Tinh thần các cầu thủ Anh đã phấn chấn hơn sau trận mở màn thắng Bulgaria 4-0 - Ảnh: Reuters |
Nhìn lại lịch sử, hóa ra Anh và Thụy Sĩ có nhiều duyên nợ. Không chỉ ông Capello, trận đầu tiên HLV huyền thoại Alf Ramsey mang các học trò ra nước ngoài cũng là trận gặp đội tuyển vùng núi Alps này ở Basel năm 1963. Trận đó Anh thắng Thụy Sĩ 8-1, và ba năm sau Alf Ramsey mang về cúp vô địch World Cup đầu tiên và duy nhất đến nay cho nước Anh.
Nhưng Thụy Sĩ hiện là đội tuyển duy nhất đánh bại Tây Ban Nha ở World Cup 2010 vừa qua tại Nam Phi và cũng giữ kỷ lục đá World Cup không bị thủng lưới lâu nhất (559 phút).
CĐV Anh như chim sợ cành cong, trận thắng Bulgaria 4-0 trên sân Wembley tuần qua chưa đủ khôi phục niềm tin vào đội tuyển. Trận gặp Thụy Sĩ cách đây hơn hai năm rưỡi tôi đi xem với anh bạn người Anh Alastair, lúc đó tuyển Anh vừa mới bị loại khỏi Euro 2008, sa thải ông McClaren và thuê ông Capello về cải tổ. Lúc đó tinh thần anh bạn rất hưng phấn, tin tưởng vào một tương lai xán lạn cho bóng đá quê hương.
Nhưng hôm qua khi tôi hỏi có hào hứng xem vòng loại không, anh lại không lạc quan: “Đội tuyển cần một cuộc cách mạng đúng nghĩa, bắt đầu từ một lớp trẻ mới. Các cầu thủ của mình không đủ kỹ thuật. Cách huấn luyện đội Anh coi trọng sức mạnh, tốc độ chạy và chiều cao hơn là kỹ thuật và kỹ năng”.
Alastair còn nói một điều ai cũng đang lo ngại: “Tuyển Anh là đội duy nhất không có cầu thủ nào chơi cho CLB nước ngoài. Tôi biết một trong những lý do chính là vì Giải ngoại hạng Anh trả lương quá cao, nhưng điều đó có nghĩa các cầu thủ Anh không phải suy nghĩ nhiều và không có cơ hội làm quen với những lối đá khác nhau”.
Nếu không có gì thay đổi, rạng sáng mai tuyển Anh tiếp tục vắng nhiều cầu thủ trụ cột vì chấn thương. Thêm vào đó, Wayne Rooney cuối tuần rồi vừa bị lên báo với một xìcăngđan đời tư không được hay cho lắm, có thể ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu. Phong độ của Rooney trong trận mở màn Anh thắng Bulgaria 4-0 được đánh giá rất cao, tuy không ghi bàn nhưng cả bốn bàn thắng đều có công của anh.
Màn trình diễn của Rooney được phóng viên Brian Glanville của tờ Times gọi là bittersweet (vừa ngọt vừa đắng) vì không ai mong anh sẽ “làm ăn” được gì lại chơi hay đột xuất, còn khi được trông đợi quá nhiều trước World Cup lại làm mọi người thất vọng não nề.
Chữ “bittersweet” mà Glanville dùng làm tôi nhớ tới lời một bài hát của The Verve: “Cuộc sống này là một bản giao hưởng vừa ngọt vừa đắng”, rất thích hợp để mô tả tinh thần CĐV Anh về đội tuyển quốc gia.
Tình cờ, The Verve là ban nhạc rock nổi tiếng thế giới đến từ Wigan, nơi có CLB vừa “vươn lên từ tro tàn” thắng Tottenham 1-0 trên sân khách sau khi để thua hai trận liên tiếp trên sân nhà với tổng tỉ số 10-0 tại giải ngoại hạng. Hi vọng đội Anh cũng sẽ vươn lên từ đống tro tàn World Cup.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét