Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Lời thề được hóa giải

Trận đầu tiên và duy nhất giữa Arsenal và Chelsea chúng tôi từng xem trên sân cách đây không lâu, vào cuối mùa bóng 2008-2009. Trận đó Arsenal thua trên sân nhà với tỉ số 1-4 nên tan trận chúng tôi cùng các CĐV Arsenal kéo nhau ra về, đúng nghĩa “lủi thủi”. Từ đó tôi và vài người bạn thề không xem Arsenal - Chelsea trên sân nữa, tới khi nào Arsenal thắng được Chelsea mới tính sau.

Fabregas (bìa trái) và đồng đội Arsenal ăn mừng chiến thắng tưng bừng trước Chelsea - Ảnh: Reuters
Mùa bóng tiếp theo, Arsenal thua đội áo xanh phía tây London cả hai trận sân nhà và sân khách, đến đầu mùa năm nay lại tiếp tục thua 2-0 ở Stamford Bridge nên chúng tôi cứ tưởng lời thề của mình có huông. Nhưng rạng sáng qua, trận cuối cùng của thập kỷ trên sân Emirates đã hóa giải “huông” đó với chiến thắng 3-1 xứng đáng cho các chàng trai trẻ chủ nhà.

Cả hai đội khởi đầu hết sức dè dặt. Bàn mở tỉ số của Song cho Arsenal hai phút trước khi kết thúc hiệp 1 đã tạo nên một hiệp 2 tưng bừng nghẹt thở với ba bàn thắng liên tiếp chỉ trong sáu phút. Cứ tưởng tượng ai đó vô bếp pha trà (dân Anh nếu không uống bia thường uống trà khi xem bóng đá), chờ nước sôi, bỏ túi trà vô ấm hoặc ly, rót sữa, thêm đường, bưng vô phòng khách trở lại chắc chắn sẽ “tá hỏa” khi thấy tỉ số vừa 1-0 mà bây giờ đã 3-1.

Tuy ba bàn thắng của Arsenal chia đều cho ba tiền vệ nhưng đội trưởng Cesc Fabregas chính là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời mùa đông London trong trận derby thủ đô nước Anh. Dù được Barcelona, CLB sáng giá nhất thế giới hiện nay, chào mời săn đón, anh vẫn ở lại Arsenal và được các CĐV sân Emirates đáp lại sự trung thành bằng nhiều tình cảm yêu quý.
Băng trên tay anh nói anh là đội áo đỏ, Cesc! Cesc!
Đeo băng đội trưởng của Arsene Wenger, Cesc! Cesc!
Chúng ta có chàng trai từ Tây Ban Nha đầy nắng, anh ấy có bóng để chúng ta ghi bàn.
Francesc Fabregas, số 4 của Arsenal.
Đó là bài hát thường được CĐV Arsenal hát hò cổ vũ những trận Fabregas ra sân, và dù ở nhà xem tivi chúng tôi vẫn nghe bài hát đó như thể đang ngồi trong sân vận động. Sau đường chuyền cho đồng đội Iniesta ghi bàn duy nhất giúp Tây Ban Nha hạ Hà Lan giành ngôi vô địch World Cup mùa hè vừa qua, Fabregas trở lại London không lấy làm thuyết phục vì chấn thương và thường xuyên vắng mặt. Vừa trở lại, Fabregas đã ghi dấu ấn cho cả ba bàn thắng của các pháo thủ: là tác giả bàn thắng nâng tỉ số lên 2-0 cũng như tạo hai đường chuyền trực tiếp giúp Song và Walcott ghi hai bàn còn lại.

Vậy là lời thề không đi xem Arsenal đá với Chelsea tạm thời được giải, mùa bóng sau tôi và những người bạn sẽ kiếm vé đi xem trận derby này (hoặc trong năm nay nếu hai đội gặp nhau ở Cúp FA). Nhưng trước mắt, tôi đã quyết định mua vé đến sân Upton Park xem các pháo thủ làm khách West Ham vào cuối tháng 1 này.

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Điềm rủi mùa Giáng sinh của Chelsea

Từ kinh nghiệm hàng trăm năm của xứ sở sáng chế môn bóng đá, ở Anh có câu: “Chỉ nên bắt đầu nhìn bảng xếp hạng vào ngày trước Giáng sinh”.

Drogba và Chelsea đang trải qua giai đoạn đầy thất vọng về phong độ - Ảnh: Reuters
Quả vậy, trong lịch sử, thời điểm ngay trước Noel chính là thời điểm mang ý nghĩa quyết định sống còn đối với những đội có tham vọng giành ngôi vô địch (hoặc “tham vọng” trụ hạng đối với đội yếu). Đó cũng là lúc giải ngoại hạng đã đi được gần nửa đường, chân dung nhà vô địch bắt đầu “le lói”, những điểm mạnh yếu của cả 20 đội đã được các chuyên gia phân tích cặn kẽ.

Để kiểm chứng câu truyền miệng trong “giang hồ” nói trên, chúng tôi bỏ thời gian ngồi thống kê bảng xếp hạng ngay trước Noel so với cuối mùa ở mười mùa bóng gần nhất, và đã phát hiện nhiều điều thú vị. Nếu chỉ dựa vào những con số thống kê này, có thể rút ra những dự đoán cho mùa bóng năm nay:

1. Chelsea sẽ trở thành cựu vô địch

Có lẽ các CĐV đội bóng nhà giàu phía tây London sẽ lấy làm thất vọng vì lịch sử chống lại họ. Chelsea giành ngôi vô địch ba lần trong thập niên (2004-2005, 2005-2006 và mùa bóng năm ngoái), cả ba lần họ đều đứng đầu bảng xếp hạng ngay trước Noel. Như vậy nếu Chelsea có khả năng chiếm ngôi quán quân thì phong độ đã chín vào thời điểm cuối tháng 12, nếu không xem như mùa đó nhường cho đội khác.

2. Arsenal và Manchester United chia nhau 50% khả năng nâng cúp

Hai lần Arsenal vô địch trong thập niên (2001-2002 và 2003-2004) đều là hai mùa họ xếp nhì bảng xếp hạng trước Noel. Hiện các học trò ông Wenger cũng đang xếp thứ nhì. Bởi vậy lực lượng CĐV trung thành của đội bóng bắc London ắt hẳn đang đan chéo ngón tay cầu nguyện lịch sử lặp lại, và các pháo thủ sẽ bứt phá vào nửa sau mùa bóng để giành ngôi vị được chờ đợi suốt hơn sáu năm nay.

Thống kê cũng đứng về phía M.U, trong số năm mùa bóng “những con quỷ đỏ” thành Manchester giành ngôi vô địch, có hai lần họ đứng đầu bảng trước Noel (2000-2001 và 2006-2007). Hiện đội tuyển thành công nhất nước Anh thập niên này đang có phong độ rất ổn định và vẫn chưa thua trận nào, tuy vẫn không tránh được tình trạng để hòa quá nhiều và mất điểm không đáng trước các đối thủ dưới cơ.

3. Sẽ không có bất ngờ cho “ngựa ô”?

Trong suốt thập niên, lần duy nhất một đội nằm ngoài “Big four” (tên gọi nhóm Arsenal, Chelsea, Liverpool và M.U) có được vị trí nhất hoặc nhì trước Noel đã cách đây gần 10 năm, khi Newcastle United dẫn đầu bảng xếp hạng. Đó cũng là khởi đầu một trong những thời kỳ hoàng kim nhất của “chích chòe”, kết thúc ba mùa bóng liên tiếp với những vị trí lần lượt thứ tư, ba và năm.

Và nhiều khả năng đó là lần cuối cùng một đội bóng ngoài “Big four” giành vị trí danh giá. Ngay cả thời điểm gần đây khi Man City tiêu tiền như nước nhưng vẫn không mua nổi vị trí nhất nhì trước Noel.

Dĩ nhiên trong bóng đá mọi thống kê đều chỉ mang tính tương đối, “người tính không bằng trời tính”. Thành tích của đội bóng còn phụ thuộc nhiều vào chấn thương, phong độ cầu thủ, chiến lược của HLV, tài năng của những cầu thủ sắp đầu quân sau đợt chuyển nhượng tháng 1 tới...

Vì vậy, hãy chờ xem Giải ngoại hạng Anh mùa này có khép lại với những bất ngờ lật đổ các con số thống kê hay không.

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Giáng sinh ở xứ thần tiên

Những thành phố, làng mạc tôi từng đi qua dù đẹp đến mấy, nổi tiếng chừng nào vẫn có những góc... xấu. Ngoại trừ Bruges, xứ thần tiên tôi từng đến vào dịp Giáng sinh.

Trong cuốn tiểu thuyết trinh thám Chuyến tàu Stambul (1932), văn hào Anh Graham Greene, tác giả tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng, viết: “Và tia nắng cuối cùng hiện ra khi tàu đi ngang Bruges... Ở một nơi giữa những tăm tối lại có một thành phố cổ, giống như một viên ngọc khét tiếng, được nhiều kẻ ngắm nhìn, bàn tán và đến thăm”.

Những nhân vật của Greene đi ngang qua Bruges (Brugge trong tiếng vùng Flanders, Bỉ) trên chuyến tàu xa hoa Orient Express từ London. Chúng tôi cũng đi từ London nhưng trên tàu Eurostar, đoạn đường gần 400km từ thủ đô nước Anh đến thủ đô Brussels của Bỉ chỉ mất một giờ rưỡi, thêm một giờ trên tàu địa phương để đến Bruges - một thế giới hoàn toàn khác.

Những con đường lát đá cuội hẹp với những ngôi nhà xưa dẫn chúng tôi đến nơi trú ngụ những ngày cuối năm trong một con hẻm quanh co. Phố cổ Bruges nổi tiếng với nhiều nhà nghỉ nhỏ kiểu gia đình thế này. Sau bữa tối gọn nhẹ, chúng tôi đến một quán bia. Quốc gia nhỏ bé chỉ hơn 10 triệu dân này lại là nơi sản xuất nhiều loại bia nhất thế giới, có cả những cách pha chế đặc biệt từ thời Trung cổ.

Xe đạp - phương tiện giao thông ưa thích của người dân Bruges
Sáng sớm, chúng tôi đến quảng trường Markt, một trong những khu phố cổ được bảo tồn tốt nhất châu Âu. Xe ngựa chở du khách lọc cọc đi ngang những ngôi nhà có mái đầu hồi cong cong duyên dáng được sơn nhiều màu vui mắt, không khác nhà trong truyện thần tiên của Grimms hoặc Andersen trong trí tưởng tượng trẻ con.

Nổi bật trên những ngôi nhà thấp ba tầng có đầu hồi nhọn ấy là tháp chuông Belfort được xây từ thế kỷ 13, thời hoàng kim của Bruges nhờ buôn vải và len từ Anh, đồng thời là đầu mối giao thương của cả khu vực với vùng Địa Trung Hải. Bên dưới là những sạp gỗ lúp xúp của khu chợ nhóm họp trước Giáng sinh giăng đèn đón khách đến thăm không chỉ bằng quà lưu niệm mà còn bằng những quầy xúp ốc, philê cá nướng, xúc xích nướng kẹp bánh mì và những món ngon lành khác. Quầy thức uống mùa đông có lẽ đắt hàng nhất với trà đen, sôcôla nóng, rượu mulled wine: vang đỏ hâm nóng với cam, quế, đậu khấu và đường, cà phê pha whisky và kem.

Rời Markt, chúng tôi vòng qua đường Vlamingstraat, nơi vào thế kỷ 13 nhiều người tụ tập đến nhà một người Bỉ tên Van de Burse để buôn bán chứng khoán. Vì vậy Bruges là thành phố đầu tiên chính thức có hoạt động này trên thế giới, cũng vì vậy mà ngày nay trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, chữ “bourse” có nghĩa là thị trường chứng khoán. Nổi bật trên phố Vlamingstraat là nhà thờ Máu thánh được xây từ thế kỷ 12, nơi lưu giữ một trong những thánh tích thiêng liêng nhất của châu Âu cổ đại: chiếc lọ nhỏ đựng vài giọt máu, được cho là máu của Chúa và được mang đến đây sau cuộc Thập tự chinh.

Khu chợ Giáng sinh đầy màu sắc dưới chân tháp chuông Belfort

Bên cạnh nhà thờ, tòa thị chính cũng là một công trình tuyệt mỹ, được xây từ thế kỷ 14 với mặt ngoài bằng đá sa thạch, chạm khắc nhiều tượng của các bá tước xứ Flanders, dù phần lớn được làm lại cách đây hơn 300 năm sau khi tượng nguyên bản bị quân đội Pháp phá hủy. Những ngày cuối năm ở đây có thêm nhiều đèn trang trí lung linh, còn sân trượt băng phía trước đầy người chơi trong tiếng nhạc hội hè. Tây Âu đã dùng hệ thống sưởi bằng gas từ rất lâu, nhưng ở Bruges hầu như tất cả quán cà phê, nhà hàng, cửa hiệu... đều còn giữ lại lò sưởi kiểu xưa làm ấm lòng những khách phương xa đến thành phố. Những khám phá như vậy đã làm nên một kỳ Giáng sinh ý nghĩa.

Như khi lang thang trong những góc phố xa quảng trường, tình cờ phát hiện ngôi nhà ở đường Vette Poort được xây từ năm 1434 và từng là một trong rất nhiều nhà tế bần ở Bruges những thế kỷ trước, làm tôi nhớ đến câu chuyện thần tiên Bên cửa sổ nhà tế bần của Andersen: “Những đứa trẻ đáng thương ấy, chúng mới vui làm sao, chúng chơi và chạy nhảy cùng nhau vui thích! Những đôi má đỏ và những cặp mắt thiên thần! Nhưng chúng không có giày lẫn bít tất”.

Nên trong đêm Giáng sinh, khi nhấm nháp món sò hấp rượu vang ngon tuyệt trong một nhà hàng khuất sau quảng trường Markt bên lò sưởi ấm áp của xứ sở đẹp như chuyện thần tiên, bên ngoài gió đông vẫn thổi lạnh se sắt và chuông nhà thờ sắp đổ nửa đêm, tôi mong ông già Noel có thật.

Một trong những nhà thờ rải rác khắp Bruges

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Giáng sinh buồn của nước Anh

Trong truyện Bài thánh ca Giáng sinh (A Christmas carol), văn hào Anh Charles Dickens có viết “Dường như có một điều kỳ diệu trong bản thân cái tên Giáng sinh”.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter (bìa trái) trao cúp vàng cho Phó thủ tướng Nga
Igor Shuvalov sau khi Nga được công bố thắng cuộc - Ảnh: Reuters
Những ngày đầu tháng 12 này, quê hương Dickens chìm trong tuyết lạnh tê tái, đi bộ ra đường tuyết đóng băng trơn té ê mông, giao thông ngưng trệ, tay chân buốt giá, nhưng lòng ai cũng nóng như lửa đốt, hồi hộp chờ “điều kỳ diệu” trước Giáng sinh, nhưng cuối cùng không có khoảnh khắc thần kỳ nào cho đảo quốc: Anh không được chọn làm nước chủ nhà World Cup 2018 sắp tới này.

Với chủ đề “Nước Anh hòa hợp. Đón mời thế giới” (England united. The world invited), gói thầu của Anh được xem là ấn tượng nhất với sự tham gia của một lực lượng hùng hậu những HLV hàng đầu giải ngoại hạng, Thủ tướng Cameron, ngôi sao David Beckham, và đặc biệt có cả hoàng tử Williams. Đó là về khía cạnh chuyên nghiệp, còn về mặt “tâm linh”, Anh còn có sự hậu thuẫn của Paul, bạch tuộc “quốc tịch” Anh và sống tại Đức, khi tháng 8 vừa qua, không lâu trước khi chết, nhà tiên tri nhuyễn thể này dự đoán Anh sẽ là nước chủ nhà 2018.

Tuy nhiên, Anh đã thất bại. Cựu ngôi sao của tuyển Anh Alan Shearer thừa nhận thất bại là đau đớn. “Tôi vẫn hi vọng trong cuộc đời mình nước Anh sẽ tổ chức lại World Cup. Nhưng điều đó đã không xảy ra” - Shearer nói với BBC.

Trên thế giới, phần lớn mọi người đều nghĩ Anh là ứng cử viên sáng giá, nhưng ở chính hòn đảo này các CĐV lại dè dặt hơn. Trước khi có kết quả, không ít CĐV đã có nhiều lý do để nghĩ Anh sẽ không được chọn. Roland - một CĐV - nói với chúng tôi: “Sau khi những đội bóng Anh bị cấm chơi ở châu Âu vào thập niên 1980, nhiều nước ở lục địa vẫn xem Anh là “người anh em họ hàng hư hỏng”, mặc dù cho đến nay vấn đề bạo lực bóng đá ở nhiều nơi khác tệ hơn Anh rất nhiều. Còn một vấn đề nữa: một số người cho rằng Anh đã kiếm được rất nhiều tiền từ giải ngoại hạng, vì vậy nên để nơi khác tổ chức World Cup.

Lý do cuối cùng: FIFA muốn World Cup có một di sản bền vững, Anh đã có hệ thống hạ tầng vững mạnh cho bóng đá ở nhiều cấp độ và môn thể thao này đã nằm trong tinh thần quốc gia từ vài trăm năm nay, vì vậy FIFA muốn di sản này đến một nơi khác, như từng là trường hợp của Mỹ 1994 và Nam Phi 2010”.

Xem truyền hình trực tiếp trên tivi, nhìn đám đông chịu cái lạnh buốt giá ngồi bên cầu Tower chờ kết quả, tôi mong họ về nhà tìm niềm vui từ bữa tiệc có gà tây quay và rượu vang cho quên đi nỗi buồn “đất mẹ của bóng đá” không được làm chủ nhà. Dù sao đi nữa, Anh vẫn có thể tiếp tục đấu thầu cho năm 2030.

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Tottenham làm nên chuyện lớn

Cách đây vài tuần, khi trận derby Bắc London giữa Arsenal và Tottenham trong khuôn khổ vòng 14 Giải ngoại hạng trên sân Emirates đang đến lúc gay cấn và Arsenal dẫn trước 2-0, cô bạn Jennifer, giáo viên ở khu Tottenham, Bắc London, bảo tôi: “Sao cổ vũ Arsenal, phải cổ vũ đội yếu chớ”. Tôi nói: “Trời, Tottenham có phải đội yếu đâu?”, cô trả lời: “Nhưng so với Arsenal, Tottenham vẫn là đội yếu”.

Tiền vệ Modric của Tottenham mừng chiến thắng trước Liverpool
Ảnh: Reuters
Khả năng bình luận bóng đá của Jennifer tương đương... mẹ tôi, nghĩa là dừng lại ở những câu đại loại “thấy ông thủ môn vô lưới lượm banh tội nghiệp quá!”. Có lẽ vì vậy mà cô vẫn tưởng Tottenham ngắc ngoải ở Giải ngoại hạng và đá với Arsenal sẽ cầm chắc thua.

Cô không biết cách đó không lâu “đội yếu” vừa thắng đương kim vô địch Champions League 3-1, sau đó thắng luôn kình địch Arsenal 3-2 và cuối tuần này cũng giành trọn 3 điểm sau khi bị Liverpool dẫn trước.

Pha đá phản lưới nhà của hậu vệ Skrtel giúp Tottenham gỡ hòa 1-1 phút 65 trận Tottenham thắng Liverpool 2-1 đêm 28-11 đã làm nên kỷ lục cho lịch sử Giải ngoại hạng, biến vòng đấu thứ 15 năm nay cả 20 đội đều ghi bàn. Tổng cộng có 41 bàn thắng được ghi. Dù “phượng hoàng vẫn còn trong tro tàn” Liverpool chỉ là cái bóng của chính mình, cũng phải công nhận Spurs đã có một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Đó là lần thứ năm trong mùa bóng các học trò ông Redknapp bị dẫn trước nhưng kết thúc trận đấu thắng lợi.

Đội yếu Tottenham năm nay đang làm nên những bất ngờ chấn động. Tại giải đấu danh giá Champions League, họ đang đứng nhất bảng A trong bảng có “đại gia” Inter Milan và Werder Bremen. Còn tại Giải ngoại hạng, Spurs đang đứng ở vị trí thứ 5, chỉ kém đội dẫn đầu M.U (31 điểm) 6 điểm.

Không có những cầu thủ đắt giá như Chelsea hay M.U nhưng hiện giờ hàng công của Tottenham lại là nỗi khiếp sợ của hậu vệ bất cứ đối thủ nào, với tốc độ và sự linh hoạt của Defoe, Lennon và Modric. Ngoài ra, ngôi sao 21 tuổi Bale và tân binh người Hà Lan Van der Vaart cũng mang đến luồng sinh khí mới cho Spurs.

Trong khi Manchester City với “túi ba gang” không bao giờ cạn tiền chỉ nhắm đến một trong bốn vị trí đầu đủ để tham gia Champions League mùa sau, HLV Redknapp lại tuyên bố Spurs là ứng cử viên chức vô địch Giải ngoại hạng.

Phép thử lớn cho Spurs là trận đấu thứ bảy sắp tới làm khách trên sân Birmingham. St Andrews, sân nhà Birmingham, vốn khét tiếng về việc chèn ép đối phương và bạo lực đám đông, chưa kể đội này vừa thắng Chelsea 1-0 vòng đấu trước.

Nhưng tới thời điểm này, có lẽ chỉ mỗi mình cô bạn Jen của tôi xem Tottenham là đội yếu mà thôi.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Hiện tượng “mèo đen”

Ở nhiều nơi trên thế giới, mèo đen là điềm báo xui xẻo. Trong lịch sử nhiều nước phương Tây, mèo đen còn làm liên tưởng đến hình ảnh của những mụ phù thủy. Tuy nhiên ở Anh, mèo đen lại tượng trưng cho sự may mắn, cũng giống như việc hứng lá mùa thu, đụng vào gỗ hoặc treo hình... vành móng ngựa trước nhà.

Các cầu thủ Chelsea cay đắng với thất bại
trước “mèo đen” Sunderland - Ảnh: Reuters
Không biết có phải nhờ vậy mà Sunderland - CLB có biệt danh “những con mèo đen” - đã làm nên lịch sử khi là đội đầu tiên của giải kể từ đầu mùa sút tung lưới Chelsea trên sân Stamford Bridge và thắng đậm 3-0.

Trước vòng đấu thứ 13 Giải ngoại hạng Anh diễn ra cuối tuần qua, Chelsea dù đã thua hai trận sân khách nhưng là đội duy nhất có kết quả sân nhà toàn thắng, riêng Cech là thủ môn duy nhất tại giải vẫn giữ sạch mành lưới ở các trận chơi trên sân nhà.

Thêm vào đó, đúng mười năm nay Sunderland không thắng được Chelsea ngay cả trên sân nhà lẫn sân khách, vì vậy các công ty cá cược tại Anh đã đặt tỉ lệ 1 ăn đến 165 cho những ai đặt niềm tin vào “mèo đen” khoác áo trắng - đỏ.

Khi Welbeck ghi bàn ấn định tỉ số 3-0 từ một sai lầm ngớ ngẩn của hậu vệ kỳ cựu Ashley Cole ở phút 86, tôi nghĩ tới một đồng nghiệp cũ của mình, Frank. Thời điểm năm 2007, tôi làm việc cho một công ty dược phẩm ở Berkshire, một hạt (county) cách London nửa giờ xe lửa.

Trong công ty có Frank - quản lý phòng kinh doanh, khoảng 55 tuổi và là một CĐV trung thành của Sunderland - tất cả các trận trên sân Ánh Sáng (sân nhà của Sunderland), ông đều lái xe từ nơi ở cách Sunderland tận miền bắc gần 1.000km cả đi lẫn về để xem.

Năm đó “mèo đen” dưới sự dẫn dắt của HLV Roy Keane vừa được lên Giải ngoại hạng nhờ vô địch Giải Championship bên dưới.

Trong một buổi ăn trưa ngồi chung với Frank và nhiều người khác, khi mọi người bàn chuyện bóng đá, tôi nói: “Tôi nhớ mùa bóng 1999-2000 Sunderland khởi đầu hay quá, Kevin Philips gần như trận nào cũng ghi bàn, được giải Chiếc giày vàng châu Âu nữa”.

Chỉ vậy mà Frank sáng mắt lên, cười hớn hở vì CĐV các đội lớn quen với việc nhiều người biết đội mình, còn CĐV đội nhỏ thường rất phấn khởi khi được ai đó nhắc tới và nhớ chi tiết.

Vì vậy sau đó những đồng nghiệp khác lâu lâu gặp tôi lại “méc”: “Frank mỗi lần nói chuyện bóng đá hay nhắc tới bạn đó. Ông khoe cô ấy còn biết cả Kevin Philips mùa bóng 1999-2000 nữa”. Đúng là sức hấp dẫn của bóng đá làm bất cứ ai, dù ở vị trí nào, độ tuổi nào, cũng giống như con nít.

Cuối tuần vừa qua tại tất cả mười trận ở Giải ngoại hạng, nếu bạn để ý sẽ thấy trên ngực áo của tất cả cầu thủ và HLV trên sân đều cài một bông hoa vải màu đỏ nhụy đen. Đó là hoa anh túc, biểu tượng để tưởng nhớ binh lính Anh tại Chiến tranh thế giới.

Hằng năm vào ngày chủ nhật thứ nhì của tháng 11, trên toàn nước Anh diễn ra ngày tưởng niệm (Remembrance Day) nên trước trận đấu cuối tuần đó cầu thủ và khán giả đều dành một phút mặc niệm.

Trở lại trận Chelsea thua 0-3 trên sân nhà chủ nhật vừa rồi, khi truyền hình chiếu cảnh khán giả trên sân bỏ về giữa chừng, bình luận viên truyền hình nói: “Kết quả trận này không những làm “mèo đen” đến từ vùng Tyne và Wear vui mừng mà cả những CĐV đến từ bắc London cũng vậy”.

Quả thật, việc Chelsea đột ngột sẩy chân đã giúp Arsenal với chiến thắng 2-1 trên sân Everton rút ngắn cách biệt chỉ còn 2 điểm khiến vòng đấu tiếp theo trở nên hấp dẫn hơn nhiều.

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Dặm đường thức ăn

Anh Đức, một người bạn thân ở Sài Gòn, có việc đi công tác London nên mẹ tôi nhờ gửi giùm một mớ sách và đồ ăn, trong đó có gói chà bông cá thu mẹ tự làm.

Trông đứng trông ngồi ngày anh qua, khi nhận đồ tôi không khui ra xem cuốn sách mình xuất bản cách đây ba tháng chưa thấy mặt mũi, chỉ lăm le mở gói chà bông bốc nhai ngon lành. Chà bông cá nên không thành sợi dài như chà bông thịt mà nhỏ mịn và dai, ăn không cần nhắm mắt cũng tưởng tượng ra giống đang ăn cá thu mới mua về ở chợ quê còn tươi rói đem chiên muối sư kiểu miền Trung.


Một cửa hàng ở nông trại miền quê, nơi thức ăn được sản xuất ngay tại chỗ
và từ những nhà cung cấp địa phương (Kent, Anh) - Ảnh: Giáng Uyên


Ở Anh những ngày cuối tuần hay có chợ nông dân, đồ ăn mắc hơn nhiều so với siêu thị nhưng người ta vẫn hay đi mua, một phần vì muốn ủng hộ những cơ sở nhỏ lẻ, một phần vì đồ ăn ở chợ tươi ngon hơn. Chợ nông dân là một phần di sản văn hóa Anh, nơi dân địa phương đến để bán nông sản do chính mình trồng, nuôi, bắt, hái, lượm, ướp, nấu, muối, xông khói...

Ở châu Âu sống thân thiện với môi trường nên rất để ý “dặm đường thức ăn” (food miles), tránh những món phải chuyên chở xa, trong khi siêu thị bán nho Nam Phi, xúc xích Tây Ban Nha thả giàn thì chợ nông dân chỉ được phép có những món chuyên chở từ cách nơi bán không đầy trăm dặm (150km).

Ồ, vậy thì kém xa chợ quê tôi. Gần như tất cả những món ngày đó đều có “dặm đường thức ăn” lòng vòng trong làng, vì quê mùa mới vậy nhưng bây giờ thành ra phù hợp với xu hướng văn minh quốc tế.

Hành, ngò, bầu, bí, mướp, ớt, tỏi mấy bà già trồng trong vườn, sáng sớm ra hái một mớ bỏ vô rổ mây mang thẳng ra chợ. Thịt heo, bò, gà, vịt cũng mua của mấy người nuôi trong xóm. Nước mắm tự làm bán, đong bằng lít. Trứng gà nhà mới đẻ mang ra chợ, nhỏ và trắng hồng trong rổ lót rơm, không to khủng bố và nhợt nhạt như trứng công nghiệp bây giờ.

Mãng cầu, ổi, mít, sabôchê... chín cây thơm lừng, không có bóng dáng lê táo Trung Quốc lạt lẽo. Chỉ có đồ biển phải mua xa một chút rồi mang về chợ bán, nhưng xa cũng chỉ là Nha Trang cách gần 15 cây số, về tới còn giãy đành đạch như thường. Đó là chưa kể những ngày mưa lụt người ta bắt được cá tràu, cá rô ăn không hết cũng mang ra chợ, tươi ngon gì đâu!
Ẵm em lên võng mà đưa
Để mẹ đi chợ mua dừa về ăn
Tôi không có em để ẵm lên võng mà đưa chờ mẹ đi chợ về, tôi chờ mẹ đi chợ về một mình, đói bụng lấy tô cơm chiên tóp mỡ ra ngồi hàng hiên vừa ăn vừa chờ. Mẹ về không chỉ mua dừa như trong câu ca dao kia, mẹ còn mua chè đậu ván, chè chuối, mua cua, cá thu, cá ngừ, bánh ít lá gai.

Vật giá hồi xưa rẻ nên ở quê dù không khá giả cũng ăn ngon. Lâu lâu tôi đòi chở đi chợ Thành cách nhà bốn cây số, vào ăn đúng hai món bún thịt nướng và chè trái cây thập cẩm, suốt hơn mười năm. Có lần mẹ tôi ngán quá dắt tôi qua hàng khác ăn bún bò, nhưng chỉ đúng một lần đó thôi rồi tôi đòi quay lại với hai món tủ.

Mẹ thỉnh thoảng đi mua hàng ở Sài Gòn mấy ngày mới về, chị Ba tôi đảm nhận việc nấu ăn. Tôi lên lớp 8, chị Ba học đại học xa nên tôi bắt đầu biết đi chợ nấu ăn. Gần nhà có chợ nhỏ gọi là chợ “cây giáng hương” vì nhóm gần một cây giáng hương cổ thụ nhiều người đồn có ma, tan học về tôi đạp xe đi mua đồ ăn về nấu.

Một trong những món đầu tiên là canh thịt heo bằm nêm mắm và vắt chanh, ngoài ra không còn gì trong canh nữa hết, anh Hai tôi kêu “trời, canh gì canh chanh?” nhưng cũng ăn hết. Sau đó, tôi biết mua rau nấu canh tôm tươi, mua xương hầm canh bí đỏ, mua cá cơm, hành, ngò, ớt, bạc hà và giá nấu canh chua.

Lần vừa rồi về lại quê ăn canh chua và phở tôi mới nhớ giá ở Khánh Hòa ngon quá. Hồi học cấp III tôi có đứa bạn tên Sáng, nhà làm giá nên còn được biết với tên “Sáng giá”, nói tuy cọng giá ở quê ốm chứ không mập như giá Sài Gòn nhưng giòn ngon hơn nhiều.

Bốc chà bông cá thu ăn không, tự nhủ ngày mai sẽ gọi điện cho mẹ khoe đã gặp anh Đức rồi, ăn chà bông dù băng qua bao nhiêu dặm vẫn ngon giống y cá thu mới mua về chiên muối sư. Và sẽ dặn mẹ chừng nào con về Việt Nam, nhớ dắt con đi chợ quê ăn hàng “đã điếu” nghen.

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Bữa tiệc hỏng vì... cúm!

“Đúng là trong bóng đá không biết đâu mà lần” - đó là câu nói của nhiều CĐV giải ngoại hạng sau khi vòng đấu thứ 12 kết thúc rạng sáng qua (giờ VN). Những ai chọn xem trận Man đỏ gặp Man xanh đều thất vọng não nề, vì một trận derby đáng ra phải tưng bừng lại nhàm chán và thiếu kịch tính bởi cả hai đội quá thận trọng.

Trận M.C gặp M.U đọng lại với những hình ảnh căng thẳng
giữa cầu thủ hai đội - Ảnh: Reuters
HLV đội Manchester United (M.U) Alex Ferguson bào chữa đội nhà chơi thiếu sắc sảo do cầu thủ bị nhiễm cúm, còn HLV Mancini phát biểu sau trận: “Tôi có bị chỉ trích cũng không quan trọng, 1 điểm lấy được hôm nay là tốt đối với tôi”.

Mùa bóng năm ngoái, hai đội ghi tổng cộng 15 bàn trong bốn trận derby gặp nhau: hai trận ở giải ngoại hạng và hai trận bán kết Cúp FA, nhưng năm nay “cúm”, hay nói đúng hơn là sự thiếu nhiệt huyết tấn công, đã làm trận đấu hòa không bàn thắng và cũng không có pha nào hấp dẫn.

Do hay theo dõi những trận của Arsenal nên dạo này dù các pháo thủ có hơi “xuống sắc” và trận đấu với Wolves không được nhiều người quan tâm như trận derby thành Manchester, tôi vẫn kiên trì xem.

Quả trời không phụ lòng người khi chỉ ở giây thứ 37, trong pha tấn công đầu tiên, tiền đạo Chamakh của Arsenal đã ghi bàn mở tỉ số, bàn thắng sớm nhất kể từ đầu mùa đến giờ. Dù sau đó Wolves tấn công liên tục quyết tìm bàn gỡ, nhưng bàn ấn định ở phút 90+4 của Chamakh đã dập tắt mọi nỗ lực của đội chủ nhà.

Chiến thắng 2-0 giúp HLV Wenger tạm quên nỗi lo đang bị báo lá cải dòm ngó chuyện đời tư.

Tuy Chamakh ghi hai bàn nhưng Fabianski của Arsenal mới là người hùng của trận đấu với không ít pha cứu nguy xuất sắc. Thủ môn này hay bị CĐV Arsenal gọi là Flabby-hand-ski (chơi chữ: Flabby hand: tay mềm nhũn, vì anh thường xuyên bắt bóng trật để lọt lưới nhiều bàn ngớ ngẩn), nhưng với phong độ gần đây, nhiều khả năng anh sẽ tiếp tục được chọn bắt chính ngay cả khi Almunia hết chấn thương.

Một trận derby đáng chú ý khác, Chelsea gặp Fulham, kết thúc với chiến thắng cho đương kim vô địch. Trên thế giới ai cũng tưởng CĐV Chelsea ghét M.U hoặc Arsenal nhất, nhưng thực tế Fulham mới là kình địch, vì láng giềng lúc nào cũng ghét nhau hơn bình thường.

Sau khi sảy chân thua Liverpool tâm phục khẩu phục chủ nhật trước, Chelsea đã lấy lại phong độ ứng cử viên số một cho chức vô địch năm nay, dù cầu thủ trụ cột Frank Lampard (hay bị gọi là “Fat Frank”: Frank mập hoặc Frank ù trong tiếng Việt) vẫn tiếp tục làm khán giả do chấn thương dài ngày.

Liverpool sau chiến thắng vẻ vang trước Chelsea lại không tiếp tục tận dụng được đà thắng lợi khi để hòa Wigan dù Torres ghi bàn thắng sớm. Nếu thắng trận này, Liverpool đã lên hạng 5 của giải ngoại hạng. Nhưng những kết quả bất ngờ vậy mới là bóng đá, đúng như các CĐV nói: “trong bóng đá không biết đâu mà lần”.

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

“Đừng quay nhìn trong giận dữ...”

Đó là lời từ bài hát cùng tên Đừng quay nhìn trong giận dữ (Don’t look back in anger) của ban nhạc nổi tiếng thế giới Oasis đến từ Manchester, với hai anh em Noel và Liam Gallager, những CĐV trung thành của Manchester City (M.C) từ hơn 40 năm khi đội bóng áo xanh còn hàn vi ít ai biết đến.

Lão tướng Paul Scholes (18) - người có nhiều “ân oán” nhất
với gã hàng xóm Manchester City- Ảnh: Reuters

Cách đây gần một năm, HLV Mancini của M.C đã sử dụng lại câu này trước trận lượt về bán kết Carling Cup trên sân khách Old Trafford của Manchester United (M.U) vì lúc đó “nhiệt độ” giữa hai đội đã tăng lên quá cao, đỉnh điểm là việc cựu cầu thủ M.U khoác áo M.C Carlos Tevez đụng độ nảy lửa với Gary Neville ở trận lượt đi.

Rạng sáng mai, M.U sẽ tái ngộ M.C trong khuôn khổ vòng 12 Giải ngoại hạng Anh và người ta tiếp tục dự báo cầu thủ hai đội sẽ lại “ăn thua đủ”! Thật ra mối quan hệ giữa hai đội xanh - đỏ này ít căng thẳng như giữa M.U với Liverpool, lý do vì M.C trong lịch sử là đội dưới cơ, thậm chí có lúc HLV Alex Ferguson còn khinh thường gọi đối thủ là “những người hàng xóm ồn ào”.

Điển hình như ở những năm 1990, M.C không thắng nổi M.U trong suốt thập niên. M.U mở đầu thập kỷ hơn hẳn người láng giềng M.C bằng trận thắng 1-0 vào đầu mùa bóng 1990-1991 với bàn thắng duy nhất của chàng trai 16 tuổi Ryan Giggs, cũng là bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp tiền vệ người Xứ Wales này.

Chiến binh trung thành Ryan Giggs hiện vẫn còn chơi cho M.U dù thể lực anh đã sút giảm nhiều. Bên cạnh anh vẫn còn lão tướng Paul Scholes - cầu thủ duy nhất nằm trong danh sách các cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở những trận derby thành Manchester với tổng cộng bảy bàn vào lưới Man xanh.

Trong sự nghiệp của mình, Scholes đã đấu tổng cộng 21 trận với Man xanh nên hiểu quá rõ đối thủ này. Tuy nhiên trước trận đấu này, Scholes chỉ nói đơn giản là trận derby rạng sáng mai cũng giống những trận khác mà anh từng chơi: “Mục tiêu quan trọng nhất là 3 điểm cho đội nhà”.

M.C tiếp tục sống trong cái bóng của người hàng xóm nổi tiếng cho đến thời điểm cách đây hai năm được tỉ phú dầu hỏa Ả Rập mua lại. Với nguồn tiền dồi dào nhất giải ngoại hạng và có lẽ cả thế giới, việc mua cầu thủ của họ hiện không có điểm dừng.

Đầu mùa bóng năm nay, dường như những ngôi sao đó đã góp phần làm nên thành tích ấn tượng cho Man xanh, điển hình là trận thắng đương kim vô địch Chelsea. Tuy nhiên phong độ của M.C rất không ổn định, vài tuần sau đã thua hai trận 0-3 trước Arsenal ngay trên sân nhà và 1-2 trên sân khách đội đàn em Wolves.

Phong độ của M.U cũng bất ổn không kém. Tuy chưa thua trận nào từ đầu mùa nhưng M.U hòa quá nhiều, trong đó có không ít trận hòa “lãng nhách”. Ông Ferguson càng thêm đau đầu vì hiện tại lực lượng của M.U quá mỏng do nhiều trụ cột dính chấn thương.

Thật khó đoán “mèo nào sẽ cắn mỉu nào”, chỉ có thể nói người thắng trận sẽ rất hả dạ xét trên mọi phương diện!

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Khi quả bóng chuyển màu

Nước Anh bắt đầu vào giữa thu, trời trở lạnh, lá đã chuyển màu vàng trên cây và rụng đầy dưới đất. Vòng đấu thứ 10 của giải ngoại hạng chứng kiến việc quả bóng màu trắng cũng chuyển sang màu vàng như lá cho tất cả các trận đấu, kèm theo khá nhiều điều thú vị.

Thủ thành Gomes (phải) của Tottenham phản ứng quyết liệt
trong khi Nani ăn mừng bàn thắng - Ảnh: Reuters
Đây là một “tập quán” chỉ mới bắt đầu kể từ năm 2004 để các cầu thủ và CĐV thấy rõ quả bóng hơn vì từ cuối tháng 10 trở đi trời sụp tối sớm, bóng màu vàng dễ nhìn. Thêm nữa, mùa thu đông ở Anh mưa nhiều, ngoài mưa còn có sleet (một dạng mưa nằm giữa lưng chừng mưa bình thường và tuyết, thường có khi trời “ráng” đổ tuyết nhưng không được nên nước mưa bị đông lại), và nhiều ngày còn tuyết đổ đầy trời, sân cỏ đầy tuyết khó nhìn thấy quả bóng trắng. Đầu tháng ba, quả bóng vàng lại trở về màu trắng nguyên thủy.

Bóng vừa chuyển màu, vòng đấu đã chứng kiến một bàn thắng có lẽ lạ đời nhất lịch sử giải ngoại hạng. Cựu cầu thủ Anh Gary Lineker, vua phá lưới World Cup 1986, nói đùa bàn thắng gây tranh cãi của Nani là “bà ngoại của tất cả các bàn thắng”.

Trong một pha tấn công, tiền vệ tấn công này ngã xuống trong khu vực 16,50m của Tottenham nhưng trọng tài không cho quả phạt đền nên anh nằm ôm đầu lăn lộn và tỏ thái độ rất tức giận. Khi thủ môn Gomes đặt bóng xuống sân chuẩn bị phát lên trên, Nani bất ngờ từ dưới chạy lên cướp bóng rồi tung cú sút ghi bàn ấn định tỉ số 2-0 cho Manchester United, được trọng tài công nhận trong sự tuyệt vọng của Tottenham.

Việc quả bóng chuyển màu dường như có “huông” làm các đội lớn vất vả hơn trong vòng đấu. “Nhà giàu” Manchester City thua trận thứ hai liên tiếp, lần này không phải trước Arsenal mà là Wolves xếp thứ nhì từ dưới lên. Mancini gọi đây là màn trình diễn tồi tệ nhất của các học trò kể từ đầu mùa nhưng nói thêm “mùa vẫn còn dài, chúng tôi đã bắt đầu rất tốt và vẫn còn thời gian để hồi phục”.

Trộm nghĩ ông phải hồi phục nhanh nhanh vì số phận của ông cũng “chỉ mành treo chuông” không khác người tiền nhiệm Mark Hughes đã bị sa thải một cách khá bất nhẫn vào mùa trước.

Ngay cả Arsenal đang thắng tới tấp trên các mặt trận đột nhiên không thể nào ghi bàn vào lưới đội cuối bảng West Ham dù chơi trên sân nhà Emirates. Những cú sút của Nasri, Fabregas, Walcott... nếu không dội xà ngang, đập cột dọc cũng bị Green xuất sắc bắt gọn, may nhờ bàn thắng vào cuối trận của Song nên các pháo thủ giành được 3 điểm tiếp tục bám đuổi Chelsea.

Ngay cả đội đầu bảng cũng chật vật mới thắng được Blackburn 2-1 trên sân khách nhờ pha ghi bàn những phút cuối không phải của những chân sút Drogba hay Malouda mà của... Ivanovic. Cả sự nghiệp hậu vệ này tại Chelsea ở giải ngoại hạng chỉ mới có được đúng một bàn thắng trước đó.

Quả bóng chuyển màu cũng đi kèm việc đồng hồ nước Anh bắt đầu lùi lại một giờ mỗi chủ nhật cuối tháng 10 hằng năm. Vì vậy những trận đấu 5g30 chiều giờ Anh, trước đây là 11g30 tối giờ VN nay sẽ thành 0g30. Nhưng việc thức khuya thêm một tiếng nữa chắc chắn cũng không làm nao núng các CĐV VN, cũng như việc chuyển màu trái bóng dù có “huông” hay không cũng sẽ không ảnh hưởng đến cái đẹp của bóng đá, miễn sao những bàn thắng kiểu Nani đừng có nhiều.

Tuần tới chúng tôi tạm chia tay London đi Tunisia ở Bắc Phi kiếm chút nắng ấm, hi vọng sẽ được xem bóng đá Anh trên sa mạc Sahara. Độ bao phủ của giải khá lớn, những làng mạc đìu hiu chúng tôi tới ở Marocco năm ngoái cũng đều có truyền hình trực tiếp ngoại hạng Anh, có lẽ vì ở đó không có K+ chăng?

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Chuyện của Theo Walcott

Walcott (trái) hứa hẹn tỏa sáng trong trận Arsenalgặp West Ham ở vòng 10 Premier League hôm nay - Ảnh: AFP
“Bữa nay biết ai tới cửa hàng của mình mua đồ không? Theo Walcott đó!” - Alastair về nhà sau ca làm việc, khoe.

Tôi thờ ơ: “Walcott là ai?”. “Trời, không biết Walcott hả? 16 tuổi, đội trẻ của Southampton, đá trong trận chung kết Cúp FA gặp Ipswich Town! Ta đoán Walcott sẽ là một ngôi sao mới đó, có khi Arsenal, Manchester United, Chelsea sẽ đua nhau hỏi mua không biết chừng”.

Mẩu hội thoại trên diễn ra cách đây gần sáu năm, khi Alastair và tôi đang theo học cao học ở Southampton, sau giờ học anh đi làm thêm trong một quán bán tạp hóa gần nhà.

Mới đó mà bao nhiêu “nước chảy qua cầu”, Alastair giờ làm việc cho Bộ Ngoại giao Anh ở London, còn Walcott đúng như tiên đoán của anh - chỉ vài tháng sau đã được ông Wenger gọi vào Arsenal, và ngay mùa hè năm sau theo ông Eriksson đến Đức dự World Cup 2006 khi vừa bước sang tuổi 17.

Thành công từ khi còn trẻ nhưng Theo Walcott lại rất trầm tĩnh, chững chạc và biết người biết ta. Khác với những đồng đội người Anh luôn dính vào đủ loại xìcăngđan, Walcott làm người ta nhớ tới một cầu thủ Arsenal khác là Dennis Bergkamp, tiền đạo người Hà Lan nổi tiếng với lối sống khép kín và chừng mực.

Khi bị thất sủng không được ông Capello gọi vào đội tuyển đi Nam Phi World Cup vừa rồi, cứ tưởng anh sẽ làm mình làm mẩy, giận dỗi hoặc cho kết quả tệ hại của đội Anh là “đáng đời”, nhưng Walcott vẫn vui vẻ vào lại đội tuyển trong trận giao hữu gặp Hungary và dốc hết sức mình.

Được phỏng vấn về cảm xúc khi không được đi Nam Phi, anh cười trả lời: “I’m a winger, not a whinger”. (Tôi là một tiền vệ chạy cánh, không phải một người hay than vãn”, chơi chữ: winger và whinger viết và đọc gần như nhau).

Tôi đã xem Walcott đá trực tiếp trên sân khoảng mười lần cho cả Arsenal và tuyển Anh. Vấn đề nan giải của Walcott mà những ai xem trên sân mới thấy là anh chạy quá nhanh, chân chạy nhanh hơn đầu anh kịp suy nghĩ, điều này khó nhận biết trên truyền hình.

Do vậy nhiều khi anh vượt qua hết các hậu vệ đối phương nhưng thay vì tự sút lại chuyền bóng cho đồng đội và ngược lại. Gần đây có vẻ vấn đề đó đã được khắc phục vì Walcott nhiều khi chậm lại, giữ bóng và nhìn quanh xác định trước khi sút hoặc chuyền.

Hat-trick đầu mùa bóng vào lưới Blackpool giúp Arsenal thắng 6-0, cũng như những đóng góp cho ba trận đầu tiên của tuyển Anh sau World Cup trước khi bị cáng ra sân do chấn thương mắt cá trên sân Thụy Sĩ (sau khi chuyền bóng thành công cho Johnson trả lại cho Rooney mở tỉ số ngay từ phút thứ 8), đủ làm người hâm mộ nhận thấy bóng dáng một nhân tài bóng đá dần rõ nét.

Vắng mặt trên sân gần hai tháng, “winger” Walcott đã trở lại với Arsenal. Chỉ vào sân vài phút cuối thay đội trưởng Fabregas trong trận thắng Man City 3-0 trên sân khách ở giải ngoại hạng, anh đã được tin tưởng cho vào đội hình khởi đầu gặp Newcastle trên sân khách ở Carling Cup và được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu với hai bàn giúp Arsenal thắng đậm 4-0.

Walcott không chỉ là một tiền vệ chạy cánh, anh là một biểu tượng của tương lai bóng đá Anh, cùng các đồng đội Wilshere và Gibbs làm nên diện mạo thế hệ mới của tuyển Anh và Arsenal.

Với hiệu số bàn thắng bại 12-1 trong ba trận gần đây ở cả ba mặt trận Champions League, ngoại hạng và Carling Cup, Arsenal được cho sẽ giành thắng lợi dễ dàng trước đội cuối bảng West Ham trên sân Emirates hôm nay, và Walcott sau chấn thương có lẽ là cầu thủ được chờ đợi tỏa sáng nhất.

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

Khi những “cái tôi” đụng độ

Chúng tôi nhớ ngày kết thúc mùa bóng 2004-2005, khi West Bromwich Albion (WBA) trụ hạng, Đài truyền hình Anh có phỏng vấn các CĐV, trong đó có một người trên 80 tuổi, xem WBA trên sân từ khi mới vài tuổi và liên tục hơn 60 năm gần đây chưa bỏ sót trận nào của WBA.

HLV Ferguson đã xếp Rooney ngồi dự bị trong trận M.U hòa West Brom 2-2 - Ảnh: Reuters
Ông kể: “Năm 1937 cha tôi với tôi đạp xe đạp gần 70km từ West Brom đi Stoke, đến nơi vào sân xem thì đội mình thua với tỉ số 3-10. Xong rồi đạp xe về 70km nữa”. Sau khi WBA hòa 2-2 đầy kịch tính với Manchester United (M.U) ngay trên sân Old Trafford hôm thứ bảy, tự nhiên tôi nghĩ tới ông và hi vọng ông rất vui với kết quả đó, trong khi đối thủ M.U đã trải qua những cung bậc tình cảm khác hẳn.

Sau khi hiệp một kết thúc với kết quả 2-0 cho đội chủ nhà, hiệp hai tiếp tục chứng kiến những cú tấn công dồn dập của “những con quỷ đỏ” trước khung thành WBA, ai cũng tưởng M.U sẽ giành chiến thắng dễ dàng trước đội đàn em với tỉ số 4-0, 5-0.

Nhưng ngược lại, trong một ngày được HLV Di Mateo gọi là “buổi chiều của những món quà”, “món” thứ nhất là bàn đá phản lưới nhà của Evra năm phút sau hiệp hai và món quà thứ hai: “tay củ gừng” của thủ môn kỳ cựu Van der Sar đã tặng không cho Tchoyi cơ hội gỡ hòa.

Thế nhưng HLV Alex Ferguson, sau khi gọi kết quả hòa thứ ba liên tiếp là “không thể chấp nhận được”, lại lên tiếng bênh vực cầu thủ chơi nhiều trận nhất trong lịch sử đội tuyển quốc gia Hà Lan sắp bước vào tuổi tứ tuần này: “Lần cuối cùng anh ấy phạm lỗi tương tự có lẽ là khi học cấp I. Nên xóa lỗi đó!”.

Ngược lại hoàn toàn với sự ưu ái cho cựu binh Van der Sar, HLV Ferguson làm dấy lên một làn sóng những đồn thổi vì mối quan hệ “cơm không lành canh không ngọt” với Rooney và việc tiền đạo này sẽ rời Old Trafford vào mùa chuyển nhượng mùa đông sắp tới rất dễ xảy ra. Nhiều người đoán ông Ferguson đã không còn tin tưởng vào Rooney nên không cho anh chơi nhiều trận quan trọng như gặp Sunderland tại Giải ngoại hạng và Valencia tại Champions League, lấy chấn thương mắt cá của tiền đạo 24 tuổi này làm cớ giải thích cho việc anh bị thất sủng.

Rooney đã chính thức lên tiếng phủ nhận chấn thương đó. Trong trận đấu nhàm chán tuyển Anh gặp Montenegro thứ ba tuần trước, phong độ của Rooney xuống hẳn và bị thẻ vàng vì đốn người trên phần sân của mình.

Từ khán đài Wembley, tôi thấy có những lúc anh “lang thang” trên sân, lạc lõng như người lạ trong chính đội tuyển mình từng thi đấu từ năm 17 tuổi. Khi được báo chí hỏi anh giải thích thế nào về phong độ trận đấu đó của mình, Rooney chỉ nói: “Tôi không biết”, nhưng khẳng định anh không bị chấn thương mắt cá như ông Ferguson đã nói.

Thú nhận trái ý thầy của Rooney được truyền thông Anh nhận xét: “Rooney đang cố ý khẳng định sự độc lập của mình để phục vụ một phần ý đồ rời Old Trafford đến Real Madrid”.

Trong lịch sử gần 25 năm làm HLV M.U, ông Ferguson, với cái tôi lớn hơn ai hết, đã cho thấy sức mạnh của HLV trên sân Old Trafford là trên hết. Cụ thể những năm gần đây là “gương tày liếp” của Roy Keane, Van Nistelrooy hoặc Beckham - những cầu thủ có cái tôi lớn dám làm ngược lại những gì ông cho phép trong và ngoài sân cỏ - đã phải tự thay đổi hoặc rời CLB ngay lập tức.

“Cái tôi” lớn của Rooney không bằng “cái tôi” của người có quyền cao hơn. Và chuyện anh rời Old Trafford chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

“Uống Seduxen” ở sân Wembley

Tôi đã xem không ít trận trên các sân vận động ở Anh, từ đội tuyển quốc gia đến Champions League, từ giải ngoại hạng đến giải hạng tư, chưa trận nào có hiệp đấu nhàm chán như hiệp một trận Anh - Montenegro ở Wembley hôm 12-10.

Xem hiệp đấu mà mắt muốn sụp mí chẳng khác gì mình uống phải thuốc ngủ Seduxen. Sang hiệp hai có khá hơn, nhưng các cầu thủ đắt giá của đội chủ nhà Anh vẫn không chọc thủng nổi được lưới đội bóng tí hon Montenegro. Trận đấu khép lại với kết quả “không thể buồn hơn” là 0-0.

Trước trận đấu và ở những phút đầu, các khán giả xung quanh tôi hát hò inh ỏi bài “Tôi là CĐV Anh đến khi tôi chết”, rất khí thế. Nhưng trong suốt trận đấu, có những lúc sân Wembley im phăng phắc như một buổi lễ nhà thờ, điều rất khó thấy ở các trận đấu đỉnh cao. Tôi nói với mấy người bạn đi cùng: “Xem hai CLB nhỏ ở Anh là Scunthorpe đá với Luton Town còn hay hơn gấp trăm lần”.

Anh bạn Roland đi cùng - 30 năm qua là CĐV của đội Arsenal - nhận xét một câu rất chí lý: “Từng cầu thủ đội Anh đều là cá nhân xuất sắc nhưng chỉ xuất sắc khi thi đấu với những cầu thủ người nước khác, còn khi đá chung với nhau họ không giống ai”.

Phải xem những trận như thế này mới thấy nhớ tốc độ và sự lanh lẹ của hai cầu thủ Walcott và Defoe, hiện nằm trong danh sách chấn thương dài ngày của Anh. Rooney cuối tháng này mới bước vào tuổi 25 nhưng đã mệt mỏi như một tiền đạo 35, 36 tuổi. “Sếu vườn” Crouch dù có thành tích đáng nể ghi được 20 bàn trong 40 trận ra sân cho Anh cũng không làm được gì trước hàng phòng ngự dày đặc.

Về phần đối thủ Montenegro cũng không khá gì. Thủ môn Hart của Anh gần như suốt trận làm khán giả vì Montenegro khi có cơ hội tấn công cũng không tấn công do... sợ bị Anh phản công. Như vậy đủ để thấy họ không có đẳng cấp cao. Gần hết trận đấu, họ lại câu giờ đến sốt ruột, kể cả giả vờ lăn lộn chấn thương, nhưng chiến thuật ru ngủ đó xem ra đã thành công khi Montenegro giành được 1 điểm ngay trên sân đội hạt giống số 1 của bảng, giúp củng cố thêm mục tiêu trở thành quốc gia nhỏ nhất giành quyền tham gia vòng chung kết Euro.

Trên đường về, Roland nói trận đầu tiên như vậy đã làm anh mất hứng không muốn đến Wembley xem đội Anh nữa. Tôi an ủi: “May mà mình chỉ mất hơn nửa giờ để về nhà, ai lái xe hay đi tàu mấy trăm cây số từ Newcastle hay từ Carlisle tới London trên đường về còn chán gấp bội”.

Tôi dự định tháng 11 tiếp tục đến Wembley xem trận giao hữu Anh - Pháp, nhưng sau trận gặp Montenegro này có lẽ phải suy nghĩ lại.

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

“Montenegro không đến Anh đi shopping”

Sau kết quả “không giống con giáp nào” của Anh tại World Cup, vé xem đội tuyển quốc gia dễ mua hơn vé xem các CLB ở Giải ngoại hạng, không phải đăng ký bốc thăm qua mạng, xếp hàng ngoài trời hoặc “chụp giật” nên tháng trước chúng tôi mua được vé xem trận chủ nhà tiếp Montenegro tại Wembley đêm nay.

Khi mua, tôi không ngờ đây trở thành trận đấu hấp dẫn nhất bảng vì “ngựa ô” Montenegro đã bất ngờ giành trọn 9 điểm sau ba trận đầu tiên và tạm dẫn đầu bảng G (đá hơn Anh một trận).

Rooney (trái) sẽ ghi bàn vào lưới Montenegro? - Ảnh: Reuters
Khi bốc thăm, Montenegro nằm ở nhóm hạt giống thứ năm, cuối cùng. Trận đầu tiên, họ thắng hạt giống thứ tư đội Xứ Wales, sau đó thắng hạt giống thứ ba Bulgaria và mới đây thắng hạt giống thứ hai Thụy Sĩ đều cùng tỉ số 1-0. Vì vậy, đội tuyển của đất nước nhỏ bé có dân số xấp xỉ tỉnh Lào Cai của Việt Nam (625.000 người) đã hạ quyết tâm “đến London kỳ này không chỉ để đi shopping” - theo lời HLV Kranjcar.

Về phần “tam sư”, sau kết quả tưng bừng thắng Bulgaria 4-0 trên sân nhà và Thụy Sĩ 3-1 trên sân khách tháng trước với sự tham gia của nhiều gương mặt trẻ, các chuyên gia phân tích bóng đá của báo chí Anh đều lo ngại việc ông Capello sẽ lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan sau khi các trụ cột hết chấn thương trở lại đội tuyển.

Màn trình diễn của các cầu thủ trẻ bị “thất sủng” không được đến Nam Phi mùa hè qua như Walcott, Bent, Jagielka, Adam Johnson... quá khởi sắc, vì vậy HLV sẽ phải đau đầu trong việc quyết định chọn ai cho trận gặp Montenegro.

Ví dụ nếu chọn bộ đôi Ferdinand - Terry, vốn là trục phòng ngự tuyến giữa của tuyển Anh trong vòng bảy năm nay, Jagielka sẽ không thể ra sân vì anh đá cùng vị trí. Hoặc khi Lampard trở lại sẽ khó có chỗ “nhét” anh vào hàng tiền vệ vì cặp Gerrard - Barry quá tuyệt vời trong hai trận qua.

Nhưng ông Capello đã thoát khỏi tình trạng khó xử vì sau khi Jagielka gặp chấn thương, Lampard chưa hồi phục, đến lượt John Terry cũng không thể ra sân do chấn thương lưng. Một quyết định khó khăn khác đã được HLV Capello giải quyết trước trận đấu là ông trao lại băng thủ quân cho trung vệ Rio Ferdinand vừa trở lại sau chấn thương.

Quyết định của Capello gây chút ít tranh cãi vì khi Ferdinand bị chấn thương, tiền vệ đội Liverpool Steven Gerrard đã hoàn thành xuất sắc vai trò thủ quân ở World Cup 2010 và trong hai trận vòng loại Euro 2012 gặp Bulgaria và Thụy Sĩ. Hơn thế nữa, phong độ lúc này của Ferdinand vẫn là dấu chấm hỏi. Nhưng có lẽ ông Capello không muốn gây thêm thất vọng cho Ferdinand trong hoàn cảnh hàng phòng ngự sứt mẻ của tuyển Anh rất cần anh chứng minh phong độ.

Đêm nay tôi sẽ đến sân Wembley cổ vũ sư tử Anh. Cũng như nhiều CĐV Anh khác, tôi hi vọng tuyển Anh sẽ thắng để kết thúc hiện tượng “ngựa ô” Montenegro. Tôi cũng chờ đợi Wayne Rooney sẽ “nổ súng” ở trận thứ 68 xuất hiện trong màu áo tuyển Anh để anh tìm lại chút niềm vui sau những câu chuyện buồn ngoài sân bóng.

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

“Những người về hưu” hay sức trẻ?

Mọi chú ý ở vòng 7 Giải ngoại hạng Anh cuối tuần này sẽ được hướng đến sân Stamford Bridge - nơi diễn ra trận cầu rất “máu lửa” giữa Chelsea và Arsenal (22g chủ nhật 3-10, giờ VN).

Ashley Cole (phải) - cựu cầu thủ Arsenal - sẽ là một trong
những tâm điểm trong trận đấu tại Stamford Bridge - Ảnh: Reuters
Trận cầu này sẽ là một hình ảnh kinh điển của nhiệt huyết tuổi trẻ với Gibbs, Wilshere, Denilson, Nasri... tuổi từ vị thành niên đến đầu 20 của những pháo thủ phía bắc London, đối đầu với kinh nghiệm từ những ngôi sao Anelka, Drogba, Terry, Malouda... độ tuổi “băm” của đội bóng áo xanh phía tây London.

Từ khi đội bóng thành lập năm 1905 đến nay, Chelsea còn có biệt danh “những người về hưu” vì sân Stamford Bridge gần Bệnh viện hoàng gia Chelsea, nơi có nhà dưỡng lão dành cho các cựu chiến binh. Với tình hình cầu thủ Chelsea những năm gần đây, tên gọi này xem ra khá phù hợp.

Tháng 5-2009, tôi may mắn được xem trực tiếp trận Arsenal gặp Chelsea trên sân Emirates. Đó là thời điểm cuối mùa và cả hai đội đều hết hi vọng giành một trong hai vị trí đầu bảng, nhưng không vì thế mà trận derby thành London kém phần quyết liệt. Arsenal đã có một trận đấu rất hay, tấn công dồn dập. Chỉ tiếc ở những thời điểm quyết định họ thiếu may mắn và xử lý bóng thiếu kinh nghiệm hơn đối phương. Tôi là người hâm mộ của Arsenal nên khi chứng kiến đội nhà bị bể trận thua tan nát 1-4, lòng buồn thảm não.

Trong trận đó cũng như nhiều trận khác, hai cựu cầu thủ Arsenal hiện đang đá cho Chelsea là Ashley Cole và Anelka mỗi lần có bóng đều bị CĐV Arsenal la lối do cả hai rời Arsenal vì tiền. Được các chuyên gia cho là hậu vệ cánh trái tốt nhất tuyển Anh và thế giới hiện nay, Ashley Cole trưởng thành từ cái nôi huấn luyện cầu thủ trẻ của HLV Arsene Wenger.

Ra sân dưới màu áo Arsenal từ năm 18 tuổi, năm 2006 anh chuyển sang Chelsea trong khi vẫn còn hai năm hợp đồng với Arsenal và từ đó bị báo chí Anh gọi là “Cashley Cole” (chơi chữ, cash: tiền mặt). Trong khi Anelka xuất hiện trong màu áo Arsenal năm 17 tuổi, là một phần trong đội hình giành chức vô địch Premier League mùa bóng 1997 -1998 nhưng một năm sau lại đi theo tiếng gọi của anh “nhà giàu” Real Madrid.

Hai ví dụ trên tóm lược những gì Chelsea và Arsenal hướng tới. Chelsea chỉ mua cầu thủ ở đỉnh cao phong độ và gần như không có giá trị bán lại (resale value), khi rời đội bóng phía tây London họ chủ yếu vào độ tuổi trên 30 và những vụ chuyển nhượng toàn lỗ nặng. Vì vậy, dù vài năm trở lại đây Chelsea đạt được nhiều thành tích nhất định nhưng luôn đứng đầu danh sách lỗ và nợ của giải.

Nhiều chuyên gia bóng đá đánh giá Arsenal sẽ gặp nhiều khó khăn trong trận cầu đêm mai vì họ phải chơi trên sân khách và vắng nhiều trụ cột như Van Persie, Fabregas, Walcott, Bendtner..., trong khi Chelsea chỉ có mỗi Frank Lampard không thể ra sân. Nhưng tôi lại có linh cảm đêm mai Arsenal sẽ tạo nên phép mầu kỳ diệu trên sân khách. Không biết có phải mình mê Arsenal quá không, nhưng mỗi khi Arsenal xung trận tôi đều có niềm tin lớn ở đội bóng trẻ trung này.

Thủ đô London đêm mai sẽ ngập tràn không khí bóng đá. Nhưng khi mình có cơ hội được xem trận đấu đỉnh cao này, nghĩ mà thương cho nhiều CĐV bóng đá VN không được xem bóng đá Anh đêm chủ nhật...

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Tỉ phú đối đầu

Trận cầu đang được chờ đợi giữa hai đại gia Chelsea và Manchester City vào đêm nay.

Trung vệ John Terry (Chelsea, trái) và tiền đạo Adebayor (M.C):
ai sẽ thắng ở cuộc đối đầu này?
Nếu hỏi bất kỳ một CĐV Giải ngoại hạng Anh điểm chung của hai đội Chelsea và Manchester City, sẽ có những câu trả lời như “HLV người Ý”, “mặc áo xanh da trời”, nhưng chắc chắn phần lớn người được hỏi sẽ nói “đều là hai đội tỉ phú”. Vì vậy, cuộc đụng độ giữa hai “nhà giàu” hai miền nam - bắc, Manchester City tiếp Chelsea trên sân nhà là trận được chờ đợi nhất vòng này.

Mặc dù thắng cả năm trận đầu tiên giải ngoại hạng nhưng hơn lúc nào hết Chelsea đang khao khát ba điểm trước Manchester City, đội bóng lấy điểm của họ nhiều nhất mùa bóng năm ngoái (Man City thắng cả trên sân nhà lẫn sân khách).

Trận đấu giữa Chelsea và Manchester City diễn ra vào
ngày 25-9 đang được người xem mong đợi vì
đây là cuộc đối đầu giữa hai tỉ phú - Ảnh: AFP
Tiền vệ cánh trái Malouda của Chelsea hiện cùng Berbatov của Manchester United tạm dẫn đầu danh sách vua phá lưới, nói: “Mọi người không tin những gì chúng tôi làm được từ đầu mùa tới giờ là giỏi, vì họ nói tất cả đối thủ chúng tôi gặp đều yếu. Vì vậy những trận sắp tới sẽ chứng tỏ chúng tôi sẵn sàng trước bất cứ đối thủ nào”.

Xét về lịch sử, CĐV hai đội này không có ân oán giang hồ nhiều, phần vì ở xa nhau, phần vì cả hai đều không phải những đội bóng lớn nhất giải như Arsenal, Liverpool hay Manchester United (Chelsea chỉ mới phất lên trong hơn năm năm nay).

Khi được tỉ phú Nga mua lại năm 2003 và rót tiền như nước, sau hai mùa bóng Chelsea đã giành được chức vô địch và giữ vững một trong hai ngôi đầu bảng từ đó đến nay, chỉ một lần sẩy chân đứng hạng ba năm 2009. Tuy vậy không phải CĐV Chelsea nào cũng vui với kết quả này. Richard, một người quen của bạn thân tôi, nhiều năm có vé mùa xem tất cả các trận tại Stamford Bridge, đã thôi ủng hộ Chelsea từ năm 2004 vì không muốn đội của mình phát triển theo kiểu đó.

Khi được Tập đoàn Abu Dhabi United của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) mua vào tháng 9-2008, Manchester City, với thành tích đứng thứ 14 và thứ 9 giải ngoại hạng hai năm trước, chỉ sau một đêm thức dậy đã trở thành một trong những CLB giàu nhất thế giới, mùa bóng sau giành ngay hạng 5, thành tích cao nhất giải ngoại hạng họ từng đạt được.

Khi tôi tỏ vẻ lo ngại Manchester City sẽ “tệ” như Chelsea, “tệ” không phải vì lối chơi (nhiều cầu thủ đắt tiền chắc chắn sẽ chơi hay), mà vì sự vung tiền như nước mua cầu thủ ngang dọc khắp nơi, dân Anh ai cũng lắc đầu: “Man City sẽ tệ hơn vì tỉ phú Nga dù giàu mấy cũng có thể hết tiền, trong khi tỉ phú dầu hỏa Ả Rập nguồn tiền sẽ không bao giờ cạn”.

Quả thật, dù đã chi hơn nửa tỉ đôla cho Man City chỉ riêng cho việc mua cầu thủ nhưng chủ nhân CLB mặt vẫn không biến sắc, tuy vậy HLV Mancini cũng hiểu nếu ông không giành được ít nhất một suất tham gia Champions League vào năm sau, bị sa thải sẽ là điều tất yếu.

Man City đang đá tốt hơn và vừa mua nhiều cầu thủ hàng đầu. Các cầu thủ của họ sẽ xem trận đấu này là cơ hội chứng tỏ họ sẵn sàng chiến đấu cho chức vô địch. Nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ chức vô địch của mình bằng bất cứ giá nào” - Malouda phát biểu, và vì thế cả nước Anh chờ trận đấu tưng bừng tại sân City hôm nay.

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Chờ xem tiệc bóng đá

Sự ghét nhau “xúc vỏ đổ đi” giữa hai người láng giềng Liverpool và Manchester United (M.U) bắt nguồn trước cả bóng đá. Có người nói những bài hát trêu tức lẫn nhau của CĐV Liverpool và M.U nếu viết thành sách sẽ xếp dài hơn cả con đường East Lancs gần 50km nối hai thành phố miền bắc nước Anh này với nhau.

Tiền đạo Berbatov của M.U sẽ hát khúc khải hoàn trên sân nhà? - Ảnh: Reuters
Hãy nghe đây, Liverpool hát United bỏ chạy

Và chúng ta sẽ mãi mãi chiến đấu

Bởi vì hôm nay là ngày derby...”

(theo điệu bài Mary’s boy child, được hát trong các trận derby giữa M.U và Liverpool và lời được đổi lại nếu CĐV của M.U hát)

Nếu TP Liverpool có hai đội bóng Liverpool và Everton thì Manchester có M.U và Man City, Liverpool có ban nhạc The Beatles thì Manchester có The Bee Gees, Liverpool có cảng biển thì Manchester có con kênh đào cách đây hơn trăm

năm để thuyền bè khỏi đi qua thành phố vùng Merseyside, dẫn đến việc nhiều người Liverpool thất nghiệp. Năm nay Liverpool tổ chức triển lãm tranh gốc của Picasso thì Manchester “lật đật” triển lãm kho tàng một pharaoh Ai Cập. Manchester có Rooney thì Liverpool... cũng có Rooney (sinh ở ngoại ô Liverpool và được HLV David Moyes của Everton cho ra sân trận đầu tiên năm 16 tuổi)...

Thật vậy, mối quan hệ giữa M.U và Liverpool từ khi mới thành lập đã không mấy tốt đẹp. Gần đây nhất là trận Liverpool thắng ở Cúp FA năm 2006, khi Alan Smith của M.U. bị gãy chân phải cáng ra sân, các CĐV và cầu thủ ẩu đả loạn xạ. Tệ hơn, các “hooligan đội lốt CĐV” của Liverpool còn tấn công xe cứu thương chở Smith đi bệnh viện. Thời điểm duy nhất hai đội bớt ghét nhau là sau thảm họa Hillsborough khi 93 CĐV Liverpool bị giẫm đạp đến chết trong trận gặp Nottingham Forest năm 1989, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đâu lại vào đó.

Nếu may mắn có dịp xem bóng đá trực tiếp trên sân, bạn sẽ nghe những bài hát được CĐV hát hò khen đội mình và trêu ghẹo đối phương mà trên tivi không nghe rõ lời, chẳng hạn:

“Mi không còn nổi tiếng nữa, mi không còn nổi tiếng nữa” (CĐV M.U hát trêu Liverpool 20 năm nay, kể từ khi đội bóng vùng Merseyside chưa lần nào giành được chức vô địch Giải ngoại hạng).

“Biến đi, Man U FC. Mi sẽ không bao giờ có được lịch sử như chúng ta. 5 cúp châu Âu, 19 lần vô địch Anh. Đó mới gọi là lịch sử”.

“Bị bán cho Mỹ. Bị bán cho Mỹ” (CĐV Liverpool hát khi Malcolm Glazer mua M.U, dựa theo ca khúc nổi tiếng Sinh ra ở Mỹ).

Trong vòng 10 năm trở lại đây, những cuộc đối đầu trong khuôn khổ Giải ngoại hạng giữa hai kỳ phùng địch thủ này luôn tưng bừng và chỉ có hai trận hòa. Vì vậy, trận đấu đêm nay sẽ là bữa tiệc cho các tín đồ bóng đá dù có phải là CĐV của một trong hai đội hay không.

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Xem Arsenal “đáng đồng tiền bát gạo”

Trên đường tới sân Emirates xem đội nhà Arsenal gặp đối thủ Bồ Đào Nha Braga trong khuôn khổ Champions League, tôi không trông đợi các pháo thủ thành London sẽ thắng đến 6-0 do họ vắng nhiều trụ cột vì chấn thương.

Fabregas (phải) ăn mừng bàn thắng cùng đồng đội Vela - Ảnh: Reuters
Các trụ cột như hai tiền đạo Van Persie và Bendtner, cùng tiền vệ tấn công Walcott và hậu vệ Vermaalen đều chấn thương không thể ra sân.

Emirates chính thức thay Highbury làm sân vận động của Arsenal từ tháng 8-2006, nhưng vé rất khó mua nên đến tháng 4-2008 tôi mới có dịp đi xem ở Emirates lần đầu, trận gặp đối thủ Tây Ban Nha Villarreal lượt về tứ kết Champions League, Arsenal thắng 3-0.

Tôi còn nhớ trận đó các CĐV đã dành nhiều tình cảm cho tiền đạo người Togo Adebayor, khi anh ghi bàn cũng như trong suốt trận, vì vậy mùa bóng sau khi tiền đạo này sang Manchester City và có nhiều thái độ không hay (đạp gót giày vào mặt Van Persie, hoặc sau khi ghi bàn chạy về phía khu vực khán giả Arsenal để trêu tức), ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Đêm 15-9, tôi lại có cơ hội xem Arsenal thi đấu với Braga ở Emirates. Lần này tôi có vé tốt, ngồi cách cầu môn chỉ năm dãy ghế, sau hàng phóng viên quốc tế dày đặc. Sau lưng tôi là một nhóm khoảng mười người Mỹ, nói chuyện suốt từ đầu đến cuối buổi (dân Anh vẫn hay kêu dân Mỹ nói nhiều, nói to và hay nói “tào lao”).

Sau khi Fabregas ghi bàn đầu tiên từ chấm 11m, một anh hỏi “Braga là vùng nào ở Anh?” làm tôi bấm bụng cười, anh khác sửa lại: “Không, không phải ở Anh, đây là chỗ khác, ở Bồ Đào Nha”. Anh kia nói: “Sao ở Bồ Đào Nha mà đá ở đây?”, “Đây là giải bóng đá châu Âu, gọi là Championship, không phải chỉ dành cho những CLB ở Anh”. Tôi phải kiềm chế lắm mới không quay lại sửa: “Champions League, không phải Championship. Championship là giải vô địch Anh nằm dưới giải ngoại hạng một bậc”.

Suốt buổi, trong khi các anh vẫn tiếp tục nói huyên thuyên, tôi thầm tiếc cho biết bao nhiêu CĐV bóng đá cuồng nhiệt trên thế giới mơ ước được đến sân xem một lần mà không có dịp.

Bình luận viên Jonathan Stevenson của BBC nhận xét “đây là một trận đấu Arsenal tiếp tục trình diễn lối chuyền bóng có sức thu hút như nam châm, trong khi cả buổi tối Braga chỉ biết đuổi theo bóng” (bóng của người, shadow, không phải trái bóng). Roland bạn tôi, cũng có trên sân đêm qua, nhận xét khi hết chấn thương tiền đạo người Đan Mạch Bendtner sẽ khó lấy lại vị trí trong đội hình Arsenal do cầu thủ mới mua Chamakh quá khởi sắc.

Đây là một minh chứng tiêu biểu cho việc ông Wenger, có biệt danh “giáo sư” (the professor) do dáng người và gương mặt trí thức, có con mắt tìm cầu thủ trẻ ít ai biết đến nhưng rất tiềm năng.

Trận thắng 6-0 “đáng đồng tiền bát gạo” cho tôi và các CĐV nhà của Arsenal cũng là trận thắng đậm nhất của lượt trận đầu tiên Champions League, vì vậy ai cũng khấp khởi mong một mùa bóng khởi sắc cho “giáo sư” Wenger và các cầu thủ trẻ phía bắc London này.

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Arsenal “bất khả chiến bại”

Lượt trận đầu tiên của vòng bảng Champions League sẽ chứng kiến “những pháo thủ thành London” Arsenal đón tiếp đại diện Bồ Đào Nha Braga trên sân nhà Emirates lúc 1g45 sáng 16-9 (giờ VN).

Tiền đạo người Mexico Carlos Vela của Arsenal sẽ ăn mừng bàn thắng vào lưới Braga? - Ảnh: AFP
Dù có ưu thế sân nhà và các học trò đang rất hưng phấn sau trận đè bẹp Bolton 4-1 ở Giải ngoại hạng Anh cuối tuần qua, nhưng HLV Arsene Wenger có nhiều lý do để lo lắng về trận đấu này. Thứ nhất, hầu hết các trụ cột Arsenal đều rất trẻ trung. Vì thế, HLV người Pháp lo ngại căn bệnh tự mãn sẽ tiêu diệt khát vọng chiến thắng của đội chủ sân Emirates. Thứ hai quan trọng hơn là Braga đang có phong độ rất tốt. Mùa năm ngoái, CLB có biệt danh “Arsenalistas” này đã qua mặt cả Porto và Sporting Lisbon để xếp thứ hai ở Giải vô địch Bồ Đào Nha. Năm nay, họ mở đầu mùa bóng bằng thành tích đáng kinh ngạc là loại cả hai tên tuổi giàu truyền thống thành tích của bóng đá Scotland và Tây Ban Nha ở vòng play off là Celtic và Sevilla để có mặt ở vòng đấu bảng Champions League.

Braga không dễ bị bắt nạt nhưng tôi ủng hộ Arsenal vì đây là một trong những đội tôi thích nhất bởi họ trẻ trung, luôn cống hiến thứ bóng đá tấn công quyến rũ và lúc nào cũng muốn ghi bàn dù đang dẫn đối phương với tỉ số đậm. Chính vì thế, dưới thời Wenger, Arsenal đã có kỷ lục ghi bàn đáng nể. Bàn nâng tỉ số lên 3-1 của Alex Song ở trận gặp Bolton cuối tuần qua là bàn thắng thứ 1.000 của các pháo thủ thành London dưới thời HLV người Pháp sau 528 trận (những HLV tiền nhiệm của Arsenal đạt được 1.000 bàn thắng sau 683 trận).

Arsenal của những năm 1980, 1990 được biết đến với tên “boring boring Arsenal” (Arsenal nhàm chán, nhàm chán) vì hơn mười năm dưới thời George Graham, các pháo thủ chỉ nhắm đến tỉ số 1-0 vừa đủ thắng, thật khác xa Arsenal “nã đạn” của hôm nay. Wenger đến và tạo ra một bộ mặt khác cho Arsenal, khiến ông rất được lòng nhiều cổ động viên.

Arsenal là đội bóng đầu tiên tôi đến sân vận động thăm, đó là một ngày đầu tháng 8-2002, tôi mới tới London lần đầu. Giải ngoại hạng đang ở giai đoạn nghỉ hè nhưng tôi vẫn mò mẫm tìm đến Highbury (sân cũ của Arsenal) bằng được, dù chỉ để nhìn sân bên ngoài vắng vẻ. Sau này đã “lăn lộn” xem bóng đá ở nhiều sân khác nhau nhưng kỷ niệm ngày mùa hè cách đây tám năm tôi vẫn nhớ, trong mắt tôi Highbury vẫn là sân đẹp nhất, nhìn cá tính và có không khí hơn nhiều so với sân Emirates sang trọng hiện đại.

Arsenal cũng là CLB được các CĐV trung lập tại Anh yêu thích nhất. Không coi thường đối phương, không vung tiền như nước để mua cầu thủ, không “lấy thịt đè người” khi thi đấu, các pháo thủ phía bắc London là một hình ảnh kinh điển của bóng đá đẹp. Đặc biệt, mùa bóng 2003-2004 Arsenal đã làm nên lịch sử khi là đội đầu tiên và duy nhất đến nay của giải ngoại hạng không thua trận nào suốt mùa, để khắc tên “Arsenal the Invincibles” (Arsenal bất khả chiến bại), cái tên vốn trước đó chỉ dành riêng cho Preston North End mùa bóng 1888-1889 cách đây hơn trăm năm. Nhiều người cho rằng thành tích đó sẽ không ai có thể lặp lại được. Cha một người bạn tôi, ông Tom, CĐV trung thành suốt nửa thế kỷ qua của Arsenal, đã xem nhiều thế hệ cầu thủ Arsenal thi đấu trên sân từ những năm 1960, cũng đồng ý điều đó.

Tôi thật may mắn có được chiếc vé xem trận Arsenal - Braga. Hi vọng đêm 15-9 sẽ cho tôi những kỷ niệm đẹp tại Emirates.

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Chuyện về “Rooney-esque”

Trước trận đấu gặp Thụy Sĩ rạng sáng 8-9 (giờ VN), có lẽ Rooney đang trong giai đoạn bấn loạn nhất của sự nghiệp. Là lựa chọn số 1 cho vị trí tiền đạo, anh đã đá 957 phút cho tuyển Anh kể từ tháng 3-2009 mà không ghi được bàn nào.

Rooney (trái) trong trận Anh thắng Thụy Sĩ 3-1. Ảnh: AFP
Cuối tuần qua, trong khi các báo chính thống chỉ nói đơn giản “cáo buộc liên quan đến đời tư”, nhiều tờ báo lá cải liên tiếp giật tít và viết những bình luận gây sốc về chuyện đời tư của Rooney. Nhiều người nghi ngờ khả năng anh được chọn đá trên sân Basel, nhưng HLV Fabio Capello vẫn đặt niềm tin vào cầu thủ đang bị truyền thông kết tội. Và kết quả Rooney và đồng đội đã chơi xuất sắc trên đất Thụy Sĩ để giành chiến thắng 3-1. Rooney là tác giả bàn mở tỉ số cùng hai bàn của hai cầu thủ dự bị là Adam Johnson và Darren Bent.

Rooney vốn có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với giới báo chí, cả lá cải lẫn chính thống. Sinh ra trong một gia đình lao động ở Liverpool, anh có điệu bộ khá “sát thủ” cả trong và ngoài sân cỏ, đến nỗi ở Anh có thêm một tính từ mới: Rooney-esque, để chỉ những cậu con trai mới lớn mặc quần dài thể thao dáng đi khệnh khạng và nói chuyện cộc lốc. Cũng như nhiều người hâm mộ bóng đá khác, tôi vẫn chưa quên hành động tháo giày ném ra xa khá hỗn của Rooney lúc anh bị HLV tuyển Anh khi ấy là Sven Goran Eriksson thay ra do phong độ không tốt trong trận gặp Bồ Đào Nha cách đây vài năm.

Nhưng Rooney hôm nay có vẻ đã chín chắn hơn nhiều. Im lặng trước búa rìu dư luận sau một World Cup tệ hại, anh đột ngột tỏa sáng trong trận gặp Bulgaria cuối tuần trước. Cứ tưởng mọi việc sẽ ổn thì anh lại dính cú sốc cuối tuần rồi. Vì vậy, phong độ tốt của anh tại Thụy Sĩ chứng tỏ một sự vươn lên và bản lĩnh không dễ có được. Đội trưởng Steven Gerrard nói: “Kết quả trên sân Basel rất tốt cho Rooney. Tất cả những lời bàn tán vừa qua đều là về Rooney nên việc cậu ấy có bàn thắng là điều rất mừng”.

Trước khi trận đấu diễn ra, những trạm xe điện ngầm ở London (Anh) xảy ra đình công nên tôi phải đến nhà bạn xem bằng xe buýt chật như nêm. Vừa đứng một chân trên xe, vừa đọc tờ Evening Standard nói về những chuẩn bị trước vòng hai, trong đó “điểm nhấn” là việc bầu không khí trong trại huấn luyện của đội Anh sau vụ Rooney giống như một... bệnh viện tâm thần!

Hi vọng với chiến thắng mới này, tinh thần Rooney và đội tuyển trước trận gặp Montenegro ở lượt trận thứ ba trên sân Wembley đêm 12-10 sẽ hưng phấn hơn.

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Phố biển nghệ sĩ

Chiếc lược ưa thích nhất của tôi được mua ở Marốc, dài bằng bàn tay, răng thưa và làm toàn bằng gỗ màu nâu có mùi thơm nhẹ từ gốc và thân cây thuya khô, giá chỉ 10 dirham (khoảng 28.000 đồng Việt Nam). Mỗi khi dùng nó, tôi lại nghĩ về những người thợ mộc địa phương với chiếc cưa nhỏ, tẩn mẩn đẽo những món đồ gỗ trên phố biển Essaouira...

Trên chuyến xe bus từ Casablanca đến Essaouira, thành phố biển Marốc đầy nắng gió với kiến trúc hài hòa và đa dạng của Pháp, Bồ Đào Nha và dân tộc Berber, Alastair và tôi nhấp nhổm không yên vì xe đi trễ, gần nửa đêm mới tới nơi.

Email đặt phòng của nơi ở có dặn tới ki-ốt của công ty du lịch nằm tại quảng trường Moulay El Hassan để lấy chìa khóa và có người dẫn đi lấy phòng, nhưng chúng tôi lại quên không lấy địa chỉ nơi ở cũng như số điện thoại liên lạc nên chỉ sợ nửa đêm ở đó đóng cửa thì không biết ngủ ở đâu.

Hàng cọ bên đường dọc bãi biển
Khi xe đến nơi, dừng lại lấy hành lý, cô gái Ả Rập trạc tuổi chúng tôi có khuôn mặt rất tươi, đầu trùm kín theo phong tục Hồi giáo, dẫn đứa con nhỏ ngồi băng ghế bên cạnh trên chuyến xe quay sang: “Nếu chỗ đó đóng cửa, hai bạn tới nhà tôi ở tạm. Nhà tôi gần đây, để tôi đưa số điện thoại nhé!”.

Tôi ngại ngùng nói: “Không sao, cảm ơn bạn, nếu chỗ đó đóng cửa, chúng tôi tìm chỗ khác”. Cô nhướng mắt: “Các bạn cẩn thận, ở đây cũng có lúc nguy hiểm lắm. Cứ lấy số điện thoại của tôi, bây giờ nửa đêm rồi”. Lúc đó, Alastair đã lấy hành lý từ khoang xe, anh nói: “Chắc không sao, chúng tôi đi du lịch nhiều lắm, bạn đừng lo”.

Sau khi đã về đến nơi ở (quảng trường trung tâm gần như hoạt động cả đêm, trái với những lo lắng khi trên xe), chúng tôi tự trách mình sao không lấy số điện thoại của cô gái trẻ ấy để có thể mời cô đi uống nước cảm ơn. Trong những chuyến đi xa, đã bao giờ bạn gặp ai đó rồi mất liên lạc hoặc quên không lấy thông tin, để rồi mỗi lần nghĩ tới lại thấy băn khoăn, giận mình?

Nơi tập trung của các nghệ sĩ

Essaouira đã nhiều thế kỷ là cầu nối giao thương giữa Timbuktu tới vùng cận sa mạc Sahara với châu âu, khi hàng hóa của cựu lục địa được mang đi đổi lấy muối, gia vị, đường, trà và vàng bạc từ châu Phi.

Phố cổ (medina) quanh co nhiều đường nhỏ như ma trận được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nhà cửa nổi bật với ba màu xanh da trời, vàng nâu và trắng, ngay cả con thuyền đánh cá trên cảng, sạp hàng bán đồ gốm, trà và đồ gỗ thuya, hay những chiếc ghế dài kê trên sân thượng nhìn ra biển..., cũng mang tông màu này, tạo cho phố xá một nét rất riêng.

Nhà cửa nổi bật với ba màu xanh da trời, vàng nâu và trắng
Nhưng đặc biệt hơn cả, Essaouira còn được biết đến như nơi tập trung của các nghệ sĩ (nghệ sĩ chân chính chứ không phải khái niệm vài năm nay ở Việt Nam dùng để chỉ những người làm trong ngành giải trí như ca sĩ, người mẫu, diễn viên “lôm côm”. Với định nghĩa về nghệ thuật dễ dãi và lạ đời này, những cô xinh đẹp lộ hình hở hang cũng được xếp chung một giới với... nhạc sĩ Văn Cao).

Phố biển này là nơi Jimi Hendrix đến thăm nhiều lần trong thập niên 1960, được nhiều người cho là nơi tạo nguồn cảm hứng sáng tác bài Castles made of sand với câu hát bất hủ “Và những lâu đài làm bằng cát cuối cùng sẽ tan trong biển”.

Sau Jimi Hendrix, lần lượt những thần tượng âm nhạc khác như Bob Marley, Franz Zappa và Cat Stevens (người sau này cải đạo Hồi và được biết dưới tên mới Yusuf Islam) cũng xem thành phố chậm rãi và êm dịu như thánh địa trên những nẻo đường châu Phi.

Quầy bán thảm và đồ da trong phố cổ medina
Du khách và những anh chàng Marốc chủ quán nhạc cụ dân tộc
Phố biển này cũng tổ chức liên hoan nhạc Gnaoua và thế giới. Người Gnaoua vốn là con cháu của nô lệ các nước Tây Phi di cư sang, ngày nay đã hoàn toàn hòa nhập vào xã hội Marốc nhưng vẫn giữ các truyền thống và văn hóa của mình, chẳng hạn những chiếc áo chùng dài và nón sặc sỡ đính vỏ ốc, hoặc những âm thanh đặc trưng phát ra từ nhạc cụ dân tộc. âm nhạc Gnaoua mang tính tâm linh, pha trộn âm nhạc của vùng cận sa mạc Sahara, của người dân tộc Berber và người Ả Rập.

Bỗng dưng “thương nhớ mười hai”

Có lẽ ngoại trừ bốn ngày rộn ràng lễ hội âm nhạc Gnaoua vào tháng Sáu hằng năm, Essaouira luôn là một ốc đảo tĩnh lặng so với những thành phố khác của đất nước Bắc Phi này. Biển xanh, nhịp sống chậm rãi, không gian mát mẻ và những làn gió biển hiu hiu gợi nhớ lời văn của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai: “...trời trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh”.

Chắc hẳn cũng có nhiều người vất vả, nhưng không hiểu tại sao dưới mắt tôi lúc đó, đời sống của người ta có vẻ nhẹ nhàng, bình dị, không bôn ba lo nghĩ đến đồng tiền như bây giờ để đáp ứng những đòi hỏi mỗi ngày một nhiều hơn.

Đường phố vãn hẳn người đi lại. Nằm ở trong nhà nhìn ra bên ngoài thấy cái cảnh êm ả của phố phường, tự nhiên mình cảm giác thấy cái nắng cũng có vẻ nên thơ, tiếng giun tiếng dế nghe cũng có một cái gì thú vị, mà ngay đến sự uể oải của người ta cũng là thứ uể oải phong lưu chứ không phải vì quá lao tâm khổ trí mà thành ra kiệt sức.

Tôi không biết “uể oải phong lưu” ra sao (vì bản thân lâu lâu cũng thấy uể oải nhưng là uể oải vì quá lao tâm khổ tứ), chỉ biết những ngày ở Essaouira đã mang lại những kỷ niệm đẹp và những giờ thư thái. Buổi sáng chúng tôi dậy sớm ra bãi đậu thuyền đánh cá, mua hải sản từ những quầy nằm dọc bến, rẻ hơn hải sản Việt Nam, tha hồ ăn cua, mực, cá, ốc hấp trong bếp ở căn hộ.

Ăn trưa xong lại nằm trên bãi cát dài uốn cong, mặc dù Marốc rất nóng nhưng nước biển lại lạnh, có lẽ vì đây là Đại Tây Dương, tắm xong phải lên bờ hong nắng cho ấm người, bởi vậy ở đây nổi tiếng với môn lướt sóng hơn tắm biển. Tắm chán lại đi loanh quanh các souks, những con đường nhỏ với sạp hàng đầy màu sắc bán thảm dệt, lông đà điểu, đồ gỗ, túi da..., ở đây ít có nạn chèo kéo và nói thách như những điểm du lịch khác ở Marốc.

Chạng vạng trên pháo đài Skala, ánh sáng trắng mờ phủ lên biển và đường chân trời, cùng với thành lũy hùng vĩ với những khẩu canon đồng hàng trăm tuổi, làm cảnh vật mang vẻ nửa hư nửa thực
Hoàng hôn, cả hai lại lên pháo đài Skala được xây từ thế kỷ XVIII, ngắm sóng biển vỗ ầm vào vách thành lũy tung bọt. Chạng vạng, ánh sáng trắng mờ phủ lên biển và đường chân trời, cùng với thành lũy hùng vĩ với những khẩu canon bằng đồng hàng trăm tuổi làm cảnh vật mang vẻ nửa hư nửa thực.

Tối đến, tôi đi mua bó lá bạc hà trên chiếc xe cút kít của người bán dạo về pha trà bạc hà tươi uống với bánh ngọt hình cong, hạnh nhân nghiền trộn nước hoa cam làm nhân bọc trong lớp bột rồi nướng. Trên sân thượng, trăng lên rực màu da cam trên nền trời đen thẫm, ánh đèn hắt lên từ con hẻm nhỏ bên dưới quyện ánh trăng cũng nhuộm những căn nhà rực màu da cam. Con hẻm trông giống bức tranh Courtyard in Morocco của Edwin Lord Weeks, tường vôi tróc lở từng mảng lộ lớp gạch đỏ nâu, tĩnh lặng và râm mát.

Từ đó bước ra đường, đối diện với bưu điện là cửa hàng bán nhạc cụ dân tộc. Alastair muốn mua đàn guenbri, nhạc cụ của người Gnaoua gần giống đàn tam của Việt Nam, nên chúng tôi ghé vào. Anh chàng chủ tiệm không biết có phải người Gnaoua hay không nhưng nhìn cũng khá nghệ sĩ, tóc dài cột bện, biểu diễn thử những nhạc cụ trong shop cho chúng tôi nghe khá chuyên nghiệp.

Trả giá mua đàn guendri không được vì khá đắt, cuối cùng Alastair chọn mua chiếc trống nhỏ bọc bằng da cá. Hai người có vẻ khá tâm đầu ý hợp, vắng khách nên anh chàng kia rủ thêm một anh nữa ở quầy bên rồi kéo chúng tôi ở lại uống trà bạc hà. Tôi đã bùng tai vì tiếng nhạc nên để Alastair ở lại, còn mình đi đến một tiệm bán dầu argan (dầu ép từ một loại cây chỉ trồng được ở Essaouira và vùng lân cận) để mát-xa bằng dầu argan cho lại sức.

Trong các sách hướng dẫn du lịch Marốc thường nhắc đến gallery nghệ thuật của Frederic Damgaard. Nghệ sĩ người Đan Mạch này đến Essaouira vào những năm 1960, khi đây bắt đầu là tụ điểm của phong trào hippy, các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới tụ hội để sáng tác và… hút thuốc phiện. Ông ở lại phố biển và hai mươi năm sau mở gallery nghệ thuật trưng bày những sáng tạo bằng gỗ thuya của mình.

Ngày nay, ông còn trưng bày tranh và các tác phẩm điêu khắc của các nghệ sĩ địa phương. Gallery của Damgaard được biết đến ở châu Âu như một biểu tượng văn hóa đại diện cho trường phái nghệ thuật Essaouira, “đưa bạn đến một thế giới kỷ ảo đầy màu sắc và hy vọng, với nguồn cảm hứng từ những souks và quán cà phê của Essaouira” như trang web morocco.com viết.

Essaouira cũng là nơi vào những năm 1950 đạo diễn Orson Welles quay phim Othello từ tác phẩm của Shakespeare, một bộ phim gặp không ít khó khăn trong quá trình dựng và mất của ông hết bốn năm gian khổ. Khó khăn lớn nhất là việc diễn viên bỏ đi trước khi phim làm xong, ông phải thuê dân địa phương đóng thế và dùng nghệ thuật quay bóng (silhouette, không phải… homosexual) để không ai nhận ra sự khác biệt.

Khó tin nhất là vào cuối giai đoạn đó, những bộ áo giáp của các chiến binh trong phim được làm bằng hộp cá mòi. Nhưng sau này nhớ lại, Welles đã nói thời gian ở Essaouira là “một trong những thời điểm hạnh phúc nhất của tôi”.

Đọc đến đây, tôi thầm nghĩ mình chỉ có vài ngày ở Essaouira, nếu ở đó bốn năm như Orson Welles, rất nhiều khả năng tôi cũng cùng suy nghĩ ấy.

Cảnh gợi nhớ lời văn của Vũ Bằng: “...trời trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh” (thật ra trong ảnh có… tấm vải màu xanh)
Thuyền đánh cá trên cảng, sạp hàng bán đồ gốm,... mang tông màu xanh da trời, vàng nâu và trắng
Quán bar trên bãi biển
Phụ nữ địa phương vẫn phải trùm khăn khi xuống biển