TTO - Thấy tôi đem khoe những bài báo về nước Anh của mình, cô bạn cùng nhà Janette hỏi chừng nào mới có bài về Southampton đây. Đến lúc đó tôi mới nhận ra chưa bao giờ có ý định sẽ viết bài về thành phố cảng miền Nam tươi đẹp này, có lẽ vì tôi chỉ viết những cảm xúc về những vùng đất đã đi qua, còn nơi mình ở lại lãng quên không nghĩ đến.
Tôi chọn Đại học Southampton một phần nhờ Paul, anh bạn người Anh làm việc ở Sài Gòn. Học bổng Chevening của tôi cho phép được học ở bất cứ trường đại học nào ở Vương quốc Anh miễn trường đó nhận tôi vào, nên suốt mấy tháng ròng rã tôi hí hoáy tải thông tin từ Internet về, nhận brochure của các trường, rồi vẽ biểu đồ so sánh.
Ở Việt Nam mười người như một ai cũng bảo tôi đi học ở London cho “sang”, chỉ mỗi mình Paul cương quyết lắc đầu: “Nếu muốn học cùng trường với toàn sinh viên quốc tế, nhất là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… thì đi London. Còn nếu muốn học trong một môi trường nhiều sinh viên bản xứ, Uyên phải đi thành phố khác. Người Anh, ngay cả dân London bản địa rất ít ai học ở London vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ, họ chỉ học chỗ khác rồi quay về London làm việc thôi”. Cuối cùng, sau một tháng cân nhắc giữa những lựa chọn khác nhau vì tôi được khá nhiều trường đồng ý nhận vào, cả hai chúng tôi hào hứng quyết định: “Southampton it is!”
Cuối tháng 9 khóa học MBA mới bắt đầu nhưng tôi phải đến sớm tìm chỗ ở, sau đó tranh thủ đi du lịch một số nơi ở Anh và về lại để ổn định cuộc sống trước khi nhập học. Tôi đến Southampton một mình vào một buổi trưa đầu thu đầy nắng, sau hai ngày lang thang đã tìm được một căn hộ nhỏ bốn phòng ngủ rất tốt đối diện công viên, giá cả vừa phải, chung với ba bạn mới Paddy người Ailen, Janette và Alastair người Anh.
Nếu ở Sài Gòn bạn ở trong một ngôi nhà như nhà tôi ở quận Tân Phú, đối diện tiệm lẩu dê, bên phải quán cà phê, bên trái tiệm bida, xéo góc chỗ chơi thú nhún của con nít, thỉnh thoảng lại có một xe bán keo dính chuột của trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu đi ngang qua rao ra rả, bạn mới biết tôi quý không gian yên tĩnh đến mức nào. Công viên đối diện nhà chúng tôi xanh mướt cỏ và có rất nhiều cây lớn tỏa bóng xuống những băng ghế gỗ sần sùi. Đây là nơi nhận thấy bốn mùa đi qua rõ rệt nhất. Lúc chúng tôi mới dọn vào lá trên cây mới bắt đầu ngả vàng lốm đốm, nhưng chỉ tháng sau mùa thu đã dát vàng những vòm cây, lá thu cũng rụng trên mỗi bước chân qua, tôi thích bước vào hất lá khô dưới đất nghe xao xác. Có loại cây lá nhỏ và tròn mỏng mảnh, khi thu về lá vàng mướt như hoa trên cành và rắc đầy lối đi. Cảnh vật giống hệt trong bức tranh “Mùa thu vàng”, với những hàng cây lá vàng ươm như vừa được phết một lớp sơn mới, nhất là khi chúng tôi “bỏ phố về rừng” đi lang thang vùng New Forest cách nhà vài dặm. Mùa đông, mới ba giờ chiều trời đã tối mịt, cây trụi lá vươn những cành khẳng khiu lên nền trời xám nặng trĩu đặc trưng mùa đông nước Anh. Buổi sáng thức dậy, dù trong nhà có máy sưởi vẫn thấy sương giá phủ trắng mờ ô cửa kính, con đường chúng tôi đi học sương muối đọng đầy trên cỏ như ngăn đá tủ lạnh bị đông tuyết. May mà có những cây thường xanh (evergreen), loài cây luôn xanh ngắt suốt bốn mùa như cây holy lá xanh răng cưa quả tròn đỏ thắm đến dịp Noel lại được làm thành những vòng hoa trang trí trước cửa nhà, nếu không có lẽ không gian sẽ ảm đạm biết bao! Năm tôi ở, Southampton có tuyết muộn, đến cuối tháng ba trời mới đổ tuyết khắp nơi, tôi vẫn vừa nghe headphone vừa đi bộ một mình qua những con đường tuyết lạo xạo dưới chân, áo choàng rộng và dày, mang găng dày cộm, mũ trùm kín tai lẻ loi qua những con phố buổi tối vắng người, có hôm radio nói về vụ án mới nhất với một kẻ tâm thần bức bối vì mùa đông dài nặng trĩu đã nổi cơn điên giết một cô gái không quen biết cũng đi bộ một mình từ trường về nhà, tôi nghe mà sợ rúm ró nhưng biết làm sao được. Còn mùa xuân, tôi yêu nhất mùa xuân châu Âu, khi những búp non bắt đầu nhú trên cành và tất cả những loài hoa ngủ yên qua những ngày dài lạnh lẽo bắt đầu nở khắp lối đi, buổi sáng tôi mở cửa lòng phơi phới, hát nghêu ngao bài “Hoa trên cửa sổ” của Travis: “Look at you now, flowers in the window it’s such a lovely day, and I’m glad you feel the same”. Đến nước Anh tôi mới phân biệt được sự khác nhau giữa blossom - hoa nhỏ li ti nở bung trắng xóa hay hồng phấn khắp vòm cây lớn, những hoa mơ, hoa mận, hoa táo rồi sẽ đậu trái vào mùa sau - với flowers - hoa mọc trên cây nhỏ hoặc cành mảnh khảnh, nở rồi tàn phai. Mùa hè, 11g khuya mặt trời mới lặn, loáng đã hết đêm, một màu xanh mát mắt trải khắp nơi. Cây táo nhà gần trường tôi học, những hoa táo trắng mùa xuân giờ thành trái đỏ ối khắp cành và rụng lăn lóc cả trên đường đi, táo chín rụng vỡ ra tỏa mùi hương ngọt mát dễ chịu.
Có lẽ tôi nên nói đôi điều về những người bạn tôi ở chung ngôi nhà đường St. James đối diện công viên nhỏ ấy. Cô gái Janette bằng tuổi tôi, sống rất chỉn chu ngăn nắp, mọi thứ đều phải sắp đặt theo một trật tự cố định và sạch như li như lau, trong khi hai anh chàng Patrick và Alastair (tên thường gọi là Paddy và Aly) lớn hơn chúng tôi hai tuổi thì luộm thuộm đúng kiểu con trai. Tôi không được như Janette nhưng cũng không đến nỗi như hai anh kia nên thường đứng giữa để can những vụ nhăn nhó vì các khu chung như nhà bếp, phòng khách, nhà tắm… Nhưng chúng tôi rất thân nhau, nhất là những lúc cùng mua đồ về nướng barbeque ở khoảng sân sau, ra cảng hít thở gió biển lồng lộng, ngắm những con tàu neo đậu (Southampton cũng là nơi con tàu Titanic bạc mệnh đã nhổ neo đi New York), hay kéo nhau ra quán bia coi đá banh, có lẽ bạn không tin nổi khi biết được ở Anh không truyền hình trực tiếp giải bóng đá ngoại hạng Anh như ở Việt Nam, chỉ có truyền hình cáp mới xem được. Sẵn nói chuyện TV, chúng tôi có một câu chuyện rất vui về TV license, chả là ở quốc gia có tên gọi “nước Anh chém đẹp” (rip-off Britain) này, muốn xem TV bạn phải mua giấy phép 131 bảng, khoảng gần bốn triệu đồng, một số tiền khá lớn đối với sinh viên nên sau một hồi bàn bạc chúng tôi quyết định sẽ… xem chui, không đóng phí, cuối cùng mọi người đề nghị nếu có ai dáng vẻ “khả nghi” bấm chuông gọi cửa, tôi sẽ được phân công ra gặp và… giả bộ không biết tiếng Anh. Cả ba còn luyện tôi cách nói lắp bắp cho dễ tin nhất. Không may cho chúng tôi, được hơn một tháng có người đến - chỉ mỗi mình Paddy ở nhà, bộ dạng của anh chàng này rặt Ailen như cái tên Paddy của anh nên không thể giả đò không biết tiếng Anh được. Cũng may, ông kia thông cảm sinh viên (có lẽ những trường hợp này ông gặp hoài) nên chỉ bắt đóng đúng số tiền giấy phép 131 bảng chứ không phạt, nếu không cả bốn đứa có nước nhịn đói uống nước lã cầm hơi suốt một tuần.
Chủ nhà của chúng tôi cũng người Ailen, một bác sĩ đứng tuổi làm việc ở Bệnh viện Southampton. Nhưng củng giống như hầu hết các mối quan hệ sinh viên - chủ nhà khác, chúng tôi không khoái ông lắm. Tuy không ở chung nhà nhưng thỉnh thoảng ông lại đảo về ngó nghiêng, chê chúng tôi ở dơ để lá rụng đầy sân không quét, hay cằn nhằn tại sao chén chưa rửa để trong bồn, tại sao sách để lộn xộn đầy phòng khách. Aly và Paddy rất hay nhại ông cách nói lặp đi lặp lại mãi cùng một ý như thể người nghe không hiểu gì (tất nhiên không phải nhại trước mặt ông). Nhưng dù sao chúng tôi đều biết ơn ông đã cho chỗ ở tốt và cho chúng tôi gặp gỡ nhau.
Ở nhà, Janette thân với Paddy, còn tôi hay chơi chung với Aly, cũng là bạn thân nhất của tôi ở Anh trong suốt thời gian theo học. Lúc mới gặp, anh đòi nghe tôi hát tiếng Việt, ngay lập tức tôi ngửa cổ hát rất “hoành tráng” “Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ…” làm anh chàng há hốc miệng đứng nhìn, mãi sau này mới nói lúc đó rất bất ngờ vì cứ tưởng con gái Việt Nam ai cũng hiền lành nhút nhát. Ở chung nhà, anh hứa sẽ biến giọng tôi thành giọng một cô gái miền Nam nước Anh chính cống và bây giờ tôi được nhiều người khen nói giọng Anh kiểu British English cũng nhờ Aly. Khi tôi về lại Việt Nam, anh chàng nổi hứng tự mua sách về học tiếng Việt, mỗi lần đọc mail anh tiếng Anh xen tiếng Việt ngây ngô tôi lại cười lăn cười bò. Chẳng hạn “at the moment in the UK it’s the mùa mưa bão. Tôi có thể mua cái ô ở đâu?”, hay “Next February when I’m in Vietnam, I’ll have a xoa bóp everyday”. Ở Anh có chức danh Lord rất cao, trên cả chức Sir, những ai có được địa vị do nữ hoàng phong tặng này đều không gọi bằng tên thông thường mà gắn với một địa danh người đó sinh ra hoặc sống phần lớn thời gian, chẳng hạn Lord Lavene of Portsoken, hay Lord Griffiths of Fforestfach. Còn Aly tự xưng mình là… Lord Alastair of Cao Bằng, sau này hỏi ra mới biết anh chàng giở bản đồ Việt Nam ra thấy tên Cao Bằng cũng hay hay nên chọn luôn. Còn mỗi lần tôi nổi điên với anh (khá thường xuyên, vì như tôi đã nói anh chàng rất luộm thuộm), anh lại giả lả nói tiếng Việt “em đẹp lắm” làm tôi phì cười, muốn giận cũng không được.
Tôi quý Aly nhất kể từ khi tôi bị quai bị vào kỳ nghỉ phục sinh tháng tư (cả đời tôi chưa thấy ai hăm mấy tuổi còn bị bệnh này, nhưng tôi bị thật). Đáng lẽ hôm đó tôi đi Bỉ và Hà Lan với Thiêm nhưng người mệt mỏi không nhấc chân nổi, tội nghiệp Thiêm phải lủi thủi đi xe buýt mười tiếng đồng hồ từ London đến Brussels một mình. Đêm đó tôi sốt cao không biết bao nhiêu độ đòi đi bệnh viện nhưng anh bảo sốt chút ít chắc không đến nỗi nào, tôi nằm khóc lóc thảm thiết và dọa nếu chuyến này có chết sẽ hiện về bóp cổ. Nhưng khuya đến, mấy lần giật mình dậy vì sốt tôi lại thấy Aly ngồi cạnh giường, loay hoay lấy khăn ướt đắp lên trán cho tôi. Tôi biết ơn anh đã chăm sóc, giặt giũ nấu súp cho tôi những ngày quai bị hành tôi ôm mặt hết nạt nộ đến rên la, và biết được đúng ý nghĩa câu bạn bè trong khó khăn hoạn nạn mới thật là bạn.
Nhắc đến Southampton, tôi phải nhắc đến David, nhỏ hơn tôi bốn tuổi đang học Đại học Warwick vì cậu là một trong những người hiếm hoi từ xa đến chơi ở lại nhà tôi. Tôi quen David trong chương trình “Những người trẻ tuổi làm thay đổi thế giới” ở xứ Wales hai năm trước. Tuy anh chàng cao to đẹp trai nhưng tính tình hệt con nít, biết tôi viết báo cứ bảo bài nào của tôi nhắc tới hay có hình cậu thì cho một tờ để lồng kính treo lên. David trước đây là thành viên Nghị viện trẻ của Anh (UKYP), đã từng được đặt câu hỏi cho Thủ tướng Anh Tony Blair và hiện làm việc cho tổ chức “Con người và hành tinh”. Nhưng tôi thích cậu không phải vì những thành tích đạt được mà vì anh chàng ăn chay trường này thật sự quan tâm đến những vấn đề của thế giới như môi trường, đói nghèo, chiến tranh… Tôi hẹn với David sẽ đến ký túc xá Trường Warwick hoặc nhà bố mẹ cậu chơi hoài mà không được. Đến khi tôi sắp về Việt Nam, cậu vẫn còn gọi điện nhắc chừng nào mới ghé nhà chơi được đây.
Tôi yêu căn phòng nhỏ của tôi, có cửa sổ trông xuống khoảng sân phơi quần áo sau nhà, mỗi lần thấy Aly loay hoay đứng phơi đồ bên dưới tôi lại ôm gấu Yeovil ra giả giọng con nít kêu “ba ơi ba”. Tôi nhắc đến chú gấu bông màu vàng Yeovil. Đấy là chú gấu của đài BBC dành cho chương trình “BBC Children in need”, ủng hộ trẻ em nghèo ở các nước đang phát triển, mà tôi mua được trong một shop từ thiện ở Southampton. Tên nguyên bản đài BBC đặt cho chú là Pudsey, nhưng Aly và tôi gọi là Yeovil vì thích cái tên ngộ nghĩnh này. Chú là đồ chơi thân thiết nhất tôi từng có, đã từng theo tôi đi nhiều nước khác nhau. Mỗi lần có chuyện buồn tôi dễ vui trở lại khi nhìn dáng ngồi tự tin của Yeovil với hai chân giang ra, tay đặt lên đùi, miệng cười tủm tỉm, mắt lại băng một dải băng trắng có chấm bi đỏ kiểu cướp biển thật nghịch ngợm. (Khi tôi mang chú về Việt Nam, đứa cháu ba tuổi của tôi thấy Yeovil băng mắt hay cầm lên hỏi “Em bị sao vậy? Em bé ơi!”). Aly thấy tôi thích ăn chanh nhưng tiết kiệm không mua, nên thỉnh thoảng anh lại mua về để Yeovil ôm chanh trong lòng, rồi đặt chú ngồi trên giường trong phòng tôi. Anh hi vọng điều đó làm tôi bất ngờ cười thích thú khi đẩy cửa bước vào. Tôi không thể tưởng tượng nổi nếu lỡ làm mất Yeovil mình sẽ buồn đến mức nào. Có lẽ cũng như Tom Hanks trong phim Cast away khóc nức nở khi làm trôi mất bạn Wilson - quả bóng tròn ông vẽ mặt người lên chơi cùng trong những ngày một mình trên hoang đảo. Sau này, muốn mua bao nhiêu quả bóng giống hệt Wilson hay gấu giống hệt Yeovil cũng có, nhưng cái hồn của đồ chơi thân thiết gắn bó nhiều kỷ niệm, không thể nào thay đổi được.
Những ngày ở châu Âu, dù có rong ruổi ở những thành phố đẹp nhất hành tinh, tôi vẫn sung sướng ngày về được ngả người xuống giường mình trong căn phòng ấm áp sau chuyến đi dài mỏi mệt, mở TV xem những chương trình yêu thích (một trong những niềm vui lớn nhất của tôi khi sống ở Anh là thoát khỏi những bộ phim Hàn Quốc léo nhéo trên các kênh truyền hình) rồi lim dim ngủ. Ở đây một thời gian, vào những đêm thức khuya viết bài cho khóa học ở trường, thỉnh thoảng tôi lại nghe những chuỗi tiếng ho khan trong đêm tối. Sau mới biết của những kẻ lang thang nằm phía sau lưng nhà chúng tôi, những kẻ digan nay đây mai đó ngủ màn trời chiếu đất trong giá lạnh. Thế mới biết ngay cả trong lòng một nước tư bản phát triển vẫn tồn tại những thân phận hèn mọn đáng thương. Các bạn cùng nhà tôi nhăn mặt “tại họ, việc học được chính phủ tài trợ cả nhưng lười biếng không muốn học hành, không muốn lao động, cũng không muốn vào ở trong shelter (*) thì phải chịu thôi. Bọn này lừa đảo lươn lẹo lắm, có gặp ngoài đường Uyên phải cẩn thận”. Tôi không biết họ lừa đảo lươn lẹo đến mức nào, nhưng cứ giữa khuya học bài nghe những tiếng ho ngoài trời giá buốt lại thấy lòng xốn xang thương cảm.
Hết tháng sáu, chúng tôi kết thúc khóa học ở trường và bắt tay vào viết luận văn. Hợp đồng nhà cũng hết nhưng chúng tôi không ở lại vì ông bác sĩ Ailen không giảm giá mùa hè, trong khi ở những nơi khác giá giảm đáng kể do sinh viên bản xứ về hết. Đáng lẽ Aly cũng về nhà ba mẹ anh, nhưng vì muốn ở lại với tôi nên cả hai chúng tôi dọn qua chỗ ở mới trên đường Atherley, phòng rộng hơn nhiều và giá thuê hè giảm gần một nửa. Ông chủ nhà gốc Ấn Độ cũng hiền lành dễ tính hơn. Nhà rất lớn nhưng mùa hè những sinh viên thuê đã đi khỏi chỉ còn hai đứa tôi mới dọn qua và Nick, một anh chàng người Ấn cao lêu đêu nấu ăn rất chuyên nghiệp, thỉnh thoảng thấy tôi bận rộn anh lại tình nguyện nấu cho tôi cơm cà ri thật ngon.
Thời gian sống ở đây, tôi có việc làm Marketing Manager cho một công ty tư nhân nhỏ của Anh, lại tiết kiệm được tiền thuê nhà nên cuộc sống “sung túc” hẳn. Tôi ít đi siêu thị TESCO hơn vì ý thức được hệ thống khổng lồ của TESCO đã làm rất nhiều cửa hàng nhỏ phá sản, còn thức ăn ở đó nhiều thứ không được sản xuất theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường tối ưu. Thay vào đó, tôi siêng đi chợ nhỏ dù giá có đắt hơn, mua hải sản từ hàng cá của một người phụ nữ mập mạp vui tính luôn chỉ dẫn cách nấu tường tận, rau củ trái cây từ những sạp trong chợ của nông dân, thịt từ hàng thịt tươi cạnh đó, và đồ ăn Việt Nam từ shop nhỏ của một gia đình Việt kiều vui vẻ. Tôi cũng ngưng hẳn không mua sữa siêu thị mà đặt người giao sữa. Sữa giao tận nhà trong chai thủy tinh cũng là một trong những thứ tôi nhớ nhất sau khi về lại Việt Nam. Ông chủ nhà tôi đã lớn tuổi, có ba nhà lớn cho thuê nhưng vẫn làm nghề giao sữa, có lẽ ông còn làm vì quen và nhớ nghề hơn lý do kinh tế. Thật thích thú khi sáng sớm nửa thức nửa ngủ vùi đầu vào chăn, nghe tiếng lanh canh của chai sữa chạm vào nhau khi người giao sữa đến trước nhà. Và không gì bằng những ngày cuối tuần ngủ nướng đến trưa, bước ra cửa thấy hai chai mập mạp bầu bĩnh bằng thủy tinh trong suốt, thấy màu trắng sữa bên trong, hơi nước lạnh toát lẫn sương bám li ti. Lũ chim chóc ở Anh rất tinh quái, theo thời gian, chúng biết được chai sữa bọc lớp giấy bạc màu trắng là chai đựng sữa nguyên kem (full cream) và chỉ mổ nắp chai uống trộm loại này thôi. Những chai bọc giấy bạc màu đỏ và xanh đựng sữa ít béo (skimmed hoặc semi-skimmed) chúng không buồn đụng đến.
Không biết có phải tại cảm giác hay không mà sữa giao trong chai tôi thấy ngon, béo ngậy và thơm hơn trong hộp nhựa siêu thị. Sau này tôi mới được biết nghề giao sữa đã gần như phá sản tại Anh do ở siêu thị bán rẻ hơn. Sữa là mặt hàng chính yếu nên chỉ cần đắt hơn vài xu một lít người ta cũng sẽ không chọn. Những công ty giao sữa tìm cách giao thêm nước cam, bánh mì…, song vẫn không giải quyết được vấn đề. Tôi cầu mong nghề giao sữa ở Anh đừng bao giờ bị mất đi, để ngày nào đó trở lại đất nước thân thiết này tôi sẽ còn nghe tiếng kêu lanh canh của những chai thủy tinh khi còn ngái ngủ rồi xách hai chai nhảy chân sáo xuống bếp pha trà với sữa uống buổi sáng. (Ngoài việc luyện tôi nói tiếng Anh chuẩn giọng Anh, Aly còn truyền cho tôi thói quen đúng kiểu Ăng-lê: uống trà mỗi ngày ít nhất ba lần, riết thành quen nếu không có lại bứt rứt khó chịu)
Công việc của tôi ở công ty nhỏ nọ làm từ xa, nghĩa là không phải đến văn phòng mà chỉ cần làm việc với đồng nghiệp qua điện thoại và Internet, nhưng đòi hỏi phải đi công tác nhiều. Nhờ làm ở đây, tôi đi được Bristol, Coventry, Bath ở Anh, Edinburgh và những vùng ven ở Scotland, và nhiều nhất là Wilmslow, một khu rất sang trọng gần Manchester nơi sếp tôi ở. Lần duy nhất tôi từ Wilmslow về bằng xe lửa những ngày London mới bị khủng bố, chuyến tàu của tôi sắp đến Birmingham thì được thông báo có dấu hiệu đặt bom ở tuyến gần sân bay nên tàu phải đi đường vòng, không qua ga đó nữa. Khi những ai đi sân bay Birmingham đã ngao ngán xách hành lý nặng trịch lục tục xuống xe buýt đi được một lúc mới có thông báo không có chuyện gì hết, những người ở lại trên tàu chỉ biết thở dài tội nghiệp cho “người ra đi”, có khi còn lỡ cả chuyến bay không chừng.
Tôi không đi tàu nữa mà chuyển sang bay, tôi thích những chuyến bay nội địa ở chỗ check-in rất dễ, chỉ cần đưa thẻ ngân hàng có tên mình vào máy từ và nhập số hiệu chuyến bay để nhận thẻ lên máy bay, không cần chứng minh thư hay hộ chiếu gì hết. Thẻ ngân hàng chẳng có ảnh, chỉ có tên tôi là Ms U Ngo, trong khi tên trên vé là Ngô Thị Giáng Uyên cũng chẳng sao. Những chuyến đi Manchester sáng đi chiều về ấy tôi cũng gặp rất nhiều người đi công tác giống tôi, mặc đồ vét xách laptop rất chuyên nghiệp, đúng cả hai chuyến đi và về chung với tôi như hẹn trước, khi nhận ra nhau chúng tôi nháy mắt thay câu chào. Đáng nhớ nhất là chuyến Southampton - Manchester của Hãng British Airways (BA) vào khoảng tháng tám, một chuyến bay hi hữu gộp lại tất cả những hành khách của ba tuyến Southampton-Manchester của BA, Southampton - Liverpool của BA, và Southampton -Manchester của Hãng Flybe. Ông hành khách ngồi gần tôi ngán ngẩm cho biết ông muốn đi Liverpool có việc gấp, ra khỏi nhà từ 2g chiều nhưng ngồi chờ mòn mỏi mấy tiếng ở sân bay. Mãi 10g tối họa may mới tới được Liverpool vì phải đi xe lửa từ sân bay Manchester đến Liverpool nữa, trong khi nếu đi xe lửa thẳng từ đây đến Liverpool chỉ mất chừng bốn tiếng đồng hồ. Rồi ông chìa cho tôi xem coupon trị giá ba bảng Anh, chua chát: “Nó đưa cái này để đền lúc chờ ở sân bay, nói “xin lỗi, mong ngài nhận lấy coupon này rồi muốn mua thức ăn gì cũng được”, làm như không phải nó đền ba bảng mà ba trăm bảng vậy”. (Quả thật ở sân bay Anh, ba bảng tương đương hơn 90 ngàn đồng chỉ mua được ổ bánh mì thịt và hũ yaourt ở cửa hàng Boots, nhưng tôi tiếc ông hành khách này không tới Việt Nam để xem Vietnam Airlines hoãn một chuyến bay đến mấy lần, một ly nước cũng không có mà uống, thử ông còn cằn nhằn đến đâu). Quả thật, chuyến đi “bão táp” lần đó không biết máy bay có bị quá tải không mà suốt chuyến chỉ bay thấp là đà, lúc nào cũng thấy phong cảnh bên dưới, lại gập ghềnh nảy lên nảy xuống như vấp ổ gà làm ai cũng thót tim.
Tôi đến Southampton một mình vào một ngày đầu tháng chín, và rời thành phố với Aly vào một ngày tháng mười năm sau, khi sương mù buổi sớm giăng đầy. Tôi về nhà ba mẹ anh tạm vài ngày trước khi bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh châu Âu một tháng. Khi đi qua khúc quanh trên đại lộ, Aly đột nhiên bảo: “Tưởng tượng được không, mình đang rời khỏi Southampton luôn rồi!”.
Câu nói của anh làm tôi giật mình. Tôi không thể quay lại nhìn Southampton lần cuối vì băng ghế sau xe đã chất đầy những vali quần áo đồ đạc sách vở TV máy đĩa tận nóc làm ngăn tầm mắt tôi nhìn, và vì tấm chăn to tướng có bọc ra vẽ hình chim cò loạn xạ Aly mua từ Mông Cổ đặt trong lòng khiến tôi không mở cửa xe được. Nhưng tôi không buồn vì biết những kỷ niệm mười bốn tháng ở đây sẽ mãi còn trong tôi, tiếc chi cái nhìn lần cuối?
(*) shelter: nơi ở dành cho người nghèo không nhà
Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007
Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007
Hương lài trên phố Sài Gòn
Trang báo Anh giới thiệu ẩm thực và nụ cười VN |
Hôm nào không ai rảnh đi ăn chung, tôi đi một mình. Không hẳn vì thức ăn ở đây ngon hơn nơi khác, thực đơn cũng chẳng đa dạng phong phú gì, cũng không hẳn vì nhà hàng cách công ty tôi một quãng đi bộ ngắn qua ngã tư nhộn nhịp xe cộ. Đơn giản chỉ vì tôi “cảm” tinh thần của người chủ nhà hàng xa lạ chưa gặp mặt lần nào và vì quí mến những em phục vụ ở đây.
Tôi rời VN vội vã không kịp ghé quán chào mọi người, và bẵng đi một thời gian bận bịu không nhớ đến căn gác nơi tôi hay ngồi có cửa sổ nhìn xuống đường ấy nữa. Rồi gần nửa năm sau ngày tôi sang Anh, trang Du lịch của tờ Times - nhật báo phổ biến và rất uy tín ở xứ sương mù - mời độc giả bản xứ tham gia viết bài dưới 500 chữ cho chủ đề của tháng mười: ẩm thực.
Tôi dè dặt gửi một bài viết ngắn về quán nhỏ ấy, cứ tưởng sẽ chìm lấp trong những ẩm thực Pháp, Ý, Địa Trung Hải, Ấn Độ, Trung Hoa... Không ngờ bài viết được đăng trên tờ Times ra ngày thứ bảy, lại được ưu ái cho vị trí đầu tiên trong loạt bài ít ỏi được đăng báo in. Và còn ưu ái hơn nữa khi tấm hình minh họa duy nhất của nguyên trang Du lịch này có lời chú thích “Bữa tiệc của món ngon: người bán trái cây tại một chợ TP.HCM”, được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Ken Gillham chụp một người được bao quanh là bưởi, sầu riêng, nhãn lồng...
Tôi tự dịch bản gốc bài viết tiếng Anh của mình sang tiếng Việt dưới đây như một lời cảm ơn đối với những người đã lặng lẽ làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn.
______________"Tôi khám phá nhà hàng thú vị này một cách tình cờ. Chúng tôi đi bộ lòng vòng tìm một nơi ăn trưa ở trung tâm quận 1, Sài Gòn (tên chính thức: TP.HCM) và bắt gặp tấm bảng hiệu nhỏ xíu "Hương Lài - 38 Lý Tự Trọng - quận 1".
Mặt tiền của nhà hàng Hương Lài
Nhìn từ bên ngoài, trông nó không giống nhà hàng chút nào, có lẽ vì quá hẹp và quá đơn giản. Nhưng sau khi bước lên cầu thang gỗ, căn gác mở ra thành một phòng ăn rất có gu với tường gạch đỏ nâu không quét vôi, ghế mây và những bức thổ cẩm - một loại vải nhiều màu sắc của người dân tộc thiểu số phía Bắc VN - làm duyên trên tường. Không gian thoảng mùi thơm mát dìu dịu của hoa lài tươi nổi trên những chén nước nhỏ đặt ở mỗi bàn ăn. (Tên "Hương Lài" có nghĩa là "scent of jasmine" trong tiếng Việt).
Chúng tôi ăn cơm trắng với tôm rang me, gồm tôm rim nhỏ lửa trong nước mắm và nước cốt trái me nhiệt đới, cà tím nướng mỡ hành thoảng mùi khói, làm từ một loại cà giống aubergine nướng với hành lá và dầu hướng dương. Bữa ăn ngon miệng kết thúc bằng canh gà lá giang, món súp gà kiểu địa phương nấu chung với một loại lá chua thanh mọc hoang trong những bụi rậm ở miền quê. Hóa đơn thanh toán chỉ khoảng năm bảng Anh cho ba người, ngay cả đối với vật giá rất rẻ ở VN, giá cả như thế này cũng rất phải chăng.
Và tôi mến nhà hàng đáng yêu này hơn nữa khi tình cờ biết được đội ngũ phục vụ tươi cười nhã nhặn, mặc quần áo kiểu nông dân của quán đều xuất thân từ trẻ mồ côi hoặc trẻ em đường phố. Bắt đầu từ năm 2001, Hương Lài là dự án của Jin Shirai - một người Nhật đến Sài Gòn học ngôn ngữ và văn hóa Việt. Sau khi về Nhật, ông nhận ra mình gắn bó với đất nước xa lạ đến mức nào và quyết định trở lại làm một điều gì đó có ý nghĩa, bằng cách mở nhà hàng nhỏ để tạo cơ hội việc làm cho những người trẻ địa phương có hoàn cảnh khó khăn.
Các em được học tiếng Anh, được đào tạo về ngành dịch vụ và những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để trở thành đầu bếp hoặc phục vụ bàn, rất nhiều em trong số đó hiện đang làm việc cho những nhà hàng lớn ở thành phố. Nhà hàng cũng rất mang tính địa phương: rượu vang từ một vùng cao nguyên miền Trung VN, ghế mây, bia Sài Gòn, tranh treo tường của các họa sĩ Việt, chén đĩa được làm bằng tay từ gốm...
Vậy là tôi có thêm lý do để đến đây ăn trưa thường xuyên hơn, để được ngồi trên căn gác ấm áp nhìn thế giới trôi qua dưới những tán cây me lớn trên đường Lý Tự Trọng. Mùi hương hoa lài trên bàn làm tôi tươi tỉnh, thấy lòng nhẹ nhàng và lạc quan hơn. Cho đến lúc đó, tôi mới tin lời các chuyên gia về hương liệu: "Khi nói đến những công dụng về tinh thần, hoa lài thật sự tỏa sáng".
Có lẽ Shirai không biết, và cũng không cần biết "ngôn ngữ hương hoa". Đơn giản ông chỉ muốn tạo ra một điều tốt đẹp giản dị cho Sài Gòn, nơi ông yêu quí và muốn đóng góp một phần nhỏ. Nhưng nhà hàng Hương Lài của ông có ý nghĩa hơn nhiều so với "giá trị làm tăng cảm xúc giác quan" mà bản thân loài hoa này mang lại".
Chú thích: Những chữ in nghiêng trong bài được giữ nguyên bản tiếng Việt trong bài viết trên The Saturday Times, để độc giả bản xứ biết thêm tên những món VN khác ngoài phở và chả giò.
Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2007
Khuyến khích mọi ứng viên xuất sắc
Có thể nói Chevening là học bổng qui mô nhất của chính phủ Anh hiện nay, dành cho những ứng viên xuất sắc đến từ 150 nước trên thế giới theo học những chương trình sau đại học tại bất cứ trường nào ở Vương quốc Anh.
Bà Karen Maddocks - đại sứ quán Anh tại Hà Nội, đại diện chương trình Chevening - cho biết: "Số ứng cử viên đáp ứng tiêu chuẩn học bổng luôn nhiều hơn số lượng học bổng mà chúng tôi có mỗi năm. VN có rất nhiều người tài và có kỹ năng mà chúng tôi cần".
* Đã 14 năm kể từ ngày học bổng Chevening lần đầu tiên được cấp tại VN. Có điểm chung nào giữa những ứng viên VN được nhận học bổng trong vòng 14 năm qua?
- Tất cả ứng viên nhận học bổng Chevening từ trước đến nay đều có điểm chung: đó là những người năng động và nhiều hoài bão. Trong quá trình chọn hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp, chúng tôi tìm kiếm những người có tiềm năng sẽ thành đạt ở VN trong tương lai, những người sẽ trở về VN sau khi học xong và tiếp tục cống hiến cho VN.
* Nhiều ứng viên VN rất thông minh nhưng lại ngại ngùng và không cảm thấy thoải mái khi nói về khả năng và thành tích của mình, đó là một bất lợi cho họ khi vào vòng phỏng vấn. Bà có thể đưa ra một lời khuyên?
- Một điều quan trọng cần nhấn mạnh: đối với học bổng Chevening, chúng tôi tuyển những ứng viên không chỉ thông minh mà còn phải tự tin và tập trung vào những gì họ muốn đạt được trong cuộc sống của chính mình.
Chúng tôi không chỉ đơn thuần tìm kiếm những bạn học giỏi, có bảng điểm cao ở trường. Khi nộp hồ sơ, các bạn nên xác định rõ ràng những tham vọng, hoài bão của mình và tự trả lời với chính mình bạn lập kế hoạch đạt được hoài bão đó bằng cách nào, tại sao chương trình học sau đại học ở Anh giúp ích cho hoài bão đó. Nếu các bạn có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống, những phỏng vấn viên của Hội đồng Anh và Đại sứ quán Anh sẽ nhận ra điều này qua những câu trả lời của các bạn, ngay cả khi nhận thấy bạn có hơi căng thẳng lo lắng trong khi phỏng vấn.
* Tại sao trước đây học bổng Chevening không giới hạn tuổi, song những năm gần đây lại có giới hạn ứng cử viên từ 25 - 35 tuổi?
- Giới hạn tuổi chỉ là một thước đo mang tính tương đối. Chúng tôi tìm kiếm những ai vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu trong sự nghiệp, nhưng có thể chứng tỏ được tiềm năng trở thành người thành đạt trong tương lai.
Vì vậy, chúng tôi muốn tuyển những ứng cử viên đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực của mình (hơn là sinh viên vừa mới ra trường), và có khả năng đạt được những thành quả quan trọng trong ngành họ theo đuổi sau này. Chúng tôi vẫn sẽ chọn những hồ sơ của những ứng cử viên xuất sắc nằm ngoài giới hạn tuổi nói trên nhưng đáp ứng những yêu cầu khác của học bổng.
* Một số ý kiến cho rằng học bổng Chevening phần lớn dành cho những người làm việc trong các cơ quan nhà nước và các lĩnh vực công, còn những ai làm việc trong lĩnh vực tư, như các công ty đa quốc gia chẳng hạn, có rất ít cơ hội. Điều đó có đúng không, thưa bà?
- Điều này không đúng. Học bổng này không chỉ dành cho viên chức nhà nước hoặc những ai làm việc tại Hà Nội. Chúng tôi rất khuyến khích tất cả những ai làm việc cho mọi lĩnh vực, ở mọi nơi trên cả nước VN nộp hồ sơ thi. Tất cả ứng cử viên đều được đánh giá hoàn toàn dựa trên khả năng, theo tiêu chuẩn của chương trình Chevening.
NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN thực hiện
__________
Bà Karen Maddocks |
* Đã 14 năm kể từ ngày học bổng Chevening lần đầu tiên được cấp tại VN. Có điểm chung nào giữa những ứng viên VN được nhận học bổng trong vòng 14 năm qua?
- Tất cả ứng viên nhận học bổng Chevening từ trước đến nay đều có điểm chung: đó là những người năng động và nhiều hoài bão. Trong quá trình chọn hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp, chúng tôi tìm kiếm những người có tiềm năng sẽ thành đạt ở VN trong tương lai, những người sẽ trở về VN sau khi học xong và tiếp tục cống hiến cho VN.
* Nhiều ứng viên VN rất thông minh nhưng lại ngại ngùng và không cảm thấy thoải mái khi nói về khả năng và thành tích của mình, đó là một bất lợi cho họ khi vào vòng phỏng vấn. Bà có thể đưa ra một lời khuyên?
- Một điều quan trọng cần nhấn mạnh: đối với học bổng Chevening, chúng tôi tuyển những ứng viên không chỉ thông minh mà còn phải tự tin và tập trung vào những gì họ muốn đạt được trong cuộc sống của chính mình.
Chúng tôi không chỉ đơn thuần tìm kiếm những bạn học giỏi, có bảng điểm cao ở trường. Khi nộp hồ sơ, các bạn nên xác định rõ ràng những tham vọng, hoài bão của mình và tự trả lời với chính mình bạn lập kế hoạch đạt được hoài bão đó bằng cách nào, tại sao chương trình học sau đại học ở Anh giúp ích cho hoài bão đó. Nếu các bạn có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống, những phỏng vấn viên của Hội đồng Anh và Đại sứ quán Anh sẽ nhận ra điều này qua những câu trả lời của các bạn, ngay cả khi nhận thấy bạn có hơi căng thẳng lo lắng trong khi phỏng vấn.
* Tại sao trước đây học bổng Chevening không giới hạn tuổi, song những năm gần đây lại có giới hạn ứng cử viên từ 25 - 35 tuổi?
- Giới hạn tuổi chỉ là một thước đo mang tính tương đối. Chúng tôi tìm kiếm những ai vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu trong sự nghiệp, nhưng có thể chứng tỏ được tiềm năng trở thành người thành đạt trong tương lai.
Vì vậy, chúng tôi muốn tuyển những ứng cử viên đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực của mình (hơn là sinh viên vừa mới ra trường), và có khả năng đạt được những thành quả quan trọng trong ngành họ theo đuổi sau này. Chúng tôi vẫn sẽ chọn những hồ sơ của những ứng cử viên xuất sắc nằm ngoài giới hạn tuổi nói trên nhưng đáp ứng những yêu cầu khác của học bổng.
* Một số ý kiến cho rằng học bổng Chevening phần lớn dành cho những người làm việc trong các cơ quan nhà nước và các lĩnh vực công, còn những ai làm việc trong lĩnh vực tư, như các công ty đa quốc gia chẳng hạn, có rất ít cơ hội. Điều đó có đúng không, thưa bà?
- Điều này không đúng. Học bổng này không chỉ dành cho viên chức nhà nước hoặc những ai làm việc tại Hà Nội. Chúng tôi rất khuyến khích tất cả những ai làm việc cho mọi lĩnh vực, ở mọi nơi trên cả nước VN nộp hồ sơ thi. Tất cả ứng cử viên đều được đánh giá hoàn toàn dựa trên khả năng, theo tiêu chuẩn của chương trình Chevening.
NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN thực hiện
__________
* Hiện học bổng Chevening đang tiếp tục tuyển các ứng viên VN cho năm học 2008-2009. Điều kiện: thành tích học tập khá giỏi hoặc xuất sắc, có tiềm năng thành đạt trong lĩnh vực mình làm việc và đóng góp cho sự phát triển của VN. Độ tuổi thường từ 25 - 35, có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc và điểm IELTS từ 6.5 trở lên.
* Các thí sinh quan tâm đến học bổng Chevening có thể tìm kiếm thêm thông tin và lấy mẫu hồ sơ trực tiếp tại văn phòng Hội đồng Anh ở Hà Nội hoặc TP.HCM, trên trang web www.chevening.com hoặc liên lạc qua địa chỉ email gam.tran@britishcouncil.org.vn.
Hạn chót nộp hồ sơ: 23-11-2007.
Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2007
Người đi nhờ xe Anna Dillon
Minh họa: Hoàng Tường |
Cô gặp quá đủ phiền hà. Đây đã là lần thứ ba trong tháng cô bị phạt vì chạy quá tốc độ, là lần thứ hai bị phạt bởi chính anh cảnh sát này.
- Cô có biết cô đang lái xe với tốc độ 130km/giờ trên quãng đường chỉ cho phép 120 km/giờ không? - Giọng kẻ cả, anh ta vừa nói vừa nghiêng người nhìn vào xe, phủ lên bầu không khí trong xe một mùi mồ hôi của quần áo chống thấm nước quyện nước hoa nam mùi xạ.
Cô chớp chớp mắt. Phải nói gì bây giờ? “Vâng, tôi biết. Có biết tôi mới lái vậy chứ!”, hay “Không, tôi không biết. Sao anh lại nghĩ tôi lái với tốc độ như vậy?”.
Cô đoán sẽ chẳng có câu trả lời nào được chấp nhận nên chỉ lắc đầu rồi nhún vai. Thậm chí cô chẳng buồn nghĩ ra một lý do bào chữa, chắc anh chàng đã nghe hết cả rồi! Nhìn anh ta rút cuốn sổ ra, cô tự hỏi mình bị bao nhiêu điểm phạt trên bằng lái rồi nhỉ?
Có khi anh chàng ghen tị với cô! Anh ta ngồi đó buồn chán và thấy một chiếc BMW 7 Series màu đỏ vượt quá tốc độ về hướng mình, cầm lái là một cô gái trẻ đẹp, thậm chí nếu cô không chạy quá tốc độ có khi anh ta cũng thổi cô lại chỉ để ngắm một chút. Quá tốc độ 10km/giờ đã là gì đâu. Xe này chạy nhanh hơn nhiều vẫn được, cô biết mà, có lần cô chạy 160km/giờ trên đường vòng Athlone rồi.
Thật bất công. Khi anh chàng cảnh sát đang nói chuyện với cô, hàng tá xe khác chạy băng qua, đèn thắng xe nhấp nháy và bánh xe nghiến trên đường ken két khi người ngồi sau vô-lăng nhận ra có chiếc xe cảnh sát ẩn phía sau chiếc BMW đỏ. Tại sao họ không bị thổi chứ?
Teri liếc nhìn kiếng chiếu hậu. Viên cảnh sát vẫn đứng trên đường nhìn theo cô; cô nghĩ có khi anh ta còn nhăn răng cười. Cô nhăn mặt cáu kỉnh, chắc cô đã đủ điểm phạt để bị treo bằng lái rồi, nhưng có lẽ Brian quen biết ai đó.
Brian luôn luôn quen biết một ai đó.
Vậy cô phải kể chuyện này cho chồng nghe ư? Cô chưa kể cho anh nghe về hai vé phạt lần trước. Nhưng dù sao đi nữa, bây giờ có rất nhiều thứ cô có kể anh nghe nữa đâu.
Teri lái vòng qua chỗ ngoặt khuất tầm mắt viên cảnh sát rồi sang số, nhấn ga sát xuống sàn xe. Chiếc xe lao tới, kim chỉ tới số một trăm, một trăm mười, một trăm hai mươi, một trăm hai lăm cây số giờ. Ít ra cô cũng biết được đoạn đường còn lại không có cảnh sát. Vẫn giữ tốc độ đó, Teri cho xe chạy bon bon. Cô không nghĩ mình chạy quá nhanh: nhiều xe khác còn vượt qua xe cô kia mà.
Nếu bị mất bằng lái, cô sẽ phải báo cho chồng... và Brian sẽ không vui chút nào. Anh sẽ thất vọng ra mặt, lắc đầu và chắt lưỡi - nghĩ tới đó là cô tức điên. Nhiều khi anh quên anh là chồng cô chứ không phải bố cô.
Brian Wilde lớn hơn cô gần hai mươi lăm tuổi và chiều chuộng cô một cách thái quá: mua cho cô tất cả mọi thứ cô muốn - và cả rất nhiều thứ cô không muốn. Chiếc xe này là món quà kỷ niệm sáu năm ngày cưới, đối với anh cô có cần hay muốn một chiếc xe mới không quan trọng. “Ngay lúc nhìn thấy nó, anh biết mình sẽ phải mua nó cho em”, anh nói khi cô phản đối sự phung phí này, rồi thêm “Thấy em vui là anh vui rồi!”.
Cô đã không đáp lại câu nói đó của anh bằng một câu tương tự.
Ba tháng nữa đến kỷ niệm ngày cưới lần thứ bảy. Rất nhiều người đoán cuộc hôn nhân của họ sẽ không kéo dài quá một năm, đó là những người đã nghĩ - không, đã biết thì đúng hơn - rằng Teri lấy Brian vì tiền. Họ thấy khó tin cô thật sự yêu anh. Môi Teri mím lại, cô bất chợt cười khẩy. Cô đã thật sự yêu anh, nhưng câu này ở thì quá khứ. Còn bây giờ?
Mọi thứ thay đổi.
Con người thay đổi.
Họ đã yêu nhau thắm thiết khi cưới, nhưng vài năm trở lại đây, sự khác biệt về lai lịch, giáo dục, sở thích, tuổi tác - những sự khác biệt đã mang họ lại với nhau - đã gây ra những xích mích giữa họ. Mọi thứ anh nói hay làm đều khiến cô phát cáu. Cô cũng bắt đầu nhận ra Brian cũng ngày một bực bội bởi những thói quen mà trước đây anh cho là duyên dáng quyến rũ nơi cô.
Khi làn xe kết thúc và con đường hẹp lại, Teri cho xe chạy chậm chút đỉnh. Đèn báo hiệu mức xăng nhấp nháy và kim trên bảng báo xăng đã chỉ gần đến số zero. Lẽ ra cô đã đổ đầy bình ở trạm xăng gần đây nhất, nhưng vụ bực mình với viên cảnh sát làm cô quên khuấy. Không biết đi được bao nhiêu dặm nữa đây.
Một bảng giao thông hiện ra trước mắt cô: Balbriggan-Drogheda-Dundalk-Belfast. Brian sẽ bay tới Belfast trên chuyến bay từ London sáng nay để kịp buổi họp với các quản lý cụm khách sạn anh sở hữu. Anh muốn tự lái từ Belfast về Dublin, nhưng cô khăng khăng để cô tới sân bay đón anh về. Đến Belfast bằng chiếc BMW của cô chỉ mất chừng hai tiếng đồng hồ, rồi khi chở anh về họ sẽ có vài giờ nói chuyện với nhau. Họ gần như không có thời gian trò chuyện nữa. Khi mới quen nhau tám năm trước, họ có thể nói chuyện suốt ngày, lạy Chúa, họ nói chuyện với nhau về mọi thứ, tất cả mọi thứ. Cô đã thật sự bị mê hoặc bởi kiến thức sâu rộng, bởi kinh nghiệm sống, bởi những câu chuyện du lịch vòng quanh thế giới của anh. Về phần Brian, anh mê mẩn sự sôi nổi, tình yêu cuộc sống của cô, cũng như sự ham học hỏi về rượu, món ăn và kịch nghệ nơi cô, những thứ anh biết rõ nhưng cô chỉ biết lơ mơ về nó cho đến lúc gặp anh. Khoảng cách hai mươi lăm năm tuổi tác gần như là một thế mạnh cho cả hai: họ có thể mang lại cho nhau một điều gì đó thật đặc biệt. Tính cách Brian và Teri cũng trái ngược nhau hoàn toàn, điều đó tạo nên sức hút mạnh mẽ. Sức hút này nhanh chóng biến thành tình cảm rồi trở thành tình yêu, và đến một lúc việc kết hôn trở nên tất yếu.
Teri cau mày. Gần đây, cô thường tự hỏi không biết lúc đó họ có thật sự yêu nhau không. Cô có còn yêu anh không cách đây ba năm, khi cô có một mối tình vụng trộm, rồi cách đây chưa tới một năm, với một mối tình vụng trộm khác? Cả hai mối tình đều là những say mê mãnh liệt nhưng qua nhanh, làm cô vừa hân hoan vừa ghê tởm. Có phải việc cô ngoại tình là một bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa hai người có gì đó không ổn? Cô có thể thoát ra khỏi mối quan hệ này, sẽ dễ dàng hơn nếu cô làm vậy, và đó cũng là một điều chân thật đáng làm. Cô vẫn tiếp tục ở lại với Brian vì cô thật sự mến anh và cũng vì cô đã quá quen với cuộc sống sung sướng. Môi cô mím lại trong một nụ cười cay đắng. Cuộc hôn nhân với Brian đã biến cô thành một người ra sao?
Cô muốn nói với anh. Cô cần nói với anh - không phải để làm anh tổn thương, không bao giờ - mà chỉ để giải thích cuộc hôn nhân đã thoát khỏi tầm kiểm soát của cả hai như thế nào.
Ánh đèn đỏ, cam và vàng của trạm xăng hiện ra bên trái. Cô bấm đèn xi-nhan rồi lái chậm lại, cắt ngang đường rồi tấp vào trạm xăng, bánh xe nghiến ken két, tảng lờ tiếng bóp còi đinh tai của những chiếc xe phía sau.
Anh chàng trẻ tuổi ở trạm xăng chỉ say mê nhìn chiếc BMW ngay cả khi cô ra khỏi xe với chiếc váy hơi kéo lên để lộ một phần đôi chân rám nắng. “Làm ơn đổ đầy bình”, cô dấm dẳn, rồi liếc nhìn chiếc đồng hồ hiệu Dior bé xíu có đính kim cương trên tay: chuyến bay của Brian sẽ hạ cánh trong vòng một tiếng rưỡi nữa, cô rất muốn tới đó đúng giờ. Anh ghét phải chờ đợi.
Khi lái xe khỏi trạm xăng, Teri nhìn thấy người đi nhờ xe.
Anh ta đang ngồi bên đường, trên chiếc ba lô kiểu quân đội, vẻ mặt mệt mỏi và hai vai xuôi xuống chán nản cho thấy anh đã ngồi đó lâu lắm rồi. Anh còn trẻ - dưới 25 tuổi - mái tóc vàng óng buộc túm đuôi ngựa sau lưng. Mặt anh hình trái xoan, mắt xanh da trời nhạt, môi đầy đặn, cằm cương nghị và chiếc áo thun sờn che những bắp thịt vạm vỡ. Anh làm cô nhớ tới một người nào đó, cô không nhớ là ai, có lẽ là một ngôi sao điện ảnh hay ca sĩ thì phải. Cô nhìn kiếng chiếu hậu: anh có liếc nhìn xe cô nhưng rồi nhìn đi hướng khác vì biết khả năng được đi nhờ xe chỉ có một phụ nữ trên đó gần như bằng không. Teri cũng chưa bao giờ cho người lạ đi nhờ.
Cô nhấn còi, bấm đèn xi-nhan rồi lái xe vào lề đường.
Teri quan sát anh từ kiếng chiếu hậu, cô có thể đọc được những biểu lộ tình cảm của anh trên gương mặt: ban đầu là một tia hy vọng lóe lên, rồi sự chần chừ và cuối cùng là cảm giác nhẹ nhõm. Anh cầm ba lô lên rồi nhanh nhẹn chạy đến xe. Teri kéo cửa xe xuống. Khi anh cúi người nhìn vào xe, một lần nữa cô kinh ngạc vì vẻ quen thuộc khác thường của anh. Có lẽ cô đã gặp anh ở đâu đó... ở một bữa tiệc... hay một buổi lễ từ thiện nào chăng?
- Cảm ơn chị đã dừng lại. Tôi muốn đi nhờ xe về hướng Bắc - Anh nói với giọng địa phương của một vùng nào đó mà cô không nhận ra.
- Tôi đi Belfast. Cho giỏ của cậu vào cốp xe đi.
Anh vác chiếc ba lô nặng trịch cho vào cốp xe, rồi phủi bụi trên bộ quần áo.
- Có vẻ như cậu đợi cũng khá lâu rồi hả? - Cô hỏi khi anh trèo vào xe. Anh toát lên mùi xạ và mồ hôi. Rất đàn ông.
- Cảm ơn chị nhiều lắm! Bữa nay ít ai cho đi nhờ xe - Anh trả lời lửng lơ.
- Cậu đi được xa chưa?
- Cũng khá xa. Sau khi tốt nghiệp trung học tôi nghỉ một năm để đi nhờ xe vòng quanh thế giới. Bây giờ tôi đang trên đường về nhà.
Teri nhớ có lần Brian nói với cô anh cũng du lịch vòng quanh thế giới bằng cách đi nhờ xe.
- Sao thích đi kiểu đó vậy? - Cô hỏi anh đúng câu cô đã hỏi chồng.
Anh nhún vai rồi nhe răng cười. Liếc nhìn anh, cô nhận ra anh còn trẻ hơn nhiều so với lúc thoạt nhìn thấy ngồi bên đường. Và cũng khá có duyên.
- Tại sao không? - Anh trả lời đúng câu của Brian lúc trước. Anh xoay người lại - Tôi tên Mark.
- Tôi tên Teri - Cô sang số - Đi nhờ xe vòng quanh thế giới, nghe điên thật!
- Vậy chị chưa bao giờ muốn làm điều gì đó thật điên hay sao, Teri?
- Lúc nào cũng muốn - Cô nói, rồi ngạc nhiên nhận ra vẻ cay đắng trong giọng nói của mình.
- Tại sao chị không muốn? - Anh dựa vào ghế da, hỏi tiếp.
Cô hất đầu cười:
- Ồ Mark, ước gì mọi thứ đơn giản như cậu nghĩ.
- Đơn giản thật mà! Nếu chị muốn làm gì, cứ làm đi. Cứ sống thật với mình.
- Thật sự không đơn giản vậy đâu - Cô khăng khăng - Tôi có chồng rồi, tôi còn trách nhiệm…
- Ồ.
Cô ý thức được anh đang nhìn thẳng vào tay cô.
- Không thấy chị đeo nhẫn.
- Tôi không thích đeo nữ trang - Cô tự vệ.
Trong một chừng mực nào đó, điều này cũng đúng. Nếu cô đeo quá nhiều nữ trang người ta lại càng đoan chắc cô lấy Brian vì tiền. Nhưng thật ra nhẫn cưới chỉ được tháo ra khỏi ngón tay cô khoảng ba năm trước, khi cô ngoại tình lần đầu. Bây giờ cô có thói quen tháo nó ra mỗi khi không có mặt Brian, và thỉnh thoảng ngay cả khi có Brian bên cạnh. Cô không nghĩ Brian nhận thấy, anh quá bận rộn với việc kinh doanh nên không để ý những điều này.
- Tôi lái xe tới Belfast để đón chồng - Cô vội vã thêm.
- Anh ấy quả may mắn.
Teri liếc anh thật sắc, không biết anh có đang mỉa mai hay không:
- Sao cậu nói vậy?
- Không phải người vợ nào cũng chịu lái xe từ Dublin tới Belfast để đón chồng đâu. Chị phải yêu anh ấy nhiều lắm mới làm vậy.
Câu trả lời nhanh - nói cách khác là câu trả lời có sẵn - sẽ là “Đúng rồi, tôi yêu anh ấy”, nhưng có vẻ như sự thật dễ nói hơn:
- Tôi không biết tình cảm của mình cho anh ấy thế nào nữa.
Mark liếc cô thật nhanh, rồi quay mặt nhìn ra cửa sổ xe. Nhìn về hướng anh, Teri thấy gương mặt anh trong kiếng chiếu hậu và một lần nữa thấy ngạc nhiên vì những nét quen thuộc của gương mặt ấy. Cô đã gặp anh ở đâu nhỉ?
- Vậy sao chị lại đi đón anh ấy?
- Tôi muốn nói chuyện với anh ấy. Tôi cần nói chuyện với anh ấy, cho anh ấy biết… tôi đã cảm thấy thế nào trong vài năm trở lại đây. Tôi muốn biết được liệu chúng tôi… - Cô ngừng lại, rồi thêm -… có thể giải quyết được mọi thứ không.
- Có vẻ như chị vẫn còn yêu anh ấy đấy - Mark nói.
Teri mở miệng ra định trả lời, nhưng lại thôi vì không biết phải nói gì. Cô nhấc nhẹ chân khỏi chân ga xe và để kim đồng hồ dao động quanh số 120.
- Một năm du lịch xong rồi, cậu có định tiếp tục đi học không? - Cô lịch sự hỏi, cố chuyển hướng cuộc trò chuyện.
- Dĩ nhiên rồi. Tôi muốn học nhiều thứ lắm, có rất nhiều khóa học tôi muốn ghi danh - Cậu vừa nói vừa cười - Có khi tôi là sinh viên tới năm bốn mươi tuổi!
- Vậy thì tốt! - Teri lơ đãng - Tôi chưa bao giờ thật sự thích đi học. Ngồi trong lớp giờ này sang giờ kia nghe giáo viên giảng bài giọng đều đều làm tôi chán phát khóc lên được. Chỉ tới khi Brian, à đó là tên chồng tôi, dạy tôi nhiều thứ, tôi mới bắt đầu thấy thích học. Hồi đó anh ấy hay trêu tôi vì tôi hỏi nhiều quá - Cô hít một hơi thật sâu - Bây giờ thì anh ấy chẳng buồn dạy tôi gì nữa.
- Vậy chị có buồn hỏi anh ấy gì nữa không?
Teri lắc đầu. Cô đã không hỏi anh gì nữa kể từ ba năm trước.
- Có khi chị phải nghỉ ngơi một thời gian - Mark nói khẽ - Đi du lịch. Dành một ít thời gian riêng cho chính mình.
- Một mình à? - Cô ngạc nhiên hỏi - Tôi không chắc liệu Brian có muốn tôi đi một mình không.
- Chị có bao giờ hỏi anh ấy chưa?
- Chắc là chưa.
- Có khi chị nên hỏi.
- Có khi tôi sẽ hỏi.
- Tôi dám cá anh ấy sẽ khuyên chị nên đi. Nếu anh ấy yêu chị, anh ấy sẽ nói vậy.
Teri gật đầu. Có lẽ Brian sẽ đồng ý, mặc dù thay vì đi một mình, có thể hai người nên đi nghỉ đâu đó với nhau. Một kỳ nghỉ yên tĩnh, không có điện thoại và fax, không có Internet và email. Chỉ có hai người, cùng nhau tìm lại những sức hút ban đầu.
- Chị làm gì để giải trí? - Mark xoay người trên ghế nhìn cô.
- Giải trí? - Một thời gian dài cô đã không nghĩ gì tới “giải trí”. Có vẻ trẻ con thật, cô nghĩ, rồi nói - Tôi đi mua sắm.
- Nhưng chị làm gì chung với chồng chị để giải trí?
Câu trả lời đúng là “Không làm gì hết”, nhưng cô không biết phải nói như thế nào.
Họ lái xe đi trong im lặng. Cô có thể cảm nhận được vẻ chỉ trích không nói ra từ Mark. Cuộc sống của cô có quá rõ ràng không? Xe hơi xa xỉ, quần áo đắt tiền, chồng làm kinh doanh cứ đi xa để lại cô vợ bất mãn ở nhà?
- Cậu không hiểu được đâu, Mark. Cuộc sống không phải lúc nào cũng trông như bề ngoài.
- Có vẻ như chị vẫn ổn mà.
- Tôi không nói về vật chất. Tôi muốn nói về thời gian. Khi tôi ở tuổi cậu - cũng cách đây không lâu lắm đâu - tôi thường nghĩ tôi có tất cả thời gian theo ý mình. Nhưng sau đám cưới, ngay cả trước khi cưới, lúc nào thời gian của tôi cũng bị đòi hỏi phải làm cái này cái kia. Bây giờ có vẻ như tôi chẳng có lúc nào cho riêng mình nữa.
- Ngay cả khi chồng chị đi vắng?
- Đặc biệt khi anh ấy đi vắng. Tôi phải lo chuyện nhà, rồi những ràng buộc xã hội, những tổ chức từ thiện tôi tình nguyện làm. Khi đã leo lên vòng quay, mình khó mà leo xuống được - Cô kết thúc câu nói một cách yếu ớt.
Cũng chiếc vòng quay ấy đã mang lại cho cô mối tình vụng trộm đầu tiên. Khi Brian đi vắng, cô đã giao mình cho guồng xoáy xã hội, lấp đầy những giờ trống bằng những chuyện vớ vẩn và một anh chàng môi giới chứng khoán đẹp trai có một cô vợ tóc vàng và ba đứa con cũng tóc vàng.
- Dĩ nhiên là được. Chị cứ leo xuống vòng quay.
- Cậu chỉ là một đứa trẻ thôi - Cô nổi nóng - Cậu không biết cậu đang nói gì đâu, đơn giản là cậu không hiểu được đâu.
- Có khi tôi hiểu nhiều hơn chị tưởng - Anh nhẹ nhàng - Tôi nghĩ chị đang thấy dằn vặt.
- Dằn vặt? Cậu nói gì kỳ vậy?
- Nói chị đấy! - Mark cười - Chẳng cần phải là Sherlock Holmes cũng biết được chuyện gì đang xảy ra. Chị chẳng bảo tôi chị lái xe về phía Bắc đón chồng để hai người có vài tiếng đồng hồ trò chuyện đó sao. Chị còn nói để có thể giải quyết mọi việc. Có vẻ sẽ là cuộc trò chuyện quan trọng đấy.
Teri lại liếc nhìn anh. Anh thật sự rất đẹp trai. Làn da không một nếp nhăn, răng trắng và đều. Teri lại thấy sự thao thức trước đây trở lại trong lòng. Ước gì mình bằng tuổi cậu ta và cả hai đều tự do như cánh chim không gì ràng buộc. Ngay lúc đó anh quay lại nhìn cô, mắt anh gặp mắt cô, và cô hoàn toàn tin chắc anh biết chính xác cô đang nghĩ gì.
- Tôi thấy chị đang dằn vặt - Mark cười - Chị có làm gì đó. Rồi chị lưỡng lự nửa muốn thú nhận với chồng, nửa muốn im lặng.
Teri mím môi không nói. Cô có nên nói với Brian về hai lần ngoại tình, hay không nói gì và cố giữ gìn cuộc hôn nhân hiện có.
- Có khi anh ấy biết đấy! - Mark nói khẽ, không nhìn cô.
- Ý cậu muốn nói gì? - Cô gặng.
- Chị có nói anh ấy thông minh và thành đạt mà. Có khi anh ấy biết hết và chỉ chờ chị thú nhận thôi.
- Cậu học ngành tâm lý học phải không? - Cô cáu kỉnh.
- Không, học kinh doanh.
- Brian cũng học khoa kinh doanh. Tôi ngoại tình một lần, không, hai lần - Cô khẽ nói, cảm thấy bị sốc vì đã thú nhận điều này với một người lạ - Cậu có nghĩ anh ấy sẽ tha thứ không?
- Anh ấy có yêu chị không? - Mark hỏi, rất nhẹ nhàng.
- Có - Teri thừa nhận.
- Nếu chị thành thật nói với anh ấy, anh ấy sẽ tha thứ đấy. Khi yêu, người ta có thể tha thứ cho nhau mọi điều.
Teri im lặng suốt vài dặm đường, rồi gật đầu:
- Cậu nói đúng. Tôi sẽ bảo anh ấy. Trước khi nói chuyện với cậu, tôi sợ không dám nói cho anh ấy biết vì không muốn làm anh ấy tổn thương.
- Nếu anh ấy đã biết rồi, thì khi chị không nói anh ấy càng tổn thương hơn.
- Cậu khá sâu sắc đối với một sinh viên khoa kinh doanh đấy.
- Kinh doanh là cuộc sống - Anh nói nhỏ, gần như thì thầm - Hiểu một điều, rồi sẽ hiểu điều tiếp theo.
- Brian cũng nói y như cậu vậy - Cô nói.
***
Họ lái xe trong im lặng. Có lẽ anh chàng đi nhờ xe đang gà gật ngủ. Teri thấy mừng vì đã cho anh đi nhờ, anh nói đúng: cô cần phải thành thật với Brian. Cô sẽ thú nhận tất cả với chồng. Và nếu Brian và cô phải chia tay, cô sẽ làm những điều Mark đề nghị: bước ra khỏi vòng quay cuộc sống và dành một ít thời gian cho chính mình.
- Cậu muốn tôi cho cậu xuống chỗ nào? - Cô hỏi khi thấy anh cựa mình trên ghế.
- Chị lái xe tới sân bay đúng không? Vậy được rồi, tôi sẽ xuống đó.
Cô bật cười:
- Cậu không đi nhờ máy bay được đâu đấy nhé!
- À không - Anh nói rồi tiếp tục nhìn ra cửa xe.
Sự im lặng của anh bắt đầu làm cô thấy không thoải mái.
Chiếc BMW lăn bánh vào bãi đậu xe, cô liếc nhìn đồng hồ. Chuyến bay của Brian có lẽ đã hạ cánh rồi, cô phải nhanh lên mới được.
- Cậu lấy giỏ đi - Sốt ruột, cô vừa leo khỏi xe vừa nói, chờ đợi người ngồi cạnh cũng sẽ bước ra từ phía ghế bên kia.
Nhưng khi cô đi một vòng quanh xe, không thấy anh đâu.
Anh cũng không còn ngồi chỗ ghế xe cạnh cô. Cô bối rối nhìn xung quanh, gọi “Mark, Mark”.
Teri liếc nhìn vào trong cốp xe. Không thấy ba lô của anh. Anh đi đâu rồi? Cô không nghĩ anh chỉ lấy giỏ rồi đi mà không nói một lời nào như vậy.
Teri dập cốp xe lại rồi đi bộ vào khu vực đón khách ở sân bay. Hay là cô đã tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ này, hay là mơ thấy nó? Nhưng mọi thứ đều không thể thật hơn. Cô còn nghe cả mùi mồ hôi của anh, cả tiếng cười pha trò của anh nữa. Trông anh cũng thật quen, nét cằm cương nghị, đôi vai hơi nghiêng nghiêng...
Anh trông rất giống Brian.
Đột nhiên, cô lạnh toát người nhận ra anh giống Brian biết bao nhiêu. Và tên lót của Brian là Mark.
***
Viên chức hãng máy bay với vẻ mặt thông cảm đến mức chuyên nghiệp ngồi cạnh và nắm tay cô.
- Chúng tôi đã cố liên lạc với cô, nhưng di động của cô tắt. Lúc còn trên chuyến bay chồng cô ngã bệnh nặng đột ngột và máy bay phải quay lại London. Có một cô y tá trên chuyến bay và cô ấy đã làm hết sức để cứu anh ấy. Nhưng chúng tôi rất lấy làm tiếc, anh ấy qua đời trước khi máy bay hạ cánh.
Môi cô khô khốc đến nỗi phải cố gắng lắm cô mới mấp máy môi được.
- Lúc nào? - Cuối cùng cô cũng thì thầm nói, có cảm giác thế giới bắt đầu quay mòng xung quanh cô.
- Cách đây khoảng chín mươi phút.
Cách đây khoảng chín mươi phút, cô đón anh chàng đi nhờ xe đang ngồi bên đường.
- Anh ấy có nói gì không?
- Cô y tá kể lại anh ấy chỉ lặp đi lặp lại tên cô... và tên một người đàn ông.
- Mark!
NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN (dịch)
______________
Nguyên tác: The hitch-hiker, trích trong tuyển tập "Thirty and fabulous".
Anna Dillon là bút danh của Michael Scott, nhà văn Ireland với nhiều cuốn tiểu thuyết best-seller như Season, Another Season, Season's End, The Affair, Consequences, Lies...
Thứ Hai, 29 tháng 10, 2007
Những hi vọng và sợ hãi của Keane
Keane là tên của một ban nhạc Anh, có phong cách chơi nhạc giống các nhóm Coldplay hoặc Travis, song với một khác biệt rõ nét là dựa vào đàn piano hơn là guitar. Keane từng đoạt hai giải Brit Awards của làng nhạc Anh năm 2005 cùng một giải Ivor Novello năm 2005 dành cho các nhà sáng tác.
Ban nhạc Keane |
Nếu các fan của những boyband đều trong độ tuổi vị thành niên tóc nhuộm xanh đỏ ăn mặc đúng mốt tuổi teen, còn các fan của Linkin Park hay Red Hot Chili Peppers rất “giang hồ” xăm trổ đầy mình, thì fan của Keane chững chạc và trầm hơn, không trầm như khán giả nhạc giao hưởng hoặc cổ điển mà trầm kiểu đương đại, cũng giống như thể loại nhạc của Keane. Khán giả của Keane có đời sống sung túc nhưng không theo chủ nghĩa tiêu thụ mà luôn trong hành trình tìm kiếm chính bản thân mình và luôn tự vấn mình là ai trong cuộc đời, như trong bài hát đầu tiên Keane ra mắt trong đĩa đơn và cũng là bài bắt đầu buổi biểu diễn: Everybody's changing (Ai cũng đang thay đổi)
You say you wander your own land
But when I think about it
I don't see how you can
You're aching, you're breaking
And I can see the pain in your eyes
Says everybody's changing
And I don't know why
...
I try to stay awake and remember my name
But everybody's changing
And I don't feel the same
(Bạn nói bạn lang thang trong thế giới của riêng mình
Nhưng khi suy nghĩ về điều đó tôi không hiểu nổi tại sao
Bạn đau đớn, bạn đổ vỡ
Và tôi có thể thấy nỗi đau trong mắt bạn
Như muốn nói ai cũng đang thay đổi
Và tôi không hiểu nổi tại sao.
...
Tôi cố tỉnh táo và cố nhớ tên mình
Nhưng ai cũng đang thay đổi
Còn tôi lại không cùng cảm giác)
Keane gồm ba chàng trai trẻ: Tom Chaplin (28 tuổi, giọng ca chính kiêm đàn piano và guitar), Richard Huges (33 tuổi, trống) và Tim Rice-Oxley (32 tuổi, piano). Lớn lên ở một thị xã nhỏ bé miền nam ít thú tiêu khiển, những thành viên của Keane chập chững bước vào thế giới âm nhạc với công cụ hỗ trợ là chiếc máy nghe nhạc Walkman và cuốn bài hát Beatles. Năm 1999, cả ba và một cựu thành viên là tay guitar Dominic rời miền quê lên London với tham vọng chinh phục thế giới. Sau hai năm không có lấy một hợp đồng thu âm nào, Dominic rời ban nhạc, ba người còn lại vỡ mộng dắt nhau về quê. Không nản chí, Keane đến một nông trại đổ nát ở Pháp tiếp tục thu âm để đầu năm 2003 trở lại London thử thời vận thêm lần nữa.
Các chàng trai trẻ nhớ lại những ngày đó: “Chúng tôi mua thức ăn và xăng cho ngày hôm nay bằng số tiền ít ỏi kiếm được từ buổi biểu diễn đêm hôm trước. Còn lại bao nhiêu tiền cho vào một hộp nhựa đậy kín”. Thời “hàn vi” kéo dài hơn một năm cho đến khi ra đời album đầu tiên Hopes and fears (Những hi vọng và sợ hãi) giữa năm 2004, bán được 5 triệu bản trên toàn thế giới.
Trong buổi biểu diễn tôi đi xem, sau vài bài hát đầu tiên trước đám đông “cuồng nhiệt một cách chững chạc”, ca sĩ chính “cảm ơn London” và tâm sự với khán giả rằng Keane gắn bó với thủ đô nước Anh đến mức nào, từ thời còn hát trước vỏn vẹn vài khán giả đến lúc lên đỉnh cao được ngưỡng mộ khắp nơi. Có một thời sau album đầu tiên, ban nhạc tưởng chừng như tan rã nhưng niềm tin của người hâm mộ đã vực họ dậy. Album thứ hai Under the iron sea (Dưới biển sắt) ra đời năm 2006 được sáng tác để “đối mặt với những nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi, để phân tích mối quan hệ giữa các thành viên với nhau, với những người khác và với cả thế giới, cũng như để bắt đầu một cuộc hành trình vào những nơi đen tối nhất chúng tôi tìm thấy được”.
Cũng vì vậy mà Under the iron sea khác cách nhìn thế giới hơi ngây thơ trong Hopes and fears. Những bài hát trong album mới được tạo ra như những câu chuyện “trong thế giới thần tiên bị biến dạng, với cảm giác mơ hồ lẫn lộn của một nơi đen tối dưới một biển sắt khó xuyên qua” như lời tự sự của các thành viên.
Và có lẽ Keane thu hút những khán giả tinh tế nhờ những bài hát không chỉ đơn thuần nói về tình yêu mà còn về thân phận, về chiến tranh và sự đổ vỡ. Trong buổi biểu diễn, trước bài A bad dream (Một giấc mơ buồn), Tom giải thích cho khán giả bài hát này dựa trên bài thơ của William B.Yeats Một phi công người Ailen thấy trước cái chết của mình: “Chúng tôi muốn tạo ra sự cân bằng giữa một chuỗi sự kiện như giấc mơ, bắt đầu một cách lặng lẽ. Cảm giác giống như trên máy bay chiến tranh bay cao trên trời, cao đến nỗi bạn không thể nghe được tiếng súng bên dưới. Và nó gần như một sự im lặng thanh thản mà bài thơ này của Yeats lột tả...”.
Bài hát cũng bắt đầu một cách lặng lẽ:
Why do I have to fly
over every town up and down the line?
I'll die in the clouds above
(Tại sao tôi phải bay cao
Trên đầu những thành phố làng mạc bên dưới?
Tôi sẽ chết giữa những đám mây trên trời)
... nhưng càng về sau càng lớn tiếng và càng giận dữ. “Tiếng piano chói tai ở giữa bài như một cố gắng bộc lộ hết tất cả những giận dữ bùng nổ...” như lời tay piano Rice-Oxley.
I wake up, it's a bad dream,
No one on my side,
I was fighting
But I just feel too tired
to be fighting,
guess I'm not the fighting kind.
Wouldn't mind it
if you were by my side
But you're long gone,
yeah you're long gone now.
(Tôi thức dậy, đó là một giấc mơ buồn
Không ai bên cạnh tôi
Tôi chiến đấu
Nhưng tôi chỉ cảm thấy mệt mỏi
Tôi đoán có lẽ tôi không phải người được sinh ra để chiến đấu.
Có lẽ tôi sẽ không phiền
Nếu bạn bên cạnh tôi.
Nhưng bạn đã ra đi từ lâu
Ừ, bạn đã ra đi từ lâu...)
Buổi biểu diễn kết thúc, cả ba thành viên đã bước vào bên trong nhưng tôi cũng hòa vào tiếng vỗ tay liên hồi kéo dài nhiều phút liền khiến họ phải trở lại sân khấu hát thêm vài bài nữa chiều lòng khán giả. Và bài hát kết thúc Somewhere only we know như làm trái tim mọi người đập rộn rã trong lồng ngực:
And if you have a minute why don't we go
Talk about it somewhere only we know?
This could be the end of everything
So why don't we go
Somewhere only we know?
(Nếu bạn có ít thời gian, tại sao ta không đi đến một nơi
Một nơi chỉ có mình ta biết, để nói về điều ấy
Đây có thể là kết thúc của tất cả mọi thứ
Vậy tại sao ta không đi
Đi đến một nơi chỉ có mình ta biết)
Dù nơi ấy có “những hi vọng và sợ hãi” hay ở “dưới biển sắt” mênh mông, đó là “một nơi chỉ có mình ta biết”. Chỉ có Keane và những người đồng cảm với Keane biết nơi ấy mà thôi.
Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2007
“Sóng bạc đầu và núi chìm sâu”...
Tôi không biết mình bị ám ảnh bởi những công trình bằng đá từ khi nào, có lẽ từ năm 21 tuổi, sống một tuần lễ trong tòa lâu đài bằng đá từ thế kỷ 14 ở một nơi xa xôi.
Với tôi, đá là một vật thể vừa xa lạ vừa gần gũi, vừa nóng bỏng vừa lạnh lẽo, vừa liêu trai vừa hiện thực.
Đá cũng là tiền thân của nền văn minh nhân loại, vì thế mà có tên “thời kỳ đồ đá”, và những nền văn minh trên thế giới cũng đã tạo nên những công trình kỳ vĩ từ đá để lại cho loài người. Cũng từ đó tôi bắt đầu hành trình khám phá những công trình ấy và đã từng tận mắt nhìn thấy Stonehenge ở Anh, Angkor ở Campuchia, đấu trường La Mã ở Ý, Acropolis ở Hi Lạp... Tất cả đều mang lại cảm giác vừa thích thú vừa sợ hãi, thấy con người nhỏ bé và mong manh.
Cảm giác vừa thích thú vừa sợ hãi đó mạnh mẽ nhất khi tôi đến Giant's Causeway trong chuyến đi Bắc Ireland mới đây. Giant's Causeway, dịch nôm na “lối cao của người khổng lồ”, là hệ thống đá kỳ bí xếp chồng bên biển thành những bậc thang đều đặn đến nỗi ai cũng tưởng do con người xếp đặt nên. Tuy nhiên, khoa học đã khẳng định hiện tượng thiên nhiên này bắt nguồn hơn 60 triệu năm trước từ những chấn động mạnh mẽ của núi lửa. Khi núi lửa phun trào, những dòng nham thạch nóng bỏng chảy tràn, đốt cháy rồi lấp đầy phần núi bên cạnh cũng như những cánh rừng và thung lũng trên núi. Để rồi một triệu năm sau lớp nham thạch đá bazan này mới nguội lại, thu nhỏ thành những khối đá hình lục giác đều đặn bằng nhau. Hai triệu năm sau đó, núi lửa lại phun, lần này lớp nham thạch là một chất hơi khác nên những cột đá tạo thành không đều đặn như lần trước.
Gần đây nhất, khi kết thúc kỷ Băng hà 15.000 năm trước, những tảng băng biển chầm chậm trôi qua những vách đá bazan, xói mòn bờ đá và tạo nên Giant's Causeway của ngày nay.
Lối đi xuống Giant's Causeway không gian nan khó khăn như tôi nghĩ và chỉ cách đường xe chạy hơn một cây số. Với những ai lười đi bộ, đã có một chuyến xe buýt chuyên phục vụ chở du khách từ trạm dừng xuống dưới rồi lên trên trở lại sau khi tham quan xong. Nhưng vì không muốn chung đoàn với những du khách có ngoại hình như thể cả đời không tập thể dục và luôn ăn ba bữa tại McDonald's hay Burger King, chúng tôi chọn hướng tản bộ. Quả là một lựa chọn đúng đắn vì mặt trời ấm áp chiếu sáng trên đầu, đường đi quanh co một bên vách đá hùng vĩ một bên biển xanh phẳng lặng.
Chỉ sau hơn 15 phút, Giant's Causeway đã hiện ra trước mắt. “Sóng bạc đầu và núi chìm sâu”... Có lẽ không nơi nào câu hát này mang ý nghĩa như nơi đây. Đó là một buổi chiều cuối hè đầu thu, khi đại dương mạnh mẽ dâng trào phủ chồng lên những bờ đá thấp đã từng là núi thuở hồng hoang, bây giờ chìm sâu dưới sóng. Và sóng tung dữ dội trắng xóa. Trời xanh thẳm, mây phớt nhẹ một lớp mỏng mượt mà như thể những con sóng bạc đầu đã phủ cả lên trời, để lại một lớp mỏng bọt sóng màu mây...
Du khách đứng lô nhô trên bờ đá, nắng hắt những bóng người in trên những bậc thang đều chằn chặn. Tôi vơ vẩn nghĩ có thể vài năm nữa, biết đâu Hollywood sẽ chọn nơi này làm bối cảnh cho một bộ phim đầy kịch tính về một đoàn thám hiểm (trong đó có một cô gái xinh đẹp và một chàng trai trẻ lạnh lùng, đúng theo phong cách Hollywood) đi thăm Giant's Causeway vào thế kỷ 21 đúng lúc núi lửa bất thình lình phun trở lại chẳng hạn. Ý nghĩ đó làm trong tôi dấy lên một nỗi lo sợ mơ hồ, thấy con người quả bất lực trước thiên nhiên kỳ ảo và mạnh mẽ. Hải âu bay trên đầu, tiếng kêu chìm khuất trong tiếng sóng ập vào bờ đá.
Tôi đứng trên một trong số bốn vạn cột đá bazan hình thành nên Giant's Causeway, hầu như tất cả đều có bề ngang khoảng 30cm, phần lớn hình lục giác nhưng cũng có một số có năm, bảy, tám hay mười cạnh. Đá ở đây chứa nhiều hàm lượng sắt nên có màu xám xanh rất liêu trai. Phía bên dưới tôi, một cô bé khoảng bốn tuổi đang vừa ôm chặt lưng mẹ vừa nhìn ra biển, em còn quá nhỏ để cảm nhận hết những gì xung quanh mình, em thấy gì ở những bậc thang đá và đại dương mênh mông bên dưới? Tôi hi vọng mẹ em kể cho em nghe huyền thoại về Giant's Causeway, về người khổng lồ Ireland tên Finn MacCool đặt những tảng đá này xuống biển để người yêu sống trên đảo Staffa ở Scotland có thể bước sang thăm. Xem ra huyền thoại đó vui và lãng mạn hơn những giải thích khoa học kia rất nhiều.
Chúng tôi ngồi nghỉ chân giữa một vòm đá cao khuất gió. Khu vực này được gọi là Honeycomb vì những cột đá cao thấp hình dáng như tổ ong, bây giờ tôi mới hiểu vì sao những cửa hàng ở khu vực này đều bán một loại kẹo đặc sản được làm từ mật ong nguyên chất, bột và đường, được nắn giống y khu Honeycomb ở lối cao. Nhớ tới đây, tôi lấy gói kẹo tổ ong vừa mua ra nhấm nháp, nỗi lo sợ mơ hồ ban nãy biến đâu mất, thay vào đó là cảm giác dễ chịu trước đá và biển. Tôi nghiệm ra con người không nên sợ hãi mà nên tôn trọng thiên nhiên.
Nếu biết tôn trọng và không làm hại đến thiên nhiên, không có lý do gì để thiên nhiên chống lại và làm tổn thương con người. Lúc đó tôi mới nhận ra giữa những tảng đá xám cỏ vẫn mọc xanh rờn, và dưới chân tôi hoa cúc dại nở vàng xen lẫn trong cỏ giữa mênh mông đại dương và đá trầm tích. Có khi hoa vẫn nở như thế này từ sau kỷ Băng hà, khi tôi và tất cả du khách ở đây còn chưa là những hạt bụi bay trong trời đất. Và biết đâu Thackeray(*) cũng cảm thấy như tôi khi ông đến thăm Giant's Causeway và để lại câu nói bất hủ: “Khi thế giới được nắn lại và tạo hình từ khối hỗn mang, đây hẳn là phần còn sót lại - những tàn tích của thuở hồng hoang”...
(*) Tác giả cuốn tiểu thuyết Hội chợ phù hoa.
Với tôi, đá là một vật thể vừa xa lạ vừa gần gũi, vừa nóng bỏng vừa lạnh lẽo, vừa liêu trai vừa hiện thực.
Mây phớt nhẹ một lớp mượt mà như thể những con sóng bạc đầu đã phủ cả lên trời, để lại một lớp mỏng bọt sóng màu mây |
Cảm giác vừa thích thú vừa sợ hãi đó mạnh mẽ nhất khi tôi đến Giant's Causeway trong chuyến đi Bắc Ireland mới đây. Giant's Causeway, dịch nôm na “lối cao của người khổng lồ”, là hệ thống đá kỳ bí xếp chồng bên biển thành những bậc thang đều đặn đến nỗi ai cũng tưởng do con người xếp đặt nên. Tuy nhiên, khoa học đã khẳng định hiện tượng thiên nhiên này bắt nguồn hơn 60 triệu năm trước từ những chấn động mạnh mẽ của núi lửa. Khi núi lửa phun trào, những dòng nham thạch nóng bỏng chảy tràn, đốt cháy rồi lấp đầy phần núi bên cạnh cũng như những cánh rừng và thung lũng trên núi. Để rồi một triệu năm sau lớp nham thạch đá bazan này mới nguội lại, thu nhỏ thành những khối đá hình lục giác đều đặn bằng nhau. Hai triệu năm sau đó, núi lửa lại phun, lần này lớp nham thạch là một chất hơi khác nên những cột đá tạo thành không đều đặn như lần trước.
Gần đây nhất, khi kết thúc kỷ Băng hà 15.000 năm trước, những tảng băng biển chầm chậm trôi qua những vách đá bazan, xói mòn bờ đá và tạo nên Giant's Causeway của ngày nay.
Từ trên cao nhìn xuống, thật khó tin thiên nhiên có thể tạo ra những bậc đá đều đặn như thế này |
Chỉ sau hơn 15 phút, Giant's Causeway đã hiện ra trước mắt. “Sóng bạc đầu và núi chìm sâu”... Có lẽ không nơi nào câu hát này mang ý nghĩa như nơi đây. Đó là một buổi chiều cuối hè đầu thu, khi đại dương mạnh mẽ dâng trào phủ chồng lên những bờ đá thấp đã từng là núi thuở hồng hoang, bây giờ chìm sâu dưới sóng. Và sóng tung dữ dội trắng xóa. Trời xanh thẳm, mây phớt nhẹ một lớp mỏng mượt mà như thể những con sóng bạc đầu đã phủ cả lên trời, để lại một lớp mỏng bọt sóng màu mây...
Du khách đứng lô nhô trên bờ đá, nắng hắt những bóng người in trên những bậc thang đều chằn chặn. Tôi vơ vẩn nghĩ có thể vài năm nữa, biết đâu Hollywood sẽ chọn nơi này làm bối cảnh cho một bộ phim đầy kịch tính về một đoàn thám hiểm (trong đó có một cô gái xinh đẹp và một chàng trai trẻ lạnh lùng, đúng theo phong cách Hollywood) đi thăm Giant's Causeway vào thế kỷ 21 đúng lúc núi lửa bất thình lình phun trở lại chẳng hạn. Ý nghĩ đó làm trong tôi dấy lên một nỗi lo sợ mơ hồ, thấy con người quả bất lực trước thiên nhiên kỳ ảo và mạnh mẽ. Hải âu bay trên đầu, tiếng kêu chìm khuất trong tiếng sóng ập vào bờ đá.
Tôi đứng trên một trong số bốn vạn cột đá bazan hình thành nên Giant's Causeway, hầu như tất cả đều có bề ngang khoảng 30cm, phần lớn hình lục giác nhưng cũng có một số có năm, bảy, tám hay mười cạnh. Đá ở đây chứa nhiều hàm lượng sắt nên có màu xám xanh rất liêu trai. Phía bên dưới tôi, một cô bé khoảng bốn tuổi đang vừa ôm chặt lưng mẹ vừa nhìn ra biển, em còn quá nhỏ để cảm nhận hết những gì xung quanh mình, em thấy gì ở những bậc thang đá và đại dương mênh mông bên dưới? Tôi hi vọng mẹ em kể cho em nghe huyền thoại về Giant's Causeway, về người khổng lồ Ireland tên Finn MacCool đặt những tảng đá này xuống biển để người yêu sống trên đảo Staffa ở Scotland có thể bước sang thăm. Xem ra huyền thoại đó vui và lãng mạn hơn những giải thích khoa học kia rất nhiều.
Chúng tôi ngồi nghỉ chân giữa một vòm đá cao khuất gió. Khu vực này được gọi là Honeycomb vì những cột đá cao thấp hình dáng như tổ ong, bây giờ tôi mới hiểu vì sao những cửa hàng ở khu vực này đều bán một loại kẹo đặc sản được làm từ mật ong nguyên chất, bột và đường, được nắn giống y khu Honeycomb ở lối cao. Nhớ tới đây, tôi lấy gói kẹo tổ ong vừa mua ra nhấm nháp, nỗi lo sợ mơ hồ ban nãy biến đâu mất, thay vào đó là cảm giác dễ chịu trước đá và biển. Tôi nghiệm ra con người không nên sợ hãi mà nên tôn trọng thiên nhiên.
Nếu biết tôn trọng và không làm hại đến thiên nhiên, không có lý do gì để thiên nhiên chống lại và làm tổn thương con người. Lúc đó tôi mới nhận ra giữa những tảng đá xám cỏ vẫn mọc xanh rờn, và dưới chân tôi hoa cúc dại nở vàng xen lẫn trong cỏ giữa mênh mông đại dương và đá trầm tích. Có khi hoa vẫn nở như thế này từ sau kỷ Băng hà, khi tôi và tất cả du khách ở đây còn chưa là những hạt bụi bay trong trời đất. Và biết đâu Thackeray(*) cũng cảm thấy như tôi khi ông đến thăm Giant's Causeway và để lại câu nói bất hủ: “Khi thế giới được nắn lại và tạo hình từ khối hỗn mang, đây hẳn là phần còn sót lại - những tàn tích của thuở hồng hoang”...
(*) Tác giả cuốn tiểu thuyết Hội chợ phù hoa.
Thứ Năm, 13 tháng 9, 2007
Thiên đường berry
Tiểu thuyết gia người Mỹ Henry James có một câu nói nổi tiếng: “Summer afternoon... the two most beautiful words in the English language” (Chiều hè... đó là hai từ đẹp nhất trong tiếng Anh).
Quả thật đối với dân phương Tây, đặc biệt là dân Anh quanh năm “chịu trận” gió rét mưa phùn, những ngày hè ngắn ngủi với mặt trời tỏa nắng vàng như mật suốt từ sáng sớm tinh mơ đến gần nửa đêm đúng là thiên đường.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một nước nhiệt đới, nắng vàng đối với dân châu Âu hiếm hoi quí báu nhưng tôi thấy cũng bình thường. Vì vậy mùa hè đối với tôi là một thiên đường khác, thiên đường berry.
Berry là từ chung chỉ những quả mọng nước như dâu, mâm xôi, man việt quất... Đến hè, khoảng từ tháng sáu đến đầu tháng chín, berry chín khắp nơi, trái căng bóng tưởng chừng có thể nứt ra bất cứ lúc nào. Có lẽ tôi nên bắt đầu từ những trái dâu sương gắn bó với tôi hơn bất kỳ loại trái cây nào khác (thật ra “dâu sương” là chữ tôi đặt cho blackberry, vì từ điển Anh - Việt gọi chung blackberry và raspberry là trái mâm xôi, trong khi đây là hai loại quả khác nhau).
Thời còn sinh viên đi học ở Southampton, nhà tôi gần một công viên lớn, mọc đầy những bụi dâu sương trái to bằng ngón tay cái, chín đen mọng, mắt dâu nở ra như những giọt sương trong suốt. Mỗi lần mua kem về ăn xong chúng tôi thường rửa sạch hộp kem để dành đi hái dâu sương, mỗi lần hái đầy ắp hộp kem một ký. Lúc mới hái còn tham lam, hái cả những trái vừa mới chín còn một phần đỏ chưa chuyển màu đen hết và còn chua, sau nhiều quá tôi chỉ lựa những trái đen thẫm, múi nở to mọng nước vừa ngọt vừa chua thanh, ăn với kem vani beo béo ngon hết biết.
Tôi trở lại Anh vào đúng mùa hè năm nay và thấy mình quả có duyên với dâu sương, trước trạm xe buýt của công ty tôi làm là cả một bụi dâu sương khổng lồ, hoa trắng hồng ong bay vo ve xung quanh, trái chín lúc lỉu mà không ai hái. Lâu lâu đi làm về sớm tôi lại tạt qua, hái nguyên một túi đầy về nhà ăn tráng miệng với kem hoặc yaourt. Ở siêu thị hoặc các cửa hàng trái cây bán dâu sương thường thêm một bảng quảng cáo viết bằng phấn: “Chín dưới ánh mặt trời, mới hái bằng tay”. (Dân châu Âu rất chuộng những gì thuộc về thiên nhiên và làm bằng tay, nhưng tôi tự hỏi dâu sương không hái bằng tay thì hái bằng gì?).
Các bạn chung nhà của tôi rất thích mỗi khi tôi mang món này về và thường bắt chước quảng cáo nói đùa “chín dưới ánh mặt trời, mới hái bằng tay với tất cả tình thương yêu trìu mến”. Đặt những trái dâu sương đen thẫm mọng nước căng tròn vào đĩa sứ, rưới yaourt trắng muốt lên trên trông thật ngon mắt, chỉ nhìn đã có thể tưởng tượng vị dâu sương vỡ ra trong miệng khi cắn. Đặc biệt, dâu sương trong bụi cây tôi hái không trái nào ăn giống trái nào, vị ngọt thanh của mỗi trái mang mỗi sắc thái khác nhau, quyện với yaourt lành lạnh thật hòa hợp.
Có hình dáng hơi giống dâu sương nhưng màu đỏ tươi, trái mâm xôi (raspberry) không mọc hoang mà phải được trồng. Vườn nhà Alastair bạn tôi ở Harpenden có một bụi lớn, tôi thường mang ủng ra hái vì đất dưới bụi cây sau cơn mưa thường rất nhão và trơn. Rất dễ tìm trái mâm xôi vì màu đỏ nổi bật trên nền lá xanh có răng cưa, trông xa hơi giống lá nho. Đặt những trái mâm xôi tươi rói lăn qua lăn lại, trái chín cây mềm mại trên tay tỏa mùi thơm mát dễ chịu. Chúng tôi đứng cạnh bụi mâm xôi, hái trái nào ăn trái nấy tại vườn tràn ngập nắng, có lần vì ham hái quá bị gai cào xước tay mà không hay biết, vẫn thấy mùa hè châu Âu thật dễ chịu biết bao! Ăn không hết chúng tôi mới mang vào nhà để dành ăn với bánh phô mai mới nướng hoặc với kem lạnh hương rượu thơm nồng vào những buổi chiều hè mặt trời lặn lúc 11g khuya.
Dave, anh bạn chủ nhà của tôi ở London, chưa tới ba mươi tuổi nhưng tay nghề làm vườn “trình độ” như những người trung niên. Mảnh vườn nhỏ nhắn gọn gàng được chia thành từng luống xinh xắn, luống hoa diên vĩ vàng chen tím, luống hoa cúc trắng, luống hoa phong lữ đỏ, luống xà lách xanh rờn, luống đậu, luống bạc hà..., và đặc biệt tôi rất để ý luống dâu tây (strawberry) của anh. Đây có lẽ là loại trái duy nhất đề cập ở đây có ở VN.
Không phải chuộng ngoại và không nói ngoa chút nào: dâu tây ở... Tây ngon hơn dâu tây Đà Lạt rất nhiều: trái căng tròn được mặt trời xối lên những tia nắng hè chuyển màu từ xanh sang đỏ ối. Luống dâu nhà Dave lúp xúp dưới đất trái trĩu xuống đụng cả vào nền rải sỏi, đi không để ý rất dễ giẫm vào và không khỏi xuýt xoa tiếc nuối. Dâu và kem (không phải kem lạnh - ice cream - mà là kem đặc quánh) là món tráng miệng đúng nghĩa của mùa hè, cầm trái dâu đỏ còn nguyên cuống lá quệt vào kem dẻo mịn rồi đưa lên mũi, nghe mùi nắng và gió hè, mùi đất ngai ngái của lùm dâu, mùi những cánh đồng miền quê nước Anh có đàn bò sữa gặm cỏ, rồi cắn ngập răng vào trái dâu thơm mát quyện mùi kem béo ngậy tan trên đầu lưỡi.
Thiên đường berry mùa hè của tôi còn nhiều, nhiều lắm. Những trái dâu xanh (blueberry) màu xanh tím tròn trĩnh to bằng móng tay có núm ở dưới cuống trông thật ngộ. Những trái man việt quất (cranberry) chua thanh nổi tiếng một phần nhờ tên ban nhạc The Cranberries với những bản alternative rock. Những trái dâu rượu vang (elderberry) không ăn được nhưng thường ngâm đường để làm nước trái cây hoặc rượu vang...
Tháng chín, tháng mười đã bắt đầu cuối hè, vào thu, một trong những thú vui đơn giản của tôi là mang hộp ra hái các loại berry, ăn không hết phải làm mứt để ăn dần khi trái mùa. Mứt ở nhà làm bao giờ cũng nhiều trái cây hơn, ít đường hơn mứt làm công nghiệp. Đặc biệt mứt berry của nhà lúc nào cũng có những phần trái cây chưa tan hết, ram ráp trên đầu lưỡi thật ngon, ăn với bánh mì mới nướng kèm bơ vào bữa sáng.
Những hộp mứt thắt nơ xinh xinh để trên chạn bếp ấy như thu gọn cả mùa hè vào trong, để những ngày thu lành lạnh, những ngày đông rét mướt người ăn ngồi nhớ nắng hè. Và đến mùa xuân khi hoa ở những lùm berry bung cánh trắng hồng, những hộp mứt cũng vừa sắp hết. Nhưng có hề gì vì cũng đã sắp đến hè, sắp đến mùa thiên đường berry trở lại thôi.
Quả thật đối với dân phương Tây, đặc biệt là dân Anh quanh năm “chịu trận” gió rét mưa phùn, những ngày hè ngắn ngủi với mặt trời tỏa nắng vàng như mật suốt từ sáng sớm tinh mơ đến gần nửa đêm đúng là thiên đường.
Những trái mâm xôi mới hái tươi rói trên tay |
Berry là từ chung chỉ những quả mọng nước như dâu, mâm xôi, man việt quất... Đến hè, khoảng từ tháng sáu đến đầu tháng chín, berry chín khắp nơi, trái căng bóng tưởng chừng có thể nứt ra bất cứ lúc nào. Có lẽ tôi nên bắt đầu từ những trái dâu sương gắn bó với tôi hơn bất kỳ loại trái cây nào khác (thật ra “dâu sương” là chữ tôi đặt cho blackberry, vì từ điển Anh - Việt gọi chung blackberry và raspberry là trái mâm xôi, trong khi đây là hai loại quả khác nhau).
Thời còn sinh viên đi học ở Southampton, nhà tôi gần một công viên lớn, mọc đầy những bụi dâu sương trái to bằng ngón tay cái, chín đen mọng, mắt dâu nở ra như những giọt sương trong suốt. Mỗi lần mua kem về ăn xong chúng tôi thường rửa sạch hộp kem để dành đi hái dâu sương, mỗi lần hái đầy ắp hộp kem một ký. Lúc mới hái còn tham lam, hái cả những trái vừa mới chín còn một phần đỏ chưa chuyển màu đen hết và còn chua, sau nhiều quá tôi chỉ lựa những trái đen thẫm, múi nở to mọng nước vừa ngọt vừa chua thanh, ăn với kem vani beo béo ngon hết biết.
Mâm xôi lẫn dâu sương ăn với kem lạnh hương rượu và vani thơm nồng |
Dâu tươi rải trên bánh phô mai mới nướng |
Tôi trở lại Anh vào đúng mùa hè năm nay và thấy mình quả có duyên với dâu sương, trước trạm xe buýt của công ty tôi làm là cả một bụi dâu sương khổng lồ, hoa trắng hồng ong bay vo ve xung quanh, trái chín lúc lỉu mà không ai hái. Lâu lâu đi làm về sớm tôi lại tạt qua, hái nguyên một túi đầy về nhà ăn tráng miệng với kem hoặc yaourt. Ở siêu thị hoặc các cửa hàng trái cây bán dâu sương thường thêm một bảng quảng cáo viết bằng phấn: “Chín dưới ánh mặt trời, mới hái bằng tay”. (Dân châu Âu rất chuộng những gì thuộc về thiên nhiên và làm bằng tay, nhưng tôi tự hỏi dâu sương không hái bằng tay thì hái bằng gì?).
Các bạn chung nhà của tôi rất thích mỗi khi tôi mang món này về và thường bắt chước quảng cáo nói đùa “chín dưới ánh mặt trời, mới hái bằng tay với tất cả tình thương yêu trìu mến”. Đặt những trái dâu sương đen thẫm mọng nước căng tròn vào đĩa sứ, rưới yaourt trắng muốt lên trên trông thật ngon mắt, chỉ nhìn đã có thể tưởng tượng vị dâu sương vỡ ra trong miệng khi cắn. Đặc biệt, dâu sương trong bụi cây tôi hái không trái nào ăn giống trái nào, vị ngọt thanh của mỗi trái mang mỗi sắc thái khác nhau, quyện với yaourt lành lạnh thật hòa hợp.
Những trái dâu sương đen thẫm mọng nước căng tròn, rưới yaourt trắng muốt |
Dave, anh bạn chủ nhà của tôi ở London, chưa tới ba mươi tuổi nhưng tay nghề làm vườn “trình độ” như những người trung niên. Mảnh vườn nhỏ nhắn gọn gàng được chia thành từng luống xinh xắn, luống hoa diên vĩ vàng chen tím, luống hoa cúc trắng, luống hoa phong lữ đỏ, luống xà lách xanh rờn, luống đậu, luống bạc hà..., và đặc biệt tôi rất để ý luống dâu tây (strawberry) của anh. Đây có lẽ là loại trái duy nhất đề cập ở đây có ở VN.
Không phải chuộng ngoại và không nói ngoa chút nào: dâu tây ở... Tây ngon hơn dâu tây Đà Lạt rất nhiều: trái căng tròn được mặt trời xối lên những tia nắng hè chuyển màu từ xanh sang đỏ ối. Luống dâu nhà Dave lúp xúp dưới đất trái trĩu xuống đụng cả vào nền rải sỏi, đi không để ý rất dễ giẫm vào và không khỏi xuýt xoa tiếc nuối. Dâu và kem (không phải kem lạnh - ice cream - mà là kem đặc quánh) là món tráng miệng đúng nghĩa của mùa hè, cầm trái dâu đỏ còn nguyên cuống lá quệt vào kem dẻo mịn rồi đưa lên mũi, nghe mùi nắng và gió hè, mùi đất ngai ngái của lùm dâu, mùi những cánh đồng miền quê nước Anh có đàn bò sữa gặm cỏ, rồi cắn ngập răng vào trái dâu thơm mát quyện mùi kem béo ngậy tan trên đầu lưỡi.
Thiên đường berry mùa hè của tôi còn nhiều, nhiều lắm. Những trái dâu xanh (blueberry) màu xanh tím tròn trĩnh to bằng móng tay có núm ở dưới cuống trông thật ngộ. Những trái man việt quất (cranberry) chua thanh nổi tiếng một phần nhờ tên ban nhạc The Cranberries với những bản alternative rock. Những trái dâu rượu vang (elderberry) không ăn được nhưng thường ngâm đường để làm nước trái cây hoặc rượu vang...
Tháng chín, tháng mười đã bắt đầu cuối hè, vào thu, một trong những thú vui đơn giản của tôi là mang hộp ra hái các loại berry, ăn không hết phải làm mứt để ăn dần khi trái mùa. Mứt ở nhà làm bao giờ cũng nhiều trái cây hơn, ít đường hơn mứt làm công nghiệp. Đặc biệt mứt berry của nhà lúc nào cũng có những phần trái cây chưa tan hết, ram ráp trên đầu lưỡi thật ngon, ăn với bánh mì mới nướng kèm bơ vào bữa sáng.
Những hộp mứt thắt nơ xinh xinh để trên chạn bếp ấy như thu gọn cả mùa hè vào trong, để những ngày thu lành lạnh, những ngày đông rét mướt người ăn ngồi nhớ nắng hè. Và đến mùa xuân khi hoa ở những lùm berry bung cánh trắng hồng, những hộp mứt cũng vừa sắp hết. Nhưng có hề gì vì cũng đã sắp đến hè, sắp đến mùa thiên đường berry trở lại thôi.
Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2007
Và cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn...
Dân Anh gần đây về tới nhà là mở kênh truyền hình BBC News 24 theo dõi xem tình hình khủng bố đến đâu. Nhiều người cho rằng bọn khủng bố không tấn công những thành phố lớn của Anh như Birmingham hay Manchester mà nhắm Glasgow vì muốn “dằn mặt” thủ tướng Anh mới nhậm chức, ông Gordon Brown là người Scotland.
Mấy ngày vừa qua tôi nhận không biết bao nhiêu email của người nhà, bạn bè lo lắng hỏi thăm tình hình London “tên bay, đạn lạc” và nhắc nhở phải cẩn thận khi ra đường, tránh dùng phương tiện công cộng, nếu ở nhà được thì ở nhà luôn đi...
Trời đất, tránh dùng phương tiện công cộng thì đi lại bằng gì? Đi taxi là chuyện không tưởng vì đâu phải ai cũng đi làm gần nhà. Tự lái xe thì mỗi ngày London bắt mỗi chủ ôtô phải trả 8 bảng, tương đương 250.000 đồng, tiền gọi nôm na là “phí kẹt xe” nhằm hạn chế số lượng xe lưu thông trong thành phố giờ cao điểm. Đó là chưa kể phí đậu xe và tiền xăng đắt gần như nhất thế giới. Vậy là dù có sợ khủng bố cách mấy, người người cũng phải bắt xe điện ngầm hay xe buýt mà đi làm.
Trong thuật ngữ marketing có cụm từ “khách hàng mục tiêu”. Nếu bọn khủng bố cũng có khách hàng mục tiêu (sản phẩm tiêu thụ là... bom) thì tôi và lượng hành khách dùng phương tiện công cộng mỗi ngày ắt hẳn là tâm điểm. Hằng ngày tôi phải bắt một chuyến tàu tới King's Cross St. Pancras, bến tàu điện ngầm nhộn nhịp nhất London, nơi rất nhiều người bị đánh bom chết cách đây hai năm, rồi tiếp tục chạy tất tả bắt chuyến khác đến một trạm xe lửa khác để đi về hướng tây. Nhưng mọi việc rồi cũng đâu vào đấy, riết rồi tôi cũng giống dân Anh, có nghe báo động mặt cũng lạnh như tiền.
Bạn đừng nghe nói vậy mà nghĩ dân Anh quả cảm gan dạ, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Không đâu, dân Anh cũng sợ chết không kém ai. Có điều một phần vì tính cách vốn ít biểu lộ cảm xúc, một phần vì đã quá quen thuộc với những gì đang diễn ra nên trông ai cũng tỉnh như không.
Cách đây gần một tháng, tôi đang đi xe điện ngầm thì loa thông báo gì đó rồi đèn trong toa tắt ngúm. Do đang nghe nhạc từ headphone nên tôi phải hỏi người ngồi cạnh. Ông này nhún vai: “Loa thông báo có nghi ngờ sự cố, biểu mình xuống”. Tôi lật đật bước ra, thấy ông vẫn ngồi yên, mới quay đầu lại hỏi: “Sao ông không xuống?”, ông nhún vai thêm cái nữa: “Tôi sắp trễ rồi, phải tranh thủ đi”. May mà tuyến đó không việc gì, nếu không sau này tôi sẽ phải ân hận sao không can ngăn ông ấy đừng đi.
Còn buổi sáng 30-6, tôi đi từ King's Cross (lại King's Cross) tới Knightbridges, loa thông báo có sự cố nên tàu sẽ không dừng tại Piccadilly Circuss mà đi thẳng; mọi người vẫn tỉnh bơ dừng lại trạm gần nhất để bắt xe buýt đi Piccadilly. Mãi khi về nhà tôi mới biết đêm hôm trước có hai chiếc xe đặt bom tại Piccadilly. Lạy trời!
Một người bạn của tôi mới về từ sân bay Heathrow cho biết ở đó vẫn hoạt động bình thường. Tôi tưởng tượng ngay những màn hình lớn nhấp nháy thông tin những chuyến bay:
Tokyo, New York, Sydney, Zurich, Amsterdam, Dubai, Singapore, Johannesburg... Những màn hình lớn thu gọn cả thế giới trong sân bay. Sau những phập phồng cảnh giác cao độ, mọi thứ đã trở lại quĩ đạo bình thường.
_______________
Người dân Anh tụ họp chật kín trên quảng trường trung tâm Trafalgar ở London xem lễ khai mạc vòng đua xe đạp Tour de France ngày 6-7. Ảnh: Reuters |
Mấy ngày vừa qua tôi nhận không biết bao nhiêu email của người nhà, bạn bè lo lắng hỏi thăm tình hình London “tên bay, đạn lạc” và nhắc nhở phải cẩn thận khi ra đường, tránh dùng phương tiện công cộng, nếu ở nhà được thì ở nhà luôn đi...
Trời đất, tránh dùng phương tiện công cộng thì đi lại bằng gì? Đi taxi là chuyện không tưởng vì đâu phải ai cũng đi làm gần nhà. Tự lái xe thì mỗi ngày London bắt mỗi chủ ôtô phải trả 8 bảng, tương đương 250.000 đồng, tiền gọi nôm na là “phí kẹt xe” nhằm hạn chế số lượng xe lưu thông trong thành phố giờ cao điểm. Đó là chưa kể phí đậu xe và tiền xăng đắt gần như nhất thế giới. Vậy là dù có sợ khủng bố cách mấy, người người cũng phải bắt xe điện ngầm hay xe buýt mà đi làm.
Trong thuật ngữ marketing có cụm từ “khách hàng mục tiêu”. Nếu bọn khủng bố cũng có khách hàng mục tiêu (sản phẩm tiêu thụ là... bom) thì tôi và lượng hành khách dùng phương tiện công cộng mỗi ngày ắt hẳn là tâm điểm. Hằng ngày tôi phải bắt một chuyến tàu tới King's Cross St. Pancras, bến tàu điện ngầm nhộn nhịp nhất London, nơi rất nhiều người bị đánh bom chết cách đây hai năm, rồi tiếp tục chạy tất tả bắt chuyến khác đến một trạm xe lửa khác để đi về hướng tây. Nhưng mọi việc rồi cũng đâu vào đấy, riết rồi tôi cũng giống dân Anh, có nghe báo động mặt cũng lạnh như tiền.
Bạn đừng nghe nói vậy mà nghĩ dân Anh quả cảm gan dạ, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Không đâu, dân Anh cũng sợ chết không kém ai. Có điều một phần vì tính cách vốn ít biểu lộ cảm xúc, một phần vì đã quá quen thuộc với những gì đang diễn ra nên trông ai cũng tỉnh như không.
Cách đây gần một tháng, tôi đang đi xe điện ngầm thì loa thông báo gì đó rồi đèn trong toa tắt ngúm. Do đang nghe nhạc từ headphone nên tôi phải hỏi người ngồi cạnh. Ông này nhún vai: “Loa thông báo có nghi ngờ sự cố, biểu mình xuống”. Tôi lật đật bước ra, thấy ông vẫn ngồi yên, mới quay đầu lại hỏi: “Sao ông không xuống?”, ông nhún vai thêm cái nữa: “Tôi sắp trễ rồi, phải tranh thủ đi”. May mà tuyến đó không việc gì, nếu không sau này tôi sẽ phải ân hận sao không can ngăn ông ấy đừng đi.
Còn buổi sáng 30-6, tôi đi từ King's Cross (lại King's Cross) tới Knightbridges, loa thông báo có sự cố nên tàu sẽ không dừng tại Piccadilly Circuss mà đi thẳng; mọi người vẫn tỉnh bơ dừng lại trạm gần nhất để bắt xe buýt đi Piccadilly. Mãi khi về nhà tôi mới biết đêm hôm trước có hai chiếc xe đặt bom tại Piccadilly. Lạy trời!
Một người bạn của tôi mới về từ sân bay Heathrow cho biết ở đó vẫn hoạt động bình thường. Tôi tưởng tượng ngay những màn hình lớn nhấp nháy thông tin những chuyến bay:
Tokyo, New York, Sydney, Zurich, Amsterdam, Dubai, Singapore, Johannesburg... Những màn hình lớn thu gọn cả thế giới trong sân bay. Sau những phập phồng cảnh giác cao độ, mọi thứ đã trở lại quĩ đạo bình thường.
_______________
Viện Công tố hoàng gia Anh xác nhận đã có bằng chứng đầy đủ để buộc tội tên Bilal Abdullah, một trong tám nghi can bị bắt sau các vụ tấn công bất thành tại London và sân bay Glasgow vào các ngày 29 và 30-6.
Với lời buộc tội này, tên Bilal phải ra tòa tại London trong ngày 7-7 với tội danh “âm mưu gây nổ”. Bilal Abdullah là bác sĩ làm việc ở Bệnh viện hoàng gia Alexandra ở Paisley (Scotland), bị cảnh sát bắt ngày 30-6 tại sân bay Glasgow sau khi lái một chiếc xe jeep bốc cháy lao vào sân bay. Tất cả tám nghi can bị bắt cho đến nay đều từng làm việc hoặc đang làm việc tại các bệnh viện trong hệ thống y tế quốc gia Anh.
Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2007
Giải nhất cuộc thi Thơ tự do - Áo Trắng 1998: Ngô Thị Giáng Uyên
Từng đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác thơ tự do được Áo Trắng tổ chức vào năm 1998, cô gái trẻ Ngô Thị Giáng Uyên có một niềm đam mê đặc biệt dành cho văn thơ.
Tuy chọn nghiệp kinh doanh, nhưng Uyên vẫn không ngừng viết, bằng chứng là hàng chục bài viết của Uyên đã được đăng trên khá nhiều mặt báo trong vài năm trở lại đây.
Gần đây nhất, Uyên đã cho ra đời cuốn du ký châu Âu Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương bán rất chạy và được tái bản đến ba lần trong một thời gian ngắn. Trước khi lên đường trở lại nước Anh sinh sống và làm việc, Uyên đã có cuộc trò chuyện thân mật với Áo Trắng:
Ðã gần 10 năm kể từ khi bài thơ Đã lâu rồi em không còn làm thơ nữa đoạt giải, Uyên có còn nhớ kỷ niệm gì về bài thơ này không?
- Bài thơ ra đời sau một thời gian ngừng viết khá lâu. Hồi còn ở Nha Trang, Uyên ở trọ một mình trên một căn gác nhỏ cạnh xe lửa. Vì thế, ngày nào cũng vài lần nghe tiếng còi tàu giữa khuya của tàu ga. Bẵng đi một thời gian, trong một đêm ở Sài Gòn chợt nghe văng vẳng tiếng tàu nơi xa vọng đến, Uyên choàng tỉnh giấc và cho ra đời bài thơ với những câu cuối: Giữa khuya chợt mình tỉnh giấc/ Nghe tiếng còi tàu buồn như những ngày xưa/ Mới thảng thốt nhận ra/ Đã lâu rồi/ Em không còn làm thơ nữa... Khi nghe tin được giải nhất, Uyên đã rất vui.
* Không biết Uyên “bén duyên” với thơ văn từ lúc nào nhỉ?
- Lúc 10 tuổi, Uyên có bài văn đầu tay Buổi bình minh đăng trên báo Nhi Đồng. Sau đó là bài thơ đầu tay mang tên Hoa giấy với vỏn vẹn 6 câu, 18 chữ. Đó là loài hoa Uyên rất thích vì cánh mỏng manh nhưng rất dễ sống. Để rồi từ đó, lâu lâu lại cho “ra lò” một tác phẩm mới...
* Chắc ngôi nhà của gia đình ngày trước phải đẹp và nên thơ lắm mới mang lại cho Uyên một tâm hồn thơ như thế?
- Đúng là ngôi nhà ngày ấy đã phần nào nuôi dưỡng tâm hồn thơ cho Uyên từ nhỏ. Đó là ngôi nhà ba gian cổ kính, ngói âm dương, với rất nhiều cây cỏ xung quanh khá nên thơ. Trong cuốn Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, Uyên cũng đã dành một phần để miêu tả căn nhà đó trong bài Quê quán tôi xưa.
* Uyên nghĩ sao về văn chương với giới trẻ hiện nay?
- Mỗi người có một sở thích và một niềm đam mê khác nhau. Có người thích hát, có người chơi đàn..., và cũng có người lại thích văn thơ. Vì thế, thơ văn sẽ vẫn còn là cuộc sống tinh thần của một số người có niềm đam mê với nó. Uyên chỉ cảm thấy hơi buồn, vì giờ đây văn thơ thường được xếp phía sau những loại hình giải trí mới. Trong khi đó, ở các nước phát triển, nó được nhiều người rất quan tâm và xem như một giá trị tinh thần không thể thiếu.
* Cơn lốc Internet, đặc biệt là blog đang cuốn lấy cuộc sống của giới trẻ. Và một thuật ngữ mới đã ra đời là “văn chương mạng”. Uyên nghĩ sao về điều này?
- Cái nào cũng có mặt tốt và mặt xấu của nó, Internet không phải là một trường hợp ngoại lệ. Mỗi người cần tỉnh táo để tiếp nhận những cái hay, cái tốt và nói “không” với cái không hay, không tốt. Đọc văn chương mạng, phải biết “đãi cát tìm vàng” và phải dứt khoát không chấp nhận những ngôn từ nửa nạc nửa mở, những từ lóng không đúng chính tả. Và không chỉ giới trẻ, một số người lớn tuổi cũng sử dụng những từ như thế.
* Nhiều người nhận xét giọng văn của Uyên khá trau chuốt, hay “một giọng văn đầy những rung cảm mênh mang nhưng lại cực kỳ tỉnh táo, lạ lắm thay”. Trong khi đó, chưa tính đến chuyện hay hay dở, giới trẻ hiện nay viết văn lại sai chính tả nhiều quá?
- Mọi việc đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Văn của Uyên nếu hay có lẽ do từ nhỏ đã được trau dồi. Còn một bộ phận giới trẻ hiện nay không mấy quan tâm đến vấn đề này, lại bị ảnh hưởng văn chương không đúng chuẩn từ thế giới ảo. Lúc sống ở Anh, Uyên có những người bạn sau khi viết xong một e-mail đều cẩn thận đọc lại kiểm tra từng chữ một trước khi gửi nó đi. Đó không chỉ dừng lại ở việc để không sai lỗi chính tả mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người nhận được thư.
* Uyên có nghĩ rằng cuộc sống hiện nay đã ảnh hưởng phần nào đến không gian thơ của mỗi người?
- Đúng là cuộc sống vội vã hiện nay đã tác động rất lớn đến việc thưởng thức văn thơ của con người. Một số tờ báo dành cho giới trẻ cũng chạy theo những trào lưu mới, những tin tức giải trí tầm thường mà quên đi việc định hướng lối sống của giới trẻ. Điều đó cũng tạo cảm giác chán nản cho những bạn trẻ sáng tác vì không có nơi nhận đăng những tác phẩm nghiêm túc của mình.
* Hiện nay, công việc chính là kinh doanh khá bận rộn, Uyên dành thời gian cho niềm đam mê của mình như thế nào?
- Thường thì kinh doanh và thơ không thể nào đi liền với nhau, vì nó là hai phạm trù khác nhau. Tuy nhiên, ngoài thời gian dành cho công việc, Uyên vẫn đi và viết đấy chứ, nhưng chủ yếu là những bài dạng du ký cho một số tờ báo. Minh chứng về niềm đam mê văn chương vẫn chưa tắt hẳn là cuốn sách Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương vừa xuất bản. Còn đối với thơ thì Uyên tạm gác lại một thời gian. Nhưng chắc chắn một điều, khi sang Anh sinh sống, Uyên sẽ dành thời gian nhiều hơn để sáng tác.
* Còn về Áo Trắng thì sao?
- Thật sự Uyên rất “có duyên” với Áo Trắng và phải cảm ơn Áo Trắng, vì tờ báo như một mái nhà chung cho những người yêu văn chương, đặc biệt là giới trẻ. Áo Trắng đã tạo cảm hứng, động viên những người trẻ như Uyên sáng tác và tạo cầu nối đến độc giả. Chỉ cần nhìn trên mặt bằng báo chí hiện nay, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng hầu như không có khoảng không gian nào dành cho văn thơ. Áo Trắng đã làm được điều mà nhiều tờ báo dành cho giới trẻ không thực hiện được, chắc chắn sẽ được đón chào nồng nhiệt trong lần tái bản này.
* Xin cảm ơn Giáng Uyên rất nhiều về cuộc trao đổi này, và cả lời khen chân thành dành riêng cho Áo Trắng!
PHI LONG thực hiện
____________________
Tuy chọn nghiệp kinh doanh, nhưng Uyên vẫn không ngừng viết, bằng chứng là hàng chục bài viết của Uyên đã được đăng trên khá nhiều mặt báo trong vài năm trở lại đây.
Gần đây nhất, Uyên đã cho ra đời cuốn du ký châu Âu Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương bán rất chạy và được tái bản đến ba lần trong một thời gian ngắn. Trước khi lên đường trở lại nước Anh sinh sống và làm việc, Uyên đã có cuộc trò chuyện thân mật với Áo Trắng:
Ðã gần 10 năm kể từ khi bài thơ Đã lâu rồi em không còn làm thơ nữa đoạt giải, Uyên có còn nhớ kỷ niệm gì về bài thơ này không?
- Bài thơ ra đời sau một thời gian ngừng viết khá lâu. Hồi còn ở Nha Trang, Uyên ở trọ một mình trên một căn gác nhỏ cạnh xe lửa. Vì thế, ngày nào cũng vài lần nghe tiếng còi tàu giữa khuya của tàu ga. Bẵng đi một thời gian, trong một đêm ở Sài Gòn chợt nghe văng vẳng tiếng tàu nơi xa vọng đến, Uyên choàng tỉnh giấc và cho ra đời bài thơ với những câu cuối: Giữa khuya chợt mình tỉnh giấc/ Nghe tiếng còi tàu buồn như những ngày xưa/ Mới thảng thốt nhận ra/ Đã lâu rồi/ Em không còn làm thơ nữa... Khi nghe tin được giải nhất, Uyên đã rất vui.
* Không biết Uyên “bén duyên” với thơ văn từ lúc nào nhỉ?
- Lúc 10 tuổi, Uyên có bài văn đầu tay Buổi bình minh đăng trên báo Nhi Đồng. Sau đó là bài thơ đầu tay mang tên Hoa giấy với vỏn vẹn 6 câu, 18 chữ. Đó là loài hoa Uyên rất thích vì cánh mỏng manh nhưng rất dễ sống. Để rồi từ đó, lâu lâu lại cho “ra lò” một tác phẩm mới...
* Chắc ngôi nhà của gia đình ngày trước phải đẹp và nên thơ lắm mới mang lại cho Uyên một tâm hồn thơ như thế?
- Đúng là ngôi nhà ngày ấy đã phần nào nuôi dưỡng tâm hồn thơ cho Uyên từ nhỏ. Đó là ngôi nhà ba gian cổ kính, ngói âm dương, với rất nhiều cây cỏ xung quanh khá nên thơ. Trong cuốn Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, Uyên cũng đã dành một phần để miêu tả căn nhà đó trong bài Quê quán tôi xưa.
* Uyên nghĩ sao về văn chương với giới trẻ hiện nay?
- Mỗi người có một sở thích và một niềm đam mê khác nhau. Có người thích hát, có người chơi đàn..., và cũng có người lại thích văn thơ. Vì thế, thơ văn sẽ vẫn còn là cuộc sống tinh thần của một số người có niềm đam mê với nó. Uyên chỉ cảm thấy hơi buồn, vì giờ đây văn thơ thường được xếp phía sau những loại hình giải trí mới. Trong khi đó, ở các nước phát triển, nó được nhiều người rất quan tâm và xem như một giá trị tinh thần không thể thiếu.
* Cơn lốc Internet, đặc biệt là blog đang cuốn lấy cuộc sống của giới trẻ. Và một thuật ngữ mới đã ra đời là “văn chương mạng”. Uyên nghĩ sao về điều này?
- Cái nào cũng có mặt tốt và mặt xấu của nó, Internet không phải là một trường hợp ngoại lệ. Mỗi người cần tỉnh táo để tiếp nhận những cái hay, cái tốt và nói “không” với cái không hay, không tốt. Đọc văn chương mạng, phải biết “đãi cát tìm vàng” và phải dứt khoát không chấp nhận những ngôn từ nửa nạc nửa mở, những từ lóng không đúng chính tả. Và không chỉ giới trẻ, một số người lớn tuổi cũng sử dụng những từ như thế.
* Nhiều người nhận xét giọng văn của Uyên khá trau chuốt, hay “một giọng văn đầy những rung cảm mênh mang nhưng lại cực kỳ tỉnh táo, lạ lắm thay”. Trong khi đó, chưa tính đến chuyện hay hay dở, giới trẻ hiện nay viết văn lại sai chính tả nhiều quá?
- Mọi việc đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Văn của Uyên nếu hay có lẽ do từ nhỏ đã được trau dồi. Còn một bộ phận giới trẻ hiện nay không mấy quan tâm đến vấn đề này, lại bị ảnh hưởng văn chương không đúng chuẩn từ thế giới ảo. Lúc sống ở Anh, Uyên có những người bạn sau khi viết xong một e-mail đều cẩn thận đọc lại kiểm tra từng chữ một trước khi gửi nó đi. Đó không chỉ dừng lại ở việc để không sai lỗi chính tả mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người nhận được thư.
* Uyên có nghĩ rằng cuộc sống hiện nay đã ảnh hưởng phần nào đến không gian thơ của mỗi người?
- Đúng là cuộc sống vội vã hiện nay đã tác động rất lớn đến việc thưởng thức văn thơ của con người. Một số tờ báo dành cho giới trẻ cũng chạy theo những trào lưu mới, những tin tức giải trí tầm thường mà quên đi việc định hướng lối sống của giới trẻ. Điều đó cũng tạo cảm giác chán nản cho những bạn trẻ sáng tác vì không có nơi nhận đăng những tác phẩm nghiêm túc của mình.
* Hiện nay, công việc chính là kinh doanh khá bận rộn, Uyên dành thời gian cho niềm đam mê của mình như thế nào?
- Thường thì kinh doanh và thơ không thể nào đi liền với nhau, vì nó là hai phạm trù khác nhau. Tuy nhiên, ngoài thời gian dành cho công việc, Uyên vẫn đi và viết đấy chứ, nhưng chủ yếu là những bài dạng du ký cho một số tờ báo. Minh chứng về niềm đam mê văn chương vẫn chưa tắt hẳn là cuốn sách Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương vừa xuất bản. Còn đối với thơ thì Uyên tạm gác lại một thời gian. Nhưng chắc chắn một điều, khi sang Anh sinh sống, Uyên sẽ dành thời gian nhiều hơn để sáng tác.
* Còn về Áo Trắng thì sao?
- Thật sự Uyên rất “có duyên” với Áo Trắng và phải cảm ơn Áo Trắng, vì tờ báo như một mái nhà chung cho những người yêu văn chương, đặc biệt là giới trẻ. Áo Trắng đã tạo cảm hứng, động viên những người trẻ như Uyên sáng tác và tạo cầu nối đến độc giả. Chỉ cần nhìn trên mặt bằng báo chí hiện nay, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng hầu như không có khoảng không gian nào dành cho văn thơ. Áo Trắng đã làm được điều mà nhiều tờ báo dành cho giới trẻ không thực hiện được, chắc chắn sẽ được đón chào nồng nhiệt trong lần tái bản này.
* Xin cảm ơn Giáng Uyên rất nhiều về cuộc trao đổi này, và cả lời khen chân thành dành riêng cho Áo Trắng!
PHI LONG thực hiện
____________________
Đã lâu rồi em không làm thơ nữa____________________
Đã lâu rồi em không làm thơ nữa
Về những cơn mưa
Ướt cả lối em về
Những hàng cây không biết tên
Nở hoa vàng góc phố
Và cỏ dại trong vườn
Vỡ vụn sương khuya
***
Dường như ai búng dây đàn
Tiếng guitar khô gầy căn gác gỗ
Và gió
Gió của chiều lùa qua cửa sổ
Lật những câu thơ
Em viết thuở mười ba
Những bài thơ đầy cỏ và hoa
Em bíu tay vào cửa
Tiếng chim rớt sau nhà...
***
Em đứng cuối đường chờ mùa đi qua
Chờ hoài không thấy
Chợt như ai gọi tên
Em ngoái đầu nhìn lại
Chẳng có ai
Mà đường về hun hút xa…
***
Trong giấc mơ
Những bài thơ hóa thành con bướm ma
Bay mất
Giữa khuya giật mình tỉnh giấc
Nghe tiếng còi tàu buồn như những ngày xưa
Mới thảng thốt nhận ra
Đã lâu rồi
Em không làm thơ nữa…
Hoa giấy
Sáng sớm
Bé thức dậy
Đã thấy
Rợp ngõ nhà
Một giàn hoa
Mỏng như giấy
(Bài thơ đầu tiên làm năm 10 tuổi)
Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2007
Tái bản "Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương "
Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, tập du ký châu Âu của tác giả trẻ Ngô Thị Giáng Uyên, do tủ sách Tuổi Trẻ và NXB Trẻ liên kết thực hiện, vừa được tái bản lần hai chỉ trong vòng hai tháng sau khi phát hành! Trước tết, cuốn sách đã được Fahasa đặt hàng tái bản 1.000 cuốn - bổ sung 5 câu chuyện góp nhặt từ hội nghị châu Âu - và lập tức được tiêu thụ hết, nay lại in thêm.
3.000 cuốn chỉ trong ba tháng, đây có thể là một kỷ lục cho loại sách du ký viết về những cuộc đi xa.
T.Đ.
Thứ Tư, 10 tháng 1, 2007
Verona, phố xá mơ màng...
Tôi không dự định đến Verona trong chuyến đi Ý của mình, nhưng Venice dù yêu kiều xinh đẹp mấy cũng làm tôi chán. Ở đây quá phát triển du lịch và một nơi có lực lượng du khách “hùng hậu” cùng những dịch vụ kéo theo dễ làm bạn cảm thấy mệt mỏi.
Vì vậy, sau ba ngày không gặp được bóng dáng người địa phương nào ở phố cổ có những con kênh xanh với thuyền gondola xuôi dòng, tôi quyết định gửi vali lại chỗ cô lễ tân vui tính ở khách sạn tôi ở, chỉ đem theo ít đồ cần thiết trong ba lô rồi leo lên tàu đi Verona.
Thật không may cho tôi khi đến Verona vào chiều chủ nhật, văn phòng dịch vụ du lịch ở nhà ga đã đóng cửa trong khi tôi không có lấy một cuốn sách hướng dẫn trong tay để tìm chỗ ở qua đêm. Bên ngoài văn phòng có một máy vi tính để truy cập thông tin những khách sạn địa phương (Intranet, không phải Internet), nhưng những khách sạn này giá thấp nhất cũng đã bảy tám chục euro, vượt quá ngân sách của tôi nên tôi đi loanh quanh nhà ga một lúc rồi quay trở lại văn phòng, dí mắt vào sát tấm gương và tình cờ đọc được bảng chỉ dẫn về nhà trọ thanh niên tên Biệt thự Francescatti dán bên trong. Vui mừng, tôi quay ra trạm xe buýt ngồi chờ.
Một gã trẻ tuổi ốm nhom ốm nhách trông bộ dạng không mấy lương thiện đang lảng vảng xung quanh khách chờ xe buýt. Tôi không lạ gì những chuyện như thế này nữa, kinh nghiệm xương máu ở Áo trước giáng sinh đã khiến tôi tâm niệm “Ở đâu cũng có anh hùng. Ở đâu cũng có… thằng khùng thằng điên”, và trở thành chuyên nghiệp trong việc cảnh giác mất cắp, đến nỗi đạo chích Paris hay Venice (những nơi vốn khét tiếng về nạn móc túi du khách) cũng không “làm ăn” được gì với tôi huống chi giang hồ tỉnh lẻ. Tôi liếc xéo gã một cái, ra điều “ta biết rồi, đừng hòng giở trò móc túi ở đây” rồi đeo ba lô ra trước ngực, ôm khư khư vào lòng. Nhắm thấy con mồi không phải tay vừa, gã bỏ đi.
Anh chàng lái xe buýt từ nhà ga trung tâm Verona đến nơi tôi ở cũng như hầu hết những người Ý ở đây, tóc xoăn tít và mặc quần tây áo sơ mi thật lịch lãm, đeo kiếng đen hiệu Gucci trông đẹp trai hơn cả Ben Affleck. Nhưng anh chàng không biết tiếng Anh nên sau một hồi giải thích nơi muốn đến trong vô vọng, tôi bước xuống ngồi ở giữa xe. Thật may mắn, đôi bạn trẻ lên xe cùng lúc với tôi đang đứng với mớ ba lô túi xách to tướng cũng đến cùng nhà trọ nên tôi thở phào nhẹ nhõm. Qua trò chuyện, tôi được biết hai bạn người Hà Lan, vừa đến sân bay Milan Ý vào buổi trưa và đã quyết định không vào thành phố mà đáp xe lửa thẳng đến Verona. Quả là một quyết định đúng đắn vì Milan là một trong những thành phố xấu nhất nước Ý, trừ khi bạn là phóng viên muốn dự tuần lễ thời trang hoặc là cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt của Inter hoặc AC Milan, có rất ít lý do để bạn đến nơi này.
Nhà trọ thanh niên Villa Francescatti là một biệt thự cổ duyên dáng nằm trên đồi, trong khu vườn rộng xanh um cây lá và đài phun nước mát rượi bên thảm cỏ tươi tốt mượt mà. Những căn phòng rộng của biệt thự xưa đã được biến thành một dạng ký túc xá sinh viên với những chiếc giường tầng và cửa sổ hướng ra vườn chim hót ríu rít. Bạn phải ở chung với bảy người khác và nhà trọ có lock-out period bắt buộc bạn ra khỏi phòng từ 9g sáng đến 5g chiều, nhưng bù lại phòng ốc ở đây rất sạch sẽ yên tĩnh, không gian trong lành và giá chỉ 13.5 euro mỗi người có cả ăn sáng nên chúng tôi không lấy đó làm phiền.
Buổi sáng đầu tiên bước ra khỏi biệt thự, thấy ban mai trong suốt như một giọt sương. Con đường hẹp quanh co từ ngọn đồi chúng tôi ở vẫn còn ngái ngủ, thưa thớt người, những cửa sổ cạnh bao lơn nở hoa đỏ hoa tím li ti khép hờ. Có tiếng chim hót (không biết có phải từ “bụi mận gai” nào quanh đây) làm lòng tôi thật thư thái nhẹ nhàng, vừa tản bộ vừa ngắm những ngôi nhà Verona tư lự, tường gạch tróc lở vết thời gian và những mái ngói nâu hồng mang vẻ đẹp hài hòa và mơ màng. Biệt thự Francescatti đã có mặt hơn năm trăm năm trước nhưng tuổi đời so với những nhà hàng xóm vẫn còn thua xa. Verona ra đời từ thế kỷ thứ 1 trước công nguyên, và đã được công nhận là di sản UNESCO do những phát triển đô thị trải qua hơn hai thiên niên kỷ vẫn còn giữ lại rất nhiều thành trì, pháo đài thời La Mã cùng những kiến trúc Trung cổ và Phục hưng.
Chúng tôi băng qua cây cầu bắc ngang sông Adige trong xanh bên sườn đồi trồng đầy cây bách reo trong gió sớm. Thành phố sáng đầu tuần vắng lặng, ngay cả ở khu trung tâm. Những ngôi nhà tinh khiết ở đây giống như vừa bước ra từ một bức tranh sơn dầu với những gam màu hồng đậm nhạt pha trắng và ban công bằng sắt uốn lượn như dải lụa. Một tờ báo ở Anh đã gọi Verona là thành phố sắc hồng, quả thật đúng. Màu hồng là chủ đạo trên những ngôi nhà xưa duyên dáng nơi đây. Ngay cả những ngôi nhà sơn màu vàng nhạt hay nâu vẫn điểm những giàn hoa tươi ửng hồng đẫm sương đêm và chiếc xe đạp dựa hờ hững lên tường đá cũng được sơn hồng cánh sen. Cô gái Hà Lan đi cùng thốt lên: “Thích thành phố này quá đi!” và chúng tôi cùng gật đầu đồng ý.
Tôi quyết định chia tay hai bạn để làm một chuyến shopping. Ở Venice gì cũng đắt đỏ và toàn đồ cho du khách nên tôi không mấy hứng thú mua, nhưng ở đây có những shop giản dị và “điền viên” hơn nhiều, bán đồ ăn địa phương: mì vàng ươm, cà phê bột thơm lừng, xí muội kiểu Ý là lạ, hạt sôcôla trắng nhỏ li ti đựng trong túi lưới màu kem cột nơ xinh xắn…, quần áo ở Ý cũng rất đẹp và giá vừa phải (trừ khi bạn muốn mua đồ Armani, Gucci, Versace hay D&G…) nên tôi thích thú rảo một vòng ngó nghiêng những cửa hàng nhỏ nhắn trên đường tĩnh lặng. Sau khi ghé mua một số đồ làm quà cho mình và cho mẹ, cho chị ở nhà, tôi ra lại khu phố chính, đứng tần ngần nhìn những nghệ sĩ lang thang chơi guitar và thổi sáo bên cạnh một shop bán trái cây tươi ngoài vỉa hè.
Đã sang trưa, du khách bắt đầu túa ra từ những khách sạn, nhà nghỉ trong thành phố, Verona đã mất vẻ ngái ngủ ban sáng. Tôi băng qua những con đường hẹp, tình cờ thấy trên ban công căn nhà nhỏ nhắn trong hẻm nhỏ, một bà cụ đang đập bụi hai trăng lưỡi liềm vàng nhồi bông, có lẽ là đồ chơi các cháu nhỏ của bà. Thấy tôi vừa tủm tỉm cười vừa ngước nhìn từ bên ngoài đầu hẻm, bà dừng tay đập, cũng cười với tôi.
Trong lòng vui và nhẹ nhõm, tôi rảo bước đến thăm một trong những sức hút lớn nhất của Verona: nhà nàng Juliet. Nhà soạn kịch lỗi lạc người Anh Shakespeare viết lại “Romeo và Juliet” vào thế kỷ 17, nhưng huyền thoại về tình yêu ngây thơ và mơ mộng của hai người trẻ tuổi đã bắt nguồn ở Verona từ hơn ngàn năm trước đó và đã có mặt trên những truyện ngắn, kịch, thơ của nhiều tác giả khác trên thế giới trước khi Shakespeare ra đời. Bức tường gần cổng vào nhà đầy những dòng chữ nguệch ngoạc của những kẻ đang yêu đến thăm nhà cô gái xinh đẹp, tưởng nhớ một trong những chuyện tình lãng mạn nhất lịch sử nhân loại với kết thúc bi thương do thù hận gia đình. Tôi thích thú đọc chữ “Nhà Juliet” bằng nhiều thứ tiếng trong bảng đá đặt trước nhà, ngộ ra “Juliet’s house” trong tiếng Anh nghe rất “chuyên nghiệp” như đang trong một phi vụ làm ăn, “Juliethaus” tiếng Đức nghe đanh thép làm mất hết vẻ lãng mạn, “Maison de Juliette” tiếng Pháp nghe cũng khá êm đềm, nhưng chỉ tiếng Ý “Casa di Giulietta” mới du dương và thi vị nhất, chỉ bản thân chữ đó cũng đủ làm ta mơ màng hơn cả một bài thơ.
Nhà Juliet lớn nhưng không đồ sộ mà rất xinh xắn, xây bằng gạch nâu xưa đã tróc vôi, những vòm cửa cong cong như trong truyện cổ và ban công nhỏ xíu giản dị. Tôi trả ba euro để được vào trong, trèo lên ban công nhỏ đáng yêu nhìn xuống bức tường dây leo rậm rạp xanh um, tưởng tượng chàng Romeo đẹp trai vẫy tay bên dưới sân. Tôi dụi mắt, không tin vào mắt mình vì có ai đang vẫy tay với tôi bên dưới thật, hay là duyên nợ chăng? Nhưng tôi thất vọng ngay khi nhận ra người vẫy tay là anh chàng Hà Lan đang đi cùng cô bạn gái tôi gặp trên xe buýt hôm qua. Tôi trèo xuống, Romeo rủ: “Ăn trưa ít nên đói bụng quá. Đi ăn thêm không?”
Như đã viết trong bài “Ăn Ý”, đồ ăn ở đây chỗ nào cũng ngon và đầy hương vị. Chúng tôi chỉ ăn đồ ăn nguội mua trong một quầy thức ăn giản dị, nhưng món bánh mì tròn kẹp giăm bông và củ cải chua làm ai cũng tấm tắc khen. Tôi ra ngoài quảng trường Roman Arena nhấm nháp món tráng miệng bánh gừng, làm tôi nhớ lại Alastair ở nhà hay kể chuyện thiếu nhi về anh chàng người bánh gừng (Gingerbread man) chạy từ lò nướng trốn bà cụ nướng bánh: “Run, run as fast as you can. You can’t catch me, I’m a gingerbread man”. “Chạy, chạy nhanh hết sức đi. Cũng không bắt được tôi đâu, tôi là người bánh gừng”.
Roman Arena, một trong những công trình vĩ đại nhất châu Âu, là đấu trường La Mã được xây dựng từ thế kỷ thứ một sau Công nguyên, vào năm cuối cùng của triều đại Augustus, kỳ công đến nỗi trận động đất dữ dội vào thế kỷ 12 tại đây chỉ phá hỏng được một phần bên ngoài. Khi xưa nơi này đã diễn ra nhiều cuộc chiến của các dũng sĩ giác đấu tương tự những cảnh hoành tráng mà ai từng xem bộ phim Gladiator khó có thể quên. Đến thế kỷ 18, đấu trường xây hình elip bằng đá cẩm thạch hồng dài gần 150m ấy được chuyển thành một nơi nhẹ nhàng hơn nhiều: thay vì những cuộc cưỡi ngựa đấu thương là những vở nhạc kịch êm đềm du dương rất Ý. Ngày nay, Roman Arena là nơi tổ chức hòa nhạc và opera thu hút hàng chục ngàn khán giả mỗi đêm; nhưng khi đến, tôi chẳng thấy áp phích giới thiệu chương trình nào, chỉ có một poster quảng cáo lớn bằng một tòa nhà của hãng Lycra có ảnh một cô gái mặc bikini thật hấp dẫn, quả là một ví dụ sống động cho cổ xưa chen lẫn hiện đại. Tôi ngồi nhâm nhi bánh gừng, chợt nghe tiếng nhạc trong vắt đâu đây; quay lại, thấy một nghệ sĩ đường phố trong trang phục quí tộc xưa đang biểu diễn nhạc nước pha lê: Khi ông huơ tay trên những chiếc ly cốc thủy tinh đủ kích cỡ hình thù đựng nước lọc, những âm thanh tinh khiết vang lên như một bản nhạc êm đềm.
Tôi còn lang thang nữa qua phố G Mazzini mua bức tranh khắc nổi hình cô gái múa balê của một người đàn ông Nam Tư, những bánh xà bông thơm nức từ các cửa hiệu nhỏ xinh, rồi đi lạc trong những con phố có mái vòm arcade, những tu viện, giáo đường, nhà thờ trầm mặc, những pháo đài cổ có đôi chim bồ câu đứng gù, rồi trở lại quảng trường Piazza Brà ngắm du khách và người địa phương lười biếng ăn cioccolato (sôcôla) và crostata (bánh trái cây nướng) mới mua được từ những pasticceria xung quanh, trước khi tạt vào một quán cà phê khuất nẻo, nghe cô chủ và những khách người địa phương trong quán nhiệt tình chỉ tôi caffè lungo và caffè Americano gần như là một loại, còn cappuccino phải được uống ấm chứ không quá nóng bỏng sẽ làm mất đi độ ngọt tự nhiên của sữa và độ mịn của bọt (Lạy trời, cả đời tôi không tưởng tượng được một ngày nào đó mình sẽ tinh tế đến mức này).
Tôi đi bộ một mình về chỗ trọ sau một ngày lang thang mỏi chân, băng qua cây cầu cong cong đỏm dáng ban sáng với những ngôi nhà xưa mái ngói ửng hồng có những ô cửa sổ hình chữ nhật soi bóng xuống sông Adige trong xanh. Xung quanh vắng lặng đến khó tin, có lẽ tất cả du khách đã ở hết khu trung tâm thành phố. Những cây tùng cây bách vẫn reo trên mái nhà và những sườn đồi thoai thoải, nhưng cảnh hoàng hôn buông xuống đẹp huy hoàng hơn ban sáng gấp nhiều lần. Ánh mặt trời miền Bắc nước Ý nhuộm cảnh vật một màu óng ả như tơ tằm, như mật, như dầu ô liu nguyên chất, như vàng ròng, hắt xuống mặt nước lăn tăn lấp loáng. Tôi nhìn buổi chiều Verona mơ màng, quên mình đang ở một xứ sở có thực.
Song tiếng xe Vespa rồ ga của cô nàng có gương mặt thanh thoát như thiên thần đang đội nón bảo hiểm phóng vù vù làm tôi giật nảy mình, nhận ra đã đến con hẻm nhỏ dẫn vào nhà trọ Biệt thự Francescatti và mình không phải đang ở trong chuyện cổ tích mà đang ở Ý, “thủ phủ” của những quái xế chạy xe ẩu nhất thế giới. Nhưng có hề chi, đối với tôi Verona vẫn mãi là phố xá mơ màng với những ngôi nhà mái ngói tường vôi in vết thời gian, ban công xinh xinh nhà Juliet và cảnh hoàng hôn nhuộm dòng sông Adige vàng óng ả làm “có người lòng như nắng qua đèo” (*)…
(*) Lời một bài hát của Trịnh Công Sơn
Vì vậy, sau ba ngày không gặp được bóng dáng người địa phương nào ở phố cổ có những con kênh xanh với thuyền gondola xuôi dòng, tôi quyết định gửi vali lại chỗ cô lễ tân vui tính ở khách sạn tôi ở, chỉ đem theo ít đồ cần thiết trong ba lô rồi leo lên tàu đi Verona.
Thật không may cho tôi khi đến Verona vào chiều chủ nhật, văn phòng dịch vụ du lịch ở nhà ga đã đóng cửa trong khi tôi không có lấy một cuốn sách hướng dẫn trong tay để tìm chỗ ở qua đêm. Bên ngoài văn phòng có một máy vi tính để truy cập thông tin những khách sạn địa phương (Intranet, không phải Internet), nhưng những khách sạn này giá thấp nhất cũng đã bảy tám chục euro, vượt quá ngân sách của tôi nên tôi đi loanh quanh nhà ga một lúc rồi quay trở lại văn phòng, dí mắt vào sát tấm gương và tình cờ đọc được bảng chỉ dẫn về nhà trọ thanh niên tên Biệt thự Francescatti dán bên trong. Vui mừng, tôi quay ra trạm xe buýt ngồi chờ.
Một gã trẻ tuổi ốm nhom ốm nhách trông bộ dạng không mấy lương thiện đang lảng vảng xung quanh khách chờ xe buýt. Tôi không lạ gì những chuyện như thế này nữa, kinh nghiệm xương máu ở Áo trước giáng sinh đã khiến tôi tâm niệm “Ở đâu cũng có anh hùng. Ở đâu cũng có… thằng khùng thằng điên”, và trở thành chuyên nghiệp trong việc cảnh giác mất cắp, đến nỗi đạo chích Paris hay Venice (những nơi vốn khét tiếng về nạn móc túi du khách) cũng không “làm ăn” được gì với tôi huống chi giang hồ tỉnh lẻ. Tôi liếc xéo gã một cái, ra điều “ta biết rồi, đừng hòng giở trò móc túi ở đây” rồi đeo ba lô ra trước ngực, ôm khư khư vào lòng. Nhắm thấy con mồi không phải tay vừa, gã bỏ đi.
Anh chàng lái xe buýt từ nhà ga trung tâm Verona đến nơi tôi ở cũng như hầu hết những người Ý ở đây, tóc xoăn tít và mặc quần tây áo sơ mi thật lịch lãm, đeo kiếng đen hiệu Gucci trông đẹp trai hơn cả Ben Affleck. Nhưng anh chàng không biết tiếng Anh nên sau một hồi giải thích nơi muốn đến trong vô vọng, tôi bước xuống ngồi ở giữa xe. Thật may mắn, đôi bạn trẻ lên xe cùng lúc với tôi đang đứng với mớ ba lô túi xách to tướng cũng đến cùng nhà trọ nên tôi thở phào nhẹ nhõm. Qua trò chuyện, tôi được biết hai bạn người Hà Lan, vừa đến sân bay Milan Ý vào buổi trưa và đã quyết định không vào thành phố mà đáp xe lửa thẳng đến Verona. Quả là một quyết định đúng đắn vì Milan là một trong những thành phố xấu nhất nước Ý, trừ khi bạn là phóng viên muốn dự tuần lễ thời trang hoặc là cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt của Inter hoặc AC Milan, có rất ít lý do để bạn đến nơi này.
Nhà trọ thanh niên Villa Francescatti là một biệt thự cổ duyên dáng nằm trên đồi, trong khu vườn rộng xanh um cây lá và đài phun nước mát rượi bên thảm cỏ tươi tốt mượt mà. Những căn phòng rộng của biệt thự xưa đã được biến thành một dạng ký túc xá sinh viên với những chiếc giường tầng và cửa sổ hướng ra vườn chim hót ríu rít. Bạn phải ở chung với bảy người khác và nhà trọ có lock-out period bắt buộc bạn ra khỏi phòng từ 9g sáng đến 5g chiều, nhưng bù lại phòng ốc ở đây rất sạch sẽ yên tĩnh, không gian trong lành và giá chỉ 13.5 euro mỗi người có cả ăn sáng nên chúng tôi không lấy đó làm phiền.
Buổi sáng đầu tiên bước ra khỏi biệt thự, thấy ban mai trong suốt như một giọt sương. Con đường hẹp quanh co từ ngọn đồi chúng tôi ở vẫn còn ngái ngủ, thưa thớt người, những cửa sổ cạnh bao lơn nở hoa đỏ hoa tím li ti khép hờ. Có tiếng chim hót (không biết có phải từ “bụi mận gai” nào quanh đây) làm lòng tôi thật thư thái nhẹ nhàng, vừa tản bộ vừa ngắm những ngôi nhà Verona tư lự, tường gạch tróc lở vết thời gian và những mái ngói nâu hồng mang vẻ đẹp hài hòa và mơ màng. Biệt thự Francescatti đã có mặt hơn năm trăm năm trước nhưng tuổi đời so với những nhà hàng xóm vẫn còn thua xa. Verona ra đời từ thế kỷ thứ 1 trước công nguyên, và đã được công nhận là di sản UNESCO do những phát triển đô thị trải qua hơn hai thiên niên kỷ vẫn còn giữ lại rất nhiều thành trì, pháo đài thời La Mã cùng những kiến trúc Trung cổ và Phục hưng.
Chúng tôi băng qua cây cầu bắc ngang sông Adige trong xanh bên sườn đồi trồng đầy cây bách reo trong gió sớm. Thành phố sáng đầu tuần vắng lặng, ngay cả ở khu trung tâm. Những ngôi nhà tinh khiết ở đây giống như vừa bước ra từ một bức tranh sơn dầu với những gam màu hồng đậm nhạt pha trắng và ban công bằng sắt uốn lượn như dải lụa. Một tờ báo ở Anh đã gọi Verona là thành phố sắc hồng, quả thật đúng. Màu hồng là chủ đạo trên những ngôi nhà xưa duyên dáng nơi đây. Ngay cả những ngôi nhà sơn màu vàng nhạt hay nâu vẫn điểm những giàn hoa tươi ửng hồng đẫm sương đêm và chiếc xe đạp dựa hờ hững lên tường đá cũng được sơn hồng cánh sen. Cô gái Hà Lan đi cùng thốt lên: “Thích thành phố này quá đi!” và chúng tôi cùng gật đầu đồng ý.
Tôi quyết định chia tay hai bạn để làm một chuyến shopping. Ở Venice gì cũng đắt đỏ và toàn đồ cho du khách nên tôi không mấy hứng thú mua, nhưng ở đây có những shop giản dị và “điền viên” hơn nhiều, bán đồ ăn địa phương: mì vàng ươm, cà phê bột thơm lừng, xí muội kiểu Ý là lạ, hạt sôcôla trắng nhỏ li ti đựng trong túi lưới màu kem cột nơ xinh xắn…, quần áo ở Ý cũng rất đẹp và giá vừa phải (trừ khi bạn muốn mua đồ Armani, Gucci, Versace hay D&G…) nên tôi thích thú rảo một vòng ngó nghiêng những cửa hàng nhỏ nhắn trên đường tĩnh lặng. Sau khi ghé mua một số đồ làm quà cho mình và cho mẹ, cho chị ở nhà, tôi ra lại khu phố chính, đứng tần ngần nhìn những nghệ sĩ lang thang chơi guitar và thổi sáo bên cạnh một shop bán trái cây tươi ngoài vỉa hè.
Đã sang trưa, du khách bắt đầu túa ra từ những khách sạn, nhà nghỉ trong thành phố, Verona đã mất vẻ ngái ngủ ban sáng. Tôi băng qua những con đường hẹp, tình cờ thấy trên ban công căn nhà nhỏ nhắn trong hẻm nhỏ, một bà cụ đang đập bụi hai trăng lưỡi liềm vàng nhồi bông, có lẽ là đồ chơi các cháu nhỏ của bà. Thấy tôi vừa tủm tỉm cười vừa ngước nhìn từ bên ngoài đầu hẻm, bà dừng tay đập, cũng cười với tôi.
Trong lòng vui và nhẹ nhõm, tôi rảo bước đến thăm một trong những sức hút lớn nhất của Verona: nhà nàng Juliet. Nhà soạn kịch lỗi lạc người Anh Shakespeare viết lại “Romeo và Juliet” vào thế kỷ 17, nhưng huyền thoại về tình yêu ngây thơ và mơ mộng của hai người trẻ tuổi đã bắt nguồn ở Verona từ hơn ngàn năm trước đó và đã có mặt trên những truyện ngắn, kịch, thơ của nhiều tác giả khác trên thế giới trước khi Shakespeare ra đời. Bức tường gần cổng vào nhà đầy những dòng chữ nguệch ngoạc của những kẻ đang yêu đến thăm nhà cô gái xinh đẹp, tưởng nhớ một trong những chuyện tình lãng mạn nhất lịch sử nhân loại với kết thúc bi thương do thù hận gia đình. Tôi thích thú đọc chữ “Nhà Juliet” bằng nhiều thứ tiếng trong bảng đá đặt trước nhà, ngộ ra “Juliet’s house” trong tiếng Anh nghe rất “chuyên nghiệp” như đang trong một phi vụ làm ăn, “Juliethaus” tiếng Đức nghe đanh thép làm mất hết vẻ lãng mạn, “Maison de Juliette” tiếng Pháp nghe cũng khá êm đềm, nhưng chỉ tiếng Ý “Casa di Giulietta” mới du dương và thi vị nhất, chỉ bản thân chữ đó cũng đủ làm ta mơ màng hơn cả một bài thơ.
Nhà Juliet lớn nhưng không đồ sộ mà rất xinh xắn, xây bằng gạch nâu xưa đã tróc vôi, những vòm cửa cong cong như trong truyện cổ và ban công nhỏ xíu giản dị. Tôi trả ba euro để được vào trong, trèo lên ban công nhỏ đáng yêu nhìn xuống bức tường dây leo rậm rạp xanh um, tưởng tượng chàng Romeo đẹp trai vẫy tay bên dưới sân. Tôi dụi mắt, không tin vào mắt mình vì có ai đang vẫy tay với tôi bên dưới thật, hay là duyên nợ chăng? Nhưng tôi thất vọng ngay khi nhận ra người vẫy tay là anh chàng Hà Lan đang đi cùng cô bạn gái tôi gặp trên xe buýt hôm qua. Tôi trèo xuống, Romeo rủ: “Ăn trưa ít nên đói bụng quá. Đi ăn thêm không?”
Như đã viết trong bài “Ăn Ý”, đồ ăn ở đây chỗ nào cũng ngon và đầy hương vị. Chúng tôi chỉ ăn đồ ăn nguội mua trong một quầy thức ăn giản dị, nhưng món bánh mì tròn kẹp giăm bông và củ cải chua làm ai cũng tấm tắc khen. Tôi ra ngoài quảng trường Roman Arena nhấm nháp món tráng miệng bánh gừng, làm tôi nhớ lại Alastair ở nhà hay kể chuyện thiếu nhi về anh chàng người bánh gừng (Gingerbread man) chạy từ lò nướng trốn bà cụ nướng bánh: “Run, run as fast as you can. You can’t catch me, I’m a gingerbread man”. “Chạy, chạy nhanh hết sức đi. Cũng không bắt được tôi đâu, tôi là người bánh gừng”.
Roman Arena, một trong những công trình vĩ đại nhất châu Âu, là đấu trường La Mã được xây dựng từ thế kỷ thứ một sau Công nguyên, vào năm cuối cùng của triều đại Augustus, kỳ công đến nỗi trận động đất dữ dội vào thế kỷ 12 tại đây chỉ phá hỏng được một phần bên ngoài. Khi xưa nơi này đã diễn ra nhiều cuộc chiến của các dũng sĩ giác đấu tương tự những cảnh hoành tráng mà ai từng xem bộ phim Gladiator khó có thể quên. Đến thế kỷ 18, đấu trường xây hình elip bằng đá cẩm thạch hồng dài gần 150m ấy được chuyển thành một nơi nhẹ nhàng hơn nhiều: thay vì những cuộc cưỡi ngựa đấu thương là những vở nhạc kịch êm đềm du dương rất Ý. Ngày nay, Roman Arena là nơi tổ chức hòa nhạc và opera thu hút hàng chục ngàn khán giả mỗi đêm; nhưng khi đến, tôi chẳng thấy áp phích giới thiệu chương trình nào, chỉ có một poster quảng cáo lớn bằng một tòa nhà của hãng Lycra có ảnh một cô gái mặc bikini thật hấp dẫn, quả là một ví dụ sống động cho cổ xưa chen lẫn hiện đại. Tôi ngồi nhâm nhi bánh gừng, chợt nghe tiếng nhạc trong vắt đâu đây; quay lại, thấy một nghệ sĩ đường phố trong trang phục quí tộc xưa đang biểu diễn nhạc nước pha lê: Khi ông huơ tay trên những chiếc ly cốc thủy tinh đủ kích cỡ hình thù đựng nước lọc, những âm thanh tinh khiết vang lên như một bản nhạc êm đềm.
Tôi còn lang thang nữa qua phố G Mazzini mua bức tranh khắc nổi hình cô gái múa balê của một người đàn ông Nam Tư, những bánh xà bông thơm nức từ các cửa hiệu nhỏ xinh, rồi đi lạc trong những con phố có mái vòm arcade, những tu viện, giáo đường, nhà thờ trầm mặc, những pháo đài cổ có đôi chim bồ câu đứng gù, rồi trở lại quảng trường Piazza Brà ngắm du khách và người địa phương lười biếng ăn cioccolato (sôcôla) và crostata (bánh trái cây nướng) mới mua được từ những pasticceria xung quanh, trước khi tạt vào một quán cà phê khuất nẻo, nghe cô chủ và những khách người địa phương trong quán nhiệt tình chỉ tôi caffè lungo và caffè Americano gần như là một loại, còn cappuccino phải được uống ấm chứ không quá nóng bỏng sẽ làm mất đi độ ngọt tự nhiên của sữa và độ mịn của bọt (Lạy trời, cả đời tôi không tưởng tượng được một ngày nào đó mình sẽ tinh tế đến mức này).
Tôi đi bộ một mình về chỗ trọ sau một ngày lang thang mỏi chân, băng qua cây cầu cong cong đỏm dáng ban sáng với những ngôi nhà xưa mái ngói ửng hồng có những ô cửa sổ hình chữ nhật soi bóng xuống sông Adige trong xanh. Xung quanh vắng lặng đến khó tin, có lẽ tất cả du khách đã ở hết khu trung tâm thành phố. Những cây tùng cây bách vẫn reo trên mái nhà và những sườn đồi thoai thoải, nhưng cảnh hoàng hôn buông xuống đẹp huy hoàng hơn ban sáng gấp nhiều lần. Ánh mặt trời miền Bắc nước Ý nhuộm cảnh vật một màu óng ả như tơ tằm, như mật, như dầu ô liu nguyên chất, như vàng ròng, hắt xuống mặt nước lăn tăn lấp loáng. Tôi nhìn buổi chiều Verona mơ màng, quên mình đang ở một xứ sở có thực.
Song tiếng xe Vespa rồ ga của cô nàng có gương mặt thanh thoát như thiên thần đang đội nón bảo hiểm phóng vù vù làm tôi giật nảy mình, nhận ra đã đến con hẻm nhỏ dẫn vào nhà trọ Biệt thự Francescatti và mình không phải đang ở trong chuyện cổ tích mà đang ở Ý, “thủ phủ” của những quái xế chạy xe ẩu nhất thế giới. Nhưng có hề chi, đối với tôi Verona vẫn mãi là phố xá mơ màng với những ngôi nhà mái ngói tường vôi in vết thời gian, ban công xinh xinh nhà Juliet và cảnh hoàng hôn nhuộm dòng sông Adige vàng óng ả làm “có người lòng như nắng qua đèo” (*)…
(*) Lời một bài hát của Trịnh Công Sơn
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)