủ môn bắt. Nhưng quan trọng không phải là việc tôi ghi được hat-trick, mà là Arsenal giành được 3 điểm”.

Câu trả lời khác xa với hình ảnh chàng trai trẻ 20 tuổi “ngơ ngác” đến London từ Feyenoord cách đây gần bảy năm (giống Robin trong truyện tranh Batman và Robin). Và đặc biệt khác xa hình ảnh chàng tiền đạo tuyển Hà Lan trong khuôn khổ vòng bảng ở bảng tử thần World Cup 2006, trong một pha về sân nhà giúp hậu vệ phòng thủ đã nhào ra dùng... tay cố bắt bóng, không phải chỉ đụng tay mà dùng cả hai tay cố ôm bóng y hệt một thủ môn, may mà anh không bắt được bóng và trọng tài không nhìn thấy.

Đó là thời điểm tôi ở VN đi xem bóng đá khuya với bạn, được một trận cười nhưng thầm lo trong lòng: “hậu duệ” của Dennis Bergkamp ở Arsenal đây sao?

Kể từ đó tôi hay theo dõi Van Persie và có may mắn được xem anh chơi trực tiếp trên sân nhiều lần. Anh rất có duyên với những “set pieces” (những pha bóng được thực hiện sau khi trọng tài cho tạm dừng trận đấu như phạt góc, phạt trực tiếp, penalty, ném biên...) nên thường được chỉ định thực hiện đá phạt. Nếu một cầu thủ khác của Arsenal thực hiện “set pieces”, CĐV trên sân cũng kêu gào và vỗ tay gọi tên Van Persie.

Một người bạn của tôi đi xem bóng đá trên sân nhiều năm đã nói: “Năng lượng của cầu thủ có được từ CĐV trên sân, năng lượng CĐV trên sân cũng đến từ cầu thủ”. Câu nói đó áp dụng cho những cầu thủ như Van Persie.

Chỉ cần lần đầu xem anh thi đấu cách đây gần hai năm trên sân Emirates, tôi cũng nhận thấy nguồn năng lượng anh truyền cho khán giả dồi dào đến mức nào. Không phải chỉ từ những cú xuống bóng hay sút phạt mạnh mẽ, mà còn là khoảnh khắc anh đứng trước góc phạt vung tay gọi CĐV, những pha ăn mừng như thể tặng riêng cho khán giả...

Có những lúc “Robin trùm mền” liên tục bị chấn thương nặng đến mức CĐV Arsenal lại lo anh bị giống như Marco Van Basten, cầu thủ Hà Lan thế hệ đàn anh phải giã từ sự nghiệp sớm. Hi vọng điều này sẽ không xảy ra với bất cứ ai, nhất là với Van Persie, vì các khán giả yêu thích đội Hà Lan cũng như Arsenal sẽ nhớ nguồn năng lượng anh truyền đến trên sân cỏ, như một “Robin ức đỏ” báo mùa xuân.

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Buồn người vui ta

Vào những trận đấu có các HLV đang trên bờ vực bị sa thải, CĐV đối phương thường hay hát bài Guantanamera, bài hát Cuba nổi tiếng rất được ưa chuộng trên thế giới, ở VN những năm 1990 cũng thường nghe.
Hình ảnh đầy thất vọng của HLV Grant trong trận West Ham thua Arsenal 0-3 - Ảnh: Reuters
Khi tôi đứng trên sân Boleyn Ground thứ bảy vừa rồi xem trận West Ham - Arsenal, CĐV Arsenal sau khi hát bài đó tiếp tục đổi lời thành “Bị sa thải trong vòng một giờ. Ông sẽ bị sa thải trong vòng một giờ”. Trước trận đấu, những ai mê bóng đá mở tivi hoặc các trang web thể thao sẽ thấy tràn ngập tin Avram Grant sẽ bị thay sau trận gặp Arsenal bằng Martin O’Neill, mặc dù trước đó vừa giành chiến thắng 2-1 trước Birmingham ở lượt đi bán kết Carling Cup.

Trong một trận đấu diễn biến gần như chỉ nghiêng về phía đội khách, thỉnh thoảng lúc các cầu thủ chấn thương hoặc chuẩn bị sút phạt, trận đấu tạm ngưng, tôi lại đưa mắt nhìn về khu vực HLV. Tôi không thấy được những biểu hiện trên gương mặt hai người, chỉ thấy ông Grant đứng im lặng như tượng gần đường biên suốt trận đấu.

Vào cuối trận, trong khi các cầu thủ West Ham đi xuống đường hầm không chào khán giả (vì hầu hết đã bỏ về sớm sau khi đội bóng bị dẫn trước 0-3), HLV Grant đứng lại vỗ tay chào tạm biệt rồi rút khăn quàng cổ đang đeo ném lên tặng CĐV trung thành còn lại trên sân.

Thật ra tôi không thấy “tội”, hay “thông cảm” cho ông Grant (hay ông Hodgson, hay sắp tới là Houllier, Ancelotti...) như nhiều người thường nghĩ. Đã làm nghề HLV thì phải nhắm tới những lúc như thế này, nếu không làm được tốt tất yếu phải ra đi. Người duy nhất trong vòng vài năm nay bị sa thải không công bằng, theo tôi, là ông Chris Hughton, cựu HLV Newcastle.

Còn đối với ông Grant, mùa bóng này West Ham quá bết bát. Đây là thời điểm tối quan trọng vì “những cây búa” (biệt danh của đội bóng) đang trong cuộc đua giành sân Olympic đang xây dựng ở Stratford, phía đông London, với Tottenham, sau khi Thế vận hội kết thúc vào mùa hè năm sau. Nếu West Ham bị xuống hạng, xem như cầm chắc mất sân cho Tottenham.

Quá khứ huy hoàng là HLV duy nhất đưa Chelsea vào chung kết Champions League không giúp được gì cho HLV Grant. West Ham trong trận đấu với Arsenal không thể hiện bất cứ ham muốn chiến thắng nào, vẻ mặt rầu rĩ của ông Grant đã nói lên được cục diện trận đấu.

CĐV Arsenal xung quanh tôi không ai ngồi trên ghế, tất cả đều đứng suốt trận hò reo. 2.000 người cổ vũ đội khách lại át giọng hơn 30.000 CĐV đội nhà. Có một bài hát khác được lặp đi lặp lại là: “Chúng ta sẽ không bao giờ thi đấu với mi nữa” (ý nói West Ham mùa sau sẽ xuống hạng, không có dịp đá với Arsenal).

Hai cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu là Wilshere và Van Persie. Cầu thủ 19 tuổi Wilshere tuy không ghi được bàn nào nhưng thật sự là nhạc trưởng của trận đấu, làm Fabregas mờ nhạt hẳn. Còn Van Persie là cầu thủ quan tâm đến CĐV nhất. Trong tất cả tình huống đá phạt góc ở hiệp hai, khi cầu môn West Ham ở phía CĐV Arsenal đứng, anh đều la to và dùng tay ra hiệu cho CĐV hát nữa để cổ động tinh thần. Hai lần ghi bàn, nhất là quả penalty ấn định tỉ số 3-0, anh đều chia sẻ với CĐV rất nhiệt tình, làm chúng tôi có lặn lội đường xa cũng thấy vui.

Hai tuyến xe điện ngầm từ Upton Park đều bị ngưng đúng ngày diễn ra trận đấu, xe buýt vài phút một chuyến không chở nổi vài chục ngàn CĐV nên chúng tôi đi bộ hơn năm cây số tới trạm xe lửa gần nhất. Tuy sân West Ham ở London nhưng đi xem trận đấu hết tổng cộng cả ngày trời, về đến nhà người hâm mộ Arsenal ai cũng “liệt giường” nhưng đều vui như mở hội. “Vui ta” thì “buồn người”, nhưng biết làm sao được?

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Đất khách

Hôm nay tôi sẽ vượt “đường xa vạn dặm” đến West Ham xem Arsenal thi đấu. Đúng nghĩa đường xa vạn dặm vì sân Boleyn Ground của West Ham tuy cũng ở London nhưng tận phía đông, chỉ có hai tuyến xe điện ngầm đi đến và cả hai đều bị ngưng vào đúng hôm nay để sửa chữa.

Tiền đạo Andrey Arshavin (giữa) - niềm hi vọng của Arsenal trong trận gặp West Ham - Ảnh: AFP
Có đi cổ vũ ở xa mới thấy được tình cảm CĐV với đội bóng. Trên sân nhà, được che chở bởi vài chục ngàn CĐV cùng hội cùng thuyền hò reo “ăn hiếp” trọng tài và đối phương, tình cảm đó vẫn không lớn bằng khi là một cá thể trong nhóm nhỏ đơn độc trên đất khách xa lạ. Những trận đấu tôi đi xem trên đất khách ít hơn xem trên sân nhà, nhưng đều để lại nhiều kỷ niệm làm mỗi lần nghĩ đến tình yêu bóng đá Anh trong tôi lại dậy lên.

Trận đấu đầu tiên tôi xem trên sân khách cách đây gần bảy năm ở League One, dưới Giải ngoại hạng hai bậc, đến sân Bristol City cổ vũ đội Luton Town của anh bạn Alastair. Tôi nhớ nhân viên an ninh hỏi chúng tôi đúng một câu: “Đội nhà hay đội khách?” (Home or Away?). “Đội khách”, chúng tôi trả lời, rồi được dẫn vào khu vực khách có lối đi riêng. Sau này xem bóng đá nhiều nơi tôi mới biết các sân vận động lớn đều đánh dấu sẵn các lối vào trên vé, không như sân nhỏ Ashton Gate tôi đến năm nào.

Hôm đó đội Luton Town thắng 2-1, chúng tôi rời sân khá hớn hở, chưa kịp mở miệng khen đội mình đá hay quá thì Alastair đã lôi tôi vào xe, đóng sập cửa xe thì thào: “Trời ơi, mình là khách, mình thắng trên sân của “nó”, CĐV đang tức giận biết mình cổ vũ đội khách có khi gây sự, phiền phức lắm. Mấy lúc này phải giữ thái độ trung lập”.

Lời dặn của anh tôi ghi nhớ nhất khi đến Old Trafford xem M.U tiếp Arsenal vào đầu mùa bóng 2009-2010, vì tôi cổ vũ Arsenal nhưng vé dành cho đội khách rất ít không mua được nên đành lấy vé ngồi ở khu vực CĐV quỷ đỏ. Theo đúng luật, bạn không được làm vậy và nếu CĐV xung quanh bạn phát hiện có thể yêu cầu an ninh mời bạn ra khỏi sân, nên tôi miễn cưỡng vỗ tay cho mỗi pha tấn công của đội chủ nhà mặc dù thỉnh thoảng vẫn nhìn xuống dàn CĐV Arsenal chỉ có một nhóm bên dưới với ánh mắt “u buồn”.

Ồ, những trận trên đất khách! Sân Craven Cottage của Fulham có một khu dành cho cả CĐV chủ nhà, khách và trung lập để dễ bán hết vé, cũng là khu tôi ngồi quay lưng lại với sông Thames gió thổi lạnh tê tái cõi lòng. Sân Stamford Bridge của Chelsea cố ý làm khu vực khán đài của đội khách thấp hơn đội nhà, HLV và các cầu thủ dự bị đội khách phải ngước lên mới thấy diễn biến trên sân, ai cũng ngao ngán “Chelsea làm vậy là chơi không đẹp”. Sân St Andrews của Birmingham khét tiếng bạo lực đám đông, một trong những “chiêu” CĐV đội Birmingham thường dùng là giả bộ hỏi giờ, nếu bạn trả lời bằng giọng London là họ lẳng lặng tìm cách gây hấn!

Và hôm nay, một ngày mùa đông London giống như miền quê VN trong truyện Đất khách của Lý Lan, nơi “khí lạnh và sương mù, không rõ từ những đỉnh đồi chung quanh rải xuống hay từ những ao mương ở vùng lòng chảo tỏa lên, bảng lảng khắp nơi, pha mờ cảnh trí thành một bức tranh thủy mặc lung linh”, tôi sẽ đến “đất khách” Upton Park, nơi đội chủ nhà đã đè bẹp M.U 4-0 hơn tháng trước ở tứ kết Carling Cup, để cổ vũ cho các pháo thủ Arsenal - đội không biết đến mùi chiến thắng trong ba trận gần nhất tính ở mọi đấu trường.

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

"Tôi không quen những trận kiểu thế này"

Trận đấu được chờ đợi nhất vòng 22 Giải ngoại hạng Anh giữa Arsenal và Man City trên sân Emirates rạng sáng 6-1 (giờ VN) lại là trận duy nhất kết thúc với tỉ số hòa không bàn thắng.

Joe Hart - “người hùng” của M.C - cười hạnh phúc trên sân Emirates - Ảnh: Reuters
Mùa bóng năm ngoái, cũng sau trận hòa 0-0 với Man City trên sân Emirates, khán giả còn nhớ HLV Wenger lắc đầu ngao ngán khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình: “Tôi không quen những trận đấu kiểu thế này”. Năm nay có lẽ ông vẫn... chưa quen nên diễn biến giống y hệt!

Ở lượt đi vào tháng 10-2010, các pháo thủ đã thắng đội bóng nhà giàu 3-0 trên sân khách. Tuy nhiên tỉ số này không phản ánh đúng thực lực hai đội vào thời điểm đó, khi Boyata của Man City bị thẻ đỏ ngay từ phút thứ 5 khiến đội chủ nhà chơi gần như toàn bộ trận đấu chỉ với mười người. 0-3 cũng là kết quả thua đậm nhất của Man City từ đầu mùa tới giờ, tuy nhiên dường như đội bóng áo xanh lại không nung nấu ý chí rửa thù cho lắm.

Lối đá “chắc cú” của Man City làm chúng tôi tưởng không phải đang theo dõi Giải ngoại hạng Anh mà là xem đội tuyển quốc gia Ý hoặc những CLB trong giải Serie A thi đấu. Ông Mancini quả đã để lại di sản bóng đá Ý đậm nét từ sự nghiệp nhiều năm làm HLV Fiorentina, Lazio và Inter Milan.

Phong cách phòng thủ chặt và ru ngủ đối phương không được nhiều người ưa thích nhưng là một phong cách hiệu quả. Ông đem các học trò đến sân Emirates để lấy kết quả hòa và đã đạt được mục đích.

Vậy là bốn lần đến Emirates gần đây nhất, đội bóng áo xanh không ghi được bàn nào. Ngay cả Tevez, “hung thần” của các thủ môn và tạm xếp thứ nhì danh sách vua phá lưới giải ngoại hạng, cũng không có duyên ghi bàn vào lưới Arsenal.

Trong số mười trận đối đầu các pháo thủ gần đây khi khoác áo lần lượt ba đội West Ham, M.U và Man City, Tevez chỉ ghi được đúng một bàn. Trên sân Emirates rạng sáng qua, anh bị thay ra ở những phút cuối, một điều khá hiếm thấy.

Sau một thời gian dài bị khủng hoảng lực lượng do chấn thương, Arsenal hiện đang thừa tiền vệ và tiền đạo, đến nỗi mới đây HLV Wenger lên tiếng muốn đưa Vela cho CLB khác mượn để anh có cơ hội được cọ xát nhiều hơn. Nasri đã ghi được chín bàn, nhiều hơn hai mùa bóng trước cộng lại. Walcott đã bắt đầu “biết suy nghĩ” khi đá bóng, không còn đơn thuần là một cầu thủ chỉ giỏi chạy nhanh.

Đó là chưa kể lực lượng Arshavin, Bendtner, Fabregas, Chamakh, Song, Rosicky.

Các chân sút của Arsenal dù ghi được nhiều bàn thắng nhất giải ngoại hạng tới thời điểm trước vòng đấu cũng đều không hạ được Hart. Anh hiện là thủ môn xuất sắc nhất với nhiều pha cứu nguy điệu nghệ, chỉ mới để lọt lưới 16 bàn sau 22 trận, trong đó có 11 trận giữ sạch lưới không thua bàn nào cho đội áo xanh.

Gần như cả trận đấu Fabianski của Arsenal không phải thực hiện một pha cứu nguy nào, trong khi Hart vất vả làm việc liên tục, đáng kể nhất là pha bay người đấm bóng từ cú sút phạt của Van Persie. Những ai không thích Man City dù sao cũng “an ủi” hi vọng Hart sẽ cống hiến cho đội tuyển quốc gia Anh được như vậy.

Cũng trong vòng đấu này, các ứng cử viên chức vô địch đều có kết quả tệ: Tottenham thua Everton 1-2 còn Chelsea bất ngờ ngã ngựa 0-1 trước Wolves đang đứng chót giải. Vì vậy M.U là đội “phơi phới” nhất vì giành được 3 điểm quý giá để giữ vững ngôi đầu bảng.

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

"Năm mới phát tài" của các đội bóng lớn

Những trận đấu ngày đầu năm tại Giải ngoại hạng Anh không trận nào có kết quả hòa, các đội lớn đều khởi đầu năm mới tốt đẹp và giành trọn 3 điểm.

Manchester United ăn mừng chiến thắng trước West Brom - Ảnh: Reuters
Chơi bóng vào hai ngày Boxing Day (26-12) và New Year’s Day (1-1) là truyền thống bóng đá ở Anh, cũng giống như việc ở đây xem bóng đá tại pub (quán rượu, bia địa phương) chứ không vào quán cà phê. Ông Tom, từng đi xem bóng đá từ những năm thập niên 1960, nói với vẻ “hoài cổ”: “Hồi đó cứ ngày đầu năm tôi chở con đi tới sân vận động. Vé rẻ, dễ mua, chỗ đậu xe gần ngay sân. Cầu thủ được trả lương ít lắm, không ai giàu như bây giờ. Ngày đầu năm giải hay sắp xếp những trận derby hai đội địa phương gặp nhau để xem xong về nhà cho nhanh”.

Còn hôm nay, nếu nhìn vào bảng thi đấu ngày 1-1 không thấy bất cứ một trận derby nào. Trang web chính thức của giải (premierleague.com) đã nhấn mạnh Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) cố ý tránh không sắp xếp những trận giữa hai đội cùng địa phương vì những trận đó dễ có gây hấn, cãi cọ và cả đánh nhau (hàng xóm lúc nào cũng ghét nhau hơn ở xa “khuất mắt”).

Trong trận đấu sớm, sau khi sẩy chân hòa Birmingham vào phút cuối lượt đấu Boxing Day, M.U đã giành chiến thắng sát nút 2-1 trước West Brom trên sân khách. Ngày đầu năm cũng đánh dấu bàn thắng đầu tiên của Rooney cho M.U từ “open play” (bàn thắng không tính penalty và đá phạt trực tiếp) kể từ tháng 3 năm ngoái trận lượt đi bán kết Champions League thua Bayern Munich 1-2 trên sân khách. Tình cờ cả hai bàn thắng của Rooney tuy cách nhau tám tháng nhưng đều là bàn mở tỉ số cho trận đấu từ phút thứ 2.

Hàng xóm Man City cũng giành chiến thắng 1-0 trước Blackpool trong một trận đấu tỏa sáng của thủ môn Hart. Hiện anh là thủ môn tốt nhất giải kể từ đầu mùa đến giờ, với nhiều trận giữ sạch lưới và nhiều pha cứu nguy xuất sắc. Nếu Man City vào được Champions League mùa bóng năm sau, thủ môn số 1 của tuyển Anh là một trong những cầu thủ có công lớn nhất.

Hàng xóm xa hơn một tí Liverpool cũng chật vật kiếm được 3 điểm trước Bolton sau khi để thua Wolves ngay trên sân nhà vài ngày trước. Wolves là đội cầm đèn đỏ, từ đầu giải tới thời điểm đó chưa thắng trên sân khách trận nào nên kết quả thua của Liverpool đã làm chiếc ghế của ông Hodgson lung lay hơn bao giờ hết. Tuy đội áo đỏ thắng trong năm mới nhờ pha ghi bàn trong những phút đá bù giờ của tiền vệ đang bị thất sủng Joe Cole, ông cũng chưa yên tâm uống champagne ăn mừng vì còn quá nhiều việc phải làm để phượng hoàng thoát khỏi tro tàn.

Trong số những trận thắng ngày đầu năm, Arsenal có tỉ số cao nhất khi đến làm khách ở miền trung. Tuy hiện đang trong nhóm cuối bảng nhưng Birmingham luôn có kết quả rất tốt trên sân nhà St Andrew’s: thắng Chelsea, hòa Tottenham, Liverpool và M.U. Vì vậy trận thắng đậm 3-0 là món quà sinh nhật thứ 18 các pháo thủ dành cho cậu em út Wilshere sinh ngày 1-1-1992.

Cuộc đua giành ngôi vô địch đang ngày càng hấp dẫn. Những trận đấu liên tiếp sắp tới sẽ là phép thử sức bền của quán quân tương lai.