Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Tỉ phú đối đầu

Trận cầu đang được chờ đợi giữa hai đại gia Chelsea và Manchester City vào đêm nay.

Trung vệ John Terry (Chelsea, trái) và tiền đạo Adebayor (M.C):
ai sẽ thắng ở cuộc đối đầu này?
Nếu hỏi bất kỳ một CĐV Giải ngoại hạng Anh điểm chung của hai đội Chelsea và Manchester City, sẽ có những câu trả lời như “HLV người Ý”, “mặc áo xanh da trời”, nhưng chắc chắn phần lớn người được hỏi sẽ nói “đều là hai đội tỉ phú”. Vì vậy, cuộc đụng độ giữa hai “nhà giàu” hai miền nam - bắc, Manchester City tiếp Chelsea trên sân nhà là trận được chờ đợi nhất vòng này.

Mặc dù thắng cả năm trận đầu tiên giải ngoại hạng nhưng hơn lúc nào hết Chelsea đang khao khát ba điểm trước Manchester City, đội bóng lấy điểm của họ nhiều nhất mùa bóng năm ngoái (Man City thắng cả trên sân nhà lẫn sân khách).

Trận đấu giữa Chelsea và Manchester City diễn ra vào
ngày 25-9 đang được người xem mong đợi vì
đây là cuộc đối đầu giữa hai tỉ phú - Ảnh: AFP
Tiền vệ cánh trái Malouda của Chelsea hiện cùng Berbatov của Manchester United tạm dẫn đầu danh sách vua phá lưới, nói: “Mọi người không tin những gì chúng tôi làm được từ đầu mùa tới giờ là giỏi, vì họ nói tất cả đối thủ chúng tôi gặp đều yếu. Vì vậy những trận sắp tới sẽ chứng tỏ chúng tôi sẵn sàng trước bất cứ đối thủ nào”.

Xét về lịch sử, CĐV hai đội này không có ân oán giang hồ nhiều, phần vì ở xa nhau, phần vì cả hai đều không phải những đội bóng lớn nhất giải như Arsenal, Liverpool hay Manchester United (Chelsea chỉ mới phất lên trong hơn năm năm nay).

Khi được tỉ phú Nga mua lại năm 2003 và rót tiền như nước, sau hai mùa bóng Chelsea đã giành được chức vô địch và giữ vững một trong hai ngôi đầu bảng từ đó đến nay, chỉ một lần sẩy chân đứng hạng ba năm 2009. Tuy vậy không phải CĐV Chelsea nào cũng vui với kết quả này. Richard, một người quen của bạn thân tôi, nhiều năm có vé mùa xem tất cả các trận tại Stamford Bridge, đã thôi ủng hộ Chelsea từ năm 2004 vì không muốn đội của mình phát triển theo kiểu đó.

Khi được Tập đoàn Abu Dhabi United của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) mua vào tháng 9-2008, Manchester City, với thành tích đứng thứ 14 và thứ 9 giải ngoại hạng hai năm trước, chỉ sau một đêm thức dậy đã trở thành một trong những CLB giàu nhất thế giới, mùa bóng sau giành ngay hạng 5, thành tích cao nhất giải ngoại hạng họ từng đạt được.

Khi tôi tỏ vẻ lo ngại Manchester City sẽ “tệ” như Chelsea, “tệ” không phải vì lối chơi (nhiều cầu thủ đắt tiền chắc chắn sẽ chơi hay), mà vì sự vung tiền như nước mua cầu thủ ngang dọc khắp nơi, dân Anh ai cũng lắc đầu: “Man City sẽ tệ hơn vì tỉ phú Nga dù giàu mấy cũng có thể hết tiền, trong khi tỉ phú dầu hỏa Ả Rập nguồn tiền sẽ không bao giờ cạn”.

Quả thật, dù đã chi hơn nửa tỉ đôla cho Man City chỉ riêng cho việc mua cầu thủ nhưng chủ nhân CLB mặt vẫn không biến sắc, tuy vậy HLV Mancini cũng hiểu nếu ông không giành được ít nhất một suất tham gia Champions League vào năm sau, bị sa thải sẽ là điều tất yếu.

Man City đang đá tốt hơn và vừa mua nhiều cầu thủ hàng đầu. Các cầu thủ của họ sẽ xem trận đấu này là cơ hội chứng tỏ họ sẵn sàng chiến đấu cho chức vô địch. Nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ chức vô địch của mình bằng bất cứ giá nào” - Malouda phát biểu, và vì thế cả nước Anh chờ trận đấu tưng bừng tại sân City hôm nay.

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Chờ xem tiệc bóng đá

Sự ghét nhau “xúc vỏ đổ đi” giữa hai người láng giềng Liverpool và Manchester United (M.U) bắt nguồn trước cả bóng đá. Có người nói những bài hát trêu tức lẫn nhau của CĐV Liverpool và M.U nếu viết thành sách sẽ xếp dài hơn cả con đường East Lancs gần 50km nối hai thành phố miền bắc nước Anh này với nhau.

Tiền đạo Berbatov của M.U sẽ hát khúc khải hoàn trên sân nhà? - Ảnh: Reuters
Hãy nghe đây, Liverpool hát United bỏ chạy

Và chúng ta sẽ mãi mãi chiến đấu

Bởi vì hôm nay là ngày derby...”

(theo điệu bài Mary’s boy child, được hát trong các trận derby giữa M.U và Liverpool và lời được đổi lại nếu CĐV của M.U hát)

Nếu TP Liverpool có hai đội bóng Liverpool và Everton thì Manchester có M.U và Man City, Liverpool có ban nhạc The Beatles thì Manchester có The Bee Gees, Liverpool có cảng biển thì Manchester có con kênh đào cách đây hơn trăm

năm để thuyền bè khỏi đi qua thành phố vùng Merseyside, dẫn đến việc nhiều người Liverpool thất nghiệp. Năm nay Liverpool tổ chức triển lãm tranh gốc của Picasso thì Manchester “lật đật” triển lãm kho tàng một pharaoh Ai Cập. Manchester có Rooney thì Liverpool... cũng có Rooney (sinh ở ngoại ô Liverpool và được HLV David Moyes của Everton cho ra sân trận đầu tiên năm 16 tuổi)...

Thật vậy, mối quan hệ giữa M.U và Liverpool từ khi mới thành lập đã không mấy tốt đẹp. Gần đây nhất là trận Liverpool thắng ở Cúp FA năm 2006, khi Alan Smith của M.U. bị gãy chân phải cáng ra sân, các CĐV và cầu thủ ẩu đả loạn xạ. Tệ hơn, các “hooligan đội lốt CĐV” của Liverpool còn tấn công xe cứu thương chở Smith đi bệnh viện. Thời điểm duy nhất hai đội bớt ghét nhau là sau thảm họa Hillsborough khi 93 CĐV Liverpool bị giẫm đạp đến chết trong trận gặp Nottingham Forest năm 1989, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đâu lại vào đó.

Nếu may mắn có dịp xem bóng đá trực tiếp trên sân, bạn sẽ nghe những bài hát được CĐV hát hò khen đội mình và trêu ghẹo đối phương mà trên tivi không nghe rõ lời, chẳng hạn:

“Mi không còn nổi tiếng nữa, mi không còn nổi tiếng nữa” (CĐV M.U hát trêu Liverpool 20 năm nay, kể từ khi đội bóng vùng Merseyside chưa lần nào giành được chức vô địch Giải ngoại hạng).

“Biến đi, Man U FC. Mi sẽ không bao giờ có được lịch sử như chúng ta. 5 cúp châu Âu, 19 lần vô địch Anh. Đó mới gọi là lịch sử”.

“Bị bán cho Mỹ. Bị bán cho Mỹ” (CĐV Liverpool hát khi Malcolm Glazer mua M.U, dựa theo ca khúc nổi tiếng Sinh ra ở Mỹ).

Trong vòng 10 năm trở lại đây, những cuộc đối đầu trong khuôn khổ Giải ngoại hạng giữa hai kỳ phùng địch thủ này luôn tưng bừng và chỉ có hai trận hòa. Vì vậy, trận đấu đêm nay sẽ là bữa tiệc cho các tín đồ bóng đá dù có phải là CĐV của một trong hai đội hay không.

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Xem Arsenal “đáng đồng tiền bát gạo”

Trên đường tới sân Emirates xem đội nhà Arsenal gặp đối thủ Bồ Đào Nha Braga trong khuôn khổ Champions League, tôi không trông đợi các pháo thủ thành London sẽ thắng đến 6-0 do họ vắng nhiều trụ cột vì chấn thương.

Fabregas (phải) ăn mừng bàn thắng cùng đồng đội Vela - Ảnh: Reuters
Các trụ cột như hai tiền đạo Van Persie và Bendtner, cùng tiền vệ tấn công Walcott và hậu vệ Vermaalen đều chấn thương không thể ra sân.

Emirates chính thức thay Highbury làm sân vận động của Arsenal từ tháng 8-2006, nhưng vé rất khó mua nên đến tháng 4-2008 tôi mới có dịp đi xem ở Emirates lần đầu, trận gặp đối thủ Tây Ban Nha Villarreal lượt về tứ kết Champions League, Arsenal thắng 3-0.

Tôi còn nhớ trận đó các CĐV đã dành nhiều tình cảm cho tiền đạo người Togo Adebayor, khi anh ghi bàn cũng như trong suốt trận, vì vậy mùa bóng sau khi tiền đạo này sang Manchester City và có nhiều thái độ không hay (đạp gót giày vào mặt Van Persie, hoặc sau khi ghi bàn chạy về phía khu vực khán giả Arsenal để trêu tức), ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Đêm 15-9, tôi lại có cơ hội xem Arsenal thi đấu với Braga ở Emirates. Lần này tôi có vé tốt, ngồi cách cầu môn chỉ năm dãy ghế, sau hàng phóng viên quốc tế dày đặc. Sau lưng tôi là một nhóm khoảng mười người Mỹ, nói chuyện suốt từ đầu đến cuối buổi (dân Anh vẫn hay kêu dân Mỹ nói nhiều, nói to và hay nói “tào lao”).

Sau khi Fabregas ghi bàn đầu tiên từ chấm 11m, một anh hỏi “Braga là vùng nào ở Anh?” làm tôi bấm bụng cười, anh khác sửa lại: “Không, không phải ở Anh, đây là chỗ khác, ở Bồ Đào Nha”. Anh kia nói: “Sao ở Bồ Đào Nha mà đá ở đây?”, “Đây là giải bóng đá châu Âu, gọi là Championship, không phải chỉ dành cho những CLB ở Anh”. Tôi phải kiềm chế lắm mới không quay lại sửa: “Champions League, không phải Championship. Championship là giải vô địch Anh nằm dưới giải ngoại hạng một bậc”.

Suốt buổi, trong khi các anh vẫn tiếp tục nói huyên thuyên, tôi thầm tiếc cho biết bao nhiêu CĐV bóng đá cuồng nhiệt trên thế giới mơ ước được đến sân xem một lần mà không có dịp.

Bình luận viên Jonathan Stevenson của BBC nhận xét “đây là một trận đấu Arsenal tiếp tục trình diễn lối chuyền bóng có sức thu hút như nam châm, trong khi cả buổi tối Braga chỉ biết đuổi theo bóng” (bóng của người, shadow, không phải trái bóng). Roland bạn tôi, cũng có trên sân đêm qua, nhận xét khi hết chấn thương tiền đạo người Đan Mạch Bendtner sẽ khó lấy lại vị trí trong đội hình Arsenal do cầu thủ mới mua Chamakh quá khởi sắc.

Đây là một minh chứng tiêu biểu cho việc ông Wenger, có biệt danh “giáo sư” (the professor) do dáng người và gương mặt trí thức, có con mắt tìm cầu thủ trẻ ít ai biết đến nhưng rất tiềm năng.

Trận thắng 6-0 “đáng đồng tiền bát gạo” cho tôi và các CĐV nhà của Arsenal cũng là trận thắng đậm nhất của lượt trận đầu tiên Champions League, vì vậy ai cũng khấp khởi mong một mùa bóng khởi sắc cho “giáo sư” Wenger và các cầu thủ trẻ phía bắc London này.

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Arsenal “bất khả chiến bại”

Lượt trận đầu tiên của vòng bảng Champions League sẽ chứng kiến “những pháo thủ thành London” Arsenal đón tiếp đại diện Bồ Đào Nha Braga trên sân nhà Emirates lúc 1g45 sáng 16-9 (giờ VN).

Tiền đạo người Mexico Carlos Vela của Arsenal sẽ ăn mừng bàn thắng vào lưới Braga? - Ảnh: AFP
Dù có ưu thế sân nhà và các học trò đang rất hưng phấn sau trận đè bẹp Bolton 4-1 ở Giải ngoại hạng Anh cuối tuần qua, nhưng HLV Arsene Wenger có nhiều lý do để lo lắng về trận đấu này. Thứ nhất, hầu hết các trụ cột Arsenal đều rất trẻ trung. Vì thế, HLV người Pháp lo ngại căn bệnh tự mãn sẽ tiêu diệt khát vọng chiến thắng của đội chủ sân Emirates. Thứ hai quan trọng hơn là Braga đang có phong độ rất tốt. Mùa năm ngoái, CLB có biệt danh “Arsenalistas” này đã qua mặt cả Porto và Sporting Lisbon để xếp thứ hai ở Giải vô địch Bồ Đào Nha. Năm nay, họ mở đầu mùa bóng bằng thành tích đáng kinh ngạc là loại cả hai tên tuổi giàu truyền thống thành tích của bóng đá Scotland và Tây Ban Nha ở vòng play off là Celtic và Sevilla để có mặt ở vòng đấu bảng Champions League.

Braga không dễ bị bắt nạt nhưng tôi ủng hộ Arsenal vì đây là một trong những đội tôi thích nhất bởi họ trẻ trung, luôn cống hiến thứ bóng đá tấn công quyến rũ và lúc nào cũng muốn ghi bàn dù đang dẫn đối phương với tỉ số đậm. Chính vì thế, dưới thời Wenger, Arsenal đã có kỷ lục ghi bàn đáng nể. Bàn nâng tỉ số lên 3-1 của Alex Song ở trận gặp Bolton cuối tuần qua là bàn thắng thứ 1.000 của các pháo thủ thành London dưới thời HLV người Pháp sau 528 trận (những HLV tiền nhiệm của Arsenal đạt được 1.000 bàn thắng sau 683 trận).

Arsenal của những năm 1980, 1990 được biết đến với tên “boring boring Arsenal” (Arsenal nhàm chán, nhàm chán) vì hơn mười năm dưới thời George Graham, các pháo thủ chỉ nhắm đến tỉ số 1-0 vừa đủ thắng, thật khác xa Arsenal “nã đạn” của hôm nay. Wenger đến và tạo ra một bộ mặt khác cho Arsenal, khiến ông rất được lòng nhiều cổ động viên.

Arsenal là đội bóng đầu tiên tôi đến sân vận động thăm, đó là một ngày đầu tháng 8-2002, tôi mới tới London lần đầu. Giải ngoại hạng đang ở giai đoạn nghỉ hè nhưng tôi vẫn mò mẫm tìm đến Highbury (sân cũ của Arsenal) bằng được, dù chỉ để nhìn sân bên ngoài vắng vẻ. Sau này đã “lăn lộn” xem bóng đá ở nhiều sân khác nhau nhưng kỷ niệm ngày mùa hè cách đây tám năm tôi vẫn nhớ, trong mắt tôi Highbury vẫn là sân đẹp nhất, nhìn cá tính và có không khí hơn nhiều so với sân Emirates sang trọng hiện đại.

Arsenal cũng là CLB được các CĐV trung lập tại Anh yêu thích nhất. Không coi thường đối phương, không vung tiền như nước để mua cầu thủ, không “lấy thịt đè người” khi thi đấu, các pháo thủ phía bắc London là một hình ảnh kinh điển của bóng đá đẹp. Đặc biệt, mùa bóng 2003-2004 Arsenal đã làm nên lịch sử khi là đội đầu tiên và duy nhất đến nay của giải ngoại hạng không thua trận nào suốt mùa, để khắc tên “Arsenal the Invincibles” (Arsenal bất khả chiến bại), cái tên vốn trước đó chỉ dành riêng cho Preston North End mùa bóng 1888-1889 cách đây hơn trăm năm. Nhiều người cho rằng thành tích đó sẽ không ai có thể lặp lại được. Cha một người bạn tôi, ông Tom, CĐV trung thành suốt nửa thế kỷ qua của Arsenal, đã xem nhiều thế hệ cầu thủ Arsenal thi đấu trên sân từ những năm 1960, cũng đồng ý điều đó.

Tôi thật may mắn có được chiếc vé xem trận Arsenal - Braga. Hi vọng đêm 15-9 sẽ cho tôi những kỷ niệm đẹp tại Emirates.

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Chuyện về “Rooney-esque”

Trước trận đấu gặp Thụy Sĩ rạng sáng 8-9 (giờ VN), có lẽ Rooney đang trong giai đoạn bấn loạn nhất của sự nghiệp. Là lựa chọn số 1 cho vị trí tiền đạo, anh đã đá 957 phút cho tuyển Anh kể từ tháng 3-2009 mà không ghi được bàn nào.

Rooney (trái) trong trận Anh thắng Thụy Sĩ 3-1. Ảnh: AFP
Cuối tuần qua, trong khi các báo chính thống chỉ nói đơn giản “cáo buộc liên quan đến đời tư”, nhiều tờ báo lá cải liên tiếp giật tít và viết những bình luận gây sốc về chuyện đời tư của Rooney. Nhiều người nghi ngờ khả năng anh được chọn đá trên sân Basel, nhưng HLV Fabio Capello vẫn đặt niềm tin vào cầu thủ đang bị truyền thông kết tội. Và kết quả Rooney và đồng đội đã chơi xuất sắc trên đất Thụy Sĩ để giành chiến thắng 3-1. Rooney là tác giả bàn mở tỉ số cùng hai bàn của hai cầu thủ dự bị là Adam Johnson và Darren Bent.

Rooney vốn có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với giới báo chí, cả lá cải lẫn chính thống. Sinh ra trong một gia đình lao động ở Liverpool, anh có điệu bộ khá “sát thủ” cả trong và ngoài sân cỏ, đến nỗi ở Anh có thêm một tính từ mới: Rooney-esque, để chỉ những cậu con trai mới lớn mặc quần dài thể thao dáng đi khệnh khạng và nói chuyện cộc lốc. Cũng như nhiều người hâm mộ bóng đá khác, tôi vẫn chưa quên hành động tháo giày ném ra xa khá hỗn của Rooney lúc anh bị HLV tuyển Anh khi ấy là Sven Goran Eriksson thay ra do phong độ không tốt trong trận gặp Bồ Đào Nha cách đây vài năm.

Nhưng Rooney hôm nay có vẻ đã chín chắn hơn nhiều. Im lặng trước búa rìu dư luận sau một World Cup tệ hại, anh đột ngột tỏa sáng trong trận gặp Bulgaria cuối tuần trước. Cứ tưởng mọi việc sẽ ổn thì anh lại dính cú sốc cuối tuần rồi. Vì vậy, phong độ tốt của anh tại Thụy Sĩ chứng tỏ một sự vươn lên và bản lĩnh không dễ có được. Đội trưởng Steven Gerrard nói: “Kết quả trên sân Basel rất tốt cho Rooney. Tất cả những lời bàn tán vừa qua đều là về Rooney nên việc cậu ấy có bàn thắng là điều rất mừng”.

Trước khi trận đấu diễn ra, những trạm xe điện ngầm ở London (Anh) xảy ra đình công nên tôi phải đến nhà bạn xem bằng xe buýt chật như nêm. Vừa đứng một chân trên xe, vừa đọc tờ Evening Standard nói về những chuẩn bị trước vòng hai, trong đó “điểm nhấn” là việc bầu không khí trong trại huấn luyện của đội Anh sau vụ Rooney giống như một... bệnh viện tâm thần!

Hi vọng với chiến thắng mới này, tinh thần Rooney và đội tuyển trước trận gặp Montenegro ở lượt trận thứ ba trên sân Wembley đêm 12-10 sẽ hưng phấn hơn.

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Phố biển nghệ sĩ

Chiếc lược ưa thích nhất của tôi được mua ở Marốc, dài bằng bàn tay, răng thưa và làm toàn bằng gỗ màu nâu có mùi thơm nhẹ từ gốc và thân cây thuya khô, giá chỉ 10 dirham (khoảng 28.000 đồng Việt Nam). Mỗi khi dùng nó, tôi lại nghĩ về những người thợ mộc địa phương với chiếc cưa nhỏ, tẩn mẩn đẽo những món đồ gỗ trên phố biển Essaouira...

Trên chuyến xe bus từ Casablanca đến Essaouira, thành phố biển Marốc đầy nắng gió với kiến trúc hài hòa và đa dạng của Pháp, Bồ Đào Nha và dân tộc Berber, Alastair và tôi nhấp nhổm không yên vì xe đi trễ, gần nửa đêm mới tới nơi.

Email đặt phòng của nơi ở có dặn tới ki-ốt của công ty du lịch nằm tại quảng trường Moulay El Hassan để lấy chìa khóa và có người dẫn đi lấy phòng, nhưng chúng tôi lại quên không lấy địa chỉ nơi ở cũng như số điện thoại liên lạc nên chỉ sợ nửa đêm ở đó đóng cửa thì không biết ngủ ở đâu.

Hàng cọ bên đường dọc bãi biển
Khi xe đến nơi, dừng lại lấy hành lý, cô gái Ả Rập trạc tuổi chúng tôi có khuôn mặt rất tươi, đầu trùm kín theo phong tục Hồi giáo, dẫn đứa con nhỏ ngồi băng ghế bên cạnh trên chuyến xe quay sang: “Nếu chỗ đó đóng cửa, hai bạn tới nhà tôi ở tạm. Nhà tôi gần đây, để tôi đưa số điện thoại nhé!”.

Tôi ngại ngùng nói: “Không sao, cảm ơn bạn, nếu chỗ đó đóng cửa, chúng tôi tìm chỗ khác”. Cô nhướng mắt: “Các bạn cẩn thận, ở đây cũng có lúc nguy hiểm lắm. Cứ lấy số điện thoại của tôi, bây giờ nửa đêm rồi”. Lúc đó, Alastair đã lấy hành lý từ khoang xe, anh nói: “Chắc không sao, chúng tôi đi du lịch nhiều lắm, bạn đừng lo”.

Sau khi đã về đến nơi ở (quảng trường trung tâm gần như hoạt động cả đêm, trái với những lo lắng khi trên xe), chúng tôi tự trách mình sao không lấy số điện thoại của cô gái trẻ ấy để có thể mời cô đi uống nước cảm ơn. Trong những chuyến đi xa, đã bao giờ bạn gặp ai đó rồi mất liên lạc hoặc quên không lấy thông tin, để rồi mỗi lần nghĩ tới lại thấy băn khoăn, giận mình?

Nơi tập trung của các nghệ sĩ

Essaouira đã nhiều thế kỷ là cầu nối giao thương giữa Timbuktu tới vùng cận sa mạc Sahara với châu âu, khi hàng hóa của cựu lục địa được mang đi đổi lấy muối, gia vị, đường, trà và vàng bạc từ châu Phi.

Phố cổ (medina) quanh co nhiều đường nhỏ như ma trận được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nhà cửa nổi bật với ba màu xanh da trời, vàng nâu và trắng, ngay cả con thuyền đánh cá trên cảng, sạp hàng bán đồ gốm, trà và đồ gỗ thuya, hay những chiếc ghế dài kê trên sân thượng nhìn ra biển..., cũng mang tông màu này, tạo cho phố xá một nét rất riêng.

Nhà cửa nổi bật với ba màu xanh da trời, vàng nâu và trắng
Nhưng đặc biệt hơn cả, Essaouira còn được biết đến như nơi tập trung của các nghệ sĩ (nghệ sĩ chân chính chứ không phải khái niệm vài năm nay ở Việt Nam dùng để chỉ những người làm trong ngành giải trí như ca sĩ, người mẫu, diễn viên “lôm côm”. Với định nghĩa về nghệ thuật dễ dãi và lạ đời này, những cô xinh đẹp lộ hình hở hang cũng được xếp chung một giới với... nhạc sĩ Văn Cao).

Phố biển này là nơi Jimi Hendrix đến thăm nhiều lần trong thập niên 1960, được nhiều người cho là nơi tạo nguồn cảm hứng sáng tác bài Castles made of sand với câu hát bất hủ “Và những lâu đài làm bằng cát cuối cùng sẽ tan trong biển”.

Sau Jimi Hendrix, lần lượt những thần tượng âm nhạc khác như Bob Marley, Franz Zappa và Cat Stevens (người sau này cải đạo Hồi và được biết dưới tên mới Yusuf Islam) cũng xem thành phố chậm rãi và êm dịu như thánh địa trên những nẻo đường châu Phi.

Quầy bán thảm và đồ da trong phố cổ medina
Du khách và những anh chàng Marốc chủ quán nhạc cụ dân tộc
Phố biển này cũng tổ chức liên hoan nhạc Gnaoua và thế giới. Người Gnaoua vốn là con cháu của nô lệ các nước Tây Phi di cư sang, ngày nay đã hoàn toàn hòa nhập vào xã hội Marốc nhưng vẫn giữ các truyền thống và văn hóa của mình, chẳng hạn những chiếc áo chùng dài và nón sặc sỡ đính vỏ ốc, hoặc những âm thanh đặc trưng phát ra từ nhạc cụ dân tộc. âm nhạc Gnaoua mang tính tâm linh, pha trộn âm nhạc của vùng cận sa mạc Sahara, của người dân tộc Berber và người Ả Rập.

Bỗng dưng “thương nhớ mười hai”

Có lẽ ngoại trừ bốn ngày rộn ràng lễ hội âm nhạc Gnaoua vào tháng Sáu hằng năm, Essaouira luôn là một ốc đảo tĩnh lặng so với những thành phố khác của đất nước Bắc Phi này. Biển xanh, nhịp sống chậm rãi, không gian mát mẻ và những làn gió biển hiu hiu gợi nhớ lời văn của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai: “...trời trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh”.

Chắc hẳn cũng có nhiều người vất vả, nhưng không hiểu tại sao dưới mắt tôi lúc đó, đời sống của người ta có vẻ nhẹ nhàng, bình dị, không bôn ba lo nghĩ đến đồng tiền như bây giờ để đáp ứng những đòi hỏi mỗi ngày một nhiều hơn.

Đường phố vãn hẳn người đi lại. Nằm ở trong nhà nhìn ra bên ngoài thấy cái cảnh êm ả của phố phường, tự nhiên mình cảm giác thấy cái nắng cũng có vẻ nên thơ, tiếng giun tiếng dế nghe cũng có một cái gì thú vị, mà ngay đến sự uể oải của người ta cũng là thứ uể oải phong lưu chứ không phải vì quá lao tâm khổ trí mà thành ra kiệt sức.

Tôi không biết “uể oải phong lưu” ra sao (vì bản thân lâu lâu cũng thấy uể oải nhưng là uể oải vì quá lao tâm khổ tứ), chỉ biết những ngày ở Essaouira đã mang lại những kỷ niệm đẹp và những giờ thư thái. Buổi sáng chúng tôi dậy sớm ra bãi đậu thuyền đánh cá, mua hải sản từ những quầy nằm dọc bến, rẻ hơn hải sản Việt Nam, tha hồ ăn cua, mực, cá, ốc hấp trong bếp ở căn hộ.

Ăn trưa xong lại nằm trên bãi cát dài uốn cong, mặc dù Marốc rất nóng nhưng nước biển lại lạnh, có lẽ vì đây là Đại Tây Dương, tắm xong phải lên bờ hong nắng cho ấm người, bởi vậy ở đây nổi tiếng với môn lướt sóng hơn tắm biển. Tắm chán lại đi loanh quanh các souks, những con đường nhỏ với sạp hàng đầy màu sắc bán thảm dệt, lông đà điểu, đồ gỗ, túi da..., ở đây ít có nạn chèo kéo và nói thách như những điểm du lịch khác ở Marốc.

Chạng vạng trên pháo đài Skala, ánh sáng trắng mờ phủ lên biển và đường chân trời, cùng với thành lũy hùng vĩ với những khẩu canon đồng hàng trăm tuổi, làm cảnh vật mang vẻ nửa hư nửa thực
Hoàng hôn, cả hai lại lên pháo đài Skala được xây từ thế kỷ XVIII, ngắm sóng biển vỗ ầm vào vách thành lũy tung bọt. Chạng vạng, ánh sáng trắng mờ phủ lên biển và đường chân trời, cùng với thành lũy hùng vĩ với những khẩu canon bằng đồng hàng trăm tuổi làm cảnh vật mang vẻ nửa hư nửa thực.

Tối đến, tôi đi mua bó lá bạc hà trên chiếc xe cút kít của người bán dạo về pha trà bạc hà tươi uống với bánh ngọt hình cong, hạnh nhân nghiền trộn nước hoa cam làm nhân bọc trong lớp bột rồi nướng. Trên sân thượng, trăng lên rực màu da cam trên nền trời đen thẫm, ánh đèn hắt lên từ con hẻm nhỏ bên dưới quyện ánh trăng cũng nhuộm những căn nhà rực màu da cam. Con hẻm trông giống bức tranh Courtyard in Morocco của Edwin Lord Weeks, tường vôi tróc lở từng mảng lộ lớp gạch đỏ nâu, tĩnh lặng và râm mát.

Từ đó bước ra đường, đối diện với bưu điện là cửa hàng bán nhạc cụ dân tộc. Alastair muốn mua đàn guenbri, nhạc cụ của người Gnaoua gần giống đàn tam của Việt Nam, nên chúng tôi ghé vào. Anh chàng chủ tiệm không biết có phải người Gnaoua hay không nhưng nhìn cũng khá nghệ sĩ, tóc dài cột bện, biểu diễn thử những nhạc cụ trong shop cho chúng tôi nghe khá chuyên nghiệp.

Trả giá mua đàn guendri không được vì khá đắt, cuối cùng Alastair chọn mua chiếc trống nhỏ bọc bằng da cá. Hai người có vẻ khá tâm đầu ý hợp, vắng khách nên anh chàng kia rủ thêm một anh nữa ở quầy bên rồi kéo chúng tôi ở lại uống trà bạc hà. Tôi đã bùng tai vì tiếng nhạc nên để Alastair ở lại, còn mình đi đến một tiệm bán dầu argan (dầu ép từ một loại cây chỉ trồng được ở Essaouira và vùng lân cận) để mát-xa bằng dầu argan cho lại sức.

Trong các sách hướng dẫn du lịch Marốc thường nhắc đến gallery nghệ thuật của Frederic Damgaard. Nghệ sĩ người Đan Mạch này đến Essaouira vào những năm 1960, khi đây bắt đầu là tụ điểm của phong trào hippy, các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới tụ hội để sáng tác và… hút thuốc phiện. Ông ở lại phố biển và hai mươi năm sau mở gallery nghệ thuật trưng bày những sáng tạo bằng gỗ thuya của mình.

Ngày nay, ông còn trưng bày tranh và các tác phẩm điêu khắc của các nghệ sĩ địa phương. Gallery của Damgaard được biết đến ở châu Âu như một biểu tượng văn hóa đại diện cho trường phái nghệ thuật Essaouira, “đưa bạn đến một thế giới kỷ ảo đầy màu sắc và hy vọng, với nguồn cảm hứng từ những souks và quán cà phê của Essaouira” như trang web morocco.com viết.

Essaouira cũng là nơi vào những năm 1950 đạo diễn Orson Welles quay phim Othello từ tác phẩm của Shakespeare, một bộ phim gặp không ít khó khăn trong quá trình dựng và mất của ông hết bốn năm gian khổ. Khó khăn lớn nhất là việc diễn viên bỏ đi trước khi phim làm xong, ông phải thuê dân địa phương đóng thế và dùng nghệ thuật quay bóng (silhouette, không phải… homosexual) để không ai nhận ra sự khác biệt.

Khó tin nhất là vào cuối giai đoạn đó, những bộ áo giáp của các chiến binh trong phim được làm bằng hộp cá mòi. Nhưng sau này nhớ lại, Welles đã nói thời gian ở Essaouira là “một trong những thời điểm hạnh phúc nhất của tôi”.

Đọc đến đây, tôi thầm nghĩ mình chỉ có vài ngày ở Essaouira, nếu ở đó bốn năm như Orson Welles, rất nhiều khả năng tôi cũng cùng suy nghĩ ấy.

Cảnh gợi nhớ lời văn của Vũ Bằng: “...trời trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh” (thật ra trong ảnh có… tấm vải màu xanh)
Thuyền đánh cá trên cảng, sạp hàng bán đồ gốm,... mang tông màu xanh da trời, vàng nâu và trắng
Quán bar trên bãi biển
Phụ nữ địa phương vẫn phải trùm khăn khi xuống biển

Bản giao hưởng ngọt và đắng

TT - 1g45 rạng sáng mai 8-9 (giờ VN), Anh sẽ làm khách trên sân Thụy Sĩ ở vòng loại Euro 2012. Trận đầu tiên ông Capello làm HLV đội Anh cũng gặp Thụy Sĩ, tình cờ lại là trận đầu tiên tôi đến sân vận động Wembley xem trực tiếp đội tuyển quốc gia Anh thi đấu. Vì vậy trận Anh thắng Thụy Sĩ 2-1 vào tháng 2-2008 tôi vẫn còn nhớ rõ, giống như mối tình đầu dù “điên dại” người ta vẫn nhớ vậy.

Tinh thần các cầu thủ Anh đã phấn chấn hơn sau trận mở màn thắng Bulgaria 4-0 - Ảnh: Reuters

Nhìn lại lịch sử, hóa ra Anh và Thụy Sĩ có nhiều duyên nợ. Không chỉ ông Capello, trận đầu tiên HLV huyền thoại Alf Ramsey mang các học trò ra nước ngoài cũng là trận gặp đội tuyển vùng núi Alps này ở Basel năm 1963. Trận đó Anh thắng Thụy Sĩ 8-1, và ba năm sau Alf Ramsey mang về cúp vô địch World Cup đầu tiên và duy nhất đến nay cho nước Anh.

Nhưng Thụy Sĩ hiện là đội tuyển duy nhất đánh bại Tây Ban Nha ở World Cup 2010 vừa qua tại Nam Phi và cũng giữ kỷ lục đá World Cup không bị thủng lưới lâu nhất (559 phút).

CĐV Anh như chim sợ cành cong, trận thắng Bulgaria 4-0 trên sân Wembley tuần qua chưa đủ khôi phục niềm tin vào đội tuyển. Trận gặp Thụy Sĩ cách đây hơn hai năm rưỡi tôi đi xem với anh bạn người Anh Alastair, lúc đó tuyển Anh vừa mới bị loại khỏi Euro 2008, sa thải ông McClaren và thuê ông Capello về cải tổ. Lúc đó tinh thần anh bạn rất hưng phấn, tin tưởng vào một tương lai xán lạn cho bóng đá quê hương.

Nhưng hôm qua khi tôi hỏi có hào hứng xem vòng loại không, anh lại không lạc quan: “Đội tuyển cần một cuộc cách mạng đúng nghĩa, bắt đầu từ một lớp trẻ mới. Các cầu thủ của mình không đủ kỹ thuật. Cách huấn luyện đội Anh coi trọng sức mạnh, tốc độ chạy và chiều cao hơn là kỹ thuật và kỹ năng”.

Alastair còn nói một điều ai cũng đang lo ngại: “Tuyển Anh là đội duy nhất không có cầu thủ nào chơi cho CLB nước ngoài. Tôi biết một trong những lý do chính là vì Giải ngoại hạng Anh trả lương quá cao, nhưng điều đó có nghĩa các cầu thủ Anh không phải suy nghĩ nhiều và không có cơ hội làm quen với những lối đá khác nhau”.

Nếu không có gì thay đổi, rạng sáng mai tuyển Anh tiếp tục vắng nhiều cầu thủ trụ cột vì chấn thương. Thêm vào đó, Wayne Rooney cuối tuần rồi vừa bị lên báo với một xìcăngđan đời tư không được hay cho lắm, có thể ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu. Phong độ của Rooney trong trận mở màn Anh thắng Bulgaria 4-0 được đánh giá rất cao, tuy không ghi bàn nhưng cả bốn bàn thắng đều có công của anh.

Màn trình diễn của Rooney được phóng viên Brian Glanville của tờ Times gọi là bittersweet (vừa ngọt vừa đắng) vì không ai mong anh sẽ “làm ăn” được gì lại chơi hay đột xuất, còn khi được trông đợi quá nhiều trước World Cup lại làm mọi người thất vọng não nề.

Chữ “bittersweet” mà Glanville dùng làm tôi nhớ tới lời một bài hát của The Verve: “Cuộc sống này là một bản giao hưởng vừa ngọt vừa đắng”, rất thích hợp để mô tả tinh thần CĐV Anh về đội tuyển quốc gia.

Tình cờ, The Verve là ban nhạc rock nổi tiếng thế giới đến từ Wigan, nơi có CLB vừa “vươn lên từ tro tàn” thắng Tottenham 1-0 trên sân khách sau khi để thua hai trận liên tiếp trên sân nhà với tổng tỉ số 10-0 tại giải ngoại hạng. Hi vọng đội Anh cũng sẽ vươn lên từ đống tro tàn World Cup.

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Hat-trick ngọt ngào cho Defoe

TT - Lẽ ra Jermain Defoe phải đi phẫu thuật chấn thương và vắng mặt trong trận Anh - Bulgaria. Nhưng anh vẫn nằng nặc đòi được thi đấu khi khăng khăng với bác sĩ: “Hãy tin ở tôi, tôi biết cơ thể mình ra sao”.

Defoe ăn mừng bàn thắng vào lưới Bulgaria. Ảnh: AFP
Sau khi ghi bàn thứ ba, dù bị thêm một chấn thương nữa ở mắt cá chân và đi cà nhắc nhưng khi được thay ra, Defoe nói trong phấn khích: “Đây là hat-trick ngọt ngào nhất sự nghiệp của tôi” để góp phần làm nên chiến thắng 4-0 cho tuyển Anh.

Phớt lờ những chỉ trích của truyền thông về đội hình 4-4-2 cứng nhắc đã khiến tuyển Anh thất bại tại VCK World Cup 2010, HLV Capello vẫn “ngoan cố” cho tuyển Anh ra quân với đội hình đó. Khác biệt rõ rệt nhất ngoài bộ trang phục mới với áo có nút phía trước cổ, vốn là mẫu áo rất xưa của tuyển Anh trong những năm đầu thế kỷ trước, là việc Defoe được đẩy lên trên Rooney (trong khi ở VCK World Cup vừa qua, Rooney là cầu thủ chơi cao nhất của tuyển Anh). Thêm vào đó, việc tuyển Anh vắng cặp bài trùng Lampard và Terry tưởng điềm xấu lại hóa ra điềm lành. Vắng bộ đôi trên, việc tuyển Anh có dịp thử nghiệm các cầu thủ trẻ đã khiến đội hình chơi uyển chuyển hơn nhờ Gerrard được đá ở vị trí sở trường (giữa sân) mà không sợ phải giẫm chân Lampard.

Trong số những cầu thủ chơi tốt cho đội Anh, ngoài những cái tên quen thuộc Defoe, Rooney, Gerrard, Ashley Cole, có thêm thủ môn trẻ Joe Hart. Đây là một dẫn chứng cho việc đội hình tuyển Anh đang dần được trẻ hóa. Dù vậy sau trận thắng này, tuyển Anh tiếp tục mang “thương tích đầy mình” khi trong danh sách chấn thương có thêm Defoe và Dawson. Điều đó cho thấy trận đấu vào tuần tới của tuyển Anh tại Thụy Sĩ sẽ không dễ dàng như trên sân nhà Wembley.

Khi nghe Defoe nói về “hat-trick ngọt ngào nhất”, tôi chợt nhớ lời hát trong bài Điều ngọt ngào nhất của ban nhạc rock U2: “Tình yêu của chúng ta là một thứ tình yêu đầy dông bão. Ồ, đó là điều ngọt ngào nhất”. Thật vậy, tôi và những anh bạn đồng hành xem bóng đá của tôi đều có chung suy nghĩ: “Dù có dông bão ra sao, hiện chúng ta vẫn khá hơn tuyển Pháp”.

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

Sinh ra với câu chuyện

TTCT - “Em đẹp như một bông súng!” - R. nói, và nếu gương mặt anh không thành thật tôi đã tưởng anh nói chơi. Tôi nhăn mặt: “Ở Việt Nam bông súng chỉ có mục đích nhổ cọng ăn lẩu mắm”, rồi ân hận vì đã hỏi dồn “đẹp như bông gì?”, phải chi cứ để lơ lửng vậy để tôi nghĩ mình đẹp như bông hồng, bông tulip, bông lan, bông thủy tiên phải hơn không.

Tôi nghĩ đến cuộc trò chuyện ngắn ngủi trên khi đọc quyển Trong những đêm Ả Rập của Tahir Shah, đoạn gặp bác sĩ người dân tộc Berber trong một quán cà phê ở Morocco. “Người Berber tin rằng họ được sinh ra với một câu chuyện bên trong mình. Nhiệm vụ của họ là đi tìm câu chuyện đó... Có người tìm ra ngay lập tức.

Quầy trái cây của người dân tộc Berber ở Chefchaouen, Morocco. Người Berber tin rằng ai cũng sinh ra với một câu chuyện trong mình - Ảnh: G.U.
Có người tìm cả đời không thấy”. “Khi bạn tìm thấy câu chuyện đó, tâm trí bạn như thể được thắp sáng. Ngay lập tức bạn biết đó là câu chuyện của mình. Sau đó, cả cuộc đời của bạn sẽ được trọn vẹn”. “Nhưng trên thế giới có bao nhiêu là câu chuyện, làm sao ta biết được câu chuyện nào gắn với mình?”.”Đó mới là điều phi thường. Nếu bạn đi tìm, tự câu chuyện sẽ tìm thấy bạn... giống như bằng trực giác”.

Tôi đọc đoạn này trên chuyến tàu sáng cuối tuần một ngày mùa hè nước Anh. Nắng rực rỡ và hai bên đường cây đã chuyển sang màu xanh đậm tràn trề sức sống, nhưng tự nhiên tôi nhớ đến buổi chiều tháng giêng, tuyết đổ đầy bên ngoài cửa sổ căn hộ của J., bạn thân tôi, những hàng cây trụi lá buồn rũ trong tuyết trắng. Radio đang tường thuật một trận bóng đá của giải ngoại hạng, và trong nhà có một người thợ sửa máy giặt đang cúi người tìm cách mở máy ra.

Tôi quay vào phòng khách, nói: “Tôi thích chiếc ghế da này của anh lắm”. J. ngước lên từ máy tính: “Nó cũ quá rồi, nhiều chỗ sờn”. “Đó mới là cá tính chứ, như thể nó đang kể cho mình nghe một câu chuyện”. Anh bảo thản nhiên: “Câu chuyện gì hả trời! Câu chuyện là nó cũ quá rồi, cần được thay”, kiểu hài hước mà người nước ngoài phải sống ở Anh một thời gian mới hiểu.

Tôi vào Internet tìm hiểu về bông súng, có thể đó là câu chuyện của tôi. Bức tranh Bông súng của Monet có thể được đấu giá lên đến 40 triệu bảng? Bác sĩ Hoa Súng trong Gặp nhau cuối tuần? Huyền thoại về cô gái da đỏ yêu anh chiến binh trên mặt trăng nên chạy theo mặt trăng suốt khu rừng, thấy bóng trăng in dưới hồ tưởng người cô yêu dưới đó bèn nhảy xuống tìm rồi chết đuối, chiến binh trên mặt trăng cảm thương tấm tình của cô nên biến cô thành bông súng, ngôi sao của dòng sông Amazon, chỉ nở khi trăng tròn và bầu trời trên rừng già hoàn toàn không có mây? Hay Muốn ăn bông súng mắm kho, lén cha lén mẹ xuống đò theo anh?

Hay “Ở phương Tây, bông súng là biểu tượng của những người sinh tháng 7”? Cái này có vẻ có lý. Tôi ngồi nhớ lại những sinh nhật trước xem có biểu hiện gì của việc tôi tìm ra câu chuyện hay câu chuyện tìm ra tôi không. Hai mươi năm trước, ở nhà “quê trớt” có biết sinh nhật là gì. Mười năm trước, sinh nhật đầu tiên ở nước ngoài, tôi đi chơi dọc bờ sông Singapore với Tú và Trung, chụp hình bằng máy ảnh đầu tiên sở hữu, những tấm hình sau này Trung lấy phim ra ánh sáng bị hư hết, làm tôi buồn mất một thời gian dài.

Hay sinh nhật năm nay khi tôi ngồi trên cầu thang dẫn xuống bếp nhà R., xem anh đang cắm cúi chuẩn bị bữa tối cho cả hai. Tôi nói: “Bữa nay em 29 tuổi, sang năm 30 rồi”. Anh ngừng tay, nhìn tôi và nói: “Nó chỉ là một con số”. Tôi kể cho R. về việc mỗi người đều sinh ra với một câu chuyện tôi đọc được ngày hôm trước. Tôi hỏi: “Câu chuyện của anh là gì?”. “Không biết, nhưng chắc chắn không liên quan tới khăn trải bàn” (*). Chuyện dừng lại ở đó. “Một ngày nào đó mình sẽ nghỉ một năm, đi vòng quanh thế giới” - anh nói.

“Em muốn quay lại Morocco, lúc đó em sẽ hỏi những người dân tộc Berber câu chuyện của em là gì”. Tôi muốn bảo anh vậy, nhưng không nói gì. Chúng tôi cụng ly. Hôm nay tôi 29 tuổi, sang năm 30. Nhưng 30 hay 70, đó chỉ là một con số. Điều quan trọng là tôi biết được điều bí mật: mình sinh ra với một câu chuyện.

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN (Hoddesdon)
__________

(*) Câu chuyện cuộc đời của bác sĩ người Berber nói về ba thầy tu đạo Hồi một hôm muốn ăn ngoài trời bèn cho thức ăn lên bàn, khăn trải bàn dài chấm đất, phải dùng những viên đá chặn lại để gió khỏi thổi bay khăn. Có con chó lảng vảng bên cạnh, một người nói: “Ta nói với nó ta không có thức ăn, để nó đi”. Người khác bảo: “Hành động tốt hơn lời nói”, rồi lấy thêm đá chặn bên dưới khăn trải bàn. Con chó bỏ đi. Một người trong số họ dịch lại lời nó nói trước khi bỏ đi: “Nó bảo: Nếu người phải ăn đá thì ta có hi vọng gì được ăn đồ ăn tử tế”.

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Tuyển Anh chờ nguồn cảm hứng từ Gerrard

TT - Sau một mùa hè buồn của bóng đá Anh, các CĐV xứ sở sương mù không dám mong đợi gì nhiều nữa. Tinh thần các cầu thủ, theo lời đội trưởng Steven Gerrard là “đang ở giai đoạn thấp nhất”. Vì vậy, trận mở màn vòng loại Euro 2012 đầu tiên gặp Bulgaria trên sân Wembley mang ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tuyển Anh chờ nguồn cảm hứng từ đội trưởng Steven Gerrard (phải) - Ảnh: Reuters
Trước giờ bóng lăn, với hàng loạt cầu thủ (Lampard, Ferdinand, Terry, Crouch, Lennon, Defoe...) dính đủ loại chấn thương từ xương sườn đến mắt cá, HLV Capello hẳn đang điên đầu. Hiện trong số ba thủ môn chỉ có mỗi Joe Hart đủ thể lực, buộc ông Capello phải gọi thủ môn mới 19 tuổi James Shea đang chơi cho đội hình dự bị ở CLB Arsenal để đủ quân số.

Bulgaria không phải là đối thủ mạnh ở châu Âu, nhưng CĐV bóng đá VN hẳn còn nhớ bàn thắng chỉ hai giây trước khi trận đấu bước vào phút 90 ngay trên sân Công viên các hoàng tử (Paris) của Kostadinov vào lưới đội chủ nhà Pháp một đêm đầu mùa đông 1993 làm đội Pháp chính thức bị loại khỏi World Cup 1994.

Mỗi lần nghĩ đến thời khắc buồn của bóng đá Pháp này, tôi lại nhớ lời thơ... Chưa bao giờ buồn thế/ Trời mùa đông Paris/ Suốt đời làm chia ly, được một nhà thơ người Việt ở Paris sáng tác mấy chục năm trước tình cờ lại vận vào CĐV đội gà trống Gaulois.

Và mùa hè nước Mỹ 1994, thế hệ vàng của bóng đá Bulgaria bất ngờ thắng đương kim vô địch Đức 2-1 tại tứ kết. Rõ ràng trong một buổi tối đẹp trời, Bulgaria vẫn có thể gây bất ngờ trên đất Anh dù đội hình hiện tại không còn tiền đạo Berbatov do anh đã chia tay đội tuyển.

Với những cầu thủ hiện tại, nhiều nhà chuyên môn tiên đoán Capello sẽ sắp xếp đội hình 4-3-3 hoặc 4-2-3-1. Tuy nhiên 4-2-3-1 xem ra là lựa chọn tốt nhất vì Gerrard sẽ được đá vị trí sở trường, dâng cao hơn cùng với Walcott và Adam Johnson hậu thuẫn cho Rooney.

Trong trận giao hữu với Hungary mới đây, tuyển Anh đã bị dẫn trước một bàn trong những phút ngắn ngủi đá với đội hình 4-4-2 kinh điển, sau đó khi chuyển sang 4-2-3-1, họ đã lội ngược dòng thắng lại 2-1 với hai bàn đều do Gerrard ghi.

Gerrard là mẫu cầu thủ luôn thể hiện sự điềm đạm và bản lĩnh ở những trận cầu quan trọng. Từng muốn rời đội tuyển quốc gia sau World Cup vừa qua, Gerrard đã suy nghĩ và quyết định ở lại vì muốn rời bóng đá Anh trong niềm vui, chứ không phải nhớ lại kỷ niệm buồn thảm bại 1-4 trước Đức tại World Cup 2010.

Gerrard ở lại với đội tuyển đơn giản vì: “Tôi muốn kể cho các con nghe tôi đã từng đá ở một trận bán kết hoặc chung kết cùng đội tuyển. Tôi đã đá cho đội Anh hơn 10 năm nhưng chưa vào được trận bán kết nào”.

Hơn ai hết, Gerrard hiểu được để vào được bán kết hay chung kết Euro 2012, bước đầu tiên là phải vượt qua vòng loại trước đã. Anh phải truyền được nguồn cảm hứng cho một đội Anh đang nặng trĩu gánh nặng tinh thần và chấn thương trên sân Wembley đêm 3-9.