Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

Sinh ra với câu chuyện

TTCT - “Em đẹp như một bông súng!” - R. nói, và nếu gương mặt anh không thành thật tôi đã tưởng anh nói chơi. Tôi nhăn mặt: “Ở Việt Nam bông súng chỉ có mục đích nhổ cọng ăn lẩu mắm”, rồi ân hận vì đã hỏi dồn “đẹp như bông gì?”, phải chi cứ để lơ lửng vậy để tôi nghĩ mình đẹp như bông hồng, bông tulip, bông lan, bông thủy tiên phải hơn không.

Tôi nghĩ đến cuộc trò chuyện ngắn ngủi trên khi đọc quyển Trong những đêm Ả Rập của Tahir Shah, đoạn gặp bác sĩ người dân tộc Berber trong một quán cà phê ở Morocco. “Người Berber tin rằng họ được sinh ra với một câu chuyện bên trong mình. Nhiệm vụ của họ là đi tìm câu chuyện đó... Có người tìm ra ngay lập tức.

Quầy trái cây của người dân tộc Berber ở Chefchaouen, Morocco. Người Berber tin rằng ai cũng sinh ra với một câu chuyện trong mình - Ảnh: G.U.
Có người tìm cả đời không thấy”. “Khi bạn tìm thấy câu chuyện đó, tâm trí bạn như thể được thắp sáng. Ngay lập tức bạn biết đó là câu chuyện của mình. Sau đó, cả cuộc đời của bạn sẽ được trọn vẹn”. “Nhưng trên thế giới có bao nhiêu là câu chuyện, làm sao ta biết được câu chuyện nào gắn với mình?”.”Đó mới là điều phi thường. Nếu bạn đi tìm, tự câu chuyện sẽ tìm thấy bạn... giống như bằng trực giác”.

Tôi đọc đoạn này trên chuyến tàu sáng cuối tuần một ngày mùa hè nước Anh. Nắng rực rỡ và hai bên đường cây đã chuyển sang màu xanh đậm tràn trề sức sống, nhưng tự nhiên tôi nhớ đến buổi chiều tháng giêng, tuyết đổ đầy bên ngoài cửa sổ căn hộ của J., bạn thân tôi, những hàng cây trụi lá buồn rũ trong tuyết trắng. Radio đang tường thuật một trận bóng đá của giải ngoại hạng, và trong nhà có một người thợ sửa máy giặt đang cúi người tìm cách mở máy ra.

Tôi quay vào phòng khách, nói: “Tôi thích chiếc ghế da này của anh lắm”. J. ngước lên từ máy tính: “Nó cũ quá rồi, nhiều chỗ sờn”. “Đó mới là cá tính chứ, như thể nó đang kể cho mình nghe một câu chuyện”. Anh bảo thản nhiên: “Câu chuyện gì hả trời! Câu chuyện là nó cũ quá rồi, cần được thay”, kiểu hài hước mà người nước ngoài phải sống ở Anh một thời gian mới hiểu.

Tôi vào Internet tìm hiểu về bông súng, có thể đó là câu chuyện của tôi. Bức tranh Bông súng của Monet có thể được đấu giá lên đến 40 triệu bảng? Bác sĩ Hoa Súng trong Gặp nhau cuối tuần? Huyền thoại về cô gái da đỏ yêu anh chiến binh trên mặt trăng nên chạy theo mặt trăng suốt khu rừng, thấy bóng trăng in dưới hồ tưởng người cô yêu dưới đó bèn nhảy xuống tìm rồi chết đuối, chiến binh trên mặt trăng cảm thương tấm tình của cô nên biến cô thành bông súng, ngôi sao của dòng sông Amazon, chỉ nở khi trăng tròn và bầu trời trên rừng già hoàn toàn không có mây? Hay Muốn ăn bông súng mắm kho, lén cha lén mẹ xuống đò theo anh?

Hay “Ở phương Tây, bông súng là biểu tượng của những người sinh tháng 7”? Cái này có vẻ có lý. Tôi ngồi nhớ lại những sinh nhật trước xem có biểu hiện gì của việc tôi tìm ra câu chuyện hay câu chuyện tìm ra tôi không. Hai mươi năm trước, ở nhà “quê trớt” có biết sinh nhật là gì. Mười năm trước, sinh nhật đầu tiên ở nước ngoài, tôi đi chơi dọc bờ sông Singapore với Tú và Trung, chụp hình bằng máy ảnh đầu tiên sở hữu, những tấm hình sau này Trung lấy phim ra ánh sáng bị hư hết, làm tôi buồn mất một thời gian dài.

Hay sinh nhật năm nay khi tôi ngồi trên cầu thang dẫn xuống bếp nhà R., xem anh đang cắm cúi chuẩn bị bữa tối cho cả hai. Tôi nói: “Bữa nay em 29 tuổi, sang năm 30 rồi”. Anh ngừng tay, nhìn tôi và nói: “Nó chỉ là một con số”. Tôi kể cho R. về việc mỗi người đều sinh ra với một câu chuyện tôi đọc được ngày hôm trước. Tôi hỏi: “Câu chuyện của anh là gì?”. “Không biết, nhưng chắc chắn không liên quan tới khăn trải bàn” (*). Chuyện dừng lại ở đó. “Một ngày nào đó mình sẽ nghỉ một năm, đi vòng quanh thế giới” - anh nói.

“Em muốn quay lại Morocco, lúc đó em sẽ hỏi những người dân tộc Berber câu chuyện của em là gì”. Tôi muốn bảo anh vậy, nhưng không nói gì. Chúng tôi cụng ly. Hôm nay tôi 29 tuổi, sang năm 30. Nhưng 30 hay 70, đó chỉ là một con số. Điều quan trọng là tôi biết được điều bí mật: mình sinh ra với một câu chuyện.

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN (Hoddesdon)
__________

(*) Câu chuyện cuộc đời của bác sĩ người Berber nói về ba thầy tu đạo Hồi một hôm muốn ăn ngoài trời bèn cho thức ăn lên bàn, khăn trải bàn dài chấm đất, phải dùng những viên đá chặn lại để gió khỏi thổi bay khăn. Có con chó lảng vảng bên cạnh, một người nói: “Ta nói với nó ta không có thức ăn, để nó đi”. Người khác bảo: “Hành động tốt hơn lời nói”, rồi lấy thêm đá chặn bên dưới khăn trải bàn. Con chó bỏ đi. Một người trong số họ dịch lại lời nó nói trước khi bỏ đi: “Nó bảo: Nếu người phải ăn đá thì ta có hi vọng gì được ăn đồ ăn tử tế”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét